Đại Chúng số 115 - ngày 1 tháng 2 năm 2003

Thư tòa soạn

Thế giới & bình luận

Lan Ranh Quoc Cong

1001 chuyện nhớ quên

Đọc báo dùm các bạn

Kich Mot Hoi Tao Quan Qui Mui

Ve Viet Nam Van Hai

Tet Nguyen Dan Viet Nam

Nhan Dam Xuan Nam De

Dau Nam Qui Mui Noi Ve Lich

Nam Moi Noi Ve Cac Hien Tuong

Nam Mui Noi Chuyen Con De

Cong Nghe Phuc Vu Chien Tranh

Van Con Mua Xuan

Xuan Qui Mui-Xuan Cau Nguyen Phuong Du

Vũ trụ & Con người

Hoa No Vuon Le

Lieu Nuoc Trang Co

Nấu ăn ngon cho chàng

Trang thơ

Giai Thoai Van Chuong Hien Dai

Sua Ten Tac Pham Cua Nguoi Qua Co

Nhung Tac Dong Van Hoa

A KY OPPONENT LIVES IN ‘EXILE’ IN WASHINGTON

Lằn Ranh Quốc Cộng

An Xuyên

Không khí rộn ràng của cái tết thứ 28 trên xứ người với thịt kho dưa giá, bánh chưng xanh lại bình thản tìm về với cộng đồng người Việt hải ngoại. Những mơ ước của năm cũ vẫn còn nguyên chưa thực hiện. Gần ba mươi năm lưu lạc xa quê hương, công cuộc đấu tranh chống lại bạo quyền Cộng Sản ngày càng mòn mỏi. Thời kỳ chân ướt chân ráo, lòng dân muôn người như một, chống Cộng là điều hiển nhiên không cần phải minh xác bằng lời nói hay bằng hành động. Những ngày đó, nỗi buồn mất nước ngùn ngụt nhưng nỗi lo chạm trán đối đầu với Cộng Sản không có là bao nhiêu. Ngày nay, sau những tranh đấu miệt mài, nỗi buồn mất nước lại vơi dần vì làn sóng người đi về Việt Nam như cơm bữa và hàng hóa Việt Nam không thiếu một món nào đã ê hề khắp chốn, nhưng nỗi lo chạm trán đối đầu với Cộng Sản lại cứ tăng lên ngùn ngụt. Người quốc gia không còn yên ổn với cuộc sống tha hương. Công cuộc đấu tranh giành lại đất nước đã được đổi thành đấu tranh đỏi hỏi tự do, nhân quyền cho có vẻ trong tầm tay hơn. Những chiến dịch xâm lấn hải ngoại của Cộng Sản Bắc Việt tiêu hao lần mòn hàng ngũ quốc gia. Lớp người xé rào đi về Việt Nam hưởng thụ không những không còn mạnh miệng hô hào chống Cộng mà còn gây ảnh hưởng bất lợi cho công cuộc đấu tranh qua những khoác lác về các kiểu ăn chơi đế vương do đồng đô la mang lại đã làm nản chí người nhiệt tâm.

