Đại Chúng số 120 - ngày 16 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Thế Giới Và Bình Luận
Dấu Mốc Quan Trọng
Tin Nhỏ Cần Biết
Đại Lễ Phật Đản
Nhân Ngày Quốc Hận
Tiếng Quốc Đêm Trăng
Bệnh Sars
Thơ và Nhạc Bảo Oanh
The Mother of Mothers Day
Lịch Sử Ngày Cho Mẹ
Duyên Em
Đừng Hỏi Tại Sao
Ngày Nhân Quyền Cho VN
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cơ Sở Văn Học Cỏ Thơm
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Phan Thanh Giản
Kiếp Hoa Chìm Nổi
Mưa Bên Này Nắng Bên Kia
Giáo Sư Vũ Ký
Giáo Hội Phật Giáo Hoà Hảo

Lời Giới Thiệu : Là một trong số những nữ tù cải tạo cộng sản Việt Nam, (Trần) Lệ Tuyền (hiện định cư cùng chồng con ở Pháp) quyết định dùng thời gian còn lại tiếp tục cuộc tranh đấu chống cộng, xưa kia bằng hai bàn tay phụ nữ, ngày nay bằng trí óc cùng ngòi bút vạch trần tỷ mỷ trước quốc dân đồng bào Việt Nam hải ngoại tất cả những gì thâm sâu cũng như ghê gớm vượt ngoài trí tưởng tượng con người, kể từ thời đệ nhất Việt Nam Cộng Hoà cho đến hết khoảng thời gian học tập cải tạo rồi thoát khỏi mảnh đất quê hương nhuộm đỏ của nữ chiến sĩ.
- Bình Huyên -

 

Nhân Ngày Quốc Hận
Lệ Tuyền

 

Hàng năm cứ đến ngày 30/04, đảng cộng sản Việt Nam lại tổ chức lễ "Mừng chiến thắng, Mừng ngày Giải phóng miền Nam".

Nhưng tại hải ngoại, người Việt Quốc Gia lưu vong lại tổ chức kỷ niệm "Ngày Quốc Hận", "Ngày Nước Mất, Nhà Tan".

Cho đến bây giờ, thì cả thế giới đều đã biết rằng, cộng sản Bắc Việt có phải là phe chiến thắng thực sự và có phải họ đã "Giải phóng miền Nam" hay không.

Riêng đối với toàn dân miền Nam Việt Nam, kể cả những người trước đó vì ngây thơ, nên đã từng mơ tưởng đến một thiên đường cộng sản, tất cả cũng đã đều thấy rõ thế nào là cộng sản. Họ đã chứng kiến những cảnh cướp của, giết người của tập đoàn mà đã tự nhân danh là đi "Giải phóng miền Nam".

Vì vậy, mỗi năm cứ đến ngày 30/04, trong chúng ta, những người dân của nước Việt Nam Cộng Hoà, không làm sao quên được cái ngày tang thương ấy.

Tôi là người bị ở lại, rồi vào nhà tù Việt cộng. Kể từ ngày bị bắt, tôi qua các trung tâm tạm giam để thẩm cung. Sau khi kết cung tôi đã bị đưa vào "Trại cải tạo" T.154 ,tỉnh Quảng Nam, cho đến ngày ra tù tất cả là tám năm. Tám năm ấy, tôi đã đồng cảnh ngộ cùng với các vị tù trong trại. Hàng ngày dầm mình dưới sình lầy tới bụng, tới ngực để cấy, gặt, làm mồi cho đỉa, hoặc lên rừng đốn vác củi, cắt bổi (phân lá) làm mồi cho vắt.

Nói đến nhà tù này, thật là kinh hoàng, khủng khiếp ! Vì là nhà tù lao động chuyên về nông nghiệp, nên cả nam lẫn nữ tù đã làm tất cả những công việc vô cùng nặng nhọc. Đặc biệt bên trại nam, các anh nhà 8 do Trung tá Nguyễn Văn Chước làm "tự quản"(nhà trưởng) các anh này đã qua nhà biệt giam 2-79 (đồng Mộ), và nhà 10 do Thiếu Tá Trương Quang Dõng làm nhà trưởng, ngày nào cũng thay phiên lao động bên cạnh nữ tù. Các anh đã thay trâu bò cày bừa cho nữ tù cấy gặt. Với chỉ tiêu chung, ba người một sào bất buộc phải "đạt" trong ngày, kèm gánh mạ, gánh lúa về sân đập hoặc lên rừng. Tù nam đốn củi, tù nữ vác xuống với "chỉ tiêu" chung cho nam nữ là ba người sáu mét khối một ngày, Ngoài ra còn phải leo đồi cuốc đất trồng sắn mỗi ngày phải "đạt" 500 cây hom sắn, hay cuốc đất trồng mía, tỉa đậu, trồng khoai

