Đại Chúng số 98 - Ngày 15 tháng 5 năm 2002

Duramax

TRUYỀN THỐNG DÂN TỘC:

ĐÔI Ý KIẾN “KHI VIẾT VỀ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA DÂN TỘC”

Rất nhiều người đã và đang viết về “Truyền thống Văn hóa Dân tộc”. Tại hải ngoại cũng đông người âm thầm làm công việc đó dù biết rằng tác phẩm được in ra khó bán được nhiều. Đây là việc làm "trí thức" khó khăn, đòi hỏi nhiều tài liệu, công phu và suy tư rốt ráo. Một việc làm cần thiết không chỉ để soi sáng lại quá khứ mà còn để "chỉ hướng" cho tương lai. Bao nhiêu tác phẩm đã ra đời: “Tình tự Dân tộc qua Ca dao, Dân ca" của Võ Thủ Tịnh, "Luận cương về Văn hóa Việt Nam” của Vũ Ký, “Đạo Sống Việt” của Tủ sách Việt Thường (do nhiều tác giả, xuất bản tại Houston-Texas năm 2000), “Vấn đề Văn hóa Việt Nam” của Hoài Nguyên và Đinh Khang Hoạt (Hoa Kỳ 1994) và bao bao nữa, tiếc rằng chúng tôi không nhớ hết. Bao nhiêu tên tuổi đã từng được quen biết hay mới xuất hiện gần đây như “Thái Văn Kiểm, Võ Thu Tịnh, Vũ Ký, Duy Khang Đinh Khang Hoạt, Đào Văn Dương, Huệ Tâm, Vĩnh Như (Lữ Tấn Hồng),.... Không chỉ riêng tác phẩm được in ấn mà còn báo chí, tập san như tạp chí "Tư Tưởng" tại Úc,...cùng nhiều bài trên Internet. Qua những tác phẩm và tác giả đó, ta thấy “Truyền thống Văn hóa Dân tộc” luôn luôn sống động nơi lòng người dù đang lận đận tha hương, dù đang tuổi đời chồng chất, dù phải long đong cho mưu sinh thường nhật. Thật đáng quí hóa, đáng ca ngợi, đáng khâm phục và cần ủng hộ, tiếp sức cho những công trình "vì nước, vì dân" cao quí đó.

Nơi đây, chúng tôi, đứng vào vị trí người bình dân và lớp trẻ hiện nay, xin góp đôi ý kiến để việc “biên khảo về Truyền thống Văn hóa Dân tộc” đáp ứng được tâm lý của giới trẻ cùng yêu cầu của cuộc sống lớp trẻ nầy nơi hải ngoại.

Viết về “Truyền thống Văn hóa Dân tộc”, không chỉ để “nhắc” lại những gì xưa cũ với ít nhiều tán tụng mà còn phải "mở rộng" những tinh hoa trong Truyền thống đó. Truyền thống không thể chỉ được xem là những gì ta đã tiếp thu và có nhiệm vụ truyền đạt lại. Như thế cũng tốt nhưng nếu chỉ chừng đó thì lớp trẻ, nếu có đọc, chỉ biết “quá khứ” chứ không thấy truyền thống đó ứng dụng được gì vào hiện tại và tương lai. Những tác phẩm ca tụng, đề cao tinh hoa của truyền thống thì lớp trẻ có "tự hào" về truyền thống cũng sẽ bảo rằng "Vâng, thật đáng quí nhưng cũng là quá khứ rồi". Cái cần thiết của lớp trẻ là cuộc sống của chúng bây giờ và trong những ngày tới. Vì thế, ta cần "đổi chiều suy nghĩ". Nêu lại Truyền thống không chỉ để "biết" mà còn để "dùng", có nghĩa phải "tái tạo" lại ý nghĩa của Truyền thống để vừa thoát ra tâm lý "thủ cựu, bảo thủ" vừa "mở rộng, phát huy" Truyền thống thích hợp với diễn tiến lịch sử trong dòng tiến hóa chung của nhân loại. Có thế, giới trẻ mới thấy Truyền thống có tác dụng đến tâm tư và cuộc sống của chúng, đồng thời tin tưởng vào hướng tiến của dân tộc và ta sẽ không phải đau buồn "lên án" giới trẻ hiện nay là "quên gốc, quên nguồn". Truyền thống Văn hóa một Dân tộc là những "tiếng lời" không chỉ "đã nói" (parole parlée) mà "đang nói" (parole parlante), mãi mãi "đang nói" qua từng thế hệ.. Gạn lọc trong Truyền thống những gì được xem là "muôn đời” ứng hợp với cuộc sống, cuộc đời và loại bỏ những gì chỉ thích hợp với từng giai đoạn đã qua. Trong chiều hướng đó, mỗi khi viết về Văn hóa Việt Nam, ta nên luôn luôn mở rộng để đưa người đọc trầm tư về truyền thống trong những giai đoạn đã qua không chỉ để “biết” mà để thấy rằng “phát huy truyền đó là điều cần thiết không chỉ để ứng xử trong cuộc sống bây giờ mà còn là hướng đi, hướng tiến của cả dân tộc ta bây giờ và mai nầy phù hợp với hướng tiến tất yếu của nhân loạiõ. Chúng tôi quan niệm "Truyền thống là những thảm cỏ xanh trên nền mộ cổ". Những "thảm cỏ xanh" từ những nấm mồ vươn lên, xanh mãi với thời gian, biểu hiện sức sống tiềm tàng cho những lớp người kế tiếp. Viết về Truyền thống không chỉ đơn thuần làm công việc "khảo cổ" mà còn là "cải tân" (renouveler) truyền thống, "tái tạo" (recréer) ý nghĩa của truyền thống phù hợp với vận hành lịch sử bây giờ và ngày tới. Tóm lại, "phải tìm ra nơi Truyền thống những "mật hiệu", những "Tín hiệu di truyền" (code génétique) của dân tộc trong cái “Tín hiệu di truyền” căn bản, căn cơ của chủng loại người. Nói thế, sẽ có thể bảo là những "xác quyết vô bằng", thiếu luận chứng. Xin nêu minh chứng.