Thời gian chắc hẳn chưa làm nguôi ngoai những hình ảnh bạo tàn, thâm độc của Cộng Sản nhưng thời gian đã biến đổi lòng người. Người ta dường như cố tình quên đi nguyên ủy của cảnh sống lây lất tha hương. Người ta không còn nhớ đến lời thề không đội trời chung với loài quỷ đỏ. Những lợi lộc trước mắt đã chinh phục lòng tham vô đáy của con người. Bao nhiêu tổ chức đấu tranh đã băng hoại niềm tin của đồng bào, phá vỡ lý tưởng của người trung thành với đất nước. Thêm vào đó, những thái độ chống Cộng kiểu phường tuồng đã làm cho sinh hoạt đấu tranh không còn thu hút quần chúng. Một số các nhà đấu tranh yêu nước còn thực hành ngược lại những gì mình đã tuyên bố. Hò hét chống Cộng Sản bán đất cho Trung Quốc nhưng lại mò về Việt Nam đứng chụp hình cười toe toét bên thác Bản Giốc mà không bị con ma Cộng Sản nào hỏi thăm sức khoẻ. Những hình ảnh phản tuyên truyền này chỉ làm lợi cho Cộng Sản vì đã không chứng tỏ được Cộng Sản áp bức tầng lớp đấu tranh bằng mọi giá. Không biết những nhà tranh đấu phường tuồng này đã tranh đấu kiểu gì mà đi về Việt Nam như đi chợ một cách thoải mái. Trách gì dân chúng không ùn ùn kéo nhau về như thác đổ. Ngày Tết tìm mua một vé đi Việt Nam không phải là dễ. Ai cũng biết Trung Cộng là quan thày của Cộng Sản Bắc Việt. Việc dâng đất, dâng biển cho Trung Cộng chỉ là hình thức trả ơn những món nợ chiến tranh mà Cộng Sản Bắc Việt đã vay mượn của Trung Cộng để đánh phá, xâm lăng miền Nam ngày xưa. Ấy vậy nhưng một số người năng nổ chống Trung Cộng chiếm đất, chống Cộng Sản Bắc Việt dâng đất, dâng biển cho kẻ thù truyền kiếp của dân tộc Việt Nam nhưng lại làm giàu cho Trung Cộng bằng trò du lịch, thưởng lãm Vạn Lý Trường Thành. Kêu gọi chống văn hóa giao lưu, ngăn chận ca sĩ trong nước hát ở hải ngoại nhưng không ai ngăn chận ca sĩ hải ngoại đang vô ý thức phổ biến nhạc lai căng trong nước của Việt Cộng trong cộng đồng. Những ca sĩ nổi tiếng cũng bắt đầu mở miệng bằng những bài Hà Nội nọ kia đúng là giao lưu văn hóa. Tranh đấu kiểu này chỉ càng ngày càng xích lại gần cái khúc ruột thúi tha Cộng Sản Bắc Việt mà thôi. Sự xâm nhập tràn ngập của Cộng Sản trên mọi bình diện đã làm cho người ta không còn biết phải chống như thế nào cho đúng và có hiệu quả. Không biết khi đi về Việt Nam, chui qua lá cờ máu của Cộng Sản các nhà đấu tranh có trở thành con cháu Hồ già giống như mấy chú cán ngố ở hải ngoại đứng gục đầu chào lá cờ vàng Quốc Gia đang trở thành thân hữu của cộng đồng hải ngoại mà các nhà đấu tranh hoan hỉ chấp nhận hay không? Chống Cộng cao siêu kiểu này chẳng mấy lúc mà tiêu diệt hết Cộng Sản. Nhân viên của cái gọi là tòa Đại Sứ Việt Cộng sẽ trở thành thân hữu của các nhà đấu tranh mỗi khi chen vai thích cánh chào cờ, còn đâu Cộng Sản để mà tranh đấu nữa. Như vậy, các nhà đấu tranh mò về Việt Nam du hí chắc cũng chẳng còn lằn ranh nào để đấu tranh vì đã được các cán ngố cấp chiếu khán và đề huề đi dưới lá cờ Cộng Sản ở phi trường Tân Sơn Nhứt rồi còn gì.

Bạo quyền Cộng Sản đang đẩy mạnh công tác kiều vận tại hải ngoại song song với văn hóa vận để xóa nhòa lằn ranh Quốc Cộng. Tình báo Việt Cộng rải rác khắp nơi theo dõi sinh hoạt của người quốc gia. Bọn chúng tìm cách gài tay sai, trà trộn những bộ mặt quen thuộc trong các sinh hoạt của cộng đồng hải ngoại để tuyên truyền, móc nối người đi về Việt Nam, quảng bá cho sự phồn vinh giả tạo trong nước và kêu gọi gây quỹ từ thiện cho Việt Nam. Bọn chúng dùng phương pháp rỉ tai là phương pháp hữu hiệu nhất để khuyến dụ dân chúng quên đi hình ảnh tráo trở ghê rợn của con ma Cộng Sản, thay vào đó, một hình ảnh Việt Nam ăn chơi xả láng đủ mọi trò được đưa ra. Căn cứ vào con số người nối đuôi nhau đi về Việt Nam và số tiền gởi về gần bốn tỷ mỹ kim hàng năm, Cộng Sản Bắc Việt đã có thành công trong công tác kiều vận. Người ta bắt đầu nói đến Cộng Sản trong tư thế hòa hoãn hơn. Một vài khuôn mặt lớn tham danh lợi cũng rục rịch đi về xây dựng đất nước theo sự dụ dỗ ngon ngọt của bọn gian manh. Bao nhiêu người đã tiêu tan sự nghiệp, đổ vỡ gia đình cũng vì trò đi về Việt Nam làm ăn vẫn chưa làm ngao ngán lòng tham vô đáy của những kẻ còn ngây thơ tin lời đường mật của Cộng Sản. Người ta chỉ biết cảnh phồn vinh ở các trung tâm du lịch. Những hang cùng ngõ hẽm nghèo nàn, những đói khát của dân lành không mánh mung, tham nhũng, những trẻ thơ lang thang vất vưởng trên đường không nghe ai nói tới. Những tổ chức đấu tranh cũng bắt đầu rạn nứt trong phương thức chống Cộng. Có người mơ được đi về làm Thủ Tướng Việt Nam, bất chiến tự nhiên thành. Có người bất lực trước sự xâm nhập của Cộng Sản đã im lìm chịu trận, mũ ni che tai. Lằn ranh Quốc-Cộng đang ở mức nguy hiểm nếu chúng ta không nhận thức được mưu đồ thâm độc của Cộng Sản và cương quyết không vì quyền lợi nhỏ nhen kết hợp bất cứ vấn đề gì có lợi cho Cộng Sản. Bọn chúng đang dồn mọi nỗ lực thanh toán nốt cộng đồng hải ngoại là con mồi béo bở, nguồn tài chánh bất tận của bọn chúng.

