Đại Chúng số 122 - ngày 15 tháng 6 năm 2003

Lá Thư Tòa Soạn
Vườn Thơ
Lễ Kỷ Niệm Báo Đại Chúng
Thế Giới và Bình Luận
Cuộc Chiến Chưa Tàn
Đừng Hỏi Tại Sao
Câu Chuyện Mần Ăn Tại Việt Nam
Phong Trào Lãng Mạn và Tuổi Trẻ
Đọc "Cô Bé Bên Giàn Hoa Bí Đỏ"
Giả Thuyết Bệnh SARS
Mỗi Tuần Một Trang Y Học
Còn Mãi Yêu Em
Yếm Vải Sứ Thanh
Cô Kiều với Phạm Quỳnh
Nấu Ăn Ngon Cho Người Yêu
Đọc Báo Dùm Bạn
(tiếp theo kỳ trước)

Đọc Báo Dùm Bạn (bài 2)
Y Khoa va Y Học

ĐỌC "CÔ BÉ BÊN GIÀN HOA GIẤY ĐỎ"
CỦA PHONG THU

Học Giả, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích

 

Phong Thu trả lời câu hỏi của Học Giả, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích: Trong ngày ra mắt sách, tôi vẫn chưa trả lời câu hỏi ở đoạn 4 "Khi còn ở Việt Nam, tôi là thế hệ thứ ba cầm bút". Giáo sư hỏi bằng một giọng văn tế nhị, dí dỏm và cũng tự trả lời một cách rất tinh tế. Vâng, giáo sư Nguyễn Ngọc nói rất đúng, đối với các bậc tiền bối thì tôi được xem là thế hệ thứ ba, tính từ ngày có tiểu thuyết mới. Chúng tôi còn một cách phân chia theo tuổi tác, thời gian. Một thế kỷ có bốn thế hệ nối tiếp theo sự trưởng thành và dấn thân vào sự nghiệp văn chương. Những văn nghệ sĩ cầm bút từ cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, tức trước năm 1925, 35 là một thế hệ. Thế hệ thứ hai là từ 45 đến 65. Thế hệ thứ ba là những người lớn lên trưởng thành sau 75, và một thế hệ mới ở vào cuối thế kỷ 20 bước sang thế kỷ 21. Đây là cách phân chia theo quan điểm và cách nhìn của những người trẻ tuổi cùng thời với chúng tôi. Nếu lời giải thích nầy không đúng xin nhờ giáo sư và các bậc thưởng trượng chỉ dạy.

Tôi không nhớ rõ lần đầu tôi gặp chị Phong Thu là ở đâu. Có lẽ cũng chỉ ở một trong những sinh-hoạt ra mắt sách ra mắt vở gì đó ở trường George Mason nầy vì cũng giống tôi, chị rất thích văn nghệ và hay tham dự những sinh-hoạt văn-hoá của cộng đồng Việt-nam nơi hải ngoại. Trong khi chúng ta ra đi "mất hết chỉ còn nhau" thì sinh-hoạt sách báo, chữ nghĩa là một trong những điều chúng ta bấu víu vào để khẳng định, ngày qua ngày, là tiếng Việt dù xa quê hương vẫn còn chỗ đứng của nó. Mà như ta biết đó, một nhà học giả đã nhắc chúng ta: "Tiếng Việt còn, nước ta còn..."

Do chia xẻ nhiều quan-tâm giống nhau nên chả mấy lúc, chúng tôi trao đổi nhiều thông tin về quê hương do sự kiện tôi đi từ năm 75 trong khi chị thì còn được học Sư-phạm dưới thời "Bác và Đảng", đi ra dạy học theo giáo-án xã-hội-chủ-nghĩa để rồi trông ra tất cả những cái ngược đời trong xã-hội đảo điên kia, quay ra phê phán chế độ một cách kín đáo qua những truyện thiếu nhi mà có cái như tập "Gấu Bông Giúp Bạn" cũng qua được mắt kiểm duyệt để được in ra do nhà xuất bản Tổng Hợp Bình Dương năm 1900. Chị cũng có một kinh nghiệm khá khác thường, đó là đi điền-dã nghiên cứu về dân ca Nam-bộ với nhạc-sĩ Lư Nhất Vũ.

