Đại Chúng số 98 - Ngày 15 tháng 5 năm 2002

Duramax

CÔ GÁI AFGHANISTAN CÓ ĐÔI MẮT THU HỒN ĐÃ CÓ NHỮNG GIÂY PHÚT NHỚ LẠI CHUYỆN 17 NĂM VỀ TRƯỚC NGƯỜI NHIẾP ẢNH GIA ĐÃ CHỤP HÌNH CÔ

By Cathy Newman
National Geographic Senior Writer
Photographs by Steve Mc Curry

Phong Thu chuyển ngữ

Cô gái nhớ lại là cô đã tỏ thái độ khó chịu trước một người đàn ông xa lạ. Cô chưa bao giờ chụp hình trước đó. Và cô cũng chưa bao giờ chụp hình, trừ khi cô gặp lại người nhiếp ảnh gia sau 17 năm.

Ông Steve Mc Curry, người nhiếp ảnh gia cũng đã nhớ lại những giây phút gặp cô gái và chụp hình cô. Một tia sáng mờ nhạt của quá khứ đã sống lại trong trí nhớ của ông về câu chuyện bức chân dung cô gái. Trại tị nạn ở Pakistan là những chiếc lều màu xanh rộng lớn nối tiếp như biển. Trong một căn lều dành làm trường học, ông Steve Mc Curry đã chú ý đến cô gái trước tiên. Cô có vẽ mắc cở, vì vậy cô là người ông tiếp xúc sau cùng. Cô gái nói với ông rằng ông có thể chụp hình cô. "Tôi đã không nghĩ rằng tấm hình của cô gái có những nét độc đáo hơn những tấm hình khác mà tôi chụp trong ngày hôm đó” ông nhớ lại rằng ông đã chụp bức ảnh cô gái vào năm 1984 ở trại tị nạn người Afghanistan.

Bức chân dung cô gái Afghanistan được phổ biến rộng rãi và đã gây xúc động mạnh cho mọi người, và tháng 6 năm 1985 bức chân dung đã được trở thành bìa của tạp chí National Geographic. Đôi mắt của cô gái có màu xanh biếc như màu nước biển. Đôi mắt có sức hút mãnh liệt như thôi miên người đối diện, và chúng ta có thể đọc được trong đôi mắt đó một nỗi buồn, sự lạnh lùng, pha lẫn sự căm giận và niềm tha thiết đối v?i cuộc sống của một vùng đất đang phải gánh chịu một cuộc chiến tranh. Cô cũng bắt đầu biết về tạp chí National Geographic cũng như biết về câu chuyện xoay quanh “cô bé Afghan” có đôi mắt u sầu mà mãi cho đến 17 năm sau không một ai biết tên cô.

Vào tháng Giêng, ông Steve Mc Curry đã tháp tùng cùng với đài truyền hình của tạp chí National Geographic và xưởng phim Explorer đến Pakistan để tìm cô gái có đôi mắt xanh biếc thu hồn. Họ đã chiếu nhiều hình ảnh của cô xung quanh trại Nasir Bagh, một trại tị nạn vẫn còn ở đo,ù gần Peshawar, nơi ông Steve Mc Curry đã chụp bức chân dung cô gái. Một người thầy giáo trong trường đã nói là ông biết tên cô gái. Người ta đã chỉ cho họ một người đàn bà trẻ tên là Alam Bibi đang sống ở một làng gần bên, nhưng ông Mc Curry quả quyết đó không phải là người ông muốn tìm.

“Không phải cô gái đó”, người thầy giáo lắc đầu, ông nói rằng ông có nghe câu chuyện đoàn người đi tìm cô gái.

Ông biết cô gái trong bức ảnh nầy. Ông đã từng sống với cô trong trại tị nạn khi cả hai còn bé. Cô đã trở về Afghanistan từ nhiều năm qua, ông nói rằng hiện nay cô đang sống trên một ngọn núi gần Tora Bora. Ông đã tình nguyện tháp tùng với đoàn người đi tìm cô gái.

