Đại Chúng số 136 - ngày 15 tháng 3 năm 2004

Từ cuộc tranh luận về "con mèo của Schrodinger" đến những phản ứng của một số người VN đối với ông Ng. Cao Kỳ
Thế giới và bình luận
Chuyện đặc biệt
Nỗi lòng người đi
Câu chuyện ViệtNam
Bạch Vân Am
Phê Bình Văn Học
Phóng Sự
Về Lá Tâm Thư Của Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Điện Ảnh
Thơ Ngỏ của Hạnh Nguyện
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập liên đoàn Chi Lăng hướng đạo VN
Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn
Vườn Thơ

NỖI LÒNG NGƯỜI ĐI

LTS: Trong những năm gần đây kể từ ngày cựu tướng lãnh, cựu Thủ Tướng, cựu Phó Tổng Thống Nguyễn Cao Kỳ chủ trương “hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù và quên quá khư” với nhà cầm quyền CS Việt Nam, Đặc biệt trong chuyến về Việt Nam thăm thân nhân, bạn bè của ông Nguyễn Cao Kỳ vừa qua đã tầng gây tranh luận gay gắt ,gây hoang mang cho tập thể người Việt tị nan khắp nơi. Do chủ trương phục vụ cho đại đa số quần chúng cũng như các tổ chức chính trị chính đáng và người Việt Hải Ngoại, tòa soạn cho đăng bài “Nỗi Lòng Người Đi” của tác giả Đặng Văn Âu để quí độc giả theo dõi, tìm hiểu và phán xét;

NGƯỜI VIẾT: ĐẶNG VĂN ÂU

Lời nói đầu: Tất cả những sự quá khích đều sẽ làm thui chột khả năng lý luận và sự khách quan. Mỗi người trong chúng ta nhìn vấn đề mỗi khác, vì nhìn từ những vị trí khác nhau. Nếu bình tâm trao đổi, lắng nghe nhau, không bị ám ảnh bởi định kiến, chắc chắn chúng ta sẽ tránh được những buộc tội hàm hồ để một ngày nào đó có thể bắt tay nhau cùng giải quyết bài toán của Đất Nước.

Từ khi ông Nguyễn Cao Kỳ tuyên bố sẽ về quê ăn Tết, bốn phương đều dậy lên không biết bao nhiêu lời buộc tội nặng nề bằng những ngôn từ miệt thị, khinh bỉ. Những lời buộc tội một chiều, khi thì kẻ cả trịch thượng, khi thì hằn học dữ dằn được lặp đi lặp lại khiến cho những người âm thầm đồng ý việc làm của ông ta là phải, cũng đâm ra ngở vực. Ông Nguyễn Cao Kỳ trở thành một phạm nhân không được xét xử công minh. Tôi mong những nhà làm công tác truyền thông khách quan và công bình thì quần chúng mới nhận định sự việc rõ ràng được.

Hôm nay, tôi xin cất lên tiếng nói công bằng và hợp lý, nhưng hoàn toàn không nhằm mục đích bào chữa cho ông Nguyễn Cao Kỳ, mà chỉ là trưng dẫn những dữ kiện để độc giả bốn phương “tùy nghi” thẩm định. Tính khí của ông Kỳ là một "lone ranger" không cần ai bào chữa.

Năm ngoái, tôi có viết một bài "Không Quân Ngoại Truyện" thuật lại những gì tôi nghe được từ bằng hữu nói về Tướng Nguyễn Cao Kỳ và từ những gì tôi tận mắt chứng kiến việc làm của ông. Một độc giả đã hỏi tôi: “Ông Kỳ đã ban cho anh ân huệ gì, mà anh tâng bốc ông Kỳ đến thế?". Tôi chỉ cười, không trả lời câu hỏi, vì tôi cho rằng thâm tâm người đặt câu hỏi đã sẵn có tinh thần gia nô xôi thịt, quen thói bợ đỡ. Cứ phải được hưởng ân huệ mưa móc thì mới nói lên được những điều chân chính hay sao? Chẳng lẽ trên thế gian này những con người khẳng khái đều chết tiệt cả hay sao? Cũng có người đem câu “Trung Thần Bất Sự Nhị Quân” để khen sự tín nghĩa của tôi đối với Tướng Kỳ. Xin lỗi! Tôi là thần dân lưu vong của đất nước Việt Nam, trung thành với Quê Mẹ, chẳng việc gì phải làm "bầy tôi” cho bất cứ một ai như một kẻ nịnh thần. Nếu “a dua” theo luận điệu quy kết hiện nay, có lẽ tôi sẽ được nhiều người khen! Nói ra như thế để độc giả hiểu rằng tôi vì công tâm mà cất tiếng.

Ở cương vị là Cựu Thủ Tướng, Cựu Phó Tổng Thống, Tướng Kỳ cứ giữ mãi cái luận điệu hô hào chống Cộng triệt để, không khoan nhượng và giữ vững lập trường "không thương thuyết, không thỏa hiệp với cộng sản" thì chắc chắn ông sẽ được nhiều người Việt hải ngoại tung hô, vì thành tích chống Cộng trong quá khứ của ông không ai có thể ngờ vực. Với lập trường kiên định đó, đi đến bất cứ nơi đâu, ông đều sẽ được đồng bào tiếp rước long trọng và tha hồ được hưởng rượu nồng dê béo. Là người có khả năng ăn nói hấp dẫn trước quần chúng, buổi diễn thuyết nào của ông cũng sẽ có đông người tham dự. Ông sẽ trở thành một thứ "thủ lãnh đại ca" như trong võ lâm kiếm hiệp. Khi ông lìa đời, người ta sẽ phủ lá cờ vàng ba sọc đỏ lên quan tài ông và sẽ đọc những bài điếu văn với lời lẽ đầy thương tiếc.

