Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


BỂ NƯỚC MƯA

đồng tác giả  Bình Huyên

Từ trong cửa sổ kính kép kín đáo trên tầng lầu hai, ông Huy khoanh tay đứng nhìn xuống căn villa rộng lớn bên cạnh. Đó là ngôi nhà của một gia đình Việt-Nam bán lại cho ông bà Thomas. Gia đình này gồm có hai vợ chồng và hai người con, một trai một gái sắp trưởng thành. Ngôi villa gồm hai tầng ở giữa khu vườn rất rộng. Trong vườn trồng nhiều giống hoa, cây ăn trái đủ loại. Vườn được chủ cũ xắp xếp theo kiểu Việt-Nam cổ xưa, với ao thả cá có cầu gỗ bắc ngang, khóm tre xanh, khóm trúc thân vàng óng, hòn non bộ trình bày tỷ mỷ, ngoạn mục, và nhiều loại cây cảnh hiếm có. Sân lót gạch đỏ. Hai bên lối xe vào được trồng nhiều loại hoa hồng qúy. Đặc biệt có cái bể đựng nước mưa khá lớn ở một góc vườn, gần bức tường ngăn nhà của gia đình Thomas và gia đình ông Huy.

Ông Huy có thói quen đứng nhìn xuống sân nhà Thomas. Thói quen này bắt đầu từ một buổi xế chiều. Hôm đó, ông Huy bất chợt nhìn qua cửa sổ trên lầu, thấy một xe cảnh sát đậu ngay trước cửa căn villa của gia đình Thomas. Hai cảnh sát đàn ông và một người đàn bà mặc thường phục đứng bên ngoài cổng villa. Tiếng chuông điện thoại reo. Ông Huy quay vào. Trả lời điện thoại xong, ông lại ra cửa sổ đứng nhìn xuống. Ông vẫn thấy cảnh sát chờ bên ngoài căn villa hàng xóm. Có lẽ người trong nhà đi vắng hết. Hơi thắc mắc, ông Huy chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Một lúc lâu, ông bà Thomas trở về. Hai cánh cổng sắt tự động mở ra. Chiếc xe hơi mầu cánh cam bóng loáng chạy vào garage. Hai vợ chồng Thomas bước ra đón ba nhân viên cảnh sát vào nhà. Hình như vợ chồng Thomas không ngạc nhiên trước sự có mặt của nhân viên công quyền. Gần nửa giờ sau, nhân viên cảnh sát đi ra, dẫn theo một người thanh niên da đen, vai mang một túi xách khá lớn. Theo lệnh cảnh sát, thanh niên da đen để túi xách vào thùng xe, rồi lên ngồi chung với nhân viên cảnh sát ở ghế sau. Ông Huy không thấy rõ được vẻ mặt của thanh niên ấy, vì nước da đen như than của anh. Nhưng cứ nhìn cử chỉ khá mạnh khi đặt túi xách vào thùng xe và đôi mắt quắc lên liếc xéo về phiá căn villa, ta có thể hiểu được niềm thất vọng cùng phẫn nộ của thanh niên da đen. Từ đó, cứ vài ba tuần, vào lúc xế chiều, cảnh sát lại đến nhà ông bà Thomas, bắt người mang đi. Số người bị bắt không nhất định, từ một đến ba hoặc năm người. Những người đó thường là da đen, da nhờ nhờ, thỉnh thoảng da vàng. Ông Huy về hưu rảnh rỗi nên gần như chứng kiến liên tục cảnh bắt người nói trên. Ông nói chuyện đó với vợ. Bà Huy không ngạc nhiên mà còn giải thích cho chồng biết rõ sự việc:

- Em có bà bạn già ở cách nhà mình vài dãy phố kể cho nghe chuyện này lâu rồi. Bà ấy không những chứng kiến mà còn biết rõ sự việc tương tự diễn ra ngay trong cao ốc nơi bà ở. Đó là những người thuộc các nước Phi châu, Trung Đông, Á Châu trốn sang Âu châu ở lậu. Họ rời quê hương theo nhiều đường dây khác nhau, với hy vọng tìm được cuộc sống văn minh tiện nghi no ấm cho họ và con cháu họ. Nếu đi chót lọt, những người di dân bất hợp pháp đó thường được một số người bản xứ nhận cho cư ngụ trong khi chờ đợi điều chỉnh giấy tờ. Ngoài số tiền khổng lồ trả cho chủ đường dây, những người ở lậu thường phải trả rất nhiều tiền cho chủ nhà chứa chấp họ. Tuy nhiên, một số dân bản xứ chứa người lậu đã hành xử vô cùng tàn nhẫn. Họ nhận tiền, cho người lạ ở trong nhà. Sau một thời gian ngắn, họ đi báo với nhà chức trách đến bắt những người đó mang trả về nguyên quán. Việc làm ăn vô nhân đạo đó kéo dài đã nhiều năm. Vợ chồng Thomas ở trong số những kẻ bất lương đã gây biết bao oán hờn như nói trên... 

