Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Tác giả hai thi tập "Nỗi Lòng Cô Phụ" (1995) và "Khung Trời Kỷ Niệm" (2000) & 2 CD "Tình Khúc Cho Anh" và "Những Cánh Thơ Tình"

Hoàng Xuyên Anh hay là nỗi đoạn trường của một nhà thơ trong thế kỷ...

Mến tặng thi sĩ Đỗ Bình

Lê Mộng Nguyên (Paris)

Từ lúc tôi bắt đầu, cách đây ba năm, gánh vác trách nhiệm phê bình trên nguyệt san Nghệ Thuật của nhạc sĩ Lê Dinh ở Montréal (Canada), tôi đã có dịp đọc hơn 50 thi văn tập hoặc nhạc tuyển, nhưng chưa bao giờ tác giả nào đã làm tôi xúc động đến cực độ như Hoàng Xuyên Anh với hai tác phẩm: "Nỗi Lòng Cô Phụ" và "Khung Trời Kỷ Niệmõõ... Một số bài thơ của Hoàng Xuyên Anh được nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như: Phạm Đức Huyến, Hoàng Gia Thành, Nguyễn Hữu Tân, Vũ Đức Nghiêm, Lê Quốc Tấn, Vũ Đình Ân, Lê Hà, Lynh Phương, nhạc sĩ dương cầm Linh Phương...  phổ nhạc và những nghệ sĩ lừng danh như: Ái Vân, Giao Linh, Như Mai, Quỳnh Hương, Diệu Linh, Bích Ngọc, Thùy Dương, Mai Thảo, Lý Bạch Huệ, Thúy Vinh, Trầm Tú, Kim Cúc, Hồng Vân, Đoàn Văn Linh, Bảo Cường...  ngâm hoạc ca trong 2 CD "Tình Khúc Cho Anh" và "Những Cánh Thơ Tìnhõõ, nghe thật là ai oán, khổ đau như cuộc đời của Hoàng Xuyên Anh. Nguyên do vì sao? Theo "Lời Tâm Sự Của Tác Giả" (tr. 21, NLCP): Thiên số đã định những đau thương dồn dập xảy ra trong cuộc đời Hoàng Xuyên Anh không làm sao tránh được. Hoàng Xuyên Anh  không ngờ cuộc đời mình đầy rẫy tang thương, xảy ra trong chớp nhoáng như sét đánh. Mồ côi cha lúc nằm nôi, mồ côi mẹ năm 18, hai chiếc khăn tang phủ mái đầu xanh, lòng buồn não nuột. Tuổi thanh xuân đã sớm bơ vơ, HXA phải lăn lóc trong cuộc sống để tiến thân. Khi lập gia đình đứa con trai đầu lòng té ao chết lúc ba tuổi, năm 1966, đứa con trai thứ nhì bị rắn cắn chết khi vừa lên hai tuổi, năm 1979, và đứa con trai út bị tai nạn máy bay với Hoàng Xuyên Anh, chết cháy lúc vừa tròn một tuổi vào ngày 23-12-1985õõ. Tôi xin kể tiếp: Trong tai nạn máy bay rớt từ trời cao xuống khu chợ, Hoàng Xuyên Anh còn sống sót, nhưng hai tay bị co rút và không còn nhan sắc như xưa: ... Thương thay số kiếp phũ phàng, Đóa hoa bạc mệnh nhụy tàn vì yêuá (Hoa Bạc Mệnh, NLCP tr. 49).áChồng nàng là Dominico Lương Quang Xuyến trong lúc Hoàng Xuyên Anh vật lộn với tử thần ở bệnh viện, đau buồn không thể tả rồi cũng vĩnh viễn ra đi ba năm sau (1988). Mùa thu năm 1995, thi tập đầu lòng "Nỗi Lòng Cô Phụ" được ra đời, một mình HXA phải lo lắng lúc bấy giờ cho ba đứa con thơ dại... Trong nỗi khổ tận cùng, nàng chỉ còn thơ để làm lẽ sống, nhan sắc không còn:... Đau thương dồn dập phủ đời tôi, Thiêu hủy dung nhan héo nụ cười...(Nỗi Lòng Cô Phụ, NLCP tr. 79) nhưng vẻ đẹp cao siêu của linh hồn sẽ còn mãi mãi trong thơ nàng tặng hương hồn chồng mà thương nhớ không bao giờ nguôi cùng ba con Huy Vũ, Huy Phong và Huy Hoàng ở bên kia thế giới: Tuổi thơ trong trắng dại khờ, Ai đem con trẻ lấp mồ tình yêu? Thương con rỉ giọt máu điều, Nắng mưa bao quản sớm chiều ước mong (Khóc Con, NLCP tr. 35).

