Đại Chúng số 98 - Ngày 15 tháng 5 năm 2002

Duramax

ĐỌC BÁO DÙM BẠN

Ký Điệu ghi lại

MỘT NGÔI TRƯỜNG CHO TRẺ EM NGHÈO TẠI VIỆT NAM

(Trích từ Việt Báo Daily News,ngày 20/4/2002)

Phái đoàn Hội Việt Nam Children Fund (VCF) với sự tham dự đặc biệt của Ông Peter Peterson (cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam) (người vừa trở lại miền Bắc VN để khánh thành thêm một số trường học mới xây xong). Hội VCF (Vietnam Children Fund) do nữ diễn viên điện ảnh VN là Kiều Chinh và nhà báo Hoa Kỳ Tenry Anderson (đồng Chủ tịch) sáng lập để quyên góp xây tặng trẻ em Vietnam đến 61 ngôi trường học trị giá đến hơn $4 triệu USD. Ban Quản trị vừa họp báo tại khách sạn Metropole (Hà Nội) để loan báo thêm 10 ngôi trường đang được xây cất.

Ngôi trường đầu tiên do hội VCF xây dựng năm 1995 tại Đông Hà, Quảng Trị. Ngôi trường này mang tên Lewis B. Puller Jr, đó là một cựu chiến binh anh hùng của nước Mỹ, anh này bị cụt 2 chân trong trận chiến Khe Sanh. Trước khi qua đời anh là Giám đốc sáng lập của Hội VCF.

Rồi 7 năm sau (năm 2002) thì ngôi trường thứ 21 đã được xây xong, tại Kiến Thụy, Hải Phòng. Ngôi trường này mang tên Bà Harjes Mai Thi.

Bà Harjes Maithi là một Công tước. Bố Pháp mẹ Việt. Bà 91 tuổi, cư trú tại New York. Năm 1998 sau khi vài lần tìm hiểu hội VCF, rồi đích thân gặp nhà báo Terry Anderson thì Bà làm di chúc trao tặng toàn bộ bất động sản của bà tại những thành phố lớn giàu sang như: New York, Paris và Monaco.

Năm 2000, sau khi bà qua đời thọ 93 tuổi, thì Hội VCF quyết định bán tất cả bất động sản nói trên. Để vinh danh tên bà Hội xây một ngôi trường mang tên Bà. Ngôi trường xây xong ngày 10 April 2002, hướng dẫn đoàn viên 21 người từ Hoa Kỳ đến VN để dự lễ khánh thành ngôi trường mang tên bà.

Cùng ngày nói trên, đoàn đến khánh thành thêm ngôi trường nữa, xây tại Đại Đồng Hải Dương. Tháng tới thì thêm 2 ngôi trường sẽ xây xong tại miền Trung Việt Nam. Hiện nay 6 ngôi trường đang khởi công.

Nhà báo Terry Anderson nói với các phóng viên báo chí và quan khách tại phòng họp của khách sạn 5 sao Metropole (Hà Nội): "Thêm 10 ngôi trường nữa, sẽ nâng tổng số các ngôi trường được xây cất từ trước tới nay là 31. Không bao lâu nữa thì dự án sẽ xong đến ngôi trường thứ 61. Ngôi trường cho trẻ em, đó là ước mơ của Kiều Chinh, người nghệ sĩ sáng lập Hội này".

Tham dự buổi tiếp tân gồm có nhiều nhân vật Việt Mỹ tên tuổi, đông đảo đại diện các những công ty quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam như: City Bank, Coca Cola, FedEx, Johnson-Johnson...

Cùng tham dự có Ông bà cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Peter Peterson. Chính Ông bà Peter Peterson cũng hiến tặng xong một ngôi trường tiểu học tại An Bình, cách Hà Nội không xa, nơi này ông Peter Peterson bị bắn hạ khi ông lái Fantom.

Khi Ông Peter Peterson đứng lên nói vài điều xúc cảm đến thành quả một ngôi trường học cho trẻ em nghèo thì rất nhiều quan khách ngoại quốc ghi danh vào sỗ vàng đủ số tiền xây thêm đến ngôi trường thứ 61. Được biết mỗi ngôi trường xây trị giá trung bình là $50 ngan USD.

Góp tiền xây trường có nhiều phía như: AOL, Coca Cola, Federal Express, MCI, IBM...

