Đại Chúng số 119 - ngày 15 tháng 5 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Tin Tức Thế Giới
Tin Cộng Đồng
Lễ ra mắt Liên Đoàn Võ Thuật
Nhân Quyền và Cộng Sản VN
Thế Giới và Bình Luận
Những anh hùng không tên tuổi
Phanh Phui Bí Mật Hacker VN
Trập Trùng
Hoa Kỳ Phản Bội Người Iraq
Đọc Báo Dùm Bạn
Y Khoa Và Khoa Học
Cô Kiều Với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Ốc Đảo của Chủ Nghĩa Khoái Lạc
Goodbye Coca cola
Từ Vương Vũ đến Vương Thúy Kiều
Lồng Lộng Sắc Âm
Đông Y Thường Thức
Bệnh SARS
Phan Thanh Giản

TRẬP TRÙNG
Bình Huyên

Sau nhiều tháng tìm việc, Vũ-Hùng được Sở Thất Nghiệp giới thiệu làm người canh gác đêm trong một nghiã trang ở ngoại ô thành phố Paris. Đây là nghiã trang của người Pháp. Hội đồng thành phố Paris dành cho người Á châu ở Paris một thửa đất khá rộng để chôn cất thân nhân. Ngay đêm đầu tiên, ngồi trong phòng gác, Vũ-Hùng nghe thấy tiếng đàn bà kêu khóc phát ra từ khu mồ mả người Việt, cách phòng gác độ hơn một trăm thước. Ông vội cầm gậy và đèn pile, đi ra tận nơi soi từng nấm mộ. Tiếng kêu khóc im bặt. Khi rời khỏi chỗ đó về phòng gác, ông lại nghe thấy tiếng kêu khóc. Ông đi hỏi đồng nghiệp ở phòng gác đầu đàng kia nghĩa trang. Người đó đáp :

- Tôi gác ở đầu này không nghe thấy gì hết. Mấy người gác cũ ở đầu đàng đó sợ quá, lần lượt xin nghỉ. Bởi vậy ông mới có việc làm ở đây.

Trong hai đêm kế tiếp, Vũ-Hùng vẫn nghe tiếng đàn bà kêu la thảm thiết. Đêm thứ ba lại là tiếng một thanh niên. Vì ở khá xa, ông không nghe rõ từng tiếng động. Ông nghĩ ra được một cách. Buổi chiều, ông sắp sẵn một máy thu băng nhỏ chạy pile. Ban đêm, khi tiếng kêu la vang lên, ông liền cầm máy thu băng đi tới khu mồ mả người Việt. Tiếng kêu la im bặt. Ông vội bấm cho máy thu băng chạy, đặt nhẹ máy trên mặt một cái trụ bằng ciment, rồi quay về phòng gác chờ đợi. Tiếng kêu la nổi lên. Một giờ đồng hồ sau, ông trở lại chỗ trụ ciment, lấy máy mang về phòng gác. Tại đây, ông quay lại cuốn băng, để ống nghe vào hai lỗ tai, mở máy. Từng tiếng động nhỏ phát ra trong hai tai ông ta, rõ mồn một. Ngoài tiếng gió và côn trùng rì rào, có tiếng đánh đập, đấm, tát, đá, nhéo ngắt, tiếng gầm gừ tra hỏi : "...Thằng kia ! Đêm qua mày cho tao lý lịch láo khoét của em trai mày. Tao không bắt được nó. Bây giờ, mày phải khai cho đúng. Bằng không, tao sẽ lấy thanh sắt nung đỏ nướng từng bộ phận trên người mày. Xác mày đã chết, nhưng vong hồn mày sẽ đau đớn khủng khiếp ! Nói mau !"

"Bốp ! Chát ! Huỵch !" Tiếng hồn ma thanh niên rền rĩ : "-i chao ơi ! Đau quá ! Tôi khai hết, thần-trùng sẽ giết em tôi ! Tôi chết một lần rồi, chẳng sợ gì nữa. Thần-trùng cứ hành hạ tôi đi !..." Tiếp theo là tiếng rú lạnh người của hồn ma trong cơn đau khủng khiếp. Tiếng tra khảo, đánh đập tiếp tục. Cuối cùng, hồn ma bắt buộc phải khai ra lý lịch cùng tất cả chi tiết tỷ mỷ về người em trai của hồn ma. Cuộc tra khảo của thần-trùng chấm dứt. Vũ-Hùng tắt máy, tháo ống nghe khỏi hai tai.

