Đại Chúng số 43- ngày 07 tháng 1 năm 2000

 

MỘT NGHÌN LẺMỘT CHUYỆN NHỚ
QUÊN


BLACK BOX LÀ GÌ?SỰ AN TOÀN MÁY BAY RA SAO?


NẮNG THÔN ĐOÀI
(Tiếp theo)

SUỐI NGUỒN TƯƠI TRẺ

ÂM NHẠC TỪ NHỮNG NGƯỜI BẤT TƯ
của Rosemary Brown
Nguyễn Hữu Hiệu dịch
(tiếp theo kỳ trước

 

MẤY THẰNG BẠN CỦA TÔI
 

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH VIÊM GAN
 

VIỆT NAM VĂN HÓA SỬ CƯƠNG
TRÊN ĐƯỜNG ĐI TÌMCHỮ VIỆT CỔ


 

               ÂM NHẠC TỪ NHỮNG NGƯỜI BẤT TƯÛ
                                của Rosemary Brown
                                Nguyễn Hữu Hiệu dịch
(tiếp theo kỳ trước)

      CHƯƠNG HAI
TẠI SAO LẠI LÀ TÔI?

Trở lại nhạc ballet, quả thực nó không tiêu biểu nhiều lắm cho bất cứ thứ nhạc nào mà người ta có thể nghe thấy ở Covent Garden. Chúng tôi vũ theo một thứ nhạc chát-sình thường đựơc dùng cho những bài tập vũ ballet mà dường như không hề có một chút gì là một âm điệu; nó chỉ là một nhịp điệu mà thôi. Một năm, những mẩu nhạc cổ điển chỉ đem ra sử dụng một lần. Đó là khi vũ sư muốn học trò mình biểu diễn vũ điệu cho các bậc cha mẹ hãnh diện. Và ngay cả lúc ấy, cũng chỉ có những thứ nhạc nhẹ mới được dùng-không phải thứ mà ta có thể gọi là cổ điển thứ thiệt được. Tôi còn nhớ những bản như: "To A Wild Rose"(Cho Một Bông Hoa Hồng Dại) và đại loại một số bản nhạc thời nữ hoàng Victoria, để khiêu vũ thì cũng khá vui đấy, nhưng không thể liệt vào trong số những bản nhạc cổ điển vĩ đại của thế giới được.

Sự thôi thúc học dương cầm chỉ đến với tôi sau khi nhạc sư Liszt đã hiện ra để gặp tôi. Có thể ông đã đặt ý tưởng đó vào đầu óc tôi và cho đến bây giờ tôi cũng không biết. Chỉ biết là từ đó tôi bắt đầu vòi vĩnh cha mẹ tôi cho phép tôi được học và cha mẹ tôi hứa là nếu tôi thi đậu cuộc khảo sát vũ ballet thì ông bà mới cố xoay tiền cho tôi học. Lời hứa đó như một khích lệ lớn lao, tôi cố tập và thi đậu. Người chơi nhạc cho các lớp khiêu vũ đã được thuê để dạy tôi.

Nói cho ngay, tôi không cho rằng ông ta biết nhiều về nhạc lắm đâu, có điều ông ta cũng dạy tôi được ít hoà âm và dạo ngẫu hứng chút đỉnh. Song, ông ta có những vấn đề của ông ta, một trong những vấn đề đó là nhiều nốt trên chiếc dương cầm của chúng tôi không thể chơi được, đó là giới hạn của hai thầy trò chúng tôi. Sau một thời gian ngắn, cha mẹ tôi cho rằng các người đã phí phạm tiền bạc của mình và thì giờ của tôi, và cha mẹ tôi đã tìm cho tôi một thầy dạy nhạc khác ở phố gần bên. Ông này hiển nhiên là có khả năng hơn và tôi phải đến nhà ông-kế bên Tooting Bec Common để học. Điều này ít nhất cũng có nghĩa là từ đó tôi được học trên một cây dương cầm thực thụ.

Tôi ham thích những bài học dương cầm của tôi và không quản ngại tập dượt, vì quả thực là tôi muốn học. Ở nhà, ngoài những phím đàn câm, vấn đề duy nhất là cây đàn dương cầm của chúng tôi lại được kê ở trong căn phòng được gọi là phòng khách- một căn phòng được dành riêng cho những dịp hiếm hoi khi chúng tôi có khách tới chơi.

