Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


PHỤ NỮ CÁCH MẠNG AFGANISTAN

Thảo Nam

RAWA (Revolutionary Association of the  Women of Afganistan) là tên gọi tắt của Hiệp Hội Cách Mạng Phụ Nữ Afganistan, một tổ chức được thành lập ở Kabul, Thủ Đô Afganistan, dưới hình thức hiệp hội chính trị xã hội độc lập của phụ nữ Afganistan để tranh đấu cho nhân quyền và công bằng xã hội trong nước. Đây là nhóm ôn hòa, không chủ trương bạo động. Mục đích của hiệp hội RAWA không ngoài nâng cao con số phụ nữ Afganistan tham gia các sinh hoạt chính trị và xã hội đòi hỏi nhân quyền cho đàn bà, đồng thời góp mặt trong công cuộc đấu tranh thiết lập một chính quyền dân chủ phi tôn giáo cho Afganistan.  Phần lớn hoạt động của RAWA được điều động ở những vùng dành cho dân tỵ nạn ở Pakistan. Bất chấp bầu không khí chính trị đang trong thời kỳ ngộp thở, hiệp hội RAWA nhanh chóng ảnh hưởng rất nhiều hoạt động trong các lãnh vực chính trị xã hội khác nhau kể cả lãnh vực giáo dục, sức khoẻ, và phát triển lợi tức cũng như khuấy động tình hình chính trị.

Sáng lập viên gồm một số phụ nữ trí thức dưới quyền điều hành khôn ngoan, tài giỏi của bà Meena.  Sau 10 năm lãnh đạo, bà Meena đã bị nhân viên của nhóm KHAD (chi nhánh Afganistan của tình báo KGB) cùng phe cánh với nhóm thủ cựu Gulbuđin Hekmatyar ám sát một lượt với hai thân nhân của Bà ngày mùng 4 tháng 2 năm 1987 tại nhà của Bà ở Quetta, Pakistan, năm Bà 30 tuổi.  Trước khi bị ám sát, Bà Meena đã nhận được rất nhiều hăm dọa nặc danh vì những hoạt động chống ỏthánh chiếnõ của Bà. Bà Meena sanh năm 1957 tại thủ đô Kabul.  Trong những ngày bà còn đi học, học sinh sinh viên Kabul và các thành phố khác của Afganistan đang bùng nổ phong trào tích cực đấu tranh cho xã hội.  Bà cũng rời đại học, dâng hiến bản thân cho những hoạt động xã hội để điều động và hướng dẫn phụ nữ.  Để theo đuổi lý tưởng đòi hỏi quyền tự do phát biểu và hoạt động chính trị, Meena đã hình thành cơ cấu RAWA năm 1977.  Một trong những việc làm nhiều ý nghĩa của bà là phát hành tờ báo Payam-e-Zan (Tiếng Nói Phụ Nữ) năm 1981 bằng nhiều ngôn ngữ.  Qua tờ báo, Hiệp Hội RAWA đã nói lên tiếng nói của người phụ nữ một cách thẳng thắn và hữu hiệu.  Tờ báo đã đưa ra rất nhiều hình ảnh tội ác của nhóm bảo thủ.  Bà Meena đã sáng lập nhiều trường học cho trẻ em tị nạn, một bệnh viện ở Quetta, Pakistan và những trung tâm thủ công nghệ dành cho phụ nữ cũng ở Pakistan để yểm trợ tài chánh cho phụ nữ Afganistan và giải quyết những nhu cầu cấp bách của phụ nữ và trẻ em tị nạn.

Trước khi có cuộc đảo chánh năm 1978 do Nga Sô điều khiển, hoạt động của hiệp hội RAWA chỉ hạn chế trong những đòi hỏi nhân quyền và dân chủ cho đàn bà nhưng sau cuộc đảo chánh và nhất là sau khi Nga Sô thực sự có mặt ở Afganistan năm 1979,  hiệp hội RAWA trở nên trực tiếp dính líu tới những hoạt động chống chiến tranh.   Khác với phần lớn những người Hồi giáo bảo thủ ỏtranh đấu cho tự doõ  khoác lác của phong trào chống lại chiến tranh Sô Viết, từ lúc khởi đầu RAWA đã dành hết trọng tâm cho một chính thể dân chủ và phi tôn giáo.  Bất chấp những tai họa ghê gớm và những đàn áp chính trị, sự xuất hiện và ảnh hưởng của RAWA ngày càng gia tăng trong thời gian Nga Sô chiếm đóng Afganistan

Biểu tình chống đối người Sô Viết xâm lăng và đồng bọn, đồng thời chống đối nhóm bảo thủ cùng với những tội ác tàn nhẫn của họ là điểm son trong những hoạt động chính trị của RAWA.  Do đó, RAWA đã bị Sô Viết và nhóm bảo thủ liệt vào hàng nguy hiểm, cần phải tiêu diệt.

