Đại Chúng số 89 - Mừng Giáng Sinh 2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MƯA BÊN NÀY, NẮNG BÊN KIA

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Bà Thục Trinh vốn kín mồm kín miệng không bao giờ tiết lộ chuyện gia đình cho bất kỳ ai biết. Theo bà, có nói ra cũng chẳng ai giúp được cho mình mà trái lại còn mang ra thị phi cho vui miệng và còn chứng tỏ là mình được nhiều chuyện nhà thiên hạ.

Lắm lúc Quốc Trung nói với vợ:

_ Trên đời nay kiếm được người tốt thật hiếm hoi, nhưng lại lắm người ăn rổi ở thì xấu mồm xấu miệng lại nhiều hơn sao trên trời! Những loại người này chuyên dụm lại bàn tán đời tư chuyện thiên hạ... lấy đó làm điều. Hát bộ, hát bóng, cải lương, kịch cợm v.v... họ đã xem chán chê rồi, chỉ còn có điều có thể làm họ thích thú là dòm ngó chuyện gia đình người ta rồi thêm mắm dặm muối vào kể cho nhau nghe lấy đó làm điều thú vị.

_ Tôi biết. Bởi vậy mà chẳng bao giờ tôi rỉ hơi mặc dù họ cứ lân la đến khơi ra để thử mình có nói năng chuyện gì buồn phiền trong gia đình không!

_ Bà thấy đó. Ông thánh bảo:"nhàn cư vi bất thiện"...

_ Thì vậy chứ sao?! Thiếm Hồ cứ đôi ba ngày là kéo đôi giép dừa đến cứ hỏi giỏ thằng Sùng Thật nhà mình chừng nào mang cái công danh về... Tôi cứ giả làm tai ngơ mắt điếc cứ đánh lảng sang chuyện khác... chẳng đáp thẳng điều thiếm ấy muốn moi ra.

Sáng hôm sau, nhằm ngày Ngọc Phụng nghỉ dạy, cùng gia đình ăn sáng, nhân vui câu chuyện Quốc Trung hỏi con dâu:

_ Năm nay nhà trường có nghỉ tết sớm không, Ngọc Phụng?

_ Thưa ba, cũng như thường niên, trước tết nghỉ một tuần và sau tết cũng thời gian ấy...

_ Thế thì có đến mười bốn ngày... Vậy năm này con với má làm một ít bánh mứt, trước là để cúng kiến ông bà tổ tiên, sau là để mời khách đến chúc tết dùng với chung trà đầu năm mới. Đừng mang tiền đi mua phí phà, vô ích.

_ Ờ, thế càng tốt ! - Bà Thục Trinh phụ họa - tôi sẽ làm mứt bí với mứt gừng...

_ Dạ, còn phần con sẽ phụ giúp má làm ít mứt thơm dẻo... loại này ba thích lắm đó...

Quốc Trung vui vẻ khen con dâu:

_ Thật con hiểu ý ba còn hơn má con nữa...

Bà Thục Trinh nhìn chồng nhoẽn miệng cười:

_ Chứ trước kia chưa có nó bước về nhà, ai đã làm loại mứt thơm đó cho ông? Có phải hồi ấy mấy cô nữ sinh viên ở Thiên Tân đó không?

Quốc Trung cười đáp lễ:

_ Thôi tôi xin bà tha cho! Chẳng có mống sinh viên nào làm cho tôi cả chỉ có mỗi một nữ sinh viên đệ nhất nội trợ nhà này thôi... nhưng... bà còn quên người phụ tá đắc lực mà bà chưa mang ra tuyên dương...

_ Người phụ tá đắc lực? - Bà Thục Trinh ngơ ngác nhìn chồng hỏi - Người đó là ai?

Quốc Trung cười nhìn Ngọc Phụng bảo:

_ Đấy, Ngọc Phụng có thấy má bị lẫn rồi, phải không?

Không để Ngọc Phụng lên tiếng, bà Thục Trinh vội đáp lại:

_ Chỉ có ông mới lẫn mà thôi... Tôi còn nhớ cả chuyện gọt vỏ, bắc lò, canh chừng và... cuối cùng cả thau thơm bị cháy khét lẹt nữa!

