Đại Chúng số 123 - ngày 1 tháng 7 năm 2003

Thư Tòa Soạn
Vinh Danh Quân Lực VNCH
Thế Giới và Bình Luận
Nhận Diện TP Quảng Châu
Ngày Quân Lực tại Philadelphia
Sau Khi Chết Ta Sẽ Ra Sao
Y Khoa và Khoa Học
Tranh Luận về Internet
Đọc Báo Dùm Bạn
Truyện dài - Yêu Em Từ Thuở
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Vũ Điệu Con Hổ
Yếm Vải Xứ Thanh
Nấu Ăn Ngon Cho Chàng
Vườn Thơ

Yếm Vải Xứ Thanh
Tác Giả: Nhạc sĩ TRỊNH HƯNG
- Kỳ 3 -

 

Thanh nghe lời tôi, ngồi thẳng người lên, không khóc nữa. Nàng yên lặng nhìn tôi đăm đăm bằng đôi mắt đẫm lệ. Tôi ôn tồn hỏi:"Em từ đâu đến đây tìm anh? Có chuyện gì mà buồn thế? Em cứ nói hết cho anh nghe. Nếu anh có thể giúp gì được cho em, anh sẽ hết lòng."

Thanh lấy vạt áo chấm lệ, mím miệng thở dài rồi cất giọng gái miền Trung dịu dàng quen thuộc thuở xưa:"Em ở tận trên Việt Bắc, trong rừng thuộc tỉnh Thái Nguyên. Từ đó về đây, nơi nào có thuyền em đi thuyền, còn không thì đi bộ, mất ba ngày mới đến nơi, anh ạ. Chủ đích của em về đây gặp anh để cho anh biết chuyện của đời em, quan trọng mà buồn lắm!" Thấy tôi cũng yên lặng nhìn nàng, Thanh chớp chớp cặp mắt to đen, bắt đầu kể:"Một ngày sau buổi chia tay với anh ở quán ăn tại Thanh Hoá, em và thằng em trai trở về Huế sớm vì em rất sợ phải gặp lại bạn bè trong nỗi đau buồn. Chúng em đi xe đến Huế đã mười giờ tối. Cha mẹ em thấy em khoẻ mạnh thì mừng lắm. Mẹ em dọn cơm cho hai đứa ăn. Xong, mẹ em bảo em:"Đường xa về mệt, con hãy đi ngủ ngay. Sáng mai, cha mẹ sẽ nói chuyện tương lai của con." Hôm sau, em dậy sớm. Chờ em rửa mặt ăn sáng xong, cha em bảo:"Như đã nói trong thư, cha mẹ gọi con về lập gia đình, xây dựng tương lai cho con. Con trai con gái lớn lên, ai cũng phải lập gia đình, như cha mẹ, rồi sinh con đẻ cái nối tiếp giống nòi. Chồng sắp cưới của con là con trai một người bạn thân của cha từ nhỏ. Gia đình anh ta danh giá, môn đăng hộ đối với nhà ta. Anh ta đã học xong trung học, lại biết khá nhiều về văn thơ và lấy bút hiệu là Tố Hữu. Tuy hai con chưa bao giờ có dịp gặp nhau, vì cả con lẫn anh ta phải đi học phương xa, nhưng cha mẹ thấy anh ta hiền lành nên rất ưng. Cha mẹ luôn luôn ước mong cho con có nơi nương tựa xứng đáng."

(Đến đó, Thanh lắc nhẹ mái tóc đen hơi bù rối, kể tiếp). Cha mẹ em còn nói thêm là nhà trai xin làm lễ cưới vào tháng sau cùng ngày vì đó là ngày lành tháng tốt. Em không có ý kiến nào cả, chỉ biết chờ đợi sự diễn tiến của số mệnh mà thôi. Trước ngày cưới nửa tháng, người chồng tương lai của em theo cha mẹ đến trình diện chào hỏi cha mẹ em. Lúc đó, em nấp trong buồng nhìn ra để biết mặt chồng chưa cưới, chứ không được phép ra tiếp chuyện. Em thấy anh chàng dáng dấp thư sinh, không cao ráo khoẻ mạnh đẹp trai, nhưng cũng không phải là người xấu trai, có vẻ hiền lành trong bộ quần áo dài cổ xưa chứ không mặc âu phục như các thanh niên thời nay. Hơn nữa, em thấy anh chàng có nhiều nét quê mùa là đằng khác.