"Khung Trời Kỷ Niệm" xuất bản  năm 2000 nghĩa là 5 năm sau NLCP với mục đích  làm sống lại những kỷ niệm ưu ái và theo thiển ý tôi, là một tán dương ca đượm tình đôi lứa, mặc dầu mỗi người một ngả: Anh đứng đó giữa khung trời buốt giá, Em miệt mài trong nỗi khổ trần gian... Hai chúng ta không cùng chung vĩ tuyến, Khác múi giờ nhưng qui tụ đồng tâmá (Tình Hồng Rực Rỡ, KTKN tr. 44). Đôi lúc để làm sống trong nối tiếp hai cõi thần tiên (có anh) và trần tục (có em): Cõi trần tựa cảnh bồng lai, Quế-Anh, Quang-Xuyến đắm say men tình, Đất, trời, nhật, nguyệt quang minh, Bên nhau đắm đuối chỉ mình hai ta (Tình Bất Diệt, KTKN tr. 61). Vì thật ra trong tâm trí của tác giả Khung Trời Kỷ Niệm:

Mười năm tình tự còn nguyên

Mười năm nhung nhớ triền miên nỗi sầu

Gọi anh đâu? Tìm anh đâu?

Trăng soi bến lạnh, nương dâu bẽ bàng  (Tìm Anh, KTKN tr. 74)

"Khung Trời Kỷ niệm" cũng là một tán dương ca tình đất nước quê hương và trên mặt này, Hoàng Xuyên Anh đã viết những câu  thơ rất Dư Thị Diễm Buồn:

Làng tôi nghèo bên cạnh dòng sông Cửu

Trà Vinh buồn trồng đủ lúa, ngô, khoai

Miền tây vựa lúa quanh con sông dài

Dân quê chất phát miệt mài đồng áng  (Nhớ Tỉnh Trà Vinh, KTKN tr. 82). Cùng một thi bản này, HXA nhắc nhở và tưởng niệm buổi lễ Giáng sinh nàng đã trải qua những giờ hạnh phúc với người thủy thủ yêu dấu của Quân Lực VNCH:

Anh nhớ chăng, đêm Noel huyền hoặc

Chiến hạm nào đậu giữa Thái Bình Dương?

Anh dìu em trong vũ điệu nghê thường

Tình thủy thủ khắc ghi đầy ký ức ...

"Khung Trời Kỷ Niệm" sau hết là một tán dương ca tình đồng bào nói riêng và tình nhân loại nói chung. Ta hãy lắng nghe vài câu HXA viết tặng đoàn cải lương Tiếng Vọng Quê Hương:

Lắng nghe tiếng lục huyền cầm

Của người nghệ sĩ thăng trầm đau thương

Lần chân qua khắp nẻo đường

Đò ngang Mỹ Thuận dặm trường xót xa

Với lời tình tự thiết tha

Người ơi! Sao nở bỏ ta một mình

Mắt mù từ thuở bẩm sinh

Bà con cô bác thương tình giúp cho... 

(Thương Người Nghệ Sĩ Mù Bắc Mỹ Thuận, KTKN tr. 108), hoặc lúc tác giả tiễn đưa nghệ sĩ Bích Thuận trở về Paris và để kỷ niệm buổi tiệc tổ chức tại tư thất nhà thơ Song Linh:

Mời anh một miếng đỉnh chung

Hương thơ ngào ngạt, rượu nồng mềm môi

Hoa tim rộn rã vui tươi

Thi Đàn Lạc Việt tiễn người thân thương (Thi Đàn Lạc Việt Yêu Thương, KTKN tr. 127)

"Khung Trời Kỷ Niệm" theo tôi là một tái sinh của tác giả mặc dầu sự nhớ thương người chồng bạc mệnh vẫn không bao giờ nguôi. Bằng cách ẩn núp dưới bóng từ bi: Nam mô Phật Tổ cao thâm, Soi đàng đạo pháp thấm nhuần người thương, Mau mau về duới Phật đường, Hồi chuông chiêu mộ tìm đường an vui (Hồi Chuông Chiêu Mộ, KTKN tr.117) hoặc "Thì Thầm Cầu Mẹ La Vang" (KTKN tr. 118): Quyền năng của mẹ dư thừa, Xin cho con hết nắng mưa dãi dầu. Con quỳ lạy mẹ ơn sâu, Tình yêu của mẹ nhiệm mầu đời con. 

