Đại Chúng số 89 - Mừng Giáng Sinh 2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Niềm Tin là dưỡng khí, là ánh sáng cho sự sống.

CHO MỘT NIỀM TIN

Ta muốn nương theo gió ...

Bay về biển mặn Nha Trang

Hôn bãi cát vàng

Từng in dấu chân nàng và dấu chân ta.

Hỡi Thời Gian!

Nếu có thể ... là trở lại!

Ta quay về cho ai đó những Niềm Tin,

Hải Bằng.HDB

Khoảng năm 1958, không rõ bằng cách nào, H. Đường đã tìm ra địa chỉ và tới thăm tôi ởû Saigòn. Lúc đó có lẽ Đường mới chừng 20 tuổi, tuổi đẹp nhất của người con gái. Đường có dáng người thon cao, mặc áo dài trắng, tóc kẹp buông sau lưng, và vẫn giản dị như ngày nào còn ở Nha Trang học cùng trường Tương Lai với T, em trai tôi vào những năm đầu mới di cư. Sự xuất hiện của Đ đã làm cho tôi trong một thoáng nhớ lại quãng thời gian hai năm tuy ít ỏi nhưng lại chứa đầy những kỷ niệm vô cùng êm đẹp của tuổi hoa niên dưới mái trường Võ Tánh.

Mới rời Nha Trang chừng hai năm thôi mà tưởng như đã lâu lắm. Nha Trang ngày đó còn mộc mạc và đẹp nên thơ: khung trời xanh, biển bạc, cát vàng, và hàng dương mơ mộng đã một thời thân thiết như là những gì thuộc của riêng tôi. Tôi hỏi thăm Đ về Nha Trang, nhắc lại tên những thầy cũ như thầy Tá, thầy Điểm, thầy Mậu, thầy Toàn Phong Ng. X. Vinh, ... và các bạn cũ ở lớp đệ nhị như Ng. Q. Châu, Ph. P. Hùng, Ng. Đ. Nghi, Ng. V Hiến, Ng Q. Hà, Kim Chi (bắc kỳ di cư), Tr. H. Châu, T. T. Quang, T. N. Dạ Khê, Phương Thảo, Th. T. Minh Nghiêm, T. N. Nghĩa & Ngự, và vài người đẹp lớp đệ ngũ như Nguyệt, Thu, L.T.M. Hoàn, K. Liên, M.Hiền. Chúng tôi cũng không thể quên không nhắc lại những buổi trình diễn văn nghệ ngoài sân trường trong ánh lửa bập bùng và những bài đồng ca tự luyện như bài " Thăng Long Hành Khúc" để tỏ lòng mong ngày trở về lấy lại quê hương. Chúng tôi cũng ôn lại những ngày đi cắm trại tại Suối Dầu trong lúc học khóa bán quân sự; những ngày đi Suối Tiên, viếng Mộ Yersin, du ngoạn cảnh Đèo Rù Rì, Tháp Bà, Cầu Bóng ... Vào thời gian này thì dường như chỉ có Th. T. M. Nghiêm là đã có người yêu vì hai người thường như đôi chim hàng ngày dạo bên bờ biển dẫn tới trường, còn hầu hết tâm hồn đầy những giấc mộng hoa lòng nhưng chưa có ai thật sự có người yêu, tuy ánh mắt của người này đã trao đổi với người kia những tín hiệu thầm kín của Tình-Yêu-Học-Trò còn chứa nhiều nỗi rụt rè đầy e ngại như cảnh những con chim non còn trong tổ muốn bay vào khung trời đầy màu sắc bao la lại sợ không đủ sức bay xa, bị rớt xuống đống lá khô nhiều gai góc. Tôi còn nhớ đã có nhiều ngày tan học cùng với Ng hay Ph. Th đi bộ về nhà. Nguyệt Bắc Kỳ thì nhí nhảnh, tươi tắn, hây hây như đóa hoa hồng giữa trời thu: ánh mắt long lanh, hàm răng trắng đều, má lúm đồng tiền, làn da trắng hồng, cánh tay thon dài, và mái tóc uốn ngắn làm tăng thêm vẻ ngây thơ, dễ thương. Trái lại, Ph. Thảo Trung Kỳ giọng nói thật là trong trẻo nghe dễ thương chi lạ, tóc bỏ xõa ngang lưng đẹp như lời thơ của thi sĩ Nguyên Sa: "Tóc em anh sẽ gọi là mây"; đặc biệt Ph. Th có đôi mắt nhung đen như đôi mắt bồ câu long lanh, sâu, và đầy gợi cảm. Chúng tôi đi bên nhau, trao đổi nhau những câu chuyên không đâu: Th, cặp ôm trước ngực; còn tôi, sách cắp xuôi vai. Phố vui, đông người mà dường như tôi chẳng nghe và nhìn thấy ai. Cho đến hôm nay bóng hình Th. với khuôn mặt của tuổi hồn nhiên vẫn còn in đậm trong tâm khảm. Lòng tôi biết rõ Ng. cũng như Th. sẽ chẳng từ chối nếu tôi khéo léo tỏ tình yêu. Nhưng có một cái gì đó khiến tôi không dám tiến xa hơn. Cái gì đó có lẽ là cái tương lai trước mắt tôi còn phải làm tròn: học và có sự nghiệp. Tôi nghĩ phần đông các bạn khác cũng cùng mang tâm trạng ấy nên đành mang trong lòng những mảnh tình câm lặng, và tôi cũng đã ghi trong nhật ký trong năm 1960 những câu thơ của tôi còn đầy nét học trò:

