Đại Chúng số 118 - ngày 15 tháng 4 năm 2003

Thư tòa soạn
Vườn thơ
Những người ra đi
Thế giới và bình luận 1
Thế giới và bình luận 2
Tìm hiểu sức mạnh quân đội đôi bên
Đọc báo dùm bạn
30 tháng 4 năm 75
Nối giáo cho giặc
Tin nhỏ cần biết
Noi gương "áo vải cờ đào"
Bạn biết gì về quế?
Nhà báo lão thành Hồ Văn Đồng
Mục suy tư trong số báo nầy
Tâm xả
Khoa học và y khoa
Ngàn năm mây trắng
Đất bằng dậy sóng
Đổi đời
Những ngày gai lửa
Tật của các tỷ phú
Nấu ăn ngon cho chàng
Những bài thơ tuyet tác
Phan thanh Giản
Thử viết về sông

Mục Suy Tư trong số báo nầy.

Trong Mục : "Trước đèn đọc sách" do: "Con mọt sách" hay "Lão cận thị" sưu tập lại.

Kỳ này chúng tôi mở ra một mục mới , hướng về sự suy tư trong tuần . Do " Lão Cận thị " hay " Con mọt sách / Saigon ngày xưa " phụ trách.
Bài nầy trích thẳng từ nhật báo nổi danh ngoại quốc của chúng ta...báo Internet Talawas đăng vừa qua...
Xin mời quý bạn của báo Đại Chúng thân mến cùng nhau suy tư về đề tài nầy .

John Paul Caponigro

War Photographer - Phỏng vấn James Nachtwey James Nachtwey (người Mỹ, sinh năm 1948) là một trong những nhà báo-nhiếp ảnh quan trọng nhất hiện nay. Trong mười tám năm qua ông đã ghi lại lịch sử và có mặt tại phần lớn những điểm nóng trên thế giới. Ảnh của Nachtwey kể về danh dự và sức mạnh của những người không tên tuổi và quyền lực, về tính nhân bản thể hiện trong những môi trường thảm khốc. Nachtwey đã ghi lại chiến tranh, nạn đói và xung đột chủng tộc ở Trung Cận Đông, Somalia, Sudan, Nicaragua, Romania, Chechnya, Afghanistan, Bosnia, Philipplines, Indonesia và Kosovo. Ông đã nhận được nhiều giải thưởng quan trọng: bốn lần giải Robert Capa Medal Award vàng, sáu lần giải Magazine Photographer of the Year, giải World Press Photo of the Year, ba lần giải Infinity Award cho nhiếp ảnh báo chí v.v... Cuốn sách mới nhất của ông mang tên "Lửa địa ngục" ("Inferno"), xuất bản bởi Phaidon.

JPC: Anh có nói về "trách nhiệm tập thể"; tôi tự hỏi rằng anh có những lời khuyên gì cho những người mà, sau khi xem những bức ảnh của anh, phân vân không biết mình phải làm gì?

JN: Tôi cho rằng ở mức cơ bản nhất, người ta nên quan tâm tới sự bất công và tội ác đối với con người khi đối mặt với chúng trên báo chí. Hãy giữ chúng nhắc nhở bên trong mình, mà không ngoảnh mặt đi. Nếu những mối liên quan không dễ dàng hiểu được, hãy cố gắng tìm hiểu. Hãy dành thời gian để tư duy về những điều đang xẩy ra và trao đổi với những người khác. Đó chính là quá trình tạo ra công luận và giữ cho công luận tồn tại. Bước tiếp theo là tiếp cận một người nào đó, một Đại sứ, một người trong chính phủ, một người ở Liên Hiệp Quốc. Hãy gửi một lá thư, và nói với họ: "Tôi biết những gì đang xẩy ra, tình hình không thể chấp nhận được. Hãy có một giải pháp". Tôi cho rằng quan trọng là hãy cho phép mình có một ý kiến, hãy trở thành một phần của dân chúng. Đó chính là quyền lực. Trong một nền dân chủ, quyền lực được cấu thành bởi những giọng nói cá nhân, và các nhà lãnh đạo bắt buộc phải lắng nghe. Tôi nghĩ rằng điều đó hẳn có tác dụng.

JPC: Anh có chắc không?

