Đại Chúng số 98 - Ngày 15 tháng 5 năm 2002

Duramax

ANH HÙNG TỬ SĨ

An Xuyên

Thời gian hai mươi bảy năm, đối với một đời người, không phải là ngắn ngủi. Những ngày vừa mất nước, không ai nghĩ rằng đến hai mươi bảy năm sau, mình vẫn còn thân phận lưu vong, mình vẫn sống ngơ ngáo trên xứ người, vẫn hoài tưởng những trang sử nát nhàu cũ kỹ vào mỗi cuối tháng tư đen. Nhiều người đã ngỡ việc đi ra ngoại quốc chỉ là di tản tạm thời, tất cả rồi sẽ trở về quê hương sau khi các đấng tai to mặt lớn dàn xếp với những thế lực ngoại quốc. Giờ đây, dân ngu lần dở sách đèn, thời gian đúng là không chờ, không đợi, các xếp lớn phần đông đã theo nhau tan biến vào cát bụi, chẳng biết có đem theo khối u tình nào không, về nguyên nhân sự sụp đổ tức tưởi, không kèn không trống của miền Nam qua bên kia thế giới. Cũng có khối xếp viết sách, viết hồi ký về cái nguyên nhân mất nước khó hiểu kia, nhưng nếu đọc cho kỹ thì chẳng có nguyên nhân nào giống nguyên nhân nào. Có lẽ các xếp đã viết theo thiên kiến, cộng với những biện luận lỉnh kỉnh về cái Tôi vĩ đại của mình trong giai đoạn luộm thuộm của lịch sử. Đại khái xếp nào cũng cho rằng ta nhìn xa trông rộng, ta trong sạch như tờ giấy trắng, chỉ có chúng nó là ngu muội, nhá nhem. Không biết phải buồn cười hay buồn nôn đây khi một số các xếp lại cho rằng việc Mỹ bỏ rơi Việt Nam là nguyên nhân chánh đưa đến sự xụp đổ của đất nước. Bởi vậy, dân ngu vẫn hoàn ngu, vẫn mù tịt chẳng hiểu tại sao đất nước một sớm một chiều đã rơi gọn lỏn vào tay Cộng Sản. Càng khó hiểu hơn nữa khi hai đấng xếp sòng của miền Nam, một xếp thoải mái di tản cùng bầu đoàn thể tử và đống tài sản kếch sù sau khi bàn giao canh bài mất nước cho thiên hạ, đã luôn miệng khẳng định không dây mơ rễ má, không trách nhiệm gì với lũ vượt biên, vượt biển khốn khổ. Một xếp thì giặc vào, chẳng có gì để bàn giao, chỉ có việc dễ ợt là hiến dâng đất nước cho giặc, đã hớn hở làm công dân đầu tiên đi bầu cho guồng máybạo quyền Cộng Sản, trong khi các đàn em của xếp điêu đứng lãnh đòn thù của quân giặc nơi các nhà tù cải tạo khổng lồ, ở chốn nước độc rừng sâu, rải rác trên khắp đất nước. Thái độ khó hiểu của hai xếp lớn càng làm cho nguyên nhân mất nước thêm bí ẩn .

Tuy nhiên, điều duy nhứt tất cả mọi người, mọi vật đều hiểu tường tận, rõ ràng, không cần bàn cãi là miền Nam dù có thất thủ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa cũng chưa bao giờ thất trận. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn hiên ngang tự hào với thế giới là đoàn quân anh dũng, kiên cường của Miền Nam chưa một lần biết lùi bước trước quân thù. Những chiến công oanh liệt ngàn đời còn ghi dấu sử xanh của Cổ Thành Quảng Trị, của Huế, Tết Mậu Thân. Gương hy sinh, liều chết để bảo vệ quê hương của các anh hùng Hải, Thủy, Lục, Không Quân, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân vẫn còn nguyên vẹn và vẫn sống mãi mãi trong lòng dân tộc. Những người con yêu của Tổ Quốc miệt mài ngày đêm nơi tuyến đầu lửa đạn, đánh đuổi quân thù là những hình ảnh không bao giờ mờ phai trong tâm tưởng người Việt Nam yêu nước. Hình ảnh cận đại nhứt về những quân nhân kiêu hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là những ngày cuối tháng Tư năm 1975, khi đất nước bị bỏ ngỏ, quân thù tràn ngập nhưng vì không có lệnh chống trả của cấp trên, hàng ngàn, hàng vạn quân lính của miền Nam đã uất ức bắn những viên đạn cuối cùng trước khi miễn cưỡng buông súng. Một số đông đã tuẫn tiết để b?o toàn danh dự của màu áo quân nhân. Nếu như các xếp lớn cũng kiên quyết tử thủ đến cùng, sanh vi Tướng, tử vi Thần, không chạy đi ngoại quốc, bỏ rơi đàn em thì ngày nay, chẳng có dân ngu nào lại vớ vẩn thắc mắc trách nhiệm mất nước nằm trong tay ai. Nhứt là khi lũ bộ đội Việt Cộng chiến thắng trong ngỡ ngàng, đâm ra lo sợ không đủ quân số để tiếp thu những thành phố không ai đánh mà cứ tự động thất thủ. Cuộc chiến lạ lùng, chưa từng có trong lịch sử. Bên thua không hiểu tại sao mình đã thua và bên thắng không hiểu tại sao mình lại thắng.

