Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NỔI LÒNG CHIM SẺ

Quảng Nhân

SẺ LÀ LOẠI CHIM TIỂU NHÂN KHÔNG THỂ ĐỨNG TRÊN CÀNH TRÚC! Suốt bảy trăm năm qua, họ hàng nhà sẻ vẫn hận ông Mạc Đỉnh Chi, do câu tuyên bố đầy kỳ thị và miệt thị ấy, trước bá quan văn võ nhà Nguyên, sau khi ông bị hố vì vồ hụt một con chim sẻ tuyệt sống động... được vẽ đậu trên cành trúc trong một bức mành.

Ông Trạng họ Mạc biết rõ rằng, trong các chim trời chỉ có sẻ là gần gũi với người nhất, không hề phân biệt đối xử sang hèn. Ở với người nhà tranh vách đất biết đồng cam cộng khổ, ở nơi lầu cao cửa rộng thì theo phú quí mà sinh lễ nghĩa, ở chốn đình chùa miếu mạo vẫn lo tu thân tích đức, ở dưới mái trường cũng biết ríu i-tờ-rít. Nhưng lỡ gần kẻ tham lam cũng buộc học thói bon chen cận kề tay đồ tể phải biết dè chừng con dao vấy máu. "Sẻ" không hữu duyên với mẹ như thầy Mạnh tử để được dạy dỗ về sau nên bậc thánh hiền, nhưng lại hơn hẳn cây quýt chua miền Bắc nhờ người dời về trồng đất phương Nam mới sinh trái ngọt.

"Sẻ" cực chẳng đã phải xử thế theo hạ sách:"đi với But mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy". Ôi! cái gương còn sờ sờ đấy: loài khủng long to lớn nhường bao, vua đại bàng chúa tể muôn loài lẫm liệt nhường bao, đã tuyệt chủng từ triệu năm trước. Nếu không biết thân bé mọn phải bon chen để sống còn, thì nay còn ai biết đến loài chim có tên là sẻ nữa!

So với nhiều giống chim trời, "sẻ" cam phận thua kém. "Sẻ" không sánh được phượng hoàng vương giả, hồng hộc anh hùng, đỗ quyên yêu nước, dã hạc thần tiên, thiên nga quí phái, bồ câu hòa bình, hoàng oanh nghệ sĩ, khổng tước quan cách... Nhưng ngẫm lại, "sẻ" còn hơn bá vạn loài chim khác:không hôi như cú, không bẩn như quạ, không bạc như cò (uổng công xúc tép), không lười như cà cưỡng (tu hú nuôi cà cưỡng), không thất tín như vịt trời, không bất nghĩa như chim bắt bắt-cô-trói-cột, không tham như già đảy, không mê tín như chim bói cá, không xa lạ như chim khách, không cò kè như chim trả, không khoe của như bạc má, không tục tỉu như cu cườm, không thâm như chim sâu, không hời hợt như bồ nông, không nói suông như vẹt, không lắm điều như chèo bẽo, không lêu lổng như sáo, không cãi cọ như bồ chao, không khóc như ri, không hèn như cút, không nhát như đà điểu, không dữ tợn như ác là, không tương tàn như kên kên, không phi cầm bất thú như dơi, .. Thế thì việc gì "sẻ"phải mặc cảm để mang mãi mối hận thâm căm cố đế với ông Mạc Đĩnh Chi, khi ở đời còn lắm thứ đáng giận hơn. Thật vậy, không riêng gì "sẻ" mà cả muôn chim, có lúc cũng khốn đốn ngay chỗ giang san của mình, như được ông Đỗ Phủ ghi lại trong bài thơ Trông Xuân:

"Nước mất còn núi sông,

Cỏ cây vẫn thế, thành xuân xanh rì.

Chim hoảng dạ hận biệt ly,

Cảm thời hoa cũng đầm đìa lệ tuôn.

Không những phải sinh lý mà còn tử biệt, nếu không lanh mắt lanh chân lanh cánh thì lập tức bị đổi tên thanh "sẻ cải thiện". Muôn chim một dạ đến giờ, đã bồng bế vợ dại con thơ rời xa phố thị làng quê tìm lên rừng sâu núi thẳm để sống còn. Bên Tàu hồi thập niên sáu mươi, "sẻ" lại thêm một nổi oan kêu chẳng thấu trời. Số là thời đó có cuộc đại cách... mạng, hàng triệu dân nam, phụ, lão, áu theo lệnh đại... lãnh tụ tấn công chim sẻ, vì cho rằng chính họ hàng nhà sẻ là thủ phạm ăn trộm lúa bắp, gây cho dân nạn đói triền miên. Quả nhiên, thay vì dành thì giờ để lao động vinh quang, việcdiệt "sẻ" ngày không đủ tranh thủ diệt đêm, đưa tới kết quả là dân Trung Quốc đã nhảy vọt lên một mức độ đói ăn chưa từng xảy ra kể từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế. Có lẽ biết được thân phận mình là chim tư sản, nên hạc vàng cũng đành bỏ vàng mà chạy lấy hạc trước đó rồi:

Hạc vàng vắng bóng từ xưa

Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay.