Cuộc đời của Hoàng Xuyên Anh từ 1985 là một phấn đấu với đời, với định mệnh, thật đáng làm gương mẩu cho thế hệ sau. Theo lời Tâm Sự của nàng trong KTKN: Lúc thiếu thời, ta sống cho tương lai, lúc trung niên, cho hiện tại, lúc lão thành cho dĩ vãng. Nàng viết: Nhìn hình ảnh mình đẹp đẽ thuở thiếu thời nước mắt ràn rụa, bao nhiêu kỷ niệm xa xưa lần lượt hiện về...  Nỗi đau đớn của Hoàng Xuân Anh không so sánh được với "Những nỗi thống khổ của người trai trẻ Werther" (Les Souffrances du jeune Wertherá, 1774)  trong tiểu thuyết của nhà văn hào Đức GOETHE. Sách này được lừng danh khắp Âu Châu, đã làm hứng cảm cho nhiều nhà văn khác và cũng là nguyên do của nhiều vụ tự sát "theo kiểu Werther" (suicides "à la Wertherõõ). Không! Cái đau khổ vô biên của Hoàng Xuyên Anh tương tự cái buồn cô quạnh của LAMARTINE qua bài "LõIsolement" (thi tập "Méditations Poétiquesõõ, 1820) mà trong đó nhà thi hào Pháp phát biểu sự dửng dưng của ông đối với vũ trụ và ngay cả với cuộc đời (sau cái chết của người tình muôn thuở ELVIRE ngày 18 tháng 12 năm 1817). Thi nhân muốn bày tỏ một nguyện vọng nhiệt thành rời bỏ trái đất, một kỳ vọng viễn vông trong hạnh phúc lý tưởng mà ông sẽ đạt được hoặc tìm lại trong không trung (espaces):

Que me font ces vallons, ces palais, ces chaumières,

Vains objets dont pour moi le charme est envolé?

Fleuves, rochers, forêts, solitudes si chères,

Un seul être vous manque, et tout est dépeuplé!

Xin tạm dịch:

Trước thung lũng, đền đài và nhà lá

Ngoại vật trống không, mê ảo rụng rời

Cả những sông, núi đá, khu  rừng thẳm

Từng ẩn núp  mộng tưởng với cô liêu

Nay thiếu bóng  một người yêu muôn thuở

Tâm hồn ta như hoang vắng, quạnh hiu!

Cũng như tiếng kêu của Hoàng Xuyên Anh trong "NLCPõõá(hơn ba tháng sau ngày  phu quân Lương Quang Xuyến vĩnh viễn ra đi: 25-04-1988)

Anh ơi! Anh ở nơi đâu?

Tuyền đài có biết em sầu không anh.

Một mình thao thức tàn canh

Chim trời vỗ cánh bình minhđón chào.

Bây giờ còn lại thương đau

Thầm ôm kỷ niệm đi vào thiên thu (Khóc Chồng, NLCP tr. 32)

Cũng như Goethe (thế kỷ 18) với tiểu thuyết "Wertherõõ, Lamartine (thế kỷ thứ 19) (với thi tập "Méditations Poétiquesõõ), đã thiết lập một phong trào lãng mạn ở Âu Châu, cũng như Đông Hồ Lâm Tấn Phát với bài lệ ký "Linh Phương" khóc vợ (1928) và bà Tương Phố với "Giọt Lệ Thu" (1923) khóc chồng, trong đầu thế kỷ 20, Hoàng Xuyên Anh phải chăng đã mở đường cho một phong trào thi văn lãng mạn mới của Việt Nam hải ngoại, khi nàng diễn tả nỗi đau khổ tận cùng của một thiếu phụ mất chồng, mất con và mất cả nhan sắc qua những vần thơ tuyệt tác thốt tự đáy lòng. Thật vậy! Như  bà DE STAEL (1766-1817) đã viết: "La poésie doit réfléchir par les couleurs, les sons et les rythmes, toutes les beautés de lõuniversõõ: Thơ phải là phản ảnh, bằng cách ứng dụng những màu sắc, âm thanh và tiết điệu, của tất cả những vẻ đẹp trên thế gian.  Sự đau khổ không cùng phải chăng là một trong những tuyệt diệu của thế gian? Đúng hơn nữa trong trường hợp Hoàng Xuyên Anh,  Alfred de Musset (1810-1857) đã nói lên: "Les plus désespérés sont les chants les plus beaux. Et j'en sais d'immortels qui sont de purs sanglots":

