Đại Chúng số 116 - ngày 15 tháng 3 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Neu Cao Chinh Nghia

K

Hoa Ky Nhung Net Dac Trung

Chong Chu Nghia Cong San

Tu Lang Van Ho Den UNESCO

Dau Trang Giot Nang

Phan Thanh Gian

Van Hoa Va Van Minh

Ta Ao Tim

Tuc Goi Thiep To Tinh Yeu

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Khoa học & Y khoa

Chuyen Huyen Bi

Chi Con Me Voi Anh

Vũ trụ & Con người

Ra Mat Sach CD Vu Hoi

Ngay Tet Va Con Ca Ro

Mon An Dac San Mien Nam

Trang thơ

Vai Net Ve Tho

Nhung Mua Xuan Qua

Lich Su Hon Non Bo

Tết Nguyên Đán Việt nam

Ý Nghiã và Phong Tục

(tiếp theo kỳ trước)

GS PHẠM THỊ NHUNG

Khoảng trước năm 1930, ở ngoào Bắc, từ thành thị đến thôn quê, nhất là những vùng dân cư khá giả, cứ đến tối ba mươi Tết, trong giờ phút mọi người đang sum họp vui chơi dưới mái ấm gia đình, chờ đón giao thừa ấy, người ta lại nghe thấy vang lên từ ngoài cửa những tiếng lắc ống tre trong đựng những đồng tiền đồng, tiền kẽm… tạo nên một âm thanh rộn rã vui tai, xen lẫn với tiếng hát chúc Tết súc sắc súc sẻ của đám trẻ nghèo.

Mỗi khi nhận được tiền thưởng chúng lại bỏ chung vào ống rồi tiếp tục đến cửa nhà khác, vừa đi vừa lắc ống vừa hát lại những điệp khúc cũ :

Súc sắc súc sẻ

Nhà nào còn đèn còn lửa

Mở cửa cho chúng anh em tôi vào

Bước lên giường cao

Thấy con rồng ấp

Bước xuống giường thấp

Thấy con rồng chầu

Bước ra đằng sau

Thấy nhà ngói lợp

Voi ông còn buộc

Ngựa ông còn nằm

Ông sống một trăm

Linh năm tuổi lẻ

Vợ ông sinh đẻ

Những con tốt lành

Những con như tranh

Như con như rối

Tôi ngồi xó tối

Tôi đối một câu :

Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ

Nêu cao, pháo nổ, bánh chưng xanh

Thế rồi giây phút giao thừa đã đến, tiếng chuông chùa đổ hồi xen lẫn tiếng pháo nổû vang trời chào mừng năm mới.

Giao thừa là giây phút giao tiếp giữa năm cũ và năm mới. Theo tín ngưỡng bình dân, mỗi năm trên Thiên đình lại cho thay đổi vị hành khiển nơi hạ giới. Sự bàn giao diễn ra giữa đêm giao thừa nên lễ này còn gọi là lễ Trừ tịch (Trưø là giao lại chức quan, tịch là ban đêm), hay lễ Tống Cựu Nghinh Tân. Để tiễn đưa quan quân nhà Trời năm cũ trở về và đón tiếp phái đoàn năm mới đến, người ta thiết lễ ở ngoài trời đủ cả xôi gà, hoa quả, bánh mứt vì sợ nhiều vị đi, về vội vã chưa kịp ăn uống.

Nhiều nhà thì cúng lễ Hoàng Thiên và các thần linh tứ phương trong trời đất. Họ không bao giờ quên khấn nguyện các vị ban nhiều phúc lành cho gia đình họ.

Lễ thiên, thần ngoài trời xong, người ta đốt pháo mừng năm mới, và quay vào nhà lễ Thần chủ và gia tiên. Tiếng pháo vẫn tiếp tục nổ rền khắp đây đó.

Trên bàn thờ gia tiên đèn nến sáng trưng, trầm hương ngào ngạt. Những lễ vật như vàng mã, hoa quả, bánh chưng, kẹo mứt đã được bày sẵn từ chiều ; gia chủ chỉ còn phải thay cơi trầu mới, châm tuần rượu và tuần trà mới, đoạn thắp thêm hương và bắt đầu hành lễ. Không khí lễ gia tiên lúc này thật nghiêm trang và cảm động. Cả nhà đều hiện diện, áo ,quần chỉnh tề, người gia trưởng trịnh trọng khấn vái trước ban thờ tổ tiên và cầu xin các vị phù hộ cho đàn con cháu một năm mới được an khang, hạnh phúc.