Thế rồi, ngày cưới đến. Đám cưới được tổ chức linh đình cho đẹp mặt hai họ, vì cả hai gia đình đều khá giả. Lần đầu tiên đi làm dâu, xa gia đình, đến ở nhà chồng, cái gì cũng lạ lẫm. Cha chồng em rất hiền lành ít nói, duy có bà mẹ chồng người Huế đầu óc còn nặng phần cổ hủ phong kiến nên bà tỏ ra hơi khắt khe. Về phần các cô các cậu em chồng, chẳng ai tỏ ra thân thiện thương mến em cả. Thái độ chồng em lúc nào cũng lầm lì, khô khan, nên đời sống tình cảm của em thật buồn, nhưng số phận đã lỡ như vậy, em đành phải chấp nhận mọi thứ, kể cả việc làm vừa lòng mẹ chồng cùng các em chồng.

Chồng em hay vắng nhà. Khi ở nhà, anh ấy chẳng nói năng gì hoặc làm cử chỉ nào để biểu lộ sự yêu thương chiều chuộng vợ cả. Em chỉ biết có bổn phận làm vợ mà thôiỳ chứ không tài nào yêu chồng em được. Cứ như thế, em lầm lũi làm tròn bổn phận dâu hiền vợ ngoan. Được hơn một năm, em sinh con trai đầu lòng. Tới lúc đó em mới tìm thấy nguồn vui sướng và an ủi ở đứa con trai, nên em dồn hết tình thương vào nó, quên đi những chuyện xảy ra hàng ngày.

Thế rồi tới ngày 19 tháng Tám năm 1945, Cách Mạng tháng 8 của Việt Minh thành công. Lúc đó em thấy chồng em có vẻ vui sướng khác thường, lại đi họp đi hành liên miên. Có lần em tò mò hỏi Tố Hữu chồng em:"Sao anh đi họp hoài vậy?" Chồng em hơi cau mày, lạnh lùng nói:"Bây giờ cách mạng thành công, bổn phận làm trai phải đóng góp chứ." Rồi anh ấy gật gù nói thêm:"Sau này, nước ta sẽ không còn cảnh nhà giầu nhà nghèo, sẽ hết chuyện người bóc lột người hoặc dùng quyền hành áp bức đồng loại bắt người ta làm nô lệ nữa."

Rồi một hôm, trong khi thu dọn quần áo của chồng đem đi giặt, em thấy chồng em để quên cái bóp đựng giấy tờ. Em tò mò giở ra xem thì thấy một giấy chứng nhận anh ấy là đảng viên cộng sản từ năm lấy em. Khi đó em mới hiểu, vì là đảng viên cộng sản nên chồng em hay vắng nhà đi hoạt động, chẳng ngó ngàng chú ý gì đến vợ con cả. Và khi cách mạng thành công, anh ấy lại hăng say hơn.

Đến cuối năm 1946, chiến tranh Việt Pháp bùng nổ. Nghe lời kêu gọi của chính phủ cộng sản, người dân ở thành thị tản cư và theo chính sách tiêu thổ kháng chiến. Gia đình nhà chồng em cũng đi tản cư về vùng quê, còn em thì bế con theo chồng đi lên Việt Bắc. Ở có chính phủ trung ương lãnh đạo kháng chiến đặt bản doanh. Chồng em được cử làm chủ tịch văn nghệ kháng chiến. Anh ấy rất hăng hái hoạt động, làm thơ ca ngợi cách mạng, quên hết vợ con. Em thui thủi một mình lo lắng nuôi nấng chăm sóc đứa con và hầu hạ chồng mỗi khi anh ấy về thăm nhà. Có lẽ vì quá hăng say làm việc, đầu óc căng thẳng, nên anh ấy đâm ra khó tính, hay cáu gắt với em dù chỉ là một việc nhỏ nhặt chẳng đáng gì. Hơi tí anh ấy cũng lôi em ra phê bình gay gắt. Em buồn quá đâm ra lì lợm.