Khi nói "Hướng vọng về Nguồn" nơi tâm lý người Việt và nơi thi ca Việt Nam, ta không chỉ giới hạn cái “Nguồn” đó là "Quốc Tổ Hùng Vương", là "buổi đầu dựng nước" hay là Tổ Quốc, Quê Hương mà mở rộng cái "Nguồn" đó là "Cội Nguồn" (Origine) của cả con người và vũ trụ. Và chỉ riêng Dân tộc Việt Nam mới tiềm tàng cái ý hướng Về Nguồn đó sâu sắc và thường hằng hơn một số dân tộc khác bỡi lẽ Lịch sử Nó, bỡi dòng Sử mệnh của Nó. "Trở về với Cội Nguồn" chính là "hướng đến Tương lai" vì "Cội Nguồn luôn dịch chuyển về Tương lai", cái "Khởi nguyên trở về trong cái Chung cục". Có như thế ta mới dung hợp được quan điểm “Ta là Alpha và Oméga, là đầu và là rốt" của Thánh Kinh Ky-Tô-giáo cùng với lời Phật "Hồi đầu thị ngạn”. Ta cũng dung hợp được với quan điểm của Khoa học ngày nay đang truy tầm “Cội Nguồn” vũ trụ và nhân sinh, đang đi tìm một "Lý thuyết nhất thống toàn triệt" (Théorie complète unifiée, Théorie du Tout) hầu giải thích được toàn diện mọi diễn biến của vũ trụ và nhân sinh. Mở rộng như thế, giới trẻ sẽ thấy rằng dân tộc ta đã mang sẵn những gì mà hai Tôn giáo lớn trên thế giới đã đề cập và Khoa học cũng đang trên đường đó vì "khuynh hướng chung của Toán học, Khoa học là phá vỡ dần mọi qui ước để tiến tới khám phá cho kỳ được cái không còn có thể qui ước, cái thoát ra khỏi mọi qui ước, cái không còn cần đến qui ước tức Cội Nguồn, cái Thể thống nhất ban sơ, nền tảng, nguồn gốc của cõi sắc giới, cõi hiện tượng qui ước".