Một buổi chiều, Vũ-Hùng sang nhà ông bạn hàng xóm tên là Chín-Mừng. Ông ta là thầy thuốc Nam. Vũ-Hùng kể cho Chín-Mừng nghe hiện tượng thần-trùng tra khảo hồn ma trong nghiã điạ. Chín-Mừng giải thích :

- Thần-trùng là loại qủy có tầm ảnh hưởng rất rộng và vô cùng mạnh mẽ trong thế giới của các vong hồn mới lià khỏi xác, chưa siêu thoát. Nhưng hoạt động của thần-trùng tùy thuộc vào ngày giờ theo lịch Á châu. Ngày là ngày ta tính theo mặt trăng. Giờ gồm có mười hai giờ ban đêm và mười hai giờ ban ngày, bắt đầu từ giờ Tý cho đến giờ Hợi. Thí dụ giờ Ngọ là giữa buổi trưa. Thần-trùng của một vùng nào đó làm bá chủ một ngày và một giờ nhất định. Chỉ có pháp-sư mới biết và tính ra ngày giờ đó. Người nào vô phúc chết nhằm ngày giờ của thần-trùng sẽ bị thần-trùng bắt hồn, tra khảo về lý lịch các người thân, thường là trong cùng gia đình, dòng họ, người thương, bạn bè. Khi biết được lý lịch người nào, thần-trùng sẽ làm cho người đó chết, theo nhiều cách : Bệnh tật, tai nạn, tự tử, phạm tội nặng, vân vân.

Vũ-Hùng ngắt lời Chín-Mừng :

- Có cách nào tránh cho người nhà khỏi chết vào giờ thần-trùng được không ?

- Nếu người đó đang hấp hối, pháp sư sẽ tính toán, tìm cách giúp người đó chết sau giờ thần-trùng một chút.

Vũ-Hùng với vẻ mặt nghiêm trọng, nói nhỏ với bạn :

- Tôi muốn anh giúp tôi một việc quan trọng.

- Việc gì vậy ?

- Tôi muốn anh giúp tôi làm cho thân nhân kẻ thù của tôi chết đúng vào ngày giờ thần-trùng.

Chín-Mừng cũng nghiêm mặt :

- Anh thù ai dữ vậy ?

Vũ-Hùng thở dài :

- Tôi có phải làm nghề gác nghiã địa ban đêm, cũng vì thằng chồng của bà bạn nhà tôi. Thằng khốn nạn đó đã lập mưu lừa hết tiền bạc của gia đình tôi. Chưa hết, chúng nó còn chiếm đoạt cả nhãn hiệu kẹo mè-xửng Hồng-Trần. Đó là nhãn hiệu truyền lại từ mấy đời trong gia đình tôi.

Chín-Mừng cau mặt, suy nghĩ một chốc, rồi vỗ vai bạn :

- Tôi sẽ theo dõi gia đình thằng chủ hãng mè-xửng Hồng-Trần hiện tại. Nơi sản xuất của nó ở tỉnh Vitry cạnh Paris. Khi có dịp, tôi sẽ giúp anh. Đừng lo, nghe bạn !

?Cứ ba ngày một lần, Chín-Mừng tới hãng sản xuất kẹo Hồng-Trần mua lẻ kẹo mè-xửng với giá rẻ. Ông ta dần dần quen với vợ chồng Nguyễn-Bách, chủ hãng mè-xửng Hồng-Trần. Gia đình này có bốn người con. Ba con trai và một con gái. Tất cả đều học tới đại học, trừ người con trai út. Cậu bé này bị câm điếc từ thuở sơ sanh.

Một ngày kia, bố của Nguyễn-Bách ngã bệnh, nằm hấp hối trên giường tại nhà. Chín-Mừng đến mua hàng biết tin, liền hỏi Nguyễn-Bách :

- Ông có thể cho tôi biết ngày giờ và năm sanh của cụ nhà được không ? Tôi biết chút ít tướng số. Để xem cụ có đi vào ngày giờ tốt không.

Nguyễn-Bách trả lời :

- Bố tôi tuổi Tuất, sanh ngày mùng Năm ta, vào giờ Sửu.

Chín-Mừng kiếu từ Nguyễn-Bách. Ông ta đến nhà một pháp sư quen, hỏi xem trong tháng đó những ngày giờ nào rơi vào ảnh hưởng thần-trùng. Vị pháp sư vô tình tiết lộ :

- Mùng Năm tháng này là ngày Tuất, Sanh Khí Nguyệt Kỵ. Vào giờ Sửu, thần-trùng sẽ tác quái với những người tuổi Tuất chết vào ngày giờ đó.