* * *

 ...Tại một ngôi làng ở xứ Mali, Phi châu, anh Diaby từ giã cha mẹ:

- Con xin phép cha mẹ sang Âu châu theo đường dây không chính thức. Con quyết chí không để bị bắt đuổi về nước như một số họ hàng, bè bạn của nhà ta.

Cha của Diaby dặn dò người con trai duy nhất của gia đình:

- Con cố gắng tìm chỗ dung thân, lập nghiệp, rồi bảo lãnh cha mẹ và hai em gái của con sang bên đó.

Mẹ của Diaby đưa cho con trai một túi xách, ngậm ngùi bảo:

- Quần áo, thuốc men, tiền bạc ở cả trong này. Đây là một phần lớn vốn liếng của nhà ta. Con hãy ra đi cho chót lọt. Ở đây, nắng nhiều mưa ít, giặc giã liên miên, bệnh tật đầy rẫy, mức sống thấp kém lạc hậu. Tương lai nhà ta không bao giờ khá được. Sang tới bờ biển bên kia, con sẽ được người của tổ chức dẫn con đi gặp gia đình nhận cho tạm trú.

Diaby tới đầu tỉnh, vào căn nhà gạch mái lá, từ giã ông thày và xin ông giúp thêm phương tiện tinh thần để anh thực hiện ý chí của anh ở xứ người, hầu xây dựng  tương lai tốt đẹp cho gia đình. Ông thày dạy học trò, trong có Diaby, về võ thuật và ngoại ngữ. Ông còn kiêm chức vụ pháp sư cho cả khu vực này. Ông đưa cho Diaby một viên thuốc mầu đỏ to bằng nửa trái nho. Ông bảo người học trò ưu tú:

- Con hãy nhai nuốt tiên đan này ngay. Thày cho con mang theo một ve rượu thần, một cái nón hình hải mã gia truyền của dòng họ thày, và một hộp thiết phấn tẩm luyện lâu năm trong sa mạc. Khi cần chống lạnh, con hãy uống ve rượu thần cho hoà với tiên đan có sẵn trong máu huyết con. Khi muốn xương thị cứng như thép, con hãy thoa thiết phấn khắp thân thể. Khi cần di chuyển nhanh chóng như chớp trên bộ hoặc dưới nước, con hãy đội nón hình hải mã lên đầu. Nhưng tuyệt đối con không được dùng cả ba thứ đó cùng một lúc. Thôi, con đi đi.

Ông thầy ngừng nói, nhắm mắt lại. Diaby đi xe đò ra hải cảng. Ở đó, anh cùng một số người lạ trốn dưới  tầu sang Âu châu. Mặc dầu nhân viên quan thuế bến tầu Âu châu khám xét rất chặt chẽ, nhưng đường dây đưa người nhập cảnh lậu có tay trong, nên họ không bị bắt. Người môi giới là một gã đàn ông đứng tuổi, râu tóc đen, da nhờ nhờ. Diaby và đám đồng hành được giới thiệu với ba thanh niên dẫn đường lai da trắng. Mấy người này phát giấy tờ  cho Diaby cùng các người kia, rồi nói tiếng Pháp:

- Ta ra ga xe lửa ngay tối nay. Diaby cũng dùng tiếng Pháp rất sõi hỏi:

- Như vậy để tránh khám xét phải không?

- Đúng vậy. Tuy nhiên, để phòng xa, các người vẫn phải tạm dùng giấy tờ giả này để lên thủ đô. Các gia đình nhận chứa chấp không muốn hàng xóm của họ thấy các người. Đến đó ban đêm kín đáo hơn. Khi nào có đủ giấy tờ hợp lệ mới xuất đầu lộ diện ban ngày.