Khi đề cao “Tình Nghĩa” nơi Văn hóa Việt Nam, nói về sự sống chung của cha mẹ già với con cái, ta cần mở rộng để thấy rằng điều đó không chỉ để biểu hiện sự “đoàn kết gia tộc" mà còn là điều cần thiết, tiết kiệm được bao nhiêu tiền nong cho gia đình, cho con cái. Người Tây phương không phải vì thiếu tình người, thiếu lòng hiếu thảo nhưng vì tính cách "hợp lý hóa trong tổ chức xã hội" (société rationalisée, standardisée) nên dự phòng những bất trắc xảy ra về sức khoẻ, về tai nạn cho ngưồi già. Xã hội Tây phương ngại rằng để cha mẹ già yếu ở nhà một mình (vì con cái đều đi học, đi làm), rủi ro cha mẹ bịnh bất ngờ phải chết hoặc có kẻ lạ vào cướp của, giết người, lấy ai giúp đỡ, chở che. Trong trường hợp đó con cái phải chịu trách nhiệm trước luật pháp. Nếu con cái muốn “nuôi” cha mẹ già tại nhà thì phải mướn người thường xuyên chăm sóc. Do đó, tiện lợi nhất là gởi cha mẹ vào nhà Dưỡng lão và hàng tháng con cái gởi ít tiền vào Nhà Dưỡng lão hay một cơ sở Nhà nước hay tư nhân nào đó hoặc chẳng cần phải gởi vì cha mẹ già đã có tiền hưu trí hoặc tiền trợ cấp già nua của An sinh xã hội. Con cái không còn phải lo lắng nữa vì đã có nhà Dưỡng lão chăm sóc cha mẹ mình rồi nên dành thì giờ cho vui chơi, hường lạc theo Tự do cá nhân của mình. Lòng hiếu thảo dần dần phai nhạtá. Cha mẹ già nơi nhà Dưỡng lão chẳng mấy vui, hiu hắt buồn vì cô đơn, có thể phải mắc bao chứng bịnh tâm thần. Tiện lợi lắm nhưng "tình người" mất biến vì không còn trực tiếp giữa "người và người" mà thông qua tổ chức, nhiều khi lạnh lùng vì người làm tại Viện dưỡng lão cũng theo "giờ công, ngày công" như những công chức trong các cơ quan khác. "Cha mẹ già sống chung với con cái", điều nầy không riêng để tình thương và đạo đức được duy trì mà còn có lợi vì con cái khỏi phải muớn người chăm nom, khỏi phải gởi tiền vào Viện Dưỡng lão và căn nhà được âm cúng, không phải lạnh vắng, hoang liêu trong những ngày cuối tuần, con cái du ngoạn hay tìm vui theo sở thích nơi xa. Tuy có thể có nhiều bực bội vì cha mẹ già lẫm cẫm, khó tính nhưng biết "chịu đựng cho nhau" là biểu hiện cao quí của tình yêu thương. Gia đình Việt Nam bao giờ cũng có người ở nhà, do đó xã hội Việt Nam ít có những trường hợp kẻ cướp xông vào nhà cướp của, giết người một khi mọi quí kim hay tiền bạc được gởi vào nhà băng hay đầu tư vào các cơ sở kỹ nghệ, doanh thương. Xã hội Việt Nam trước nay cũng rất ít trường hợp "bắt cóc người để tống tiền" như xã hội Tây phương ngày nay do sa đọa của đạo đức vì nhiều lý do. Mở rộng như thế sẽ giúp giới trẻ ngày nay thấy được phần tốt đẹp của Văn hóa Việt Nam để luôn luôn gần gũi cha mẹ, chăm sóc, tôn trọng và yêu thương cha mẹ, bớt vì "tiện lợi", vì ham vui mà bỏ bê cha mẹ già, phó mặc cho nhà Dưỡng lão hay cơ quan từ thiện. Trong tác phẩm “Con đường cầu tre”, hai tác giả Huy Phong và Yến Anh đã bao ân hận, dày vò vì đã phải đưa cha già của mình vào "nhà già Skyline HeathCare Center" để cha phải chết trong cô đơn, hiu hắt, lạnh buồn (nhưng biết sao hơn, nơi xứ người và trong guồng máy tổ chức của xã hội Âu Mỹ, con cái đều phải nai lưng kéo cày kiếm cơm từng bữa). Cần nhận xét và phân tích chi ly xã hội Âu Mỹ để nhìn ra những cái hay, cái dở, từ đó nhận định được một số tinh hoa trong Truyền thống dân tộc chúng ta có thể vừa tiết kiệm công sức gia đình, vừa không làm hao tốn ngân sách xã họi, vừa ngăn ngừa bao chứng bịnh cho tuổi già, tuổi nhỏ. Vấn đề cần thiết là phải "nâng cao dân trí" không chỉ riêng "dân trí về mặt trí tuệ" mà cả "dân trí về mặt tình cảm".