Nhưng không phải "đạt chỉ tiêu" rồi mà tối về được ngủ sớm, mà tất cả chúng tôi, sau khi ăn tối phải "tranh thủ" hái lột đậu phụng (lạc) cũng "chỉ tiêu" cho ba người đầy một thúng mới được về phòng. Có khi vừa ăn cơm xong, phải "tranh thủ" làm cỏ mía ...Thôi thì đủ thứ "tranh thủ" không thể nào kể hết.

Tôi không bao giờ quên những năm tháng lao động bên các vị Quân, Cán, Chính VNCH, thuộc nhà 8 và nhà 10. Tôi vẫn nhớ mãi những ánh mắt đầy thương cảm và lo lắng của các anh, khi nhìn chúng tôi với những tấm thân yếu đuối, mà các anh chỉ nhìn thấy từ bụng từ ngực nổi trên sình lầy, trong những ngày đông buốt giá, đến những ngày hạ nắng như thiêu đốt. Đôi chân của chúng tôi lúc nào cũng phải lần bước theo những cây đà do chính các anh đốn từ trên rừng đem bỏ xuống. Các anh luôn lưu ý đến chúng tôi, để khi nào nữ tù có ai lỡ trượt chân khỏi cây đà, thì các anh phải kịp thời nối cuốc, nối tay kéo chúng tôi lên, vì thế nên chúng tôi có nhiều người rơi xuống sình, nhưng không hề có một ai bị chết vùi thân dưới sình lầy cả.

Nhưng với tôi, mặc dầu bị tù đày. Tôi vẫn thấy mình có cái may mắn được chứng kiến những đòn thù dã man, tàn bạo nhất mà công an trại đã giáng trên những tấm thân gầy yếu, trơ xương của các vị nam tù như những trường hợp sau đây :

-Thiếu tá Hồ Minh, ông đã bị"kỷ luật"cùm tay chân miệng, và ở phòng biệt giam riêng. Không những thế mà ông còn bị công an trại dùng những khúc củi đánh đập nhiều lần, đến nỗi mỗi lần ông bị đánh tù nhân chỉ nghe tiếng hét, tiếng rú của ông chứ không hề nghe ông nói thành lời. Một lần tù nhân nghe tiếng mở cửa của thanh sắt phòng biệt giam. Họ thấy ông Minh bị hai tên công an vũ trang lôi ra khỏi phòng, rồi ông bị hai tên này thi nhau cũng dùng những khúc củi đánh tới tấp lên người ông. Đau quá, ông bỏ chạy quanh khu biệt giam, lúc ấy nhiều người mới nhìn thấy chiếc cùm đã không còn trên miệng ông nữa, nhưng ông không còn hét thành lời, mà chỉ có tiếng rú vô cùng man dại, đôi mắt vô hồn, nét mặt thất thần, có lẽ ông đã mất trí và có thể vì chiếc cùm lâu ngày trên miệng nên đã làm ông không còn nói được nữa. Nhưng chúng vẫn đánh vì nói ông giả câm, chúng tiếp tục đánh buộc ông phải nói. Khi ông ngã sấp xuống mặt đất thì chúng không đánh bằng khúc củi nữa, mà chúng thẳng chân giày đạp lên đầu, lên lưng ông, cho đến khi ông nằm bất động, chúng mới ra lệnh cho "trật tự" trại khiêng ông xuống trạm xá trại 1. Phụ trách y tế trại là do bác sĩ Phùng Văn Hạnh, bác sĩ Vương Ngọc Lâm và anh Đỗ Phạm Hiển. Sau khi khám nghiệm, họ cho biết là ông Hồ Minh đã chết tự bao giờ. Mọi người mới hay rằng bọn công an trại đã đạp lên cái xác chết của ông.

