Đại Chúng số 115 - ngày 1 tháng 2 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Lan Ranh Quoc Cong

1001 chuyện nhớ quên

Đọc báo dùm các bạn

Kich Mot Hoi Tao Quan Qui Mui

Ve Viet Nam Van Hai

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Nhan Dam Xuan Nam De

Dau Nam Qui Mui Noi Ve Lich

Nam Moi Noi Ve Cac Hien Tuong

Nam Mui Noi Chuyen Con De

Cong Nghe Phuc Vu Chien Tranh

Van Con Mua Xuan

Xuan Qui Mui-Xuan Cau Nguyen Phuong Du

Vũ trụ & Con người

Hoa No Vuon Le

Lieu Nuoc Trang Co

Nấu ăn ngon cho chàng

Trang thơ

Giai Thoai Van Chuong Hien Dai

Sua Ten Tac Pham Cua Nguoi Qua Co

Nhung Tac Dong Van Hoa

A KY OPPONENT LIVES IN ‘EXILE’ IN WASHINGTON

NHÀN ĐÀM

XUÂN NĂM DÊ LAI RAI CHUYỆN CÀ KÊ DÊ NGỖNG...

Phương Bình

Năm nay, 2003, theo vận hành của lịch đại Á Đông thì nhằm vào năm Quí Mùi, năm của con Dê. Theo ngũ hành thì ứng vào dương liễu mộc, khắc lộ bàng Thổ.

Con dê, người Hoa gọi là YẢNG, ta đọc là DƯƠNG, và chữ DƯƠNG theo Hán văn viết theo lối tượng hình một con vật có cặp sừng nhọn, đuôi dài. Vì thế, sừng dê nhất là dê núi (sơn dương) sừng cong và nhọn, hay ‘húc càn", nên nhân năm Dê hẳn có nhiều chuyện về Dê để lai rai...lắm lắm!

Chỉ kể riêng về vận niên từ đầu thế kỷ thứ XX (1970) đến nay, đã có 9 năm Mùi. Đó là các năm: Đinh Mùi (1907), Kỷ Mùi (1919), Tân Mùi (1931), Quí Mùi (1943), Aát Mùi (1955), Đinh Mùi (1967), Kỷ Mùi (1979), Tân Mùi (1991) và năm nay Quí Mùi, 2003.

Nếu tính đến những năm nhuần theo Âm Lịch, thì từ năm Quí Mão (1903) đến năm Giáp Thân (2004), chỉ trong vòng hơn 100 năm, đã có 37 năm nhuần...

Tôi xin kể mấy câu chuyện vặt về Dê hầu quý bạn buổi đầu Xuân.

Trước hết là chuyện Xe Dê (hay Dương Xa).

Đọc Cung Oán Ngâm Khúc, chúng ta còn nhớ Ôn Như Hầu đã cực tả tâm trạng eo sèo của các nàng cung nữ thầm oán vua ngày càng ghẻ lạnh với mình:

Trên chín bệ mặt trời gang tấc,

Chữ Xuân riêng sớm chực trưa chầu,

Phải duyên hương lửa cùng nhau

Xe dê lọ rắc lá dâu mới vào!

Xe dê (Dương Xa) là chiếc xe nhỏ khảm châu ngọc có dê kéo của Tấn Vũ Đế (265-290) đã dùng để "viếng" các cung nhân. Tấn vũ Đế vốn là một hôn quân, lại càng dâm loạn nên trong cung đã sẳn hàng nghìn mỹ nữ. Nhất là sau khi đã bình được Ngô quốc, Vũ Đế còn buộc Ngô chúa nạp hàng nghìn cung nữ nữa, do đó, cung đình mỹ nữ lên đến gần vạn người. Tấn Vũ Đế bèn dùng xe dê dạo quanh các phòng thăm qua người đẹp. Hễ xe dê dừng trước phòng nào, vua sẽ vào "trọ" tận phòng đó. Vì thế các cung nữ treo lá dâu (đúng là lá tre) trước cửa phòng và rắc nước muối trên mặt đất, mong xe dê dừng lại phòng mình hầu sớm nhìn được long nhan.