Do sự "mở rộng” đó nên, chúng tôi nghĩ mọi biên khảo về Truyền thống Văn hóa Dân tộc không chỉ là "biên khảo thuần túy giáo khoa" mà nên là những "biên khảo có tính cách sáng tạo" vì cần thiết phải "tái tạo" cùng "cải tân" ý nghĩa của Truyền thống. Mỗi tác phẩm biên khảo, dù về mặt nào, cũng hàm chứa phần tư tưởng vì rằng "mọi con đường tư tưởng đều đã luôn luôn dịch chuyển bên trong mối quan hệ giữa Hằng Thể với con người, nếu không như thế thì không là tư tưởng" (tout chemin de pensée va toujours déjà à l"intérieur de la relation de l"Être et de l"être humain - sinon ce n"est pas une pensée - M. Heidegger). Không nêu bật để giúp người đọc thấy rằng “sự cần thiết của Văn hóa Dân tộc Việt Nam vừa đáp ứng được yêu cầu của lịch sử dân tộc trong hiện nay và ngày tới, vừa phù hợp với hướng tiến của nhân loại" thì mọi công trình biên khảo chỉ có giá trị "khảo cổ", "giáo khoa" để rồi than van giới trẻ ngày nay "suy đồi, mất gốc" và giới trẻ lại cho rằng chúng ta là những kẻ "thủ cựu", hoài vọng quá khứ, chẳng thiết gì tương lai của những thế hệ đàn em. Dĩ nhiên công việc nầy đòi hỏi rất nhiều suy tư để nhận ra những gì là "tín hiệu muôn đời" nơi truyền thống và những gì chỉ phù hợp với từng giai đoạn lịch sử đã qua. Như thế, có nghĩa phải “đãi lọc” để cách tân cái cũ và làm "sáng hiện" những gì gọi là "tinh hoa" chứa đựng nơi truyền thống hầu ứng dụng vào thực tại hiện nay và ngày tới. Thêm nữa, cần "nhận diện" rõ Văn hóa và xã hội các nước tiền tiến văn minh hiện nay để nhận ra những gì là "tín hiệu muôn đời" và những gì chỉ là “tín hiệu giai đoạn, nhất thời” do cuốn hút của thời trang. Từ đó, ta thêm dữ kiện để “dung hợp” những tinh hoa của họ với tinh hoa của ta, đưa đến một “nền tảng”, một “căn bản” xây dựng con ngưồi và xã hội mỗi ngày một "nhân bản" hơn lên.

Trong tác phẩm "Buồn xưa bây giờ", qua bài thơ "Kontum bỗng nhớ", Thụy Khanh đã viết:

...Có màu xanh thảo mộc

Trên sỏi đá hôm qua

Có bầy chim tấu khúc

Trên cổ thụ gầy khô

.........................

Mùa Xuân rồi sẽ tới

Nụ đời sẽ dâng hoa

Bài hành ca sông núi

Khởi từ câu hát ru.

Tìm ra được "màu xanh" trên "sỏi đá hôm qua", nhìn ra được khúc vui của bầy chim trên cành cổ thụ gầy khô, ta mới thấy Truyền thống không là cái gì của một thời đã qua, nay chỉ còn là dư vang, là "vang bóng một thời" mà, ngược lại, luôn luôn là nền tảng tạo nên "sức sống", "hy vọng", "khí lực để gìn giữ, nuôi dưỡng và "tạo dựng" cho các thế hệ tiếp nối.

Chúng tôi nghĩ, mỗi một tác phẩm hay viết lách gì có tính cách Văn hóa phải được xem như là một “thông điệp” trao gởi đến mọi người, một thông điệp dấy động lòng người hướng đến một cái gì cao diệu, lung linh chứ không chỉ dừng lại ở hiện thực tâm lý, ở sở thích, ở thân phận và cuộc sống đương tại của tác giả cũng như của bạn đọc. Viết “cho mình" là để viết cho người, cho đờiá; nói về “con người mình" là để nói về "con người chung" của tập thể dân tộc, của nhân loại. "Con người Việt Nam cá thể nơi mình" phải hòa hợp với "con người tổng thể Việt Nam của Dân tộc"; cặp phạm trù "Cá thể - Tập thể" hay rộng hơn "Cá thể - Chủng loại" (Individu - Espèce) không nên tách rời trong mọi viết lách về Văn hóa vì "Tự tại với chính mình là tự tại một-trong-hai" (Être soi, c"est être un-en-deux - Karl Jaspers). Đấy có thể là cái "Tín hiệu di truyền" muôn đời về mặt tình cảm, tâm linh.

-Trao gởi cùng nhau tín hiệu vui

Người dù sao nữa vẫn yêu người

Bài ca truyền thống thiên niên kỷ

Sóng nhịp theo ta mỗi bước đời.

Nguyễn Thùy

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002