Đại Chúng số 136 - ngày 15 tháng 3 năm 2004

Từ cuộc tranh luận về "con mèo của Schrodinger" đến những phản ứng của một số người VN đối với ông Ng. Cao Kỳ
Thế giới và bình luận
Chuyện đặc biệt
Nỗi lòng người đi
Câu chuyện ViệtNam
Bạch Vân Am
Phê Bình Văn Học
Phóng Sự
Về Lá Tâm Thư Của Nguyễn Cao Kỳ Duyên
Điện Ảnh
Thơ Ngỏ của Hạnh Nguyện
Lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập liên đoàn Chi Lăng hướng đạo VN
Về Một Quãng Đời của Trịnh Công Sơn
Vườn Thơ

TỪ CUỘC TRANH LUẬN VỀ “CON MÈO CỦA SCHRODINGER” ĐẾN NHỮNG PHẢN ỨNG CỦA MỘT SỐ NGƯỜI V.N. ĐỐI VỚI ÔNG NG. CAO KỲ

- ĐẶNG VĂN NHÂM -

 

GIÓ ĐÃ XOAY CHIỀU!

Hôm nay ngồi viết những giòng chữ này, tôi nghĩ có lẽ ông Kỳ đã rời khỏi quê hương yêu dấu của ông và của cả mọi người Việt Nam chúng ta.

Theo tin tức báo chí HK và Việt Nam, tôi được biết ông Kỳ đã về thăm quê hương và nơi chôn nhau cắt rốn của ông từ ngày 14. 01. 04. Khi biết tin này, tôi cũng như đại đa số người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại từ năm 1975 đến nay cứ đinh ninh thế nào ông Kỳ cũng sẽ phải hứng chịu những trận cuồng phong bão táp dữ dội của các nhóm chống Cộng cực đoan ở hải ngoại, chí ít cũng sẽ xảy ra sôi nổi và bạo tàn bằng các cuộc biểu tình, và những cuộc quyên góp tiền bạc tấp nập lập quỹ chống Ng. Cao Kỳ chẳng khác nào vụ Trần Trường... Nhưng chẳng dè phản ứng đối với ông Kỳ và những lời tuyên bố công khai rộng rãi trên khắp báo chí trong và ngoài nước của ông đã chỉ rộï lên lác đác trong giây lát rồi chìm nghỉm trong yên lặng của cả một sự trầm tư mặc tưởng sâu xa của cộng đồng. Trong biển suy tư này, người phân tách thời cuộc cảm thấy dường như làn sóng dư luận phản đối việc“ ông Kỳ về thăm Việt Nam” đã bị suy yếu đáng kể, chỉ bởi hành động về nước của ông Kỳ đã phản ánh một thứ tình cảm thiêng liêng nhất của con người là : tình tự dân tộc và lòng yêu quê hương tổ quốc. Đây là một mẫu số chung của nhân loại, không phân biệt chủng tộc hay chính kiến hoặc tín ngưỡng. Theo tôi, dù là người CS giáo điều hay người QG cực đoan, trong chỗ sâu kín nhất của tâm hồn họ lúc nào cũng tiềm ẩn thứ tình cảm thiêng liêng ấy. Bởi thế tuyệt đại đa số quần chúng trong nước đều đã đón nhận tin ông Kỳ về thăm quê hương bằng một nụ cười thông cảm.

Còn giới Việt Kiều tị nạn ở hải ngọai, tự nhận là QG chống Cộng thì sao? Tâm trạng của cộng đồng này khá phức tạp, chẳng những đầy rẫy mâu thuẫn, lại còn luôn luôn được che đậy khá kín đáo dưới chiêu bài chống Cộng. Ngót 30 năm qua cái chiêu bài “chống Cộng” ấy vốn chẳng khác nào cái “nhà xí công cộng”, bất kỳ ai, kể cả giới nằm vùng, số người cầm bút và số giới giặc thầy chùa khi cần che đậy những tội phạm đại giới cấm, hay hiếp dâm nữ PT vị thành niên, cẩu hợp với vợ con của các hàng PT thuần thành... vẫn có quyền sử dụng thoải mái, tạo nên cả một phong trào chụp nón cối tưng bừng ngót 30 năm qua.