Muốn đi đến nơi cô ở phải mất ba ngày đêm. Đến làng của cô phải lái xe mất 6 tiếng đồng hồ và 3 giờ đi bộ leo núi xuyên qua biên giới giữa Pakistan và Afghanistan.

Khi ông Mc Curry nhìn thấy cô gái từ trong phòng bước ra, ông đã thầm nghĩ: Đây chính là người mà ông muốn gặp.

Tên gọi có một sức mạnh, vì vậy mà chúng tôi đã nói chuyện với cô gái. Tên cô là Sharbat Gula, và cô là người thuộc sắc tộc Pashtun, một bộ tộc Afhgan hăng say chiến đấu. Ngay cả khi họ sống trong thời kỳ hoà bình cũng chính là thời gian họ đang có chiến tranh, bộ tộc Pashtun không bao giờ có hoà bình, và đôi mắt của người con gái Pashtun, ngay bây giờ đang bùng cháy một ngọn lửa căm giận. Cô 28 tuổi, có thể là 29 hoặc hơn 30. Không một ai biết chính xác tuổi của cô, ngay cả bản thân cô không không biết chắc chắn rằng mình bao nhiêu tuổi. Ởû đó không có giấy tờ để xác nhận tuổi tác, nên những câu chuyện về tuổi tác giống như những hạt cát trong một cơn gió mà mọi người không thể tìm ra được đoạn kết.

Thời gian và cuộc sống gian truân đã tàn phá tuổi xuân của Sharbat Gula. Da mặt cô trông giống như một miếng da đã nhuộm màu. Quay hàm của cô đã nhão ra và biến dạng. Duy chỉ có đôi mắt vẫn sáng lên ngọn lửa mãnh liệt và không dịu đi chút nào. "Cô ấy đã có cuộc sống rất khó khăn,” ông Mc Curry nói. “Ở đây có nhiều người đã kể những câu chuyện về cuộc đời cô”. Có những con số mà chúng ta nên biết về cuộc chiến tranh giữa Afghanistan và Liên Xô. Hai mươi ba năm chiến tranh, 1 triệu 500 ngàn người đã chết, 3 triệu 500 ngàn người đã trở thành nạn nhân của chiến tranh: Đây là thảm trạng của người Afghanistan của một phần tư thế kỷ.

Bây giờ, chúng tôi trở về với bức chân dung cô gái có đôi mắt màu xanh nước biển. Đôi mắt cô là một thử thách đối với chúng tôi. Hơn tất cả mọi thứ, đôi mắt đã làm xáo trộn tâm tư chúng tôi và chúng tôi không thể quay lưng, quên được dễ dàng.

"Ở Afghanistan không phải chỉ có một gia đình nếm mùi đau khổ, cay đắng trong chiến tranh”, một người lái buôn trẻ tuổi Afghan đã kể chuyện về đất nước anh với tạp chí National Geographic khi nhìn thấy bức chân dung cô gái in ngoài bìa của tạp chí trong năm 1985. Cô gái chỉ là một đứa bé khi đất nước bị nằm trong gọng kềm sự xâm lược của Liên Xô. Chỉ cần một tấm thảm nhỏ người ta có thể giết một mạng người như cô bé một cách dễ dàng. Khi cha mẹ cô bé bị bom của Liên Xô giết chết thì cô bé chỉ mới 6 tuổi đầu. Đó là một ngày bầu trời đầy bom đạn. Vào ban đêm, những xác chết mới được đi chôn cất. Và cô bé luôn luôn phải nghe máy bay gầm rú như những nhát dao đâm vào tim cô bé nỗi đau đớn khủng khiếp và đầy sợ hãi.

“Chúng tôi đã rời Afghanistan bởi vì ở đó đang có chiến tranh”, ông Kashar Khan, anh ruột của cô gái đã nói, ông kể lại câu chuyện về cuộc đời của cô. Ông Kashar Khan có dáng người cao dong dõng, khuôn mặt dài, nhọn và đôi mắt sâu sắc xảo. "Người Nga ở khắp nơi. Họ giết mọi người. Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác".