Tiếp theo lời phát biểu của Peter Petrson, có một số quan khách người Việt từ Hoa Kỳ sang theo, đó là mợt số cựu quân nhân VNCH tự động quyên góp và yêu cầu xây thêm một ngôi trường tại Cao Nguyên Trung Phần, nơi mà họ từng chiến đấu chống CSVN.

Hội Viet Children Fund đặt trụ sở tại Unionville, Virginia, USA. Hiện do Bà Marcia Landau làm Giám đốc điều hành Hội VCF.

 

Tôi đã về Phát Diệm.

Trích lại từ Báo Người Việt, số 5974. (tạp ghi của Sơn Diệm Vũ ngọc Ánh)

Tôi rời bỏ Phát Diệm từ năm 1950. Vào năm đó, Đức Giáo Hoàng Pio thứ XII vẫn còn tại vị, còn Tổng thống Hoa Kỳ là Harry Truman. Thế Chiến thứ II chấm dứt chưa đầy 5 năm, Nữ Hoàng Elizabeth II vẫn còn trẻ vừa mới lấy chồng, còn cuộc chiến tranh tại Việt Nam Pháp- Việt kéo dài gần 4 năm. Còn tại vùng Miền Nam Tự Do thì thủ tướng là Nguyễn văn Tâm và Quốc trưởng Bảo Đại đang còn ơ bên Tây, ông Thủ hiến Bắc Việt Nguyễn hữu Trí. Cũng trong năm nay, trường Đại học văn Khoa được thành lập tại Hà Nội. Tôi là một trong số những sinh viên đầu tiên ghi danh vào phân khoa mới này như: Lê ngọc Huỳnh, Lê hữu Mục, Phạm việt Tuyền, Trần ngọc Huyến, Nguyễn văn Loan, Lý quốc Sỉnh, Doãn quốc Sĩ, Lê xuân Khoa v.v...

Mọi chuyện thấp thoáng như mơ, mà nay gần nữa thế kỷ rồi. Vì nhớ nhung nhiều, đêm đêm tôi thường mơ trỡ về quê cũ.

Rốt cuộc cầm lòng chẳng được, nên tháng 5 vừa qua (2001), tức là sau 51 năm xa cách, vợ chồng tôi đã đưa cháu trai đầu lòng về nhận mồ mã ông bà tại Phát Diệm.

Vì chẳng còn bà con thân thuộc nào, nên việc đầu tiên khi tôi về đến Phát Diệm là vào thẳng vào nhà thờ lớn thăm Đức Giám Mục, tức Đức Cha Nguyễn văn Yến, người Phát Diệm độc nhất mà tôi may mắn được quen biết gần đây qua thư từ và điện thoại với tư cách chủ tịch Hội truyền thống Phát Diệm. Vì trở về trong hoàn cảnh khá đặc biệt, nhất là không quen một ai mà xưa kia là nữa thân thuộc mình, nên khi gặp Đức Cha mừng mừng tủi tủi như gặp lại một người quen thân thiếc xa cách đã lâu năm.

Sau khi hàn huyên với Đức Cha, và thăm khuôn viên nhà thờ Lớn nay đã được trùng tu, chúng tôi xúc động tới tận đáy lòng.

Cũng cảnh trí nhà thờ và nhà chung đã thay đổi rất nhiều trông rất phong quang, nhưng có nhiều nơi mà tôi nhận không ra. Hai dãy nhà hai bên con đường lát gạch dẫn vào cổng nhà chung, nhà chè và ngôi nhà 2 tầng lợp bởi cụ Sáu xây cất trong vòng 1 tuần sau đó để đón toàn quyền Lannessan không còn một chút vết gì. Tôi cũng chẳng còn tìm đâu ra những cây "lái cấm" trái mọc chi chít và những luống cỏ chua me xanh mướt có mang những bông hoa nhỏ màu tím lạt trong khu vườn hoa. Dãy nhà hai tầng cổ kính phía trong cùng nhà chung cũng đã hoàn toàn biến mất, nhường chỗ cho một vườn rau cỏ dại mọc dầy. Tôi còn nhớ xưa Đức Cha Nguyễn bá Tòng ở tại 2 căn phòng đầu góc phía Tây của tòa nhà này. Trong thời kỳ khu an toàn, hai người khách ngoại quốc nổi tiếng đến tham quan Phát Diệm đó là nhà văn Graham Green và giáo sư Honey thuộc đại học Luân đôn đã được mời ở đây, trong mấy căn phòng gần đó.

