Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

GẪM SỰ ĐỜI
THỔI

Ngu Ý SP

Thổi có nhiều cung cách thổi. Ví như thổi hỏa lò xưa kia ở Việt Nam mình, bằng cách chu cái miệng lại mà thổi cái ống thổi hỏa lò trước kia ở Việt Nam mình. Nhưng đàng này thổi sáo thì có khác hơn. Nó đòi hỏi cái cung cách phải méo mó cái miệng mình ra làm sao cho vừa tầm lỗ sáo. Có vừa tầm thì tiếng sáo mới thoát ra được khỏi cái ống tre, còn có véo von ra sao như khi cao, khi thấp thế nào là do cái đặc tài thổi của mình. Thổi càng hay người nghe càng êm tai dễ ngủ, càng réo rắc người nghe mới càng cảm thấy hồn mình lâng lên tận chín tầng mây... Ví như, câu chuyện "Thổi Sáo" ngày xưa kia mà Hàn Phi Tử ghi chép lại.

"Đó là chuyện vua Tuyên Vương nước Tề thích nghe thổi sáo, và lúc nào muốn nghe, bắt ba trăm người cùng thổi một loạt. Trong ba trăm người ấy có Đông Quách tiên sinh không biết thổi, nhưng cũng xin nhập đại vào để kiếm cơm ăn.

Một ngày kia Tuyên Vương băng hà, Mẫn Vương lên nối ngôi, cũng thích nghe thổi sáo (bùi tai ai mà không thích nghe?) nhưng chỉ muốn nghe từng người một. Đông Quách thấy thế, lo tìm đường trốn trước vì sợ rồi sẽ đến phiên mình thì... lộ cả chân dung lừa dối của mình!"

* * *

Thời buổi nào lại chẳng có hạng người sẵn sàng cầm ống sáo để thổi. Nhưng hạng người như Đông Quách thì có vẻ chẳng mấy ai. Bởi lẽ biết thổi sáo chỉ có hai điều hay hay dở, nhưng ngặt vì kẻ không biết thổi mà cứ nhảy đại vào mà xin thổi để kiếm miếng cơm... đến khi Mẫn Vương kế ngôi cũng muốn nghe... nhưng có điều chỉ muốn nghe từng người một. Thế là Đông Quách phải tìm đường thoát thân trước khi đến phiên mình được gọi lên thi tài... thổi! Chẳng lẽ đợi đến lúc ấy trân người ra quì xuống mà "Muôn tâu Bệ Hạ kẻ hạ thần này vốn chỉ biết... thổi hỏa lò không thôi sao?!" Kẻ biết liêm sỉ ắt là không hạ mình thổi kiểu sáo hỏa lò như vậy. Tuy nhiên xét ra Đông Quách còn hơn xa đối với lũ người trơ ra để chịu đấm ăn xôi nhiều!

Ngu Ý SP.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002