Đại Chúng số 117 - ngày 1 tháng 4 năm 2003

Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Người Thương Phế Binh
Thế Giới và Bình Luận
Tin nhỏ Cần Biết
Hội Sinh Viên Đại Học MD
Liên Đoàn Võ Thuật VN
Lớp Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật
Đọc Báo Dùm Bạn
Đừng Hỏi Tại Sao
Vũ Trụ và Con Người
Khoa Học và Y Khoa
Vạt Nắng Bên Trời
1001 Chuyện Nhớ Quên
Vài Nét Về Thơ
Phan Thanh Giản
Nước Thiêng
Sự Thật Pháp Giúp Nguyễn Ánh Khôi Phục Miền Nam
Thử Viết Về Sông
Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt
Thông Báo Tuyển Lựa Ca Sĩ

 

PHAN THANH GIẢN
(1796-1867)
hay
Cuộc Hoà Bình dang dở
PHÁP VI_T 15-07-1864

(Tiếp theo kỳ I)
của Nguyễn văn Ba 

Được tin thân sinh qua đời, Phan Thanh Giản xin về quê chịu tang cha. Những ngày ở lại quê hương, không ngày nào Phan Thanh Giản không ra thăm mộ cha, đắp thêm đất, nhổ cỏ, dọn dẹp sạch sẽ và đốt hương lạy cha. Trong thời gian tang cha, Phan Thanh Giản không đến buồng vợ. Bà vợ đau, ông chỉ đứng trước cửa phòng căn dặn thuốc men. Ngày ông ra đi, bà vợ khóc năn nỉ, ông nán lại một ngày, nhưng việc công là trọng, ông đành dứt áo ra đi, để lại cho vợ một bài thơ tâm sự :

 Từ thuở xe tơ mối chỉ hồng
Lòng này ghi tạc có non sông
Đường mây cười tớ ham dong ruổi
Trướng liễu thương ai chịu lạnh lùng
Ơn nước, nợ vua chưa trả đặng
Cha già, nhà khó cậy nhau cùng
Mấy lời dặn bảo khi lâm biệt
Rằng nhớ, rằng quên lòng hỡi lòng.

 Ông trở lại triều đình, vừa lúc vua Thiệu Trị xuống chiếu cầu lời trực ngôn. Phan Thanh Giản tìm hiểu và được biết nhà vua thấy luồng bạch khí dăng ngang trời, báo nhiều điềm chẳng lành cho nước Việt Nam. Ông viết sớ :"Mong rằng trong giờ phút rỗi rãi, bệ hạ cho triệu năm mươi ba đại thần kỳ lão, hỏi về quốc kế biên phòng, một mặt khác kêu gọi các viên chức lớn ở các địa phương nên đem hết trí nghĩa ra, nêu lên các điều lợi hại về đời sống của dân. Hoàng thượng sẽ chọn điều tốt đem ra thi hành, còn bao nhiêu điều dở thì sẽ bỏ đi."

 Nhưng rồi, Phan Thanh Giản nhận thấy vua Thiệu Trị không hề có một sửa đổi nào. Bọn quan lại, đám nịnh thần vẫn ngang nhiên quấy đảo triều đình. Bọn cung tần, mỹ nữ ngày đêm vẫn lượn là quanh vua. Quan lớn quan nhỏ ức hiếp dân chúng mỗi ngày một tăng.

 Rồi vua Thiệu Trị băng hà, Tự Đức lên ngôi, mọi việc vẫn như cũ, dân tình khắp nơi đói rách, nỗi oan ngửa cổ kêu trời không ai thấu tỏ. Tự Đức một vị vua anh minh, học rộng, dám cải trang khoa cử, đề cao văn hoá dân tộc, tạo điều kiện thuận lợi cho quốc sử quán làm việc. Nhà vua này trọng văn hơn võ, nhưng trước sau vẫn phụ thuộc đình thần. Nguyễn Tri Phương và Phan Thanh Giản dâng tám điều trần lên vua :