Nói chuyện dê, chúng ta không thể quên chuyện Tô Vũ Chăn Dê (Tô Vũ Mục Dương) ở Bắc Hải, một câu chuyện về dũng khí và tiết tháo đặc dị của một mẫu người mà các sử gia Tư mã Thiên trong bộ sử ký và Ban Cổ (32-92 sau CN) trong bộ Hán Thư đều trước thuật rất đầy đủ để truyền lại trên dưới hai nghìn năm sau.

Đọc Chinh Phụ Ngâm Khúc, bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm, chúng ta còn nhớ bốn câu:

Trãi mấy thu, tin đi tin lại,

Tới Xuân này, tin hãy vắng không.

Thấy nhàn, luống tưởng thu phong,

Nghe hơi sương, sắm áo bông sẳn sàng.

Đây muốn điển tích Tô Vũ lúc chăn dê ở Bắc Hải có bắt được chim nhạn; ông xé áo lụa chép thư buộc vào chân chim nhạn. Thư bay về Hán (miền Nam); vua Hán bắt được biết Tô Vũ còn sống bèn sai sứ sang đòi Hung Nô. Thiếu Vu (chúa Hung Nô) muốn hoà hiếu, liền đưa Tô Vũ về Hán.

Song câu chuyện Tô Vũ Chăn Dê còn hàm chứa nhiều tình tiết bi hùng hơn, kỳ thú hơn. Vậy xin kể tiếp:

Tô Vũ tự Tử Khanh, quê ở Đỗ Lăng, huyện Hưng Bình, tỉnh Thiểm Tây (TQ), người đời Tây Hán (206 tr.CN-196 sau CN), tôi trung của Hán Vũ Đế. Bấy giờ, giặc Hung Nô xâm lấn Trung Nguyên, nhà Hán thất bại. Năm 100tr.CN, Vũ Đế phái Tô Vũ làm trưởng đoàn sứ giả sang Hung Nô cầu hoà. Chúa Hung Nô lên mặt, lại thấy Tô Vũ ứng đối lưu loát, cứng cỏi, tỏ ra người có khí phách, tài ba lỗi lạc nên muốn dụ hàng, song không có kết quả. Chúa Hung Nô vẫn không chán nản, bèn truyền cho Vệ Luật Lý Lăng vốn là tướng Hán đầu hàng, lợi dụng tình đồng bang, dùng lời ngon ngọt dụ Tô Vũ về hàng Hung Nô.

Tô Vũ nổi cơn thịnh nộ, chỉ mặt Vệ Luật mắng lớn:

- Mi là thần tử của Hán mà bất cố liêm sĩ, đúng là một lũ man di. Giờ còn mang mặt mày để nhìn người khác nữa sao?

Vệ Luật biết Tô Vũ nhất định quyết chết chứ không chịu đầu hàng, bèn báo Thiền Vu đem Tô Vũ giết đi. Nhưng chúa Hung Nô vốn là tay rất thâm độc nên chưa chịu giết ngay mà còn muốn dùng mọi biện pháp khổ nhục để đày đọa Tô Vũ, bèn ra lệnh giam ngay trong một hầm đất đen tối chật chội, chẳng cho ăn uống gì cả, lại gặp đúng mùa mưa tuyết, suốt ngày đêm vừa đói lại vừa rét, Tô Vũ đành lượm những cục tuyết và nhặt những mảnh lông áo chiên tạm nhai cho đở đói. Mãi năm hôm sau, Chúa Thiên Vu cho người dò xem thấy Tô Vũ sắc diện vẫn như thường nên tin Tô Vũ là thần, không dám sát hại, bèn ra lệnh đày Tô Vũ lên Bắc Hải là miền hoang vu nằm về biên giới Cực Bắc của Hung Nô (nay là Nhỉ Hồ thuộc Tây Bá Lợi Á ăn thông ra biển) tuyết giá quanh năm. Lại giao cho một đàn dê đực bắt Tô Vũ phải chăn nuôi và ra lệnh khi nào đàn dê ấy đẻ con thì mới được cho về nước.