Một thanh niên da nhờ nhờ hỏi bằng tiếng Pháp mang âm hưởng Trung Đông:

- Nhà ở trong thủ đô phải không?

- Không.

Các người tạm trú tại vùng ngoại ô lớn của thủ đô. Xe lửa ban đêm vắng khách nên nhóm người đó tìm được chỗ ngồi, nhắm mắt ngủ. Tới ga xe lửa giữa thủ đô lúc còn tối trời, ba người dẫn đường chia nhau thuê taxi đưa ba nhóm di dân bất hợp pháp tới nhà người bảo lãnh. Diaby cùng ba thanh niên Trung Đông và người dẫn đường đi tới một ngôi villa rộng lớn. Chủ nhà được hẹn trước nên chờ sẵn, mở cổng cho năm người vào, rồi đóng chặt cổng lại. Diaby được đưa lên lầu hai ở trong một căn phòng nhỏ, có chiếc giường đơn, tủ áo, và bàn ghế, máy TV, nhưng không có điện thoại riêng. Phòng liền với nhà tắm cầu tiêu. Chủ nhà là một người đàn ông da trắng, trung niên, lời nói cử chỉ rất lanh lợi. Ông ta nhận xấp tiền từ tay Diaby trao cho. Ông căn dặn Diaby:

- Anh được ăn ở tại phòng này. Có đủ tiện nghi. Khi nào ra ngoài lo giấy tờ hoặc đi chơi phố, tôi sẽ lấy xe chở các anh đi. Đừng tự tiện ra phố một mình. Lạc đường hoặc cảnh sát chặn lại hỏi giấy là phiền lắm! Các anh sống tự nhiên như ở nhà. Cần gì cứ hỏi tôi, hoặc vợ tôi và hai đứa con tôi.

Diaby vui vẻ gật đầu, không nói. Người đưa đường bắt tay từ giã anh, rồi theo chủ nhà ra khỏi phòng. Diaby xếp túi xách vào tủ. Riêng gói giấy của ông thày cho anh được nhét dưới gối ở đầu giường. Anh rửa ráy qua loa, rồi ra cửa sổ đứng ngắm vườn cây cối um tùm. Anh thấy dưới cửa sổ phòng của anh có cái bể ciment cao, vuông vắn, to bằng hai cái giường, giống như bể chứa nước mưa, bên cạnh một cây thông. Trời sáng hẳn. Diaby nhìn rõ cảnh vật hơn. Ba mặt bể có vòi nước vặn cách mặt đất chừng sáu tấc. Chung quanh bể có lối đi hẹp lát gạch đỏ rộng chừng một thước rưỡi. Nóc bể cao hơn đầu người. Trên mặt nóc bể có cái nắp gỗ sơn xám tròn bằng bánh xe đạp đậy miệng bể. Một ống máng chạy quanh viền mái nhà của tầng lầu thứ hai, dẫn nước mưa xuống bể theo cái ống ciment to bằng bắp đùi. Ống được kềm chặt vào tường bằng những vòng sắt. Một đầu ống gắn liền với nóc bể. Theo cách kiến trúc của người thuộc địa ngày xưa, bên trong bể có hai phần: Phần trên, cao một thước chứa nước mưa từ ống máng chảy vào; phần giữa là ba lớp cát, sỏi và than để lọc. Dưới phần giữa là giàn ciment có nhiều lỗ thủng nhỏ bằng đầu đũa cho nước mưa được lọc chảy xuống phần dưới cùng. Nước sạch lấy ra từ các vòi vặn.   Hai vợ chồng chủ nhân villa đối xử rất tử tế với Diaby và ba người kia trong hai tuần lễ đầu. Tuy nhiên, mỗi lần được hỏi thăm về kết quả xin giấy tạm trú, họ đều nhún vai trả lời:

- Các anh đến đây không có chiếu khán. Phải chờ hợp thức hoá giấy tờ mới đi ra ngoài kiếm việc làm mới ở riêng được. Nhà chức trách đang giải quyết cả trăm ngàn hồ sơ khó khăn như của các anh. Các hội đoàn đang tranh đấu gay go giúp các anh! Cứ ở đó mà chờ.

Đến đầu tuần lễ thứ ba, thái độ của họ từ từ lạnh nhạt. Chủ nhà bảo họp cả bốn người di dân bất hợp pháp, bảo họ rằng:

- Hồ sơ của các anh rất khó giải quyết. Số tiền các anh đóng cho chúng tôi đã hết. Bắt đầu từ hôm nay, các anh phải góp thêm tiền ăn ở.