Chín-Mừng gọi điện thoại cho Nguyễn-Bách, bảo hắn rằng :

- Nếu cụ ông chết được vào giờ Sửu ngày mùng Năm tháng này thì tốt lắm.

Nguyễn-Bách hỏi :

- Làm sao mà giữ cho bố tôi chết vào ngày giờ đó được ? Còn những hai ngày nữa !

- Hãy mua quế chi, đem mài ra hoà với rượu trắng, cho cụ uống hai giờ một lần. Cụ sẽ sống thêm vài ngày nữa. Đến ngày mùng Năm, hãy ngưng cho cụ uống quế chi vào giờ Hợi. Qua giờ Tý tới giờ Sửu, cụ sẽ tắt thở.

Nguyễn-Bách mừng lắm. Hắn bảo vợ đi kiếm mua quế chi, rượu trắng, mang về làm thuốc hồi sinh cho bố hắn uống. Quả nhiên, ông cụ tỉnh táo, nằm trăn trối đủ điều với ba người con trai và ba người con gái. Đúng giờ Sửu ngày mùng Năm, ông cụ thở hơi cuối cùng. Nguyễn-Bách mừng thầm trong bụng. Hắn làm ma chay cho bố thật linh đình. Hắn chôn cất ông cụ trong một góc vườn dùng làm nghĩa địa tư, tại trang trại của hắn ở vùng quê cách Paris hơn một trăm cây số. Mỗi người trong gia đình đều có mộ xây sẵn bằng đá cẩm thạch. Cả nhà hắn chia phiên nhau ở lại trang trại, thắp hương, thay hoa trên mộ cho đến hôm giỗ bốn mươi chín ngày của ông cụ.

An táng ông cụ xong, Nguyễn-Bách cùng hai con trai và đứa con gái duy nhất ở lại trang trại. Đêm hôm đó, trong khi ba đứa con về phòng riêng ngủ, Nguyễn-Bách ngồi một mình trong phòng khách. Hắn buồn bã, bèn mở chai rượu Cognac nguyên, rót ra ly, nhậu với tôm khô củ kiệu. Uống già nửa chai Cognac, Nguyễn-Bách say mèm, nằm vật ra ngủ trên chiếc ghế salon.

Hắn thấy mình đi ra vườn, về phiá khu nhà mồ. Tới phần mộ của ông cụ, hắn thấy bia mộ cẩm thạch đồ sộ xích sang một bên. Trong nấm mộ có ánh sáng. Hắn bước lại gần, thấy bậc thang dẫn xuống hầm sâu. Hắn đi xuống thang, vào trong căn phòng rộng lớn. Chung quanh phòng, đuốc cháy phừng phừng. Hắn thấy ông cụ thân sinh ra hắn đang nằm sấp trên một phiến đá, thân thể trần truồng. Ở đầu phiến đá, một con qủy mặt vàng có sừng cầm cái xiên chọc vào đầu ông cụ. Cuối phiến đá, một con qủy mặt đỏ có hai tai nhọn hoắt lấy cành gai cứa nát hai gan bàn chân ông cụ. Hai bên phiến đá có hai con yêu tinh tóc xoã, mắt sáng quắc. Chúng cầm dao quắm sáng loáng, móc hai be sườn ông cụ lôi ra hai đầu xương sườn máu me rịn ra. Ông cụ kêu la thất thanh từng hồi :

- -i trời ơi ! Đau quá ! Tha cho tôi !

Có tiếng cười vang vang. Ở bục cao giữa phòng, một con qủy to lớn đen sì nhe răng ngồi trên ghế sơn son thếp vàng. Nó cũng đóng khố như hai con qủy kia. Ngực, bụng, chân tay nó để trần, lông lá xồm xoàm. Móng chân, móng tay nó dài nhọn. Hai mắt nó xếch ngược. Đầu mũi nó vừa to vừa khuằm. Miệng nó rộng hoác với cặp răng nanh nhọn hoắt chià ra khỏi đôi môi dầy cộm, đỏ hoét. Một con yêu tinh nói the thé :

- Hãy khai ngày giờ và năm sanh thằng con trưởng của mày ! Nói mau ! Để ta trình với Thần-Trùng của ta đang ngồi chờ kia !

Ông cụ rền rĩ :

- Tôi già quá, quên hết ngày giờ và năm sanh của con cháu tôi rồi !