Bà nội ông phải dìu dắt ông và bốn chị em gái đến Pakistan. Suốt một tuần lễ, họ đi bộ xuyên qua những ngọn núi phủ đầy tuyết, họ phải đi xin mền để quấn quanh người sưởi ấm.

“Các anh không bao giờ biết được khi nào thì máy bay sẽ đến", ông ta nhớ lại. “Chúng tôi phải trốn trong những hang động”.

Cuộc hành trình gian nan đã bắt đầu khi cha mẹ họ đã bị giết và họ phải đi bộ xuyên qua những ngọn núi đầy tuyết phủ và cuối cùng là đến trại tị nạn sống với những người hoàn toàn xa lạ.

“Những đứa trẻ sống ở nông thôn như Sharbat đã có mộc cuộc sống rất khó khăn trong một môi trường gò bó của trại tị nạn”, Rahimullah Yusufzai, người thông dịch Pakistan đã nói thêm về cuộc sống của cô gái trong trại tị nạn. "Ở những nơi đó không có sự riêng tư. Anh sống bằng lòng nhân từ của người khác". Hơn thế nữa, anh sống trong sự rộng lượng của chính phủ của đất nước đó che chở cho anh. “Người Liên Xô xâm lược và tàn phá cuộc sống của chúng tôi", anh của Sharbat Gula nói thêm.

Đó là một thảm kịch đối với người Afghanistan. Xâm lược. Chiến đấu. Xâm lược. Cuộc chiến đó đến bao giờ mới chấm dứt? “Mỗi thời gian thay đổi chính phủ đều mang đến cho mọi người niềm hy vọng”, ông Yusufzai nói. “Mỗi lần người Afghanistan tìm kiếm cho họ một người lãnh đạo thì những người nầy điều phản bội niềm tin của họ và ngay cả việc họ trông chờ vào sự giúp đỡ của những nước bạn để tìm người lãnh đạo thì việc đó cũng không có gì tốt đẹp hơn."

Vào giữa năm 1990, khi cuộc chiến đã lắng dịu, Sharbat Gula đã trở về quê hương cô ở một ngôi làng nằm dưới chân một ngọn núi đầy tuyết phủ. Đó là một ngôi làng được xây dựng bằng đất nung màu xám nằm sâu trong một vùng núi cao nguyên xa xôi hẻo lánh ở vùng cực Bắc Afghanistan mà phương tiện di chuyển hết sức khó khăn. Nơi đó có những dãy đất được đắp cao trồng bắp, lúa mì, và lúa, một vài cây Óc Chó, một dòng suối chảy xuống núi (vào những thời gian có mưa), không có trường học, không có bệnh xá, đường xá hoặc ống dẫn nước.

Cuộc sống ở đây là những ngày tháng trống rỗng, tẻ nhạt hiện ra hàng ngày trước mắt cô. Cô thức dậy trước khi mặt trời mọc và cầu nguyện. Cô đến lấy nước từ dòng suối mang về. Cô nấu nướng, tắm rửa, giặt giủ và lau chùi nhà cửa. Cô rất quan tâm đến các con; chúng là trung tâm cuộc sống của cô. Robina 13 tuổi, Zahida ba tuổi. Alia, còn bé, chỉ độ một tuổi. Một trong bốn đứa con của cô đã chết khi còn ở tuổi ấu thơ. Sharbat Gula chưa bao giờ có một ngày vui, anh của cô đã nói, trừ khi ngày cô lấy chồng.

Chồng cô, Rahmat Gul, là một người đàn ông gầy và nhỏ, anh có nụ cười thấp thoáng niềm vui rồi vụt tắt rất nhanh như những tia nắng chiều vào buổi hoàng hôn. Cô nhớ lại là cô lấy chồng lúc 13 tuổi. Không, chồng cô nói rằng lúc đó cô 16 tuổi. Cuộc sống của họ rất đầm ấm.