- Đại úy Nguyễn Phượng bị cùm bỏ đói cho đến chết. Khi chết rồi mà đôi chân vẫn còn trong đôi cùm sắt treo trên tường, thân thể quắt queo trên nền gạch lạnh lẽo của phòng biệt giam tăm tối.

-Thiếu tá Nguyễn Xuân Giáo cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Quảng Nam. Trước khi chết ông đã bị hành hạ đến không còn là con người nữa. Ngày ông chết trong nhà biệt giam, khi đưa ra ngoài người con trai cũng đồng tù là anh Nguyễn Xuân Đức, đâ khiêng xác đi chôn mà vẫn không biết đó là cha ruột của mình. Cho đến khi huyệt mộ đã lấp đất xong, tên công an ra lệnh cho trật tự trại mang tấm bảng gỗ đến và viết tên Nguyễn Xuân Giáo đem cắm dưới chân mộ. Lúc ấy, anh Đức mới kinh hoàng chết điếng ngã lăn xuống đất, ôm lấy nấm mộ của đấng sinh thành vừa lạy vừa kêu Trời. Nhưng Trời thì ở trên cao và xa quá, còn công an thì ở gần, nên chúng ra lệnh cho trật tự trại vực anh dậy và lôi anh về phòng.

-Trung tá Nguyễn Tối Lạc, người cũng bị cùm cả tay, chân, miệng, nhưng trước khi bị cùm miệng ông đã xin ba vị Linh Mục truyền dạy Kinh Thánh cho ông, nên đến khi đã bị cùm cả miệng, nhưng còn hai tai nên qua cái lỗ thông hơi của phòng biệt giam ông vẫn học thuộc hai câu Phúc Âm mỗi ngày. Và nhiệm mầu thay, ông đã thoát chết. Bây giờ ông đã đến Hoa Kỳ theo diện tù cải tạo.

-Ông Ngô Hải Quãng, Bí thư Tỉnh dảng bộ Việt Nam Quốc Dân Đảng Quảng Nam. Ông đã bị hành hạ dã man trước khi chết. Lúc tù cải tạo chôn xác ông cũng là lúc người con trai ông lên thăm nuôi, nhưng công an vẫn không cho con ông biết, mà chỉ nói ông bị bịnh không thể ra gặp mặt, và bảo con ông gửi quà lại cho ông.

Và, còn nhiều cái chết nữa như Trung tá Huỳnh Như Xuân ... mà tôi không thể kể hết.

Ngoài ra, còn có các vị đã bị xử bắn tại trại như Đại Tá Nguyễn Văn Bình. Đặc biệt là Kỹ sư Trung Úy Trần Quang Trân đã bị xử bắn, chỉ vì tổ chức cứu tù cải tạo trong nhà biệt giam 2-79 (Đồng Mộ) gồm có 141 vị tù. Đó là may nhờ anh Trân được công an trại giao cho công việc phụ trách điện đài và điện thoại, nên anh biết rằng số tù này sẽ bị thủ tiêu tập thể, trong đó có ba Linh Mục và một Mục Sư. Ngày anh bị xử bắn, gia đình, vợ con anh ở Xuân Hoà, Xuân Lộc, Đồng Nai đều không được biết,và cũng không được viếng mộ của anh. Vụ án này rất dài dòng tôi sẽ viết riêng trong một bài khác. Cho đến giờ này, các vị Linh Mục và Mục sư cùng cáv vị được cứu thoát đang sống trên đất Hoa Kỳ. Tôi không chắc có người nào biết được sự hy sinh cao cả của anh.

Đó là trường hợp của những người đã chết, còn những người còn sống thì sao ? Tôi xin nêu lên một trường hợp hết sức đau lòng, đó là của Giáo Sư Thượng Nghị Sĩ Bùi Văn Giải. Khi di cư vào Nam năm 1954, ông làm nghề dạy học, bà tảo tần buôn bán, tiết kiệm dành dụm tạo được một căn nhà tại phường Tam Toà, đường Trần Cao Vân Đà Nẵng. Khi ông vào tù, công an Đà Nẫng đã tịch thu căn nhà của ông bà. Bà đau buồn ngã bệnh rồi mất. Ông không được nhìn mặt vợ vào giây phút cuối cùng.