JN: Trừ khi anh cho rằng ý kiến của công luận không có giá trị gì. Tôi tin rằng có. Công luận đã buộc Mỹ rút khỏi Việt Nam sớm hơn rất nhiều. Nó đã ảnh hưởng tới chính sách của chúng ta (Mỹ) tại Trung Mỹ. Ảnh hưởng tới việc cứu đói tại Ethiopia, miền nam Sudan và Somalia. Nó có tác dụng với Kosovo. Người ta đã hiểu rằng can thiệp vào Kosovo là một việc cần thiết và hợp lý. Một lần nữa: hãy quan tâm với tư cách cá nhân tới những điều đang xẩy ra quanh ta, hãy có một ý kiến và bày tỏ nó với mọi người xung quanh và với bộ máy lãnh đạo. Ngoài ra báo chí cũng có trách nhiệm. Những ấn bản và chương trình truyền thông có trách nhiệm cung cấp thông tin cho mọi người về những sự kiện đang xẩy ra. Ngày nay người ta dành quá nhiều chỗ cho những ngôi sao, cho tiêu thụ, mốt, và những vụ bê bối trong nước. Tất cả đã trở thành kiểu như giải trí, thành thương mại. Người ta muốn làm những cái tạo ra doanh thu. Nhưng trách nhiệm của báo chí là tạo ra một sự cân bằng hướng tới trí óc và tình thương của người đọc, những người muốn biết những điều gì đang xẩy ra. Rất nhiều quyết định trong báo chí hiện nay bị tác động bởi thị trường, chứ không phải bởi nội dung. Ngay cả cái câu "bão hoà tình thương" (compassion fatigue) cũng là của những người làm quảng cáo chứ không phải là của người đọc nói chung. Những người làm quảng cáo không muốn sản phẩm của mình bị để cạnh những câu chuyện của bất công, của tàn phá và đau thương. Người ta viện vào cái "bão hoà tình thương" để lấy cớ không in những câu chuyện kia. Có lẽ những người làm quảng cáo nên hiểu rộng hơn trách nhiệm của họ. Ở một xã hội tự do, họ nên hỗ trợ để đăng những chủ đề kia, điều có ích hơn cho tất cả mọi người. Có thể tôi quá lý tưởng hay ngây thơ, nhưng chúng ta đang cùng nhau sống trong chỉ một thế giới mà thôi.

JPC: Là những người tiêu dùng chúng ta cần hỗ trợ để có được thông tin có chất lượng. Nhu cầu tăng thì cung cũng sẽ tăng.

JN: Tôi chưa bao giờ nghe thấy chữ "bão hoà người mẫu" (supermodel fatigue). Tôi cho rằng trong dân chúng rất nhiều người có cảm giác "bão hoà người mẫu", nhưng các ấn bản không chạm đến câu này.JPC: Người mẫu bán một sản phẩm nào đấy, còn với người chết đói thì chẳng bán được gì cả. JN: Khi anh phát hành những câu chuyện và hình ảnh về những người đang chịu đau khổ, anh cần phải chuẩn bị tư tưởng để tặng một cái gì đấy, chứ không phải để bán một cái gì đấy. Tôi cho rằng người ta đã sẵn sàng để tặng.

JPC: Làm sao anh có thể tiếp tục làm việc với những chủ đề này một cách bền bỉ trong một thời gian dài như vậy.

JN: Tôi chỉ có thể tiếp tục và nhấn sâu vào hơn. Tôi không có lối thoát, không có gậy chống. Con đường duy nhất tôi có là ý thức được giá trị của công việc tôi làm và tiếp tục làm việc.

JPC: Làm sao anh giữ được lòng tin vào con người khi chứng kiến tính vô nhân đạo đến mức độ như vậy?

JN: Những người mà tôi được tiếp xúc trong công việc đem lại niềm khích lệ cho tôi. Tôi trở thành rất khiêm tốn khi nhìn thấy sự cố gắng của những con người bình thường vượt qua thiên tai, đau khổ, cố gắng tiếp tục sống, giữ gìn gia đình của họ. Tôi không chắc rằng tôi cũng sẽ mạnh mẽ và uyển chuyển như họ, và điều này khích lệ tôi. Niềm tin vào con người của tôi xuất phát từ những gì tôi được chứng kiến

.JPC: Anh hành động thế nào khi bị cám dỗ muốn can thiệp hay muốn nhập cuộc trước một tình huống?

