Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Cụ Đỗ Đốc Hạ (San Francisco - qua Ích Đặng) a: Trong Văn Học Sử Trung Hoa, có người tên Tử Chiêm, vậy Tử Chiêm là bút hiệu hay tên của vị văn nhân nào thời nhà Tống? b: Bà cụ có biết về tiểu sử của Thiếu Du không?

* a/ Tử Chiêm là tên tự của Tô Thức. Trong tiểu sử của Tô Thức có ghi rõ về tên tự này như sau: "Tô Thức ngày 19-2 năm Cảnh Hựu thứ ba đời Tống Nhân tông (Triệu Trinh), người Mi Sơn, thuộc tỉnh Tứ Xuyên. Xuất thân từ một gia đình nghèo khó. Thân phụ ông là cụ Tô Tuân, em trai là Tô Triệt đều thuộc hàng chính luận lỗi lạc. Ông thi đỗ tiến sĩ năm 21 tuổi. Sau đó giữ các chức quan địa phương như Chủ bạ, Kiềm phán... a/ Thiếu Du là tên tự của Tần Quán, còn một tên tự khác nữa là Thái Hư, hiệu là Hoài Hải cư sĩ, người Cao Bưu, Giang Tô. Ông được Tô Thức tiến cử vào thời Tống Triết tông làm bí thư sảnh chính tự kiêm nhiệm quốc sứ viện biên tu quan. Về sau ông bị cách chức, cho đi kiểm soát thuế rượu ở Xử Châu, rồi lại bị đổi đi ở Sâm Châu, lúc về bị chết dọc đường. Suốt đời ông long đong nghèo khổ.

Ông Vũ Viết Bằng (qua Kiến Hoa Center Rd. Drexel Hill, PA. 19026): Trước tiên, con tự xin giới thiệu là con cụ Đồ Mậu người Đại Duyệt làng Phước Long trước kia tỉnh Quảng Ngãi VN. Nhờ thân phụ dạy cho ít Hán tự, được thân phụ trích giảng cho về các bài của Trang Tử... Trong đó có một bài trong Nam Hoa Kinh... Như: "Trang Tử hành ư sơn trung, kiến đại mộc chi diệp mậu thạnh... v.v... ) Bà cụ có nhớ xin nhắc hộ về cái nghĩ của đoạn này.Kính cẩn cám ơn bà cụ nhiều.

* Tôi có nhớ bài này, nghĩa của nó đại khái như sau: "Trang Tử đi chơi trong núi, nhìn thấy có cây cành và lá rậm rạp. Người thợ đốn cây cứ đứng yên mà không chịu đốn. Hỏi lý do (tại sao không đốn) bèn đáp rằng: “Cây này vì bất tài nên được sống trọn tuổi trời". Sau khi ra khỏi núi, Ngài ghé lại nghỉ ngơi tại nhà một người quen. Thấy Ngài người quen vô cùng mừng rỡ, gọi trẻ trong nhà giết nhạn làm thịt đãi khách. Đứa trẻ thưa rằng: "Thưa một con thì biết gáy, một con không biết , xin hỏi phải giết con nào?" Chủ nhân đáp: "Giết quách con không biết gáy đi". Hôm sau bọn học trò hỏi Trang Tử: "Hôm qua, cây trong núi nhờ bất tài mà được sống trọn tuổi trời, nay con nhạn của chủ nhà vì bất tài mà chết. Như vậy xin hỏi tiên sinh nghĩ sao về việc ấy?"

Trang Tử cười rồi đáp:"Ta sẽ chọn ở giữa tài và bất tài. Bởi vì tài và bất tài đều như nhau, nghĩa là đều không phải cả, cho nên sao tránh được cho khỏi lụy thân!"

Anh Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích Funt Fielt Dr. San Jose: Ông Phạm Đông Văn nhà nghiên cứu về Ngôn Ngữ Học có phải là Lão Ngáo chăng?

* Đúng như vậy.

Ông Vũ Bích Thủy Maryland (Qua Chánh Thọ): Xin bà cụ vui lòng giải nghĩa hộ mấy câu tục ngữ Trung Hoa như sau:

1) Ốc lậu thiên tao liên dạ vũ, thủy cấp hụu ngộ đả đầu phong.

2) Ô nha lạc tại trư thân thượng.

3) Phu thê đả giá thường sự, hòa thượng lạp khuyến kỳ sự.

4) Tam thiên bất ngật phạn, thập ma sự đô cảm cán.

* Câu thứ 1, có nghĩa:

"Nhà dột lại thêm mưa suốt tối

Nước xiết thuyền đi gió ngược bồi.

Ta cũng có câu:

Đã nghèo lại gặp cái eo.

Cũng có câu:

Đã khốn lại khó.

