Đại Chúng số 99 - Ngày 1 tháng 6 năm 2002

Duramax


Điểm sách

CON ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN TÂM LINH: MỘT TÁC PHẨM VỀ ĐẠO PHẬT ĐI VÀO CUỘC SỐNG

Trương Quang

Tôi được đọc tập sách “Con Đường Phát Triển Tâm Linh” của thượng tọa Thích Trí Hoằng, viện chủ chùa Hải Ấn mới ấn hành, được kết tập những bài thầy đã viết trên các bản tin của chùa. Một tập sách dày chỉ 150 trang mà hàm chứa một kho kiến thức sâu sắc, qua nhãn quan xuyên thấu việc đạo việc đời được diễn đạt bằng lời văn chính xác, ngắn gọn và mạch lạc.

Những sách viết về tôn giáo là tín ngưỡng truyền thừa, truyền đạt những tín điều bất khả biện giải thì rất nhiều. Hôm nay, chúng ta nhận diện “Con Đường Phát Triển Tâm Linh” là tập sách Phật giáo đi vào cuộc sống, đưa giáo lý vào thực dụng hữu ích, dẫn dắt Phật tử theo một nhân sinh quan nhập thế để đạt đến cảnh giới niết bàn tự tại.

Thầy Thích Trí Hoằng đã kết hợp giữa kiến thức hiện đại của một giáo sư đại học Âu –Mỹ với tính tâm của hàng giáo phẩm cao cấp Việt Nam để viết nên 6 chương trong Con Đường Phát Triển Tâm Linh như một triết lý về đời sống rất thực dụng và hữu ích cho thể xác và tâm hồn.

- Ở chương một, thầy đi ngay vào đức Phật và Con người với quan niệm vềgiaỉ thoát. Đức Phật xem con người là tối thượng, có khả năng làm chủ vận mệnh của mình. Mỗi người đều có Phật tính, do đó đạo Phật khởi đi từ con người và tìm thấy Niết bàn ngay trong tự tâm, chứ không cần ở thần thánh xa vời. Đạo Phật không bày ra hệ thống giáo điều để nô lệ hóa con người, không chấp nhận những tín điều phi lý bắt giáo dân phải tuân phục có thể dẫn đến những hành động phi nhân như ta đã từng biết.

Đức Phật dạy: “Nước trong bốn bể chỉ có một vị mặn, đạo của ta chỉ có một vị là giải thoát”. Bước khởi đầu trên con đường giải thoát là Tứ diệu đế và Bát chánh đạo. Ngài chỉ đường cho ta đi, như được thể nghiệm trong câu ẩn dụ: “Theo ngón tay ta chỉ để thấy được mặt trăng, ngón tay ta không phải là mặt trăng".

Đạo Phật rèn luyện trí tuệ và từ bi cho con người trong xử thế tiếp vật. Có trí tuệ mới biết lẽ phải trái để hành xử, có từ bi mới có được yên ổn, hạnh phúc.

- Ở chương 2 thầy chỉ rõ khả năng dung hợp những cá biệt, hóa giải những đối nghịch trong lịch sử và bảo tồn truyền thống tam giáo đồng nguyên. Cả 3 hệ thống tư tưởng trên tạo cho người Việt cư xử với nhau theo cương thường, hữu vi nhập thế của Khổng giáo, biết tiêu dao nhàn nhã, vô vi xuất thế của Lão Giáo và sinh thuận tử an, tự tại giải thoát của Phật giáo.

Thế chân vạc vững chắc trong hệ tư tưởng tam giác đồng nguyên dưới thời Lý và Trần (dù ở hai triều đại này Phật giáo rất mạnh, nhưng không độc tôn). Sang nhà Lê, Nho giáo độc tôn nên Lão và Phật bị châm biếm. Suốt cả thời Nam Bắc triều, Trịnh Nguyễn phân tranh, đến thời kỳ súng đạn và cơ khí làm chủ, Phật giáo rời bỏ triều đình, về sống tiềm tàng nơi thôn làng, ngay trong lòng dân tộc. Con đường cứu nguy tổ quốc hiện nay là trở về với văn hóa dân tộc, tất nhiên không thể thiếu vắng nền văn hóa Phật giáo.

Chữ quốc ngữ được thay thế chữ nho và chữ nôm là hình thái thâu hóa văn minh Tây phương rõ ràng nhất. Vận mạng dân tộc gắn liền với sự thăng trầm Phật giáo.