Buổi sáng ngày 30 tháng Tư, sau lệnh đầu hàng của xếp Minh, khoảng một Đại Đội Biệt Kích Dù trên 5, 6 chiếc GMC chạy hối hả về phía vùng Bốn, theo lời đồn, hình như những người lính can trường này muốn quay trở lại để lập căn cứ địa ở vùng Bốn, thay thế số binh sĩ đã đầu hàng. Nhưng có lẽ họ đã không ngăn chặn được nỗi tuyệt vọng trước ngoại cảnh đau thương, người hai bên đường nghe những tiếng súng tự sát nổ lụp bụp và tiếng lựu đạn từ hai ba người ôm nhau tự sát vang lên, bóng những người lính trên xe gục xuống, vẫn kiêu hùng như đã gục xuống trên chiến trận đẩy lui quân thù. Cùng với biết bao nhiêu chiến sĩ trên khắp các mặt trận bị bức tử ngày 30 tháng Tư, họ không đầu hàng, họ đã chiến đấu không ngừng nghỉ, chiến đấu đến giờ phút cuối cùng. Hơi thở cuối của họ cũng là hơi thở cho quê hương. Kể cả đơn vị hậu tuyến sau cùng là Bộ Tổng Tham Mưu cũng không thiếu quân nhân anh dũng, đã hiến dâng những giọt máu đào cho đất nước bằng cái chết tuẫn tiết trong sạch, quyết không đ?u hàng địch quân, không để tin tức mật lọt vào tay địch.

Ngoài những chiến sĩ vô danh tận trung báo quốc, các cấp chỉ huy, các vị Tướng lưu danh thiên cổ của miền Nam như Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn Bốn, Vùng Bốn Chiến Thuật, Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lệnh Quận Đoàn Hai, Vùng Hai Chiến Thuật, Tướng Lê Nguyên Vỹ, Tư Lệnh Sư Đoàn Năm, Tướng Lê Văn Hưng, Tư Lệnh Phó, Tướng Trần Văn Hai Tư Lệnh Sư Đoàn Bảy, là những Tướng Lãnh phải tuân lệnh đầu hàng vì lòng trung tín đối với thượng cấp nhưng đã chọn cái chết để bảo toàn Danh Dự, Trách Nhiệm và Tổ Quốc của cấp chỉ huy. Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn người tử thủ Tỉnh Chương Thiện, chiến đấu đến giờ phút cuối, không chấp nhận bàn giao cho địch đã bị Cộng Sản bắt giam và xử tử tại pháp trường ngày 14 tháng 8, năm 1975. Thiếu Tá Trang Văn Út, Quận Trưởng Quận Bến Lức, Long An, khi tại chức đã bất tín nhiệm chiến dịch Phượng Hoàng, một chiến dịch dân chủ nửa mùa của Mỹ, tự mình dẫn lính đi hành quân lùng giặc, làm tổn thất cho Việt Cộng rất nhiều. Sau khi tóm thâu xứ sở, bọn chúng đã truy bắt và làm nhục ông, khiến ông phải tự sát trong tù để giữ vẹn danh dự của người quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày 30 tháng Tư, một số người cũng chứng kiến sự tự sát anh dũng của Trung Tá Cảnh Sát mang bảng tên Long dưới tượng đài Thủy Quân Lục Chiến tại Saigon. Nếu phải kể ra đây từng tên từng anh hùng tử sĩ một, có lẽ phải viết đến cả ngàn trang sách cũng chưa đủ nêu danh những vị khí phách, hiên ngang thà chết không đầu hàng giặc của hàng ngàn, hàng vạn quân nhân anh dũng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Những người con yêu của Tổ Quốc một đời hiến dâng trọn vẹn tinh anh tuổi thanh xuân, chí khí nam nhi, tinh thần đấu tranh bất khuất cho đất nước Việt Nam thân yêu, họ đã viết lên thiên anh hùng ca bất tận cho quốc sử ngàn sau. Họ đã trở thành những anh hùng tử sĩ, tiếp tục mang hồn thiêng bảo vệ núi sông cho dân tộc Việt Nam muôn đời tồn tại.

Ngày nay, dù ở nơi chốn nào, ngày Quốc Hận 30 tháng Tư, người Việt Nam hải ngoại vẫn hướng về những anh hùng tử sĩ đã sống và đã chết cho quê hương, cho dân tộc để cùng với hồn thiêng sông núi vinh danh những chiến sĩ một đời tận tụy với non sông gấm vóc, vị quốc vong thân. Cầu xin hồn thiêng sông núi một ngày toàn dân đoàn kết, một lòng đánh đuổi bọn Cộng Sản xâm lăng bạo tàn ra khỏi bờ cõi Việt Nam, mang tự do, ấm no, hạnh phúc về cho dân tộc. Muôn người như một dưới lá cờ vàng, theo gương các anh hùng tử sĩ, thà chết vinh hơn sống nhục.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002