Nhờ kiên trì luyện tập chịu đựng để chống lại nghịch cảnh ác nghiệt nên Tô Vũ thản nhiên xem thường cảnh đoạ đày thập tử nhất sinh cực kỳ thống khổ ấy. Ngày ngày, cho dê ra bãi cỏ kiếm ăn, còn mình thì bắt chuột đồng và bứt rễ cỏ ăn tạm suốt tháng này năm khác. Bên mình Tô Vũ chỉ còn vỏn vẹn lá cờ tiết mao vua Hán ban cho lúc đi sứ sang Hung Nô, nay lông trên cờ dần rụng hết chỉ còn trơ lại cán không. Tô Vũ vẫn xem đó là vật quý giá duy nhất.

Suốt 19 năm ròng tại sa mạc Bắc Hải, Tô Vũ vẫn kiên trì bất khuất. Một hôm về mùa đông, Tô Vũ nghĩ ra cách viết nhiều bức thư vào mảnh lụa áo buộc vào chân chim nhạn rồi thả cho nhạn bay về Phương Nam. Vài con nhạn mang thư bay vào vườn Thượng Lâm của nhà vua làm tổ. Vua Hán Chiêu Đế (812tr.CN) bắt được, mở thư ra xem mới biết Tô Vũ còn sống ở vùng Bắc Hải xa xôi cực kỳ gian khổ. Bấy giờ, Hung Nô đã yếu thế, xin cầu hoà với Hán Triều, chúa Thiền Vu đành phái một đạo quân hộ tống đến biên cảnh đưa Tô Vu về nước.

19 năm trước sang sứ Hung Nô, Tô Vũ thật là kiên cường, khí tiết. 19 năm sau trở về Hán, thế sự đổi thay, tóc râu đều bạc phơ như tuyết!

Song le, cái tiết tháo sáng ngời, một dạ trung trinh với nước non vẫn được Văn Thiên Tường đời Nam Tống ghi đậm nét trong đoạn mở đầu bài Chính Khí Ca:

Tại Tề Thái sử giản,

Tại Tấn Đổng Hồ bút,

Tại Tần Trương Lương chuỳ,

Tại Hán Tô Vũ tiết...

Cụ Minh Viên Huỳnh Thúc Kháng dịch thơ:

Đời Tề Thái Sử ghi danh,

Bút đời nhà Tấn có anh Đẩy Hồ.

Trương Lương Tần, tài to oanh liệt,

Tô Vũ Hán, đại tiết lưu truyền.

Phụ chú: Viết đến đây, sực nhớ lại câu lời trần tình của Lý Lăng cùng Tô Vũ lúc bị Thiền Vu bắt giam trong hầm tối, chịu đói rét suốt mấy ngày đêm:

Nhân sinh như triêu lộ, tự khổ hà nhược thử?!

(Kiếp nhân sinh như giọt sương buổi sớm, can chi (ta) phải tự làm khổ thân ta như thế?!)

Lý Lăng vốn là đại tướng thủ hạ của Hán Vũ Đế, nhân vì chiến bại bị Hung Nô bắt cầm tù. Hán Vũ Đế vì nghe bọn nịnh thần xàm tấu cho rằng Lý Lăng phản quốc, bèn ra lệnh giết cả vợ cả con ông. Ví quá phẩn hận, Lý Lăng đành phải ra hàng Hung Nô, cưới con gái chúa Thiền Vu làm vợ.

Đã kể chuyện "Tô Vũ Chăn Dê" mà không thuật chuyện "Bá Lý Hề Năm Bộ Da Dê" thì thấy dường như vẫn còn...chưa đủ! Vậy xin kể tiếp "sự tình" về "Ngũ Cổ Đại Phu" (Quan Đại Phu Năm Bộ Da Dê). Chuyện như sau:

Bá Lý Hề người nước Ngu, thờ Ngu Công được phong chức Đại Phu, ngoài ba mươi tuổi mới cưới vợ là Đỗ Thị, sinh một trai.

