Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Quê Hương Ngày Xưa

KHU VƯỜN NHÀ NỘI

Kể từ khi mở mắt chào đời, tôi không biết đã được cái diễm phúc bú sữa mẹ trong bao lâu, và những tháng ngày nằm trong tay mẹ chắc cũng không được nhiều lắm. Có hồi tưởng lại, tôi cũng chỉ nhớ được là từ lúc tôi còn nhỏ, nhỏ lắm, ba anh em tôi đã được ông bà nội nuôi rồi.

Tôi vốn dĩ được ông bà nội cưng chìu, có lẽ vì tôi là đứa cháu nội út hay cũng có lẽ là nội tôi muốn đền bù lại phần nào sự thiếu thốn tình thương của cha mẹ cho ba anh em tôi. Lúc còn nhỏ, tôi vẫn thích ngồi trong lòng nội rồi thò tay vuốt chòm râu bạc của nội tôi, vừa cười ngặt nghẽo. Đến bữa ăn, mỗi khi có món ngon các cô tôi thường sắp riêng trong một cái dĩa, để dành cho nội uống rượu và ăn cơm ngon miệngt. Tôi luôn luôn được ngồi kế bên và vốn háu ăn từ lúc bé, lại được nội cưng chìu nên cứ gắp liên miên trong cái dĩa của nội. Mấy cô phải la rầy bảo sao ăn hết đồ ăn của nội đi, nhưng nội tôi lại khề khà vuốt đầu thằng cháu bé và còn gắp thêm cho tôi nữa. Nhà nội rất thanh bạch, cả gia đình sống nhờ vào huê lợi của miếng vườn và một ít tiền do ba tôi gởi về. Mấy cô tôi nuôi vài ba con heo và một đám gà để lấy trứng hoặc ăn thịt trong những ngày giỗ. Nội tôi làm nghề khắc chữ nho trên những tấm mộ bia bằng đá xanh. Lúc còn bé. Tôi vẫn thường hay ngồi nhìn nội tôi đục từng nét chữ trên đá, to nhỏ khác nhau. Lâu lâu tôi lại hỏi nội chữ ấy là chữ gì và được nội giải thích rất tường tận. Có lần tôi hỏi nội:

_ Sao nội lại biết viết chữ nho?

Nội chậm rãi vuốt chòm râu bạc , xoa đầu tôi rồi bảo:

_ Lúc nội còn nhỏ, chỉ có trường học chữ nho của mấy ông đồ và nội đã đi học chữ nho như ngày nay con học trường làng.

Tuy còn bé nhưng tôi thấy chữ đục trên đá của nội tôi trông rất đẹp, nét chữ sắc sảo ăn sâu vào phiến đá xanh. Sau này khi đã trưởng thành, mỗi khi Tết đến, tôi vẫn thích đi dọc theo các con đường lớn để xem những ông đồ già ngồi viết chữ nho hay liển đối trên những tờ giấy hồng đơn. Tôi lại chớt nhớ đến những nét chữ bay bướm, phảng phất một vẻ phóng khoáng tiêu sái của nội tôi ngày xưa.

“Năm nay hoa đào nở,

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ.”

Vũ Đình Liên

Mỗi buổi sáng, sau khi rửa mặt xong, chúng tôi ăn cháo sáng rồi xách cặp đến thưa nội và mấy cô để đi học tại trường làng. Lần nào nội tôi cũng xoa đầu và móc hầu bao phát cho mỗi đứa nửa xu để ăn bánh trước cổng trường. Có lần vô tình nội lại quên đi, ba anh em tiu nghỉu. Ra đến cổng, anh tôi đề nghị:

_ Nội cưng em nhứt, vậy em trở vào thưa nội lần nửa đi.

Tôi lém lỉnh:

_ Mình vừa mới thưa nội rồi mà!

Anh tôi cười khì:

_ Thì em vào thưa lần nữa đi, kỳ này nội không quên đâu.

Tôi đành nghe theo lời ông anh cả, trở vào nhà:

_ Thưa nội con đi học.

Nội tôi giật mình hỏi:

_ ủa sao con chưa đi?

Rồi như sực nhớ lại, nội cười tủm tỉm móc hầu bao bỏ vào tay tôi xu rưỡi, vuốt đầu thằn cháu cưng và căn dặn tôi đừng ăn bậy bạ nhất là những trái cây sống sít.

Bà nội tôi là một Phật tử thuần thành, tu tại gia, ăn chay trường nên bà thường ở riêng trong một cái thất, cất phía sau vườn. Những buổi trưa rảnh rỗi, tôi thường đến thất réo inh ỏi:

_ Nội ơi, nội ơi ... cho con lên với.

Nội tôi bắt vào quỳ lạy trước bàn thờ Phật tổ, rồi đem trái cây, bánh đã cúng Phật xong cho tôi ăn. tôi vừa nhai ngồm ngoàm vừa tò mò nhìn những bức tranh treo trên vách mà nội bảo là Thập Điện Diêm Vương. Nơi nầy một tên quỷ sứ đầu trâu đang móc lưỡi một phạm nhân, cắt từng khúc, máu hỏ ròng ròng. Nội bảo:

_ Đó là những người hay nói láo, đặt điều ác cho kẻ khác, chửi bới thánh thần, nên bị tội cắt lưỡi.