Ngày tôi ra tù, theo lời Thầy dặn tôi đến thăm các con của Thầy, để rồi đã chứng kiến hoàn cảnh khốn khổ của bốn người con của Thầy. Được biết khi vợ ông mất công an Đà Nẵng nói là vì "nhân đạo" nên chừa lại một phòng trong căn nhà của ông bà chỉ bốn mét vuông, để các con ông ăn, ngủ, còn nấu nướng thì phải nhóm bếp ngoài sân. Nhưng những ngày mưa và mùa đông thì phải dời bếp vào phòng, các con ông phải ăn, ngủ chung với tro và khói bếp. Nhưng chưa đủ ,công an còn buộc các con ông phải trả tiền nhà hàng tháng cho Ty nhà đất, vì căn nhà đã thuộc sự quản lý của nhà nước.

Vì thế, các con ông phải nghỉ học, đứa vá xe đạp, đứa làm thuê. Riêng Thủy con út, là con gái yếu đuối nên phải làm nghề thêu, may mướn để góp phần trả tiền thuê cho chính căn nhà mà do mồ hôi, nước mắt của cha mẹ mình đã tạo nên. Vì nếu không trả thì sẽ bị đuổi ra khỏi phòng, rồi phải lang thang đầu đường xó chợ. Hiện nay ông Bùi văn Giải đang ở tại Portland, Hoa Kỳ. Mới đây, trong một lá thư gửI cho tôi, Thầy đã viết :" Thầy không thù hận họ, nhưng không chấp nhận họ."

Cho hay những người Việt Quốc Gia có thừa lòng khoan dung và nhân ái.

Đó là hoàn cảnh của những người ở lại, còn những người đi tu nghiệp bị kẹt lại nơi hải ngoại và những người di tản họ có vui sướng không ? Tôi nghĩ là không. Nếu nói về vật chất thì chắc chắn họ không đói rách, khổ sở, có người còn sung túc nữa. Nhưng theo tôi, trừ một số vô lương tri, còn ai cũng có nỗi niềm riêng tư cả. Họ cũng xót đau cho các chiến hữu, cho đồng chí của mình trong các nhà tù cộng sản, cho những người thân, cho đồng bào ruột thịt, cho những người thương phế binh đang nằm đường, bò chợ xin ăn, cho những người già, em bé bị đuổi ra khỏi nhà dưỡng lão, cô nhi viện. Từng tấm thân ghẻ lở, mặt mày lem luốc vì muỗi đốt, vì không nước tắm. Ban ngày, họ phải bới từng đống rác kiếm chút thức ăn thừa, ban đêm gối đất nằm sương.

Tôi vẫn nhớ rõ ngày 29/03/1975, tại Đà Nẵng. Tôi đã cùng đồng bào chạy xuống bến Bạch Đằng để mong di tản. Nhưng chúng tôi đã bị đảng"Hoà Giải" của Vũ Văn Mẫu ngăn cản. Đám này tay cầm súng chặn đường, tay cầm loa phóng thanh, miệng la hét "Chúng tôi lực lượng hoà hợp hoà giải thị bộ Đà Nẵng, yêu cầu đồng bào đừng di tản, hảy ở lại với chính quyền cách mạng ! Quân, Cán,Chính chế độ cũ cấp bậc nào, chức vụ nào sẽ được trả nguyên cấp bậc, chức vụ ấy."

Tuy nhiên, không phải vì tin những lời của các "ông" hoà giải, mà vì những tay súng chặn đường, nên một số người đã phải ở lại, để rồi cấp bậc nào, chức vụ nào thì ở tù theo cấp bậc, chức vụ ấy. Từ sống đến chết, từ ba đến mười mấy năm sau, khi trở về có nhiều người đã đui què, tàn phế.

Tuy vậy, hiện thời nơi hải ngoại có một điều đáng buồn là khi được tự do rồi, có một số vị đã ỷ vào những năm tháng ở tù nên đôi khi đã công khai lên tiếng công kích các vị di tản hay bị kẹt lại vì đi tu nghiệp trước ngày mất nước. Có vị miệng luôn kêu gọi đoàn kết, nhưng lại khăng khăng tuyên bố : ở tù lâu thì phải là lãnh tụ. Các vị ấy đã quên rằng, trong lúc họ ở trong tù thì trong số những người không ở tù kia, có người đã làm được những điều hữu ích. Không những thế, các vị cựu tù cải tạo còn xem thường thế hệ trẻ, tức là thế hệ thứ hai, thứ ba. Họ cho rằng những bạn trẻ chỉ là con nít biết gì mà nói chuyện chính trị, chuyện đấu tranh.