Ông Nguyễn Cao Kỳ chắc chắn cũng đủ thông minh nhận ra điều đó để hưởng “vinh hoa, phú qúy” trong những ngày cuối của cuộc đời. Nhưng ông đã không làm như thế! Ông đã chọn con đường gai góc, truân chuyên mà đi. Ông dám nói lên cái viễn kiến của ông về đất nước từ hơn chục năm nay mà ông tin rằng con đường phải đi tới là con đường "hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù và quên quá khứ" để hướng về tương lai phục hưng đất nước. Chỉ có ông, với một quá khứ “Chống Cộng”, liêm khiết khi cầm quyền và can đảm khi xông pha trận mạc, mới dám nói thật những điều ông nghĩ.

Những người không đồng ý với ông đã đưa ra các dẫn chứng lịch sử để cho rằng ông ngây thơ, cả tin vào thủ đoạn của đối phương. Nhưng còn một số người khác, chẳng cần lý luận gì cả, nhất quyết kết tội ông là kẻ đón gió, trở cờ, luồn cúi, phản quốc. Bất chấp những bình phẩm với hảo ý hay ác ý, "đường ông, ông cứ đi”, vì thế mũi dùi dư luận chĩa vào ông càng mạnh mẽ hơn.

"Cái nhìn" của ông đúng hay sai, chúng ta sẽ luận bàn sau. Trước hết, tôi cho rằng ông Kỳ là người can đảm, có đầu óc thực tiễn, đã nhìn thấy rõ thực trạng của phía ta và của phía đối phương nhằm định liệu hướng đi cho toàn bộ dân tộc.

Trong quá khứ, báo chí thế giới từng lên án Tướng Kỳ là diều hâu, hiếu chiến. Tôi tin rằng đến nay ông Tướng dù ngoài tuổi thất thập, vẫn là diều hâu. Nếu ông có lực lượng binh bị hùng hậu trong tay như ông Tổng Thống Bush, ông cũng không tha Sadam Hussein. Do đó, cụm từ "hòa hợp, hòa giải, xóa bỏ hận thù và quên quá khứ" mà ông đang sử dụng là một sách lược đấu tranh trong giai đoạn hòa bình; chứ không phải là chiêu bài nhằm ru ngủ khí thế tranh đấu của người Việt ở hải ngoại.

Cuộc chiến tranh nào rồi cũng đến hồi kết thúc. Hoặc kết thúc bằng đàm phán, thương thuyết và thỏa hiệp; hoặc kết thúc bằng sự đầu hàng vô điều kiện nếu phe này đủ khả năng đè bẹp phe kia, như trường hợp Hoa Kỳ và Đồng Minh đã đè bẹp Đức Quốc Xã, Phát Xít Ý, Quân Phiệt Nhật.

Cuộc chiến tranh máu đổ thịt rơi giữa người Quốc Gia và người Cộng Sản ở Việt Nam đã chấm dứt vào ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Lãnh thổ của hai miền Nam Bắc đã thống nhất, nhưng lòng người chưa thống nhất vì chính sách bất khoan dung của phe chiến thắng. Do đó cuộc chiến tranh (tuy không đổ máu) vẫn còn tiếp diễn giữa nhà cầm quyền trong nước và những người Việt liều thân đi tìm tự do trên khắp thế giới.

Ở hải ngoại, nhiều tổ chức đấu tranh chủ trương bạo lực. Đồng bào hết sức ủng hộ lúc ban đầu, nhưng rồi công cuộc đấu tranh bằng bạo lực xẹp dần, chẳng những đã không đem lại kết quả, mà còn có những chuyện buồn cay đắng hơn. Từ đó, không còn cá nhân hay đoàn thể nào xướng xuất dùng bạo lực nữa.

Mục đích đấu tranh của chúng ta hôm nay và mãi mãi về sau là mang lại cơm no, áo ấm, tự do, hạnh phúc cho toàn dân mình. Mục đích đó luôn luôn là tối thượng và phải trường kỳ theo đuổi. Phương thức đấu tranh bạo lực hay đấu tranh chính trị chỉ là chiến thuật để ứng dụng tùy theo nhu cầu, hoàn cảnh và giai đoạn mà thôi. Chúng ta khỏi cần tranh luận nhau về vấn đề này.
Nay ta thử xét thực trạng của hai đối thủ: Một bên là nhà cầm quyền cộng sản; một bên là những nhà đấu tranh vì dân chủ (trong nước và hải ngoại).

Người cộng sản đoạt quyền cai trị đất nước bằng sức mạnh bạo lực, chứ không qua cuộc đầu phiếu dân chủ. Để nắm quyền cai trị lâu dài, họ phải độc tài bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Họ bất chấp tiếng kêu ta thán của nhân dân. Họ cai trị đất nước bằng bàn tay sắt như Đảng Mafia, bởi vì họ chỉ cần nới lỏng ra một chút, họ sẽ bị sụp đổ như những con bài "domino". Giống như con đê ngăn nước lũ, chỉ cần một lỗ thủng nhỏ thì con đê vỡ và nước sẽ tràn vào.