Nơi kia hai tên quỷ sứ mặt ngựa cầm chỉa ba xôm một người đang giẫy giụa trong một chảo dầu sôi sục sục. Nội lại bảo:

_ Những kẻ ác giết người, chửi cha mắng mẹ, nên bị nấu dầu sôi.

Một chỗ khác, hai tên quỷ nanh lồi chôm chổm đang cưa một người làm hai khúc ruột đổ lòng thòng, máu chảy bê bết. Nội giải thích:

_ Người này phạm tội sát sanh, thọc huyết heo, cắt cổ bò, giết người cướp của, tàn hại súc vật.

Nội tôi lại tiếp:

_ Có lần nội thấy con bẻ giò hay bứt đầu mấy con dế, lấy đá đập dẹp một con cóc hay bẻ càng bẻ ngoe mấy con cua đồng. Giống vật dù cho là con kiến hay con ruồi, nó cũng có mạng sống của nó. Con vô cớ giết hại nó một cách bừa bãi là phạm vào tội sát sanh, khi chết xuống âm phủ sẽ bị Diêm Vương hài tội.

Tôi hoảng quá, hứa với nội là không dám làm nữa. Mỗi khi gặp nội tụng kinh sám hối, tôi vẫn thường ngoan ngoãn quỳ lạy truớc bàn thờ đức Phật, gọi là để sám hối cái tội lỗi đã giết hại bừa bãi một số sinh vật nhỏ bé như : chuồn chuồn, bươm bướm, dế mèn, kiến vương và bao nhiêu thứ khác nữa.

Chuỗi ngày xanh êm đềm trôi qua trong khu vườn nhà nội. Ba anh em tuy không có cha mẹ ở gần, nhưng đền bù lại được sự nuông chìu của ông bà nội và mấy người cô nhỏ nên cũng thấy sung sướng vô tư. Nhiều khi hồi tưởng lại những mẫu chuyện nho nhỏ mà tôi đã sống ngày xưa, tôi lại mỉm cười để cho dòng tư tưởng tự do trôi ngược lại.

Có lần bồn sen bạch của nội tôi trổ rất nhiều bông, những hoa sen trắng muốt, thanh khiết nhô cao giữa những chiếc là tròn xanh. Mùi nhị sen thoang thoảng bát ngát làm cho cả nhà không ngớt trầm trồ, nhất là nội tôi lại càng tưng tiu chăm sóc. Hoa nở rồi lại tàn, những cánh hoa sen rơi lả tả trên mặt những nước để nhường chỗ cho những chiếc gương sen xanh mướt, lấm tấm những hạt sen nhỏ tròn đều đặn. Các gương sen lớn dần ra. Nội tôi căn dặn là năm nay nội để cho các hạt sen già đen, gây thêm giống vì sen bạch rất hiếm, đồng thời sẽ đem biếu cho nhà chùa gọi là góp phần công quả. Hằng ngày tôi vẫn thường đến gần cái bồn sen, để ngắm nghía những chiếc búp sen vừa mới nhô lên khỏi mặt nước hay một chiếc hoa sen nở rộng. Tôi tìm xem những con cá bạc đầu hay thia thia mà anh em tôi đã lén nội thả vào bồn sen nuôi cho chóng lớn. Đàn cá con lội tung tăng trong làn nước trong vắt, len lỏi giữa những cuống sen non vươn dài, đưởi cắn nhau. Thỉnh thoảng một con thia thia trống lại phùng mang, giương to kỳ vi, chiếc đuôi tròn đỏ thẳm quạt quạt nước. Thân mình chú cá uốn cong cong, với những hàng vảy xanh đỏ lấp lánh, biểu diễn trước một con thia thia mái, làm tôi thích thú ngắm nhìn không chán. Mấy chiếc gương sen cũng bắt đầu già. Các hạt sen to tròn đã đổi màu từ canh đến nâu đen, nằm gọn trong những ô tròn đều đặn. Tuy nội tôi đã có căn dặn nhiều lần nhưng bản tánh háu ăn của tôi vẫn không chừa. Lâu lâu tôi lại lén nội gở lấy một hạt sen đen ròm, lấy đá đập bể rồi nhai tóp tép một cách ngon lành.

Khu vườn nhà nội tiếp xúc với nhiều khu vuờn kế cận. Cây cối rậm rạp nhứt là những cây xoài tượng to gốc, xoài voi, xoài cóc, tàn cây che phủ cả một vùng mát mẻ. Tới mùa xoài, anh em tôi thường hay trầm trồ ngắm nghía một cách thèm thuồng những chùm xoài tượng xanh rờn, lủng lẳng đơm đầy trên cành cây. Chị tôi hít hả bảo:

_ Nếu có một trái to, đem gọt vỏ xắt từng lát mỏng, ăn với nước mắm đường thì ngon tuyệt.