Xuất thân nghèo khó, tuy học cao mà chưa gặp thời, vợ con không nơi nương tựa. Đỗ Thị biết chồng vốn nuôi chí lớn bèn khuyên chồng hãy dẹp tình riêng, dứt khoát ra đi để thoả chí tang bồng.

Trước giờ chia tay, Đỗ Thị bắt con gà mái độc nhất nấu cháo tiển chồng. Aên xong, Bá Lý Hề vội vã khăn gói lên đường, để lại cảnh vườn không nhà trống, vợ con côi cút bơ vơ. Ít lâu sau, nàng lại phải bỏ làng, dắt con tha phương cầu thực.

Qua Tề, trãi những ngày luân lạc, khổ nghèo, đã bốn mươi tuổi đời Bá phải ăn xin nơi đất Chất. Nơi đây, gặp Kiển Thúc vốn người hiền, Bá kết làm anh em, ngày ngày kẻ chăn trâu người làm mướn, sống nương tựa nhau.

Một thời gian sau, Bá Lý Hề bèn rủ Kiên Thúc về nước Ngu thăm lại quê hương, mới hay vợ con đã dời đi nơi khác, hiện không biết tung tích nơi đâu. Nhờ gặp bạn cố tri là Cung Chi Kỳ tiến cử với Ngu Công, Bá được cử giữ chức Trung Đại Phu. Chẳng may, nước Tấn xua quân diệt Ngu, Ngu Công cùng Bá Lý Hề đều bị bắt. Tấn Hiến Công vì nghe lời bọn gian thần ganh tị, bèn sai Bá hộ tống phu nhân sang dâng cho Tần Mục Công để cầu hoà. Quá bực tức, nhân đêm tối, Bá trốn sang miền Nam nước Sở được Sở quốc cho tạm dung.

Tần Mục Công dò la, biết được Bá Lý Hề là bậc hiền tài, bèn sai sứ giả mang năm bộ da dê đực màu đen (hắc sắc công dương) sang Sở chuộc Bá về Tần. Do đó, đương thời gọi Bá Lý Hề là Ngũ Cỗ Đại Phu (quan Đại Phu (nhờ) năm bộ da dê đực màu đen).

Khi vào bệ kiến Tần Mục Công nhìn thấy Bá Lý Hề râu tóc bạc phơ, cho rằng họ Bá đã quá già, không thể cán đáng nỗi việc nước nữa. Bá Lý Hề liền tâu:

- Xưa kia, Lã Vọng tuổi đã tám mươi, được Châu Văn Vương rước về làm Thượng Phụ giúp nhà Châu dựng nên Vương nghiệp, sánh với hạ thần còn già hơn những mười năm kia mà!...Mục Công bèn phong Bá chức Thượng Khanh nắm giữ chức quyền bính ở Tần.

Nói về Đỗ Thị, sau khi chồng đi rồi, trôi giạt sang Tần làm nghề giặt thuê để nuôi con. Khi bá đã quyền cao chức trọng, mỗi lần xa mã đi ngang, Đỗ thị cúi mặt không dám nhìn. Sau Đỗ Thị lân la xin vào giặt thuê, rồi hát giúp vui cùng phường nhạc trong tư dinh Bá. Có lần, giữa tiệc, Đỗ Thị vửa gảy đàn vừa cất giọng ca trầm buồn não nuột. Bài ca có ba đoạn đều mở đầu bằng câu:

Bá Lý Hề, Ngũ dương bì!...Cụ Hương Giang đã dịch ra lời Việt như sau:

"Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày li biệt, mổ gà mái ấp, nấu nồi cơm vàng, tình thiết tha. Nay phú quí, nở quên ta sao?"

"Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Cha ăn thịt cá, con đói khóc dài, chồng mặc áo gấm, vợ giặt thuê hoài. Nay phú quí, nỡ quên ta sao?"

"Bá Lý Hề, năm bộ da dê! Nhớ ngày xưa chàng ra đi, thiếp nặng lòng biệt ly; bây giờ ngồi đó, thiếp chẳng dám gần. Phú quí cao sang, nỡ quên ta sao?"