Ba ngươi kia ngơ ngác. Diaby nghĩ tới số tiền khổng lồ đưa cho chủ nhân lúc đầu mà không khỏi thắc mắc. Mặc dầu còn ít tiền trong túi, anh lắc đầu trả lời:

- Tôi đưa hết tiền cho ông khi mới tới đây rồi.

Ba người kia nhao nhao:

- Chúng tôi không có tiền. Chờ giấy tờ xong xuôi, đi xin việc làm mới có tiền.

Chủ nhân lạnh lùng gật gù, nói:

- Không sao. Các anh cứ ở yên đây, chờ nhà chức trách giải quyết.

Nói xong, hắn quay đi. Diaby vốn là đứa con thông minh nhất trong giòng họ Makadji. Anh đoán được phần nào dã tâm của tên chủ nhà. Ngoài lúc ăn uống, tắm rửa, Diaby luôn luôn đứng canh chừng bên cửa sổ. Ba bảo vật của ông thày cho được để dưới gối đầu giường. Quả nhiên, đến xế chiều ngày thứ Sáu của tuần lễ thứ ba, anh thấy một xe cảnh sát chạy tới, đậu ngay trước cổng villa chỗ anh đang trú ngụ. Để một vài người ngồi trong xe canh chừng sự xuất nhập, hai cảnh sát đàn ông và một người đàn bà mặc thường phục xuống xe đến bấm chuông cửa. Không có ai ra mở cổng. Có lẽ người trong nhà đi vắng.

Diaby chợt hiểu lý do một số đồng hương của anh bị bắt đuổi về nước mặc dầu đã được nhận chứa chấp trong nhà người bản xứ. Một quyết định táo bạo hiện ra trong tâm trí. Anh đóng chặt cửa phòng, đi tới đầu giường, lấy gói giấy đựng ba bảo vật đặt lên bàn. Anh mở ve rượu thần dốc vào miệng uống hết. Anh mau lẹ cởi quần áo, chỉ mặc một quần lót, rồi lấy thiết phấn bôi khắp mình mẩy, đội nón hải mã lên đầu. Anh đi tới sát cửa sổ kính đóng kín, nhìn xuống chỗ những người cảnh sát chờ trước cổng. Trời nhá nhem tối. Chiếc xe hơi mầu cánh cam bóng loáng của vợ chồng chủ nhân bon bon chạy về, rẽ vào trước cổng. Hai cánh cửa sắt tự động mở toang. Cất xe xong, hai vợ chồng ra đón cảnh sát vào nhà. Cử chỉ của họ rất thản nhiên như đã biết trước. Chờ cho mọi người vào nhà, Diaby nhanh nhẹn mở cửa sổ, leo đường ống máng, xuống mặt bể nước mưa. Anh đi nhanh tới giữa bể, mở nắp gỗ đậy miệng bể ra, thả hai chân xuống trước, rồi chui toàn thân vào bể nước mưa, đậy nắp lại. Tiết trời muà Đông lạnh buốt. Nước trong bể gần đóng băng. Rượu thần hoà với tiên đan trong máu làm Diaby không thấy lạnh. Thiết phấn nhiệm mầu khiến  thân thể anh cứng như thép. Tuy nhiên, tiên đan, rượu thần và thiết phấn được dùng cùng một lúc đã phát tác một cách quái đản. Chiếc nón hải mã không làm Diaby dính liền vào da đầu anh. Nước mưa lâu ngày có mầu xanh rêu bây giờ từ từ xủi bọt như trong vạc dầu đang nấu sôi. Cảm giác nóng như lửa, lạnh như băng, buốt tựa kim châm vò xé cơ thể của người thanh niên da đen. Mặt còn ngửa trên làn nước, Diaby nghiến răng giữ trong họng tiếng rít thê thảm. Anh xuôi hai tay, nhắm mắt cho toàn thân chìm xuống đáy bể. Người thanh niên da đen gan dạ đã biến thành ma quỷ.

Bên ngoài, vì được báo cáo thiếu một người, cảnh sát sục sạo khắp nhà. Họ tông cửa phòng của Diaby, xông vào lục xoát. Họ không thấy người di dân bất hợp pháp, nhưng đồ dùng riêng của anh ta vẫn còn nguyên và hai cánh cửa sổ mở toang. Họ bèn chạy xuống vườn tìm kiếm, nhưng không có kết quả. Một ông cảnh sát chỉ bể nước mưa, hỏi:

- Đây là cái gì?