Những sự trao đổi của chúng tôi chẳng mấy lúc dẫn đến một sự thân-tình mà dù ở xa, cách nhau 2-3 tiểu bang, chúng tôi vẫn thấy gần gũi ấm áp vì, như người ta nói ở Mỹ , chúng ta "chỉ cách xa nhau có một cái điện thoại." Chị thỉnh thoản gọi cho tôi thăm hỏi hay trao đổi, bàn luận một tin tức trong cộng đồng, về Việt Nam, về thế giới v...v...hoặc góp ý với chương trình phát thanh của Đài Á Châu Tự Do. Chị còn cho tôi mượn sách hay khoe tôi những truyện thiếu-nhi mà chị là tác-giả.

Con người yêu tuổi thơ, chọn ngành sư -phạm ở Phong Thu có thể thấy bàng bạc trong cả cuốn sách ra mắt hôm nay của chị. Mở "Lời Ngỏ" ra ta được biết thêm là chị "bắt đầu cầm bút [hiểu là để viết văn] vào đầu thập niên 80" song có một câu chị viết ngay theo đó, tôi thấy hơi khó hiểu, đó là chị nói: "Khi còn ở Việt Nam, tôi là thế hệ thứ ba cầm bút." Thứ ba đối với ai? Hình như không phải là "thứ ba" trong một dòng họ cầm bút sẵn, vì cũng nơi đây chị tiết lộ cho biết là ba chị mất sớm và chị là Quốc Gia Nghĩa Tử. Hay chị định nói là đối với các thế hệ đàn anh, đàn chị thì chị tự xem như là thế hệ lên đường thứ ba, tính từ ngày có tiểu thuyết mới? Rất mong chút nữa lên đây, chị cho ta biết rõ hơn về quan-niệm của chị về mặt này.

Cuốn sách của chị gồm 12 truyện mà có cái như truyện đầu, "Dòng Sông Quê Tôi", còn được ghi là "tuỳ bút", cộng thêm một bài "Ký" mang tên "Hoa Kỳ Trong Trái Tim Tôi" viết về những bàng hoàng của chị trong vụ 911 (11.9.2001), có được dịch sang cả tiếng Anh là "America in My Heart." Đây là một cái nhìn từ quan điểm của hai nền văn hoá phải sống hàng ngày với chiến-tranh, ngay cả sau khi chiến tranh chấm dứt.

Xem kỹ thì thấy tác giả viết khá cẩn thận, không ồn ào háo hức đem khoe ngay những con đẻ của ngòi bút mình. Trái lại, có những truyện chị đợi cả mười, mười mấy năm để sửa đi sửa lại rồi mới đem ra cống-hiến người đọc. Đó là những truyện như:

"Khi Mặt Trời Đã Lặn" viết từ năm 85 và viết lại đầu năm 2000.

"Bên Bờ Cô Đơn" viết từ 1988 ở Bình Dương, viết lại đầu năm 2000.

"Chuyện Một Người" cũng viết ở Bình Dương từ năm 1989.

"Một Cánh Chim" viết tại Bình Dương năm 89, viết lại vào tháng 9/ 1999 tại Maryland.

Có thể nói gần nữa cuốn sách là một loại hồi ký, dù như các nhân vật có tên khác nhau nhưng ta cũng ít nhiều đoán được là những truyện nầy được viết ra dựa trên những người thật, việc thật, đôi khi còn chính là dựa vào kinh nghiệm cá nhân của tác giả mà ở đây chỉ được che bằng một cái áo mỏng---tỷ dụ, bằng một tên khác,

Như vậy, ta có thể nói là một phần cuốn sách mang giá-trị chứng-nhân thời-cuộc, làm chứng cho một đất nước điêu linh dưới ách chế độ Cộng-sản. "Chuyện Một Người", chẳng hạn, lại còn mang thêm lời Tác Giả ghi rõ ràng"

Đây là một câu chuyện dựa trên những sự kiện có thực xảy ra trong trường Cao Đẳng Sư Phạm nằm toạ lạc tại Phú Lợi, Bình Dương, Việt Nam. Những tên chóp bu, dốt nát, vô đạo đức, tham ô, dâm đãng lại nắm trong tay bao số phận và đào tạo biết bao trí thức.