Cuộc tra tấn lại tiếp tục dồn dập, dữ dội hơn. Bốn con qủy và thần-trùng không nhận thấy sự có mặt của Nguyễn-Bách trong phòng. Giữa chúng và Nguyễn-Bách vẫn còn cách biệt, vì hai bên chưa giao thoa với nhau được. Nguyễn-Bách thấy hình ảnh, âm thanh của cuộc tra khảo từ từ mờ đi. Hắn tỉnh dậy, thấy mình vẫn còn nằm trên ghế dài trong phòng khách. Đầu hắn nhức như búa bổ. Vừa lúc ấy, hai đứa con trai và đứa con gái từ ngoài đi vào phòng khách. Cả ba ngồi trên ghế trước mặt Nguyễn-Bách. Đứa con trai trưởng cất tiếng nói hoảng hốt :

- Đêm qua, chúng con đang ngủ, chợt tỉnh dậy vì tiếng kêu la từ ngoài vườn vẳng vào nhà. Nghe kỹ, chúng con nhận ra đó là tiếng ông nội. Hình như ông nội bị đánh đập dã man lắm. Ông nội kêu la rất thảm thiết. Chúng con vào phòng khách, thấy bố ngủ say, nên cả ba chúng con rủ nhau ra vườn. Khi tới gần khu nhà mồ, chúng con không nghe thấy tiếng ông nội kêu la nữa. Thế mới kỳ chứ !

Nguyễn-Bách kể cho các con nghe giấc mơ của mình, trong đó hắn chứng kiến cảnh bố hắn bị qủy hành hạ. Hắn giận dữ nói :

- Lát nữa về Vitry, phải kiếm cái thằng cha Chín-Mừng, hỏi tội nó đã xui dại nhà mình, làm cho ông nội tụi bay rơi vào tay qủy dữ. Đồng thời, phải kiếm pháp sư hỏi xem chuyện gì đã xảy ra với vong hồn ông nội tụi bay.

Khi về đến nhà, Nguyễn-Bách hỏi vợ :

- Mình có nhớ cái thằng cha Chín-Mừng hay đến mua mè-xửng của hãng Hồng-Trần không ?

Vợ Nguyễn-Bách gật đầu, hỏi lại :

- Ông hỏi người ta làm gì ? Đừng có ghen bậy nghe !

-Nguyễn-Bách chặc lưỡi mấy cái, nói :

- Không có chuyện ghen tuông gì hết. Tôi chỉ muốn biết thằng đó ở đâu mà thôi.

Vợ Nguyễn-Bách lắc đầu :

- Làm sao em biết được điạ chỉ của khách hàng ? Có chuyện gì thế, bố nó ?

Nguyễn-Bách thở hắt ra thật mạnh :

- Thằng đó xỏ lá nhà mình. Nó xui mình làm cho bố chết chậm lại, khiến bố rơi vào tay qủy dữ.

- Sao bố nó biết ?

- Tôi uống rượu say, mơ thấy bố bị qủy sứ, yêu tinh tra khảo, bắt bố phải cho chúng biết ngày giờ năm sanh của tôi. Nhưng bố không chịu nói, nên bị hành hạ dã man. Tội nghiệp bố ! Chết rồi mà không được yên !

Vợ Nguyễn-Bách lại hỏi :

- Thế ba đứa con có đứa nào nằm mơ như bố nó không ?

- Chúng nó không nằm mơ, mà lại nghe thấy tiếng ông nội của chúng kêu la ngoài vườn. Bây giờ, mình cấp tốc đi hỏi thăm, mời ngay pháp sư tới đây ! Tôi ở nhà trông cửa hàng và đám thợ.

Vợ Nguyễn-Bách cuống quýt mặc áo chạy ra khỏi nhà. Nguyễn-Bách cùng ba đứa con thấy đói bụng. Hắn sai đứa con gái vào bếp lấy đồ ăn trong tủ lạnh mang hâm lên, rồi dọn ra bàn. Mấy bố con đang ngồi ăn uống, bàn tán về tiếng kêu la trong khu nhà mồ, chợt Nguyễn-Bách há miệng, trợn mắt, mặt mũi tím bầm. Hắn bị nghẹn đồ ăn. Ba đứa con cuống quýt. Đứa thì vuốt ngực bố, đứa thì ôm lưng bố xốc lên như được chỉ dẫn trong trường, đứa thì thò ngón tay móc họng bố cho ói đồ ăn ra. Tất cả những cách cứu chữa đó đều vô hiệu. Năm phút sau, Nguyễn-Bách tắt thở. Xe Ambulance được gọi chở chuyên viên y tế đến cấp cứu, nhưng họ không làm Nguyễn-Bách hồi sinh được.