Tuy nhiên, trong khoảng 5 năm gần đây, vì chính quyền CS Việt Nam đã bãi bỏ chính sách kỳ thị, gây khó khăn, và trấn lột ra mặt đối với Việt Kiều, nên không ít Việt Kiều khắp nơi đã dám về thăm quê hương.

Đối với tập thể đông đảo đồng bào này, hành động về thăm quê hương muộn màng của ông Kỳ chẳng qua chỉ là chuyện bình thường, không có gì đáng nói. Giả thiết, nếu trước đây 10 năm mà ông Kỳ về “ thăm quê hương” như thế này, thì nơi ông cư ngụ chắc đã trở thành tro bụi, và khi ông trở lại vùng Nam Cali, nơi gió tanh mưa máu, thủ phủ của người Việt tị nạn, với Mặt Trân Kháng Chiến bịp HCM và đủ mọi loại đoàn thể chống Cộng “ giờ thứ 25” dữ dằn nhất thế giới, làm sao ông tránh khỏi tai họa “dập liễu vùi hoa”?!
Bây giờ, ngọn gió đã xoay chiều, lòng người Việt ở hải ngoại cũng đã theo chiều gió mà đổi thay. Vì thế, kiểm điểm những cuộc chống đối ông Kỳ về nước, ta thấy chỉ còn lác đác vài ba khuôn mặt vang bóng một thời xa xưa như: Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Nguyễn Khánh, Nguyễn Bá Cẩn, Lê Văn Tư v.v...

KHÍA CẠNH THIẾT THỰC

Kiểm điểm những nét đặc thù trong làn sóng phản đối hành động về nước của ông Kỳ, người quan sát thời cuộc nhận thấy: trên bình diện truyền thông, không kể mấy tờ báo chợ, và mấy đài phát thanh hàng tôm hàng cá, một số báo chí Việt Ngữ đứng đắn cũng như các loại báo chí ngoại văn khắp thế giới, đều chỉ loan tin trung thực, tránh việc phê bình, nhất là sự công kích chửi bới bừa bãi. Vì với trình độ kiến văn rộng rãi và kinh nghiệm nghề nghiệp vững chắc, họ cảm nhận được ngay bên trong chuyến về thăm quê hương đầu tiên này của ông Kỳ còn chứa nhiều ẩn số, đòi hỏi phải tốn thêm một ít thời gian nữa để tổng hợp dữ kiện, rồi phân tách tỉ mỉ và sáng suốt, hầu khám tìm ra nguyên nhân cốt lõi của sự việc. Trong số này, đáng chú ý có bài viết bằng Anh Ngữ của Jane Perlez, ấn hành ngày 26. 1. 04, đã hé lộ cho người đọc nhìn ra một vài khía cạnh thực tế và ích lợi của vấn đề, tức là mặt thiết thực (positif), xuyên qua câu sau đây:” Hanoi goverment, which wants to improve relations with the United States, particularly as a balance against China, Vietnam’s neighbor and onetime occupier” (chính phủ Hà Nội muốn phát triển bang giao với HK, đặc biệt là để quân bình với Trung Quốc, vốn là một lân bang đã từng xâm chíếm Việt Nam).

Tuy cuộc viếng thăm Việt Nam của ông Kỳ chỉ có tính cách không chính thức, nhưng trong hậu trường chính trị, dường như có sự khích lệ của chính phủ Bush. Năm ngoái một viên chức HK đã đề nghị với chính phủ nên dùng Ng. Cao Kỳ để mở đường cho Việt Nam phát triển sự hiện diện ở HK. Trên chiều hướng tiến hành ý kiến đó , vào mùa xuân năm ngoái, thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Đình Bin của Việt Nam -hiện nay đang là đại sứ Việt Nam tại Paris- đã đến San Francisco gặp ông Kỳ, để thương lượng chuyến hồi hương này của ông.

Để biện chứng cho sự nhận xét ấy, Jane Perlez đã nêu lên một số sự kiện đáng chú ý như: một chiếc quân hạm của HK đã cập bến cảng Sài Gòn hồi tháng 11 vừa qua. Đây là lần thứ ba trong khoảng 30 năm qua. Chuyến viếng thăm Ngũ Giác Đài và cuộc tiếp xúc với tổng trưởng quốc phòng HK, Donald H. Rumsfeld, của đại tướng, tổng trưởng quốc phòng Việt Nam Phạm Văn Trà , vào mùa thu vừa qua. Ngoài ra, phó thủ tướng Vũ Khoan còn tiếp xúc với ngoại trưởng HK Colin L. Powell về chuyện xin gia nhập vào tổ chức quốc tế ” World Trade Organization” vào năm 2005.