Sau khi thế giới cộng sản sụp đổ, người Việt hải ngoại đều nghĩ rằng sớm muộn gì chính quyền cộng sản Việt Nam cũng sẽ sụp đổ vì những quốc gia đàn anh không còn đổ tiền vào nuôi sống họ nữa. Nhưng họ vẫn tồn tại, bởi vì họ được các quốc gia tư bản đổ tiền vào đầu tư để thủ lợi và người Việt - nạn nhân cộng sản , nhưng nặng tình gia đình - đã đổ tiền về giúp … thân nhân hàng tỉ bạc!
Nhờ cưỡng đoạt tài sản của dân, nhờ nới lỏng kinh tế, những nhà lãnh đạo cộng sản "khố rách áo ôm" xưa kia đã trở thành những nhà "tư bản đỏ". Họ và đồ tử, đồ tôn sống phè phỡn, trụy lạc, tha hóa còn hơn cả những người cầm quyền của Miền Nam mà họ đã dùng chiêu bài "công bằng xã hội" để đánh đổ trước đây. Tệ đoan lan tràn, tham nhũng đầy dẫy từ bé đến lớn, bất công khôn xiết mà người ta chỉ thấy một vài cuộc chống đối lẻ tẻ nổi dậy, rồi bị dập tắt. Đã có lúc chúng ta hy vọng Bộ Đội và Công An sẽ thanh toán lẫn nhau vì sự ăn không đều, chia không đủ. Điều đó đã không xảy ra! Đảng Cộng Sản Việt Nam có bộ máy cai trị độc tài quả là tinh vi và kiến hiệu. Họ đã làm cho người dân từ trẻ đến già đua nhau đi kiếm sống; còn những người thiết tha đến tự do, dân chủ và tương lai đất nước chỉ là một thiểu số quá nhỏ, dường như không đáng kể.. Bằng cớ là đa số thanh niên biết rất thành thạo "cuộc đời ái tình và sự nghiệp" của những ngôi sao màn bạc hoặc thành tích "làm bàn" của những cầu thủ "bóng đá” quốc tế … , nhưng khi được hỏi đến tên những nhà đấu tranh vì dân chủ như Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang … thì hầu như không ai biết đến. Người viết không có ý lên án quần chúng, nhưng câu nói "nhân dân nào, có chính quyền đó" áp dụng vào trường hợp này thật quả là chính xác! (Dĩ nhiên sẽ có nhiều lý do để biện minh cho sự ù lì của quần chúng).

Về phía người Việt Hải Ngoại, không ai có thể phủ nhận tấm lòng của người tị nạn đối với đất nước. Vì không thể sống trên quê hương, họ đã dấn bước ra đi tìm tự do để đến một phương trời vô định, nhưng lòng họ vẫn còn khắc khoải hướng về đất tổ. Dù cuộc sống bản thân và gia đình chưa ổn định, họ đã tự nguyện đóng góp công sức, tiền bạc cho công cuộc đấu tranh của các tổ chức, phong trào, mặt trận, nhưng rồi họ nản lòng vì những chuyện đáng buồn xẩy ra. Người viết sắp nêu lên những thực trạng tiêu cực dưới đây không nhằm chủ đích "vạch áo cho người xem lưng" hoặc "làm lợi cho cộng sản" như một số người cáo buộc. Lưng của chúng ta ra sao, đối phương đã biết rõ hơn chính chúng ta, chẳng cần ai vạch. Chúng ta phải tự trưởng thành, dám nhìn nhận sự yếu kém của mình thì mới mong cuộc đấu tranh có hiệu quả cho đồng bào trong nước. Những tình trạng tiêu cực ấy là:

1/ Sự phân hóa:
Hiện tượng phân hóa rõ nét đến nỗi ai ai cũng nhìn thấy và ngao ngán. Từ những đoàn thể, mặt trận chủ trương bạo lực đến những tổ chức chính trị, văn hóa đều bị chia năm xẻ bảy, nếu phải liệt kê danh sách, có lẽ hơn một trang giấy mới hết. Tiêu biểu nhất là nhiều địa phương trên nước Mỹ, người ta cũng đã thấy có ít nhất hai Tổ Chức Đại Diện Cộng Đồng.

2/ Tính độc tôn:
Các đảng, hội đoàn đều lấy danh nghĩa đấu tranh cho đa nguyên dân chủ, nhưng thực tế chỉ có "Cái Ta" duy nhất và độc nhất. Nếu ai có ý kiến khác, dù muốn đóng góp một cách xây dựng, cũng đều bị mạ lỵ, phỉ báng hoặc bị chụp cái Nón Cối. Vì yêu "Cái Tôi" quá mức, vài nhà đấu tranh (!) đã không từ bỏ bất cứ phương tiện bẩn thỉu nào. Những người này không chịu lý luận, cứ lấy sự bới móc đời tư của người khác làm vui và hãnh diện.

3/ Làm bạc giả:
Hô hào chống Cộng một cách quyết liệt, nhưng lại ngấm ngầm để cho vợ con buôn bán với cộng sản. Một thiểu số cơ quan truyền thanh, báo chí cũng tương tự. Người ta đã nghe thấy và đã đọc những bài tham luận chống Cộng nẩy lửa bên cạnh những quảng cáo các dịch vụ buôn bán với cộng sản. Ông Hà Sĩ Phu Nguyễn Xuân Tụ, một nhà đấu tranh vì dân chủ trong nước, đã nói về người cộng sản trong cuốn sách của ông: "Cộng sản là ký sinh (parasite) của lòng yêu nước". Ở hải ngoại, có một thiểu số một mặt làm ăn, buôn bán với địch; mặt khác lớn tiếng đòi chống Cộng đến giọt máu cuối cùng cũng là một loài "ký sinh". Họ sống bám vào chiêu bài chống Cộng để mạnh dạn đội Nón Cối cho người tử tế. Cái thiểu số "ký sinh" đó ai cũng biết nhưng không dám nói ra vì sợ bị bôi nhọ hoặc bị hành hung.