Vợ Nguyễn-Bách mời được pháp sư tới nhà. Bà ta thấy chồng nằm chết cứng trên divan ở một góc phòng ăn. Bà ôm xác chồng khóc nức nở. Pháp sư thắp nhang, đốt nến trên chiếc bàn thấp kê ở đầu xác chết. Ông ta vẩy rượu, đọc thần chú, bắt quyết. Xong, ông quay ra bảo bà quả phụ Nguyễn-Bách :

- Chồng bà bị thần-trùng bắt rồi ! Như vậy là ông cụ chết vào ngày giờ thần-trùng, rồi bị tra khảo khai ngày giờ năm sinh của con trai trưởng, là ông nhà đây. Bây giờ, tôi dán bùa lên miệng ông nhà. Bà và các con phải đeo bùa trên cổ. Chung quanh nhà phải dán bùa. Hy vọng ông nhà sẽ không khai gì hết.

Quả phụ Nguyễn-Bách ngưng khóc, run sợ hỏi :

- Nếu nhà tôi không chịu nổi tra khảo, khai ra hết thì sao ? Ngoài buà ra, pháp sư có cách nào cứu chúng tôi được không ?

Vị pháp sư nghiêm trang nói :

- Bùa của tôi mạnh không kém bùa Lỗ-Ban. Bà và cô cậu cứ yên trí. Tuy nhiên, nếu có gì nguy ngập, bà hãy kêu điện thoại ngay cho tôi. Bây giờ, ta chuẩn bị làm lễ an táng cho ông nhà. Tôi đề nghị bà hãy cho hoả thiêu xác ông nhà, mang hũ đựng tro lên chuà gửi. Rồi bà cúng tiền, xin nhà chùa sáng tối tụng kinh cho hương hồn ông nhà.

Quả phụ Nguyễn-Bách vâng lời, làm đúng như pháp sư chỉ dẫn. Một tuần lễ trôi qua êm ả. Sáng ngày thứ Năm tuần sau đó, nhà chùa gọi điện thoại tới hãng sản xuất mè-xửng Hồng-Trần. Nhà chuà nói :

- Hũ đựng tro hài cốt của ông Nguyễn-Bách tự nhiên biến mất. Tìm khắp nơi không thấy. Cửa ngõ nhà chuà không hề bị cậy. Trong hầm chuà để các hũ tro không có dấu vết khả nghi của kẻ trộm ; vả lại, ai mà ăn trộm hũ đựng tro xác chết bao giờ ! Chắc có gì bí ẩn trong cuộc đời của người quá cố, cho nên hũ tro tàn của ông nhà mới biến đi một cách huyền bí như vậy ! Dù sao, nhà chùa vẫn tụng kinh cho vong hồn người quá cố được siêu thoát.

Quả phụ Nguyễn-Bách liền điện thoại cho vị pháp sư là người đã làm đám táng cho chồng bà cách đó một tuần. Nhưng pháp sư đi làm lễ cho người ta cách Paris hơn hai trăm cây số. Người nhà của pháp sư có điạ chỉ chứ không có số điện thoại của nơi pháp sư tới. Quả phụ Nguyễn-Bách ghi địa chỉ, để đi thỉnh pháp sư về nhà bà ta. Hai đứa con trai bận thi ra trường, không đi được. Đứa con gái bảo mẹ :

- Mẹ ở nhà coi sóc hãng mè-xửng. Con thi xong rồi, còn chờ kết qủa. Con sẽ lái xe đi gặp pháp sư, trình bày mọi chuyện, và mời pháp sư tới nhà ta nội nhật ngày hôm nay. Mẹ đừng lo.

Cô con gái dùng xe hơi riêng đi kiếm pháp sư. Cô theo xa lộ A1 đi về phiá biên giới Pháp-Bỉ. Gần tới chỗ pháp sư làm lễ, cô rời xa lộ, đi vào quốc lộ. Cô gái mở radio nghe nhạc FM2. Chợt từ trong máy radio, có tiếng nói :

- Con gái tôi tuổi Mẹo, sanh ra buổi sáng ngày Hai mươi bốn tháng Mười một âm lịch, lúc mười một giờ.

Cô gái lẩm bẩm :

- Sao radio Pháp mà lại nói tiếng Việt kià ? Kỳ quá !

