Đại Chúng số 117 - ngày 1 tháng 4 năm 2003

Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Người Thương Phế Binh
Thế Giới và Bình Luận
Tin nhỏ Cần Biết
Hội Sinh Viên Đại Học MD
Liên Đoàn Võ Thuật VN
Lớp Nhiếp Ảnh Nghệ Thuật
Đọc Báo Dùm Bạn
Đừng Hỏi Tại Sao
Vũ Trụ và Con Người
Khoa Học và Y Khoa
Vạt Nắng Bên Trời
1001 Chuyện Nhớ Quên
Vài Nét Về Thơ
Phan Thanh Giản
Nước Thiêng
Sự Thật Pháp Giúp Nguyễn Ánh Khôi Phục Miền Nam
Thử Viết Về Sông
Nhạc Sĩ Phạm Mạnh Đạt
Thông Báo Tuyển Lựa Ca Sĩ

Lời giới thiệu : Là những người yêu thích văn nghệ, nhất là văn chương Việt Nam hải ngoại, chúng tôi hân hạnh được quen biết thi sĩ Song Thái, một bậc trưởng thượng trong giới thi ca có kiến thức vô cùng vững chắc về Thơ, và là tác giả một kho tàng vô giá của cả ngàn bài thơ đủ thể loại. Khi nghe được những ưu tư của chúng tôi đối với nền thi ca hải ngoại đang được mùa về số lượng nhưng phẩm chất chung của cánh đồng lại bị đe doạ, vì một số thợ cấy lúa làm việc hấp tấp cẩu thả tắc trách, thi sĩ Song Thái đã cụ thể hoá những lời an ủi chân tình của mình với chúng tôi thế hệ thứ hai và cả những thế hệ sau, bằng cách cho phép chúng tôi, một lần nữa, gửi đến bạn đọc cũng như tất cả các tầng lớp thi sĩ Việt Nam trong và ngoài nước một bài nghiên cứu về Thơ mà thi sĩ Song Thái đặt cho một nhan đề khiêm tốn là "VÀI NÉT VỀ THƠ".

Bình Huyên

VÀI NÉT VỀ THƠ

(tiếp theo kỳ trước)
Song Thái

(3) Thơ LỤC BÁT :

Lục Bát là 6 và 8. Vậy thơ Lục Bát cứ lần lượt làm câu 6 chữ, rồi câu 8 chữ, cứ thế tiếp tục câu 6, câu 8 chữ, muốn viết bài thơ dài ngắn bao nhiêu cũng được, miễn là phải tận cùng bằng câu 8 chữ.

(a) Luật Bằng, Trắc trong thơ Lục Bát.
Luật của thơ Lục Bát là Bằng theo như sau :

B B T T B B
B B T T B B T B

Hai câu đều bắt đầu là hai tiếng Bằng, rồi đến hai tiếng Trắc, rồi lại hai tiếng Bằng. Nhưng cuối câu nào cũng là vần Bằng. Thí dụ :

và Chào mừng đón hỏi dò la
Đào Nguyên lạc lối đâu mà tới đây
(Kim Vân Kiều)

Luật định là như vậy, nhưng vần được áp dụng biệt lệ nhất tam ngũ bất luận. (Xin nhắc lại : Bất luận (=không kể) nghiã là trong một câu thơ có vài chữ không cần phải theo đúng luật Bằng hay Trắc. Trong câu thơ Đường thì chữ thứ nhất, thứ ba và thứ năm không phải theo đúng luật Bằng hay Trắc).

Thí dụ :

.....Nỗi nàng canh cánh nào quên
Hãy còn quanh quất giấc tiên khéo là
Bướm kia vương lấy sầu hoa
Đoạn tương tư ấy nghĩ mà buồn tênhà (Bích câu kỳ ngộ)

Lại còn một biệt lệ nữa là khi câu 6 chữ mà chia làm hai đoạn đều nhau, thì chữ thứ hai trong câu 6 có thể đổi từ Bằng ra Trắc. Thí dụ :

Mai cốt cách, tuyết tinh thần
Đau đớn thay, phận đàn ba
Khi tựa gối, khi cúi đầu

(b) Vần của thơ Lục Bát.
Vần của thơ Lục Bát bao giờ cũng là vần Bằng.
Cứ xong hai câu 6 và 8 lại phải đổi vần.