1. Xin vua cẩn thận, đừng ngự ra thủy tạ mà tắm sông hóng mát. Đừng ngự đến hậu bộ mà coi cưỡi ngựa chạy đua.
2. Xin đừng ham coi hát xướng.
3. Xa tránh kẻ thấp hèn.
4. Xin tiết kiệm bớt lãng phí, dừng ngay việc xây cung điện lăng tẩm để mua súng ống.
5. Bớt kẻ cận thần.
6. Xin vua lựa người trung lương mà dùng.
7. Xin bớt công việc, cho lính rảnh rang để tập trận đồ, lăn khên, bắn súng.
8. Xin vua tăng lương bổng để các quan trau dạ thanh liêm.

Vua hứa sẽ sửa đổi, nhưng chưa kịp thi hành thì ngày 31-8-1858, năm Tự Đức thứ 10, Rigault de Genouilly dẫn hai ngàn ba trăm quân Pháp và Tây-ban-nha, mười ba tàu chiến đến Đà Nẵng, có cả soái hạm và chiến hạm chạy hơi, pháo hạm và vận hạm.??

Tại sao Rigault de Genouilly chọn Đà Nẵng để đánh đầu tiên ? Vì ở đó tàu thuyền ra vào dễ dàng, lại được che chở khỏi gió bão đại dương. Đà Nẵng cách kinh thành Huế khoảng 100 cây số, dùng làm bàn đạp tấn công trung tâm chính trị của nhà Nguyễn ở Huế bằng cả đường bộ và đường thủy.

Ngày 01-9-1858 vừa đưa tối hậu thư, triều đình chưa kịp trả lời, họ nổ súng lấy pháo đài An-hải. Ngày hôm sau đạn đại bác nổ ran trời. Đà Nẵng chìm trong khói lửa và nỗi hỗn loạn của dân chúng. Pháo đài Điện-hải mất trong 30 phút. Tổng-thống quân vụ đại thần Lê Đình Lý với hai ngàn binh sĩ cũng không giữ nổi. Ông bị thương ở Cẩm Lệ, đưa võng về Quảng Nam thì mất.

May nhờ Kinh-lược Nguyễn Tri Phương giữ chức Tổng-thống, Đề-đốc Chu Phúc Minh cùng với quân Đào Trí, vừa chống đỡ, vừa đắp đồn lũy, lập liên tiếp ba phòng tuyến, ban đêm dạy binh lính, binh thư, đồ trận. Quân Việt giữ chân quân viễn chinh lại, tại bán đảo Sơn Trà. Lúc đầu, quân ta không phản công, tránh đụng độ với quân Pháp và cũng chẳng tìm thương thuyết. Với thời gian, quân Việt được phần thắng lợi. Quân Pháp không chịu được khí hậu nóng và ẩm thấp, sanh bịnh nóng lạnh, bịnh kiết lỵ, bịnh da lở ghẻ. Họ phải lặn hụp trong bùn để xây đồn. Muỗi, đỉa, kiến lửa quấy họ không ngớt. Phần lại thiếu tiếp tế lương thực, ăn uống không đầy đủ, lúc ấy quân Việt phản công, đặt ổ súng các nơi. Phá ổ này, họ đặt ổ khác. Họ tung ra những tin để làm nao núng lòng quân Pháp, quân Tây Ban Nha : tổng phản công sắp tới nơi. Những người phao tin là những kẻ buôn bán lương thực cho Pháp. Có nhiều trận đụng độ, quân Việt chết rất nhiều nhưng không nản chí.

