Đại Chúng số 92 - Mừng Xuân Nhâm Ngọ 2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới

 

XUÂN VỀ NÓI CHUYỆN TÔ CHÂU

THIÊN ĐÀNG HẠ GIỚI

Mộng Đài

Tô Châu - thành phố nổi tiếng này - nằm trong tỉnh Giang Tô, phía Đông giáp Thượng Hải, Tây giáp Thái Hồ, Nam giáp Triết Giang và Bắc giáp Trường Giang, con sông dài gần như bất tận, xinh đẹp như mùa Xuân, rực rỡ như nắng Hạ, thơ mộng như màu vàng Thu và bàng bạc tợ cảnh sơn khê phủ màu tuyết trắng...

Tô Châu, có đến 2400 năm lịch sử, khởi đầu vốn là cố đô của nước Ngô thời cổ đại, do nhà vua Hạp Lư xây dựng lên, dưới thời Đông Châu Liệt Quốc. Thời Tần, Tô Châu mang tên Ngô Huyện, qua thời Đông Hán cải sang Ngô Quận. Đến năm 1276 mới bắt đầu gọi Tô Châu,lấy tên từ ngọn núi Cô Tô. Trong bài "Phong Kiều Dạ Bạc" của nhà thơ Trương Kế đời Đường Túc Tông đã ghi lên thắng cảnh độc nhất vô nhị này:

Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên,

Giang phong ngư hỏa đối sầu miên.

Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn tự,

Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.

Mà nhà thơ Tản Đà đã dịch:

Trăng tà, chiếc nhạn kêu sương,

Lửa chài, cây bến sầu vương giấc hồ.

Thuyền ai đậu bến Cô Tô,

Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.

Phong Kiều ở Ngô Huyện, thuộc tỉnh Giang Tô, còn Cô Tô thì ở Tô Châu, nên cũng còn gọi là Cô Tô Thành.

Nếu khách lãng du đã đến một lần viếng các thắng cảnh thành Tô Châu, ắt đến lúc ra đi ắt không khỏi phải bùi ngùi tấc dạ. Còn gì đẹp bằng cảnh bóng trăng xế tà chênh chếch bóng, lại có tiếng quạ kêu và sương phủ đầy trời... Trước cảnh tượng này khách làm sao ngủ được khi mắt trông vời ra trước cảnh buồn của đèn chài leo lét và lùm phong phơ phất theo cánh gió chẳng khác nào như hàng trăm ngàn con rắn bạc lăn tăn trên mặt nước về đêm! Lại nữa, từ ngoại thành Cô Tô có tiếng chuông chùa Hàn San thánh thót vang lên vọng đến chiếc thuyền nan chở khách, đang gác mái chèo nghỉ tạm qua đêm để thưởng thức cảnh đẹp của thành Tô Châu đầy thơ mộng... tưởng không còn cảnh nào còn hơn thế nữa.

Và cũng chính vì bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc đã viết: "Dạ bán chung thanh..." đã một thời có cuộc tranh cãi làm gì mà có tiếng chuông chùa nửa khuya vắng vẻ ấy?!", vì vậy mới có giai thoại về một sự trùng hợp...khá lạ lùng và cũng thật thơ mộng như sau:

"...Một đêm neo thuyền lại tại bến Phong Kiều, Trương Kế nhìn thấy cảnh đẹp, mà hồn thơ bỗng dưng lai láng, bèn cất tiếng cao ngâm:

"Nguyệt lạc, ô đề,sương mãn thiên

Giang phong, ngư phủ đối sầu miên.

Nhưng, sau hai câu tuyệt cú này, Trương Kế nằm trằn trọc mãi vẫn không thể nào gợi thêm ra được hai vần thơ kế tiếp nữa...

Và cũng chính trong đêm này, ngoài thành Cô Tô, sư cụ chùa Hàn san - một trong các nhà sư nổi tiếng sính thơ nhất cũng xúc cảnh khi nhìn thấy mấy trăng lưỡi liềm vắt vẻ trên vòm trời xanh thẳm mà ngâm lên:

"Sơ tam,sơ tứ nguyệt mông lung

Bán tự ngân câu, bán tự cung.