Tiếng cuối câu 6 vần với tiếng thứ sáu câu 8.
Tiếng cuối câu 8 vần với tiếng cuối câu 6. Thành ra, câu 8 chữ có hai vần, một vần ở giữa câu gọi là "yêu vận" và một vần ở cuối câu là "cước vận".
Trong câu tám chữ có hai vần này, phải tránh không cùng một thanh, tuy rằng hai tiếng đều là Bằng. Có như vậy thì câu thơ mới êm ái dịu dàng. Thí dụ :

Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòngà (Kim Vân Kiều)
Em là con gái kẻ mơ
Em đi bán rượu tình cờ gặp anh
Rượu ngon chẳng quản be sành
Áo rách khéo vá hơn lành vụng may.
(Ca dao)

(4) Thơ SONG THẤT LỤC BÁT.

Thơ Song Thất Lục Bát nghĩa là hai câu 7, rồi đến câu 6, câu 8, tức là hai câu lục bát.
Cứ hai câu 7 chữ hợp cùng hai câu lục bát thành một đoạn con, rồi cứ nối các đoạn con với nhau thành ra một bài thơ dài, ngắn tùy ý, nhưng phải đặt cho tròn từng đoạn. Thí dụ :

Trải vách quế gió vàng hiu hắt
Mảnh vũ y lạnh ngắt như đồng
Oán chi những khách tiêu phòng
Mà xui phận bạc nằm trong má đào
(Cung Oán Ngâm Khúc)

(a) Luật Bằng Trắc trong thể thơ Song Thất Lục Bát.
Hai câu thơ lục bát 6 và 8 chữ phải theo đúng luật của thơ lục bát. Đến hai câu 7 chữ thì trừ chữ thứ nhất không kể muốn đặt tiếng gì cũng được, còn lại sáu chữ chia làm ba đoạn, mỗi đoạn hai chữ.

Trong câu 7 chữ trên, trừ chữ đầu, phần còn lại là Trắc Trắc, Bằng Bằng, Trắc Trắc.
Trong câu 7 chữ dưới, trừ chữ đầu, phần còn lại là Bằng Bằng, Trắc Trắc, Bằng Bằng.
Ta có thể viết luật Song Thất Lục Bát như sau : Theo bảng dưới đây, O là chữ đầu tiên muốn đặt tiếng gì cũng được, B là Bằng, T là Trắc, còn những chữ b nhỏ và t nhỏ là theo biệt lệ "nhất tam ngũ bất luận" :

Câu 7 chữ thứ nhất : O t B b B t T
Câu 7 chữ thứ hai : O b B t T b B
Câu 6 chữ : b B t T b B
Câu 6 chữ : b B t T b B T B

(b) Vần thơ của Song Thất Lục Bát.
Chữ cuối câu 7 trên vần với chữ thứ năm câu 7 dưới, mà đều là chữ vần Trắc.
Chữ cuối câu 7 dưới vần với chữ cuối câu 6, mà đều là chữ vần Bằng.
Chữ cuối câu 6 vần với chữ thứ sáu câu 8, mà đều là vần Bằng.
Chữ cuối câu 8 vần với chữ thứ năm câu 7 trong đoạn nối tiếp mà cũng là vần Bằng.
Như vậy, trong một đoạn bốn câu có một vần Trắc và ba vần Bằng.
Chúng ta hãy đọc ( trích môt đoạn) bài thơ "Song Thất Lục Bát" dưới đây của Ngọc Hân Công Chúa khóc vua Quang Trung, thì thấy rõ cả luật và vần trong loại thơ này :