Về phiá các chỉ huy Pháp, họ vỡ mộng. Họ trách các giáo sĩ sao quá lạc quan : đâu là hàng muôn người Công Giáo, người bản xứ đến giúp kẻ giải phóng họ ? Đâu là dân chúng muốn thoát khỏi cái ách hà chính độc tài ? Chỉ thấy vài người đến buôn bán, hoặc đến xin tị hộ, vì một lý do mờ ám, trong đó có người Trung Hoa và gián điệp. Tuy vậy, giám mục Pellerin xin Rigault de Genouilly can thiệp miền Bắc, viện lẽ giáo dân bị ngược đãi. Rigault de Genouilly từ chối, và đem binh đánh miền Nam. Theo ý hắn, đánh Sài Gòn thì dễ dàng hơn và chắc thắng. Tàu chiến lớn có thể ra vào được là phương tiện tối ưu, yểm hộ cho các cuộc chiến đấu trên bộ. Chiếm được Sài Gòn, đoàn quân viễn chinh sẽ không còn lo gì về việc tiếp tế lương thực nữa. Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của Việt Nam. Ngược lại, triều đình Huế sẽ gặp nhiều khó khăn trong vấn đề đó. Hơn nữa, chính thực dân Anh tại Singapore và Hương Cảng lúc này cũng đang có dự định chiếm lấy Nam Kỳ, điều đó làm cho thực dân Pháp càng nôn nóng, muốn hành động gấp.

Ngày 10-2-1859, Rigault de Genouilly để lại tại Đà Nẵng ba đại đội và đem 2.000 quân binh đánh chiếm các pháo đài ở Vũng Tàu. Ngày 11-2-1859, chúng ngược dòng sông đánh đồn Cần Giờ. Sau đó, chúng liên tiếp đánh chiếm năm đồn khác và hai chiếc kè ngăn sông. Ngày 15-2-1859, chúng tới sát chân thành Gia Định. Hệ thống phòng ngự vùng này có hai pháo đài ở tả ngạn và hữu ngạn sông Sài Gòn, một chiếc kè ngăn sông và thành Gia Định cách bờ sông 800 mét. Cả hệ thống này đến ngày 17-2-1859 thì rơi vào tay địch, sau khi đã kịch liệt chống cự lại chúng. Hộ-đốc Gia Định Võ Duy Ninh lui về huyện Phúc Lộc thì tự sát. Án-sát Lê Từ cũng tự vẫn chết theo thành. Chiếm thành Gia Định, địch đã thu được 200 khẩu đại bác các loại, 2 vạn súng, gươm giáo, 85 tấn thuốc súng, một kho thóc đủ nuôi bảy tám nghìn người trong một năm, và rất nhiều thứ khác, như tiền đồng, tiền kẽm, chiến thuyền, v.v. Đặc biệt là ở đây có đầy đủ lương thực, khác với Đà Nẵng.

Được tin cấp báo liên quân Pháp-Tây Ban Nha chuyển hướng tấn công vào miền Nam, Tự Đức phái Tôn Thất Hiệp đem viện binh vào Nam, cùng những tướng lãnh có kinh nghiệm chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng như Nguyễn Duy, để phối hợp với Trương Văn Uyển Tổng-đốc Long Tường (Vĩnh Long và Định Tường) cùng bàn tính kế hoạch chống giữ.

Cuối thánh 2-1859, Trương Văn Uyển điều động quân đội các nơi, định tấn công quân Pháp. Uyển đóng đại bản doanh gần chùa Cây Mai, phiá Tây-Bắc Chợ Lớn. Ngày 5-3-1859, Pháp được tin vội đem quân chia làm hai cánh, đánh rất mạnh vào vị trí quân Việt Nam. Quân Việt Nam chân ướt, chân ráo chưa kịp bố trí phòng ngự, bị thua to. Trương Văn Uyển bị thương nặng phải rút lui về Vĩnh Long.

Quân Pháp tuy thắng trận phải rút về Sài Gòn vì quân số ít. Ngày 8-3-1859, chúng phá hủy thành Gia Định, đốt cả kho thóc ở đó. Kho này cháy hai năm vẫn chưa tắt hẳn. Chúng cho quân tập trung ở một đồn cũ của Việt Nam là đồn Hữu Bình ở ven sông Bến Nghé để thủy lục cùng phối hợp phòng thủ cho dễ.