Bà Thục Trinh dứt lời cả ba người cùng bật cười khanh khách. Không khí gia đình Quốc Trung hôm nay vui như ngày Tết, xúm nhau nói đủ thứ chuyện, nhất là bàn thảo ăn cái tết thế nào cho tươm tất nhưng đở phải tốn kém.

_ Mình phải làm sao tiết kiệm để dành tiền gửi sang ngoại quốc cho thằng Sùng Thật ăn cái tết cho thật đầy đủ như thiên hạ mới được. À, mà nè, ba vợ chồng con Ngọc Phụng nè, mình khoan gủi vội bây giờ đã, đợi tôi với con Ngọc Phụng làm xong ít mứt dẻo gửi một thể sang bên ấy...

Rồi bà thở dài:

_ Đã mấy cái tết rồi không có nó... chắc nó thèm ăn các loại mứt ở quê nhà lắm. Mình ăn tết một mình không nở... để tôi với con Ngọc Phụng làm thêm nhiều nhiều một tí.

Quốc Trung khoát tay:

_ Lúc nào bà cũng nhắc nhở đến nó... Tôi hỏi nó có thương đến bà không? Có nghĩ đến cha nó không? Có hỏi han đến vợ con nó không? Tôi với bà cùng con Ngọc Phụng đã thương nó quá nhiều rồi! Ngoài tiền bạc quà cáp ra mình đã cho nó bao nhiêu tình thương, bao nhiêu nước mắt, bao nhiêu nỗi nhung nhớ, đắn cay... rồi bà thấy đó, nó trả lại cho mình được gì? Không thư từ gửi về han hỏi, không cần biết cha mẹ ươn yếu hay sống chết thế nào, vợ con hiện sống vất vưởng ra làm sao? Nó không cần biết. Còn ở nhà, mình đã hi sinh bao nhiêu năm rồi. Dù năm nay bà có gửi cho nó vạn ức đi nữa nó cũng chẳng về, nó cũng chẳng cho bà một chữ... Vậy thì gửi để làm gì?

Bà Thục Trinh gật đầu, nhìn Ngọc Phụng:

_ Nếu nó không về kịp năm nay thì tôi mang cả đàn heo ra bán lấy tiền sắm cho mỗi người một bộ d0ồ mới, nhất là cho thằng Bé Bự mình hai bộ để nó mặc sum suê với lủ trẻ hàng xóm trong Chợ Huyện này...

Quốc Trung tán thành:

_ Đúng! Bà như vậy mới xứng đáng chứ. Làm cái gì cũng vậy cũng phải có thái độ dứt khoát mới được. Mà, cho ví dù bà chẳng dứt khoát đi nữa nó cũng ở ngoài tầm tay bà rồi. Hoặc giả, cho bà có khóc lóc đến sưng cả mắt mũi đi nữa nó cũng chẳng thèm đoái hoài đến. Mấy kỳ gửi tiền trước, nó nghĩ tình thí cho vài dòng rồi sau đó, nó để cho mẹ con bà dài cổ ra đợi... Thử hỏi từ ấy đến nay nó có bố thí cho bà lá thư nào nữa không?

Rồi bằng giọng quả quyết, Quốc Trung dằn giọng:

_ Con cái nó đã bội bạc đến như vậy, bất hiếu đến như vậy, thì chúng mình phải liệu toan tính tự kiếm lấy nuôi thân. Điều mà tôi tha thiết cùng bà với con Ngọc Phụng từ nay về sau hãy quên nó đi, cùng nhau lo xây dựng cuộc sống cho được đầy đủ sung túc...

Bà Thục Trinh rơm rớm nước mắt:

_ Tôi biết vậy. Nhưng tôi đã banh da xẻ thịt sinh đẻ nó ra, dù nó có bất hiếu thế nào đi nữa tôi cũng không thể nào quên nó được...

