Đại Chúng số 94 - Ngày 16 tháng 3 năm 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


KỶ NIỆM VỀ MỘT BÀI HÁT

Phong Thu

Tháng 2 năm 2002, khi đi chợ Việt Nam tại Maryland, nhìn thấy tờ giấy quảng cáo "Chương Trình Ca Nhạc thính Phòng- Tình Ca Và Kỷ Niệm" với tấm hình của ca sĩ Khánh Ly in bên cạnh một dòng sông mênh mông, một con đò đơn độc làm tôi gợi nhớ quê hương. Tôi nhìn xuống phía dưới là sáu tấm hình nhỏ ghi lại hình ảnh người dân Việt của tôi triền miền trong bất hạnh và đói khổ. Cái đói mà tôi thường nói, đó không còn là cái đói của thời Pháp thuộc trong những tập truyện của nhà văn Nam Cao của nửa thế kỷ trước, mà là cái đói trầm tích, cái đói thiên thu của dân Việt suốt mấy thế kỷ dai dẳng, tàn nhẩn và bất hạnh.

Năm 2001, Khánh Ly đã trở về Việt Nam, đó cũng là lần sau cùng người ca sĩ tài danh nầy gặp lại người bạn tri kỷ, tri âm của mình là nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Tại sao tôi lại dám dùng từ tri kỷ, tri âm để nói đến sự gắn liền tình bạn của hai người tài danh nầy? Bởi tôi biết số phận, cuộc đời và sự nghiệp của họ gắn liền với nhau, hổ tương cho nhau. Đã mấy thập kỷ qua, mỗi khi ai nhắc đến Trịnh Công Sơn thì họ sẽ nhớ về ca sĩ Khánh Ly và ngược lại. Những bài hát của Trịnh Công Sơn được nhiều người biết đến khi có giọng hát ngọt ngào, truyền cảm ru hồn của Khánh Ly và chỉ có Khánh Ly mới làm cho những bản nhạc đó rung động người nghe.

Khi tôi còn là một cô bé mười 10, 11, 12... tuổi, tôi mê cải lương với những danh ca Tấn Tài, Thành Được, Phượng Liên, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Lệ Thuỷ...Sau nầy năm 1972, khi về Sài Gòn học tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, Võ Tánh, Gia Định... nghe Khánh Ly hát bài Diễm Xưa, Cát Bụi... tôi lại mê giọng ca của Khánh Ly và thuộc hầu lòng hầu hết những bản nhạc của Trịnh Công Sơn. Học sinh trường tôi thường bàn tán và nói về Trịnh Công Sơn và Khánh Ly, với những huyền thoại bao quanh họ. Rồi năm 1975 đã đến, đất nước lại biến đổi, hoà bình mà ly tán, tang tóc khôn cùng.

Trịnh Công Sơn đã ở lại Việt Nam, những năm đầu anh còn ôm giấc mơ "Nối Vòng Tay Lớn" như Huỳnh Tấn Mẫm. Nhưng Huỳnh Tấn Mẫm đã bị đánh gục sau khi đến Bình Nhưỡng dự “Festival” của nước cộng sản sắt thép nầy tổ chức. Anh đã viết một bài báo nói về bóng tối, sự lạnh lẻo thiếu vắng nụ cười trên môi người dân Bắc Hàn. Huỳnh Tấn Mẫm đã tâm sự nhiều với bạn bè trước khi anh bị cách chức Tổng Biên Tập báo Thanh Niên và sự nghiệp của anh đã xếp vào sổ đen. Người kế tiếp giữ chức vụ Tổng Biên Tập báo Thanh Niên là Nguyễn Công Khế, một người khôn ngoan và biết giữ kẻ... Sau nầy, người theo gót chân Huỳnh Tấn Mẫm là Võ Kim Hạnh, cựu Tổng Biên Tập báo Tuổi Trẻ, người phụ nữ đầu tiên trong làng báo CHXHCNVN đã khởi xướng đánh Đường Sơn Quán, nơi mà các người con "ưu tú, hoàn thiện” của Đảng đến du hí để mở ra Vườn Địa Đàng trên hạ giới. Khiến cho một số cán bộ phải bị lột chức và con gái của một tên công an cở "cá mập" đã nhục nhã nhảy lầu tự sát. Trịnh Công Sơn đã chấp nhận cuộc sống mới như bài hát "Mỗi Ngày Tôi Tìm Được Niềm Vui”. Nếu ai được ở gần anh, sẽ thấy nhạc anh không còn có hồn như xưa. Dòng cảm xúc không trọn vẹn, nhiều bản nhạc gượng ép, gò bó và anh uống rượu nhiều hơn trước. Anh lại được biến thành cái loa phóng thanh của Đảng để phủ nhận những bài hát của mình sáng tác trước 1975. Đó là năm 1985, 1986, tôi đã nhiều lần đến Câu Lạc Bộ Thanh Niên nghe anh nói chuyện. Bạn bè tôi nói với tôi rằng "thần tượng sụp đổ", còn tôi buồn và không nói gì. Bởi tôi hiểu thân phận cá chậu chim lồng thì biết ngày nào tìm ra bầu trời rực nắng để cất tiếng hót... Thương cho Trịnh Công Sơn bởi anh đã biết mình lạc lõng trên chính quê hương. Có một lần gặp anh tôi hỏi: "Anh Sơn, sao anh lại phủ nhận những bài hát mà tôi yêu thích?". Anh cười gượng gạo đáp: “Có ai cho hát nữa đâu để mà nhớ". Tôi nhìn anh thật lâu rồi chậm rãi trả lời: "Nhưng tôi vẫn còn nhớ bài Diễm Xưa, Cát Bụi, Gia Tài Của Mẹ.. tôi vẫn hát cho bạn bè tôi nghe". Anh lặng thinh nhìn bâng quơ đâu đó để tránh những câu hỏi ngớ ngẩn có thể hệ luỵ đến anh của một cô sinh viên trẻ, còn nông nổi và cóc cần đời như tôi. Ngày 14 tháng 4 năm 1990, nhóm trẻ của tôi họp mặt tại Vũng Tàu. Hôm đó, chúng tôi đã đặt những câu hỏi “rất bạo”cho chuyên viên của Đảng là nhà báo Trần Bạch Đằng. Trần Bạch Đằng cũng nói quanh co rồi ngọng luôn không dám trả lời...