Như vậy, các vị ấy có thật lòng yêu nước thương nòi hay không ? Tại sao quý vị ấy không nghĩ một cách thực tế rằng : Dù trước đây quý vị có công với đất nước, từng ở nhiều năm trong nhà tù Việt cộng, điều đó không có ai dám phủ nhận, nhưng hiện tại các vị đa số sức yếu, tuổi già, nhiều vị đã trên dưới bảy mươi, tám mươi, chín mươi. Trí óc cũng đã hao mòn theo tuổi đời, theo những năm tháng gian lao.

Có một điều không ai phủ nhận là quý vị nói trên không những có nhiều bài học máu xương mà còn đầy mình kinh nghiệm từng trải. Theo thiển ý, nếu thật lòng vì nước, vì dân thì các vị đừng nên phân biệt có ở tù hay không, cũng đừng phân biệt trẻ già, để gọi kêu giới trẻ hãy dấn thân vào đại cuộc cứu nước, cứu dân. Bởi chính giới trẻ có nhiều thứ quý lắm. Họ có trình độ văn hóa đáng kể, có nhiều người học lực rất cao. Họ chỉ thiếu kinh nghiệm mà thôi.

Năm nay, khi chúng ta tổ chức kỷ niệm ngày Quốc Hận (30/04) lần thứ 28, thì nhân loại đã bước vào Thiên niên kỷ thứ ba. Thời đại của khoa học. vì thế làm chính trị hay đấu tranh trên mọi phương diện cũng đều phải có khoa học. Nếu muốn đất nước cường thịnh thì phải cần những vị có bằng Cao học Kinh tế. Quốc phòng phải có các chuyên gia quân sự chiến thuật. Giáo dục phải có giáo sư tốt nghiệp Cao học hoặc Đại học Sư phạm. Y tế phải cần đến các bằng cấp cao trong nghành y khoa. Chứ không phải làm kinh tế theo kiểu con trâu cái cày ; củng cố quốc phòng bằng dao găm, mã tấu, gậy tầm vông ; giáo dục giao cho các cụ đồ ; và y tế lại nhờ vào các "vị" lang băm hay pháp sư để "úm...phà..." mà chửa bịnh cho nhân dân ! ...

Vậy giờ đây, ở giai đoạn cấp thiết trong đó đất nước ta mỗi ngày sẽ mất dần vào tay kẻ thù phương Bắc, đồng bào ta còn sống trong đói khổ và thiếu mọi quyền tự do căn bản, nếu bạo quyền cộng sản còn thống trị thì sẽ còn không biết bao nhiêu là tai họa đau thương hơn nữa cho tổ quốc. Cho nên, các vị thuộc thế hệ cha anh, nếu thật lòng yêu nước, thương dân thì, theo thiển ý, quý vị nên xóa bỏ hết mọi bất đồng, không phân biệt tôn giáo, đảng phái, hãy đoàn kết lại với nhau. Chúng ta hãy cùng nhau kêu gọi thế hệ trẻ tới hợp tác, để đem những kinh nghiệm của mình truyền đạt lại cho họ.

Nếu trong số các bạn trẻ có người nào đủ tài năng đức độ, giàu lòng hy sinh, dám quên mình dấn thân cho đại cuộc, đấu tranh cho nền tự do dân chủ tại quê nhà, thì chúng ta hãy đồng tâm ủng hộ họ.

Có như vậy, chúng ta mới mong sớm hoàn thành được Nghĩa Vụ Cứu Nguy Dân Tộc./.

 

Lệ Tuyền

(Xin đón đọc chi tiết đầy đủ về các sự kiện trên đây trong tác phẩm dài mang nhan đề dự định "Thuở Thanh Bình, Thời Biến Loạn" của cùng tác giả sẽ ra mắt đồng bào VN hải ngoại nay mai. BH)

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002