Đại Chúng số 96 - Ngày 16 tháng 4 năm 2002

Duramax

HƯƠNG VỊ DÂN TỘC
QUA BAN VĂN NGHỆ ĐÔNG PHƯƠNG

Vương Thảo Hương

Tiếng vỗ tay không dứt cho ba người phụ nữ duyên dáng trong tà áo dài của ba miền Trung Nam Bắc qua tiết mục Ba Bà Mẹ Chồng đã làm tôi ngạc nhiên một cách thích thú. Từ ngày mất nước và phải sống lưu vong, tôi ít có cơ hội thưởng thức một đêm văn nghệ thoải mái và đúng nghĩa như hôm nay. Mỗi buổi tối, trở về nhà sau cả ngày làm việc vất vả, thường thường những cuốn băng nhạc sản xuất từ Việt Nam được ông xã tôi tham rẻ mua về, cứ nả vào tai tôi như tiếng đại bác những âm thanh hò hét loại nhạc vay mượn ngoại quốc của mấy ông bà ca sĩ nội địa làm tôi khó chịu nhiều hơn là vui. Hôm nay, được ngắm những tà áo dài tha thướt của ba bà mẹ chồng dáng thì yểu điệu nhưng cử chỉ chanh chua số một, tôi có cảm tưởng đang trở về những ngày sống yên bình trên quê hương, chiều chiều các bà các cô hay ngồi lê đôi mách ở đầu ngõ, kiểu mẹ chồng nói xấu nàng dâu như Ban văn nghệ Đông Phương vừa ca diễn.

Để tìm hiểu thêm về ba người phụ nữ có nét diễn xuất dí dỏm điêu luyện, lột tả được ý nghĩa và hình ảnh của các bà mẹ chồng khó tánh ngày xưa, tôi tìm đến trụ sở của Ban Đông Phương một buổi chiều vừa chớm Xuân. Những cơn gió vẫn còn mang âm hưởng của mùa Đông làm gai lạnh bước chân quấn quýt trên thềm. Con chim đầu đàn Huyền Phấn đứng chờ tôi ở cửa với nụ cười tươi và ánh mắt vẫn còn nét tinh nghịch pha lẫn chút rộn ràng của sân khấu.