Mặt khác, trong bài này tác giả Jane Perlez còn tường thuật trung thực lời tuyên bố của ông Kỳ đại ý như sau:” Người Việt Nam muốn cân bằng mối tương quan với TQ bằng cách cải thiện liên hệ với HK.... Trung Quốc càng trở nên hùng mạnh trong vùng Á Châu, thì Việt Nam càng thêm lo ngại, mặc dù cả hai nước đều cùng theo đuổi chủ nghĩa Cộng Sản...Về mặt kinh tế, Trung Quốc có thể triệt hạ Việt Nam , và chính phủ Việt Nam đã biết rõ điều đó... Việtnam có thể trở nên một quận, huyện của TQ lần nữa!...”

Theo tôi, chẳng cứ gì ông Kỳ, bất kỳ một người Việt Nam nào có lòng yêu nước, dù đang mang một thứ quốc tịch nào trên thế giới, và am tường phần nào lịch sử dân tộc dưới các thời kỳ cai trị của TQ, đều không khỏi giật mình kinh hãi khi nghĩ đến hiểm họa xâm lăng của TQ trong tương lai. Còn những ai đã từng về Việt Nam trong mấy năm gần đây, đã có dịp tham quan vùng giới tuyến miền Bắc, giáp ranh TQ, đã quan sát và điều nghiên sinh hoạt kinh tế, thương mãi giữa hai nước Việt -Trung đều không khỏi đau lòng sót dạ vô cùng. Nhất là về mặt văn hóa, giáo dục và truyền thông, hằng ngày, mới bảnh mắt ra mỗi buổi sáng, bật màn ảnh truyền hình lên, đều chỉ thấy toàn những phim truyện TQ... và TQ cho đến khi tắt máy đi ngủ, bên tai vẫn còn văng vẳng tiếng Trung Quốc và hình ảønh TQ!!!

Nếu bạn nào có dịp tiếp cận hơn nữa với quần chúng trong nước sẽ càng thêm sót sa khi chợt nhận ra một phần không nhỏ trẻ em Việt Nam ngày nay đã biết và thuộc lịch sử TQ hơn lịch sử và văn học Việt Nam. Trong phạm vi này, người ta còn có thể nhận thấy ảnh hưởng TQ đã bám sâu và rộng rãi trong cuộc sống hằng ngày của người dân miền Bắc nhiều hơn dân miền Nam. Trên tuyến đường xuôi nam, từ cửa khẩu Lao Kay, chợ Cốc Lếu vào đến chợ Rạch Giá, nếu bạn dùng đường bộ hay hỏa xa, bạn sẽ nhận ra điều tôi nói trên đây là xác thực và là một hiểm họa đáng lo ngại trước mắt cho đất nước và dân tộc. Từ mối lo đó, bạn sẽ nhận ra thực chất của vấn đề: nếu nhà nước này không sớm phát triển mạnh về kinh tế, sẽ không dẹp nổi thảm họa tham nhũng, và tất sẽ không ngăn ngừa nổi sự xâm lăng tràn ngập của TQ về các mặt văn hóa, kinh tế, thương mãi, kỹ nghệ... Hiện nay phần lớn sản phẩm tiêu dùng ở Việt Nam đều nhập cảng lậu, trực tiếp từ các chợ trời trong vùng biên giới hai nước Trung-Việt. Nói đến việc buôn bán ở biên giới TQ và Việt Nam, nơi đây tôi chỉ cần nêu lên một sự kiện nhỏ nhặt này để bạn đọc bốn phương hải ngoại hình dung ra sự “chơi cha” của TQ và sự thua thiệt của dân tộc ta đau đớn đến mức nào. Tại miền Bắc có hai cửa khẩu giao thương giữa TQ và Việt Nam: một ở Lạng Sơn, và một ở Lao Kay. Con đường giao thương ở Lao Kay gần và tiện ích, TQ không cho hàng hóa của Việt Nam chuyển vào nước của họ bằng cách đánh thuế thật nặng và tạo đủ cớ rắc rối. TQ chỉ cho phép Việt Nam dùng cửa khẩu Lạng Sơn , đường vòng rất xa xôi, hiểm trở, chi phí tốn kém nhiều, để trao đổi thương mãi với họ. Kết quả hàng hóa TQ tràn vào Việt Nam bằng cửa khẩu Lao Kay và Lạng Sơn nhiều gấp trăm, gấp ngàn lần hàng Việt Nam chuyển sang TQ!...

