Đại Chúng số 121 - ngày 1 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Thế Giới Và Bình Luận
Mỗi Tuần Một Đề Tài
Việt Nam Trung Tâm Nông Nghiệp
Bạn Có Biết
Y Khoa Và Khoa Học
Mèo Hay Thỏ
Yếm Vải Xứ Thanh
Hội Thơ Xuân Quí Mùi
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Những Bệnh Về Kinh Nguyệt
Vườn Thơ
Vũ Điệu Con Hổ
Vấn Đề Thờ Cúng Tổ Tiên
Đọc Báo Dùm Bạn
Thư Gởi Ông Mai Vàng
Thư Ngỏ của Nguyễn H Luyến
Thông Cáo Cộng Đồng Người Việt ở Pháp

Mỗi tuần một đề tài suy nghĩ

Do "con mọt sách" sưu tầm

Kỳ này chúng tôi giới thiệu một bài của người viết Ngô Tư Lập , trong báo Talawass . Một ý niệm mới mà anh ta có sức thuyết phục khá vửng chắc về Hoakỳ

NgôTựLập
Về Hoa kỳ như một đặc khu kinh tế tự do .

Lịch sử phát triển hơn hai trăm năm của Hoa Kỳ là một hiện tượng độc đáo, gợi nhiều cảm hứng, đến mức nhiều khi nó được thần thánh hoá, hay ít nhất là bị nhìn nhận một cách chủ quan, cả theo hướng tô hồng lẫn bôi đen. Không ai có thể thống kê được hết các tác phẩm, thuộc mọi lĩnh vực, viết về quốc gia đặc biệt này. Ðó là một đại dương thực thụ, với rất nhiều tác phẩm xuất sắc như De la Démocratie en Amérique (Về nền Dân chủ Mỹ) của Tocqueville, People of Plenty của David Potter hay People of Paradox của Michael Kammen... Tuy nhiên, sau hàng thế kỷ nghiên cứu những vấn đề khác nhau của quốc gia đặc biệt này, chúng ta đang vấp phải những bất đồng sâu sắc chưa từng có, những bất đồng không đơn thuần do định kiến chính trị mà còn do sự lạc hậu về phương pháp luận. Tôi sẽ cố gắng tìm một cách lý giải mới và sẽ bắt đầu bằng những phân tích ít nhiều mang màu sắc kinh tế, nhưng xin khẳng định rằng sẽ rất không đầy đủ nếu xem xét một quốc gia đặc biệt như Hoa Kỳ, với tất cả các thành công ngoạn mục và cả những vấn đề nan giải của nó, cả trong quá khứ và hiện tại, chỉ đơn thuần như là đối tượng của kinh tế học.

Trước hết, thái độ của chúng ta đối với Hoa Kỳ luôn luôn chứa đầy mâu thuẫn. Khách quan mà nói, những thành công sáng chói của Hoa Kỳ trong mọi lĩnh vực khiến cho cả loài người không chỉ ngưỡng mộ mà còn được hưởng lợi. Theo những tiêu chuẩn của một số nhà nghiên cứu phương Tây hiện đại thì dường như chỉ có nước Mỹ là xã hội văn minh, một xã hội mà người ta có thể nhìn vào để hình dung tương lai của dân tộc mình. Họ khẳng định rằng ở khắp nơi trên thế giới, con người đang dần dần công nhận ngày càng rộng rãi hơn tính ưu việt của văn minh phương Tây, được thể hiện đặc biệt tập trung ở văn minh Hoa Kỳ, rằng mọi dân tộc cuối cùng sẽ vay mượn không chỉ kỹ thuật mà cả lối sống, cách ăn mặc, cách giải trí và quan niệm thẩm mỹ của người Mỹ. Nhưng chúng ta cũng không thể không nhận thấy rằng mối ác cảm đối với Hoa Kỳ cũng chưa bao giờ thuyên giảm. Trong những bối cảnh lịch sử nhất định, mối ác cảm thậm chí còn biến thành sự căm ghét và bạo lực, như những gì chúng ta chứng kiến vào buổi sáng ngày 11 tháng Chín năm 2001. Ði xa hơn nữa, có những nhà nghiên cứu hiện đại, cũng ở phương Tây, như Emmanuel Todd, lại khẳng định sự suy vong đang đến gần của Hoa Kỳ.