JN: Tôi ở trong cuộc. Là một nhân chứng, cung cấp những bằng chứng, nghĩa là phải ở trong cuộc. Đó là một lựa chọn, một quyết định có ý thức, không phải là điều thụ động. Tôi nhập cuộc một cách trực tiếp, nếu cần thiết. Tôi hiểu chức năng của tôi, nhưng tôi cũng nhận ra rằng đôi khi tôi là người duy nhất có thể cứu mạng được ai đó. Nếu tình huống đó xẩy ra thì tôi bỏ máy xuống và tìm cách giúp đỡ. Tôi đã nhìn thấy có người bị hành hạ bởi một đám đông điên cuồng và tôi đã can thiệp bởi tôi cho rằng mình có thể cứu anh ta được. Đôi khi tôi thành công và đôi khi không.

JPC: Xin anh cho biết quan điểm của anh về tương quan giữa lương tâm và mỹ thuật.

JN: Tôi sử dụng những kiến thức tôi có về nhiếp ảnh để phục vụ những người tôi chụp họ, chứ không phải ngược lại. Tôi không cố gắng có những phát biểu về nghệ thuật chụp ảnh. Tôi cố gắng dùng nghệ thuật ảnh để có những phát biểu về những gì đang xẩy ra trên thế giới. Tôi không muốn những sáng tác của tôi mang tính tự thân. Tôi không muốn chúng lôi kéo sự chú ý vào chính bản thân chúng. Tôi muốn có một sự ảnh hưởng trực tiếp giữa người xem và những người trong ảnh. Tôi cố gắng chụp ảnh một cách đơn giản và cơ bản. Đây là một thách thức và tôi nghĩ rằng tôi vẫn đang tiếp tục phát triển khả năng này của mình. Tôi không muốn tạo ra những hình ảnh chung chung, không muốn tạo ra những minh họa không có ảnh hưởng tình cảm hay đạo đức gì tới người xem. Tôi muốn tạo ra một cảm giác đồng cảm mạnh.

JPC: Anh nói rằng những hình ảnh anh tạo ra vừa mang tính khách quan vừa mang tính chủ quan. Có thể hiểu điều đó như thế nào?

JN: Những cảm giác của tôi trước những tình huống đang xẩy ra được khúc xạ trong tôi. Những điều tôi cảm nhận là sản phẩm của quá khứ của cá nhân tôi. Tôi cố gắng thể hiện những cảm giác của mình trong ảnh, để người xem có thể nhận được sự nhạy cảm của tôi đối với các dữ kiện. Đó là cách làm duy nhất mang tính thuyết phục.

JPC: Thế còn tính khách quan của các tác phẩm thì sao. Nó bị biến mất, hay ở đây hai tính chất được kết hợp với nhau?

JN: Sự giao nhau giữa tính khách quan và chủ quan mang lại tính thực. Khi tôi chia sẻ xúc cảm với người khác thì tôi cũng có điểm chung với họ. Tôi chỉ có thể đưa người xem tới một chỗ đứng nhất định khi họ chia xẻ tình cảm với tôi. Tôi phóng to lên hoặc làm rõ ra những cảm giác mà họ cảm nhận nhưng không trình bày được. Bất kể tôi có cảm giác gì trong những tình huống mà tôi trải qua, đó là những cảm giác rất mạnh. Một sự nổi giận ghê gớm, đau đớn, bất lực, buồn bã. Sẽ không có tác dụng gì nếu tôi cho phép những tình cảm này, mạnh thế nào thì mạnh, đánh quỵ bản thân. Bởi lúc đó tôi sẽ trở thành vô dụng, và đánh mất lý do để có mặt ở nơi tôi đang có mặt. Tôi phải lái những tình cảm của tôi vào công việc. Tôi hy vọng rằng, cuối cùng thì chúng diễn tả tìnhthương.

JPC: Thật là dũng cảm khi dám nhìn thẳng vào những chủ đề này, và nhất là khi luôn luôn quay trở lại với nó. Tôi không chắc là tìm được một từ nào thích hợp hơn là từ "anh hùng". Đối với nhiều người, tiếp nhận, thậm chí tiếp xúc với những hình ảnh này là một việc hết sức khó khăn. Thật là một điều đặc biệt khi có thể dành nhiều thời gian cho chúng như vậy.

JN: Tôi cũng nhận thấy là không phải ai cũng làm được việc này

JPC: Có một số người chỉ trích tính "mỹ miều" của cách tiếp cận những chủ đề này - với kết quả là những vật thể mỹ thuật được treo trong bảo tàng, phòng tranh, sách in đẹp bày trên bàn phòng khách. Họ cho rằng cách tiếp cận này làm cho những chủ đề kia trở thành lạ mắt, hào nhoáng, hợp thời, mang tính bái vật và phục vụ sự giật gân. Họ cho rằng "Inferno" là một trong những vật thể mỹ thuật đó. Anh nghĩ sao về điều này?