Trước chính sách chèn ép đủ mọi mặt, cùng với hiểm họa xâm lăng đáng sợ trước mắt cho cả một dân tộc, lời của ông Kỳ tuyên bố như thế xét ra có phần thiết thực, cần phải được bình tĩnh tìm hiểu rõ ràng hơn.

NOI GƯƠNG TRUNG QUỐC VÀ ẤN ĐỘ?

Sự tìm hiểu nghiêm chỉnh ấy sẽ giúp chúng ta phát hiện ra những nguyên nhân cốt lõi nào khiến nhà nước CS Việt Nam trong mấy năm gần đây đã phải thực hiện cấp kỳ chính sách đãi ngộ tử tế với Việt Kiều. Chính sách này ra đời chẳng phải do sự chèn ép nói trên của ông bạn láng giềng khổng lồ, mà thực ra chỉ bởi các nhà cầm quyền Việt Nam muốn noi gương Trung Quốc, và Ấn Độ.

Như nhiều người đã biết, ngót hai mươi năm nay, nền kinh tế của Trung Cộng (TC) đã phát triển rộ lên một cách đáng kể. Nhưng theo các chỉ dẫn thống kê, người ta được biết tiềm năng phát triển kinh tế của TC chẳng phải nằm trong nội địa hay Hồng Kông, và không hoàn toàn do năng lực của trên một tỷ quần chúng, mà lại đích thực nhờ vào bàn tay đóng góp mạnh mẽ của cộng đồng người Hoa ở hải ngoại, trong các nước: Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Hòa Lan, Úc châu, các nước Bắc Âu, và Singapore, Mã Lai, Đài Loan, Nam Dương... Đứng đầu về mặt giàu có và đóng góp quan trọng đáng kể cho TQ gồm có những nhà tỷ phú như: Liem Sioe Liong, Robert Kuok, Dhanin Chearavanont v.v...

Chính vì thế, ngay sau khi vừa lên nhậm chức, chủ tịch nhà nước TQ Hồ Cẩm Đào đã ban hành pháp lệnh mở cửa “Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh” để đón rước các nhân vật Hoa Kiều xuất sắc thuộc các lãnh vực trí thức văn học, khoa học, kinh tế, thương mãi, kỹ nghệ ... về nước đóng góp công sức xây dựng quê hương. Theo Charles Zhang, tốt nghiệp khoa vật lý viện công nghệ Massachusetts, HK,:” Nếu hôm nay chúng ta nhìn lại 100 năm phát triển qua, chúng ta có thể thấy thời kỳ này tương tợ như thời kỳ Phục Hưng ở Âu Châu, hay Minh Trị ở Nhật Bản!”...

Mặt khác, nhìn về phía các quốc gia không CS, như Ấn Độ, nhà nước CS Việt Nam chắc chắn đã nhận thấy cộng đồng Ấn Kiều khắp nơi trên thế giới cũng đã đóng góp rất lớn cho công cuộc phát triển kinh tế, kỹ nghệ của nước Ấn nghèo đói, đông dân vào hàng thứ nhì thế giới. Trong một hội nghị năm 2003, trước 2600 Ấn Kiều thành công lớn trên thế giới, thủ tướng Vajpayee đã tuyên bố thành lập một “ gia đình Ấn toàn cầu”. Hiện nay, theo con số thống kê, đã có tới 20 triệu người Ấn cư ngụ trên 110 quốc gia với số thu nhập hằng năm tới 160 tỷ MK, tức bằng 1 phần 3 tổng số thu nhập của nước Ấn...