Cách đây hai năm, em sinh thêm một con trai nữa. Hai đứa con đem lại cho em niềm vui, làm em khuây khỏa, chứ nói thật với anh, lắm lúc em chán đời không thiết sống nữa! Từ khi lớn lên ở tuổi con gái học trò ngây thơ đầy mơ mộng, em chưa được hưởng hạnh phúc tình yêu. Năm học ở Thanh Hoá với anh, em chỉ có một tình yêu đơn phương câm lặng. Người em yêu là anh mà anh đâu có biết. Lúc nào anh cũng mang vẻ nghiêm nghị đạo mạo của một ông anh, ông thầy. Em là con gái, lại là con nhà nề nếp, nên tuy rất yêu mà không dám thổ lộ tình cảm với anh. Em sợ anh sẽ khinh em là con gái Huế lãng mạng thiếu giáo dục, nên em đành ôm mối tình câm và sau đó phải trở về nhà tuân theo lời cha mẹ đi lấy chồng, một người xa lạ mà em không yêu.

Lúc ấy, em nghĩ rằng vì không có hoàn cảnh gặp nhau để phát sinh ra tình yêu, nhưng sau này thành vợ thành chồng sẽ nẩy nở tình cảm. Nhưng số em không may. Từ ngày lấy chồng đến nay đã có hai mặt con rồi mà em chưa hề được hưởng một cử chỉ âu yếm lời nói ngọt ngào từ người chồng mà chỉ nhận được sự hững hờ cay đắng thôi. Nhất là từ khi vợ chồng dắt nhau đi tản cư lên Việt Bắc, anh ấy quá ham mê quyền lực danh vọng, xa lánh vợ con. Hôm nào anh ấy về nhà là có chuyện, không chuyện này thì chuyện khác. Em chỉ còn biết ôm con khóc thôi, trong bụng mong cho anh ấy đi cho sớm và càng ít về càng hay!

Kể đến đây, anh Hữu Loan chợt ngừng lại, nhìn tôi hỏi:
- Chuyện dông dài quá nhỉ?

Tôi vội nắm tay anh, miệng ân cần:
- Em phục trí nhớ của anh. Anh em mình gặp nhau lần này, biết bao giờ em mới trở lại đây để đàm đạo với anh nữa. Những chuyện thâm sâu ấy cần được phơi bày hết ra một lần cho đồng bào hải ngoại và có thể quốc nội được hiểu rõ mọi chuyện. Xin anh cứ kể tiếp.

Anh Hữu Loan thở dài, cất giọng trầm trầm đặc sệt âm điệu Thanh Hoá:
- Anh cũng chiều ý em, Hưng ạ. Có một điều anh cần cho em biết thêm. Đó là Thanh tuy là gái Huế, nhưng qua nhiều tháng tiếp xúc với bạn bè tứ xứ và nhất là sau biết bao cuộc trò truyện riêng với anh, tiếng nói của nàng rất đặc biệt. Nó vừa mang âm thanh Huế cổ kính và âm sắc du dương của Hà Nội, vừa đượm âm hưởng xứ Thanh Hoá rất nhẹ nhàng của anh, khiến người nghe dễ bị "thôi miên". Thế mà anh chàng Tố Hữu không hề cảm động. Có lẽ đó là hiện tượng chung cho đa số thanh niên Bôn-Chê-Vích chăng? Riêng anh là một ngoại lệ, cũng như một số nhỏ thanh niên trong thế giới cộng sản này, nên anh không khỏi mủi lòng trước cảnh "nhi nữ trường tình". Và, anh đã chú ý nghe Thanh kể lể...