Vô tình sờ tay lên cổ, cô giựt mình vì không thấy sợi dây buộc lá bùa đeo trên cổ đâu. Đang lái xe, bỗng cô thấy ở ghế bên cạnh hình như có vật gì lăn lóc. Quay đầu nhìn, cô thấy đó là cái hũ giống hệt cái hũ đựng tro hài cốt của bố cô. Chưa kịp ngạc nhiên, cô thấy nắp hũ bật ra. Tro bụi trong hũ bay mù mịt. Có tiếng cười khành khạch ! Tro bụi làm cô gái tối tăm mặt mũi. Cô mất bánh lái. Chiếc xe mầu đỏ mới toanh chạy với tốc độ một trăm cây số một giờ đâm vào thành cầu đánh "rầm !". Chiếc xe lộn qua thành cầu, rớt xuống sông, chìm ngỉm. Cô gái đã ngất đi trước đó. Khi cảnh sát tới cho vớt xe lên, cô gái chỉ còn là cái xác không hồn. Cảnh sát chiếu theo điạ chỉ trong xách tay của cô gái, báo cho gia đình cô ta biết.

Chôn cất con gái xong, vào bốn giờ sáng, bà quả phụ Nguyễn-Bách nằm mơ thấy con gái hiện về, khóc lóc :

- Con bị qủy sứ, yêu tinh bắt trói, tra khảo suốt đêm nay. Đau đớn lắm, nhưng con một mực không khai gì về nhà ta hết. Mẹ kiếm pháp sư giải cứu cho vong hồn con, bảo vệ sinh mạng của mẹ và anh em con.

Bà quả phụ Nguyễn-Bách chỉ liên lạc được với ông pháp sư sau đó hai ngày. Nghe bà chủ hãng mè-xửng Hồng-Trần kể chuyện xảy ra tại nhà chùa và giấc mơ gặp con gái đang bị thần-trùng tra khảo, ông pháp sư suy nghĩ, rồi bảo bà ta :

- Kinh nghiệm nhiều năm hành nghề có liên hệ tới qủy thần cùng những chuyện linh thiêng, tôi biết chắc có lý do khiến thần-trùng xâm nhập vào nhà bà, và làm cho nhà chùa không bảo vệ được hũ tro hài cốt của chồng bà. Bà đừng buồn, tôi mới nói sự thật.

Bà quả phụ Nguyễn-Bách sốt sắng nói :

- Có điều chi bí ẩn, xin pháp sư cứ cho tôi và các con tôi biết.

Pháp sư nghiêm giọng, nói như quan toà luận tội :

- Bà theo đạo Phật, chắc phải biết luật nhân quả. Nhiều khi người ta không chờ đến kiếp sau mới trả cái nợ của kiếp này. Nếu người ta làm điều sái quấy quá lớn, khiến nạn nhân oán hận quá nhiều, người ta có thể gặp quả báo nhãn tiền. Tôi chắc ông Nguyễn-Bách khi còn sống đã làm điều gì bất công, gây mối thù quá lớn. Phải không bà ?

Bà quả phụ Nguyễn-Bách thở dài :

- Tôi xin kể hết với pháp sư. Trước đây, tôi có người bạn gái gốc Hồng-Ngự. Chồng bà ấy là người miền Trung. Di cư sang đây, vợ chồng bà mang được nhiều tiền và cả nghề làm mè-xửng gia truyền. Hãng Hồng-Trần này là của ông bà ấy. Hồi đầu, vợ chồng chúng tôi nghèo túng vì đông con. Ông nhà tôi bị thất nghiệp lâu. Khi tôi và bà bạn cũ gặp lại nhau bên này, bà bạn vận động với chồng nhận ông nhà tôi vào làm công cho hãng Hồng-Trần. Họ tin tưởng giao việc quản lý cho chồng tôi. Không biết chồng tôi làm ăn thế nào mà một thời gian sau ông ấy làm vợ chồng bà bạn tôi mất sạch vốn, khoảng năm chục ngàn âu-kim. Bà bạn tôi phải đi làm vú em cho người đồng hương. Chồng bà ta phải nhận việc canh gác nghiã trang ban đêm. Hãng mè-xửng Hồng-Trần tạm đóng cửa. Một thời gian sau, chồng tôi dụ vợ chồng bà bạn tôi ký giấy uỷ quyền cho chồng tôi giao dịch với con buôn mở lại hãng kẹo mè-xửng Hồng-Trần. Kỳ thực, chính nhà tôi nắm quyền. Khi bà bạn tôi tới nhà kỳ kèo về việc hãng Hồng-Trần mở lại mà không có vợ chồng bà ta trong đó, chồng tôi bảo : "Anh chị muốn hợp tác, phải bỏ vốn ít nhất năm chục ngàn âu-kim." Thế là vợ chồng bà bạn tôi chịu mất hãng mè-xửng của cha ông để lại. Tôi chỉ biết đẻ con, nuôi con, không dám can thiệp vào việc làm ăn của chồng.