Trước những gương sáng đó của các nước lân bang, dù muốn dù không, nhà cầm quyền Việt Nam, nếu muốn thực sự “ xóa đói giảm nghèo”, và lột xác con thằn lằn để mau chóng hóa thân thành một con rồng kinh tế, phải cấp tốc bãi bỏ chính sách kỳ thị và trấn lột Việt Kiều. Tuy nhà nước Việt Nam đã thực hiện chính sách đãi ngộ công bằng và hợp lý đối với Việt Kiều từ mấy năm rồi, nhưng hiệu quả vẫn chưa đáng kể, vì lòng người Việt Nam tị nạn ở hải ngoại vẫn còn nghi ngại và nhất là chưa quên nổi những kinh nghiệm bản thân hay những vết thương kỳ thị , bạc đãi và trấn lột kệch cỡm trong thời gian qua. Do đó, nhà nước Việt Nam đã phải đẩy mạnh thêm chiến dịch hô hào xóa bỏ dĩ vãng, quên hận thù, thôi bạc đãi và trấn lột Việt Kiều, để cho sự đóng góp của cộng đồng Việt Nam tị nạn hải ngoại về mặt kinh tế được dồi dào hơn. Tho con số thống kê của nhà nước Việt Nam, trong 2 năm 2001 và 2002 , lượng tiền của Việt Kiều chuyển về nước đạt từ 1,75 tỷ MK lên đến 2,15 tỷ MK. Riêng năm 2003 vừa qua con số ấy đã tăng lên đến gần 3 tỷ MK và có triển vọng sẽ lên đến 3,5 MK. Theo tôi nhận xét, chắc chắn trên thực tế, số tiền Việt Kiều đã chuyển về nước không qua hệ thống ngân hàng đã vượt xa con số 3,5 tỷ MK. Tuy những con số vừa kể không to lớn lắm so với các cộng đồng di dân hải ngoại khác, nhưng sự tăng tiến nhanh chóng và đều đặn của những con số ấy đã nói lên kết quả tốt đẹp của chính sách đãi ngộ mới đối với Việt Kiều. Bởi thế , ta không lấy làm lạ khi thấy trong thời gian gần đây baó chí trong nước đã nhất loạt đề cao vai trò đóng góp lợi ích quan trọng của giới Việt Kiều hải ngoại. Đặc biệt nhất là trong dịp ông Kỳ về Việt Nam, các báo đều loan tin chủ tịch nhà nước Trần Đức Lương đã lên tiếng công khai đánh giá cao sự đóng góp thiết thực, quan trọng của đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đối với sự nghiệp phát triển của đất nước,bằng câu nguyên văn sau đây:” Tôi hoan nghênh nhiều trí thức, kiều bào thành đạt ở nước ngoài đã và đang sẵn sàng về nước làm việc, cùng chia sẻ trách nhiệm với các đồng nghiệp trong nước vì mục tiêu công nghiệp hóa, hiên đại hóa đất nước. Tôi cũng đánh giá cao quyết tâm và tình cảm của các kiều bào đã chọn chính quê hương mình làm địa chỉ đầu tư, kinh doanh, buôn bán lâu dài”... (trích báo Tuổi Trẻ, ngày16 .1. 2004).

Lời tuyên bố này đã khác hẳn với lời chửi rủa cay nghiệt, chất ngất hận thù đối với Việt Kiều của Phạm Văn Đồng và Lê Duẫn trước kia. Như vậy, chuyến về thăm quê hương lần này của ông Kỳ chẳng qua cũng chỉ nằm trong chiến dịch mới của nhà nước Việt Nam. Theo tôi biết, cùng một lượt hay trước hoặc sau ông Kỳ, còn có các cựu tướng như Nguyễn Khánh và Nguyễn Văn Toàn đã xin về Việt Nam. Hai vị này đã được nhà nước Việt Nam cho phép, nhưng không hiểu vì lý do gì mà chưa về. Ông Toàn có thể vì trở ngại của chứng ung thư. Còn ông Khánh? À ông này là người nhiều mưu mô, thủ đoạn vặt, nên cần phải tìm hiểu kỹ càng hơn, nhất là phải cân nhắc những lời tuyên bố của ông trong cuộc hội thoại truyền hình ở san José, HK, ngày 20. 2. 04 vừa qua!

(còn tiếp 1 kỳ)

 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002