Đại Chúng số 120 - ngày 16 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Thế Giới Và Bình Luận
Dấu Mốc Quan Trọng
Tin Nhỏ Cần Biết
Đại Lễ Phật Đản
Nhân Ngày Quốc Hận
Tiếng Quốc Đêm Trăng
Bệnh Sars
Thơ và Nhạc Bảo Oanh
The Mother of Mothers Day
Lịch Sử Ngày Cho Mẹ
Duyên Em
Đừng Hỏi Tại Sao
Ngày Nhân Quyền Cho VN
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Phan Thanh Giản
Kiếp Hoa Chìm Nổi
Mưa Bên Này Nắng Bên Kia
Giáo Sư Vũ Ký
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo

Tiếng Quốc Đêm Trăng

 

Trăng là hồn thơ ý nhạc. Tiếng quốc là khắc khoải canh trường, nên tiếng quốc kêu tự nó đã có một cái gì ray rứt u hoài rồi, mà tiếng quốc kêu trong một đêm trăng sáng thì thật là một nỗi buồn mênh mang cô lạnh, ngay khi còn ở quê nhà chớ đừng nói chi trong tâm trạng hoài cổ chan chứa tình cảm đối với nước nhà, xúc động trước cảnh điêu tàn của quê hương qua tiếng kêu của con chim quốc :

"Nhớ nước đau lòng con quốc quốc,
Thương nhà mỏi miệng cái gia gia." (1)

Người xưa vẫn thường hay nhắc đến tiếng chim Đỗ Quyên kêu ai oán, làm chạnh lòng kẻ sương khuê cô độc

"Ai ngờ tiếng quyên kêu ra rả,
Điệu thương xuân khóc ả sương khuê."

Sách Hoa Dương Quốc Chí chép rằng : Vua Đỗ Vũ nước Thục mất nước nên chết đi, hoá thành chim Đỗ Quyên kêu ra rả suốt đêm ngày, tiếng nghe thật thảm thiết. Tôi không biết tiếng chim Đỗ Quyên kêu như thế nào nhưng tiếng quốc kêu khắc khoải cầm canh thì thật là phù hợp với điển cố của vua Đỗ Vũ quá.

Gần ta hơn, khi lắng nghe tiếng hát lảnh lót nhưng đượm vẻ u hoài của nữ ca sĩ Phi Nhung qua bài "Tiếng Quốc Đêm Trăng", ta lại thấy lòng bồi hồi xao xuyến nhớ nhung :

"Đêm trăng qua sông dài,
Chợt nghe tiếng quốc dưới trăng
Chim hỡi chim kêu bầy
Mà như chim hót nhớ ai ?" (3)

Chim quốc là một loại chim cao cẳng, nhỏ con như cò ma, cò đỏ, gà nước thường hay ở trong những lùm bụi ô rô cóc kèn, dừa nước dọc theo các bờ rạch hay trong những miếng biển, cận bờ sông, kiếm ăn theo con nước lớn nước ròng. Nếu là người thành thị thì khó mà có dịp nghe tiếng quốc kêu để cảm ứng được cái khắc khoải ray rứt mang mang nầợy. Nhưng với các nông dân đồng quê thôn dã thì tiếng quốc kêu ra rả là một cái gì quen thuộc không thể thiếu được ở miền Hậu Giang nhứt là miệt vườn. Nhà nữ thi sĩ Vân Nương Lê Ngọc Chấn cũng nhắc đến tiếng chim khắc khoải nầy trong thi phẩm "Theo Vòng AƯo Giác" :

"Ôi lạ quá ! mỗi tuần trăng viễn phố,
Giữa đêm trường nghe tiếng quốc râm ran
Kiếp ai xưa còn nhớ thương đất Tổ
Tưởng như người đang rền rĩ than van !"