Nguyên nhân hình thành Ban Đông Phương đến với Huyền Phấn từ năm 1988. Năm đó, Huyền Phấn đang làm việc cho Trường Trung Học Washington Lee ở Arlington. Trường đã chọn Huyền Phấn làm người hướng dẫn các em học sinh Việt Nam trong một màn vũ dân tộc để trình diễn cho ngày Asian Pacific của cơ sở Cựu Chiến Binh thuộc Bộ Quốc Phòng Mỹ. Sẵn có khiếu văn nghệ cộng thêm chút kiến thức về ca vũ, Huyền Phấn đã làm tròn bổn phận luyện tập cho các em vũ khúc Qua Cầu Gió Bay. Ngày trình diễn, sau tiết mục của các em, một khán giả Mỹ đã dịch lời Việt của bản nhạc Qua Cầu Gió Bay ra lời Mỹ và yêu cầu các em vũ lại trong lúc toàn thể khán giả có mặt hát theo bằng lời Mỹ. Cử chỉ ưu ái này đã mang lại nhiều khích lệ và đầy xúc động cho lần đầu xuất quân của Huyền Phấn. Tinh thần dân tộc lên cao, từ đó, Huyền Phấn tiếp tục hướng dẫn các em đều đặn đi trình diễn mỗi năm trong Bộ Quốc Phòng và nhận được rất nhiều bằng ban khen. Bốn năm sau, kết hợp được Mina, người phụ nữ có vóc dáng gọn gàng xinh xắn thích hợp cho vai trò các cô gái đồng quê, Huyến Phấn và Mina bắt đầu ra mắt khán giả Thủ Đô từ năm 1992. Nhưng mãi cho đến năm 1995, khi Lệ Dung, người nghệ sĩ có tiếng hát ngọt ngào gia nhập, Huyền Phấn, Mina, và Lệ Dung mới chánh thức trình làng dưới cái tên nghe qua cũng đã thấy đượm đầy hương vị dân tộc: Ban Đông Phương. Với mục đích giữ gìn, phổ biến và phát triển các phong tục, tập quán cổ truyền Việt Nam, ban Đông Phương đã trình diễn trên sân khấu thủ đô các vũ khúc có tính cách dân tộc như Đẹp Mối Duyên Quê, Giăng Câu, Đi Cày, Bà Rằng Bà Rí, Ba Bà Mẹ Chồng, Đàn Bà Thời Nay. Ngoài việc đảm trách các vai phụ nữ chanh chua, đanh đá hay e lệ, thẹn thùng hoặc tân kỳ, thời đại một cách chu toàn, Ban Đông Phương còn trình diễn trong y phục đàn ông với các vai trượng phu dành cho nam giới cũng không kém xuất sắc. Trong gần một thập niên, Ban Đông Phương đã mang một sắc thái đặc biệt đến cho nền văn nghệ Thủ Đô với lối trang điểm, y phục và diễn xuất khác hẳn các nghệ sĩ khác. Ánh sáng sân khấu hình như cũng phải mờ đi vì hình ảnh lộng lẫy của Hình Ảnh Người Em Không Đợi, Bà Rằng, Bà Rí, hoặc Ba Bà Mẹ Chồng mỗi khi các nàng xuất hiện. Đặc điểm của Ban Đông Phương là biến các thảm kịch xã hội thời trước trở thành những phong tục ngộ nghĩnh với cách diễn xuất lém lỉnh của các nàng. Các nàng còn biến lớp phụ nữ lạc hậu, cổ hủ, đanh đá ngày xưa trở thành những phụ nữ mẫu mực của thời bấy giờ cũng bằng hình ảnh dễ thương, dễ mến của các nàng. Các anh thanh niên thôn quê mà nhìn thấy Huyền Phấn trong trang phục trai làng đi giăng câu chắc cũng không thể nào nhận ra đây là một phụ nữ giả nam lưu. Mina lúc nào cũng tròn trịa trong vai cô gái quê thật thà, e lệ bên cạnh một Lệ Dung hóm hỉnh, chanh chua. Đúng là mỗi người một vẻ, mười phân vẹn mười. Đã thưởng thức tài nghệ của Ban Đông Phương, không ai có thể phủ nhận được rằng qua những nghệ sĩ tài danh của Ban Đông Phương, nhân dáng người phụ nữ ngày nay được thể hiện đa tài, đa dạng, đa năng, không những chu toàn bổn phận làm con, làm vợ, làm mẹ trong gia đình mà còn sát vai nam giới, nỗ lực đóng góp trong mọi sinh hoạt văn hóa, nghệ thuật, xã hội, và chính trị cho công ích cộng đồng. Phần lớn Ban Đông Phương sinh hoạt bất vụ lợi cho các tổ chức từ thiện, chùa chiền, gây quỹ cứu trợ đồng bào nghèo, giúp đỡ nạn nhân thiên tai, bão lụt với hoài vọng góp phần chia sẻ những bất hạnh với đồng hương. Thêm vào đó, Ban Đông Phương cũng xuất hiện trong các tiệc cưới, tiệc vui của tư nhân với lệ phí tượng trưng không ngoài mục đích phổ biến các truyền thống dân tộc đến với thế hệ sau.

Ngoài ba nghệ sĩ chánh thức và trụ cột là Huyền Phấn, Mina, Lệ Dung, Ban Đông Phương còn có sự hợp tác bán thời gian của Cao Nhã, người nghệ sĩ đã vũ Ba Lê từ tuổi ấu thơ và Thu Vân (bà Jackie Bông). Lịch trình tập dượt của Ban Đông Phương diễn ra vào mỗi chiều Chúa Nhựt để rút ưu khuyết điểm các bài cũ, tập và hoàn chỉnh bài mới, sáng tạo mẫu y phục cho các vai trò sắp tới. Sau đó là ăn quà, rồi thể dục, thể thao, đi bộ để giữ eo như tất cả các phụ nữ yêu đời khác. Hướng đi tương lai của Ban Đông Phương là tiếp tục học hỏi, trau dồi và phát triển tối đa để đóng góp cho nền văn nghệ Việt Nam thêm đậm đà hương sắc bằng những vũ khúc mang thuần ý nghĩa dân tộc xưa và nay. Ban Đông Phương hy vọng được tiếp nhận thêm nghệ sĩ mọi lứa tuổi, có năng khiếu văn nghệ để cùng phát triển rộng lớn hơn về lãnh vực kịch nghệ mang niềm vui đến cho mọi người. Hiện tại, Ban Đông Phương đang tập dượt vũ khúc Đời Không Như Là Mơ, và Lý Quạ Kêu cho các chương trình kế tiếp. Đặc biệt, trong mùa báo hiếu Vu Lan, Ban Đông Phương sẽ ra mắt khán giả với kịch phẩm Tình Mẹ Nơi Xứ Lạ của soạn giả Hương Nam.

Hy vọng Ban Đông Phương sẽ gặt hái thành quả tốt đẹp như tấm lòng vàng của Huyền Phấn, Mina, Lệ Dung và các bạn trong Ban Đông Phương vẫn trải ra trong các công tác từ thiện của vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn trong thời gian qua.

Vương Thảo Hương

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002