Tôi thấy tình yêu tươi đẹp quá,

Những ngày xa vắng bóng em tôi.

Gặp nhau trong khoảnh khắc;

Mà tình yêu đã kết tự bao giờ.

Chỉ có mình tôi biết:

Nàng là cả một bài thơ.

Vâng, khi Đ. đến thăm tôi và cốt để gặp lại T, em tôi; nàng mới bước vào tuổi đôi mươi, mà đã mang một vẻ đăm chiêu đâu đâu. Đ. cất tiếng thật nhỏ nhẹ hỏi tôi: "Anh có nghiên cứu đạo Phật không? Anh có thể giảng cho em nghe để cho em một niềm tin?" Thủa nhỏ trong lúc tản cư (1945), nhà có nhiều sách báo, tôi có đọc ít cuốn viết về đạo Phật và thường theo mẹ đi lễ chùa. Cảnh chùa nào cũng gợi cho tôi những cảm giác huyền ảo lâng lâng và hình ảnh của Thái Tử Tất Đạt Đa đang đêm rời bỏ cung vàng, điện ngọc, vợ đẹp, con thơ, để đi tìm Đạo, đã in sâu vào tâm trí tôi. Anh tôi cũng thường nói với tôi về đạo Phật và cho tôi đọc một vài bài viết của một giáo sĩ ngoại quốc cải theo đạo Phật bởi vì đã bị thu hút bởi cái triết lý về lẽ "vô thường: sinh, lão, bịnh, tử", và cái luật "nhân quả tạo nghiệp" khởi nguồn từ những căn tính "tham, sân, si, mạn, nghi, và ác kiến". Tôi đem những điều cơ bản ấy ra mà nói. Đ. lắng nghe với đầy vẻ trầm ngâm. Một vài lần khác, tôi và T. đưa nàng đi viếng cảnh chùa đâu đó. Đ. và T đã có lòng mến nhau từ lúc còn học chung ở trường TL Nha Thành, nhưng cả hai còn vướng bận việc học nên chưa dám tiến xa hơn lãnh vực tình bạn. Rồi những biến động của đất nước diễn ra quá nhanh: tôi và T. phải nhập ngũ, còn Đ. dường như đã trở về miền Trung. Bẵng đi một thời gian dài chẳng có tin tức gì về nhau.