Rahmat Gul sống ở Peshawar (nơi đó có vài công việc ở Afghanistan) và anh làm việc trong một tiệm bánh. Hàng ngày anh phải khuân vác những chồng giấy tờ tiền thuốc rất nặng nề. Tiền lương một đô la trong một ngày đã biến đi một cách nhanh chóng như làn khói. Cô bị bệnh hen suyển và không thể nào chịu đựng được sự nóng bức và bụi khói của Peshawar vào mùa hè, thời gian mà cô có thể đến thành phố với chồng cô là vào lúc mùa đông. Đó là thời gian cô nghĩ ngơi sau một năm sống trên núi.

Khi 13 tuổi, Yusufzai, người thông dịch viên giải thích thêm, cô phải che mặt theo tập quán của những người đàn bà Hồi Giáo khi chuẩn bị đến tuổi trưởng thành. "Người phụ nữ phải tránh những đôi mắt dòm ngó của đám đông”, ông tiếp. Trên đường phố cô phải che một chiếc khăn màu tím sậm, nó là bức tường ngăn cản thế giới bên ngoài để những người đàn ông khác không thể nhìn được cô ngoài chồng cô. "Che mặt cũng là một điều tốt, để tránh tai hoạ”. Cô gái nói.

Có một số câu hỏi, khiến cho cô gái đã che mặt lại và không muốn trả lời, cô làm như vậy với hy vọng không ai hỏi về cô nữa. Đôi mắt cô ánh lên những tia giận dữ. Phong tục tập quán của cô là không cho phép cô được trả lời những câu hỏi của những người lạ mà cô không hề quen biết.

Cô có bao giờ cảm thấy mình được an toàn không?

“Không. Nhưng sống dưới chế độ Taliban thì tốt hơn. Ít nhất ở chế độ đó còn có hoà bình hơn những chế độ khác".

Cô có bao giờ nhìn thấy tấm hình của cô khi cô còn là một cô bé không?

"Không".

Sharbat Gula có thể viết tên cô, nhưng cô không biết đọc. Cô mơ ước và hy vọng các con cô sẽ được đi học. “Tôi mong ước các con tôi có kiến thức”, cô nói. “Tôi muốn đi học nhưng tôi không thể đến trường. Tôi rất buồn khi tôi phải rời trường lớp”.

Sự học rất quan trọng, kiến thức là ánh sáng. Ở đó không có chút tia hy vọng nào cho Sharbat Gula. Cô con gái 13 tuổi có thể đã quá trễ để đến trường, Sharbat Gula đã nói. Hai cô gái nhỏ thì may ra còn có hy vọng.

Cuộc gặp gỡ giữa người nhiếp ảnh gia và cô gái có đôi mắt xanh biếc u buồn diễn ra thật yên tỉnh. Đối với một người đàn bà đã có chồng, tập quán của cô là không cho phép cô được nhìn và ngay cả mỉm cười với một người đàn ông không phải là chồng của cô. Cô đã không mỉm cười với ông Mc Curry. Thái độ cô bình thản, ông Mc Curry nói. Cô cũng không thể hiểu vì sao người ta chụp quá nhiều hình cô. Cô cũng không hiểu được sức mạnh đến từ đôi mắt xanh biếc, rực lửa, u buồn và thu hồn của cô.

Giống như một định mệnh kỳ diệu, cô đã sống sót. Người nhiếp ảnh gia đã may mắn tìm thấy cô. Cô đã phải cam chịu những gì mất mát trong cuộc đời cô. Những sự mất mát đó đã hiện ra trên khuôn mặt chất chứa niềm đau và cay đắng, nghị lực đã giúp cô vượt qua tất cả. Làm thế nào cô sống sót đến hôm nay, cô tự hỏi?

Câu trả lời chắc chắn có một phép lạ?

“Đó là do bàn tay của Thượng Đế”, Sharbat Gula đã nói.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002