Thực ra thì trong hơn 200 năm tồn tại của Hoa Kỳ, đã có không ít lần người ta dự báo sự suy tàn của nó. Chỉ gần đây thôi, vào những thập niên 70-80 của thế kỷ XX, người ta còn khẳng định như đinh đóng cột rằng Nhật Bản sẽ vượt, sẽ "mua dần" cả Hoa Kỳ. Liên Xô, sau khi vượt qua tất cả các nước châu Âu, đã từng đặt ra tham vọng vượt qua Hoa Kỳ với khẩu hiệu "Ai thắng Ai" nổi tiếng cho đến tận ngày siêu cường số hai thế giới này gục ngã. Thành công của hai mươi năm cải cách ở Trung Quốc lại khởi đầu cho một giả thuyết mới. Gần đây, cùng với các cuộc chiến tranh ở Afghanistan và Iraq, khi các thắng lợi quân sự dường như đang song hành với những khó khăn kinh tế và sự sụp đổ của hàng loạt công ty hàng đầu của Hoa Kỳ, người ta cảm thấy rằng dự báo về sự suy tàn của Ðế quốc Hoa Kỳ là hoàn toàn có cơ sở.
Nhưng thật kỳ lạ, mặc dù các dự báo, cả trước kia lẫn hiện nay, đều ít nhiều có vẻ thuyết phục, chúng đã lần lượt bị lịch sử chứng minh theo chiều ngược lại. Sau mỗi lần chao đảo, Hoa Kỳ lại vươn lên mạnh mẽ. Hoa Kỳ là nước duy nhất trên thế giới đã đi lên không ngừng trong suốt lịch sử tồn tại, tuy chưa dài nhưng cũng không thể nói là ngắn, của mình.
Chúng ta sẽ phải lý giải ra sao về hiện tượng này? Ðâu là nguồn gốc của sự năng động và nguồn năng lượng khổng lồ kia?

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn có thể tham khảo những luận giải sâu sắc trong lý thuyết về Dân chủ của De Tocqueville, lý thuyết Biên cương của Frederick Jackson Turner hay thuyết Melting pot của Zangwill. Nhưng theo tôi, câu trả lời đầy đủ chỉ có thể tìm thấy ở tính chất song trùng của Hoa Kỳ: tôi cho rằng chúng ta cần phân biệt Hoa Kỳ với tư cách một quốc gia, một siêu cường, hay thậm chí là một đế quốc, và Hoa Kỳ với tư cách là một xu hướng, hay nói đúng hơn, một thử nghiệm của nhân loại.

Tư cách thứ nhất được chúng ta nói đến nhiều, đến mức nó gần như hoàn toàn che lấp tư cách thứ hai. Với tư cách này thì Emmanuel Todd hoàn toàn có lý: đế quốc Hoa Kỳ, siêu cường Hoa Kỳ đang dần dần suy tàn, cũng như bất kỳ đế quốc nào cũng có ngày phải suy tàn. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã mất hầu hết các lãnh địa. Và siêu cường Hoa Kỳ lúc nào cũng có những đối trọng ít nhiều ngang bằng với nó trên những lĩnh vực khác nhau. Mỹ từng phải e dè với Liên Xô trong lĩnh vực quân sự và khoa học vũ trụ, từng bị đe doạ từ phía Nhật Bản trong lĩnh vực thương mại, và bây giờ phải lo ngại trong quan hệ với Trung Quốc hay EU - những siêu cường kinh tế tiềm năng.

Tư cách thứ hai của Hoa Kỳ, tư cách của một xu hướng, chúng ta sẽ khảo sát kỹ hơn. Theo tôi, về bản chất, Hoa Kỳ chính là một đặc khu kinh tế tự do khổng lồ mà nhân loại đã xây dựng nên một cách tự nhiên.