Cho mãi khoảng năm năm sau Biến Cố 75, tôi mới tình cờ gặp lại Đ. ở Saigòn cũ. Nàng mời tôi về nhà, một căn nhà nhỏ ấm cúng trong một hẻm đường N. B. K. Đ lúc đó đã có hai gái một trai; chồng đã vượt biên và hiện ở Mỹ; còn đứa con trai duy nhất mới cho theo dì đi vượt biên sau này thì bị mất tích. Nàng đang sống với những ngày thật buồn thảm vì mất con và bị chồng oán trách. Đ tỏ ra vẫn còn nhớ nhưng tình cảm của thời học trò với nhiều kỷ niệm đối với T và tôi. Đ cho biết đã lập gia đình lúc trở về miền Trung. Còn T thì cũng lập gia đình tại K. Tum hai năm sau khi ra trường Sĩ Quan Thủ Đức. Khói lửa chiến tranh làm cho họ xa cách và không có liên lạc với nhau. Ở nơi tôi chỉ còn là những kỷ niệm vô giá của tuổi học trò không thể đánh mất được, vì đó là một phần đời trong sáng như kim cương của tôi. Nhắc lại những hình ảnh về trường xưa, thầy, bạn cũ, và những phút sống hầu như vô tư của đời học sinh đã làm cho nhịp tim tôi đập nhanh hơn tạo nên trong lòng những rung cảm ngây ngất lâng lâng như khi nghe tiếng đàn hạ- uy-di dìu đặt, trầm bổng, mơ màng.