Như tôi đã kể, trong nhà không có điện mà cũng chẳng có lò sưởi điện ngoại trừ lò sưởi than và phòng khách được thắp sáng bằng hai giá đèn hơi. Vì mẹ tôi không bao giờ châm lửa cả trừ khi đó là một dịp thật đặc biệt, nên tôi thường phải tập trong căn phòng rộng lớn, gió lùa, hoàn toàn không củi lửa, đèn đóm gì cả. Về mùa đông, tôi còn nhớ có lần tôi đã bật khóc thực sự vì tôi muốn tập quá mà các ngón tay tôi tê cóng đến độ tôi không cử động nổi chứ đừng nói chi tới việc chơi nỗi các giai âm. Dĩ nhiên tôi đã không được tập dượt nhiều như tôi muốn. Nhưng dù thế nào chăng nữa thì các bài học dương cầm cũng chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Có lẽ khoảng độ một năm. Tình trạng tài chánh trong gia đình tôi có quá nhiều trồi sụt đến độ học phí dương cầm của tôi chắc chắn phải là ngân khoản đầu tiên phải cắt giảm trong bất cứ ngộ biến nào.

Nhưng tôi vẫn cố học tự túc. Lúc tôi khoảng mười mấy tuổi, tôi có được học được hai khoá với một giáo sư thuộc Hoàng Gia Âm Nhạc Viện, và trả học phí bằng tiền tôi kiếm được bằng cách chạy việc vặt cho người ta. Bà ta là một giáo sư giỏi và tôi biết nhiều về bà. Bà cho tôi một ý tưởng hoàn hảo hơn về âm nhạc; dạy tôi một số lý thuyết nhạc và tôi được học nhiều hơn về các khoá nhạc, các bộ khoá và số nhịp. Bà còn dạy tôi đôi điều về nhịp điệu dù không phải là những cái khá phức tạp.

Than ôi! Khả năng âm nhạc của tôi bỗng thình lình bị bỏ xó móc meo một lần nữa khi chiến tranh bùng nổ và việc học bị dẹp bỏ ngang xương. Kể ra cũng còn một đợt học dương cầm cuối cùng nữa, kéo dài được hơn một năm, từ năm 1951 tới năm 1952 là năm tôi lấy chồng.

Đó là tất cả học vấn về âm nhạc của tôi từ trước cho đến lúc đó. Cha tôi thì hoàn toàn phi âm nhạc. Ông có một giọng tenor vui tươi (không tập luyện) và thỉnh thoảng hát một mình. Nhưng chỉ có thế. Tôi chắc chắn là không được bú mớm âm nhạc từ bất kỳ một nguồn nào khác. Trường học không có dạy dương cầm, tôi không có bạn nào thuộc gia đình sành nhạc. Học tư cũng có nhưng chỉ dành cho những người có khả năng trả nổi học phí cho việc luyện dương cầm riêng mà thôi. Mẹ tôi thì quá bận rộn không thể để tôi không ngớt đem trẻ con về nhà được và bà muốn tôi giúp bà làm việc trong nhà nên hoạ hoằn tôi mới ra ngoài. Tôi thường khá mệt vì hàng đống công việc trong nhà phải làm, cộng thêm bao nhiêu bài vở trong trường. Thuở đó hoàn cảnh chung là như vậy.

Cuộc gặp gỡ đầu tiên của tôi với nhạc cổ điển xãy ra trong khi tôi đang làm công chức nhà nước. Có một thiếu nữ trong văn phòng nơi tôi làm việc rất mê opera (ca kịch) và tôi nhớ cô ta đi tới đi lui hết chỗ này đến chỗ khác cốt tìm một người nào đó để đi cùng với cô tới Sadiers Wells. Cô ta là một người rất dễ thương và quả thực vì muốn chìu lòng cô ta nên tôi nói tôi có thể dùng cái vé kia. Đó là một opera của Mozart, tên là "Cosi Fan Tuttle". Thẳng thắn mà nói tôi không trọng vọng opera lắm. Tôi chủ định rằng opera thì kể ra cũng vui đấy nhưng không thể một sớm một chiều bỗng trở thành một người hâm mộ opera được. Tôi không hiểu nỗi tại sao cô gái kia lại quá ham mê đến như vậy.

Tôi không phải là người thích tất cả những nhạc cổ điển, ngay cả ngày nay. Nhà soạn nhạc Poulene đến thăm tôi một đôi lần và cố ý cho tôi một vài bản, nhưng tôi chẳng tha thiết lắm với nhạc mà ông cho. Có lẽ là vì tôi không hiểu dù nhạc của ông thực sự khá hấp dẫn.