4/ Không có dũng khí:
Những tổ chức, mặt trận, đoàn thể bất kể sử dụng quân sự hay chính trị rồi cũng phải có ngày đi đến bàn hội nghị để đàm phán, thương thuyết với đối thủ. Sự thỏa hiệp đạt được nhiều phần lợi hay ít phần lợi cho mục đích đấu tranh là tùy theo sức mạnh của chính mình. Những đoàn thể đấu tranh do dân chính hay quân nhân dựng nên đều là những tổ chức chính trị. Mà căn bản của chính trị là thỏa hiệp. Nhưng vì sợ sự chống đối của quần chúng, nên tất cả các tổ chức hiện nay đều phải giương cao cái khẩu hiệu: "Không thương thuyết, không thỏa hiệp với cộng sản" để làm tấm mộc che thân.
Tại sao không thẳng thắn nói với đồng bào: "ta chưa thể thương thuyết, thỏa hiệp với cộng sản vì ta quá … yếu"? Tôi chắc chắn sự thẳng thắn sẽ được quần chúng tín nhiệm để ủng hộ nhằm tạo sức mạnh cho công cuộc đấu tranh trường kỳ. Chính vì không dám thẳng thắn, can đảm nên các đảng phái, tổ chức đấu tranh đã tự làm mất tư thế lãnh đạo của mình đối với quần chúng.

5/ Yếu tố lòng người:
Sau khi chính quyền cộng sản Việt Nam mở cửa để kiếm ngoại tệ, chúng ta đã thấy những người tị nạn vội vàng từ bỏ danh nghĩa hay tình trạng tị nạn (refugee status) của mình để tấp nập về nước với nhiều lý do bào chữa chính đáng khác nhau: nhớ nước thương quê, cha già mẹ yếu v… v… Trong đoàn người về nước đó, không thiếu những loại "áo gấm về làng" khoe được thưởng thức món ăn ngon và gái đẹp một cách … tự hào! Để không bị làm khó dễ khi đi qua hàng rào an ninh và quan thuế, những "Việt Kiều" đã phải lót tay (hối lộ) bọn kiểm soát viên. Đó là một trong những hình thức thỏa hiệp đã được người Việt tị nạn thực hiện, nhưng không ai dám nhìn nhận rằng mình đã thỏa hiệp với cộng sản. Xu hướng thỏa hiệp mạnh mẽ đến nỗi một đoàn thể đấu tranh đã dùng phương tiện truyền thanh và báo chí kêu gọi đồng bào tạm ngưng gửi tiền và du lịch Việt Nam trong vòng sáu (6) tháng thôi để phản đối nhà cầm quyền cộng sản đã cắt đất cho Trung Cộng, nhưng chẳng ai thèm nghe, những chuyến bay về Việt Nam vẫn đầy ắp hành khách "tị nạn cộng sản"!
Lòng người "tị nạn" đã như thế, các đoàn thể, đảng phái đấu tranh thì phần lớn hữu danh vô thực, tại sao chúng ta cứ làm như con đà điểu rúc đầu vào cát mà không nhìn vào thực tế để tìm ra một phương hướng và đường lối đấu tranh hữu hiệu hầu mang lại no cơm ấm áo cho đồng bào trong nước?

Hiện tượng ra tuyên ngôn, tuyên cáo như bươm bướm đòi khai trừ người này người kia cho ta thấy một cảnh tượng đấu tranh bằng võ mồm của những người tự nghĩ rằng mình đang trực diện với kẻ thù! Nếu những tuyên cáo ấy có thể đánh đổ nhà cầm quyền hiện nay, thì người viết xin đặt mình dưới sự lãnh đạo của họ.

Chính thể và lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa đã không còn sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Bộ phận quân sự mang tên Quân Lực VNCH của chính thể đó tất nhiên cũng không còn nữa. Người nào bảo rằng "Quân Lực VNCH hãy còn", người viết xin hỏi: "cựu quân nhân có còn răm rắp tuân hành lệnh của Đại Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng, lệnh của các Tư Lệnh Quân, Binh Chủng không?”. “Những ai trước đây từng là quân nhân mà không gia nhập các đoàn thể mang danh hiệu quân đội có bị "cấp trên" cho lệnh “hốt” như khi xưa Quân Cảnh từng đi hốt đào binh?". Chắc chắn câu trả lời là: Không! Không ai có khả năng vừa nêu trên, tại sao cứ phải tung ra những tuyên cáo với lời lẽ đao to búa lớn để loại trừ người khác trong một thực thể không còn trong thực tế? Việc ra tuyên cáo khai trừ đó khác nào đòi tống xuất một người ra khỏi nhà mà người ta không thấy ngôi nhà cụ thể đâu cả!

Từ thực tế nêu trên, các Hội Cựu Quân Nhân mang danh hiệu của các Quân, Binh chủng không thể là một tổ chức chính trị, mà chỉ là ái hữu. Anh em đến với nhau vì tình đồng đội để tương thân tương trợ, chứ không vì chịu sự lãnh đạo về mặt tư tưởng của Hội trưởng hay của Ban Chấp Hành. Thành thử Hội Quân Nhân nào để cho các đoàn thể chính trị xen vào, sẽ có sự phân hóa xảy ra.
6/ Thiếu lương thiện:

Không có gì khôi hài hơn khi phải nghe một anh trọc phú đã bỏ tiền ra mua nhà ở trong khu dành riêng cho Việt Kiều Hải Ngoại để thỉnh thoảng về nước du hí, lại trơ trẽn lên đài phát thanh lớn tiếng chửi rủa, kết tội người khác là tên phản quốc, phản lại những người nằm xuống, hèn hạ đầu hàng giặc. Những người đó nên im đi là hơn. Thử hỏi một thứ người bất lương như thế mà giả dụ đánh đổ được bạo quyền thì Tổ Quốc Việt Nam, Dân Tộc Việt Nam còn ra cái thể thống gì?