Sau ba đoạn ca hoà theo tiếng cầm não nuột càng khiến Bá Lý Hề sửng sốt, liền cho gọi người ca nữ đến gần thì quả đúng là Đỗ Thị vợ mình, bèn ôm nhau khóc ròng khiến quan viên trong bửa tiệc đều bùi ngùi xúc động. Và từ đó, cả nhà sum họp, không còn chịu cảnh cơ hàn, chia cách như xưa.

Về sau, con trai Bá Lý Hề là Mạnh Minh phò Tần Mục Công, đã hai lần đưa quân sang đánh Tần được toàn thắng vẻ vang.

Nhằm lấy đà góp thêm câu chuyện về Dê, người viết xin ghi dưới đây một số thành ngữ, điển cố và mấy vị dược tánh Đông Y xa gần dính líu đến Dương Dê để giúp bạn lai rai...nhàn lãm:

  1. Về thành ngữ, điển cố (Theo Trung Quốc Điển Cố Từ Điển và Hán Anh Đại Từ Điển).

1/ Lốt dê da cọp (Dương chất hổ bì):

Theo "Hậu Hán Thư, Lưu Yên Truyện" có ghi: "Lốt dê da cọp" hể thấy cỏ rậm thì trốn thoát mà thấy sói thì chống cự. Sau dùng câu "Lốt dê da cọp" để chỉ bọn cầm quyền bên trong hủ nhược, nhác nhớn hèn hạ mà ngoài mặt làm ra vẻ oai phong.

Tam Quốc Diễn Nghĩa hồi thứ 32 có câu: "Dương chất hổ bì công bất tựu; phượng mao kê đảm sự nan thành" (mình dê da hổ làm chi nổi? Lông phụng gan gà việc khó xong).

2/ Bao tử dê, đầu dê (Dương vị dương đầu):

Cuối đời Tây Hán, thiên hạ đại loạn. Lưu Huyền thừa thời cơ khởi nghĩa, hiệu Thỉ Tướng quân. Nhân triều đình như rắn không đầu, Huyền tự xưng Thiên Tử và tuyển Triệu Minh làm phu nhân. Triệu Minh chuyên quyền, triều thần toàn bọn nịnh hót bất tài, dùng bọn "dương vị dương đầu" hoạn quan, thái sư nắm giữ triều chính. Sau thành ngữ này chỉ sự lạm cử quan chức, đưa bọn thân cận vừa dốt nát, vừa hèn mạt giữ những chức vụ quan trọng ở cấp cao.

3/ Mặc áo da dê ngồi câu (Dương cừu thuỳ điếu):

Đời Tây Hán, Nguyên quang tự Tử - Lăng, tuổi trẻ nổi danh, đã cùng Quang Vũ Đế đồng du học. Khi Quang Vũ Đế tức vị, Nghiêm Quang ẩn danh, sang nước Tề thường choàng áo rét bằng da dê ngồi câu trăng (thuỳ can điếu nguyệt). Được tin, Quang Vũ Đế ba lần đến thăm và mời Nghiêm Quang về Hán, Quang vẫn không tuân lệnh. Người sau dùng thành ngữ này để chỉ người ở ẩn, không chịu ra làm quan.

4/ Dê vào miệng cọp hay dê sa miệng cọp (Dương nhập hổ khẩu hay Dương lạc hổ khẩu):

Chỉ sự phải đối diện trước tình huống hiểm nguy vô vọng.

5/ Bả vai dê nấu rục (Dương giáp thục):

Nấu rục vai dê thì trời vừa hừng sáng. Dùng điểm này để chỉ thời gian ngắn lắm. Aåu Dương Tu (Tống) có câu:

"Vũ lai bất giác tam thập niên; tuế nguyệt tài như thục dương giáp" (mưa đến không ngờ (biết) đã 30 năm; năm tháng mới đó mà mau như vai dê nấu rục).

  1. VÀI DƯỢC LOẠI TRONG ĐÔNG Y (theo "Dược tánh Đại Từ Điển).

1/ Thịt dê (Dương nhục): Dê nơi nào cũng có, song dê ở miền Bắc thì tốt hơn. Theo Đông Y, có hai loại chính: Sơn Dương và miên dương.