Nghe kể chuyện, ông pháp sư lắc đầu :

- Chồng bà gây thù lớn như vậy, làm gì mà không rước hoạ cho gia đình.

- Bây giờ pháp sư làm sao để giải thoát cho tôi và ba đứa con trai còn lại ? Chúng tôi vô tội. Một đứa con trai của tôi bị tật nguyền, không nghe và nói được từ khi mới sanh ra.

Pháp sư lắc đầu :

- Giải thoát nghiệp chướng của gia đình rơi vào ảnh hưởng của thần-trùng rất là khó khăn. Gần như tuyệt vọng. Tuy nhiên, còn nước còn tát.

-Bà quả phụ Nguyễn-Bách mừng rỡ hỏi:

- Pháp sư có cách nào cứu mẹ con chúng tôi không ? Tốn bao nhiêu, chúng tôi cũng chịu. Miễn là mạng sống bốn mẹ con tôi được bảo toàn.

Pháp sư trịnh trọng nói như ra lệnh :

- Bà có hai điều phải làm gấp. Điều thứ nhất, bà phải gặp vợ chồng bà bạn gái của bà, bồi thường cho họ số tiền vốn mà chồng bà đã làm thất thoát trước đây. Đồng thời, bà làm giấy trao trả hãng mè-xửng Hồng-Trần cho người ta ngay.

Nói tới đây, pháp sư ngập ngừng. Bà quả phụ Nguyễn-Bách vội hỏi :

- Còn điều thứ nhì, thưa pháp sư ?

- Bà có bằng lòng thi hành điều thứ nhất không đã ?

- Dạ, thưa pháp sư, tôi bằng lòng.

Hai đứa con trai đứng cạnh đó cũng đồng thanh nói :

- Chúng tôi bằng lòng trả lại cho người ta những gì mà bố chúng tôi làm mất hoặc chiếm đoạt. Hai chúng tôi sẽ dùng tài trí của mình mà sanh sống, nuôi mẹ và đứa em tật nguyền.

Nghe đến đây, ông pháp sư ngắt lời :

- Cậu bé tật nguyền chính là biện pháp thứ nhì để cứu hai cậu và mẹ các cậu đó !

Cả ba mẹ con nhao nhao :

- Xin ông pháp sư nói ngay cho chúng tôi biết.

Ông pháp sư chậm rãi nói tiếp :

- Tôi sẽ thảo hộ bà và hai cậu một lá sớ. Trong đó, có ghi tên họ, ngày giờ và năm sanh của cậu bé câm điếc, đồng thời cam kết trả hết tiền bạc của cải cho vợ chồng bạn của bà. Bà cùng cậu con trai bị câm điếc đi tới trang trại của nhà bà, mang theo lá sớ. Bà một mình ra nghiã địa riêng trong trang trại. Ở đó, bà thắp hương đốt nến trên nấm mộ của con gái bà, rồi đốt lá sớ trước mộ phần. Bà để cậu con trai câm điếc ở lại trang trại một mình trong một ngày một đêm. Tối hôm sau, bà trở lại đóng cậu bé về.

Cậu con trưởng hỏi :

- Xin pháp sư nói rõ hơn điều thứ nhì.

Pháp sư xua tay :

- Hãy để mọi chuyện diễn biến. Tôi không dám tiết lộ thiên cơ.

Pháp sư ngồi tại bàn giấy của hãng mè-xửng, thảo lá sớ bằng chữ nho. Ông thắp hương khấn vái, bấm độn, bắt quyết bằng mười đầu ngón tay kêu tanh tách. Đoạn, ông đứng dậy, gấp lá sớ lại, đưa cho bà quả phụ Nguyễn-Bách. Bà này giơ hai tay cầm lấy lá sớ đã làm phép. Bà khúm núm đặt một bao thư trong đựng tiền vào tay ông pháp sư, rồi tiễn ông ta ra cửa.

Bà quả phụ Nguyễn-Bách cùng một người con trai lớn đến gặp vợ chồng bà bạn cũ ngay chiều hôm đó. Bà ta trao cho họ tấm ngân phiếu ghi đầy đủ số tiền mà chồng bà đã làm thất thoát. Bà Nguyễn-Bách nói :

- Ngày mai, chị xin nghỉ việc. Anh chị lại hãng mè-xửng Hồng-Trần cùng tôi làm thủ tục lấy lại quyền quản lý hãng. Mẹ con tôi đi chỗ khác ở.