Cuộc chiến giữa nhà cầm quyền Việt Nam và những người "đấu tranh" ở hải ngoại sẽ bất phân thắng bại vì cách nhau một đại dương! Công an cộng sản không thể đến bắt bớ những nhà đấu tranh “gan dạ” ở ngoại quốc. Những đoàn thể, tổ chức, đảng phái dù kết hợp nhau thành một khối cũng không làm rụng sợi lông (xin lỗi, hơi thô tục) của nhà cầm quyền cộng sản có vũ khí trong tay! Cuộc chiến bất phân thắng phụ ấy sẽ không làm thay đổi tình trạng nghèo khó, cơ cực của đồng bào trong nước.

Nhưng cơ may của đất nước đã đến. Nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam, vì nhu cầu tồn tại, họ đã phải buộc lòng "quan hệ" chặt chẽ với Hoa Kỳ (kẻ cựu thù) để không bị khống chế bởi người Thầy ở Phương Bắc, Trung Cộng. Nên hiểu sự quan hệ đó dựa trên quyền lợi thiết thân của cả hai bên. Vấn đề đặt ra là người Việt thật sự đấu tranh vì dân chủ phải biết lợi dụng thời cơ ấy để đáp ứng khát vọng tự do, dân chủ cho đồng bào trong nước. Công khai lợi dụng thời cơ để đạt mục tiêu tối thương cho dân tộc thì không thể bị kết tội "cơ hội chủ nghĩa" được. Chỉ có những kẻ có ý đồ đen tối, hành vi không quang minh chính đại, mập mờ đánh lận con đen, mượn danh nghĩa “cương quyết không thỏa hiệp, nhưng lại ngấm ngầm đi đêm với địch thủ” mới đáng kết tội.

Những chuyển động hiện nay giữa Hoa Thịnh Đốn và Hà Nội đã diễn ra như là: Bộ trưởng Quốc Phòng Phạm văn Trà đến Pentagon; Phó Thủ Tướng đặc trách kinh tế Vũ Khoan đến nói chuyện phát triển kinh tế Việt Nam ở các địa phương trên nước Mỹ (có những nhà thương mại Việt Nam gốc quân đội, bác sĩ, kỹ sư … tham dự); Tư Lệnh Lực Lượng Thái Bình Dương Hoa Kỳ đến thăm viếng Việt Nam; tầu chiến Hoa Kỳ cập bến Bạch Đằng ở Sài Gòn.

Song hành với các chuyển động đó, chúng ta đang thấy sự xuất hiện một vài tổ chức cấp tốc mọc ra nhằm đại diện đồng bào tị nạn để “nói chuyện” với đối phương. Họ nhìn thấy cuộc "nói chuyện" giữa ta và địch chắc chắn phải diễn ra do Đại Cường Hoa Kỳ xếp đặt. Sửa soạn để ứng phó với những diễn biến thời cuộc là nhiệm vụ của tổ chức tranh đấu, nhưng các tổ chức vẫn cứ “ấp úng”, không dám nói thẳng “dự tính" của mình. Điều đó làm cho quần chúng đặt dấu hỏi về sự thành tâm của họ.

Khi Hoa Kỳ mới có ý định thiết lập bang giao với Việt Nam Cộng Sản, chúng ta đã chống, nhưng mối bang giao kia vẫn xẩy ra. Khi Quốc Hội Hoa Kỳ soạn thảo dự luật trao đổi mậu dịch với nhà cầm quyền Việt Nam, chúng ta cũng đã chống, nhưng rồi bản thương ước vẫn được ký kết. Nay, "kịch bản hòa hợp hòa giải" của hai ông chủ lớn (nhà cầm quyền Hoa Kỳ) và ông chủ nhỏ (nhà cầm quyền VN) đang diễn ra, dẫu ta không muốn thì sự thể vẫn cứ xảy ra.

Khi Quốc Hội Hoa Kỳ sửa soạn dự thảo thương ước với Việt Nam, Hòa Thượng Quảng Độ và bác sĩ Nguyễn Đan Quế gửi thư đến Quốc Hội Hoa Kỳ đề nghị nên xúc tiến nhanh chóng. Nên biết rằng các vị đó từng bị chính quyền trong nước cầm tù, ngược đãi và vẫn còn tiếp tục tranh đấu. Các vị ấy hiểu rằng việc giao thương có lợi cho nhà cầm quyền, nhưng cũng nhờ nó dân chúng có công ăn việc làm, đời sống vật chất sẽ khá hơn. Ưu tiên trước mắt là "miếng ăn cho dân” cái đã, còn chuyện gì sẽ tính sau. Họ là những nhà tranh đấu thực tiễn. Các nhà tranh đấu ở hải ngoại thừa “miếng ăn” nên kém thực tiễn, có vị đã viết báo quy kết Hòa Thượng và ông bác sĩ "đã bị cộng sản mua chuộc, thỏa hiệp, trở cờ hoặc đầu hàng". Thì nay, "chuyện ông Kỳ về nước" bị lên án là điều không sao có thể tránh khỏi.

Rút tỉa kinh nghiệm thất bại chống chính sách đối ngoại của chính phủ Hoa Kỳ để làm bài học cho cuộc đấu tranh sắp tới, để tự chúng ta không bị biến thành những kẻ hoang tưởng là một việc rất cần thiết ở giai đoạn này. Đã trải qua nhiều phương thức đấu tranh không mang lại kết quả, nay ta phải khôn ngoan và tỉnh táo để không bị tình cảm chi phối hầu cùng nhau nắm tay xông vào thế trận "diễn biến hòa bình" để đọ sức với đối phương. Muốn chiến thắng trong thế trận này, trước hết mỗi người phải biết dẹp bỏ "Cái Tôi", không lên án nhau một cách bừa bãi, thiếu suy xét và luận cứ, dứt bỏ những trò chụp mũ rẻ tiền. Trong cuộc đấu tranh vũ trang, Miền Nam ta đã thất bại. Ta đã đổ lỗi cho người bạn Đồng Minh phản bội, ngưng tiếp tế vũ khí đạn dược. Nay trong cuộc đấu tranh bằng "diễn biến hòa bình", nếu ta thất bại thì chẳng còn có thể đổ lỗi cho ai, mà chỉ tại ta thiếu trí tuệ và ươn hèn.