Chủ nhà trả lời:

- Bể chứa nước mưa của chủ trước để lại. Chúng tôi không hề sử dụng kể từ khi mua lại ngôi villa này cách nay ba năm.

Người cảnh sát mượn thang của chủ nhà, trèo lên nóc bể. Ông ta đứng nhìn quanh quất. Thấy cái nắp gỗ, ông cúi xuống mở ra. Bên trong bể đầy nước phủ lớp rêu xanh. Ông ta đậy nắp bể lại, trèo xuống sân. Sau một giờ đồng hồ xem xét  tỷ mỷ, cảnh sát từ giã chủ nhân, đưa ba di dân bất hợp pháp lên xe đi mất. Cả gia đình Thomas vô cùng ngạc nhiên, không hiểu anh chàng da đen biến đi đâu. Hai đứa con đều nói:

- Chúng con rõ ràng thấy thằng đó ở trên lầu. Nó mà xuống nhà, ra vườn, là chúng con phải bắt gặp chứ.

Sự việc xảy ra trong vườn ngôi villa đều được ông Huy ghi nhận. Chỉ mình ông thấy bóng mình người đầu ngựa xuất hiện, mình mẩy gần trần truồng đen nhánh, lại có ánh vàng lấp lánh như rắc kim nhũ. Bóng đó leo thoăn thoắt từ cửa sổ lầu hai xuống bể nước. Ông gọi bà Huy lại gần, kể cho vợ nghe. Bà Huy lắc đầu, bảo chồng:

- Nghiệp chướng nhà Thomas bắt đầu ! Mình nên lẳng lặng theo dõi xem sao.

Hai vợ chồng ông Huy thay phiên nhau đứng rình trong cửa sổ trên tầng hai của nhà họ. Hai giờ sáng, bà Huy kêu mệt, vào phòng nằm ngủ. Ông Huy cố kiên nhẫn đứng chờ, mắt nhìn lom lom sang căn nhà và thửa vườn chìm trong bóng đêm. Tay ông cầm sẵn chiếc ống nhòm. Chợt ông thấy vật gì đụng đậy trên nóc bể nước mưa. Ông đưa ống nhòm lên nhìn. Ánh đèn đường từ góc phố hắt lại lờ mờ, nhưng cũng cho ông thấy ngay trước mắt bóng người đen đủi có cái đầu ngựa với hai con mắt phát ánh vàng đỏ sáng rực như hai ngọn đèn. Ông Huy nhận ra bóng đó là người đã leo từ cửa sổ lầu hai xuống bể nước lúc xẩm tối nay. Ông lấy làm lạ, không hiểu sao mà người đó có thể sống được sau khi nằm dưới nước lạnh gần không độ suốt sáu bẩy tiếng đồng hồ. Bóng đó nhảy tót xuống sân, bước lại trước  cửa căn villa, dừng chân dưới mái hiên bằng kính xanh đậm xoè ra như cái quạt che mưa nắng.  Ông Huy chờ đợi bóng đó bấm chuông xin vào. Nhưng, trước cặp mắt kinh ngạc của ông Huy, bóng đen đầu ngựa đi xuyên qua cửa, biến mất. Ông Huy vội sang phòng ngủ. Bà Huy cũng vừa tỉnh dậy. Ông Huy kể cho vợ nghe. Bà Huy nhỏm dậy, nói giọng hốt hoảng:

- Thế là người thanh niên da đen đã chết vào giờ linh, thành ma qủy, trở về dương gian báo thù gia đình Thomas rồi đó ! Ác giả ác báo. Chẳng làm sao mà tránh khỏi được.

Ông bà Huy không thấy tiếp được chuyện gì đang xảy ra bên trong nhà người hàng xóm, nên  bảo nhau đi ngủ... Họ không biết rằng bên trong căn villa hai tầng đồ sộ kia, bóng người mình đen đầu ngựa đang lướt trên bậc thang lầu. Nhà im lặng như tờ. Mấy ngọn đèn ngủ chiếu ánh sáng đỏ quạch. Bóng đó đi xuyên qua cửa phòng ngủ của vợ chồng Thomas. Hai người đang say giấc điệp. Đèn trong phòng chợt bật sáng. Bóng mặt ngựa nhăn răng rít lên ken két như tiếng dao cạo vào thành nồi nhôm. Vợ chồng Thomas bừng tỉnh. Họ thấy lù lù ở chân giường  một thân hình cao lớn đen đủi lấp lánh ánh vàng, mang cái đầu ngựa có cặp mắt đỏ vàng sáng rực, nói qua hai hàm răng trắng nhởn cắn vào nhau chan chát:

- Ta là Diaby. Ta từ địa ngục trở về đòi nợ chúng bay đây!