Sang tháng 4-1859, Rigault de Genouilly lại đem chủ lực quân ra Đà Nẵng, chỉ để lại ở Sài Gòn độ 1000 quân. Lợi dụng lúc chủ lực quân địch xa, quân Việt tăng cường thắt chặt vòng vây. Một hệ thống chiến lũy được xây dựng ở Chí Hoà. Ngày 21-4-1859, Thiếu-tá Jaurégui-

Berry cầm đầu một đạo quân 800 người cả Pháp và Tây Ban Nha không tiến ra được đến Chí Hoà vì gặp sự kháng cự mãnh liệt của quân Việt. Lần này quân Việt chiến đấu rất anh dũng, đẩy lui quân địch ra ngoài vòng chiến đấu, trong đó có 14 tử thương.

Trở lại Đà Nẵng, Rigault de Genouilly thấy mình bị vây, ngày 8-5-1859 đánh mở vòng vây với nhiều hao tổn : 88 thương vong (45 Pháp và 43 Tây Ban Nha). Nguyễn Tri Phương động viên quân đội, xây dựng phòng tuyến mới dài 1500 mét

ở ngay sát đằng sau phòng tuyến cũ mà có phần kiên cố hơn. Phòng tuyến mới, vẫn giam chân quân địch lại như cũ, khiến chúng gặp nhiều khó khăn trong đời sống hàng ngày. Tháng 6-1859, dịch tả hoành hành, hai trăm người thiệt mạng. Trước tình thế đó, Rigault de Genouilly báo cáo về chính phủ Pháp với lời lẽ bi đát như sau :"Càng đi sâu vào tình hình quốc vương Annam ... thì không thể không công nhận rằng cuộc chiến tranh chống nước này còn khó hơn cuộc chiến tranh chống vương quốc Trung Hoa." Chính phủ Pháp đành yêu cầu De Genouilly mở cuộc điều đình với Việt Nam, và cho phép ông ta nếu cần có toàn quyền quyết định rút quân ra khỏi Việt Nam.

Sau cuộc tiếp xúc giữa đại diện Pháp-Việt, lệnh ngừng bắn được ban ra ngày 18-6-1859. Ở khoảng giữa hai phòng tuyến, quân Việt Nam dựng lên một ngôi nhà dùng làm trụ sở điều đình, bắt đầu từ ngày 22-6-1859.

Những điều Pháp yêu cầu có 3 điểm chính :
1. Pháp được đặt lãnh sự toàn quyền ở Huế.
2. Việt Nam phải để cho Pháp tự do truyền đạo.
3. Việt Nam phải để cho Pháp được tự do buôn bán và đặt thương điếm tại Việt Nam.
Cuộc thương thuyết kéo dài trong hơn hai tháng, De Genouilly bực mình, buộc Việt Nam đến ngày 6-9-1859 phải thoả mãn các yêu sách của y.

Ngày 15-9-1859, De Genouilly tấn công quân đội Việt Nam. Thoạt tiên quân Việt Nam trương cờ, thúc voi tiến tới theo nhịp thanh la và trống. Cánh quân này có mười con voi chiến, trên mỗi voi đặt hai khẩu thần công và súng trường, do sáu người lính điều khiển, dàn thành hàng ngang chữ nhất. Trước sự xuất hiện bất ngờ của quân đội này, quân Pháp - Tây Ban Nha có phần hoang mang và phải sử dụng đến đội dự bị để đối phó. Cuộc chiến đấu diễn ra rất ác liệt khắp mọi nơi. Quân Việt Nam có chiến lũy kiên cố với hầm hào dày đặc, nhưng trước sự pháo kích hơn hẳn của địch đã dần dần núng thế.

Liên quân Pháp-Tây Ban Nha tuy thắng trận nhưng phải trả giá rất đắt - 50 thương vong - và vẫn không giải quyết được vấn đề gì, lại phải rút về vị trí cũ. Thế rồi một phòng tuyến thứ ba không kém phần kiên cố lại được Nguyễn Tri Phương xây dựng, khiến cho Rigault de Genouilly sau một năm đem quân đánh Đà Nẵng vẫn giậm chân tại chỗ và phải xin về Pháp nghỉ.