Những lời tuyệt vọng nhất phải chăng là những lời ca tuyệt tác?

Tôi biết có nhiều vần thơ bất hủ mà chỉ là những tiếng khóc nức nở của linh hồn.

Đối với Hoàng Xuyên Anh trong "Tiếng Lòng" (bài thơ đầu của NLCP, tr. 27): Nỗi buồn u uất thành thơ, Nỗi đau xoáy óc kén tơ nhả sầu... Người thiếu phụ sau khi mất con và nhan sắc trong tai nạn 1985, nay lại mất chồng ba năm sau (1988), nhớ lại ngày đám tang thật là lâm li, thiểu não:

Mưa rơi thấm ướt mặt đường

Xe tang em tiễn sầu vương đáy mồ

Mưa tuôn lạnh ướt thân khô

Cây xơ xác lá, cành trơ thân gầy

Khung trời lất phất mưa bay

Anh đi có nhớ chuỗi ngày bên nhau?

Mưa Ngâu tê tái lòng đau

Tim em nức nở nghẹn ngào nhớ anh! (Tiễn Anh, NLCP tr. 28-29)

Thật là rất Tương Phố trong Giọt Lệ Thu: "Thu về đẹp lứa duyên Ngâu, Năm năm Ô thước bắc cầu Ngân giang, Đôi ta ân ái nhỡ nhàng, Giữa đường sinh tử đoạn tràng chia hai... ". Nhưng thơ trong tập Giọt Lệ Thu (theo lời phê phán của Vũ Ngọc Phan) là một tiếng khóc thiết tha ảo não, vì mỗi đoạn văn xuôi là một đoạn kể lể, rồi hết đoạn kể lể, là đến lúc khóc thanõõ. Thơ HXA có phẩm cách hơn, trang nghiêm hơn, đài các hơn: nói đến "đài cácõõ, tôi nghĩ đến "Chinh Phụ Ngâm" của Đoàn Thị Điểm và xin trích sau đây 4 câu "song thất lục bát" của Hoàng Xuyên Anh trong bài "Tình Vương Bến Mộng" (KTKN tr 72) :

Người ra đi phương trời xa thẳm

Khách má hồng thuyền đắm mộng mơ

Tương tư ngồi dệt vần thơ

Phòng không đơn lẻ, ơ thờ gấm nhung

Vì ngay cả trong nỗi thê lương của một thiếu phụ tưởng nhớ 100 ngày người yêu dấu đã qua đời, Hoàng Xuyên Anh vẫn có những lời nhẹ nhàng, ưu tú, không đẽo gọt như Đông Hồ, không kể lể như Tương Phố, để diễn tả nỗi sầu một cách thấm thía hơn:

Xuyến ơi! Anh có biết không?

Anh đi mang cả tim hồng của em

Còn đâu hạnh phúc êm đềm?

Còn đâu tay ấp gối mềm năm canh?  (Khóc Chồng, NLCP tr. 31-32)

Từ ngày chồng mất, người thiếu phụ góa bụa chỉ còn sống sót, theo đuổi  mãi mãi  người yêu như trong bài ca "Tâm hồn em tìm anhõõ, vì bao nhiêu kỷ niệm ân tình đã theo chàng bên kia thế giới:

Anh đi tan tác cơ đồ

Em nào có khác cùng mồ với anh

Trầm luân vũ điệu thông hành

Kiếp hoa mảnh hạt sương mành treo chuông

Dật dờ khói trắng chiều buông

Bao giờ hết kiếp đoạn trường trần gian? (Tình Người Cô phụ, NLCP tr. 37)

Anh ra đi một ngày đầu xuân, nay xuân lại về, nhưng lòng em cô lẻ, trước sự đổi thay của trời đất:

Xuân về réo rắt nguồn thơ

Xuân về héo hắt tình hờ hững trôi

Lửa tàn lòng lạnh người ơi!