Những kinh nghiệm đau thương về Cộng Sản đã in hằn trong tâm trí người dân miền Nam. Số đông giữ thái độ thầm lặng không có nghĩa không thiết tha với đất nước. Gần 50 ngàn người biểu tình quyết triệt hạ con bài láo lếu Trần Trường ở Cali và buổi gây quỹ xây tượng đài Chiến Sĩ Tự Do với gần 30 ngàn người tham dự đã chứng tỏ lòng sắt son đối với quốc gia, dân tộc của cộng đồng hải ngoại vẫn còn bền chặt. Tiếc rằng chưa có một tổ chức nào đủ uy tín và sức mạnh để hướng dẫn quần chúng đẩy mạnh công cuộc giải thể chế độ Cộng Sản bạo tàn, mang lại tự do, no ấm cho quê hương Việt Nam. Những con sâu làm rầu nồi canh trước thời kỳ mất nước tiếp tục lũng đoạn cộng đồng hải ngoại bằng những thủ đoạn gian manh không kém gì Cộng Sản. Bỏ thư rơi, vu khống, mạ lỵ để triệt hạ người cùng chiến tuyến vẫn là cứu cánh của bọn quốc gia ngụy quân tử, tham danh hám lợi. Những cái nón cối chỉ dùng để chụp lên đầu nhau, không dùng để đánh đấm bọn Cộng Sản và tay sai thứ thiệt. Chính những đòn thù dơ bẫn giữa những người quốc gia đã đưa đến tình trạng thoái hóa hiện nay của cộng đồng hải ngoại, khiến cho chiến dịch kiều vận, văn hóa vận của Cộng Sản mới có cơ hội thành công.

Dù cho cộng đồng hải ngoại có bị thoái hóa, lũng đoạn đến đâu, lằn ranh Quốc-Cộng cũng khó lòng xóa bỏ. Lằn ranh này đã khắc sâu từ sau ngày Việt Minh đoạt công giải phóng đất nước năm 1945, dẫn đến sự thanh trừng, thủ tiêu, giết hại các đảng phái quốc gia, cộng với những cuộc cải cách ruộng đất, đấu tố dân lành sau năm 1954, đưa Việt Nam đi vào đói nghèo, lạc hậu không thể tha thứ. Cộng Sản đã sát hại hàng loạt không nương tay những kẻ cùng màu da, tiếng nói trong cuộc chiến xâm lăng miền Nam. Hàng vạn tù cải tạo đã bị giam cầm, đối xử tàn tệ trong các trại tập trung để trả thù một cách nham hiểm. Lòng độc ác vô tiền khoáng hậu của Cộng Sản đã biến dân chúng thành những kẻ nô lệ lầm than cho đảng Cộng Sản. Bó tay, khóa miệng cả những người từng vẫy vùng tranh đấu ngày xưa bằng ngục tù, bằng đe dọa ám ảnh, bằng đói rách khổ ải. Tương lai con em miền Nam đang đi vào đen tối. Không được dìu dắt, tuổi trẻ Việt Nam không có lý tưởng gì ngoài cơm áo sẽ đi về đâu trong lúc bạo quyền Cộng Sản chỉ biết tham nhũng và hà hiếp dân. Người quốc gia yêu nước chân chính không thể tha thứ cho những tang thương mà bạo quyền Cộng Sản reo rắc trên quê hương Việt Nam. Lằn ranh Quốc-Cộng chỉ xóa bỏ khi giải thể đảng Cộng Sản và đập tan guồng máy bạo quyền.

Người Việt hải ngoại nhiều kinh nghiệm đau thương với Cộng Sản đặt quyền lợi đất nước lên trên quyền lợi cá nhân, không tham rẻ đi về Việt Nam hưởng thụ. Không mua hàng hóa thiếu phẩm lượng để giúp phát triển kinh tế cho guồng máy tham nhũng Cộng Sản. Không tiếp tay cứu trợ, xây dựng đường xá, nhà cửa, trường học, nhà thương cho Cộng Sản rảnh rang bành trướng thế giới đại đồng vô tưởng và vơ vét vào túi riêng mồ hôi nước mắt của dân nghèo. Để bảo vệ cộng đồng hải ngoại, người Việt quốc gia không vì quyền lợi riêng tư kết hợp với kẻ có nguồn gốc không minh bạch, và không để các tay sai len lỏi, thao túng. Xiết chặt hàng ngũ bảo vệ lằn ranh Quốc-Cộng chờ một ngày giải phóng quê hương thoát khỏi ách thống trị của đảng Cộng Sản bạo tàn. Với những đồng tâm hiệp sức, hy vọng mùa Xuân chiến thắng một mai sẽ đến với người Việt hải ngoại vinh quang như mùa Xuân chiến thắng của anh hùng Quang Trung Nguyễn Huệ.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002