Con cháu tuần tự theo thứ bậc tiến lên lễ rồi quay ra chúc Tết ông bà, cha mẹ để tỏ lòng hiếu thảo và biết ơn đối với các đấng sinh thành, theo đúng tin thần đạo thờ ông bà của người Việt ta :

Cây có gốc mới nẩy cành, xanh ngọn

Nước có nguồn mới bể rộng sông sâu

Người ta nguồn gốc ở đâu

Có tổ tiên trước rồi sau có mình.

Sau đó con cháu cũng được ông bà, cha mẹ chúc lại và được tiền mừng tuổi, đựng trong những chiếc phong bao đỏ ối. Cả gia đình đều vui vẻ chuyện trò, nói cười hỉ hả ; ăn mứt uống rượu hay uống trà để mừng năm mới. Nhiều nhàcó trẻ nhỏ thì người ta tổ chức chúc Tết ông bà, cha mẹ và mừng tuổi con cháu vào sáng mồng một Tết.

Ở thôn quê thì người ta lễ giao thừa nơi đình làng, dưới hình thức tế lễ Thành Hoàng, tức vị thần bảo hộ của dân làng, giữa tiếng chiêng, tiếng pháo nổ vang trời ; sân đình đèn đuốc sáng rực, cờ xí phất phới, nào cờ ngũ hành : xanh đỏ trắng vàng đen, nào cờ tứ linh, long ly qui phượng… đủ cả. Tục tế lễ Thành Hoàng trong ngày đầu năm để tỏ lòng tri ân và tưởng niệm tiền nhân, người có công ơn với làng xã, dân tộc. Đây là một tục lệ thuần túy Việt Nam, cũng phát xuất từ đạo thờ cúng ông bà, tổ tiên của dân ta mà ra (người Trung Hoa không hề có lệ này).

Sau lễ Thành Hoàng ở đình, bà con đi hái lộc, và lộc thánh được đem về cắm trên bàn thờ tổ tiên để lấy phước. Cành lộc phải là cành bẻ từ loại cây sống lâu năm để mong được trường thọ.

Sáng mồng một, gian nhà khách trông tưng bừng hẳn lên vì hoa đào, hoa mai nở rộ, toả hương thơm ngát khiến người ta có cảm tưởng chúa Xuân đang ngự trị nơi này.

Trên bàn thờ gia tiên đèn nến lúc nào cũng thắp sáng, trầm hương nghi ngút. Sau khi thay trầu, rượu và nước trà mới, người gia chủ lễ gia tiên rồi cùng con cháu ra vườn thăm hoa mai để bói hên xui. Nếu không có hoa trên cây ngoài vườn thì người ta bói hoa cắm trong bình. Hoa mai đơn thường chỉ có năm cánh, nếu thấy hoa nở rộ và có nhiều bông nở đến bảy, tám cánh thì là điềm tốt, thời vận gia chủ trong năm mới sẽ lên, con cháu đi làm, đi học đều được tấn phát.

Bói hoa, ngắm cảnh ngoài vườn rồi ông cháu, cha con theo nhau vào nhà chờ người khách đầu tiên đến xông đất.

Và cũng vì tin dị đoan, người ta cho rằng những gì xảy ra trong mấy ngày đầu năm đều có ảnh hưởng tốt xấu cho cả năm. Bởi thế, người ta đã cẩn thận tự xông đất lấy hay mời sẵn một vị tính tình vui vẻ, mau mắn lại có chức phận trong xã hội, sáng mồng một đến xông đất cho để lấy hên, với hy vọng suốt năm mới nhà họ mọi việc đều hạnh thông, tốt đẹp. Người khách quí ấy đã được đón mừng trịnh trọng bằng một tràng pháo nổ tưng bừng.

