Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


SỰ ĐAU KHỔ

Sự đau khổ ai ai cũng có.

Tự ngàn xưa đây đó khắp nơi.

Oe- oe tiếng khóc chào đời,

Là điềm báo trước kiếp người khổ đau.

 

Niềm đau khổ từ đâu đem tới?

Ta dày công nghĩ ngợi mông lung.

Nhiều khi huyền bí vô cùng,

Ý Trời đã định nên đừng bận tâm.

 

Sống trong cảnh trầm luân khổ hải,

Bao đau thương đầy ải chúng ta.

Đừng nên oán trách gần xa,

Trải qua thảm cảnh họa là biết thân.

 

Gặp đau khổ ta cần phải chịu,

Theo thánh hiền nên vững lòng tin.

Ta hèn ta phải cầu xin

Trời cao ban phước giữ gìn hồn ta.

 

Rồi đau khổ dần dà chấm dứt.

Sau bão mưa trời rực sáng tươi.

Gắng công tôi luyện con người.

Mai sau sẽ hưởng cuộc đời vinh quang.

 

Phương Du

Vì đề tài thì quá rộng mà lời thơ lại cô đọng, tác giả xin trình bày những ý kiến sau đây trong  buổi sinh hoạt văn học nghệ thuật thường niên do câu lạc bộ văn hóa văn nghệ Ba Lê tổ chức.

Đoạn một nói về sự đau khổ gắn liền với đời sống con người.

Chúng ta nhận thấy rằng trong các động vật thuộc loài có vú, chỉ riêng có loài người phải chịu cảnh đẻn đau, sản phụ nhiều khi bị chết vì đẻ khó, hài nhi ra đời với u máu ở da đầu, òa khóc, chân tay rẫy rụa. Tại sao vậy? Muốn trả lời ta phải ngược dòng lịch sử loài người, trở về thời tổ tiên chúng ta, ông Adong và bà Eva Sáng Sáng Thế chép rằng sau khi dựng xong vũ trụ với mặt trăng, mặt trời, các vì sao, trái đất, đại dương, cây cối và các sinh vật, Tạo Hóa (với các danh xưng khác nhau như Ông Trời, Thượng Đế, Thiên Chúa, Allah, Yahvé, v.v...) dựng nên loài người, giống hình ảnh Ngài. Thiên Chúa cho loài người sự tự do hành động, trừ ăn trái cây cấm, vì ăn nó sẽ có sự chết. Tổ tiên ta không vâng lời đã thò tay lấy trái cấm ăn. Thiên Chúa liền ra hình phạt: đàn ông phải đổ mồ hôi lấy bát cơm, đàn bà sẽ phải để đau mang nặng. Hậu quả của tội tổ tông là sự cực khổ để sinh sống. Phụ nữ không được hưởng sự đẻ dễ như các động vật khác vì Thiên Chúa không cho các gân cốt thuộc bộ phận sinh dục hưởng sự co giãn mềm dẻo.

Đoạn hai nói về nguyên nhân sự đau khổ. Có nhiều thứ đau khổ, đau khổ về phần xác, đau khổ về tâm thần cho nên có nhiều nguyên nhân. Ta có thể xếp các nguyên nhân thành ba loại. Loại thứ nhất gồm những nguyên nhân do chính bản thân ta gây nên, vì dục vọng, vì tham sân si theo Đức Thích Ca, vì không giữ đạo Trung dung, không biết tu thân theo Đức Khổng Tử. Loại thứ hai gồm những nguyên nhân do những khác gây nên vì không có tình thương, không từ bi kỷ xả, không ký sở bất dục vật thi ư nhân. Vì thế mà từ xưa tới nay chiến tranh xảy ra liên miên, gieo đau khổ cho hàng triệu con người. Loại thứ ba gồm những đau khổ mà ta không biết rõ nguyên nhân. Chứng kiến một thiên tai, trông thấy một người bị mù lòa từ thuở lọt lòng mẹ, chẳng ai biết rõ nguyên nhân. Đức Thích Ca cho là nghiệp báo theo luật nhân quả, Khổng Tử cho là thiên mệnh, Chúa Ki Tô không nói rõ nguyên nhân khi các môn đệ hỏi sau khi Chúa chữa khỏi một em bé mù. Chúa nói rằng bệnh đó không tại em bé, không tại bố mẹ em bé nhưng mọi người đã thấy quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện nơi em bé đó (ý nói phép lạ của Chúa mới làm). 

Đoạn ba nói về ý nghĩa của sự đau khổ. Đau khổ theo Phật Giáo và Thiên Chúa giáo là sự đền tội. Nhưng đôi khi đau khổ là điều tốt. Ngạn ngữ Tây Phương có câu: à quelque chose malheur est bon. Thật vậy, đau khổ giúp chúng ta am tường nỗi khổ của kẻ khác. Cụ Nguyễn Du trong Kim Vân Kiều đã viết “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”. Đau khổ là điềm báo cho ta biết những sự chẳng lành đã bắt đầu đến, để ta kịp thời sửa chữa, nhất là về sức khỏe. Về đường tinh thần, đau khổ là dịp để ta tự kiểm thảo xem nếp sống của ta có đạo đức không. Nếu chỉ sống trong nhung lụa ta sẽ trở nên kiêu căng, tự tôn tự đại, không biết những điều xấu ta đã làm. Thi hào Alfred de Musset đã viết: l’homme est un epprenti, la douleur est son maitre, Et nul ne se connait tant qu’on n'a pas souffert.

