Đại Chúng số 97 - Ngày 1 tháng 5 năm 2002

Duramax

NHÓM NGHỆ THUẬT SÂN KHẤU PHUƠNG NAM

Tiếng đàn sến của anh Trường Tương Tư đánh thức tôi rất sớm vào buổi sáng chủ nhật. Không khí lành lạnh đầu ngày, còn mang chút thanh tịnh của đêm, đủ để âm thanh g?i lòng bâng khuâng xúc động!

Tôi nhớ anh Sáu Hải ở trại tù bến Giá Long Toàn. Niềm vui sướng hiếm hoi vào những ngày nghỉ. Tiếng đàn kìm của anh bắt đầu lúc tinh sương. Mọi người nằm im nghe những buồn vui xáo trộn ... khắc khoải nhớ thương ... mênh mang hồi tưởng, và hay rằng ít ra cũng còn vài khoảnh khắc riêng tư, tự do trong kiếp tù cải tạo.

Tiếng đàn bao giờ cũng là nỗi lòng đâu đó! Trong anh, trong chị, trong em. Của người nghệ sĩ. Của tha nhân....

Tiếng đàn bao giờ cũng là tiếng kêu thương của loài chim lạc loài xa xứ, mỏi cánh bay trong gió bão, gọi bầy về một vùng trời mơ ước quê hương.

***

Đêm qua: một đêm thứ bảy cuối tuần thật đáng nhớ! Nhất là đối với những anh em thành lập viên của nhóm Nghệ Thuật Sân Khấu Phương Nam.

Hội quán là một gian phòng ấm áp tại nhà riêng của anh chị Đính Hùng và Ái Kim. Có đèn màu. Có sân khấu. Có xiêm y để dựng lại những tuồng xưa tích cũ. Có tiếng đàn lục huyền cầm, đàn kìm, đàn sến, đàn Hạ Uy Di để nghe lại những lời Dạ Cổ Hoài Lang của miền Nam đất nước. Những trích đoạn trong các tuồng cải lương nổi tiếng như Nửa Đời Hương Phấn, Tuyệt Tình Ca, Tiếng Hạc Trong Trăng, Sân Khấu Về Khuya, Tấm Lòng Của Biển, Lá Sầu Riêng ...

Những bài vọng cổ sáu câu một thời như Tình Anh Bán Chiếu, Võ Đông Sơ Bạch Thu Hà, Hàn Mặc Tử, Lương Sơn Bá Chúc Anh Đài, Gánh Nước Đêm Trăng ...

Tất cả sống lại trong lòng mọi người: anh chị em trình diễn, các nghệ sĩ và khán giả. Nhớ Thành Được, Út Trà Ôn. Nhớ Thanh Nga, Ngọc Giàu. Nhớ Hữu Phước, Út Bạch Lan. Nhớ Minh Cảnh, Thanh Sang. Nhớ ... và biết bao những khuôn mặt yêu thương của sân khấu miền Nam. Một thời oanh liệt. Những giọng ca nghe từ thuở ấu thơ ... lớn lên ... rồi xa lìa xứ sở quê hương ... lạc loài đến hôm nay!

Aùi Kim đã dành rất nhiều thời gian để sưu tầm và biên soạn lại những trích đoạn cải lương đặc sắc trước 75, để cống hiến thân hữu trong những buổi văn nghệ bỏ túi. Khi nhận thấy hầu hết mọi người đều hưởng ứng, đón nhận trong niềm hân hoan, Ái Kim đã nảy ra ý kiến là tổ chức những buổi trình diễn cổ nhạc địa phương với một tầm vóc rộng hơn, để đem lại cho đồng bào xa xứ những hương vị quê hương đậm đà, để tất cả chúng ta cùng nhau sống lại những tâm tình tha thiết, ngọt bùi, cay đắng và sống động của sân khấu cải lương. Yù kiến này đã được anh Đính Hùng tán thành, khích lệ và tích cực kêu gọi các anh chị em nghệ sĩ. Mọi người nhiệt liệt hưởng ứng và từ đó, nhóm Nghệ Thuật Sân Khấu Phương Nam thành hình, sau hai năm gặp gỡ và kết hợp tâm hình.

Tiếng đàn của anh Trường Tương Tư, Duy Linh, Tuấn Thanh những năm trước đây rất cô độc giữa vùng đất khách, khi mà nền cổ nhạc không được duy trì, khích lệ vì những khó khăn của thời gian, điều kiện sinh hoạt và những xa cách tha nhân. Các buổi sinh hoạt văn nghệ đoàn thể hoặc tư gia, sự góp mặt của các anh em yêu cổ nhạc thật hiếm hoi, khiêm nhường. Hát một câu đó đây cho đỡ nhớ, dạo dăm bài nhạc cho đỡ buồn! Anh chị em hoài mong có một hội quán nghệ sĩ miền Nam. Nơi đó những tiếng hát, tiếng đàn gặp gỡ để hòa lại một cung thương, một hoài khúc của những bài nhạc cổ dân tộc không thể bị lãng quên! ...