(Mồng ba,mổng bốn trăng mờ

Nửa dường móc bạc,nửa ngờ vành cung)

Hai câu này cũng chẳng kém gì mấy so với hai câu của Trương Kế, song nhà sư Hàn San tự cũng không thể nào tìm ra thêm tứ để làm cho xong bài thơ tứ tuyệt này, nên cứ trằn trọc thao thức mãi không dỗ được giấc ngủ...

Nhìn thấy sư cụ thao thức mãi, chú tiểu hầu cạnh bèn lên tiếng hỏi, được sư cụ kể lại nỗi khổ tâm của mình về hai vế thơ sau cùng để hoàn tất bài thơ đang bỏ dở. Chú tiểu mỉm cười cúi đầu xin thầy cho phép mình được nối tiếp bài thơ trên. Đó là hai câu:

Nhất phiến ngọc hồ phân lưỡng đoạn,

Bán cầm thủy để, bán phù không."

(Hồ xanh kia xẻ đôi vùng

Nửa chìm đáy nước,nửa lồng chân mây).

Đồng thời lúc bấy giờ sau đó không bao lâu ở bến Phong Kiều có tiếng chuông vọng đến tận trong thuyền, khiến Trương Kế giật mình choàng ngồi dây kết thúc ngay bài thơ mình:

Cô Tô thành ngoại Hàn San tự

Dạ bán chung thiên đáo khách thuyền.

Chính tiếng chuông của chùa Hàn San kia đã giúp cho Trương Kế có cảnh để hoàn tất bài thơ bất hủ của mình, nhờ sư cụ chùa Hàn San sai chú tiểu đi dộng chuông tạ ơn Phật...

Theo sử sách ghi lại:"...Trong và ngoài thành Tô Châu có đến cả ngàn chiếc cầu bắc ngang sang sông,suối trông vô cùng thơ mộng, nhưng rồi vì chiến tranh tàn phá và thời gian đã tước mất đi một số lớn, nên đến ngày nay chỉ còn giữ được 168 chiếc cầu xây bằng đá hoặc bằng các loại gỗ quí...

Tô Châu đúng là một dải đất có lắm danh lam thắng cảnh: xa xa có dảy Thiên Đình, Linh Nham ngút ngàn khói tỏa đầu non, có gò Hổ, có Hàn San Tự, có vườn hoa Sư Tử, có hoa viên Chuyết Chính...và nhất là vườn Lưu Viên, Thương Lăng Đình có lắm loài kỳ hoa dị thảo...

Cảnh đẹp nhất của Tô Châu là ngôi Hàn San tự, xây từ thời Nam Triều vào thế kỷ thứ Vl - Hàn San tự có lối kiến trúc khá độc đáo gồm nhiều điện như Đại Hùng Bảo điện, hoặc Tàng Kinh các, hay Phong Giang Lâu và lầu Chuông...Càng đi sâu vào Hàn Han tự càng cảm thấy mình đang chiêm ngưỡng một danh lam thắng cảnh thu nhỏ lại nơi Cửa Phật trang nghiêm. Theo tương truyền một nhà sư đời Đường có tên là Hàn Sơn từng trụ trì ở ngôi chùa này - lúc ấy chưa có tên chính thức cho mãi đế khi ngài viên tịch người đặt là Hàn San tự...

Nếu đi xa hơn lối ba dặm, về phía Tây Bắc, ắt khách lãng du sẽ nhìn thấy "gò Hổ" - một gò được mệnh danh là đệ nhất danh lam thắng cảnh của đất Ngô. Sở dĩ gọi thắng cảnh này là "gò Hổ" vì cách đấy lối 2500 năm, khi vua Hạp Lư băng hà, được Ngô Phù Sai mang thân phụ mình táng tại gò này. Chỉ trong vòng ba ngày bỗng tự dưng có con "Bạch Hổ" từ đâu đến nằm phục bên cạnh mộ...Và, cũng từ đó người đời gọi là "Gò Hổ". Phía trước mặt gò là một cái hồ nhỏ có tên Kiếm Trì. Ngay lăng mộ của vua Hạp Lư có chôn nhiều của cải báu vật, còn phía trên đỉnh gò lại có một ngọn tháp xây vào đời nhà Tùy và sau đó được trùng tu vào thời Bắc Tống. Ngôi tháp được sắp xếp vào hàng thắng cảnh, cao đến bảy từng và có tám cạnh. Tháp được xây bằng cả gạch lẫn gỗ quí.

