Đại Chúng số 99 - Ngày 1 tháng 6 năm 2002

Duramax

GẪM SỰ ĐỜI
CÁI CƯỜI CỦA TRANG TỬ

Ngu Ý SP

Lão Tử và Trang Tử cùng đưa ra một triết thuyết nói về cái Đạo của con người. Cái Đạo của hai ông về sau này được mọi người hưởng ứng và gọi là Đạo Gia và cũng còn gọi là thuyết của Lão Trang.

Hai tiếng Đạo Gia là cách nói tắt hay viết tắt của từ Đạo Đức Gia mà ra. Triết thuyết của Lão Trang cao rộng uyên thâm, có ảnh hưởng đến đời sống con người. Lão Tử tức Lão Đam người nước Sở, sinh ra giữa thời Xuân Thu Chiến Quốc. Xu hướng của ông là "Vị Ngã" mà khinh vật trọng sinh, tức là coi thường mọi vật trong đời sống của con người.Tư tưởng này ông chịu ảnh hưởng của Dương Chu mà sáng lập ra phái Đạo Gia này. Còn Trang Tử là họ Trang tên Chu, ông là người ẩn sĩ, thường bảo là mình chỉ lội trong dòng suối mà tìm sự vui thú, không chịu khuất mình trước vòng danh lợi để bị ràng buộc bởi cái bã phù vinh danh lợi.

Lão và Trang đều kinh qua bao nhiêu cuộc bể dâu trong trường đời. Hai ông cùng chống lại cái thấp hèn của hạng người: "lấy cái mình ăn làm vui, coi cái mình mặc làm đẹp, yên tâm với nơi mình ở, vui lòng với thói tục... thấp hèn"! Với ông thì không vậy. Ông đặt phú quí, bần tiện, đắc thất, vinh nhục ra một bên, mà chủ trương đi tiêu dao, tìm chốn thanh tịnh, sống cuộc sống đạm bạc, vui với cái vô vi lặng lẽ... Theo Lão Trang đời chẳng là cái gì cả. Ông không coi trọng cái sống mà cũng chẳng run sợ trước cái chết.

Như câu chuyện dưới đây nói lên điều ấy :

"Trang Tử gần chết, nhìn thấy các đệ tử của mình lăn xăn lo việc hậu táng. Trang Tử gọi lại hỏi:

- Các ngươi làm gì thế?

- Thưa, chúng con lo việc tang ma cho Thầy...

Trang Tử không cho:

- Ta chết đi có trời đất làm quan quách, có nhật nguyệt là ngọc bích, có tinh tú là ngọc châu, có vạn vật làm lễ táng... Há đám tang như thế chẳng đủ lắm sao? Bày chi lắm việc.

Đệ tử thưa:

- Chỉ vì chúng con sợ diều quạ ăn mất xác thầy!

Trang Tử cười nói:

- Trên thì có diều quạ ăn, dưới thì có dòi kiến rúc rỉa. Cướp đây cho đó, sao lại có thiên lệch thế?!

Nói xong, Trang Tử cười lên rồi chết.

Câu nói bất hủ đó, lại thêm có tiếng cười khinh mạng của một thánh nhân chẳng thiết tha gì cái với cái tham vọng của hạng người khi chết vẫn còn màng tưởng đến tiếng tăm để nêu cao cái thanh thế hảo của mình!

Cũng nhờ tiếng cười của Trang Tử mà thức tỉnh được một số người, không còn chạy theo cái dục vọng thường tình mà chính họ đã góp phần làm ô nhiểm đời sống đạo đức trong xã hội. Ông Paul Claudel đã kêu lên khi đọc đến cái triết thuyết của Trang Tử: “Hả? Ông nói thế nào? Thật là kinh tởm. Thật là ngu ngốc.Thật là vô sỉ. Quá lắm rồi, đó nha! Đằng ấy đã đi xa lắm lắm rồi! À! Thì ra ông đã dua mị những thiên tính xấu nhất của tôi, ông cũng đã khám phá một cách trắng trợn những ý nghĩ thầm kín mà chính tôi đã không dám thú nhận! (Ôi!) Khi nghe ông nói khiến lương tâm tôi bị giày vò, ray rức, nhưng mà (ông ơi! thú thật với ông rằng là... ) tôi cảm thấy nó đê mê, (và) sảng khoái làm sao! *

Ngu Ý SP

*... "Comment dis-tu? Horrible! Idiot, scandaleux! C'est trop! Tu vas trop loin! Ah, tu d'évoiles cyniquement mes pensées inavouables! Je t'écoute avec remords et ravissement!" (L'Oiseau noir dans le soleil levant).

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002