Xin dừng lại kỹ hơn về khái niệm này. Sự xuất hiện và thành công của các đặc khu kinh tế tự do, đặc biệt ở các nước như Ðài Loan, Trung Quốc, Philippines..., khiến nó trở thành đối tượng thu hút sự quan tâm của rất nhiều nhà nghiên cứu trong mấy thập niên gần đây. Tuy vậy, thuật ngữ "đặc khu kinh tế tự do" trên thực tế không có nội dung chặt chẽ và rõ ràng. Có hai các quan niệm chủ yếu. Quan niệm thứ nhất, cho rằng đó là những lãnh địa công nghiệp chuyên môn hoá sản xuất hàng xuất khẩu, tách rời khỏi chế độ thương mại và thuế quan của một nước và áp dụng chế độ thương mại tự do. Quan niệm thứ hai, cho rằng khu kinh tế tự do không chỉ bao gồm khu vực chuyên môn hoá sản xuất hàng xuất khẩu mà còn bao gồm cả những khu vực được chính phủ cho phép như khu cảng tự do, khu tự do thuế quan, khu mậu dịch tự do, kho qua cảng... Trong cả hai trường hợp, chúng ta đều có thể hình dung đặc khu kinh tế tự do như một ốc đảo cấy vào trong một quốc gia. Trong ốc đảo đó, các quan hệ kinh tế như thương mại, hải quan..., cũng như các quan hệ văn hoá, xã hội, luật pháp... , đều được tự do hoá ở mức độ khác nhau, cho phép nó trở thành cửa ngõ để tiếp nhận vốn, kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý tiên tiến, đồng thời khai thác một cách hiệu quả mọi tiềm năng tự nhiên và con người để phát triển. Việc xây dựng các đặc khu kinh tế tự do được giới lãnh đạo nhiều quốc gia đánh giá cao không chỉ vì tính hiệu quả kinh tế, mà còn vì nó cho phép họ tiến hành những thử nghiệm tự do hoá mà không ảnh hưởng đến chế độ chính trị của quốc gia. Nếu thành công, những thử nghiệm này có thể được xem xét để nhân ra toàn quốc.

Người ta thường cho rằng những khu kinh tế tự do hiện đại đầu tiên được xây dựng tại Ðài Loan vào năm 1966, sau đó lan rộng sang Nam Triều Tiên, Malaysia, Philipines, Trung Quốc, Thái Lan và cả Việt Nam. Thực ra từ đầu thế kỷ XIX các hải cảng ở Singapore, Penang, Hong Kong và Philippines đã có thể coi là những khu kinh tế tự do. Ðến lượt mình, những hải cảng hoặc lãnh thổ này lại có một bậc tiền bối là Hoa Kỳ, một đặc khu kinh tế tự do không chỉ sớm nhất mà còn rộng lớn nhất và thành công nhất.

Giống như các Ðặc khu kinh tế tự do hiện đại là những ốc đảo cấy vào một quốc gia với những thiết chế ngặt nghèo, Hoa Kỳ, ở thời điểm xuất hiện cách đây hơn hai thế kỷ, là một ốc đảo tự do cấy vào trái đất đang chìm đắm dưới sự thống trị của pháp luật, tôn giáo và văn hoá. Và cũng giống như người dân nghèo Trung Quốc ngày nay đổ xô đến Ðặc khu kinh tế Hải Nam hay Thâm Quyến, người dân khắp châu Âu của những thế kỷ trước cũng đổ xô đến Tân thế giới với khát vọng làm giàu và khát vọng tự do, bỏ lại sau lưng cái Thế giới cũ với định kiến và những nền văn hoá khác nhau.