Hôm nay, viết những dòng nầy để nhớ lại thân phận của người Việt Nam thật quá bi thương. Tôi nhớ tấm hình Khánh Ly chụp chung với Trịnh Công Sơn năm rồi tại nhà anh như một dự báo của sự ra đi... Nhìn tấm hình anh khiến tôi bàng hoàng. Tôi nhớ những lần gặp anh tại Sài Gòn, đâu đó trong các Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật, trong những quán nước... mà ngỡ như anh mới hôm nào còn ôm đàn hát cho bạn bè nghe. Năm nay, Khánh Ly đang muốn trở về cội nguồn xưa, nơi chất chứa những kỷ niệm êm đẹp nhưng cũng chứa đựng nhiều đau thương và nước mắt. Hình như, những ngày tháng lưu lạc vẫn không làm cho Khánh Ly quên được quê hương. Bởi chỉ có quê hương mới là nơi đẹp nhất, nơi Khánh Ly cất tiếng ca đầu tiên và đưa Khánh Ly đạt đến đỉnh cao danh vọng. Khánh Ly vẫn đi hát thường xuyên và tiếng hát của Khánh Ly vẫn còn quyến rũ người nghe, vẫn còn gợi cho từng thế hệ đi qua nhớ thương và ngưỡng mộ. Đặc biệt, người nghệ sĩ tài danh nầy đang bắt đầu làm một việc cao quý hơn trong cuộc đời còn lại. Chị có dự định, hoài bảo là đem tiếng hát xây dựng lại tình thương, tình người cho những trẻ em bất hạnh, cho những người Việt đói khổ kém may mắn tại quê nhà. Tham gia vào Bút Nhóm Lửa Việt, Khánh Ly muốn đưa hai bàn tay nhỏ bé của mình "Nối Vòng Tay Lớn" trong tình người không còn chia cắt, hận thù mà chỉ còn lại nguyên vẹn người Việt Nam đúng nghĩa với truyền thuyết “Một Mẹ Trăm Con” hay câu chuyện của Lạc Long Quân và Âu Cơ thuở trước. Khánh Ly muốn làm lại một cái gì đó mới hơn, thiết thực hơn, cần thiết hơn mà Đảng CSHN đã hơn 26 năm qua đã lãng quên, đã nuốt lời hứa, đã phản bội...

Hiện nay, có nhiều tổ chức người Việt hải ngoại đã tự nguyện trở về Việt Nam cứu giúp dân nghèo. Hình như đó là nhiệm vụ của họ chớ không phải là của Đảng CSHN. Nhưng quyền cắt đất, cắt lãnh hải dâng cho Trung Cộng lại là nhiệm vụ của Đảng. Không biết có còn ai nhớ và biết hát bài "Giổ Tổ Hùng Vương" không? Riêng tôi thì không bao giờ quên. Bài hát nầy cũng là bài hát ruột mà tôi nhớ dai y như nhạc của Trịnh Công Sơn hay bản nhạc "Hoa Trinh Nữ" của Trần Thiện Thanh:

"Bốn ngàn năm văn hiến, nước Nam khang cường là nhờ ơn đức Hùng Vương. Văn hoá như sông Hồng, cùng nâng dắt nhau đi vào ngàn hoa thắm tươi. Đời đời nhờ Hùng Vương cũng vì nước Nam, lập nên nước nầy. Nay chúng con quây quần, cúi dâng tâm hồn, cùng khói hương bay"

Bài hát ngắn gọn nhưng gói gọn tình yêu quê hương nồng nàn thẳm sâu trong lòng dân Việt đã mấy ngàn năm. Bài hát không còn ai hát và nhắc đến nhưng đối với tôi vẫn thiêng liêng như lời sống núi. Bài hát kỷ niệm nầy còn gợi cho tôi nhớ cô Kim Nương, giáo sư âm nhạc của tôi tại trường Quốc Gia Nghĩa Tử, và cái chết thương tâm của cô còn vang vọng trong tâm tôi đến bây giờ. Có dịp tôi sẽ nhắc đến chuyện tình nầy cho độc giả thưởng lãm. Tôi vẫn mong ca sĩ Khánh Ly hãy phổ biến bản nhạc nầy cho tất cả người Việt Nam trên khắp năm châu cùng hát để hướng về mãnh đất Việt Nam hình chữ S thân yêu đang bị tập đoàn phản quốc CSHN cắt lìa dâng cho Trung Cộng.

Cầu mong Khánh Ly sẽ thành công trong đêm trình diễn và mơ ước của Khánh Ly sẽ được toại nguyện. Xin gởi một bông hồng ban mai đẹp nhất, thơm nhất trao đến Khánh Ly, con chim Sơn Ca của Việt Nam có một tâm hồn và trái tim đôn hậu.

Phong Thu

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002