Tôi gặp lại Đ vào những năm 1980. Thì ra nàng vẫn cố gắng tìm gặp lại chúng tôi như tìm những chứng nhân vô giá cho những ngày thơ mộng của tuổi trẻ. T và tôi thường đến thăm Đ để tìm mối vượt biên. Đ cho biết sau 75, nàng vất vả vô cùng. Chồng vượt biên, bị bắt; rồi lại vượt biên; sau nhiều năm ở đảo mới được qua Mỹ. Trong thời gian chưa được tin tức của chồng, Đ phải b? Kontum về Saigòn với hai bàn tay gần như trắng và cũng vì lời cảnh giác một người đã từng có kinh nghiệm nhiều với chế độ cộng sản rằng "dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, phải bám lấy thành phố lớn mà sống". Tại thành phố, một mình phải bươm chải nuôi đàn con nhỏ dại, và mặc dầu có sự giúp đỡ của một số bạn hữu, nhiều lúc Đ đã tưởng là không thể tồn tại được. Trong lúc vô cùng tuyệt vọng, Đ đã tới một thánh đường cầu nguyện tuy nàng không phải là con chiên. Như một phép lạ xẩy ra, nàng bỗng cảm thấy tinh thần như mạnh mẽ hơn khi quỳ dưới chân Đức Mẹ Vô Nhiễm, và nàng nhìn ra một trách nhiệm to lớn cần phải làm tròn: bằng mọi giá phải tồn tại cho các con được sống; phải can đảm, bền chí, và nhẫn nhục; biến niềm tin thành sức mạnh. Nàng gặp được một vài Sơ và Cha tìm đến giúp đỡ: gia đình chẳng mấy chốc vượt qua được những khó khăn và cuộc sống ngày một dễ chịu hơn. Nhà có tivi, tủ lạnh và xe gắn máy; chủ nhật cả nhà đi lễ nhà thờ. Rồi giấy tờ bảo lãnh từ Mỹ gửi về làm gia đình thêm niềm vui, nhưng chỉ riêng Đ vẫn một mình cắn răng đau khổ khi chồng chỉ hỏi thăm con cái và không đả động gì đến nàng cả; hẳn nhiên là chồng nàng đã không tha thứ cho nàng về tội đã tự ý cho đứa con trai duy nhất đi vượt biên và bị mất tích. Trong tuổi ngây thơ, các con của Đ hầu không hiểu nỗi đau đớn tâm hồn này của mẹ: chúng vẫn nhởn nhơ vui dự các buổi họp mặt hoặc đòi đi sắm sửa áo quần chuẩn bị cho ngày ra đi đầy mộng đẹp. Tôi cũng không thể nói gì hơn là gợi lên niềm hy vọng cần phải giữ đó là chị và con nàng còn đang bị bọn hải tặc giam giữ ở một nơi nào đó và sẽ được thoát nạn. Quả thực bấy lâu Đ nàng đã cố bám vào niềm tin đó để không gục ngã. Tôi cũng tìm đến Đ để có tin tức về H.O. (Humanitarian Operation) là chương trình bảo lãnh những người có liên hệ thân cận với Hoa Kỳ trước 75 (sau này có người gọi đó là Chương Trình Mồ Côi vì không có thân nhân nào bảo lãnh). Vào đầu thập niên 80, một bạn tôi cho coi phiếu hồi báo của bưu điện Thái Lan về hồ sơ của anh gửi đã tới Sứ Quán Mỹ ở Thái. Từ đó tôi mới mạnh dạn lập hồ sơ gửi đi, và khoảng sáu tháng sau mới nhận được mẫu đơn gửi về kèm với số IV (interim visa). Gia đình vui mừng khôn tả. Tôi vội vã sao thêm nhiều bản gửi cho bạn hữu. Nhiều người còn bán tín bán nghi không dám gửi hồ sơ. Lúc đó cũng có một vài tiệm photocopy lén lút in bán mẫu đơn. Nhiều tin tức khó tin về chương trình này được rỉ tai giữa các anh em H.O. Có người nói Mỹ đã xây nhà sẵn để đón H.O. và thân nhân ở bên đó đã được dẫn đi coi và thấy có bảng tên đàng hoàng; có người nói đã được Phòng A 18 (Bảo Vệ Chính Trị) gọi phỏng vấn và báo cho biết không được bán nhà và nếu có đi đâu khỏi nhà quá 24 tiếng thì phải báo cho an ninh khu vực. Có người nói đã được gọi làm đơn H.O. và phải ký cam kết mười điều không được làm như không được cho ai biết sẽ ra đi; không được bán nhà; không được làm tiệc linh đình, v.v. Có người cho biết một thầy tướng số tự đâu tới coi quẻ và đoán hậu vận thay đổi, sẽ có nhà, và có xe hơi. Có người ở Đà Lạt cho hay công an đã gọi đến trình diện và hỏi tại sao nạp đơn xin đi Mỹ. Tôi cũng được Bảo Vệ Chính Trị cho mời tới hỏi về quá trình du học và sau đó thì có một an ninh đến canh chừng tại trước cửa nhà trong khoảng một năm. Có người đã bán chiếc xe đạp đang dùng làm cần câu cơm để có tiền đi lên thành phố mua mẫu đơn. Hàng ngày trước cửa văn phòng xuất nhập cảnh trước công viên Thống Nhất cũ, anh em của niềm hy vọng H.O. tụ tập để nghe tin tức ròng rã gần cả chục năm không mệt mỏi. Công viên đó đã trở thành như một thánh đường tạo niềm tin mới cho những người đã từng bị mất niềm tin. Nhiều gia đình đã cố sống lây lất trong thời gian dài chờ đợi mỏi mòn. Một hôm, lúc gần đến ngày lên đường đi Mỹ, Đ nói với tôi: "Anh ạ. Nói ra xin anh đừng buồn chứ theo Đ thì không có chương trình H.O. đâu. Mỹ đâu có cần gì mà phải bảo lãnh các anh. Anh nên kiếm việc nào làm cho cuộc sống ổn định đi thì hơn." Đây không phải là lần thứ nhất tôi nghe câu này. Một bạn thân của tôi có em gái ở Mỹ cũng đã nói "Tôi không tin có Chương Trình H.O. này đâu. Anh nên sớm lo ổn định cuộc sống thì hơn." Chị ruột của tôi cũng nói "cậu không nên quá hy vọng vào chuyện H.O." Tôi biết họ muốn chia xẻ một sự thật theo-họ-nghĩ và đã-ấp-ủ-từ-lâu không nói ra vì sợ tôi buồn. Tôi cũng đã biết điều này có trong ý nghĩ của họ từ lâu, nên cũng không buồn nản khi nghe họ thố lộ ra. Có thể cả vợ, con, và anh em tôi cũng đã nghĩ như thế mà không nói ra. Trong một thể xác mỏi mòn và một tâm trí bất an, tôi vẫn không buông niềm hy vọng ở H.O., tôi vẫn thường xuyên tìm đến những người bạn có niền tin H.O. đ? bàn nhau về những tin tức từ bên kia bờ đại đương ngàn trùng xa thăm thẳm cho tâm trí ấm lên một chút dù chỉ trong một thoáng ngắn ngủi. Rồi nhiều gia đình dồn dập ra đi vào đầu thập niên 90: Chương Trình H.O. đã trở thành hiện thực không ai chối cãi được. Nhiều người hối tiếc đã không làm đơn sớm. Tháng 5/92, gia đình tôi lên đường. Chỉ khi máy bay cất cánh rời phi đạo, trực chỉ hướng Thái Lan, tôi mới thực sự tin là mình đã đi thoát. T, em tôi, đã qua đời vì bịnh viêm gan một tháng sau ngày phỏng vấn. Vợ và các con qua Mỹ sau đó.