Sự hình thành đặc khu kinh tế tế tự do khổng lồ này là kết quả của những yếu tố vừa ngẫu nhiên vừa tất nhiên. Yếu tố ngẫu nhiên lớn nhất chính là đặc điểm địa lý của nó: Châu Mỹ nằm tách biệt khỏi vùng đất cũ và vì thế tính chất tự do của nó được thể hiện ở mức tối đa. Nguồn gốc sự thành công của Hoa Kỳ, theo tôi, nằm ở chỗ, với bản chất là một đặc khu kinh tế tự do, nó cho phép phát huy đến mức cao nhất các quy luật tự nhiên. Về mặt kinh tế, sự lưu thông tự do của hàng hoá, tiền vốn và lao động cho phép tiết kiệm chi phí và hợp lý hoá sản xuất, đồng thời khai thác một cách hiệu quả những thế mạnh tại chỗ về tài nguyên, thị trường, đất đai, nhân công và văn hoá. Về chính trị - xã hội, cùng với các quy luật của thị trường, việc thoát khỏi sự kiềm toả của các thiết chế đã định hình là điều kiện đặc biệt thuận lợi cho sự hình thành một xã hội dân chủ. Ðến lượt nó, xu hướng dân chủ hoá xã hội dẫn đến sự giải phóng năng lực sáng tạo của mọi tầng lớp người dân. Việc từ bỏ các sai biệt về nguồn gốc giai cấp và văn hoá đồng thời cũng hậu thuẫn cho sự bình đẳng của mọi thành viên xã hội về mặt cơ hội, một nhân tố quan trọng kích thích tính năng động của họ. Và đó chính là cội nguồn sức sống của cộng đồng này, biến nó trở thành một thứ siêu dân tộc luôn luôn đứng ở tuyến đầu của sự phát triển.

Paris, mà là New York, nơi thử thách đối với hầu hết các nghệ sĩ để đạt được tầm vóc quốc tế. Ngày nay phim ảnh Hoa Kỳ thống trị khắp thế giới cùng với công nghệ cao và đồ ăn nhanh. Nhưng thay vì phê phán nặng nề và dễ dãi, chúng ta cần phải nhìn thấy ở đây sự hoà trộn những giá trị văn hoá của mọi quốc gia, đồng thời là một quá trình lựa chọn và lan toả của chúng. Chính ở cái cộng đồng đa chủng tộc và đa văn hoá này, tôi nhìn thấy hình ảnh gần gũi nhất về một thế giới đại đồng mà nhân loại từng mơ ước qua bao nhiêu thế hệ. Chính ở Hoa Kỳ, hơn bất cứ nơi nào khác, con người đang bền bỉ hiện thực cái giấc mơ của Marx và những người tiền bối của Marx về một xã hội phồn vinh, nơi con người có quyền tự do sáng tạo, được bình đẳng về cơ hội, được hưởng thụ theo cống hiến, nơi mà các quy luật tự nhiên cho phép con người thể hiện hết khả năng của mình, đồng thời buộc con người phải đối mặt với những thử thách không ngừng.

Dĩ nhiên, Hoa Kỳ hoàn toàn không phải là một cộng đồng hoàn hảo, nhưng nó là một cộng đồng có xu hướng và khả năng tự điều tiết. Mọi cơ chế đã định hình đều có nguy cơ sụp đổ khi hình thức của nó không còn phù hợp với nội dung mà nó mang tải. Nhưng Hoa Kỳ không phải là một cơ chế đã định hình. Là một quốc gia, nó đồng thời cũng là một quá trình, trong đó sự lựa chọn và đào thải diễn ra không ngừng, mọi thử nghiệm được thực tiễn kiểm nghiệm và mọi sai lầm sẽ được cuộc sống sửa chữa kịp thời. Về điểm này chúng ta có thể so sánh Hoa Kỳ với Liên Xô. Khi mới xuất hiện, Liên Xô cũng từng đóng vai trò một cộng đồng tiên phong, nơi loài người thử nghiệm những ý tưởng phát triển mới mẻ của mình. Tiến chất tiên phong của nó đã có sức lôi cuốn mãnh liệt không chỉ đối với nhân dân lao động mà cả với toàn thế giới. Sự giải phóng năng lực sáng tạo của nhân dân cùng với niềm tin vô bờ bến vào lý tưởng cao đẹp của chế độ mới chính là nguồn gốc những tiến bộ vượt bậc của Liên Xô. Nhưng sau đó, Liên Xô dần dần tự khép kín vào những nguyên tắc giáo điều, triệt tiêu khả năng tự đổi mới và tự điều tiết. Nó không còn là một cộng đồng tiên phong nữa và đã bị lịch sử bỏ qua.