Như ông Thôi Hiệu đã kể lại trong bài thơ để đời Hoàng Hạc Lâu. Cả ông Lý Bạch cũng từng chứng kiến chim phượng hoàng quí tộc vì sợ bị đấu tố, nên chẳng còn chước nào tốt hơn là tẩu vi thượng thượng sách, như trong bài Phượng Hoàng Đài:

Bước chân lên Phượng Hoàng đài

Phượng hoàng xa khuất, đài nay vắng rồi...

Nghe đâu chim phượng từ năm 1949, đã bỏ Phượng Đài theo ông Tưởng Giới Thạch về sinh sống làm ăn bên quê vợ ở Loan... Đài ngoài hải đảo. Chính nhà thơ Tản Đà của ta cũng đã thấy ở xứ mình cái cảnh hoảng hốt của loài chim hạc (không có vàng) khi di tản:

Cái hạc bay lên vút tận trời

Cửa động, dầu non đường lối cũ

Nghìn năm thơ thẩn bóng trăng chơi...

Những Tản Đà, cũng như Tô Đông Pha quá lãng mạn đã tưởng lầm ở chốn đầu non có bóng trăng chơi thơ thẩn mà còn cất tiếng hót nữa!

Minh nguyệt sơn đầu khiếu

Thật ra, Minh nguyệt không phải là bóng trăng mà là tên của một loài chim đã lỡ chuyến bay cùng với hoàng hạc và phương hoàng, nay còn cất tiếng hót buồn tênh trên đỉnh núi, như lời a1c nhận của Vương An Thạch. Ông còn nói rằng cả hạc vàng, phượng hoàng cũng như minh nguyệt tìm phương xa lánh, vì cả muôn hoa bấy giờ trong nhụy đã nằm tênh hênh con sâu hoàng khuyển:

Hoàng khuyển ngọa hoa tâm

Thế thì con chim sẻ trên Đồng Tước Đài, chờ gì mà không xa chạy cao bay như Tào Tháo, để tránh lưỡi đao oan nghiệt của ông Mã Siêu đời nay. Rõ là Hoàng Lương Mộng đâu thấy, mà chỉ là cơn ác mộng đêm Thái Bình. Người xưa lạc hậu còn chưa nở cướp cơm chim, nay quê Thái Bình vẫn chưa phải là nơi đất lành chim đậu!

Ông Bụt nói cầm thú khéo cải ác tùng thiện qua nhiều kiếp cũng được hóa thành người, còn người mà cải thiện nhiều quá có khi lại xướng... cấp nhãn tiền. "Sẻ" nh khéo tu nên đã thành "tiểu nhân" như ông Trạng Mạc đã nói, nhưng "tiểu nhân" như sẻ vẫn chưa một lần gian ác để được hưởng thứ hạnh phúc trên đau khổ của đồng loại, giống như một loài ác điểu đã hóa thạch mà vẫn tự mãn sẽ chắp cánh cho bách điểu đồng phi lên chốn thiên đường , và nay còn

tự dối rằng mình chưa tuyệt chủng.

Nhà vua Trần Anh Tông phải mất vài năm mới hiểu được tài hoa quán thế ẩn trong cái ngoại hình xấu xí của ông Trạng họ Mạc. Nhà "sẻ" thật không xấu hổ gì để thú nhận đã bé cái lầm suốt bảy thế kỷ . Lời tục quả chí lý: óc sẻ không thể hiểu được chí chin hồng. May thay, muôn loài qua thời gian có tiến hóa, nên sẻ nay mới ngộ được cái ý tại ngôn ngoại của ngài Lưỡng quốc Trạng Nguyên. "Sẻ" chỉ có cầm tính, và không còn cấp nào để xuống nữa, nên cũng không lo mất cái bản chất hình nhi thượng này.

"Sẻ" cuối năm, cuối thiên niên kỷ, đã hoàn toàn bằng lòng với cái vinh dự từ tiểu tước được ngài Trạng nâng cấp lên thành "tiểu nhân". Và:

"Nỗi lòng của "sẻ" đã tạm vơi,

Nhâm Ngọ xuân sang, chúc mấy lời:+

Vua, quan, sĩ, thứ người trong nước

Sao sống cho ra cái giống người!"

Quảng Nhân

+ bắt chước Tú Xương.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002