Cuối cùng, khi giấc mộng con đã thành! Tôi nhìn thấy một Trường Tương Tư nay không còn đơn độc, với những ngón đàn vọng cổ "mùi" tuyệt cú. Bên anh là tiếng lục huyền cầm đa dạng, réo rắt của Duy Linh, tiếng hạ uy di điêu luyện, ai oán của Tuấn Thanh, tiếng vĩ cầm da diết và tiếng đàn kìm ngọt ngào của Phước Chí. Bên anh là những giọng hát , sự diễn xuất, tuy tài tử nhưng không kém phần truyền cảm và sống dộng của Huyền Linh, Đính Hùng, Ái Kim, Tuấn Thanh, Nguyên Hùng, Phương Trang, Mai Loan, Trần Lợi ... tất cả những con én, tuy không nhiều, đang cố tạo một mùa Xuân trở lại. Đã như những chồi lá xanh không thể thiếu cho hàng cây bóng mát ngày mai.

Và bây giờ. Lúc lên đường. Buổi xuất quân. Tuy còn nhiều băn khoăn nhưng vô cùng hăm hở!

***

Ái Kim pha 2 tách cà phê, một cho tôi và một cho anh Trường:

_ Hai anh uống cà phê!

Anh Trường ngưng tiếng đàn nhìn lên:

_ Dậy sớm vậy!

Tôi nhìn anh, hình ảnh của một ông lái đò hiu quạnh trên những giòng sông có rất nhiều đám lục bình trôi dạt:

_ Anh thấy vui rồi há? Bây giờ chỉ còn tập dượt cho anh em nhiều hơn, hay hơn! Tôi tin nhóm sẽ thành công. Nè, anh có muốn tôi viết vài dòng giới thiệu nhóm Phương Nam không? Tôi nghĩ điều đó nên làm để đồng bào trong vùng biết đến, để cùng san sẻ niềm vui và ủng hộ. Anh Trường băn khoăn:

_ Muốn thì muốn lắm! Nhưng nếu viết thì đừng quảng cáo quá, nhất là đừng dùng chữ "nghệ sĩ" cho tôi, viết anh Trường Tương Tư là được rồi! Ngay cả anh chị em diễn viên cũng vậy. Mình làm nghệ thuật sân khấu vì sự đam mê và ýmuốn thiết tha duy trì nền cổ nhạc. Một cái gì thôi thúc mãnh liệt không thể cưỡng lại. Cho nên sự nổi danh không phải là điều quan trọng. Sự thương mến và ủng hộ của khán giả là điều duy nhất để mình còn được cất tiếng đàn, tiếng ca, để tiếp tục nhả tơ cho trọn kiếp con tằm. Để giữ gìn nên văn hóa dân tộc: Cải Lương. Hương miền nam bình dị yêu thương. Chung thủy. Rất chung thủy!...

***

Tôi được biết buổi ra mắt chính thức của nhóm Nghệ Thuật Sân Khấu Phương Nam sẽ được tổ chức vào chiểu chủ nhật, lúc 5 giờ 30, ngày 14 tháng 7, năm 2002 tại nhà hàng Maxim, Falls Church, Virginia.

Đặc biệt với tinh thần ủng hộ, nghệ sĩ Chí Tâm, người sáng lập nhóm Văn Lang ở Nam Cali sẽ cùng với nữ nghệ sĩ Phượng Liên về trình diễn với nhóm Phương Nam, một chương trình phong phú, đa dạng, kết hợp giữa hai nhóm hứa hẹn những cống hiến tuyệt vời cho khán giả.

Sự thành công của đêm ra mắt sắp tới là niềm hạnh phúc không những cho nghệ sĩ nổi danh hay địa phương, mà đó là niềm vui của mọi người: diễn viên và quần chúng. Sự hòa hợp của những tâm hồn, những con người yêu mến nghệ thuật chân chính.

Điều mong mỏi thứ nhất của nhóm Nghệ Thuật Sân Khấu Phương Nam là sự tham gia ý kiến xây dựng, gia nhập sinh hoạt của mọi người trong cộng đồng chúng ta dưới mọi hình thức.

Anh Trường Tương Tư phụ trách những buổi tập dượt đàn ca cổ nhạc cho anh chị em nào muốn. Chị Ái Kim phụ trách biên soạn trích đoạn, góp phần trong sự hướng dẫn về diễn xuất. Hiện tại chi đang cần một số tài năng hoặc anh chị em có thiện chí tập dượt để đảm nhận những vai trong các trích đoạn sắp tới. Điều mong mỏi thứ hai là sự đóng góp, ủng hộ, khích lệ của các mạnh thường quân về mọi mặt: các cơ quan báo chí, truyền thông, truyền hình, các đoàn thể trong việc tổ chức trình diễn.

Mặ khác, nhóm nhệ thuật sân khấu Phương Nam sẵn sàng tham gia trình diễn với thù lao tượng trưng hoặc miễn phí cho các chương trình văn nghệ gây quỹ với mục đích từ thiện, tranh đấu chân chính cho quê hương, đất nước và đồng bào.

Xin liên lạc:

Thư từ và tài liệu: Nhóm Nghệ Thuật Sân Khấu Phương Nam - Địa chỉ: 4333 Still Meadow Road

Fairfax, VA 22032 - ĐT: 703 – 426 – 9363 (Hội quán)

703 – 220 – 2223 (anh Trương)

(703) 507 – 8746 (Đính hùng)

(703) 507 – 0797 (Ái Kim)

Châu Trần (Virginia, 14/4/02)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002