* Câu thứ 2, có nghĩa:

- Quạ đen lại bám lưng heo

Nguyễn Du cũng có câu:

- Ngưu tầm ngưu, mã tầm mã

Mạt cưa mướp đắng hai bên một phường.

* Câu thứ 3:

- Vợ chồng đánh nhau sự thường

Ông sư giằng can mới lạ

Cũng có câu:

"Chẳng tư túi, chẳng trăng hoa

Cớ sao lại thiết việc nhà người dưng.

* Câu thứ 4:

- Ba ngày không ăn, việc gì mà chẳng dám làm.

Ta cũng có câu:

- Thần tiên lúc túng cũng liều

Huống chi thân cú quản điều tanh hôi.

Cụ. Nguyễn Thị Helgexemnxgt. 0563, Oxlo (Norway) (Qua Thái Hoa Center Rd. Drexle Hill PA.) Nghe nói Kinh Dịch tại Đông Phương chia thành nhiều môn phái để luận giải hầu xử dụng bộ kinh tối cổ này. Bà cụ có biết không? Nếu biết xin thư cho Thái Hoa để chuyển hộ cho.) Thành thật cảm ơn bà cụ vô cùng.

* Có sự chia thành nhiều phái như bà chị đã viết trong thư.

Đại khái như sau:

- Theo Nho giáo thì đây là bộ sách bói toán việc cát hung.

- Theo Phật giáo thì đây là bộ Kinh soi sáng thêm đời sống con người với vũ trụ.

- Theo Mật Tông thì đây là bộ Kinh dành để nghiên cứu về sự vận chuyển các từ lực của con người với các đối thể ở chung quanh.

- Theo Tân Gia Mặc Pháp thì đây là bộ Kinh rèn luyện tư tưởng và dùng nó để khắc chế thiên nhiên.

Theo các nhà tư tưởng Tây phương gọi là pho triết học uyên bác có khả năng chuyển cải tư tưởng bất thuần động của nhân loại.

Trong các môn phái võ thuật cũng bị những khái luận khác nhau về Kinh Dịch làm thay đổi các tư tưởng võ thuật. Ví như:

Phái Võ Đang với môn huy là Thái Cực, dùng Kinh Dịch để lập thành các chiêu thế như:

- Thái cực đại tân quyền

- Càn khôn kiếm

- Hòa muội phong sơn côn

- Địa tấn thương

- Lôi tù giang hành trảo.

Và đặc biệt bộ quyền cao đẳng vi diệu nhất của Võ Đang do Trương Tam Phong khi thọ được 103 tuổi lúc sắp chết đã minh ngộ để lâp thành sau khi đã tịnh giải được quẻ: Thủy Phong Tĩnh, đó là bộ Thái Cực Quyền gồm 108 thế, chia làm 12 phần, mỗi phần là 9 thế. 12 phần này được chuyển vào 12 kinh mạch của con người v.v... Có dịp tôi xin trở lại hầu chuyện cùng bà chị.

Cư sĩ Tịnh Hải Garden Grove CA. Câu: "Địa rị bát lạt na già ra"...ở đâu ra? Xin bà chị nhắc hộ. Cám ơn nhiều.

* Đó là câu Thần Chú thứ 26 của Phật Đình Thủ Lăng Nghiêm. Thần chú được Đức Thế Tôn truyền quang Phật lực. Đại khái Đức Như Lai từ nơi nhục kế phóng ra trăm thứ hào quang báu. Trong hào quang hiện ra hoa sen ngàn cánh. Có hóa thân Như Lai ngồi trong tòa sen . Trên đỉnh phóng ra mười đạo hào quang bách ảo; trong mỗi đạo hào quang đều hiện ra những vị kim cương mật tích, số lượng bằng mười số cát sông Hằng, xách núi, cầm xử, khắp cõi hư không. Mọi người ngửa lên xem và đều cầu Phật che chở. Mật tâm nghe đức phóng quang Như Lai, nơi vô kiến đính tướng của Phật, tuyên nói thần chú.

Cụ Cao Đình Hạc San Jose: Cụ có nhớ bài Giả Sinh của Lý Thương Ẩn không? Nếu được xin bà cụ nhắc hộ và luôn cả nghĩa của bài thơ này. Cám ơn cụ rất nhiều.

* Bài Giả Sinh mà cụ hỏi đó như sau:

Tuyên thất cầu hiền phỏng trục thần,

Giả sinh tài điệu cánh vô luân.

Khả liên dạ bán hư tiền tịch,

Bất vấn thương sinh vấn quỷ thần.

Nghĩa toàn bài: Vua Hán Văn đế cầu hiền, tìm trong số quần thần, Giả Sinh là người có tài lại không được chọn. Thương thay, nửa đêm nơi áng sách trống rỗng, vua không định hỏi nơi người dân mà chỉ hỏi quỷ thần.

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002