Tôi không có may mắn được gặp văn hào Graham Green, nhưng được quen giáo sư Honey, thường tới thăm ông để tha hồ hút thuốc lá Ăng Lê rất hiếm thời bấy giờ. Tôi có gặp lại Ông mấy lần tại Hà Nội và sau đó 15 năm, lần cuối cùng trong một bữa tiệc khoản đãi phái đoàn Nghị sĩ Việt Nam Công Hòa tại Luân đôn. Tôi nói hơi nhiều không phải vì ông là người bạn vong niên của tôi, mà vì ông là một người Anh khá đặc biệt, rất chịu khó học hỏi và nghiên cứu các vấn đề Việt Nam (ông từng diễn thuyết về văn phạm Việt Nam tại đại học văn Khoa Saigon, và rất thích truyện Kiều). Ngoài ra ông còn là một nhân vật chống cộng rất uy tín và cũng như Đại tướng Vanuxem. Ông là một trong những người bạn hiếm hoi và trung thành với Miền Nam Tự Do và bênh vực chúng ta cho tới tận những ngày tháng cuối cùng.

Sống lưu vong nơi xứ người, tôi vẫn thường mơ ước được trở lại thăm ngôi trường cũ như ông Carnot trong sách giáo khoa thư, lớp dự bị ngày xưa. Rất tiếc trường Lasan Phát Diệm, nơi tôi từng mài đũn quần suốt thời thơ ấu, nay hầu như chẳng còn chút dấu vết gì. Hàng trăm gốc nhãn cổ thụ mà ngày xưa chúng tôi biết rất rõ từng cây, nay đều đã biến mất, nhường chỗ cho một số cây nhỏ mới trồng lại gần đây. Hai cổng Tam quan xây tàn bằng đá phía Đông và phía Tây nhà Thờ ngày trước đối với tôi là nguy nga và đồ sộ là như vậy, nay gặp lại trông nhỏ và cũ kỷ, tạo cho tôi cảm giác ngao ngán và buồn buồn khó tả. Mấy sập đá ở Phương đình cũng vậy, trông như nhỏ lại, bị nứt vỡ nhợt nhạt và bụi bặm, không có đen bóng và nhẵn nhịu như ngày xưa.

Hồi còn đi học trường thày Dòng, tôi thường cùng các bạn nằm phưỡn bụng hóng gió trên chiếc xập lớn chính giữa Phương Đình.

Lúc này, mấy người ngồi thừa lương ở đó nhớn nhát nhìn chúng tôi một cách tò mò. Đối với họ chúng tôi quả nhiên là khách phương xa. Bùi ngùi nhớ lại dĩ vãng, tôi cảm thấy Phát Diệm của hiện tại đối với tôi thực xa lạ. Thực vậy, người hướng dẫn viên nói thao thao bất tuyệt về cha Trần Lục và lịch sử xây cất nhà thờ, coi chúng tôi như là những người du khách đầu tiên tới tham quan Phát Diệm. Nói cho cùng thì đó cũng không phải là không đúng, bởi vì vợ tôi vốn người Hà Nội, và con trai tôi sanh đẻ trong nam sau 54 về Phát Diệm đây là lần thứ nhất.

Ngày xưa, Cha lớn Khâm Trần Lục cùng dân chúng Phát Diệm phải mất 20 năm mới hoàn thành được quần thổ Nhà Thờ Lớn Phát Diệm. Một công trình kiến trúc hoàn toàn bằng đá và gỗ vĩ đại, xây cất hoàn toàn theo lối cổ truyền, có thể nói là độc nhất vô nhị ở Việt Nam vào cuối thế kỷ 19. Sau chiến tranh Việt Nam, nhà thờ bị hư hại rất nhiều, ai nấy tưởng không có khả năng cơ hội trùng tu. Nhưng sau cùng, Đúc Cha Nguyễn văn Yến, hiện là Giám mục cai quản giáo phận Phát Diệm đã có thể hoàn tất công cuộc trùng tu trong vòng 4 năm với kinh phí lên tới hơn 1 triệu Mỹ kim. Công cuộc xây cất nhà Thờ Lớn cách đây 100 năm tất nhiên là hết sức vĩ đại đối với Việt Nam thời đó. Trong cái bối cảnh đặc biệt của đất nước hiện nay, công cuộc trùng tu ngày nay không kém phần công phu và kỳ vĩ. Tôi có tò mò hỏi đức Cha nhờ đâu mà Ngài có đủ phương tiện để chu toàn trong một thời gian ngắn một dự án lớn lao như vậy. Thì Ngài mĩm cười nhũn nhặn trả lời: "Cụ ơi! cũng là nhờ Chúa Quan Phòng và Đức Mẹ Mân Côi lo liệu lấy thôi, chứ thật ra chính tôi cũng chẳng hiểu tại sao chúng tôi lại có thể làm được như vậy."