Tạm dịch ra tiếng Việt như sau:

Sự đau khổ nếu ta không có

Biết thân ta thật khó muôn bề.

Ta là người thợ học nghề,

Có đau mới biết rõ về thân ta.

Vài ngày sau vụ khủng bố làm sụp hai toà nhà của Trung Tâm Thương Mại Thế Giới, hai vị mục sư danh tiếng, Jerry Falwell và Pat Robertson đã nói như sau trên đài truyền hình: “Thiên Chúa đã cho phép những kẻ thù của Hoa Kỳ giáng xuống chúng ta những gì mà lẽ ra chúng ta đáng phải chịu.” Rồi được kể những hành động trái ý Thiên Chúa mà dân chúng Hoa Kỳ đương phạm.

Đoạn bốn nói về thái độ của ta khi gặp đau khổ. Thái độ này thuộc về niềm tin của mỗi người. Ai tin vào thuyết định mệnh thì phó thác mọi sự cho số mệnh. Cụ Nguyễn Du viết:

Cho hay  muôn sự tại Trời

Trời kia đã bắt làm người có thân

Bắt phong trần phải phong trần

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Tín đồ Công Giáo tin vào lòng nhân từ của Thiên Chúa nên cầu xin Thiên Chúa tha, hay giảm bớt đau khổ, hoặc xin giúp sức để chịu đựng. Tổng thống Hoa Kỳ, ông Bush cũng khuyên dân chúng cầu xin Thiên Chúa trong những ngày đau khổ vì sự khủng bố. Nếu bên trời Âu hầu hết các tôn giáo đều dạy cầu xin Trời, bên viễn Đông việc tế lễ thờ Trời chỉ dành riêng cho vua chúa vì họ tự coi là thiên tử, là con Trời. Ở Việt Nam cũng vậy, lễ tế dàn Nam Giao, ba năm một lần, do nhà vua cử hành trong hoàng cung để xin Trời ban cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa. Tuy việc tế lễ Trời bị hạn chế, nhưng người dân nghĩ tới việc cầu xin Trời. Trong dân gian có bài vè xin Trời như sau: Lạy Trời mưa xuống, lấy nước tôi uống, lấy ruộng tôi cày, lấy đầy bát cơm, lấy rơm đun bếp.

Đoạn thứ năm nói về ích lợi của hy vọng, của tín vọng. Người ta ở đời chỉ sống về hy vọng. Hy vọng vào một ngày mai tươi sáng giúp ta có tinh thần khắc phục mọi gian truân. Điều này từng xảy ra trong các trại tù cộng sản. Kẻ nào không có hy vọng sẽ bị từ từ chết vì buồn rầu chán nản. Trường hợp đại tá Nguyễn Cao Quyền đáng để cho ta suy nghĩ, ông là cựu chánh án tòa án quân sự đặc biệt của quân đội Việt Nam cộng hòa. Sau tháng tư 75, ông bị đi tù cải tạo, bị giam ở những trại tù dành cho  những người mắc tội nặng. Mười năm sau ông được tha và nay ông định cư ở Hoa Thịnh Đốn. Được hỏi về bí quyết nào đã giúp ông được khỏe mạnh về thể xác lẫn tinh thần trong thời gian bị cầm tù, ông trả lời rằng chỉ tin vào lá số tử vi mà ông lúc nào cũng hy vọng đến năm nào tháng nào ông sẽ được tự do và quả nhiên ngày đó ông đoán không sai mấy. Đây chỉ là hy vọng vào khoa tử vi, một khoa rất khó đoán mà ông có tinh thần chịu đựng đau khổ. Huống hồ niềm tin của người Công Giáo là một niềm tin vững chắc, một tín vọng (espérace) sẽ giúp họ có nhiều can đảm và kiên trì để chịu đựng đau  khổ. Trong bài giảng trên núi, Chúa Kitô đã nói như sau về tám ân phước: ai khóc lóc vì đau buồn sẽ được hưởng ân phước vì họ sẽ được an ủi. Ai bị bách hại vì đã theo ta sống trong ngay thẳng sẽ được ân phước vì nước Trời là của họ.

Ngoài ra Chúa Kitô còn nói rằng ai theo ta hãy vác thánh giá theo ta và kẻ nào không vác thánh giá kẻ đó không được vào nước thiên đàng. Thánh Pierre cũng nói rằng con người phải có đau khổ vì đau khổ là những thử thách đo lường giá trị hồn ta trong việc thực thi những điều Thiên Chúa dạy. Tiểu sử của các Thánh cho biết Thánh nào cũng trải qua nhiều đau khổ. Như vậy những đau khổ ta chịu không phải là vô ích, nó giúp ta có dịp đền tội và làm đẹp lòng Thiên Chúa đặng sau khi chết được vào nước thiên đàng.

Phương Du

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002