Buồn thay nhẽ sương rơi gió lọt
Cảnh đìu hiu thánh thót châu sa
Tưởng lời di ngữ thiết tha
Khóc nào lên tiếng, thức mà cũng mê
Buồn thay nhẽ xuân về hoa nở
Mối sầu này ai gỡ cho xong
Quyết liều mang vẹn chữ tòng
Trên lương nào ngại, giữa giòng nào e
Con trứng nước thương vì đôi trẻ
Chữ thâm tình không nhẽ bỏ đi
Vậy nên nấn ná ngày trì
Hình dường như ở, hồn thì đã theo

(4) Thơ THẤT NGÔN BÁT CÚ hay ĐƯỜNG LUẬT.

Thất ngôn bát cú là thể thơ gồm có tám câu, mỗi câu bảy chữ. Thơ này còn gọi là Thơ Đường, tức là thể thơ thịnh hành nhất từ đời nhà Đường bên Tàu, rồi mới truyền sang Việt Nam ta. Dưới đời nhà Đường, có thi sĩ Lý Bạch là danh tiếng nhất. Một đêm sáng trăng trên sông Thái Trường Giang, rượu ngà ngà say, nom trên mặt sông thấy bóng trăng in nước đẹp quá, nhà thơ nhảy xuống sông, ôm lấy bóng trăng, bị nước cuốn đi mà chết, vừa nửa đời người.

(a) Bố cục bài thơ.
Một bài thơ Đường "thất ngôn bát cú" gồm có :
Câu thứ nhất gọi là "Phá đề" tức là câu mở trước nói về ý nghĩa trong bài thơ.
Câu thứ hai gọi là "Thừa đề", là câu nối với câu Phá đề cho trọn ý nghĩa đầu bài.
Câu thứ ba và thứ tư gọi là Thực hay Trạng là hai câu giải thích đầu bài cho rõ ràng. Nếu là thơ tả cảnh, thì chọn cảnh sắc xinh đẹp đặc biệt mà tả ra. Nếu là thơ tình cảm thì đem mọi tình tứ mà giãi bày. Nếu là thơ vịnh người thì nói đến hình dáng, công trạng, đức hạnh

Câu thứ năm và thứ sáu gọi là Luận, tức là bàn bạc. Như tả cảnh thì nói đến cảnh đẹp hay buồn bã.
Hai câu baỷ và tám là Kết luận tóm cả ý nghiã bài thơ.

(b) Đối trong bài thơ.
Nên chú ý rằng trong một bài thơ "thất ngôn bát cú", các câu 3 và 4, 5 và 6 phải đối với nhau (biền văn).
Phải cố ý đối như sau :

Đối ý là tìm hai ý tưởng gì cân nhau, như nhau, bằng nhau, giống nhauà mà đặt thành hai câu đi song song với nhau. Thí dụ như trong bài thơ cảnh Đèo Ngang của bà Huyện Thanh Quan, câu 3 và câu 4 là :

Lom khom dưới núi, tiều vài chú
Lác đác bên sông, chợ mấy nhà

Thì cái cảnh nom thấy mấy người tiều phu lom khom ở chân núi, đối với cảnh lác đác bên sông có mấy cái nhà.
 Đối chữ thì phải xét về hai phương diện Thanh của chữ và Loại của chữ :
Về Thanh thì chữ Bằng đối với chữ Trắc, và ngược lại chữ Trắc thì đối với chữ Bằng.
Cũng trong hai câu thơ trên :

Lom khom là Bằng đối với Lác đác là Trắc
dưới là Trắc đối với bên là Bằng
tiều là Bằng đối với chợ là Trắc

Về Loại thì hai chữ đối nhau cùng một loại, như danh từ đối với danh từ, động từ đối với động từ, tĩnh từ đối với tĩnh từ, trạng từ đối với trạng từ
Thí dụ trong hai câu thơ trên của bà Huyện Thanh Quan:

Lom khom và Lác đác đều là tĩnh tữ đối nhau
núi và sông là hai danh từ đối nhau
vài và mấy là số từ đối nhau

Khi đối chữ mà chọn được những chữ cùng một loại như thế là đối chỉnh hay đối cân. Nếu hai chữ đối nhau mà không cùng một loại, nghĩa lại khác nhau, thì gọi là đối chọi.