Sự bắt tay giữa hai cựu thù Hoa Kỳ - Việt Nam làm cho chúng ta không hài lòng, nhưng ông Tướng Kỳ đã nhìn thấy trước những diễn tiến sẽ phải xẩy ra. Ông đã từng trình bày quan điểm của ông từ nhiều năm trước ở các Đại Học Hoa Kỳ và ngay cả bài diễn văn của ông vào ngày 13 tháng 6/2003 cũng còn phản ảnh quan điểm đó. Tướng Kỳ không phải là người duy nhất nhìn thấy hướng đi của thời đại. Ông chỉ khác với nhiều người, vì ông dám nói ra. Cho nên việc ông Tướng Kỳ về nước không phải là sự ngẫu nhiên, mà chỉ là việc gì phải đến đã đến.

Trước khi lên đường về Việt Nam, ông đã hỏi ý kiến của nhiều người, kể cả một số nhà chính trị từng phục vụ trong Nội Các của ông. Đa số khuyên ông không nên về bởi những lý do sau:
-- Các tổ chức và đồng bào hải ngoại sẽ chống đối và bôi nhọ ông.
-- Không thể tin vào sự thành thật của cộng sản được, vì họ từng lật lọng các thỏa ước trước đây.
-- Việt Cộng sẽ dùng ông như một lợi khí tuyên truyền để triệt tiêu sức đề kháng ở ngoài này.
-- Việt Cộng sẽ viện lý do an ninh, không cho phép ông đi đâu, không để ông tiếp xúc với một ai. Sau mươi ngày ông an toàn trở lại Hoa Kỳ, tức là họ đạt được mục đích của họ.

Riêng tôi, tôi đồng ý cuộc ra đi của ông. Tôi nêu lên quan điểm của tôi trong lần gặp gỡ chỉ có hai người. Tôi tin rằng ông không dại dột đưa đầu vào thòng lọng. Chắc chắn ông phải được sự hỗ trợ ngấm ngầm bảo đảm. Không phải ông làm một chuyến thăm quê bình thường, ông ra đi với sứ mạng của nhà thương thuyết. Khác với phần lớn anh em, tôi mong có sự chống đối mạnh mẽ của các cá nhân, đoàn thể. Sự chống đối ấy có nghĩa là quần chúng hải ngoại còn xem ông là biểu tượng của Người Việt Tự Do; ngoài ra nó còn là một thứ vũ khí trang bị cho ông để thương thuyết. Tôi đề nghị ông phải làm cách nào để tiếng nói của những nhà dân chủ trong nước được cất lên. Ông gật gù: "Tôi đã có cách".

Ông Kỳ chỉ mới đặt chân đến đất Thái Lan, làn sóng chống đối đã nổi lên khắp bốn phương. Những lời tuyên bố của ông qua các đài phát thanh càng làm sục sôi thêm. Tôi mừng thầm, bước thứ nhất đã xảy ra như mong muốn. Đến khi tôi nghe qua đài phát thanh những lập luận phản bác bằng tiếng nói dõng dạc của ông Hoàng Minh Chính, Nguyễn Thanh Giang mà không bị chính quyền Cộng Sản "cúp" (kiểm duyệt), tôi nghĩ ông Kỳ ra chiêu thật … thần kỳ.

Vấn đề cải tổ chính trị song hành với kinh tế hay cái nào trước, cái nào sau là một vấn đề đang tranh cãi một cách gay gắt. Ông Kỳ nói đến độc đảng, rồi đem những quốc gia lân bang như Đài Loan, Đại Hàn, Thái Lan, Singapore, Indonésie làm thí dụ đã khiến cho trong nước và hải ngoại rộ lên tiếng chống đối. Một mặt “quan điểm” của ông làm hài lòng chủ nhả; mặt khác ông giúp những nhà tranh đấu ở trong nước được dịp nói lên tiếng nói của chính họ, biểu lộ khát vọng của nhân dân. Nhờ ông Kỳ mà những tiếng nói dõng dạc của họ vang vọng trong nước và hải ngoại. Người viết tin rằng trong các buổi nói chuyện riêng tư với nhà cầm quyền, ông sẽ dẫn chứng cho nhà cầm quyền thấy rõ lập trường của nhân dân qua các cuộc phản đối rầm rộ trên các hệ thống truyền thanh thế giới. Tiếng nói phản bác của những nhà dân chủ mà không bị chính quyền ngăn cấm, ta có thể tin vào lời hứa hẹn cởi mở của đối phương với ông Kỳ (ở phút giây này).

Chúng ta hãy để ý nghe câu trả lời của ông Kỳ với ký giả Hồng Nga của đài BBC khi ông vừa đặt chân đến Sài Gòn. Ông nói: "không bao giờ tôi chấp nhận chủ nghĩa cộng sản cả". Ông về vì đất nước, chứ chẳng vì ông chính quyền hay vì ông hải ngoại. Thử hỏi đã có ai từng về Việt Nam có thể nói như thế trên làn sóng phát thanh truyền đi khắp thế giới? Trong cuộc họp báo ở khách sạn Sheraton, Sài Gòn, ông Kỳ trả lời một phỏng vấn viên:

-- Tại sao cứ phải đặt vấn đề “Cho” và "Xin"? Làm chuyện đất nước thì cần gì phải nói chuyện "Cho" và "Xin"? Tôi về vì đất nước thì "Xin" có gì là xấu; còn chính quyền này cần tôi giúp thì "Mời" có gì là mất mặt? Tôi đã từng có mọi thứ trên đời, thử hỏi chính quyền này có cái gì để "Cho" tôi? Hả?