Ngày nay chúng tôi cũng có một số nhạc cổ điển trong nhà, cái đó là do những người vô cùng khả ái đã cho chúng tôi một ít đĩa nhạc và một cái máy hát nhỏ, rẽ tiền. Tôi vẫn thường tự nhủ rằng lẽ ra tôi phải nghe nhạc luôn, nhưng trừ phi đó là nhạc khúc thật ngắn và thú vị chứ không tôi dễ sinh chán. Điều phiền phức là tôi quá năng động khó ngồi yên mà nghe cho được.

Và gần như chắc chắn là tôi không thể phân biệt được nhạc của ai với nhạc của ai cả. Đôi khi chúng tôi mở radio và tôi bảo con gái tôi:"Đó là nhạc Schubert. Không, không phải. Đó là Mozart. Hay có thể đó là Beethoven nhỉ?" Và thường là tôi đoán trật.

Đôi khi ngay cả những nhạc sĩ lỗi lạc cũng không thể đoán được. (Nhạc sĩ vĩ cầm) Hephzibah Menuhin có lần đã nói rằng nếu người ta đưa ra một vài tác phẩm ít nổi tiếng của Haydn, Beethoven, Mozart, và Schubert chẳng hạn thì ngay cả những nhạc sĩ cũng thấy khó có thể mà nói được rằng ai đã viết những bản đó. Hiển nhiên là những chuyên gia thứ thiệt về Handel mới khỏi lẩn lộn ông đôi khi với Bach.

Sở dĩ tôi phải giải thích dài dòng như thế là cốt để làm sáng tỏ sự kiện rằng tuổi thơ của tôi chẳng phải là thứ tuổi thơ may mắn thường đi kèm với hội hè, nhạc viện, và một trình độ văn hoá phổ thông liên tục. Quả thực, toàn bộ cuộc đời tôi đã chẳng phải là một vườn hồng. Ngay cả học hành cũng đã là một vấn đề khó khăn rồi. Tôi không khoe khoang rằng tôi là người lanh lợi. Tôi chỉ muốn nói lên một sự kiện là Liszt đã gieo vào đầu óc tôi một ấn tượng rằng nếu người ta có đầu óc thông minh, lanh lợi thì đó là Trời cho. Và chẳng có chi sai lầm khi cảm tạ Trời đã ban cho chút tài năng thiên phú. Dẫu sao đi chăng nữa, tôi khôn khéo thông minh và tôi được cấp học bổng để theo học trường Cao Tiểu Học Địa Phương. Chính quyền sở tại cấp cho một ngân khoản để may đồng phục. Cha mẹ tôi không thể nào mua sắm cho tôi. Tại trường tôi luôn luôn học ở lớp con gái lớn hơn tôi và hầu hết họ đều phải đóng học phí. May mắn là toàn thể chúng tôi đều phải mặc đồng phục, nhờ thế mà tình cảnh gia đình tôi không đến nỗi quá lộ liễu chứ nếu không thì hẳn là nó được phơi bày cả ra rồi. Dù vậy cũng xãy ra lắm cảnh đau lòng vì quần áo tôi đôi khi sờn mòn bệ rạc và giầy dép tôi mòn vẹt thảm thương.

"Giầy dép mày trong tởm quá!". Bọn con gái nhà giàu thường nói:" Sao cha mẹ mày không kiếm cho mày một đôi mới?"

Đối với tôi, thuở ấy, thì một đôi giầy mới hẳn phải có ý nghĩa hơn là những tấm vé đi nghe hoà nhạc cổ điển rất nhiều. Tiền để dành mua giầy còn hiếm hoi thì tiền đâu mà đi nghe hoà nhạc nữa.

Tất cả câu chuyện sầu thảm kia dẫn tới một vấn đề khác. Một trong những câu hỏi mà tôi hay bị hỏi thường là bởi những người đã có thể tự khuất phục mình đi đến chỗ chấp nhận rằng có một cái gì đó có vẽ siêu nhiên quanh nhạc của tôi-là "Tại sao lại là bà được nhỉ?"

Đúng vậy, Tại Sao Lại Là Tôi? Chính tôi cũng tự hỏi mình như vậy từ nhiều năm qua. Từ lâu trước khi âm nhạc đến với tôi và ngay từ những ngày khi tôi thường xuyên nhìn thấy những người từ thế giới khác mà không có mảy may ý niệm nào về mục tiêu của họ. Trong khi hỏi:"Tại sao lại là bà được nhỉ?" thiên hạ thường thêm:"Và tại sao bà lại luôn luôn chỉ thấy những người nổi tiếng thôi?"