- Trong chương 3, thầy khai triển các lợi ích của sự ăn chay cả về thân và tâm. Các chứng bệnh về tim, chứng tai biến mạch máu não (stroke), các chứng bệnh về đường tiêu hóa, bệnh xốp xương, ung thư ngực, ung thư xương (colon cancer), ung thư nhiếp hộ tuyến (pristate cancer) và các bệnh truyền nhiễm được giảm thiểu vì biết ăn chay – bác sĩ kết luận như vậy – Pháp môn ănn chay trường hay định kỳ giữ thân tâm thanh thản, lòng từ bi được tăng trưởng, làm giảm nạn đói (bởi vì có được 1kg thịt bò phải cần đến 15 kg ngũ cốc) và giữ môi trường sống được trong sạch (cứ mỗi quarter pound thịt bò phải phá hủy 55 square feet rừng và thải ra 500 pounds carbondioxide, dùng đến 625 gallons nước!) Chỉ vì miếng ăn mà "tham thực cực thân", vậy ăn chay là giải pháp tối hảo.

- Ở chương 4, thầy chỉ dẫn pháp môn lạy Phật được phổ biến trong các tông phái Phật giáo. Lạy Phật là phép tu căn bản của Phật giáo Tây Tạng, từ đó ta hiểu được dân Tây Tạng có đời sống khỏe mạnh trên đỉnh núi tuyết phủ và ở độ cao thiếu dưỡng khí. Nếu bơi lội là môn thể dục tốt nhất thì động tác lạy Phật cũng tương tự như vậy. Khi lạy, các huyệt đạo trong cơ thể được tác động, kích thích các luân xa ở châu thân, thúc đẩy máu huyết kinh mạch lưu thông nhuần nhuyễn. Lạy Phật là điều tâm để thanh tịnh ba nghiệp thâu, khẩu, ý. Khi lạy, tahạ mình xuống đất là thực hiện đức khiêm cung. Cách đơn giản nhất là lạy Phật theo hơi thở.

- Trong chương 5, thầy khai triển về "Thiền Âm Thanh", thiền tông dùng sự tĩnh tọa để đạt đến sự tĩnh tâm; mật tông có khi dùng màu sắc, có khi dùng âm thanh làm phương thức hành trì; tịnh độ tông dùng âm nhạc là phương thức hành trì quan trọng nhất. Nhạc khí trong tịnh độ tông rất phong phú như: chuông, mõ, trống, tang, linh, khánh, ốc, mộc bảng, thanh la, não bạt, phách, chén ... Nền âm nhạc Phật giáo Việt Nam rất phong phú tạo được không khí trang nghiêm và giải thoát khi hành lễ. Chuông chùa có tiếng vang trầm ấm, từng tiếng chuông thong thả ngân xa giúp cho hành giả có thì giờ chiêm nghiệm nội tâm.

Ngày nay, với sự thâu nhập của nhạc cụ và nhạc lý Tây phương càng phong phú hóa nhạc thiền Phật giáo. Thiền âm thanh là pháp môn dùng âm thanh để tu tập, âm thanh trở thành phương tiện để tịnh tâm, để khai mở, tâm linh mầu nhiệm tiềm ẩn trong mỗi người chúng ta.

Sự đọc, tụng kinh kệ chú trọng vào tính thành tâm. Căn bản của các điệu tán tụng vẫn lấy thanh âm trầm thấp và nhịp điệu đều đặn theo hơi thở trong mục đích an tâm. Như khi niệm một danh hiệu Phật, lâu ngày danh hiệu ấy quan hệ mật thiết với ta trên cả lý trí và tình cảm: sự điều tâm được thành tựu.

- Ở chương 6, thầy Thích Trí Hoằng phát huy Phật tính ở mỗi người con Phật. Thầy chỉ rõ: "Người tu tịnh độ cũng có thể kinh nghiệm được cảnh giới Cực lạc ngay tại thế giới này. Đó cũng là ý nghĩa của điều dạy trong kinh A-Di-Đà. Nếu có người phát nguyện sanh về cõi Tịnh độ, thì người đó trong lúc phát nguyện đã đạt quả vị giác ngộ cao tột không thối chuyển và đã có mặt tại tây phương Cực lạc, tuy thân xác vẫn còn tại cõi Ta-Bà".

Và thầy tóm tắt: "Tịnh độ tông với phương pháp hành trì đơn giản, thiết thực và trực tiếp sẽ là những đóng góp lớn trong công cuộc hoằng pháp tại phương Tây".

Phần phụ trương được đặt sau trang cuối mỗi chương, thầy Viện chủ phóng bút các đại tự: Phật, Không, Thuận, Ngộ, Trí, Xả, cổ kính và diễm nguyệt. Nếu nói mỗi chữ Hán ấy là một bức họa cũng không phải là quá đáng. Bàn tay truyền vũ khúc xuống bút lông lướt nhanh trên mặt giấy, khi nhấn mạnh đậm nét, khi buông lơi như gió đùa ngọn cỏ. Nét bút phóng khoáng, buông xả theo phong cách nhà Phật.

Tôi đã đọc tập sách “Con Đường Phát Triển Tâm Linh” của thầy Thích Trí Hoằng đến lần thứ hai, càng tâm đắc về tính cách hòa nhập đạo Phật vào đời sống thực tế và cứu cánh Niết bàn không phải vọng cầu viễn vông mà chính ở tự thân.

Connecticut, tháng 4/2002

Trương Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002