Tôi đã đi Mỹ một lần vào năm 1966. Trở về, tôi rất ao ước con cái tôi có cơ hội du học ở Mỹ. Biến cố 30/4/75 đã đễ lại một dấu ấn đau thương trong lòng mọi người Việt Miền Nam và người Mỹ đương thời. Sau này tìm hiểu thêm về sự kiện bỏ rơi Nam Việt Nam, tôi thấy Chương Trình H.O. dường như đã có trong những thỏa thuận ngầm giữa Hoa Kỳ và CS Hà Nội; nếu không thì các trại học tập cải tạo đã phải là các biển máu. Vì thế tôi đã cảm ơn Thượng Đế và Đất Nước Hoa Kỳ, thông cảm với sự chịu đựng mất mát và nhẫn nhục vô cùng to lớn của Hoa Kỳ khi phải quyết định chấm dứt một cuộc chiến vì sự sai lầm trong chính sách từ lúc ban đầu của chính họ và cũng là để tránh phải đổ máu nhiều hơn nữa. Riêng tôi, dù đã hơn một phần tư thế kỷ trôi qua, tôi vẫn giữ niềm tin rằng Cuộc Chiến VN chưa chấm dứt và Hoa Kỳ sẽ phải làm tròn những lời đã cam kết với những người đã từng chiến đấu cho nền Tự Do ở Nam VN.

Cuộc sống mới ở Mỹ có niềm tin nào không? Sự va chạm giữa những giá trị của hai nền văn hóa Việt và Mỹ đã tạo nên nhiều cảnh huống đau thương trong không ít gia đình người Việt định cư: con cái tỏ ra thiếu kính nể đối với cha mẹ, và thầy cô giáo; tình vợ chồng đã dễ dàng gẫy đổ; bạn hữu đã không còn khắng khít như xưa; nhiều học sinh cảm thấy khó khăn vì phải nói tiếng mẹ đẻ ở nhà trong khi đã quen nói tiếng Anh ở trường. Những người cảm thấy thất vọng trong cuộc sống mới, phần lớn bởi vì chính họ đã không chịu hay không kịp thay đổi lối suy nghĩ và lối sống cho thích hợp với khung cảnh xã hội mới. Có nhiều gia đình đã mau chóng thích nghi với nếp sống mới trong khi vẫn cố gắng duy trì các truyền thống của dân tộc. Nhiều người đã có những thành công làm vẻ vang cho dân tộc nhất là trong lãnh vực học vấn. Văn hóa Mỹ đào tạo những con người có tinh thần ưa chuộng tự do, công bình, tự tin, hợp tác, không sợ hãi, và mãi mãi vươn lên. Những Niềm Tin đó đã giúp trút bỏ nhiều thành kiến tai hại như phân biệt chủng tộc, kỳ thị da màu, chính kiến, và tín ngưỡng đã từng là nguyên nhân tạo ra những xung đột đẫm máu trong xã hội hoặc giữa các quốc gia.