Nhưng không phải ai cũng buông xuôi trong một khung cảnh ác nghiệt và đầy tội ác như thế. Lĩnh đã không chịu khuất phục Ngà, tên hiệu trưởng dâm đãng, tham ô, để rồi thua cuộc nhưng anh vẫn bằng lòng anh: "Thà làm người bán báo vô tư...Anh không phải suy nghĩ, không phải đối phó, không phải lừa đảo." (t. 86)

Mặt khác, cũng không phải cứ ở ẩn mà yên thân được. Trong truyện "Một Cánh Chim" Hoàng Thiên đã mất bố trong trại cải tạo, mất mẹ và cả các anh em do mẹ đã "phản bội ba" để đi lấy một cán bộ CS, đã đi ở ẩn "rút về rừng núi làm bạn với cây cỏ mây trời" (t. 66) mà rồi vẫn không yên vì đã cứu sống một người phụ nữ suýt chết đuối. Anh quyết định ra đi để suốt đời làm một con người tự do.

Tuy nhiên, ở trong một xã hội như vậy, người ta dựa rất nhiều vào tình bạn để mà sống. Chính nhờ vậy mà truyện Phong Thu không phải toàn chuyện bi đát. Nó còn có tiếng cười ở trong đó, nhất là tiếng cười vô tư của người miền Nam như mấy nhân vật Năm Cà Tửng, Ba Lì, Hai Nổ, trong ký mang tên "Bạn Tôi", ba anh con trai chơi chung với một người con gái mà ở đây gần như chắc chắn là tác giả. Chỉ có tinh-thần rất "miền Nam" này mới cưỡng lại được phần nào cái giáo điều vô lối của người CS miền Bắc.

Trong thế giới truyện của Phong Thu, người phụ nữ thường đóng vai trò cứu rỗi kẻ khác, mang người ta trở lại con đường chính đạo, lương thiện, nhìn lại chính mình. Đó là ý nghĩa của câu chuyện "Bà Sáu Về Quê", và đó cũng là cái gởi gắm của tác giả đối với những con người như Sơn. "Sơn thi sĩ" trong truyện "Bên Bờ Cô Đơn" đã "đốt cháy" những lý tưởng tốt đẹp mà anh hằng ấm ủ để chạy theo danh vọng" (t. 110). Thì giờ đây, dù Ngọc yêu anh, Ngọc vẫn phải xa anh để mà nhắn nhủ: "Sơn thân yêu, anh hãy tìm lại bóng mình khi mặt trời lên. Chỉ có mặt trời mới soi rọi hết bóng đêm và sự thật. Đã có biết bao người đánh mất giá trị quý báu về nhân phẩm, lương tâm và đạo làm người. Anh thích làm một con chim hót lại những giáo lý dối trá. Em hy vọng một ngày nào đó, anh sẽ bình tâm suy nghĩ lại." (t. 113)

Mãi mãi là một cô giáo trong thâm tâm, Phong Thu yêu trẻ con nên cũng đã có một câu truyện kiểu thần tiên trong "Giất Mơ Đêm Noel" mà chị viết "cho các em nhỏ bất hạnh trên khắp nẻp đường quê hương tôi" vào gần giáng sinh năm 99.

Một điều đáng nói ở đây là cái phong phú trong trí tưởng tượng của Phong Thu. Truyện của chị không chỉ có một loại mà nó có thể chuyển sang những cảnh-thổ---chữ của nhà văn Mai Thảo---thật khác nhau. Truyện Việt Nam, đã đành, đặt bên truyện xảy ra ở Mỹ. Truyện Cộng-sản sát cạnh những truyện xảy ra ở một xứ tự do. Truyện tình yêu, tình bạn bên cạnh một truyện trinh-thám. Tôi muốn nói đến truyện "Bức Mật Bức Đồ", truyện dài nhất trong tập, kể lại một cách khá hấp dẫn liên hệ đến cô bé Kim Phúc mà hình ảnh lúc 8 tuổi bị bom na-pam là một trong những hình ảnh ghi đậm ấn tượng sâu sắc trong toàn-bộ cuộc chiến Việt Nam. Câu chuyện tình-báo và phản gián nầy có những khía cạnh thật nhân đạo và nhân bản, có thể đưa lên màn ảnh để thành một phim khá lôi cuốn.