Nói đến Tô Châu là y như mọi người đều nghĩ đến nhiều hoa viên với muôn vạn cánh hoa, đầy hương sắc, với hàng ngàn cánh bướm rực rỡ đủ màu chập chờn vào những buổi sáng tinh sương trông hệt những một bức tranh thiên nhiên tuyệt kỷ...

Hiện nay không còn đến hàng ngàn hoa viên nữa mà chỉ còn võn vẹn 180 vườn hoa mang phong cách của thời Tống và Minh, Nguyên lưu truyền...Người Tây phương thích xây dựng hoa viên theo hình kỷ hà trong lúc người Trung Hoa thì chuộng cảnh sơn thủy hữu tình... Đặc biệt người Trung Hoa thích mô phỏng theo cảnh sắc thiên nhiên, thu nhỏ lại các cảnh hiện thực như núi non, hồ ao, lâu đài, chùa chiền cùng với cỏ cây hoa lá v.v...mà mà dựng nên một cảnh trí hoặc bằng những mô hình thu nhỏ,hoặc bằng những bức tranh sơn thủy hòa nhập với ý thơ, từ phú của các đời Đường,Tống...

Nếu ta xuôi về phía Nam thành Tô Châu sẽ được chiêm ngưỡng vườn Thương Lãng Đình, một hoa viên được xem là cổ nhất, có nhiều ngọn núi đất và được diểm xuyết thêm các tảng đá trắng trông thật ngoạn mục. Càng vào sâu vào các ngọn thổ sơn khách lãng du cứ ngở rằng mình đang lạc lõng vào các động nơi tiên cảnh. Khách viếng thăm Thượng Lãng Đình có khi quên quay gót trở về khi lần theo các hẻm luồng hang, trèo núi, qua ghềnh... hoặc băng theo các hành lang nhìn các khung cửa sổ hình thù khác nhau: cái tròn, cái vuông, cái hình bán nguyệt, không cái nào giống với cái nào...mà khách lãng du tùy theo góc độ mà chiêm ngưỡng cảnh thiên nhiên kỳ thú...

Hoặc đi về phía bắc Tô Châu, ta sẽ thấy ngay một khu vườn với phong cách của đời Nguyên lưu dấu lại.

Đó là khu Rừng Sư Tử có từ cuối đời nhà Nguyên do nhà sư Thiên Như dựng lên. Khách lãng du khi vào đến bên trong khu rừng sẽ nhìn thấy nhiều cảnh núi non, và cũng nhiều tảng đá giống như hình sư tử nằm khắu tạo nên những mọi ngõ ngách, cũng như các tảng đá lớn được chồng chất lên nhau tạo thành những hang động âm u kỳ kỳ ảo ảo... Tương truyền, từ ngày có Rừng Sư Tử có nhiều Tiên Ông cùng các Nữ Tiên đưa nhau đến hang du ngoạn, lạc lối không trở về được cõi tiên nên cuối cùng bị hóa thạch... Đặc biệt Rừng Sư Tử có lối kiến trúc bao quanh như Nhạn Dự Đường, Ngũ Tùng Viên v.v..bao quanh như trấn ngữ...Có điều các hành lang tại khu rừng này còn bút tích của Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Mễ Phất, Thái Nhượng...là Tứ đại gia đời Tống...

Vẫn còn chưa hết, Tô Châu còn lắm khu vườn khiến cho người chiêm ngưỡng phải ngẩn ngơ về công trình tuyệt kỷ vừa của thiên nhiên mà cũng vừa của người thiên nhiên hóa những hình ảnh khác thường...Như khu Chuyết Chính Viên chẳng hạn. Cảnh tái ở đây được lấy hồ ao làm trung tâm điểm mà các lâu đài, chùa đình trở thành một trùng vi cho cảnh tượng thiên nhiên đó.