Rượu nồng chẳng ấm bờ môi ân tình  (Xuân Cô Lẻ, NLCP tr. 67).

Xuân đi, hạ đến rồi thu sang, thấm thoát đã sáu năm trời từ ngày anh khuất núi (25-04-1995), nhớ anh nhớ mãi vẫn không nguôi:

Thu đến thu đi lạnh má đào

Sáu mùa thu cũ sáu lần đau

Hồn tiên nhớ bướm u buồn quá

Giọt lệ thiên thu thấm huyệt sầu  (Thu Sầu, NLCP tr. 62)

Thu qua, đông lại:  Mùa đông rét mướt ở chốn trần gian lại càng làm cho HXA thêm khổ não, thân hình tiều tụy lại càng thêm băng giá lúc tháng 11 trở về (21-11-94) khí hậu đổi thay:

Anh ở đâu sao không về ấp ủ?

Mảnh hình hài gầy gụa nỗi cô đơn

Gió oán than qua khe hở tủi hờn

Tim nức nở nghẹn ngào cơn buốt giá  (Băng Giá, NLCP tr. 43)

 Trong "Em Sầu Tổ nát" (NLCP tr. 40), HXA có bốn câu rất Huy Cận trong "Ngậm Ngùiõõ:

à! ơi! Chiều ối hoen chiều,

Nhện vương tơ rối sợi điều vướng ngang

Điệu buồn cánh gió thở than

Em sầu tổ nát tình tan theo chàng

Có nhiều lúc nhìn lại ảnh người xưa, quá khứ ái  ân lại trở về, như trong giấc mộng nghê thường:

Ảnh hình kỷ niệm hai ta

Gối đầu ôm ấp vàng pha tháng ngày

Nụ hôn ngọt lịm môi gầy

Ngàn hương thơm ngát còn vây quanh giường  (Tương Tư, NLCP tr. 42)

Và cũng trong mộng, anh gọi em từ chốn xa vời:

Quế-Anh yêu quý của anh ơi!

Anh đã yêu em suốt cuộc đời

Trăm nhớ ngàn thương hồn quấn quít

Đá mòn sông cạn dễ chi nguôi .  Em trả lời:

... Quang-Xuyến hỡi! Người chồng duy nhất

Không sống cùng em đến bạc đầu

Héo hắt sầu đeo theo năm tháng

Mất anh rồi! Đời nghĩa gì đâu  (Mộng Tình, NLCP tr. 54-55)

"Người ơi gặp gỡ làm chi, Trăm năm biết có duyên gì hay không"? Với tư cách Chánh chủ khảo Ban Tuyển Lựa Ca Sĩ Giải Cung Vàng 3 do báo Nghệ Thuật và Đài Phát thanh Tiếng Nói Việt Nam tổ chức đêm 01-04-2000 tại Montréal, tôi đã nói trong bài diễn văn mở đầu rằng trong đời tôi có hai cái duyên: cộng tác với Nghệ Thuật và sáng tác bài TMBS, hôm nay tôi vừa có một duyên mới: sự hãnh diện đuợc gặp gỡ một nhà thơ mà tôi tin chắc sẽ chiếm một địa vị cao cả trong làng văn nghệ thuật hải ngoại, một đóa hoa hồng của vườn thơ, một ngôi sao sáng trong khung trời của những mối tình bất diệt. Người ấy là nữ sĩ Hoàng Xuyên Anh mà việc làm thơ là lẽ sống, mà sắc đẹp gói ghém trong thơ, mà tình yêu chồng đã mất cách đây 13 năm  vẫn còn nồng nhiệt như thuở ban đầu:

Xa vắng đôi bờ cách núi sông

Tơ tình anh có bận lòng không   

Em thờ thẩn đọc dòng thơ cũ

Thương nhớ người ơi! Lệ đổ dòng  (Dòng Sông Kỷ Niệm, NLCP tr. 111).

Lê Mộng Nguyên

PARIS, ngày 07 tháng 10 năm 2001

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002