_ Thì nó cũng là giọt máu chung của chúng mình... chứ đâu có phải riêng gì bà đâu? Bây giờ mình vẫn cứ ngồi than ngắn thở dài, nó cũng chẳng đoái hoài thương tưởng, thì liệu có ích lợi gì? Bây giờ mình còn lại thằng Anh Hào, nó là giọt máu còn lại của chúng ta... mình phải cùng nhau cưu mang nó, xây dựng cho nó nên người. Nếu bà cứ buồn rầu đâm ra bệnh hoạn rồi chết đi, tôi vì mất bà cũng không thể nào chịu nổi nỗi niềm đau đớn đó, rồi cũng theo bà vế quê. Con Ngọc Phụng rồi cũng vậy, vạn nhất nó cũng không còn trên thế gian này nữa, liệu lúc đó thằng Anh Hào ai nuôi nấng nó? Đến lúc đó nó đói khổ lang thang, họ sẽ mang nó về trại cô nhi liệu cơm ăn có đủ no không? Áo mặc có đủ ấm không? Bà ơi! Lúc ấy đời sống nó cực khổ trăm bề... Trên đời này có ai thương thương con cái bằng ông bà cha mẹ đâu?

Nói đến đây Quốc Trung đứng dậy đưa tay dắt cháu nội đang đứng bên cạnh rồi quay lại nói với vợ và con dâu:

_ Giờ mẹ con bà ở nhà bàn thảo kế hoạch tạo cuộc sống mới cho gia đình, dứt khoát tư tưởng đối với đứa con bất hiếu đó. Còn phần tôi đưa thằng Anh Hào đi mua ít đồ chơi cái đã...

Dứt lời, Quốc Trung dắt Anh Hào vừa đi vừa ngâm nga:

_ "Mạch tú tiệm tiệm hề

Hòa thử ly ly hề.

Bỉ cảo đồng hề,

Bất dữ ngã hảo hề!

.........................

Lúa mạch trỗ bông dần dần hề

Đòng đòng lửa thử hề!

Con chó con đây còn nhỏ đó hề!

Liệu có tốt cùng ta?

Tiếng ngâm của Quốc Trung nhỏ dần rồi từ từ mất hút. Thục Trinh mỉm cười nhìn con dâu:

_ Vậy mà... cái ông cha chồng con nghĩ cũng phải.

_ Má à, ba con nói đúng. Gia đình ta còn cần phải sống. Trông ba dạo này già yếu hẳn đi, má cũng như con phải làm cho ba vui lòng, không nên để ba phải nghĩ ngợi nhiều. Con biết ba ôm ấp nỗi khổ tâm trong lòng, mình phải làm cho ba vui vẻ để khuây khỏa nỗi buồn. Con chỉ cầu xin ơn trên phù hộ ho ba sống được trường thọ, mà dạy dỗ cho Anh hào nên người. Nếu rủi ro ba mệnh hệ thế nào thì má cũng buồn lòng liệu có còn sống nổi không? Trước cảnh ấy, con chắc chắn cũng không thể nào chịu đựng được... rồi vạn nhất như ba bảo, thằng Anh Hào trở thành đứa bé mồ côi, không ông bà cha mẹ, đời sống của nó ắt sẽ phải đói rét cơ cực trăm bề!

Nói đến đây Ngọc Phụng cũng không cần được giọt lệ.

_ Con, con nói đúng... - Bà Thục Trinh vừa nói vừa sụt sùi - Mẹ con mình không nên quá bi lụy làm cho ba con phải đau buồn. Nhưng mà con ơi...

Bà Thục Trinh nghẹn ngào nắm lấy tay con dâu để mặt cho hai giòng lệ lăn tròn trên đôi má...

* * *

Từ ngày uyết định xây dựng lại cuộc sống mới cho gia đình, gia đình Quốc Trung vui hẳn lên. Hai mẹ con bà Thục Trinh không còn chú tâm gì về Sùng Thật nữa, tất cả đều dồn cho Anh Hào.

Ngày Tết gần kề, bà Thục Trinh bán trọn cả lứa heo vừa mới lớn. Số tiền bán được gia cả cho con dâu cất giữ để làm vốn tích lũy phòng khi hữu sự.