Đô đốc Page đến thay, cố đánh một trận lớn để bắt Việt Nam phải điều đình, chấp nhận những điều kiện khó khăn của hắn. Mục tiêu tấn công lần này không còn là đồn lũy Việt Nam đối diện với phòng tuyến Pháp ở vùng phụ cận Đà Nẵng, mà là hệ thống pháo đài chặn giữ con đường ra Huế, như pháo đài Định Hải, Chân Sảng, và những pháo đài ở đèo Hải Vân, hy vọng uy hiếp Huế...

Từ 4 giờ sáng ngày 18-11-1859, Page cho năm tàu chiến và một tàu chở lục quân tiến đánh các pháo đài Định Hải và Châu Sảng. Các pháo đài Việt Nam bắn trả lại rất kịch liệt. Mục tiêu chính của các pháo thủ Việt Nam là chiếc tàu chỉ huy của Đô Đốc Page. Tàu này bị trúng đạn nhiều chỗ và nhiều người bị thương vong, nhưng sau một hồi pháo kích, kho thuốc súng của Việt Nam bị nổ. Page cho quân đổ bộ đánh chiếm các pháo đài Định Hải và Chân Sảng. Hắn cũng xua quân đánh tiếp các pháo đài trên đèo Hải Vân, nhưng không thành công nên chỉ đành chiếm các pháo đài sát biển. Tuy thắng trận, Page không cải thiện được chút nào tình hình.

Tổng kết chiến sự Đà Nẵng, đoàn quân viễn chinh đã mở 5 đợt tấn công lớn và trong trận nào cũng phá vỡ được phòng tuyến Việt Nam, thu được nhiều súng đạn, nhưng trận nào họ cũng bị nhiều thương vong, và giữa hai trận tấn công lớn nhiều người trong bọn họ còn bị thương vong, bắn trả, phục kích, tập kích. Kết quả là cho đến đầu năm 1860, họ chỉ chiếm lĩnh được bán

đảo Sơn Trà và vài cây số vuông quanh biển. Ngày 22-3-1860, quân Pháp-Tây Ban Nha rút lui ra khỏi Đà Nẵng, phá hủy những kiến trúc của họ xây dựng, đốt luôn những nhà lá của các thuyền chài và bỏ rơi những giáo dân đến nhờ họ che chở trong năm trước.

Đô- đốc Page kéo quân vô Nam. Mặt trận Pháp-Việt từ nay xoay về Sài Gòn. Tôn Thất Hiệp thống đốc các việc ở Nam Kỳ lúc này chỉ nặng về hoà, nên không xúc tiến gì công việc chống Pháp, mặc dầu quân số của Pháp rất ít, vì chủ lực của Pháp lúc này đang ở Trung Quốc.

Nhân lúc mặt trận yên tĩnh như vậy, 18-4-1860 Đô-đốc Page tuyên bố mở cửa bể Sài Gòn cho tàu buôn các nước vào buôn bán. Trong bốn tháng, 70 chiếc tàu, 100 chiếc thuyền mành đã đến Sài Gòn mua được 70.000 tấn thóc gạo và các thứ hàng hoá khác. Pháp đã thu được nhiều món tiền thuế lớn.

Thấy tình hình mặt trận Sài Gòn không có gì là sáng sủa, vua Tự Đức bèn cử Nguyễn Tri Phương vào Nam Kỳ làm Thống đốc quân vụ.