Thịt dê vị đắng ngọt, tính mát, không độc. Dùng thịt dê sẽ giúp vượng nguyên Dương, trị hư lao, ích khí huyết, bổ dưỡng cơ thể. Trị tim yếu hay kinh sợ, tráng dương đạo, ích tinh thuỷ. Ngoài ra, còn trị bệnh trúng phong, mồ hôi rịn ra nhiều và thường xuyên; có đặc tính bổ trung ích khí.

2/ Cao dê (Dương cao): Nấu bằng mỡ dê, vị ngọt, tính nhiệt, không độc. Chủ nhuận gân cốt, thấu suốt kinh mạch trong các cơ bắp, bổ tì vị, trị miệng khô, hôi miệng. hơi thở nặng.

3/ Huyết dê (Dương huyết): Vị mặn, tính bình, không độc, an thần, giải độc khi nuốt/ uống nhằm con đĩa hay rết (ngô công). Trị cửu khiếu xuất huyết, đại tiện ra máu, phụ nữ huyết hủ, trúng phong. Kỵ uống chung (hay ăn chung) với huyết heo.

4/ Gan dê (Dương can): Chủ bổ gan, trị bệnh gan nóng; giúp tăng cường thị lực, trị mắt đỏ nóng nhức, mắt nhìn không rõ/ loà sau khi bệnh.

5/ Cật dê (Dương thận): Chỉ bổ thận, tráng dương, trị bệnh lao nhọc hư tổn, thân hư tinh kiệt, đau lưng nặng, kiết lỵ...

6/ Sữa dê (Dương nhũ trấp): Vị ngọt, tính mát, không độc. Chủ nhuần ngũ tạng, ích tinh khí, trị khô/ hôi miệng, mệt mõi, hư hao, trúng gió, đau tim. Ve, nếp đất vào lỗ tai, nhỏ sữa dê vào sẽ tiêu ra nước; rết cắn bị độc uống vào giải ngay.

7/ Sừng linh dương (Linh Dương giác): Linh dương thường sinh sản trong các thung lũng, hang núi tại các tỉnh Thiểm Tây, Cam Túc, Tứ Xuyên, các vùng tà khí, hạ nhiệt, lương huyết, linh dương giác chủ tự các bịnh thương hàn, thời khí, sốt rét, tà khí mộng mị, mê sảng nói cuồng, trị các chứng bong gân, lở lói, nhiễm độc. Hạ cơn nóng ở gan, phổi; giúp mắt sáng, thị lực rõ hơn.

8/ Dâm dương hoắc (hoắc: loại cây đậu sống lâu năm, lá như bàn tay, có mùi thơm, dùng làm thuốc).

Loại cây thuốc nầy mọc nhiều nhất ở phía Bắc vùng Tây Xuyên, Trung Quốc. Vùng nầy có loại dê gọi là "dâm dương" hằng ngày chúng giao hợp hằng trăm bận rồi ăn loại lá cây hoắc và tiết ra thành những cái khuôn tròn hình lá đậu dùng làm dược loại đặc biệt mang tên Dâm Dương hoắc.

Chủ trị tráng dương, ích tinh khí, kiện gân cốt, lợi tiểu tiện, tẩy xuất trùng thuộc hạ bộ. Đặc biệt trị đau lưng, cường tâm lực, trị nam nữ tuyệt dương, tuyệt âm không con. Chỉ nên dùng để trị dương hoặc âm suy, dục niệm, đạm bạc mà không có con thì tốt. Không được lạm dụng, rất nên cẩn thận khi dùng loại thuốc nầy. Đây là dược loại chính về Bổ Khí trợ dương.

Giờ xin ghé qua Sấm Ký Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491-1585) tiến đoán thời cuộc trong khoảng 500 năm. Trong số 490 câu sấm còn sưu tập được, nhiều câu có tên DÊ, DƯƠNG, chắc không thể tránh khỏi sự trùng hợp giữa năm Dê nầy với năm Dê khác. Và từ thời cụ Trạng Trình đến nay (1941-2003) trãi qua 512 năm, đã có trên 40 lần năm Dê (Mùi).