Thanh vén tóc, vạch áo cho anh thấy những vết bầm tím trên đầu trên người, trông thật phũ phàng với những dấu đòn thù thô bạo in vào làn da trắng mịn vô tội! Thanh ngước mắt nhìn anh, mấp máy cặp môi mềm đầy quyến rũ, hiến cho đời và cả anh những lời nỉ non của một sầu nữ diễm tình:
"Anh Hữu Loan ơi! Từng giây từng phút trôi qua trong cái quá khứ nhạt nhẽo ấy mà chỉ riêng em buồn tủi một mình, không có ai thân thiết mà tâm sự cho vơi đi niềm đau nỗi khổ. Em đã dằn lòng nhịn nhục hết sức rồi mà vẫn không thay đổi được gì. Cây muốn lặng gió chẳng muốn dừng. Sự chịu đựng của con người cũng có hạn thôi chứ, khổ nhục quá ai chịu nổi! Con giun xéo lắm cũng quằn mà! Cách đây một tuần lễ, anh Tố Hữu về nhà. Em lo cơm lo nước cho anh ấy, cố làm tròn bổn phận người vợ. Em nhận thấy nét mặt anh ấy lúc nào cũng đăm chiêu đầy khó chịu. Thằng con lớn của chúng em lại hay nghịch ngợm phá phách. Thế là anh ấy kiếm chuyện đay nghiến em:"Ở nhà cả ngày, có hai đứa con mà cũng không biết lo dạy dỗ, để chúng nó phá phách thế à! Mai sau lớn lên sẽ hư hỏng!" Em bực mình quá nên cãi lại, dần dần hai vợ chồng thành to tiếng. Cơn nóng giận của anh Tố Hữu nổ bùng lên. Anh quát tháo mắng em là "con nhà mất dạy vô giáo dục" dám cãi lại cả chồng. Trời ơi! Chửi em là "con nhà mất dạy vô giáo dục" là đụng đến cha mẹ em rồi! Em không dằn được nữa, nên em cãi lại hăng hơn, không còn nể nang gì anh ấy nữa. Em cũng dùng những câu nặng nề chỉ trích gia đình anh ấy, làm anh ấy càng nổi nóng thêm, miệng hét toáng lên, lao người tới chỗ em đứng, một tay nắm lấy tóc em quấn chặt lại! Rồi anh ấy vừa đè em xuống vừa dùng tay kia đánh em một trận không nương tay. Đánh xong, hả cơn giận, anh ấy vơ lấy áo quần cho vào cặp, xách ra cửa đi luôn

Sau trận đòn, khắp, người em đau ê ẩm. Tủi thân quá, em vào buồng ôm hai đứa con thẫn thờ vì hoảng sợ, em khóc sưng cả mắt. Với mối uất hận ngập trời, em tự nhủ em không bỏ phí cả cuộc đời, sống trong cảnh khổ đau mãi như thế được. Chồng gì mà vũ phu quá! Cuối cùng, em quyết định xin ly dị để không còn sống trong cảnh địa ngục trần gian như thế này nữa! Suy đi tính lại suốt đêm, sáng hôm sau, em dậy lo cho hai con ăn uống xong, tuy thân thể mặt mũi còn đau, em lấy giấy bút ra thảo ngay một lá đơn xin ly dị với các lý do đến từ câu chuyện xung đột giữa hai vợ chồng. Em ký tên sẵn một bên và để trống một bên cho anh ấy ký sau.