Đặc điểm nhất trong các khu vườn ổ thành Tô Châu là Lưu Viên. Lưu Viên là tên một vười hoa nổi tiếng. Đây là một hoa viên thời đại, vì nó được xây cất vào đời nhà Thanh - triều đại không bao xa so với ngày nay. Nhờ vậy mà lối cấu trúc có đầy đủ từ cầu đương, hành lang, có tường hoa, có sông suối v.v. Đi phương Đông sẽ gặp đình,quán, sảnh đường...kiến trúc vô cùng hùng vĩ... Đến khu Tây sẽ chiêm ngưỡng được cảnh những hòn giả sơn, trên núi có rừng phong, nên mỗi độ thu về toàn thể khu vườn đều rực lên một màu vàng trông thật thơ mộng... Đó là chưa nói cảnh hồ, ao, sông suối, lâu đài soi mình dưới bóng nước lung linh... Hoặc ngắm cảnh đào liễu mà mỗi độ xuân về rực lên muôn hồng nghìn tía...

Rồi đến núi Linh Nham - mà khách ngang qua đều thốt nhiên nhớ đến một mối tình lãng mạn nhưng đầy son sắt của Phạm Lãi, Tây Thi...Theo sử chép: "Quan đại phu nước Việt là Phạm Lãi nhân lúc nhàn du bất ngờ gặp được nàng Tây Thi - một trang sắc nước hương trời. Thế là hai người yêu nhau và thề sẽ sống cho đến răng long đầu bạc. Tình đang nồng, duyên đang ưa thì bỗng vua Phù Sai mang quân sang báo thù nước Việt đ trả mối hận cho cha mình. Việt Vương Câu Tiễn bại trận ra hàng. Phạn Lãi cùng vợ chồng vua nước Việt cũng bị bắt để làm con tin. Ba năm sau, vợ chồng Câu Tiễn cùng Phạm Lãi được thả về...Nuôi chí báo thù, Câu Tiển chịu nằm gai nếm mật suốt 10 năm trường. Một hôm Phạm Lãi tâu với nhà vua là phải dùng mỹ nhân kế mới có thể mong phục lại được cơ đồ. Phạm Lãi mang kế hoạch của mình bàn với nàng Tây Thi, Tây Thi nhận lời hiến thân cứu nước bèn sang nước Ngô thi hành nhiệm vụ. Phù Sai không thể cầm lòng trước sắc đẹp của Tây Thi nên đêm ngày chìm đắm trong cảnh hoang dâm, quên cả chuyện an nguy của đất nước. Phù Sai thấy Tây Thi thường xót xa thương nhớ quê hương thường gửi gắm lòng mình qua tiếng đàn nỉ non ai oán. Ngô Vương muốn cho nỗi buồn của Tây Thi dịu bớt đi bèn cho đào ao Vân Nguyệt, giếng Ngô Vương ở tận đỉnh núi Linh Nham hầu cho người yêu dạo chơi tắm mát...Tây Thi thường lén đưa tin tức về cho Việt Vương...Nhờ đó mà Việt Vương trả được mối thù xưa cho nước Việt. Và cũng từ sau ngày chiến thắng, Phạm Lãi cùng Tây Thi sum họp cùng chu du Ngũ Hồ để đền bù lại những tháng năm xa cách...

( Có sách ghi rằng Tây Thi bị chết, còn Phạm Lãi chỉ một mình ôm mối hận tình chu du chốn Ngũ Hồ mà thôi).

Một ngôi đền Sùng Bảo được cất lên trên ngọn Linh Nham để tưởng nhớ chiến công của nàng Tây Thi . Ngày nay các di tích lịch sử giữa hai nước Ngô - Việt vẫn còn tồn tại trên ngọn Linh Nham...

Tô Châu đúng là cảnh thiên đường của hạ giới...

Mộng Đài

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002