Ông bà chủ cũ của hãng Hồng-Trần mừng rơi nước mắt. Bà quả phụ Nguyễn-Bách cùng con trai lớn trở về nhà. Bà dẫn cậu bé câm điếc xuống tỉnh, tới trang trại của gia đình bà. Ở đó, bà ra hiệu cho cậu bé ngồi trong phòng khách coi nhà. Bà cầm hương nến và lá sớ chữ nho, đi ra nghiã điạ riêng ở cuối vườn của nhà bà. Bà cúng vong hồn cô con gái, rồi đốt lá sớ trước nấm mồ. Xong xuôi, để cậu con trai câm điếc một mình trong căn nhà rộng lớn của trang trại, bà lái xe về nhà riêng ở Paris.

Tối ngày hôm sau, bà quả phụ Nguyễn-Bách trở lại trang trại. Tới nơi, bà ta thấy người con trai út ngồi ở phòng khách. Thấy mẹ, cậu bé cất tiếng nói trước sự ngạc nhiên cùng vui mừng của mẹ cậu :

- Thưa mẹ, đêm qua nằm ngủ một mình trên divan trong phòng khách, con thấy hai con qủy nhỏ có sừng nhọn, đuôi dài, đi vào lôi con ra vườn. Tới mộ của chị con, chúng đẩy nắp mộ bằng đá cẩm thạch sang một bên, dẫn con xuống dưới đất. Trong một cái phòng rất rộng, con thấy chị con qùy trên sàn nhà. Trước mặt chị là con qủy to lớn đen sì. Con qủy đó chỉ tay vào chị con, cất tiếng oang oang: "Ta tha cho ngươi." Chị con đứng dậy, đi ra khỏi phòng, biến mất. Con qủy to lớn vẫy con lại gần, hỏi con điều gì mà con không nghe thấy. Con lắc đầu, chỉ tay vào mồm, vào hai tai của con. Con qủy vạch miệng kéo lưỡi con, thổi vào hai lỗ tai của con. Kỳ thay, con nghe thấy tiếng nói oang oang của con qủy :"Ngươi có biết lý lịch của mẹ và hai anh ngươi không ? " Tự nhiên, con bật nói : "Tôi câm điếc từ khi mới sanh ra nên không biết gì hết ". Con qủy cúi nhìn lá sớ trong tay. Đoạn hắn gật đầu, đặt tay lên vai trái của con, ôn tồn nói : "Mẹ và hai anh ngươi đã trả hết nợ của bố ngươi để lại. Vong hồn chị ngươi đã siêu thoát. Còn ngươi hoàn toàn trong trắng. Phép thần-trùng của ta không thể xâm phạm tới linh hồn, thể xác ngươi được. Ngươi hãy trở về dương thế. " Hai con qủy nhỏ dẫn con trả về trang trại.

Vũ-Hùng nghỉ việc gác đêm trong nghiã trang. Hàng năm, vào đầu tháng Ba âm lịch, trong ngày lễ Thanh Minh, ông ta cùng vợ đi xe hơi vào trong nghiã trang, nơi làm việc cũ của ông. Họ đậu xe gần khu mộ phần của người Việt. Hai vợ chồng đặt lên mỗi phần mộ một hộp nhỏ kẹo mè-xửng, rồi thắp hương khấn vái. Vũ-Hùng bảo vợ :

- Nhờ thần linh khu nghĩa trang này, gia đình ta khôi phục lại được cơ nghiệp hãng kẹo mè-xửng do ông cha để lại.

Bà Vũ-Hùng nói như nhắc nhở cả mình lẫn chồng :

- Đời sống văn minh vật chất khiến cho một số không nhỏ con người lợi dụng tình bạn trong nhiều lãnh vực : Xã hội, chính trị, văn hoá, tôn giáo, ngay cả tình cảm. Đạo đức và bất lương lẫn lộn như nước biển trong xanh và dầu xăng nhầy nhụa trập trùng theo gió bão lan tràn khắp bốn biển. Biết đến bao giờ mới gột rửa cho sạch được những lớp sóng vô tận của cuộc đời trong thiên niên kỷ này ?! Vậy ta luôn luôn phải thận trọng khi giao tiếp với người xung quanh, kể cả đồng hương. Phải không mình ?

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002