Tháng 8-1860 Nguyễn Tri Phương lên đường vào Nam Kỳ. Nhìn tổng quát, quân Pháp-Tây Ban Nha độ 1000 người, chiếm đóng tất cả khu Sài Gòn Chợ Lớn. Khu này nằm trên bờ ba con sông : rạch Tân Hủ, sông Bến Nghé và rạch Thị Nghè. Nhờ có thủy quân hơn hẳn Việt Nam, chúng đã hoàn toàn làm chủ trên ba khúc sông bao quanh Sài Gòn Chợ Lớn, và cả trên sông từ Sài Gòn ra biển. Nhưng về mặt bộ thì liên quân Pháp-Tây Ban Nha chỉ kiểm soát được một dải đất hẹp, dài khoảng 10 cây số, rộng khoảng 2 cây số ven bờ sông. Nguyễn Tri Phương động viên quân dân củng cố và mở rộng chiến lũy có sẵn ở Chí Hoà, xây từ thời Gia Long, sửa chữa lại dưới thời Minh Mạng. Chiến lũy này bao gồm một đại đồn và những công sự ngoại vi. Đại đồn hình chữ nhật, dài khỏang 2 cây số rưỡi, rộng khoảng 1 cây số, nằm ngay trên đường Sài Gòn - Hóc Môn - Tây Ninh. Tường đồn cao 3 mét rưỡi, dày 2 mét, có khoét nhiều lỗ châu mai, chung quanh có đào hào cắm chông và có đặt pháo đài ở các góc đồn cùng những nơi xung yếu. Quân sĩ 12.000 người, 1000 lính đồn điền, 11.000 dân quân. Đại đồn chia làm 5 ngăn, ngăn nọ cách ngăn kia bằng một bức tường kiên cố, có cửa thông nhau. Nếu quân địch chiếm được ngăn này thì ở ngăn khác quân Việt Nam vẫn tiếp tục chiến đấu được.

Từ đại đồn toả ra ba nhánh chiến lũy. Nhìn về đại thể, hệ thống chiến lũy của Nguyễn Tri Phương cách xa phòng tuyến địch từ 1000 đến 1800 mét, và có ý đồ án ngữ không cho liên quân Pháp-Tây Ban Nha đi vào nội địa theo hướng Biên Hoà - Tây Ninh - Mỹ Tho. Không những thế, nhiều nhánh chiến lũy còn đang được tiếp tục xây dựng, thọt sâu vào sát địch để đảy lui chúng ra phiá bờ sông. Toàn thể chiến lũy dài khoảng 18 cây số ở thế quặp chặt lấy địch trong khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Để đối phó lại, địch có nhiều lần cho quân tuần tiễu, điều tra và phá hoại công sự của Việt Nam, nhưng lần nào cũng bị đánh lui và có rất nhiều thương vong. Đồng thời Nguyễn Tri Phương cũng cho quân đánh trả và quấy rối địch. Nhiều trận phục kích đã diễn ra trên con đường tuần tiễu nối liền các hệ thống của địch, làm cho họ bị một số thương vong, trong đó có đại úy Barbé tử trận cuối năm 1860.

Ngoài ra, Nguyễn Tri Phương còn tìm cách liên lạc với Hoa Kiều ở Chợ Lớn, để cùng Việt Nam phối hợp đánh địch. Thái độ Hoa thương ở Chợ Lớn lúc này có hai mặt. Một mặt về mối lợi trước mắt, ngay từ khi quân Pháp mới tới Sài Gòn họ đã là người tiếp tế đắc lực cho Pháp về những nhu yếu phẩm hằng ngày, đến khi Pháp mở cửa thương cảng Sài Gòn cho tàu buôn các nước ngoài, họ cũng là những người đi thu thập mọi thứ hàng hoá bị đọng lại ở lục tỉnh từ năm 1859 đem xuất cảng. Mặt khác, họ cũng tính rằng Việt Nam có thể đánh bật Pháp ra biển, vì thế họ đi nước đôi, vừa tiếp tế cho Pháp vừa trao đổi thư từ vớI Nguyễn Tri Phương, nói ông có thể hoàn toàn tin tưởng vào lòng trung thành của họ.

Tình hình chiến sự thay đổi hẳn trong tháng 2-1861, sau khi quân

Pháp chiến thắng Trung Hoa, và hoà ước Bắc Kinh được ký kết. Chủ lực của họ kéo về phương nam, tiếp tục cuộc chiến đấu dở dang với Việt Nam ở Nam Kỳ. Lực lượng quân đội viễn chinh lúc này kể cả thủy lục có khoảng 8.000 người với hơn 30 tàu chiến đủ loại và nhiều thuyền chuyên chở, 150 kỵ binh Phi Luật Tân, 600 lao dịch lấy ở Quảng Châu. Đô đốc Charner tổng chỉ huy quân đội viễn chinh đã rất ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy sự tiến triển của chiến lũy Việt Nam. Hắn chuẩn bị đánh một trận lớn để phá vỡ chiến lũy, lấy đà tiến lên đánh chiếm toàn thể lục tỉnh.