Tôi nhanh nhảu vọt miệng:

_ Hôm nào vắng người, em vác đá chọi cho chị một trái to. Cây này sai trái lắm. Em chọi chỉ một phát là trúng liền.

Anh tôi cốc lên đầu tôi một cái, bảo:

_ Coi chừng họ thấy được, mắng vốn với mấy cô thì mầy ăn đòn.

Tuy nhiên, dường như trời lúc nào cũng thương những thằng bé như tôi. Một hôm trời nắng oi bức, bỗng nhiên mây đen kéo kín cả một góc trời. Gió bắt đầu thổi mạnh rồi mưa đổ ào ạt xuống xen lẫn với những tia chớp lóe lên tứ phía kèm theo tiếng sấm sét đánh ầm ầm. Tôi cởi phăng cái áo cộc, thẩy phóc lên bộ ván, chỉ còn mặc cái quần xà lỏn rồi cắm cổ chạy bay đến vườn xoài mặc cho chị tôi kêu réo. Những giọt mưa to tiếp tục tuôn xối xả, cơn giông càng lúc càng mạnh. Các cành cây rung chuyển xào xạc, lá bay tơi tả, một nhánh to mục gẫy rắc một cái và rơi đánh ầm xuống. Các chùm xoài to lủng lẳng đưa qua đưa lại, rún rẩy dường như sắp đứt cuống. Bỗng đánh bịch một cái, một trái xoài tượng to vừa chạm mặt đất, tôi phóng vọt đến chộp liền. Từ xa, hai ba thằng bạn tiểu yêu của tôi cũng co giò chạy đến. Bịch ... bịch ... lại hai trái nữa, tôi quýnh lên chạy lung tung cố lượm cho được hết. Mấy đứa bạn vừa tới, kêu réo om xòm. Cơn mưa càng to như trút nước. Tiếng xoài rụng bình bịch, tiếng la ó cười đùa của lũ tôi xen lẫn với tiếng sét đánh ầm ở xa. Lâu lâu một thằng lại trợt chưn té bịch một cái, chỏng gọng lên trời làm cho cả bọn cười rộ lên.

Gió bắt đầu dịu lại. Chúng tôi, mỗi đứa đều lượm được ít nhiều xoài, riêng tôi vì đến trước tiên nên đã gom được một đống xoài dưới gốc cây, trước sự thán phục của mấy đứa bạn. Hàm răng của vài đứa đã bắt đầu đánh lập cập, cả bọn đều thấm lạnh, cặp môi tái xanh, xoài không rụng nữa. Chúng tôi hỉ hả chia tay ra về. Tôi lượm một cái giỏ xách, bỏ mớ xoài sống vào và cột ghịt lại, xong co giò phóng thẳng về nhà. Chị tôi đang đứng trước cửa cầm cái khăn bông, mặt nhăn nhó. Vừa thấy tôi về đến là chẳng nói chẳng rằng chộp lấy tôi, chà sát cẩn thận cho tôi ấm lên, vừa cằn nhằn:

_ Trời mưa to, em cảm lạnh thì sao? Không chịu nghe lời chị, chị mét với mấy cô cho xem.

Tôi cười tuýt toét:

_ Đau thế nào được, em mạnh như cọp. Hàng ngày, chị vẫn thèm ăn xoài sống với nước mắm đường mà! Lần này em lượm được nhiều lắm, chị có thể đem cho mấy người bạn của chị một vài trái.

Chị tôi đành cười trừ và hai chị em khệ nệ lấy mớ xoài ra. Đến một trái to chị tôi hít hà:

_ Trái này to quá em lượm ở cây nào vậy?

Tôi khoái chí dương dương tự đắc:

_ Em cừ không? Trái này ba anh em mình ăn với nước mắm đường thì nhất rồi nhưng chị nhớ để nhiều đường tán vào ăn cho ngọt nhá!

Giờ đây ở xứ người, mưa vẫn rơi. Nhưng tôi làm gì có dịp để tắm mưa nữa, vả lại đây cũng đâu có vườn xoài để cho tôi đi lượm xoài rụng như ngày xưa. Chị em lại xa cách trùng dương, đâu được ở gần nhau để ăn xoài sống với nước mắm đường như khi còn ở quê hương. Tôi chỉ còn lại phương tiện tắm mưa trong kỷ niệm của mấy vần thơ:

"Mưa rơi từng chập mưa rơi,

Mưa ca theo gió cùng hơi thở buồn.

Mưa theo chớp bể mưa nguồn,

Mưa như thác đổ, mưa tuôn vào lòng.

Mưa tuôn như lệ đôi giòng ..."

Bút nhóm Tha Hương

Hay ngồi nhớ đến “Mưa Rơi" của Giang Hữu Tuyển:

" Lá vàng rụng hết đêm qua,

Chiều xô cửa ngỏ, ra mưa rất buồn.

Mưa dầm ngọn cỏ đan sương,

Mưa nghiêng kỷ niệm, mưa buồn tóc bay."

Hà Ngọc Bích

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002