Theo dòng lịch sử trên dưới 500 năm qua, cứ mỗi lần sắp đến những năm Ngọ Mùi- Thân Dậu, một số câu Sấm Trạng Trình lại được đem ra để luận bàn, suy đoán, nhất là vào những dịp Tết đến Xuân sang trong lúc trà dư, tửu hậu để "tán gẫu" về thời sự cho đã nư, đỡ cực cõi lòng...

Xin trích dẫn ra đây một số câu có chữ DÊ, DƯƠNG:

-Aáy Tần Vương ngu mê chẳng biết,

Để vạn dân dê lại giết dê (câu 55-56).

- Chân dê móng khởi (khỉ) tiêu tường,

Nghi nhau ai dễ sửa sang một mình (câu 73-74).

- Sang thu chín huyết hồng tứ giã,

Nơi đàn dê tranh phá đôi nơi. (câu 211-212).

- Vận đáo dương đầu ách,

Chấn đoài cương bất trường (câu 187-188).

- Kiền khôn phú tải vô lương,

Đào viên đỉnh phí quần dương tranh hùng (câu 196-197).

Tiếp đây là bốn câu sấm mà nhiều bậc "Thầy Sấm" luận đoán có liên quan đến những biến cố lịch sử từ khi người Pháp bắt đầu sang Việt Nam đến nay:

- Phụ nguyên chính thống hẳn hoi,

Tin dê lại mắc phải mồi đàn dê.

- Ngựa đã gác yên không người cởi,

Dê không ăn lộc ngoảnh về Tây.

Ý nói triều Nguyễn gặp người Tây Dương, không hiểu được chủ trương và mưu đồ của họ nên chủ quyền, lãnh thổ mất dần vào tay đàn DÊ.

Và:

- Trực đáo Dương đầu mã

Hồ binh bát vạn nhập Trường An.

Có lẽ ám chỉ các biến cố vào cuối năm Giáp Ngọ (Mã) 1954 đầu năm Aát Mùi. Nhất là bốn câu Thất ngôn tứ tuyệt đạ hấp dẫn, lôi cuốn một thời các bậc túc nho:

Long vĩ xà đầu khổ chiến tranh.

Can qua xứ xứ khởi đau binh.

Mã đề Dương cước anh hùng tận,

Thân Dậu niên gian kiến thái bình (câu 123, 24, 25, 26).

Đây có thể là tuyệt phẩm thất ngôn Đường luật hay nhất trong toàn bộ Sấm Ký của cụ Trạng Trình được ngâm nga, suy luận đoán nhiều nhất vào khoảng cuối Đệ Nhị Thế Chiến, những năm Mã Đề (cuối Nhâm Ngọ, 1942), Dương cước (cuối Quý Mùi, 1943) đến hai năm Giáp Thân (1944), Aát Dậu (1945); nhất là dựa trên "phong khí" và chất "tiên tri huyền mặc" của bài Sấm Thi thất ngôn tứ tuyệt này.

Riêng hai câu "mã đề dương cước...kiến thái bình.", kể từ năm Nhâm Ngọ (mã), Quý Mùi (Dương) đến nay, thắm thoát đã trãi qua sáu mùa xuân con Dê rồi, mà cách luận giải vẫn chưa phần nào thay đổi. Rằng: ‘Từ đầu năm Ngọ đến cuối năm Mùi, những anh hùng-hay gian hùng-đều bị tận diệt, tiêu ma sự nghiệp, hoặc lưu lại tiếng thơm (lưu phương) muôn thuở, hoặc bêu díu tiếng xấu (lưu xú) muôn đời!"

Riêng nước Việt Nam, ta có thể đoán rằng: "Hai năm Nhâm Ngọ, Quý Mùi (2002-2003) cấp lãnh đạo sẽ lần lượt quy tiên (!) để đến hai năm Giáp Thân, Aát Dậu (2004-2005), nước ta sẽ có tự do, dân chủ, dân ta hưởng thái bình, thịnh trị trong vận hội mới (phỏng theo ý của cụ Hương Giang Thái Văn Kiểm).