Charner là một con cáo già, liệu đánh vỗ mặt thì sẽ gặp nhiều sức kháng cự. Vì thế hắn đã quyết định

tấn công về phiá bên phải phòng tuyến Việt Nam, rồi tiến lên đánh vào đàng sau đại đồn Chí Hoà. Trong khi đó thì thủy quân sẽ ngược dòng sông Sài Gòn đánh vào phía trái phòng tuyến Việt Nam và chặn đường liên lạc của Việt Nam trên đường Sài Gòn - Biên Hoà. Chúng đã nghi binh, làm như định đánh thẳng vào trước mặt phòng tuyến Việt Nam. Quân Việt Nam dĩ nhiên phải tập trung đề phòng phiá trước mặt phòng tuyến. Nhưng ngày 24-2-1861, Chrner kéo 30 tàu chiến cùng với 3.000 quân tấn công vào phía bên phải phòng tuyến Việt Nam từ bốn giờ rưỡi sáng. Trận đánh đến trưa thì kết thúc. Pháp chiếm được tiền đồn bên phải phòng tuyến Việt Nam, với 66 thương vong : 6 chết trận, 60 bị thương. Buổi chiều, trong lúc liên quân Pháp - Tây Ban Nha nghỉ để chỉnh đốn, quân Việt Nam cho voi từ đại đồn xông ra đánh, nhưng không thành công.

Sáng ngày 25-2-1861, Charner cho đoàn quân tấn công chia làm 4 đội, 3 xung phong đánh sau lưng đại đồn và một đội dự bị. Trận đánh quyết liệt đã diễn ra trong suốt ngày 25-2-1861. Dưới sự chỉ huy của Nguyễn Tri Phương, quân Việt Nam đã chiến đấu vô cùng dũng cảm. Có nơi toàn thể đơn vị cho đến khi người cuối cùng bị tử trận. Theo tài liệu Pháp thì xác chết của quân Việt Nam bỏ lại ở hai ngăn cuối cùng của đại đồn Chí Hoà đã trên 300. Đó là chưa kể các ngăn khác và các vùng chung quanh. Chính Đô-đốc Charner trong báo cáo về chính phủ Pháp đã phải công nhận như sau "Trong hai ngày 24 và 25 tháng 2, sự chống cự của địch đã vô cùng mãnh liệt."

Về phiá Việt Nam, có nhiều tướng lãnh bỏ mình : Nguyễn Duy em Nguyễn Tri Phương cùng tán lý Nguyễn Duy Dữ, tán dương Tôn Thất Trĩ đã tử trận. Phan Thế Hiển bị đạn xuyên qua ngực, võng về Biên Hoà. Nguyễn Tri Phương bị đạn ở bả vai phải rút về Tân Sơn Nhứt rồi Biên Hoà. Trước khi chết Phan Thế Hiển, vị phó tướng, nói với Nguyễn Tri Phương :"Trong đời cầm binh, tôi chưa thấy trận nào quyết liệt, dữ dội như trận Chí Hoà này. Lòng can đảm liều mình của binh lính ta không thua họ. Nhưng về binh khí thì không thể thắng nổi họ. Phải lo dưỡng dân, nuôi quân, mua binh khí của họ mà đánh họ, may ra mới được."

Về phiá quân đội viễn chinh có 2 sĩ quan bị thương : Tướng Vassoigne tổng chỉ huy trận đánh đã bị thương nặng ngay từ ngày 24-2-1861, Charner phải thay thế. Đại tá Palanca chỉ huy trưởng đội quân Tây-ban-nha cũng bị thương nặng.

Vua Tự Đức và triều thần không biết là sáu tỉnh Nam Kỳ đã mất ngay từ lúc này. Binh tướng đã mất hết tinh thần. Đại quân của triều đình với tổng thống quân vụ đại thần Nguyễn Tri hương cơ mưu như vậy, ở đại đồn Chí Hoà mà còn phải thua, thì giờ đây ai chống lại được bọn Tây dương ? Cả quan lẫn quân đều run sợ trước sức mạnh của bọn Tây dương. Cứ nghe tiếng súng của họ là bỏ chạy, còn đâu tinh thần để mà chiến đấu.