Nói gì đến thân phận sống nhờ ở đậu nơi xứ người, dù là Âu hay Mỹ thì tiếng quốc kêu chỉ còn lại trong ký ức thôi. Hoạ chăng cũng là trong một giấc mơ thấy mình ngồi dưới cái bến nước, dọc theo con rạch đang lững lờ chảy xuôi, ngắm nhìn con trăng ngà huyền dịu toả ánh sáng mờ ảo bao trùm cả vạn vật, chợt đâu tiếng quốc kêu vang àà

Viết đến kỷ niệm nầy, tôi chợt thấy dường như trở về nơi quê mẹ xa xôi, sáu mươi năm về trước, ngồi dưới bến nước của người chú họ thứ chín, lưng tựa vào một gốc gừa to, các rễ phụ màu nâu đỏ thả lòng thòng buông dài xuống đến mặt đất, hướng tầm mắt dọc theo bờ rạch nơi có nhiều cây dại như bần vẹt, ô rô cóc kèn, mái dầm dừa nước. Thỉnh thoảng tiếng quốc từng tràng dài vang lên đều đặn cấc à cấc à cấc à vọng lại từ xa.

Chim quốc tương đối đẹp, thân cánh xanh đậm, cẳng cao mồng đỏ và có thể nuôi được để làm chim mồi nếu chịu khó xúc tép và cá con về cho nó ăn. Chim quốc trống cũng giống như cu đất trống, mỗi con đều có giang sơn riêng biệt của nó và khi có chim quốc lạ đến là nó lập tức bay lại đánh đuổi cho kỳ được. Cũng vì cái tính hiếu chiến nầy mà người ở đồng quê thường hay dùng lồng bẫy sập để bẫy chim quốc rừng tương đối dễ dàng. Con chim quốc mồi được nhốt trong một chiếc lồng tre nhỏ có mặt trước phẳng bằng lưới kẽm, dòm thấy bên trong được. Trước mặt lồng có thêm một hệ thống lưới sập bằng nhợ, dương lên và tự động chụp xuống khi chốt bẫy bị bật ra. Chỉ cần đặt chiếc lồng bẫy vào lùm bụi, dọc theo mé rạch nơi có nhiều chim quốc rừng lảng vảng. Chim mồi cất tiếng kêu cấc à cấc à cấc à từng tràng dài. Chim quốc rừng tìm đến đánh đuổi và khi nhìn thấy con quốc mồi trong lồng là nó hung hăng đá mạnh vào mặt lồng làm bật chốt hệ thống, lưới nhợ tự động chụp phủ xuống. Vậy là bẫy được con chim hiếu chiến. Tuy nhiên loại bẫy sập nầy chỉ bắt được quốc trống mà thôi chớ chim cái thì không bẫy được.

Anh Thể người giúp việc cho chú thím tôi có một con quốc mồi rất khôn, nuôi từ lúc còn non nên anh rất tưng tiu chăm sóc nó. Trong những ngày tháng tản cư về quê mẹ, tôi vẫn thường xách rổ xúc ra đià để chao tép choai về cho nó ăn, trông thật vui mắt. Đền bù lại, mỗi khi có dịp rảnh là anh Thể lại dắt tôi đi bẫy quốc dài theo bờ rạch trong vùng, thật là thích thú. Đặt bẫy chim cò, đi nôm cá hay chận đăng, đuổi chim đồng hay quốc chuột, soi ếch cắm câu, đều là những thú vui mộc mạc của chốn đồng quê gắn liền với đời sống cần cù chất phác của những người nhà nông Việt Nam chân lấm tay bùn, làm sao có thể quên được ? Mùa lúa chín đã đến, các bông lúa nặng trĩu hạt hoằng ngọn bắt đầu vàng dưới ánh mặt trời gay gắt. Mùi lúa mới thơm thoang thoảng bát ngát trong bầu không khí trong lành mang đến cho ta một cảm giác lâng lâng sảng khoái. Mỗi khi lúa trúng mùa, người nông dân hiền lành chất phác lại hả hê ngắm nhìn cái kết quả tốt đẹp, những hạt ngọc vàng của trời đất ban cho sau bao nhiêu ngày làm lụng cực nhọc, dầm mưa dãi nắng gió bụi mưa bùn.

"Hò ơ à Miền Nam có nắng thanh bình,
Có đồng lúa đẹp, có tình quê hương."

Trong một buổi cơm chiều, chú Chín cười hể hả nói với ba tôi :

- Anh Sáu, lúc nầy lúa vừa mới chín, chim đồng tụ tập về ăn lúa rất nhiều. Vậy anh em mình ngày mai đi đuổi chim một buổi cho vui vẻ đi anh ?