Kể từ lúc chính thể Sô Viết bị lật đổ năm 1992, mục tiêu đấu tranh chính trị của RAWA chỉ thuần túy cho quyền lợi của phụ nữ, nhân quyền cho dân chúng và phản kháng nhóm bảo thủ cùng với chính sách thủ cựu, dã man đối với dân chúng nói chung và chính sách kỳ thị đàn bà nói riêng của chánh quyền Taliban.

Tại Pakistan, những hoạt động xã hội của nhóm RAWA bao gồm giáo dục, sức khoẻ, nhân quyền, văn hóa, tài chánh, xã hội và chính trị.  Về mặt giáo dục, RAWA mở các trường trung và tiểu học cho trẻ em tị nạn, hướng dẫn các môn văn chương cho phụ nữ, cung cấp thày giáo và vật liệu cho các trường không thuộc về nhóm bảo thủ dành cho trẻ em tị nạn, đặc biệt là trẻ em nữ.  Đồng thời, RAWA điều khiển hai viện mồ côi cho trẻ em.  Về sức khoẻ, RAWA có hai Ủy Ban lưu động phần lớn phục vụ trong các trại tị nạn ở Peshawar và Quetta, cùng với một bệnh viện ở Quetta.  Trong vấn đề nhân quyền, RAWA cung cấp tin tức, báo cáo cho các hội đoàn nhân quyền và các cơ quan truyền thông về các hành vi giết người, ném đá, đâm chém, giam giữ, tù tội, đánh đập, sỉ nhục và tất cả các hành vi vô nhân đạo của chính quyền Taliban cùng các nhóm bảo thủ.  Về văn hóa, RAWA phát hành các băng nhạc với nội dung chống đối nhóm bảo thủ, tổ chức các đêm văn nghệ với mục đích tương tự, xuất bản tờ báo ỏPayam-e-Zanõ bằng nhiều thứ tiếng.  Về mặt chính trị, RAWA tổ chức các cuộc biểu tình cần thiết cho quyền lợi phụ nữ.  Tham dự các đảng phái chính trị để nêu lên những tội ác của nhóm bảo thủ và báo động cho mọi người hoàn cảnh khó khăn của phụ nữ ở Afganistan.  Giúp đỡ các goá phụ, các bà vợ bị chồng hoặc gia đình chồng hành hạ, đánh đập và gia đình các tù nhân.  Về tài chánh, RAWA điều khiển nhiều cơ sở thủ công nghệ, làm thảm, làm phấn vẽ bảng, thêu may, các nông trại chăn nuôi gà và cá.  RAWA còn sản xuất các loại dưa muối mặn và các loại mứt ngọt.

Bên trong Afganistan, các hoạt động của RAWA phần lớn là yểm trợ phụ nữ nạn nhân chiến tranh.   Báo động cho các cơ quan từ thiện như Cơ Quan Ân Xá Quốc Tế về các vi phạm nhân quyền, ngược đãi phụ nữ của nhóm bảo thủ.  Yểm trợ tinh thần cho các nạn nhân, chuyển họ đến Pakistan để chữa trị.  Tìm cách đưa họ thoát ra khỏi các mặt trận chiến tranh đến chỗ an toàn.  Cung cấp các nhu cầu tối thiểu cho gia đình các nạn nhân hoặc tìm người bảo trợ họ.  Về giáo dục, các hoạt động của RAWA thường lén lút và bị giới hạn bởi sự thù nghịch của chính quyền Taliban.  Các lớp học phải lén lút tổ chức ở nhà cho phụ nữ và trẻ em.  Một tháng hai lần, RAWA âm thầm nhóm họp phụ nữ và thiếu nữ để thảo luận về khái niệm nhân quyền cho phụ nữ, nguyên nhân phải chống đối nhóm bảo thủ, sự cần thiết trong vấn đề giáo dục và tham gia xã hội, những phương thức để giải tỏa những khó khăn trong đời sống phụ nữ  tại Afganistan.  Về mặt sức khoẻ, RAWA có các Ủy Ban lưu động thường trực trong 7 tỉnh ở Afganistan.  Uỷ Ban lưu động phần lớn chỉ chữa trị cho các phụ nữ không thể đi đến văn phòng bác sĩ vì không có khả năng tài chánh hoặc vì sợ chính quyền Taliban.  RAWA chữa trị, chích ngừa tê liệt cho trẻ em, thỉnh thoảng cũng chữa trị cho đàn ông.  Về tài chánh, RAWA điều khiển một số nông trại, các cơ sở làm thảm, thêu may, nuôi ong lấy mật, thủ công nghệ.  Để giúp các goá phụ tự lập, RAWA còn cho họ mượn tiền để gây dựng các cơ sở này.

