Đại Chúng số 91 - Ngày 1/2/2002

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Hà Trung Chánh San Jose: 1. Bà cụ có nhớ các bài dịch của cụ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu về Thiên hành lộ tam chương không? Nếu được bà cụ nhắc hộ luôn cho bản chính. 2. Có lần tôi được nghe qua bài Tư Quy của Vương Bột, bà cụ có nhớ bài này chăng? Xin nhắc nhở lại, xin vô vàn cảm tạ.

+ Thiên Hành Lộ tam chương có mấy bài nguyên văn và do Tản Đà dịch lại như sau:

Yếm ấp hành lộ,

Khỉ bất túc dạ?

Vị hành đa lộ.

Đừng đi giọt móc đầm đìa

Rằng đường nhiều móc sớm khuya ngại ngùng.

Hay bài:

Thùy vị tước vô giốc.

Hà dĩ xuyên ngã ốc?

Thùy vị nhữ vô cốc?

Hà dĩ tốc ngã ngục?

Thất gia bất túc?

Con sẻ kia,

Ai bảo sừng không có?

Mái nhà đó,

Lấy gì làm thủng ra?

Mình với ta,

Ai bảo không cheo cưới.

Gì làm cớ,

Đem ta đến tụng đình...

Cưới cheo chẳng đủ cho mình lấy ta. v.v..

2. Vương Bột là một nhà thơ được xếp hàng đầu thời Sơ Đường. bài "Tư Quy" mà ông hỏi đó như sau:

"Trường giang bi dĩ trệ,

Vạn lý niệm tương quy.

Huống phục cao phong vân,

Sơn sơn hoàng diệp phi."

Bài thơ này nói lên nỗi buồn chất chứa trên dòng Trường giang. Từ nơi xa xôi muôn dặm mong muốn sao được trở về quê chốn cũ. Mỗi khi gió thổi trên cao, có cả lá vàng bay lướt ngang qua đồi núi chập chùng...

Đông Y Sĩ Linh Tòng Orange County CA. Nghe nói Trung Hoa có lắm truyền thuyết về sâm, bà cụ có nhớ xin nhắc lại hộ. Xin thành thật cám ơn.

+ Trung Hoa là nước cũng nổi tiếng về các loại Sâm có số tuổi đến cả ngàn năm chỉ đứng sau Đại Hàn. Sau khi hấp thụ đủ linh khí của trời đất, loài sâm này phát sinh ra những linh khiếu rất mầu nhiệm để từ đó trở thành hình người như huyền thoại trong các truyện cổ truyền tụng trong nhân gian. Thời gian mấy mươi năm gần đây một nông dân đã tìm được cặp "linh chi thảo nhân" giống y hệt như hình dạng của con người, đầy đủ mặt mày, chân tay... và được xác nhận có niên kỷ bản sinh hơn cả ngàn năm - do đó cặp linh chi thảo nhân này có một dược tính trị liệu ngang với gí trị nhân sâm ngàn năm. Linh chi thảo nhân tức là loại nấm lâu năm biến thành thân mộc. Ngoài ra, Trung Hoa cũng có rất nhiều loại sâm thiên nhiên và chế biến đại lược như sau:

1. Nhân Sâm Bách Chi : Sâm này đầy nhánh rễ chằng chịt, trị các chứng bệnh về thận và gan. NGười ta dùng để nấu canh hoặc nấu lấy nước uống.

2. Sâm Hồng Tu: Hình dạng nhỏ như rau, màu nâu đỏ, vị đắng được bó lại để bán dùng hầm với gà ác chữa được các bệnh hen suyễn.

3. Sâm Y Long : Loại sâm này còn có tên là Y Truật, màu vàng có vằn đen, củ giống cà rốt. Đây là loại sâm giây giống Hà Thủ Ô, sâm này có lõi, chỉ nên dùng phần bì ngoài phơi khô dùng hợp chung với các phương dược khác.

4. Điền Sâm cũng có tên Huyền Sâm. Sâm này màu đen, vị nhạt dùng để nấu canh hoặc phương dược.

5. Sâm Bạch Trụ: Khác với loại sâm thường thấy. Thạch Trụ Sâm có mùi vị rất nhạt, không có ý vị, hơi tanh, nhạt nhẽo, tuy rằng hình thể có nhiều phần giống sâm Cao Ly, dược tính duy nhất là để giúp ăn ngon. Chữa các bệnh miệng đắng, bao tử yếu v.v...

Trong Tam Tự Kinh có ghi câu chuyện một ông Viên Ngoại keo kiệt... bà cụ có nhớ tích này không?

+ Câu chuyện này một đoạn nói về sự giáo dục như sau: "PHÀM HUẤN MÔNG, TU GIẢNG CỨU, TƯỜNG HUẤN HỖ, MINH CÚ ĐỘC. VI HỌC GIẢ, TẤT HỮU SƠ, TIỂU HỌC CHUNG, CHÍ TỨ THƯ. Đoạn này có nghĩa: Tất cả mọi việc giảng dạy cho trẻ con mới học, cần phải giảng giải nghĩa lý, khảo cứu sự việc thật cẩn thận, không thể dạy qua loa đại khái được. Trước tiên phải dạy chúng hiểu ý nghĩa của từng chữ từng câu. Sau dạy chúng đọc từng câu từng đoạn cho rõ ràng. Khi đi học phải có thứ tự từ thấp đến cao, từ cái bắt đầu sơ cấp đến cao cấp. Trước tiên phải học hết tiểu học rồi mới học đến Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh tử bốn cuốn sách đó...