(c) Vần trong bài thơ.

Thơ Đường hay "thất ngôn bát cú" thường dùng vần Bằng, nhưng một đôi khi cũng dùng vần Trắc. Cả một bài thơ chỉ gieo có một vần, nên gọi là Độc Vận. Trong một bài thơ chỉ có năm vần, gieo ở câu thứ nhất và các câu số chẵn, nghĩa là vần gieo ở cuối các câu 1, 2, 4, 6, 8.

Làm thơ Đường thì phải cố tìm vần cho thực hợp với nhau. Nếu như chơi mà cho vần với đứng là Lạc Vận. Nếu vần gieo gượng không thực hợp với nhau như nghèo với tiêu (trong thơ Tú Xương ở trên) là Cưỡng Áp (làm gượng gạo). Lạc Vận không dùng được, còn Cưỡng Áp thì nên tránh.

(d) Niêm trong bài thơ Đường.

Chữ Niêm, nghĩa đen là dính với nhau, là sự liên lạc giữa hai câu thơ trong một bài thơ Đường. Hai câu thơ niêm với nhau là khi nào hai chữ đầu câu thơ cùng theo một luật Bằng hay Trắc, nghiã là Bằng niêm với Bằng, Trắc niêm với Trắc.

Trong một bài thơ Đường,

Câu 1 niêm với câu 8
Câu 2 niêm với câu 3
Câu 4 niêm với câu 5
Câu 6 niêm với câu 7.

Trong một bài thơ Đường mà cả câu thơ đặc sai luật như đang đặc câu thơ theo luật Bằng-Bằng lại đổi ra làm Trắc-Trắc, hoặc trái lại, làm cho các câu thơ trong bài không niêm được với nhau thì gọi là Thất Niêm. Như thế là không được và không đúng với thơ Đường.

(e) Kết luận.

Làm thơ Đường (thất ngôn bát cú) mà bắt buộc phải theo đúng luật Bằng Trắc (sẽ nói dưới đây) thì nhiều khi bó buộc quá, khó khăn quá, nên các thi gia mới đặt ra lệ Bất Luận (không kể), nghiã là trong một câu thơ có vài chữ không cần phải theo đúng luật Bằng Trắc, như thế gọi là "Nhất, Tal, Ngũ bất luận".

(f) Khổ độc.

Khổ độc nghĩa là khó đọc, hoặc đọc lên trúc trắc, không được êm tai. Tuy đã có lệ Bất Luận vừa nói ở trên, nhưng trong một câu thơ, chữ Trắc đổi ra chữ Bằng thì bao giờ cũng được, còn chữ Bằng đổi ra chữ Trắc thì trong nhiều trường hợp, sự thay đổi ấy làm cho câu thơ "khổ độc".

Trong thơ thất ngôn, chữ thứ ba các câu chẵn và chữ thứ năm các câu lẻ, đáng lẽ là Bằng mà đổi ra là Trắc là "khổ độc", không thể chấp nhận được.

(g) LUẬT.

Có hai luật : Luật Bằng và luật Trắc.
Luật thơ là cách thức sắp đặt các tiếng bằng và trắc trong các câu của một bài thơ. Luật ấy nhất định, các nhà làm thơ phải theo cho đúng.
Luật Bằng là bắt đầu bài thơ bằng hai tiếng Bằng.
Luật Trắc là luật bắt đầu bài thơ bằng hai tiếng Trắc.

Phần Luật này là phần khó nhất trong cách làm thơ, nên các thi nhân nhiều khi phải vò đầu nặn óc để tìm chữ dùng cho đúng. Tuy nhiên, đã có biệt lệ "nhất, tam, ngũ bất luận" nên đôi khi được châm chước dễ dãi một chút cho các thi nhân. Nhưng nếu làm thực đúng luật thì bài thơ sẽ có giá trị hơn.