Đó là một trong những đối đáp của Tướng Kỳ mà người viết đã nhìn và đã nghe qua Vidéo cuộc họp báo của ông ở thành phố Sài Gòn do một anh em trong nước gửi ra. (Ai muốn xem CD ấy, liên lạc với tôi).

Thiết nghĩ một cựu lãnh tụ của Miền Nam, nay làm nhà thương thuyết không được ai "bổ nhiệm" mà có thể ngang nhiên nói lên những lời rắn rỏi như thế, đã dễ mấy ai làm được?

Đứng bên cạnh Phạm Thế Duyệt, Chủ Tịch Mặt Trận Tổ Quốc, ông Kỳ nói: "Nếu như Đảng thực hiện được những chính sách, đường lối đề ra, đưa đất nước phát triển làm cho dân giàu nước mạnh, tôi sẵn sàng đứng lên hô: Đảng Cộng Sản Muôn Năm!” (dựa theo tin của các báo, người viết chưa được nghe câu nói ấy từ cửa miệng ông Kỳ). Dù thật sự ông Kỳ đã nói như thế, thì câu nói đó là một sự thách thức Đảng Cộng Sản được đặt ở thể “điều kiện cách”, thế mà các nhà báo rầm rộ hô hoán ông Kỳ "hoan hô Đảng Cộng Sản” để kết tội. Truyền thông kiểu đó có đáng được gọi là vô tư không? Chữ "Nếu" đó gây nhức nhối cho nhà cầm quyền vô cùng, vì khi trả lời nhà báo Hồng Nga trước đó vài hôm, ông Kỳ đã khẳng định: "Tôi không bao giờ chấp nhận chủ nghĩa cộng sản".

Xác quyết lập trường rõ ràng như thế, chủ trương "hòa hợp hòa giải dân tộc" vẫn không được người Việt hải ngoại chấp nhận, ngay cả những người đang làm dịch vụ buôn bán với Việt Nam!

Tang tóc mà cộng sản đã gây nên trong quá khứ, thực tình khó lòng xóa bỏ. Nhưng mối thù kia dù có muốn ôm ấp chăng nữa thì hết đời của thế hệ ta là hết; dù hôm nay ta quyết tâm gieo mầm thù hận vào con cái ta, chúng nó cũng không chấp nhận. Nếu ta biến được mối thù của ta thành hành động như những người Palestine thì cũng nên nung nấu; còn nếu thù chỉ để mà thù, rồi tự cho mình "thủ tiết" như góa phụ thờ chồng để giữ vững lập trường thì mối thù kia chỉ để mang xuống tuyền đài mà thôi. Đời sống nhân dân trong nước vẫn lầm than, cơ cực. Đâu phải toàn khối nhân dân đó là cộng sản? “Vậy xin đừng vì mối thù của mình mà cản ngăn sức sống của cả một thế hệ tương lai". (Lời của ông Kỳ)

Về vấn đề "quên quá khứ", tôi nghĩ, ông Kỳ đề cập đến là để nói với nhà cầm quyền hiện nay. Họ là những người đưa ra lập luận: “Đảng có công đánh đuổi ngoại xâm thì Đảng có toàn quyền cai trị đất nước”. Lập luận đó được xây dựng trên thành quả của quá khứ, cái quá khứ vẻ vang của kẻ thắng trận tự cho mình là đỉnh cao trí tuệ loài người. Tới nay, người cộng sản còn xưng tụng "Bác Hồ" mà ông Kỳ yêu cầu "quên quá khứ" thì không có mất mát nào to lớn và đáng giá hơn cho họ. Còn phía Quốc Gia, dĩ nhiên chúng ta cũng có quá khứ, nhưng là quá khứ của kẻ thua trận, đau buồn nhiều hơn là vinh hiển. Chúng ta không thể suốt đời “gậm một mối căm hờn trong cũi sắt” để rồi "thẫn thờ nhìn ngày tháng dần trôi", không đi đến đâu cả! Vậy khi ông Kỳ đưa ra chủ trương quên quá khứ, là ông muốn nhắn "người bên kia" đừng dựa trên quá khứ mà nắm quyền cai trị đất nước muôn đời. Tại sao chúng ta không bình tĩnh và sáng suốt chia xẻ quan điểm của ông ta? Tại sao cứ để tự ái lấn át trí khôn suy luận, rồi buộc tội ông phản lại chiến hữu đã nằm xuống?
Năm xưa, Tướng Kỳ cầm đầu phái đoàn sang Paris thương thuyết với cộng sản, ông còn có cả một chính quyền đằng sau lưng, cộng thêm nước bạn đồng minh Hoa Kỳ công khai hỗ trợ. Lúc bấy giờ, ông nói “cứng” với đối phương là chuyện dễ dàng. Ngày nay, nhà thương thuyết Nguyễn Cao Kỳ bị người cùng chiến tuyến chống đối, mà chỉ có tấm lòng sắt son yêu nước thiết tha. Ông cũng đã dám cứng cỏi lên tiếng "không bao giờ ông chấp nhận chủ nghĩa cộng sản" trên một quốc gia mà cộng sản đang cai trị thì đâu phải là chuyện đùa. Còn những lúc "nhà thương thuyết trắng tay" phải nói đôi lời mà người ở ngoài này nghe không lọt tai thì đó cũng chỉ là chiến thuật của một cuộc đấu tranh trường kỳ!