Charner muốn chiếm thêm nhiều đất rồi mới thương thuyết. Hắn sai Trung-tá Bourdais theo đường sông và Thiếu-tướng Page theo đường biển vào sông Cửu Long kẹp chặt thành Định Tường (Mỹ Tho). Tiếng súng to, súng nhỏ nổ rền vang giữa buổi sáng, dân chúng nháo nhác xô nhau mà chạy. Đô-đốc Nguyễn Công Nhàn mặt không còn hạt máu bỏ thành chạy, quân sĩ uà theo. Quân Pháp vào thành mà không tổn thất bao nhiêu. Charner cho quân lính dừng lại, sắp đặt việc cai trị.

Được tin Định Tường thất thủ, vua Tự Đức gửi khâm sai đại thần Nguyễn Bá Nghi vào kinh lý Nam Kỳ, xem rõ thực hư ra sao. Charner tiếp Nguyễn Bá Nghi trên hộ tổng hạm, do Nguyễn Trường Tộ làm thông ngôn. Nguyễn Bá Nghi xin hoà. Charner đưa ra mười hai điều yêu sách. Ngoài những điều về tự do buôn bán, tự do thông thương, tự do truyền đạo, Charner đòi nhượng hẳn hai tỉnh Gia Định và Định Tường cùng với thị trấn Thủ Đầu Một trong tỉnh Biên Hoà, và đòi Việt Nam bồi thường chiến phí là bốn triệu đồng tiền bạc Mễ Tây Cơ. Trước khi rời hộ tổng hạm về kinh xin chỉ thị nhà vua, Nguyễn Bá Nghi có yêu cầu Charner hãy tạm đình chỉ các việc hành binh.

Nguyễn Bá Nghi về Huế tâu : lúc này chấp nhận việc cầu hoà là hơn cả. Nhưng đại thần Trương Đăng Quế nghĩ hoà lúc này lợi không bằng hại. Đình thần ngả theo cái lý của Trương Đăng Quế, nhưng chống giữ bằng cách nào thì ai cũng lúng túng. Tự Đức xuống chiếu cầu người tài ra giúp nước, cùng với lời hịch kêu gọi dân binh nổi dậy chống Pháp. Đầu năm 1862, Bonard thay thế Charner, chiếm Biên Hoà, Bà Riạ và đảo Côn Sơn (Poulo Condor). Sang tháng Ba, chiếm Vĩnh Long. Nửa đêm đốc thần Trương Văn Uyển cho đốt kho súng và kho lương rồi trốn ra cù lao Minh. Quân Việt Nam tan tác bỏ chạy.

Tự Đức sai PHAN THANH GIẢN và Lâm Duy Hiệp lãnh sứ mạng toàn quyền. Hai ông lên tàu Đoan Loan của ta nhờ tàu Forbin của Pháp kéo vào Gia Định. Trước khi vào hội đàm, hai ông tìm Nguyễn Trường Tộ và Trương Vĩnh Ký. Nguyễn Trường Tộ nói :"Thưa đại nhân, việc nghị hoà không thể tránh khỏi, nhưng chỉ là tùy thời, ngăn chặn họ đừng tìm cớ sinh sự đánh lan mãi, để dân ta được thư thái, củng cố sức lực, đợi thời cơ họ sơ hở mà thôi. Việc khôi phục sau này chẳng những phải tìm trong bản quốc mà còn phải tìm nơi bốn biển trong thiên hạ."

Trương Vĩnh Ký thưa :"Bẩm đại quan, lúc này hoà là hơn cả. Đành phải nhượng cho họ một ít đất, mong sau này tìm cơ hội mà thương lượng lại. Trong bốn tỉnh đã mất, cố nói khéo, chuộc về một hai tỉnh may ra."

(Còn tiếp)

 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002