Từ hôm Ngọc Phụng bảo là cha chồng sức khỏe bị suy yếu nhiều, bà mới bắt đầu để ý. Đầu tóc của Quốc Trung đã bắt đầu phơ bạc. Hai má tóp hẳn vào. Mắt sâu hoắm. Tay khẳng khiu, nhăn rúm. Bà không ngờ chồng đã tàn tạ đến như vậy. Trong bao nhiêu lâu nay vì quá thương nhớ con, bà khôngđể ý đến hình vóc chồng. Nhất là trong thời gian gần đây thư từ của Sùng Thật không còn nữa, bà đâm ra quay quắt với chồng. Theo bà Sùng Thật đã bị ăn bùa mê thuốc lú là do Quốc Trung làm ra cả.

Nhưng đó là bề mặt bà trách móc ằn ĩ như vậy song trong lòng bà bà thì thương ông vô hạn. Bà lo cho chồng chi ly mọi thứ, từ miếng ắn thức uống, lo tấm áo tấm quần, tự tay giặt giũ cẩn thận... nhất nhất cái gì cũng chồng và đứa cháu nội cưng của mình.

_ Mình ăn uống thế nào cũng chẳng sao. Cần nhất là phải lo cho hai ông cháu trước cái đã...

_ Dạ, ba con già yếu rồi, phải tẩm bổ...

_ Còn thằng Anh hào cũng phải cho nó ăn uống đầy đủ, nó mới chóng khôn lớn được. Má cứ đêm đêm cầu xin Trời Phật gia hộ cho nó...

Ngày nay Quốc Trung đã cằn cỗi đi nhiều. Bà cảm thấy lòng mình quặn thắt. Nếu mà chồng mệnh hệ thế nào thì chắc chắn bà cũng khó lòng sống nổi. Bà chết cũng chẳng sao. Già rồi. Nhưng còn mẹ con Ngọc Phụng? Liệu Ngọc Phụng đầu còn xanh, tuổi còn trẻ có ở vậy được để mà săn sóc chu toàn cho đứa cháu nội mình không? nếu vạn nhất nó... bước đi thêm bước nữa... thì số phận Anh Hào như thế nào?

Bà lại nghĩ đến chuyện chẳng may thằng cháu nội gặp phải người cha ghẻ hung ác, chắc chắn nó phải bị hành hạ đủ điều... Rủi ro những lúc bị trái gió trở trời lấy ai săn sóc thuốc thang cho nó? Hay con Ngọc Phụng lúc đó lo tăng tiu mấy đứa con của đời

chồng sau này mà quên đi giọt máu con nhà họ Mã? Nghĩ đến đây bà Thục Trinh thấy tim mình nhói lên. Bà siết Anh Hào vào lòng khẽ kêu lên:

_ Không. Ông bà nội phải sống nuôi con cho đến ngày khôn lớn. Ông bà nội phải làm mọi cách cho có thật nhiều tiền, để lại cho con một tài sản như ông cố của con đã để lại cho hai nội ngày nào. Nội phải sống để bảo vệ con. Không để bất cứ ai có thể hành hạ con, đánh đập chửi mắng con... Con lớn lên để nối dỏi tông đường bảo vệ danh dự nhà họ Mã.

Bà Thục trinh vừa kể lệ vừa khóc tức tưởi. Trong lúc đó thì Ngọc phụng cũng vừa đi dạy về đến nhà. Nàng bắt gặp mẹ chồng đang ôm cháu khóc, vội lên tiếng hỏi:

_ Má, má làm sao vậy?

Nghe tiếng con dâu, bà Thục Trinh vội lau nước mắt mỉm cười đáp:

_ Không. Má chẳng làm sao cả!

Đây không phải là lần đầu tiên nàng bắt gặp mẹ chồng khóc lóc như vậy, mà gần như thường xuyên kể từ ngày Sùng Thật đi ngoại quốc du học. Ngọc Phụng chạy đến ôm con nựng nịu:

_ Bé Bự má hư lắm đấy nha ! Có phải con làm cho bà nội buồn không?