ĐOẠN CUỐI; LAI RAI VỀ ĐIỆU HÁT, CÂU HÒ Ở MIỀN QUÊ SÔNG TRÀ NÚI ẤN:

Hồi tôi khoảng chín, mười tuổi, đang học lớp dự bị ở trường làng, cứ chiều chiều vừa sẫm tối, thường được nghe các cô (hoặc thím) tôi vừa đưa nôi vừa hát ru cháu nghêu ngao, giọng ù ơ nghe có vẻ gì buồn buồn, xa vắng. Hát rằng:

Ù ơ..Em tao buồn ngủ buồn nghê,

Con tằm chín đỏ, con dê mọc sừng.

Ù ơ..mọc sừng thì mọc sau lưng,

Đừng mọc con mắt nó sưng lu bù. À ơi!...

Có lẽ "cái vốn" câu hát ru con của cô tôi còn nghèo lắm, nên cô cứ thích hát đi, hát lại câu trên xen với câu khác vào những chiều "trời nặng mây mù" như trên. Bỗng một buổi chiều, ông tổ thúc tôi nhân đến thăm ông nội tôi vừa nghe cô hát câu trên. Vốn xưa là một nho sinh lạc đệ, ông mới đính chính câu hát và bảo dạy cô tôi hát lại như vầy:

Phần em buồn ngủ buồn nghê,

Phần tằm chín đỏ, phần dê mắc sừng.

Mắc sừng thì mắc sau lưng,

Đừng...đụng con mắt nó sưng lu bù.

Và mọi sự đời rồi cũng qua đi, như nước chảy dưới chân cầu!

Nhân đây, sực nhớ lại một câu hò theo điệu nam nữ vấn đáp ở miền Quê Quảng Ngãi cách nay vào khoảng năm, sáu mươi năm.

Thời ấy, ở quê tôi, nhất là vào những đêm sáng trăng cuối Xuân đầu Hạ, thôn xóm còn rất bình yên, thường có những đêm tát nước gàu dai, từ 2 đến 4 gàu, đưa nước từ hồ lên ruộng cao chuẩn bị cho mùa cấy tháng ba Aâm lịch hoặc những đêm giã gạo, xắc cũ lang, mì, lãy bắp, đập đất dưới trăng trên sân nhà hay ngoài cánh đồng rộng có trăng thanh gió mát. Các buổi sinh hoạt nông thôn nhộn nhịp này hầu hềt đều do lớp trẻ "nam thanh nữ tú" chủ động. Các trang "nam thanh" thường là "giống đa tình", tài hoa, thông minh, bụng chứa sẳn một bồ "kinh sử", thích giang hồ phiêu lãng từ thôn này đến huyện khác để kết giao với các "nữ tú" trong các đêm gió mát trăng thanh, có khi yêu nhau vì sắc, trọng nhau vì tài.

Và những câu hò điệu hát, từ những câu hát huê tình khi vừa mới gặp đến những điệu nam nữ vấn đáp thường là nhịp cầu giao cảm, những mối tơ tình dìu họ đi vào đoạn đường "tình sử".

Xin đơn cử dưới đây câu hò theo lối "nữ vấn Nam đáp" nghe cũng hay hay và cũng dí dỏm- lại có tên Dê- để thử tài đấy trượng phu trong lần sơ ngộ:

Bà gia lể ốc trong nhà

Cuốc uống nước, con gà mổ kê

Ngựa ăn gò mả, rồng về Thăng Long.

Núi Đông Dương dê chạy giáp vòng,

Ngó ra ngoài biển thấy con cá nằm ngất ngư.

Trai như anh đối đặng chừ chừ,

Trầu tiêm cánh phượng bỏ khay cừ em dâng lên.

Sang xuân con Dê, sẳn chuyện cà kê...nên hơi dong dài một tí...

Phương Bình cầu chúc quý bạn một mùa xuân và một năm Quý Mùi thân tâm an lạc, vạn sự cát tường.

Phương Đình

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002