Trải qua đã gần 9 năm ở Mỹ, tôi chưa được tin tức gì về Đ. Nàng đang sống vui bên chồng con hay đã ẩn mình ở một tu viện hay chùa chiền nào? Tôi mong tìm gặp lại Đ để lại cùng nhau ôn lại những ngày êm đềm không-gợn-bụi của tuổi-học-trò và để chia xẻ với nhau những niềm tin mới. Tôi tưởng tượng tới một khung cảnh trời cao, mây lượn, hay cây cao, gió mát, chúng tôi tay bắt mặt mừng, ngồi cùng quay lại những khúc phim của những quảng đời khác biệt: từ thủa còn là học sinh với tâm hồn chơi vơi đầy mộng, nhìn dòng đời thong thả trôi như những tia nắng chiều chầm chậm tắt trên mặt biển hoàng hôn; rồi những năm còn khắc khoải với những mộng ước tương lai còn mờ mịt xa xăm; đến những tháng năm khói lửa chiến tranh lan tràn khắp quê hương; cảnh thanh bình đã biến mất; cuộc sống trở nên bấp bênh và hỗn loạn; rồi chiến tranh ngang nhiên chấm dứt với cái chết tức tưởi của cả một nền Cộng Hòa mà mọi người đã dầy công xây dựng và cứ tưởng sẽ sống mãi! Tiếp theo là những năm tháng dài sống vô vị trong một xã hội "xạo hết chỗ nói" đã làm cho con người chẳng ai tin ai. Cuối cùng là cả một cuộc trốn chạy: kẻ xấu số vùi thây trong lòng biển; kẻ may mắn đến được bờ bến tự do. Tại đây cuộc sống diễn ra với tốc độ thật là nhanh và những mùi vị của một cuộc sống nhàn nhã của ngày xưa đã mất dần. Văn minh sẽ đưa con người đến đâu? Trong thế giới của cao tốc, tình cảm con người mất đi những khoái cảm êm đềm, và sẽ chỉ có khoái cảm ở những tốc độ cao. Trong cuộc sống của một nền văn minh siêu tốc, con người chắc sẽ biến thành những sóng âm thanh hay sóng ánh sáng, trở thành những quang tử (photon) phiêu diêu chăng?

Vào đầu tháng Chín năm 2001, thật là bất ngờ khi nhận được thơ của H. Đ. Thư có một đoạn như sau:

Anh ạ, em hiện giờ tu trong một ngôi chùa nhỏ của chị em tạo dựng. Ở đó em thờ Phật và có cả Chúa trong lòng em vì cả Hai Vị đã từng cho em những Niềm Tin để em tồn tại. Như anh đã là một chứng nhân của đời em: thủa học trò em tự nhiên tìm đến cửa từ bi như sợ rằng đời mình trong tương lai sẽ nhuốm nhiều màu tục lụy và linh hồn sẽ rơi vào vòng tay ngã quỷ. Rồi sóng đời đẩy đưa em chơi vơi giữa biển trần gian đầy sóng gió đua chen, em mất hướng và được Đức Mẹ xòe bàn tay cứu độ, giúp em can đảm sống một mình nuôi bầy con còn nhỏ dại. Thời gian đã vô tình qua đi thật mau, anh nhỉ. Mới ngày nào còn cặp sách đến trường, vô tư và hớn hở. Nay bỗng chốc mái tóc đã thay màu bạc của mây ngàn. Rồi trong thế giới của trầm tư nơi đây, em bỗng như ngộ được đôi điều. Vạn vật phải đổi thay; đổi thay mới tồn tại; không đổi thay là chết. Trong lẽ đổi thay đó của tạo hóa, em thấy thật là hão huyền khi con người cứ mơ tưởng tới một cái gì trường cửu, bất biến trong cõi đời này! Có biết đâu chính cái bất biến là nguyên nhân của cái chết, là đã và đang tạo ra những khổ lụy cho con người. Thưa anh, em đã thờ cả Chúa và Phật mà vẫn thấy lòng mình tràn đầy hạnh phúc của từ bi và bác ái. Em tự hỏi sao con người lại có thể vì Chúa mà tranh chấp nhau, kỳ thị nhau, thậm chí chém giết nhau! Trong ý niệm Thượng Đế là một và chung cho tất cả xã hội loài người, em cảm thấy lòng an ổn hơn đối với những cái gì đã qua cũng như những cái gì sắp đến trong cuộc sống của riêng em, và ý như là em đã ngộ được câu kệ của Vua Trần Nhân Tôn "Đối cảnh vô tâm, chớ hỏi thiền" anh có ghi trong cuốn Hương Yêu mà em đã vô tình có được. ... Chúc anh vạn sự lành. Em: Hải Đường. New Orleans, LA. , Sep 02/01

Hải Bằng.HDB

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002