Bà Thục Trinh tưởng con dâu trách Anh hào thật , vội lên tiếng:

_ Không. Nó chẳng làm gì cả... tại má muốn khóc một tí cho đở buồn thôi!

Số tiền bán mấy lứa heo cùng tiền chăn nuôi gà vịt, tiền Ngọc Phụng đi dạy học hàng tháng, còn làm thêm bánh trái bán trong các dịp nhà trường nhỉ dạy, cọng với số tiền của Quốc Trung đi làm cho Đại Minh, trừ các khoản mang ra chi tiêu ăn uống, tiền nhà

cửa, tiền chi tiêu lặt vặt, tính ra cò thừa thãi nhiều. Có hôm, Ngọc Phụng mang ra tính cho mẹ chồng nghe:

_ Má nè! Chỉ mới có một năm mà mình dành dụm gần cả hai trăm đồng...

Nghe nói, bà Thục Trinh lộ vẻ vui mừng ra mặt:

_ Sớ tiền này mình cũng đủ tậu được cả năm mẫu ruộng đất rồi.

Đợi chồng về bà mang ý kiến này bàn bạc:

_ Con Ngọc Phụng cất giữ được hai trăm bạc rồi...

_ Đó, bà thấy chưa? Nếu mình không có kế hoạch thì làm sao có được chừng ấy tiền? Phải chung sức lại làm. Mỗi người một việc. Một cây làm chẳng nên non, ba cây dụm lại như hòn núi cao...

_ Vì vậy mà tôi muốn nói với ông là chúng ta trở về quê mua lấy năm ba mẫu ruộng, mua vài công đất để vừa làm ruộng vừa chăn nuôi sinh sống qua ngày.

_ Không thể dễ dàng như vậy đâu! Mình ở Chợ Huyện, con Ngọc phụng còn có thể đi dạy học, tôi còn đi làm cho Đại Minh. Nếu về đó tôi với Ngọc Phụng ắt bị thất nghiệp mất. Mình cứ tiếp tục ở đây mà làm theo kế hoạch như năm nay. Thằng Anh Hào còn có nơi ăn học, đở phải xa nhà...

Thục Trinh nhìn chồng thở dài:

_ Tại sao ông cứ nói mãi vấn đề học hành như vậy? Thằng Sùng Thật không đủ sao?

Đó là thằng Sùng Thật, còn đây là thằng cháu đích tôn của tôi mình...

Gần đây cả gia đình không nhắc nhở đến Sùng Thật nên hai mẹ con bà Thục trinh như gần như quen rồi. Nhưng, một hôm Ngọc Phụng nhìn thấy người phát thư ngang qua nhà, nàng sực nhớ lại hồi nào, mỗi lần có thư Sùng Thật gửi về , thì thế nào hôm sau cũng mang tiền đi gửi, nàng nhìn mẹ chồng ngần ngừ nói:

_ Má nè! lâu quá chẳng gửi tiền cho anh con, hay là mình trích ra một ít để gửi. Má thấy thế nào?

Nghe con dâu nói, bà Thục Trinh cảm động:

_ Má cũng nghĩ đến chuyện này từ lâu, song vì ngại ba con không vui nên đành giữ im lặng!

_ Dù thế nào mình cũng nên gửi sang một ít . Có thể anh con đang cần, song không dám gửi thư về xin... má à !

Bà Thục Trinh nhìn con dâu cảm thấy thương nàng vô hạn:

_ Ngọc Phụng! Con quả xứng đáng là một người vợ tốt, hiền hậu, thủy chung... Thật ít có ai trên đời này có ai như con vậy. Tiếcv thay ! Thằng Sùng Thật chẳng biết nó bị ai cho ăn bùa mê thuốc lú mà quên đi chữ hiếu, mất luôn cả đạo làm chồng, chạy trốn

trách nhiệm làm cha...

Nói đến đây bà nắm lấy tay con dâu:

_ Theo mà, rồi đây, với lòng hiếu thảo, nhân hậu của con sẽ động đến lòng trời... Thế nào nó cũng sẽ trở về đây sống kề cận với gia đình nhà ta...

(còn tiếp)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002