Tôi mong mỏi những tiếng nói chân chính đòi hỏi tự do dân chủ ở trong nước và hải ngọai hãy tiếp tục, càng mạnh mẽ bao nhiêu, càng giúp ông thực hiện mục tiêu cho đất nước bấy nhiêu. Chỉ mong rằng những nhà tranh đấu không nên dùng những lời lẽ thô bỉ, đê tiện làm mất vẻ đẹp nếp sống văn hóa của một một dân tộc vốn tự hào có bốn ngàn năm văn hiến. Thành tâm tranh đấu cho lý tưởng Tự Do, Dân Chủ là một nét đẹp của người có văn hóa. Những luận điệu kết tội ông Tướng Kỳ là phản quốc, hèn nhát, vô liêm sỉ sẽ không làm ông lùi bước. Vì: "chí ông, ông biết; lòng ông, ông hay".

Khởi động cuộc chiến tranh thì dễ, nhưng bắt tay hòa bình là điều khó khăn. Vì thế, hai quốc gia lâm chiến thường được một cường quốc đứng ra làm trung gian nắm tay hai phe dẫn đến bàn hội nghị.

Ông Anwar Sadat, Tổng Thống Ai Cập, được Hoa Kỳ (thời Carter) dàn xếp để nói chuyện với Do Thái (Thủ tướng Begin). Ông Sadat đã phải trả giá bằng cái chết do bọn quá khích gây nên. Phần đất của Ai Cập bị Do Thái chiếm được trả lại, người dân Ai Cập ghi ơn ông Sadat, thì ông đã chết!

Mới đây tờ New York Times đưa tin ông Kỳ được chính phủ Bush ngấm ngầm yểm trợ, tôi rất mừng. Trong cuộc họp với các quốc gia Nam Mỹ Châu hồi tháng rồi, Tổng Thống Bush hướng về phía Cuba rồi tuyên bố: "Thế kỷ này không có chỗ cho những quốc gia độc tài". Chính quyền Bush khẳng định rằng các quốc gia trên thế giới phải thực thi Dân Chủ thì mới diệt trừ khủng bố được. Khủng bố là mối đe dọa cho Hoa Kỳ, dù Tổng Thống thuộc Đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa đều phải tận diệt thì nền an ninh và quyền lợi của Hoa Kỳ trên thế giới mới được đảm bảo.

Tuyên bố của Bush là lời cảnh báo đối với chế độ độc tài ở Hà Nội, vì thế chuyến đi "thương thuyết" của ông Kỳ rất có nhiều cơ may thành công. Chính quyền Bush chọn ông Kỳ làm sứ giả mang thông điệp "chấm dứt tham nhũng" là sự chọn lựa đúng người. Làm Thủ Tướng, Phó Tổng Thống, ông Kỳ không ăn hối lộ, không bán chức mua quan, không có chương mục ngân hàng thì mới có thể lớn tiếng yêu cầu nhà đương quyền "chấm dứt tham nhũng và thâu hẹp khoảng cách giàu nghèo". Đó là Tiếng Hịch được truyền đi từ một người từng chủ trương bài trừ tham nhũng và thực thi công bằng xã hội và đã thành lập Quốc Hội Lập Hiến (chỉ trong hai năm cầm quyền) để khai sinh nền Đệ Nhị Cộng Hòa. Nhà cầm quyền cộng sàn có lắng nghe lời ông nói hay không, hãy chờ xem! Riêng tôi, tôi tin rằng Hà Nội phải nghe, vì đằng sau tiếng nói của Tướng Kỳ còn có áp lực của Hoa Kỳ và nguyện vọng của nhân dân trong nước cùng hải ngoại.
Dù thành công hay thất bại, ông Kỳ đang mở ra con đường cho thế hệ tương lai định đọat số phận của họ. Nhìn vào thế Nước (vị trí chiến lược), rồi lượng định lòng dân, ông Tướng Kỳ phải đi những nước cờ thí “bản thân” để mưu cầu “đại sự” cho dân tộc. Hành động đó phải phát xuất từ sự can đảm của một chinh nhân tung hoành trận mạc và từ một người có tình yêu dân tộc vô bờ bến. Trước khi ông lên đường từ Thái Lan trở về nước, ông gọi điện thoại cho tôi. Ông tâm tình: "Dù bị lăng nhục hay bị hành hình, tôi cũng nhất quyết đem lại sự hòa hợp hòa giải, chữa lành vết thương giữa hai phía đã lún mình quá sâu trong cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn. Phải hòa thuận với nhau mới nói chuyện biến đất nước thành một trong những Con Rồng Châu Á." Tôi cầu chúc ông may mắn trước khi đặt điện thoại xuống, mà lòng ngậm ngùi cho một con người có lòng sắt son với đất nước đang bị lăng nhục.

Ông Kỷ là "người đi đào giếng cho thiên hạ uống". Can đảm dẹp loạn ở Miền Trung, rồi ông Nguyễn vàn Thiệu lên ngôi Tổng Thống hưởng trọn quyền hành. Cho nên, đừng ai lo sợ ông "phỗng" tay trên, mà nỡ buông lời mạ lỵ bất xứng. Hãy kiên nhẫn chờ đợi, sẽ thấy ánh sáng cuối đường hầm.

Nàng Kiều bán mình chuộc cha vì chữ Hiếu. Ông Kỳ nếu có bán mình thì cũng không vì lợi ích bản thân. Nay ai mạnh miệng phỉ báng, nặng lời sỉ vả sẽ có ngày ân hận. Lòng yêu nước của ông như tuyết, như băng. Càng nghĩ, càng thương một ông già còn phải nổi trôi theo vận nước

Đặng văn Âu, Houston, ngày 4 tháng 2 năm 2004

 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002