Ba tôi và các cô dượng đều tán thành nhiệt liệt vì viễn ảnh một ngày vui chơi ngoài đồng nội và gia đình lại được ăn một bữa chim đồng thoả thích. Gì chớ chim đồng như võ vẽ, ốc cao, chằng nghịt, cúm núm đem rô-ti với nước dừa thì ngon tuyệt, một món ăn độc đáo của miền Hậu Giang. Đó là chưa nói đến món cháo chim bằm nhỏ nấu với một ít đậu xanh bún tàu củờ hành tây, ngọt ơi là ngọt, nhất là khi cả nhà quây quần thưởng thức nồi cháo ngoài sân, dưới ánh trăng vàng. Sáng sớm tinh sương, sau bữa cháo trắng điểm tâm với cá rô kho tiêu, cả nhà rầm rộ kéo đi, quần cụt nón rơm, người mang đăng kẻ xách lọp, phần tôi thủ cái giỏ tre đựng chim có nắp đập hẳn hòi. Mấy người lớn mang sào dài có buộc nhiều sợi vải để quơ qua quơ lại trên đọt lúa làm cho chim hoảng sợ không dám bay lên. Chú Chín lại còn chia cho ba tôi và mấy người lớn những khúc tầm vông cắt ngắn độ hai tấc, tương đối nặng để khi có mộtcon cúm núm hay gà nước liều lĩnh dám bay vọt lên là mọi người phang liền, hi vọng trúng nó rớt xuống. Gió đồng thổi lồng lộng, bầu trời trong xanh báo hiệu một ngày nắng đẹp. Các ruộng lúa nối dài đến tận chân vườn, lõm bõm nhiều khỏang rộng lớn đã chín vàng. Chú Ba T. đề nghị đến các ruộng luá của ông Mười, em cô cậu của ông ngoại tôi, vì nơi ấy giáp với những vườn cây lớn nên có nhiều chim đồng ra ăn lúa. Vả lại ông Mười là chỗ bà con ruột thịt nên việc xin phép đuổi chim trong ruộng nhà không có gì rắc rối. Người nông dân vốn hiền lành hiếu khách, ông Mười mừng rỡ được gặp lại ba tôi va,ợ sau khi vồn vã hỏi thăm bà con thân thuộc, đã vui vẻ chỉ cho ba tôi những miếng ruộng nào của ông thường có nhiều chim về ẩn núp.

Chúng tôi rần rộ kéo đi đến các thửa ruộng mà ông Mười đã chỉ. Chú Chín ngắm nhìn phương hướng, cẩn thận chỉ cho anh Thể và chú Ba cắm đăng và đặt lọp chim như thế nào để được lợi thế, đồng thời cũng căn dặn mọi người phải đi giữa hai hàng lúa và tránh đạp gẫy lúa gây thiệt hại cho ông Mười, một người bà con dễ mến hiền hậu. Xong từ phiá trên, tận đàng xa mọi người giàng hàng ngang rầm rộ la ó, phất sào qua lại trên đọt lúa, gõ lốp cốp vào cán tre gây nhiều tiếng động, đồng thời tiến thẳng về phiá có chận đăng. Bọn chim đồng có lẽ hoảng sợ khi nghe thấy tiếng ồn ào nhưng không dám liều lĩnh bay lên mà chỉ chạy giạy dưới ngọn lúa về phiá trước. Bỗng một con cúm núm to lớn hốt hoảng liều mạng vọt lên khỏi ngọn lúa, đập đập nặng nề đôi cánh để lấy đà trước khi bay vọt đi. Cùng một lúc nhiều khúc tầm vông lao vụt đến nhưng có lẽ vì không quen tay và phần lớn là dân thành thị về, nên đều trật mục tiêu cả, làm cho mọi người hít hà hối tiếc đã để sẩy một con cúm núm to quá chừng.