Khách đến xông đất ra về, gia chủ mới tính chuyện xuất hành. Có người còn đợi giờ tốt và xem đi hướng nào thì thuận lợiï mới xuất hành. Vì là năm mới, lần đầu tiên bước chân ra khỏi cửa nên người ta thường thích đi lễ chùa hay đền, miếu để cầu phước, cầu duyên và xin lộc, hoặc tự đi hái lộc lấy. Sau đó cứ theo tục lệ mà đi lễ Tết, chúc Tết và ăn Tết :

Mồng một thì ở nhà cha

Mồng hai nhà vợ, mồng ba nhà thầy.

Ngoài ra người ta còn đi chúc Tết chỗ bạn bè thân và bà con lối xóm.

Thế là suốt ba ngày Tết, người lớn thì ăn mặc chải chuốt, bảnh bao, trẻ em thì quần áo mới xúng xính đi theo cha mẹ. Nhà này đi chúc Tết nhà kia, tạo nên một không khí thật vui vẻ, thật nhộn nhịp. Đúng là vui như Tết !

Con người ta mỗi năm thêm một tuổi, năm mới đến người già tăng tuổi thọ, người trẻ thêm tuổi xuân, nên ai ai cũng hoan hỉ đón nhận :

Gặp nhau mừng tuổi cho nhau

Mừng câu hạnh ngộ, mừng câu tính tình

Mừng tuổi, tuổi lại thêm xinh

Tuổi ta phú quí, tuổi mình vinh hoa

Và để chúc Tết nhau, người ta thường sử dụng những câu lời hay ý đẹp, nhiều khi có sẵn trong kho tàng thành ngữ nước nhà. Chính vì giá trị về ý nghĩa và sự phù hợp của chúng nên dù có được lập đi lập lại nhiều lần, người chúc vẫn giữ được vẻ trang trọng, chân tình và người nhận chúc vẫn cảm thấy sung sướng, mãn ý. Như :

Chúc các vị cao niên thì :

- Tăng phúc, tăng thọ

- Sống lâu trăm tuổi

- Thân tâm thường lạc

Chúc nhà nông thì :

- Mùa màng thịnh vượng

- Phong đông hoà cốc

Chúc người công, tư chức thì :

- Thăng quan tiến chức

- Vinh hoa phú quí

Chúc người buôn bán thì :

- Buôn may bán đắt

- Nhất bản vạn lợi

Chúc người làm công nghệ thì :

- Ăn nên làm ra

- Phát tài sai lộc

Chúc người mới đến ngụ cư thì :

- An cư lạc nghiệp

Chúc cô cậu thư sinh, đang sửa soạn thi cử thì :

- Thi đâu đậu đấy

- Công thành danh toại

Chúc trẻ em thì :

- Hay ăn chóng lớn

- Thông minh học giỏi

Những người đi chúc Tết bao giờ cũng được gia chủ mời thưởng thức đủ thứ, nào là rượu ngon trà thơm, nào hạt dưa bánh mứt, nhất là thứ bánh mứt đặc sắc do chính bà chủ nhà tự tay làm lấy. Gần đến bữa ăn thì được giữ lại xơi cỗ. Người ta ăn cỗ Tết vì tình nghĩa, lấy thơm lấy thảo, chứ ngày Tết ai mà đói bao giờ.

Cỗ Tết nhà nào cũng thịnh soạn, ngoài những món cố hữu như bánh chưng, bánh tét, cá thịt kho, giò thủ, dưa hành, dưa kiệu, dưa món… các món khác thường mỗi ngày mỗi thay đổi. Đặc biệt ngày tiễn ông vải, các bà nội trợ miền Bắc không bao giờ quên sửa soạn món cuốn và món bún thang cổ truyền.

Nhà giàu cỗ bàn thịnh soạn đã đành, nhà nghèo cũng cố lo mâm cỗ Tết cho được tươm tất. Giỗ cha, bát cơm quả trứng cũng xong, nhưng những ngày Tết nhất, từ người chết : tổ tiên, ông bà, cha mẹ đã khuất đến người sống : vợ chồng con cháu phải được no đủ, nếu không sợ bị giông, sẽ bị đói quanh năm. Câu tục ngữ :

Đói giỗ cha

No ba ngày Tết

đã diễn tả được hết cảnh ngộ và tâm lý của những người dân nghèo xứ ta trong ba ngày Tết.