Ngoài ra, RAWA còn hướng dẫn phụ nữ trong các bộ môn về cách sử dụng máy vi tính, ngoại ngữ, các ngành thương mại nhằm mục đích giúp họ có thể sống tự lập, biết tự tin vào giá trị cá nhân để trở thành người hữu dụng cho đất nước.

Hiệp hội RAWA đã được Uỷ Ban Nhân Quyền của Pháp trao tặng giải thưởng Nhân Quyền ngày 15 tháng 4 năm 2000 cho những đấu tranh tích cực của họ.  Nhân cơ hội này, các thành viên của RAWA đã nói lên cùng thế giới những đau thương rướm máu của người phụ nữ Afganistan.  Dưới chính quyền Afganistan, người phụ nữ đã bị đàn áp thảm thương từ tinh thần đến thể xác từ lúc  Sô Viết trị vì xứ sở của họ, cho đến bất cứ giai đoạn nào trong quá khứ bởi các phần tử cực đoan, quá khích.  Nhân quyền của người phụ nữ đã bị chà đạp hết triều đại này qua triều đại khác một cách tàn nhẫn.

Bà Mother Zemaray, đại diện cho Hiệp Hội RAWA nhận lãnh giải thưởng Nhân Quyền, đã nêu lên những tội ác không tìm thấy ở đâu trên thế giới khi nhóm bảo thủ vừa kêu tên Thượng Đế vừa hãm hiếp người già 70 và con nít chỉ vừa 7 tuổi.  Đoàn quân thánh chiến hãm hiếp cả phụ nữ có thai. Rất nhiều cô gái trẻ phải tự tử vì chỉ có cái chết mới giúp họ thoát khỏi bắt cóc, hãm hiếp của bọn lợi dụng đức tin Thần Thánh để chà đạp nhân phẩm con người.  Bà lên án chính quyền tàn bạo Taliban đã xô đẩy đàn bà và trẻ em vào đường cùng phải đi ăn xin hoặc làm đĩ điếm vì họ không được phép đi làm.

Dưới sự cai trị của chính quyền Taliban và nhóm bảo thủ, người phụ nữ chỉ là công cụ để sanh con đẻ cái, là phần tử lệ thuộc và bị đối xử như nô lệ.  Phụ nữ Afganistan bị bắt buộc phải mang mạng che mặt mỗi khi ra đường.  Mạng che mặt được may bằng loại vải rất dày làm cho họ khó thở.  Hai lỗ hổng nhỏ ở hai mắt để nhìn gây khó khăn cho họ những lúc băng qua đường. Người phụ nữ Afganistan thường bị kết tội một cách bừa bãi.   Sơn móng tay cũng là một tội ác.  Khi bị kết tội, họ có thể bị sỉ nhục, bị bắn, bị treo cổ hoặc bị ném đá cho đến chết trước mặt đám đông.

Ngày nay, chính quyền bảo thủ Taliban đã bị hạ bệ, nhưng hiệp hội RAWA vẫn tiếp tục hoạt động.  Kế hoạch tương lai của họ là nới rộng và đặt trọng tâm trong vấn đề giáo dục đàn bà và trẻ em.  Thiết lập những trường học tự do và tân tiến.  Xuất bản sách vở, băng nhựa, phim ảnh chứa đựng kiến thức khoa học hiện đại, phát không cho học sinh.  Thành lập các thư viện không những ở thành phố mà còn ở ngoại ô và các vùng xa xôi hẻo lánh.  Hiệp hội RAWA tin tưởng mãnh liệt rằng kiến thức tự nó là một sức mạnh vô biên.  Kiến thức sẽ nâng cao sự hiểu biết của phụ nữ về nhân quyền và chỗ đứng của họ trong xã hội, cũng như những rắc rối về chính trị của đất nước.  Từ đó, người phụ nữ sẽ nắm được vai trò hữu dụng của họ trong bất cứ môi trường nào.

Thảo Nam

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002