Một cách tự nhiên, các giá trị được cuộc sống sàng lọc và kiểm nghiệm, dù ở Hoa Kỳ hay bất kỳ ở nơi nào khác, sẽ được nhân rộng ra toàn thế giới, giống như các phương thuốc mới sẽ được lưu hành rộng rãi sau khi thử nghiệm. Bất chấp vẻ ngoài xô bồ và đôi khi hời hợt của nó, cái gọi là trào lưu ô Mỹ hoá thực chất có hạt nhân là sự lan truyền những giá trị phổ quát. Chính cuộc sống là người có thẩm quyền cao nhất trong việc lựa chọn : trong những gì đến từ Hoa Kỳ, chỉ có những thứ mang giá trị phổ quát mới được đón nhận và tồn tại lâu dài, còn những gì nhất thời, giả dối đều sẽ bị đào thải, không chỉ ở bên ngoài biên giới Hoa Kỳ mà ở chính trong lòng nó.

Những phân tích trên đây cho phép rút ra những nhận thức rất quan trọng và cần thiết không chỉ với chúng ta, những người đang tiếp nhận ảnh hưởng của Hoa Kỳ, mà còn cả với người dân Hoa Kỳ, đặc biệt là những người ở trong bộ máy chính quyền. Việc tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush khăng khăng quyết định chiến tranh ở Iraq vừa qua cho thấy ông, cũng giống như rất nhiều vị tổng thống tiền nhiệm, vẫn tiếp tục tư duy về Hoa Kỳ đơn thuần với tư cách một quốc gia. Chính bằng cách đó, ông đã hạ thấp uy tín, thanh danh mà Hoa Kỳ, bất chấp những cuộc chiến tranh và những những chính sách sai lầm nhất thời, đã giành được một cách xứng đáng bằng chế độ dân chủ rộng rãi, bằng những thành tựu trong mọi lĩnh vực và bằng cả hệ thống các tổ chức và luật pháp quốc tế mà nó có công đầu trong việc tạo dựng. Ông Bush và những người kế nhiệm ông cần phải nhận thức được vai trò đầu tàu của Hoa Kỳ, không phải với tư cách một siêu cường, cái tuy đang hiện hữu nhưng không hề chắc chắn và cũng không hề vĩnh cửu, mà với tư cách của kẻ tiên phong cho những thử nghiệm vì sự tiến bộ. Tư cách này khiến cho Hoa Kỳ tự thân nó đã có vai trò quốc tế. Thậm chí, ở một mức độ nào đó, chúng ta còn có thể coi nó như là hạt nhân của một thể chế quốc tế, như cái tên thường gọi của nó, United States, Hợp chúng quốc, một cái tên khiến ta nghĩ đến United Nations, Liên hợp quốc.

Tóm lại, sức mạnh và vai trò lãnh đạo của Hoa Kỳ nằm ở tính nhân loại của nó. Vấn đề ở chỗ, liệu các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có ngừng tư duy bằng cái tâm lý dân tộc chủ nghĩa cổ lỗ của họ, và liệu các quốc gia khác, thay vì phản ứng một cách quyết liệt trước những ảnh hưởng của Hoa Kỳ, có biết cách nhận ra trong đó những giá trị phổ quát để ứng dụng tại nước mình hay không. Nếu câu trả lời là có, một cuộc đối thoại giữa Hoa Kỳ với Liên Hiệp Quốc sẽ có cơ hội trở thành cuộc đối thoại giữa hai tổ chức quốc tế, một tổ chức đại diện cho các thử nghiệm phát triển, còn tổ chức kia, cho các khuôn khổ hợp tác và an ninh. Và khi đó, tại sao người ta lại không thể nghĩ đến việc tiếp nhận thêm các thành viên mới vào Hoa Kỳ, United States, như tiếp nhận thêm các thành viên mới vào Liên hiệp quốc?

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002