Về vấn đề tự do tôn giáo, vì muốn tránh phiền phức và khó xử cho Đức Cha, tôi cố gắng nhịn không dám nhắc tới kể cả chuyện Cha Lý tranh đấu ở Miền Trung. Nhưng chuyện đó có lẽ cũng không cần nữa, vì thực sự vẫn là thực sự, và sự gian trá dù khéo dấu diếm đến cách mấy cũng chẳng có thể dấu được người dân và thế giới trong thời buổi thông tin kỹ thuật cao này.

Trước hôm chúng tôi về một ngày, Phát Diệm đã long trọng khai mạc Năm Thánh để đánh dấu Giáo Phận đã được thành lập đúng một trăm năm. Đức Cha cho biết có 8 vị Hồng Y và Giám Mục về tham dự cùng với hàng ngàn giáo dân đến từ kháp nơi trong nước. Về tình hình chung của Giáo phận, Đức Cha cho biết là số tân linh mục đã bắt đầu gia tăng một cách đáng khích lệ. Hiện nay toàn giáo phận chỉ có 28 linh mục phần lớn là già yếu, đã quá tuổi về hưu từ lâu, tuy nhiên mỗi cha kiêm nhiệm nhiều giáo xứ. Đối với việc tông đồ của một địa phận lớn như Phát Diệm quả là đồng lúa mênh mông mà thiếu thợ gặt. Tuy nhiên căn cứ vào việc trùng tu Nhà Thờ Lớn cũng như số khách hàng ngày tới hành hương và nhất là khi nhận xét thấy cái cung cách đỉnh đạc và thái độ ung dung của Đức Cha, tôi nghĩ rằng việc đạo tại Phát Diệm hiện nay có lẽ cũng không bi quan lắm.

Có thể một phần nào cái ung dung ưu điểm đặc biệt của Đức Cha là một sự pha trộn giữa hai đặc tính khác nhau của hai bậc nhân kiệt ngày xưa của Phát Diệm: đó là cái Đảm, cái Lược của Trần Lục và cái Nhu Hòa của Nguyễn bá Tòng. Nếu đó là sự an bài của bề trên, chúng ta có thể tạm yên tâm giáo phận Phát Diệm nay đã có một vị lãnh đạo khôn khéo và quả cảm. Thực ra thì trước khi về Phát Diệm, tôi có được nghe một số dư luận không mấy tốt và thuận lợi cho Đức Cha Yến. Nhưng đối với điều tai nghe mắt thấy tại chỗ, tôi quã thấy có thiện cảm và hy vọng nơi vị Giám mục trẻ tuổi này. Riêng tôi có cảm nghĩ từ xưa tới nay, để thích ứng với mỗi giai đoạn đặc biệt của lịch sử giáo phận, hình như Chúa đã sắp xếp cho Phát Diệm một vị lãnh đạo cũng đặc biệt. Từ khi Cha Lớn Khâm Trần Lục tới các đức Cha Marcou Thành, Nguyễn bá Tòng, Lê hữu Từ, Bùi chu Tạo, ai ai cũng đóng vai trò đặc biệt của mình một cách rất ngoạn mục. Nay đến lượt Đức Cha Yến chúng ta ai nấy nên cầu mong Đức Cha sẽ đóng trọn vai trò của mình trong cái giai đoạn kha đặc biệt và khó khăn này sao cho xuất sắc, đẹp mắt thuận với ý Bề Trên và lòng người. Sau cuộc viếng thăm nhà Thò Lớn đầy xúc cảm vui buồn lẫn lộn, chúng tôi thấy được như được an ủi và đền bù một phần nào khi được Đức Cha cho hưởng dụng một bữa ăn thuần túy thanh đạm miền đồng bể với những món ăn mà kể từ khi di cư vào Nam, rồi sang đến Hoa Kỳ tôi thường thấy trong giấc mơ.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002