Cũng vì sợ giông, tức gặp sự không may tái diễn đi, tái diễn lại quanh năm suốt tháng nên từ phút giao thừa trở đi cho đến hết ba ngày đầu năm mới, người ta kiêng đủ thứ, nào là kiêng đổ rác (sợ thần tài ra khỏi nhà), kiêng đánh vỡ chén bát (sợ điềm gia đình ly tán), kiêng bị đòi nợ, kiêng nói tiếng xui xẻo, thô tục, kiêng gắt gỏng, giận hờn, cãi cọ, …

Có thờ có thiêng

Có kiêng có lành

Các cụ ta đã chẳng dạy thế sao ?

Và càng kiêng làm những điều xấu bao nhiêu, người ta càng cố gắng trở thành người hoàn thiện hoàn mỹ bấy nhiêu :

- nét mặt thì lúc nào cũng tươi tỉnh, vui vẻ

- cử chỉ thì dịu dàng, lịch sự

- lời nói thì hoà nhã, ngọt ngào

- tấm lòng thì cởi mở, độ lượng

Thế nên vô tình có gặp kẻ oán thù, người ta cũng sẵn lòng hỉ xả tha thứ, đổi giận làm vui để giữ hoà khí trong ngày Tết. Thật đúng là :

Giận đến chết ngày Tết cũng vui

Trong mấy ngày đầu năm, ngoài việc cúng gia tiên, người ta còn có lệ chọn một ngày tốt, hợp với bổn mạng mỗi người để :

- Người văn nhân, khách thi phú thì làm lễ khai bút, thường là sáng tác một câu đối hay một bài thơ mừng Xuân

- Người buôn bán thì làm lễ khai trương, mở cửa hàng đầu năm

- Người làm công nghệ, kể cả người theo nghề hát xướng thì làm lễ tổ sư, tức vị tổ trong nghề

- Người nhà nông thì làm lễ hạ thổ…

Người ta làm lễ cốt lấy ngày nên sau đó có thể lại tiếp tục nghỉ để vui chơi ăn Tết.

Kể từ chiều ba mươi Tết, người ta làm lễ cung thỉnh và đón mừng tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu cho đến ngày tiễn ông bà ông vải, ở thôn quê xưa kia thường tổ chức vào ngày lễ hạ nêu, tức là ngày mùng bảy Tết ; ở thành thị, vì bận làm ăn sớm, người ta tổ chức vào ngày mùng ba mùng bốn Tết, trong suốt thời gian này, trên ban thờ gia tiên hương khói không bao giờ để tắt, và phẩm vật của các con cháu gửi lễ Tết dâng lên đầy ắp. Chẳng những thế, con cháu mỗi ngày lại mỗi dâng lên trà rượu, trầu cau, cỗ bàn mới y như các vị còn tại thế. Vì theo tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của dân ta thì vong linh tổ phụ cùng ông bà thân quyến quá cố đang hiện diện tại đó để phù hộ và chứng minh cho lòng thành kính biết ơn của con cháu.

Trong tất cả các lễ vật cúng gia tiên ngày Tết thì bánh chưng là quan trọng nhất, đã trở thành loại bánh Tết truyền thống. Chả là theo sự tích Lang Liêu, bánh chưng (bánh dầy) bắt nguồn từ lòng hiếu thảo cũng như đạo ông bà của tổ tiên ta đã có từ rất xa xưa, thời các vua Hùng mới lập quốc.

Ngày tiễn ông vải còn gọi là ngày hoá vàng, vì hôm đó bao nhiêu vàng mã bầy cúng trên ban thờ trong suốt mấy ngày Tết đều được đưa xuống đốt, người ta tin rằng như thế tổ tiên sẽ thụ hưởng được và đem theo về miền âm cảnh. Sau ngày hoá vàng, ngày Tết trong gia đình mới thực sự chấm dứt. Mọi người lại trở về với đời sống thường nhật.

Tết đến Xuân về, ngoài những tục lệ cúng lễ tại tư gia và tế lễ rước sách để thờ thần nơi làng xã, dân tộc ta còn có tục mở hội Xuân khắp nơi với các trò chơi, gọi chung là bách hí cho dân chúng vui chơi :

Thái bình mở hội Xuân

Nô nức quyết xa gần

Nhạc dâng ca trong điện

Trò thưởng vật ngoài sân.