Bây giờ, nếu lấy chữ B thay cho tiếng Bằng và chữ T thay cho tiếng Trắc, thì LUẬT thơ "thất ngôn bát cú" sẽ như bảng dưới đây, chữ V trong ngoặc là Vần câu thơ.

LUẬT BẰNG thơ Thất Ngôn Bát Cú.

Câu 1 : B B T T T B B (V)
Câu 2 : T T B B T T B (V)
Câu 3 : T T B B B T T
Câu 4 : B B T T T B B (V)
Câu 5 : B B T T B B T
Câu 6 : T T B B T T B (V)
Câu 7 : T T B B B T T
Câu 8 : B B T T T B B (V)

Thí dụ một bài thơ LUẬT BẰNG của cụ Nguyễn Công Trứ :

"TỰ THUẬT"

Hai mươi có lẽ những mơ màng
Cuộc thế xem ra đã chán chường
Lúc đãt chẳng qua nhờ vận mệnh
Khi cùng chớ cậy có văn chương
Theo thời cũng rắp làm nghề khác
Bẩm tính đà quen những nết ương
Thời thế rủi may thời cũng được
Ai dư nước mắt khóc giàu sang.

LUẬT TRẮC thơ Thất Ngôn Bát Cú.

Câu 1 : T T B B T T B (V)
Câu 2 : B B T T T B B (V)
Câu 3 : B B T T B B T
Câu 4 : T T B B T T B (V)
Câu 5 : T T B B B T T
Câu 6 : B B T T T B B (V)
Câu 7 : B B T T B B T
Câu 8 : T T B B T T B (V)

Thí dụ bài thơ LUẬT TRẮC của cụ Nguyến Khuyến :

"NGHỈ VỀ NHÀ"

Tóc bạc lòng son chửa dám già
Ơn vua đã được nghỉ về nhà
Non sông đất nước còn như cũ
Ghế gậy cân đai thế cũng là
Đất rộng nhìn thêm đường gốc sậy
Ngày dài biết hết chuyện giang ca
Ông trời ý để cho ta nhỉ
Đã chót sinh ta hẳn có ta.

Theo biệt lệ "Nhất, Tam, Ngũ bất luận", LUẬT BẰNG thơ "Thất Ngôn Bát Cú" cho phép chữ b, t nhỏ có thể thay thế được.

Câu 1 : b B t T t B B (V)
Câu 2 : t T b B t T B (V)
Câu 3 : t T b B b T T
Câu 4 : b B t T t B B (V)
Câu 5 : b B t T b B T
Câu 6 : t T b B t T B (V)
Câu 7 : t T b B b T T
Câu 8 : b B t T t B B (V)

Không cần phải thí dụ vì các thi nhân đều áp dụng như thế cả.

Theo biệt lệ "Nhất, Tam, Ngũ bất luận", LUẬT TRẮC thơ "Thất Ngôn Bát Cú" cho phép chữ b, t nhỏ có thể thay thế được như sau.

Câu 1 : t T b B t T B (V)
Câu 2 : b B t T t B B (V)
Câu 3 : b B t T b B T
Câu 4 : t T b B t T B (V)
Câu 5 : t T b B b T T
Câu 6 : b B t T t B B (V)
Câu 7 : b B t T b B T
Câu 8 : t T b B t T B (V)

Trong văn chương Việt Nam còn có những thể khác như Phú, Câu Đối, Ca Trùààvà cũng nhiều hình thức như Liên Hoàn, Thủ Vĩ Ngâm, Yết Hậuà, chúng tôi xin nghiên cứu và trình bày sau.

* Trên đây, chúng tôi đã sưu tầm trong một số sách cùng kinh nghiệm bản thân mà viết ra. Ước mong các vị cao minh sẽ chỉ giáo thêm cùng bổ túc cho, chúng tôi xin vô cùng cảm tạ.

Song Thái Phạm Công Huyền 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002