Lời giải thích cho câu hỏi đó là không phải tôi chỉ thấy những người nổi tiếng mà thôi. Tôi thấy cả những người bình thường từ thời cổ Ai Cập, Hy Lạp, La Mã và các thời đại khác nữa. Tôi thấy những người rất có vẻ mới qua đời gần đây thôi, và dầu cho ngay cả khi họ nói cho tôi danh tánh của họ, thì chín phần mười là tên tuổi này cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với tôi. Có thể những tên tuổi này có ý nghĩa đối với một ai đó mà tôi biết. Cái đó cũng tựa như căn cứ câu chuyện trên một người mà có thể tôi lơ đãng nhìn thấy khi đang đi xe buýt; một người không có chi đáng chú ý cả.

Câu trả lời cho câu hỏi "Tại sao lại là bà được nhỉ?" xem ra phức tạp hơn, nhưng Lizst đã giải thích cho tôi rõ: "Tai vì cô tình nguyện. Từ lâu trước khi cô ra đời".

Thoạt đầu tôi cũng ngạc nhiên, nhưng khi nghĩ lại lời ông nói, tôi nghĩ rằng nếu người ta có thể chấp nhận có một đời sống sau khi chết thì tại sao lại không có thể có đời sống trước khi sinh ra đời?

Lizst nói:" Cô đã đồng ý làm sợi dây móc nối giữa chúng tôi với thế gian khi cô còn ở trong một hình tứơng khác của sinh tồn".

Có nhiều điều mà người ta chẳng bao giờ có thể hy vọng, nhưng ngẫm lại thì dường như trọn cả cuộc đời tôi là để sửa soạn cho những cái đã đang xãy đến cho tôi ít năm trở lại đây. Và mỗi khúc quanh co đều nhằm dẫn dắt tới việc rèn luyện cho tôi cái khả năng ghi xuống những dòng nhạc thần bí này.

Tôi hỏi Lizst là tại sao, nếu chư vị đã hoạch định cho tôi làm một sợi dây liên lạc và làm công việc này chư vị lại không để cho tôi được sinh vào một gia đình nào mà tôi có cơ hội hấp thụ được một sự huấn luyện âm nhạc hoàn hảo hơn.

"Cô đã được huấn luyện đủ cho những mục tiêu của chúng tôi". Ông nói:" Giả thử cô đã được thụ huấn một nền nhạc lý viên mãn chân truyền thì chắc chắn cái đó chẳng giúp ích gì cho chúng tôi cả. Trứơc hết, một sự thụ huấn âm nhạc đầy đủ sẽ khiến cho vô cùng khó khăn hơn trong việc chứng minh rằng tự chính cô không tài nào viết ra nỗi âm nhạc của chúng tôi. Thứ hai một trình độ nhạc lý cao, sẽ khiến cô thủ đắc quá nhiều ý tưởng và lý thuyết riêng tư. Những cái đó hẳn gây trở ngại cho chúng tôi".

Nhạc sư còn vạch rõ rằng một nhạc sĩ được huấn luyện tới trình độ cao siêu hẳn sẽ bận rộn với nghề nghiệp của mình, đâu còn sốt sắng cống hiến thì giờ để làm việc với các nhạc sĩ quá cố.

Tôi còn nói với vẻ hờn dỗi rằng, nếu chư vị ấy đã có kế hoạch cho tôi thì kể ra chư vị ấy cũng nên làm cho đời tôi bớt khổ đi một chút mới phải. Đằng này, tôi nói, tôi cảm thấy đời tôi quá truân chuyên tới độ tôi thực sự bị nghiền nát- Cái đó dường như hơi cản trở cho công việc.

" Tôi biết còn có nhiều người đau khổ hơn tôi nhiều chứ" Tôi nói," Nhưng tôi cho rằng tôi phải chịu đựng quá cái phần chia công bình dành cho tôi. Cái đó có cần thiết không?"

Nhạc sư nhìn tôi bằng đôi mắt xanh và vô cùng trong sáng và nói :" Trước khi cô sinh ra đời, và khi cô đồng ý làm mối dây liên lạc của chúng tôi, thì cô cũng đã đồng ý nhận chịu khổ đau tới một mức độ nào đó hầu trở nên nhạy cảm. Khổ đau như cô đã kinh qua, giúp cho những năng lực đặc biệt của cô được vận hành. Những người sống cuộc đời dễ dãi, phẳng lặng thì không nhạy cảm đủ để cho sự giao cảm với chúng tôi một cách dễ dàng".