Diaby giơ hai bàn tay có mười ngón dài gân guốc đen đủi, móng vuốt nhọn sắc, như muốn vồ hai người đang nằm đờ đẫn. Cả hai vợ chồng rú lên từng hồi khủng khiếp rồi lăn ra ngất xỉu. Đứa con trai và đứa con gái đang ngủ trong các phòng riêng kế cận, nghe tiếng rú, vùng dậy chạy sang phòng bố mẹ. Cửa không khoá. Chúng mở toang ra và thấy bố mẹ nằm co quắp trên giường, hai mắt nhắm nghiền. Đứa con gái chạy đi lấy khăn ướt mang vào đắp lên trán bố mẹ. Đứa con trai nắm tay hai người lay gọi. Vợ chồng Thomas lần lượt mở cặp mắt thất thần, hai cái miệng cùng thều thào:

- Cứu tôi ! Cứu tôi ! Ma quái muốn bắt tôi ! Diaby! Diaby! Kià, kià!

Đứa con trai điện thoại đến phòng trực của bệnh viện tỉnh. Bác sĩ cấp cứu tới xem xét, chích thuốc an thần cho hai vợ chồng Thomas. Hai người ngủ li bì cho tới tối hôm sau mới tỉnh dậy. Họ uể oải cùng đi vào buồng tắm, đóng chặt cửa, định cởi quần áo rửa ráy. Diaby từ trần nhà nhảy xuống, vung hai cánh tay dài ngoẵng như muốn ôm lấy hai vợ chồng Thomas. Hai người kia lại một phen hết hồn, thét thất thanh, trợn mắt, lăn quay ra chết giấc. Hai đứa con không mở cửa buồng tắm được, phải gọi lính chữa lửa đến khoét lỗ khoá, kéo cửa ra. Họ phải làm hồi sinh cho cả hai vợ chồng Thomas. Vừa tỉnh lại, hai bệnh nhân lên cơn phong giật, sùi bọt mép. Nhân viên cứu hoả phải chích thuốc an thần cho họ ngủ đi. Trong giấc ngủ, cả hai vợ chồng thỉnh thoảng rên nho nhỏ:

- Diaby! Diaby! Tha cho chúng tôi! Chúng tôi hứa xin hoàn lại tiền cho gia đình anh!

* * *

Gia đình Thomas trải qua lễ Giáng Sinh trong bầu không khí lo buồn, ảm đạm. Hai đứa con phải luôn luôn ở bên cạnh bố mẹ, vì hai người này hay bị giao động tâm thần, nhất là vào ban đêm. Nhiều tháng sau, khi triệu chứng hốt hoảng đã hết, bác sĩ gia đình khuyên hai vợ chồng hãy đi xa tĩnh dưỡng. Trước khi đi, ông Thomas bàn với vợ:

- Mình nên liên lạc với gia đình Makadji, cho họ biết tin Diaby mất tích, đồng thời hoàn lại tiền cho họ, theo lẽ công bằng của Công giáo.

Bà Thomas lắc đầu, cười khẩy, nói giọng khinh bạc:

- Mặc thây chúng nó ! Hơi đâu mà liên hệ với thứ người ấy cho tốn tiền; vả lại, những thằng mọi đó đến nhà mình, hưởng thú văn minh, thì phải trả tiền chứ. Chúng sang đây chỉ giỏi ăn hại, phá phách. Bọn nhập cảnh lậu của Trung quốc chết một lượt năm mươi tám mạng kia kià. Bao nhiêu người bỏ nước ra đi bị cướp bóc, chết đuối ngoài biển. Bây giờ dân Âu châu và cả Úc châu không muốn nhận ngườI di dân nữa. Hoa-Kỳ bắt đầu hạn chế việc cho di dân vào nước họ, vì nạn khủng bố đã từng xảy ra trên đất Mỹ. Thôi, bỏ chuyện đó đi ông!