Người người hăm hở phấn khởi d? hội. Người thì đánh xóc đĩa hay tổ tôm điếm, người thì đánh cờ người, chọi gà, đấu vật, thổi cơm, người thì đánh đu hay kéo co, đua thuyền, hát bài chòi, hát quan họ, hát trống quân… đủ cả. Đúng là :

Tháng giêng là tháng ăn chơi

Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè

(Thật ra thì hội hè nhiều nơi đã mở ra từ đầu tháng giêng rồi !)

Người nào không chơi, không dự thi thì cũng nô nức đi xem hội, tạo nên một hoạt cảnh náo nhiệt, tưng bừng :

Năm cũ thì đã qua rồi

Bước qua năm mới muôn người chơi Xuân.

Một năm chơi có một lần

Trai tài, gái sắc chơi Xuân dập dìu.

Đã có biết bao nam thanh nữ tú nhờ dịp hội Xuân này mà quen biết nhau, yêu nhau để rồi nên duyên giai ngẫu.

Tóm lại, qua cung cách sửa soạn đón Tết, qua những lễ nghi, phong tục ngày Tết và qua thái độ thưởng Xuân ăn Tết của người Việt như vừa được trình bày ở trên đã chứng tỏ Tết Nguyên Đán đối với dân tộc ta quả là một Lễ hội lớn nhất, mang nhiều ý nghĩa thâm thúy và thiêng liêng.

Nhưng nổi bật hơn hết vẫn là đạo thờ cúng tổ tiên ông bà của dân ta. Lòng hiếu thảo, sự biết ơn cộng với niềm tin tưởng có sự xum họp, cảm thông gắn bó giữa tiền nhân, các đấng sinh thành quá cố với con cháu tại thế đã trở nên một tín ngưỡng. Tín ngưỡng đó đã thực sự hiện hữu và chi phối mọi sinh hoạt của con người trong những ngày Tết Nguyên Đán.

Đồng thơiø, vượt lên trên tất cả là sự thể hiện một quan niệm nhân sinh lạc quan, đặc thù của người Việt. Trong những ngày Tết, người ta không chỉ ước vọng, cầu chúc hay khấn nguyện các ơn trên phù hộ, ban cho hạnh phúc, mà người ta còn tin tưởng ở sự đổi mới, gạt bỏ mọi buồn phiền, thất bại của năm cũ mà đón chào năm mới (tống cựu nghinh tân) với niềm hy vọng mới, sẽ đạt được thành công trong tương lai. Hơn thế nữa, người ta còn cố gắng tự cải thiện để tạo dựng hạnh phúc cho bản thân mình và những người xung quanh, ngay trong hiện tại : ăn ngon, mặc đẹp, ngắm nhìn cảnh trí rực rỡ, nên thơ của thiên nhiên và do chính mình sáng tạo, dặt bày. Trong gia đình thì được sống trong yêu thương, đoàn tụ ; đoàn tụ không chỉ với người sống mà cả những người thân đã qua đời. Ngoài xã hội thì được sống trong không khí hoà ái, thân thiện và độ lượng.

Theo thiển ý, đây chính là những nét đặc sắc nhất trong đời sống văn minh và văn hoá dân tộc Việt Nam chúng ta vậy.º

GS. PHẠM THỊ NHUNG

(*) Theo âm dương lịch : một tháng gồm 29 hoặc 30 ngày, tương dương với một chu kỳ của mặt trăng (âm) quay quanh trái đất. Một năm có 12 tháng, bốn năm một lần lại có 13 tháng. Tháng dư (tháng nhuận) đó để bù đắp cho (gần) đúng với chu kỳ thời tiết một năm, dựa vào vị trí của trái đất quay một vòng quanh mặt trời (dương).

Ở Á châu, người ta quan niệm cái gì cũng phải vừa có âm, vừa có dương mới quân bình. Vả lại, nếu thuần túy theo âm lịch, nghĩa là chỉ căn cứ vào sự chuyển vận của mặt trăng thôi thì dựa vào đâu để tính năm (12, 15 hay 20 tháng) ? Đây là lý do vì sao phải chấp nhận rắc rối khi thì một năm 12 tháng, khi lại 13 tháng.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002