JN: Đối với tôi, "Inferno" không phải là một vật thể mỹ thuật, mà là một kho tư liệu. Kích thước, design, toàn thể sự hiện diện của nó có mục đích tạo ra một kho tư liệu có khả năng đi vào trí nhớ tập thể và lương tâm tập thể của chúng ta. Nhiệm vụ quan trọng nhất của các tác phẩm của tôi là xuất hiện trên những phương tiện đại chúng trong thời gian một sự kiện đang xẩy ra, để tạo ra một ý thức và ý kiến của công luận, và tạo ra một không khí có thể dẫn đến thay đổi. Đó là lý do tôi làm việc. Nhiệm vụ thứ hai của chúng là đi vào trí nhớ của chúng ta để không bị lãng quên. Chúng là di sản hình ảnh để chúng ta suy tư trong khi tiến vào tương lai. Hy vọng chúng ta không mắc lại những sai lầm của quá khứ. Đó là giá trị của những tác phẩm này.

Tôi đã đôi lần có triển lãm ở các viện bảo tàng; đó cũng là một hình thức trao đổi có ý nghĩa. Chương trình của một bảo tàng không chỉ được xác định bởi những nhà phê bình, những người phụ trách bảo tàng, mà còn bởi người trưng bày và người xem. Một tác phẩm treo trong bảo tàng không có nghĩa là nó chỉ có thể được coi là một vật thể mỹ thuật. Nó tạo ra trao đổi với công chúng, một công chúng, có thể giới hạn hơn là công chúng của báo chí, nhưng cũng rất quan trọng.
Mặc dù chưa xấy ra, nhưng nếu tôi làm triển lãm ở một phòng tranh, tôi sẽ cố gắng biến nó thành một dạng khác của quá trình trao đổi, tập trung hơn vào một giới người xem nhất định. Những người sưu tập cũng quan trọng, họ có những quan tâm rộng và có ảnh hưởng. Tôi không nghĩ rằng những định kiến sách vở về chuyện treo tác phẩm trong một phòng tranh sẽ ngăn cản tôi thực hiện quá trình giao tiếp này.
JPC: Những sáng tác của anh rất đẹp. Vai trò của cái đẹp là gì?

JN: Cái đẹp nằm trong cuộc sống, và nhiều khi, nó nằm trong thảm kịch. Nó không được tôi khiên cưỡng tạo nên, nó là cái mà tôi cảm nhận. Tôi không cho rằng trong những tác phẩm của tôi cái đẹp lấn át tính bi kịch. Đôi khi nó bọc bên ngoài bi kịch và làm nó dễ được tiếp cận hơn. Sự cùng tồn tại một cách mâu thuẫn của cái đẹp và bi kịch đã là đề tài muôn thủa của văn học và nghệ thuật. Đối với nhiếp ảnh cũng vậy. Cái đẹp trong nhiếp ảnh không phải là một sự bắt chước mỹ thuật. Nó là sự hiện diện của nguồn gốc của mỹ thuật, của cuộc sống thực sự.

JPC: Tôi nghĩ cái đẹp sẽ giúp cho tình thương, như chữ của anh dùng, nảy nở. Phản ánh sự đau khổ một cách đẹp đẽ là một chuyện, nhưng nhận ra vẻ đẹp của những người đang khổ đau là một chuyện khác hẳn.Xin anh giải thích thêm về câu nói của anh "hoàn hảo trong phương tiện, nhưng mò mẫm trong mục đích, đó là điều bất hạnh của thời đại chúng ta".

JN: Trong khi chúng ta có vật chất, có hạ tầng cơ sở và công nghệ để thực hiện được rất nhiều điều thì chúng ta vẫn rối rắm trong việc sử dụng những công cụ này một cách có hiệu quả. Trường hợp Bosnia là một ví dụ về sự rối rắm này. Đó là một cuộc chiến tranh đáng lẽ không cần thiết phải xẩy ra. Kể cả khi đã bắt đầu, nó cũng có thể được kết thúc sớm hơn nhiều nếu như những người lãnh đạo trên thế giới dùng ngoại giao và phương tiện vật chất một cách cương quyết. Chúng ta có phương tiện để ngăn chặn thảm sát ở Rwanda, nhưng một lần nữa, với những thoả hiệp và rối rắm, chúng ta đã không làm được điều đó.

 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002