Để hai con ở lại trông nhà, vợ chồng Thomas ra vùng bờ biển Đại Tây Dương  nghỉ mát. Một buổi xế chiều cuối Hè, hai vợ chồng Thomas thả bộ trên bãi cát gần khách sạn chỗ họ ở. Họ vui chân đi ra cồn cát cách bờ biển khá xa. Hai người ngồi trên cồn cát chuyện trò. Chợt ông Thomas nhìn đồng hồ tay, bảo vợ:

- Sắp đến giờ uống thuốc chữa căng mạch máu của chúng mình. Về đi em.

Bà Thomas cau mày, lắc đầu:

- Hãy còn sớm. Về khách sạn làm gì.  Thôi, anh chịu khó chạy về phòng đem thuốc với lại nước ngọt ra đây.

Ông Thomas chiều vợ chạy về phòng khách sạn, lấy các thứ cần thiết, rồi trở lại bãi cát. Tới nơi, ông thấy thủy triều dâng lên nhanh bao vây cồn cát. Bà Thomas ngồi ỳ trên đó như mất hồn. Đứng cách vợ chừng một trăm thước, ông Thomas la to:

- Em biết bơi, chịu khó lội nước vào bờ mau lên! Anh không biết bơi.

Bà Thomas như tỉnh lại, đứng dậy, xua tay:

- Em không dám lội nước. Lỡ có cá mập thì sao. Anh về khách sạn bảo họ mang thuyền chở em vào bờ mới được.

Nhân viên khách sạn không có thuyền. Họ cùng một số du khách ào ra bờ cát. Bà Thomas bị nước thủy triều bao vây càng ngày càng gần chỗ bà đứng. Dưới ánh đèn điện từ đường phố xa xa hắt lại, họ thấy bà ta từ từ thụt xuống lớp cát trắng bắt đầu xậm lại vì ngấm nước biển. Mỗi cử động nhỏ cũng làm bà thụt xuống một tý. Nhân viên khách sạn và du khách hốt hoảng kêu lên:

- Bà kia bị sa lầy rồi ! Gọi người cứu cấp mau!

Trong khi một nhân viên khác chạy đi gọi chuyên viên cứu cấp đến, bà Thomas tiếp tục thụt xuống cát biển. Ông Thomas chạy tới chạy lui, kêu la ầm ỹ. Không ai dám bơi ra cứu người đàn bà xấu số. Có người mang sẵn theo máy chụp hình, bèn giơ lên chụp quang cảnh không tiền khoáng hậu đó: Một người đàn bà da trắng bị cát hút xuống từ từ, trong các lớp sóng thủy triều mênh mông dâng trào mỗi lúc một mạnh! Ánh "flash" nhoang nhoáng. Làn nước thu nhỏ cồn cát, đẩy lui đám người bất lực về phiá bờ đường. Chợt họ thấy từ dưới nước một bóng đen thui nổi lên, đứng đàng sau người đàn bà đang bị cát biển nâu nâu ngập tới nách. Tất cả bỗng tràn trề hy vọng. Nhưng họ ồ lên kinh ngạc khi thấy bóng đó mang cái đầu ngựa. Chưa ai kịp phản ứng, miệng con ngựa ngoác to, phát ra âm thanh oang oang bằng tiếng Pháp rõ ràng cho tất cả đều hiểu:

- Bà đã biết tội của bà chưa?

Ông Thomas ở trên bờ vội qùy xuống cát, làm dấu Thánh Giá, rồi nói to cho vợ nghe thấy:

- Em hãy chắp tay, yên lặng, xưng tội thiêng liêng trong đầu, xin Chúa tha tội.

Nói đoạn, ông Thomas lâm râm đọc kinh, thú tội thầm với Chúa Trời, rồi xin Đức Mẹ Maria và các Thánh cứu vớt vợ ông. Bà Thomas bỏ Đạo lâu ngày cũng chắp hai tay cầu xin Chúa tha tội, miệng hứa:

- Con sẽ hoàn lại tiền cho các người kia.

Hai chân vẫn đứng vững trên cồn cát, bóng người da đen đầu ngựa giơ hai bàn tay đen nhánh có ngón, nắm hai cánh tay bà Thomas kéo lên. Đoạn bóng đó cặp bà Thomas vào nách, chạy như bay trên mặt nước biển, đặt nhẹ nhàng người đàn bà da trắng xuống cát trước mặt đám đông. Tiếng nói lại cất lên:

- Ông Thomas. Ta đã cứu vợ ông. Hãy về mà thi hành những lời hứa của ông bà vừa mới dâng lên Thượng Đế.