Chỉ còn độ hai mươi thước nữa là đến chỗ chận đăng, chúng tôi càng la ó rầm rĩ lên, gõ lốc cốc dồn dập tới tấp và đồng thời tiến nhanh, cốt ý làm cho lũ chim đồng hốt hoảng bay bừa về phiá trước, chừng gặp đăng sẽ quýnh quáng tìm những lỗ trống để thoát qua. Khi gặp miệng lọp (lỗ trống) là chúng chui vào không e dè gì cả, như cá chui vào miệng lưới. Cả bọn dừng lại, cười nói ồn ào, mấy người lớn nhổ đăng để cuộn lại trong khi anh Thể hân hoan tháo mấy chiếc lọp ra. Mọi người reo hò vui vẻ khi thấy một số chim võ vẽ, ốc cao, cúm núm đang chạy rột rẹt trong lọp tre cố tìm cách thoát ra. Anh Thể cẩn thận mở nắp lọp thò tay vào bắt từng con một, bỏ vào giỏ tre. Tôi và cả nhà đều phấn khởi với cái kết quả đầu tiên quá khả quan nầy. Chiều nay chắc chắn là gia đình sẽ được ăn một bữa chim đồng rô-ti nước dừa, thịt chim mềm mại vàng hườm thơm phức, ngon không chê được, làm tôi chỉ nghĩ đến đã chảy nước bọt rồi. Chú Chín vừa nắn bóp một con cúm núm khá to trên tay vừa hả hê nói với ba tôi :

- Chim ăn lúa mới no đủ nên mập quá anh Sáu !

Phần tôi thì mắt chợt sáng lên khi anh Thể vừa bỏ vào giỏ cho tôi một con cò đỏ chỉ bằng nắm tay, mỏ dài nhọn hoắt màu vàng nhạt trông đẹp làm sao. Thích quá, tôi thò một ngón tay qua nan tre để rờ cái cánh mượt màu đỏ sẫm của nó, không dè lẹ như chớp nó mổ cho tôi một cái đau điếng vào ngón tay máu chảu ròng ròng. Anh Thể cười ha hả trong khi tôi mặt nhăn nhó vừa mút tay vừa chửi rủa ỏm tỏi cái con cò quái ác nầy. Tuy vậy anh Thể cũng nói nhỏ với tôi là chiều nay sẽ không làm thịt nó và bắt riêng để cho tôi nuôi trong lồng chơi. Có vậy tôi mới thấy hả lòng chứ ! Chú Chín lại hô hào mọi người đến miếng ruộng khác khá xa để tiếp tục cuộc đuổi chim hào hứng trong bối cảnh đồng ruộng bao la. Từ xa mấy con chim chiền chiện bay lên bay xuống kêu chíp chíp, lâu lâu lại từ trên cao dang thẳng cập cánh đâm bổ xuống mặt đất. Đâu đấy tiếng cu đất gọi nhau cúc cu à cúc cu à

Vài cuộn khói xanh uốn éo bốc lên từ những khóm nhà lá đơn sơ ẩn hiện giữa các chòm cây rậm rạp xanh tuơi nằm lõm bõm giữa những cánh đồng lúa bao la như những ốc đảo. Trên vòm trời xanh ngắt từng đám mây trắng như tơ nõn đang bềnh bồng trôi lang thang àà

Tôi giật mình sực tỉnh, trở về với hiện tại, trở về với thân phận sống nhờ ở đậu nơi xứ người của mình. Từ giàn máy âm thanh, tiếng hát lảnh lót của nữ ca sĩ Phi Nhung vẳng lên :

"Đêm trăng qua sông Hậu,
Chợt nghe tiếng quốc nhớ nhau
Chim hót nơi giang đầu
Mà sao để tiếng cuối sông
Người ấy xa ta rồi àà (3)

Tôi lẩm bẩm, không khéo mình lại thành chim Đỗ Quyên hay chim quốc mất. Quê hương vẫn còn lặn ngụp dưới làn sóng đỏ, vận nước vẫn nổi trôi mờ mịt. Đến bao giờ mới có thể trở về quê mẹ, nằm dài trên mé rạch dưới bóng cây gừa, nhìn dòng nước của con rạch thân thương lững lờ chảy xuôi, lắng nghe tiếng chim quốc quen thuộc kêu khắc khoải từ phiá xa xa.

Hà Ngọc Bích

 

Chú thích :
(1) Qua Đèo Ngang, Bà Huyện Thanh Quan.
(2) Cung Oán Ngâm Khúc, Ôn Như Hầu.
(3) Tiếng Quốc Đêm Trăng, Phi Nhung. M3. VN 23.

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002