Câu chuyện ông muốn nhắc đến như sau:" Ngày xưa, đời nhà Đường có một ông Viên ngoại (ông chủ nhà). Một hôm có mướn một người Quản gia mới, vì ông Viên ngoại này có tính bần tiện, keo kiệt, không muốn cho người ăn kẻ ở được ăn uống đầy đủ, kể cà người Quản gia. KHi mướn người tân Quản gia, ông Viên ngoại bèn làm một tờ khế ước có điều kiện hạn chế về việc ăn uống. Khế ước ấy viết như sau: "Không gà vịt cũng được, không cá thịt cũng được. Rau xanh tuyệt đối không được thiếu, Rượu cũng không được." Nhưng khi lập tờ khế ước hồi đó, trong câu văn không có dấu chấm phẩy để phân chia rõ ràng từng câu từng đoạn. Sau một năm, người Quản gia mới này xin thôi việc về quê, và xin ông Viên ngoại bồi thường tiền ăn trong một năm. Ông Viên ngoại không chịu, bèn đưa lên quan xử. Khi lên tới quan, ông Viên ngoại trình tờ khế ước lên, ông quan bèn người Quản gia lên đọc lại tờ khế đã kỳ kết. Người Quản gia này bèn dõng dạc đọc: "Không gà, Vịt cũng được. Không Cá, Thịt cũng được. Rau Xanh tuyệt đối không được, thiếu Rượu cũng không được." Ông Quan nghe đọc vậy đành phán bảo: "Ông Viên ngoại phải bồi thường toàn bộ tiền ăn một năm cho người Quản gia mới này."

Cháu Hồ Văn Kim Philadelphia (qua Võ Thượng Cung): Bà cụ có nhớ các đặc điểm về cuộc sống cũng như các đặc sản của từng địa phương ở một số tỉnh Miền Trung được ghi nhận trong các vần ca dao không? Xin cụ chỉ giáo hộ cho.

+ Nhà sưu khảo về địa lý, cao dao Đào Đức Nhuận có loạt bài ghi nhận về điều mà cháu hỏi như sau:

"Bồng em đi dạo vườn cà

Trái non bỏ mắm, trái già làm dưa

Làm dưa ba bữa dưa chua

Để dành ăn cấy, khỏi mua tốn tiền."

Hay:

Củ lang Đồng Ngỗ

Đỗ phụng Đồng Dinh

Chồng bòn, thiếp mót để chung một gùi.

Nói về việc sản xuất trong hoàn cảnh lạc hậu:

Ai về Cà Đó

Chịu khó xách ki

Tay cầm đôi đũa

Chân đi lòm khòm.

Nói về đặc sản:

"Nem chả Hòa Vang

Bánh tổ Hội An

Khoai lang Trà Kiệu

Thơm rượu Tam Kỳ.

Còn ở Khánh Hòa:

Yến sào Hòn Nội

Vịt lội Ninh Hòa

Tôm hùm Bình Kha

Nai khô Diên Khánh.

Còn Quảng Ngãi thì:

Chim mía Xuân Phổ

Cá bống sông Trà

Kẹo gương Thu Xà

Mạch nha Thi Phổ.

hay câu:

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ món cá bống sông Trà kho tiêu.

Cũng như nhớ cái mùi kho cá thi vị xứ ở xứ sở: "Có nàng lai khách mắt buồn mơ"

Anh đi anh nhớ quê nhà
Nhớ mùi cá bống mặn mà hương tiêu.

Tuy vậy, tất cả đều nhường bước cho "Tô Don" Vạn Tượng:

Cô gái lòng son
Không bằng tô don Vạn Tượng.

Hay câu:

Có nghèo có khó cũng lấy con vợ bán don
Lỡ khi nó chết cũng còn cặp ui. v.v..

Còn rất nhiều nhưng khuôn khổ trang báo có hạn. Xin hẹn cháu dịp khác.

Cháu Vũ Vọng UCLA (qua Văn Đông Wanut Grove: Cháu muốn biết từ "Bích Sắt" và Bích Hổ Phẩn" là gì? Bà cụ chỉ giáo cho. Kính cẩn cám ơn bà cụ.

+ 1. Bích Sắt là con rệp, con bọ chét cũng cùng một nghĩa.

2. Bích Hổ Phẩn là phân của con thằn lằn.

Cháu Vũ Phương Uyển Maryland (quan Quỳnh Liên Lawnberry Ter): Bài thơ "Lòng Tôi Ai Chẽ Những Tàn Tro Bay" cháu rất thích, nhưng không nhớ được trọn cả bài. Bài thơ này có phải của nhà thơ Ngô Tịnh Yên không?

+ Đúng là của nhà thơ Ngô Tịnh Yên. Bài đó như sau:

Gió đem sợt tóc chẻ hai
Mưa chẻ những giọt vắn dài vấn vương
Tình yêu chẻ những vết thương
Biệt ly chẻ những con đường lá bay
Hoa hồng chẻ mấy nhánh gai
Đường ngôi chẻ một, bàn tay chẻ mười
Con sông chẻ sóng bồi hồi
Nỗi buồn chẻ nhỏ, nỗi vui chẻ ngàn
Củi ngo còn dóm bếp than
Lòng tôi ai chẻ những tàn tro bay?

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002