Nói xong, bóng đó nhào xuống nước mất dạng. Cả đám đông trố mắt nhìn cảnh tượng kỳ lạ. Họ không hiểu rõ mọi chuyện, cho đây là một xuất hiện hành đạo kỳ bí của Phi-Châu. Mọi người mừng cho bà Thomas thoát nạn. Tất cả kéo nhau ai về chốn nấy. Ông bà Thomas rời khách sạn để trở về nhà ngay hôm sau.

* * *

Ông bà Huy ở bên cạnh không còn thấy bóng ma mình đen đầu ngựa nữa. Nhưng họ không biết rằng cả nhà Thomas vẫn bị con qủy Diaby hành. Thì ra bà Thomas đã nuốt lời hứa. Bà nhất định không chịu bồi thường vật chất cho gia đình có người ở lậu nhà bà và đã bị đuổi về nước. Bà khóc lóc trước bàn thờ Chúa:

- Con xin quyết chừa tội tham tiền và phản bội khách hàng. Nhưng con không thể hoàn lại tiền đó cho những khách hàng cũ được. Thứ nhất, con không biết rõ họ tên gì, ở đâu. Liên hệ giữa con và các đường dây đưa người ở lậu đã bị cắt đứt. Thứ hai, con không có hành động sát nhân như các tổ chức mang con bỏ chợ. Trái lại, con đã tiếp đón khách hàng chu đáo: Cho họ ăn, ở ; dẫn họ đi đây đi đó. Để nhường chỗ cho người khác, họ phải rời nhà con mà về nước sau một thời gian hưởng thú văn minh tiện nghi. Riêng Diaby Makadji tự dưng biến mất rồi thành ma qủy. Điều đó con không hiểu được. Xin Chúa, Đức Mẹ, và các Thánh giúp con giải quyết vấn đề này cho ổn thoả.

Một biến cố xảy ra vào buổi tối cuối năm. Cả nhà Thomas đang ngồi ăn, đèn điện chợt tắt ngúm. Họ giật nẩy mình khi ông Thomas mang cái đầu ngựa óng ánh vàng. Ông hí lên một tràng dài, rồi cất tiếng oang oang giọng Pháp mang âm hưởng Phi châu:

- Ta là Diaby đây!

Bà Thomas run rẩy chắp tay nói:- Hồn ma muốn gì xin cho biết.

Ông Thomas lại hí lên, trả lời rõ ràng:- Để trả nợ, ông bà hãy lo thủ tục hợp pháp cho cha mẹ và hai em gái ta du lịch Âu châu một tháng, rồi chính thức nhận hai em gái của ta sang trọ học cho đến khi chúng tốt nghiệp đại học, trở về làm việc góp phần xây dựng xứ Mali. Mọi phí tổn sẽ do cha mẹ ta đài thọ. Ta luôn luôn có mặt ngoài vườn để chứng kiến mọi sự...

Ông Thomas ngừng nói, chớp mắt vài lần, tỉnh lại. Cả nhà chạy tới của sổ nhìn ra  vườn. Họ thấy sừng sững trên bể nước mưa tượng mình người đầu ngựa vàng óng ánh. Trong cửa sổ lầu hai nhà bên cạnh, bà Huy chỉ tượng người đầu ngựa, nói với ông Huy:

- Lịch tây có tuổi Nhân-Mã. Lịch ta có tuổi Ngọ biến hoá vô tận theo mười Can. Năm Nhâm-Ngọ 2002 sẽ mang lại nhiều thay đổi trên trái đất này. Toàn thể nhân loại đều được yên vui no ấm. Không còn chiến tranh vì xung đột ý thức hệ, giai cấp xã hội quá chênh lệch, hoặc quyền lợi quốc gia bị vi phạm. Không còn khủng bố giết người tập thể vì thiếu Bác Ái Khoan Dung hoặc quá Ghen Ghét Đố Kỵ. Ta hãy cầu nguyện xin Thượng Đế cho loài người mãi mãi được hưởng Hoà Bình Thịnh Vượng Hạnh Phúc tuyệt đỉnh của Thiên Đàng Hạ Giới theo đúng Mệnh Trời khi Ngài tạo nên Trái Đất và sinh ra Con Người.

Bình Huyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002