Có lẽ thấy tôi không có vẻ tin tưởng nên nhạc sư nói tiếp với lời lẽ thật dịu dàng:" Đời cô đã không dễ dàng. Cô đau khổ trong xúc cảm vì số phận đã an bài rằng cô phải điều ngự những xúc cảm phiền não và thắng vượt mọi điều phiền não xãy đến cho cô. Chính khả năng và ý lực vượt thoát này đã cho cô sự tỉnh táo quyết liệt mà chúng tôi cần để làm việc qua cô".

Sau cuộc nói chuyện đó, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và đi đến kết luận rằng mặc dầu bản tính tôi vốn đã an tịnh, lại thêm những nỗi ngang trái trong đời như gia tăng thêm thụ động tính của tôi-một lòng cam chịu mọi cái tồi tệ nhất xãy đến với tôi. Tôi ít khi tranh đấu chống lại những điều gì nếu những điều ấy chỉ là những vấn đề cá nhân. Chính cái khuynh hứơng nhu thuận đó đã khiến tôi trở thành một cốt đồng tương ứng.

Quả thực tôi không chắc chắn lắm rằng tôi có thể gọi là người dễ xúc động được không, tôi không nghĩ vậy. Tôi không nhượng bộ cảm xúc-như phẩn nộ hay bất nhẫn và tôi không khóc một cách dễ dàng. Tôi đã trãi qua nhiều thảm kịch khủng khiếp thế mà lúc nào tôi cũng vẫn giữ được vẻ bình tỉnh. Song tôi dễ bị thương tổn bởi những người nói những điều không tử tế đối với tôi. Tôi ngờ rằng cái đó có liên quan tới bầu không khí trong gia đình khi tôi còn nhỏ. Tôi thường nghe mẹ tôi nói bà không muốn có tôi. Ngày nay tôi hiểu rằng bà nói tôi ra đời ngoài kế hoạch và thêm một gánh nặng vào cái thời buổi mà bà cho rằng có quá nhiều gánh nặng trên vai. Và tôi biết bà yêu tôi. Nhưng khi còn là đứa trẻ, thì tôi lại hiểu những lời bà nói theo nghĩa đen và tôi cho rằng một cách nào đó có lẽ những lời nói này đã khiến tôi quá nhạy bén với tất cả mọi thứ khứơc từ từ một người khác. Ngay cả cái món thế thái nhân tình này bây giờ tôi cũng đã đi đến chấp nhận mà chẳng hề bận tâm.

Tuy nhiên tôi khó mà dung hoà nổi một đức hiếu sinh từ ái với những trẻ sơ sinh dị dạng và những trẻ em đau khổ khác. Lizst đã giải thích rằng chúng đã chọn thác sinh cách ấy bởi vì có lẽ chúng cần kinh nghiệm đó để học đức nhẩn nhục hay lòng can đảm. Nhạc sư còn giải thích rằng cả thẩy chúng ta đều cần học mọi thứ dũng lực khác nhau trong khoảng sinh thời của chúng ta. Và chúng ta cần nhập thế gian này để có cơ hội học tập nhiều điều mà ta không sẳn sàng học trong một trạng thái an tịnh, vô tư.

Nhạc sư nói:" Làm cách nào ta học được tính can đảm mà không đối đầu với nguy hiểm? Làm cách nào học được tính tình vui tươi mà không từng phiền não? Làm cách nào học được lòng từ bi bác ái đối với người khác mà mình không từng biết đến đau khổ? Những cá tính này chẳng thể nẩy nở được trừ phi có trở ngại phải đương đầu".

Lời ông nói có hiệu quả khiến tôi hiểu được những lý do của cuộc đời lỡ dở và có vẻ hổn độn của chính mình. Nhưng mà tôi e thế, còn cận nhân tình đủ để hy vọng rằng có thể từ đây đời mình được chút bình yên thư thái. Lizst trấn an tôi rằng, một cách nào đó, đời tôi sẽ được sở cầu như ý.
( Lời của nhạc sư Lizst nói với bà Rosemary Brown có đúng không? Và nhờ sức mạnh màu nhiệm nào đã khiến bà viết lại tất cả những dòng nhạc siêu linh của những nhạc sĩ lừng danh đã qua đời. Nhà báo đồng thời cũng là nhà dịch thuật tài ba Nguyễn Hữu Hiệu sẽ cống hiến bạn đọc những tình tiết ly kỳ trong số tới).
 

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002