Kèm theo lá đơn xin ly dị, em còn viết riêng cho anh Tố Hữu một bức thư dài, trong đó có đoạn như sau:
"tôi lấy anh là do lệnh của cha mẹ tôi. Từ ngày ấy cho đến nay, tôi âm thầm chịu đựng cố gắng làm tròn bổn phận làm vợ làm dâu con. Thật ra, tôi chưa hề xúc động một tí nào với anh mà cũng chẳng cảm thấy yêu thương anh một giây phút nào cả. Thêm vào đó, tôi chưa bao giờ được hưởng hạnh phúc dù cũng chỉ là giây phút. Trái lại, cuộc sống vợ chồng chứa chất toàn chuyện cãi cọ do anh gây sự mắng nhiếc tôi. Vừa rồi, anh lại giở thói vũ phu thuộc loại côn đồ ra đánh đập tôi. Cho nên, tôi không còn muốn sống chung với anh nữa. Anh nên ký tên vào tờ giấy ly dị mà tôi viết sẵn kèm theo đây..."

Kể đến đó, Thanh ngửng đầu nhìn anh bằng ánh mắt vô cùng tha thiết. Nàng nhắm mắt vài giây rồi mở ra như quyết định lần cuối cùng trước khi thổ lộ một điều hệ trọng. Bằng giọng nói run run như của thiếu nữ lần đầu trao đổi lời yêu đương với người tình, Thanh nói trong hơi thở:
"Anh Hữu Loan ơi! Em đã nói trong thư gửi cho anh Tố Hữu những lời sau đây:"Lúc còn con gái đi học ở Thanh Hoá, tôi đã quá yêu anh Hữu Loan. Đó là một con người có học thức, nhiều đạo đức, và là một nhà thơ nổi tiếng thời nay với bài thơ khóc vợ nhan đề Màu Tím Hoa Sim. Chắc anh cũng biết bài thơ đó. Lúc ấy, tôi đã yêu anh Hữu Loan một cách đơn phương, câm lặng, chỉ mình tôi biết cho chính tôi mà thôi. Anh Hữu Loan rất đứng đắn. Anh ấy dạy tôi và các chị em bạn tôi trong lớp riêng tại nhà. Ai ai cũng mến anh ấy, nhưng anh ấy quá nghiêm trang, coi tụi tôi như những người em gái mà thôi. Đó là mối tình đầu của tôi và tôi đã chân thành dâng hết con tim cho anh Hữu Loan. Tuy không được đáp lại, nhưng tôi luôn luôn tôn thờ mối tình cao đẹp đó.

Thế rồi bỗng dưng cha mẹ tôi gọi về, gả tôi cho anh. Tôi nào có quen anh yêu anh đâu. Chỉ vì chữ hiếu nên tôi phải vâng lời cha mẹ. Còn anh Hữu Loan lấy vợ được vài ngày thì chị ấy chết đuối.

Ngày mai, tôi sẽ gửi hai con cho người bạn, và tôi sẽ đi thật xa, về tỉnh Thanh Hoá, tìm đến anh Hữu Loan, kể cho anh ấy hết tâm sự của tôi. Tôi sẽ nài xin anh ấy hãy thương tôi và nhận cho mối tình sâu đậm chân thành mà tôi đã từng dành cho anh ấy. Nếu anh ấy chấp nhận tình yêu của tôi, tôi sẽ ở lại với anh ấy đến bạc đầu. Còn hai con, nếu anh lo cho chúng được thì càng hay, bằng không anh biên thư về Phòng Chính Trị khu Tư cho tôi biết, tôi sẽ về nhận hai con để nuôi nấng dạy dỗ chúng cho nên người sau này, vì tôi thương hai con tôi vô cùng."
Viết xong, em để cả hai tờ giấy trên bàn, rồi mang con đi gửi. Đoạn, em thu xếp quần áo thường dùng vào tay nải, lên đường ngay. Suốt trong ba ngày lặn lội bằng cả đường bộ lẫn đường thủy, em tới được Thanh Hoá, hỏi thăm chỗ anh ở và tìm đến gặp anh đây nì, anh Hữu Loan yêu dấu ngàn đời của Thanh ơi!!!

(Còn tiếp)
Tác giả: Nhạc sĩ TRỊNH HƯNG

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002