Hình như Phong Thu, dù là ghét cái ác và tuy "không tham gia vào cuộc chiến vẫn nhìn thấy được sự tàn khốc của một chế độ độc tài, độc Đảng phi nhân," một chế độ "không thể mở cửa cho dân tộc nhìn thấy bình minh của nhân loại" (t. 19), Phong Thu vẫn muốn tìm ra lối thoát cho chúng ta, cho cả một dân tộc qua con đường mở rộng lòng thương để cảm hoá được kẻ thù, đôi khi nằm ngay trong nhà mình. Về phương diện nầy, tôi cho có ba truyện đáng chú ý là:

"Tình Yêu Mong Manh" nói về một phụ nữ tên Thu Hường, thương cuồng nhiệt một người nhạc sĩ đã có vợ, có con, chấp nhận cả tình-cảnh lép vế là tình-nhân thôi mà cũng không gặp mặt khi người tình đau ốm rồi chết. Cô bạn trẻ lúc đầu trách móc Thu Hường nhưng sau nhiều năm ở Mỹ về, thấy lòng dịu đi và hiểu cho Thu Hường, người đã chấp nhận sống cho một cuộc tình lớn, cuộc tình với một nhạc-sĩ cũng cỡ trung bình nhưng nhờ có tình yêu mà thành tác-giả của một bài ca bất hủ..."Quê hương là chùm khế ngọt, cho con trèo hái mỗi ngày. Quê hương là đường đi học, con về rợp bướm vàng bay..."

Trong "Khi Mặt Trời Đã Lặn" ông Hưng, một cán bộ miền Nam đi tập kết trở về, lòng đầy tin tưởng ở Mác Lê, Bác và Đảng. Nhưng thực tế miền Nam ngày càng cho ông thấy ông sai và Đảng của ông lại càng sai thậm tệ. Từ mâu thuẫn gay gắt với đứa con ông để lại tên Tuấn, mà người mẹ, tức vợ ông chỉ biết âm thầm chịu đựng, ông thấy "cuộc đời ông cũng giống như chiếc bóng kia đang vỡ tan ra dưới mặt nước trong một cái mương nhỏ bé" (t. 170) để rồi cuối cùng phải công-nhận là lầm lỗi của những người như ông đã mang đến một cái giá quá đắt: không riêng gì cuộc đời của ba người trong một gia đình bị tan nát một thời gian dài mà cả dân tộc đã phải trả giá bằng "nghèo khổ, dốt nát" (t. 179).

"Cô Bé Bên Giàn Hoa Giấy Đỏ" là điểm hồng, nét lạc quan trong toàn bộ tập truyện. Ởû đây không còn mâu thuẫn Quốc-Cộng nữa vì chuyện xảy ra ở Mỹ, song là mâu thuẫn giữa hai nếp sống, một cổ-hủ mang từ Việt Nam và một tân tiến, thoái mái, tự nhiên và, có lẽ tác-giả ngụ ý, lành mạnh hơn chăng.

Chỉ có một truyện trong toàn tập mà tôi xem không được thuyết phục lắm, đó là truyện "Tàn Một Đêm Thu" nói về hai người tình từ Việt Nam gặp lại rất nhiều năm sau ở Mỹ trong một party hoá-trang nên không thể nhận được ra nhau. Điều nầy xem ra rất có thể xảy ra như tác giả viết, nhưng tôi như một người làm phát thanh xin tỏ ra rất nghi ngờ là người đàn ông kia lại không nhận ra giọng nói của người tình cũ sau khi đã nói chuyện với nhau suốt cả buổi chiều.

George Mason Metro Campus
Ngày ra mắt sách
7-June-2003

 

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002