Đại Chúng số 89 - Mừng Giáng Sinh 2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


HÌNH ẢNH ĐỨC MẸ QUA TEM THƯ

Viễn Huynh

Chủ đề Đức Mẹ trong thế giới tem thư là một đề tài lớn. Bởi vì Đức Mẹ giữ một vai trò quan trọng trong Thiên Chúa giáo, một trong những tôn giáo lớn nhất của loài người.

Suốt trong hai mươi thế kỷ, Thiên Chúa giáo đã phát triển và hình thành nền văn minh Tây phương mang nặng tính chủ động tích cực và thường khi đưa đến bạo động tương tranh khiến người ta quên mất đi cái tinh thần bác ái khiêm cung, cái cội nguồn Đông phương hòa bình của nó.

Bác ái nên Christ đã chia bánh cho người đói ăn.

Khiêm cung nên Christ đã rửa chân cho cả học trò của mình.

Nhường nhịn cả kẻ tát vào mặt mình.

Và đề cao hòa bình, chủ trương hòa bình khuyên đời chớ có dùng gươm.

Các xã hội Tây phương đã nương vào cơ sở tinh thần Thiên Chúa giáo để tạo nên nền văn minh Âu Mỹ ngày nay rõ ràng ít nhiều đã phản bội lại lý tưởng cao cả của Thiên Chúa giáo. Đó chính là căn nguyên của đa số những tai họa-trong đó họa Cộng sản là lớn nhất-mà ngày nay cả thế giới đang phải gánh chịu. Tôi đã đi hơi xa đề nhưng nếu không thấu hiểu lẽ đạo làm sao có thể nhìn rõ được chân dung của Đức Mẹ, vô cùng linh khiết nhưng vẫn thân gần chúng ta vì Đức Mẹ đã từng chịu rất nhiều đau khổ-có ai trong chúng ta không từng nếm mùi đau khổ? Dù bất cứ vì lý do gì.

Cho nên ta không lấy làm lạ trong đời sống hằng ngày-dĩ nhiên chỉ là những lúc gian nan, tiêu cực-con người thường tìm mọi cách để giải quyết, khi đã cùng đường, tất cả các đồng loại thân cũng như sơ đều từ bỏ, hất hủi hay phớt lạnh mình thì mình lúc ấy là lúc cầu đến Phật, đến Trời, đến Đức Mẹ. Trái lại lúc bình thường, yên vui nào mấy ai chia sẻ với Đức Mẹ một câu, chẳng hạn: "Mẹ ơi con thương Mẹ lắm." hoặc nồng nhiệt nhớ đến Đức Mẹ như những trường hợp cầu được, ước thấy! Gặp lúc khốn khổ,"hết thuốc chữa" người ta cầu Đức Mẹ cứu giúp cho. Người ta ở đây có thể là bất cứ ai.

Một Đại tướng Nga đã cầu nguyện trước ảnh Đức Mẹ trước giờ cầm quân chống lại đại binh đoàn của Nã-Phá Luân đang tiến về Mạc Tư Khoa năm 1812.

Một học sinh đau khổ vì thất tình, một chủ thầu làm ăn thất bại, bậc cha mẹ có con nhỏ kẹt chứng bệnh hiểm nghèo... tất cả mọi người bất cứ ai-không phân biệt tôn giáo-nếu cần, đều có thể chạy đến cùng Đức Mẹ.

Với những đầu óc trí thức, ưa lý luận việc cầu Đức Mẹ là một điều thuận lý vì trước hết Đức Mẹ cũng đau khổ giống mình: Có đau khổ mới dễ cảm thông với người đau khổ! Phương chi Đức Mẹ lại từ bi, lại luôn cứu giúp (Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp là một trong nhiều phương danh của Đức Mẹ)

Đối với đa số khác, "có bệnh vái tứ phương". Hiển nhiên việc cầu xin Đức Mẹ-với những địa danh mầu nhiệm nức tiếng Lộ Đức, La Vang ..phải kể là hy vọng đầu tiên.

Tuy nhiên, ngay trong cái phần hạnh phúc, trong những tháng ngày đẹp nhất của đời chúng ta, chúng ta vẫn có thể tìm thấy những hứng khởi thanh cao nơi hình ảnh Đức Mẹ với những nét trác tuyệt khi bước vào thế giới Thơ, Nhạc, Hoạ...

Qua bao nhiêu thế kỷ, nếu cái gọi là khoa học chính trị của Tây phương đã đi theo Chúa bằng những bước chân của Judas nhiều hơn là những bước chân của Gio-an Bao-ti-xi-ta thì an ủi thay, nơi cái phần cao hơn và vững bền hơn một chút là cõi nghệ thuật kia, loài người đã dành cho Chúa một số những đầu óc thông minh nhất, lỗi lạc nhất và nhất là chân thành nhất mà nó có được qua các tên tuổi như Salomon, Dante, J.S. Bach, Botticelli, da Vinci, Michelangelo, Raphael, Velazquez, Durer, Rubens...Từ cổ điển đến phục hưng còn biết bao tài danh khác. Nếu kể cả thời hiện tại chắc phải cả một trang đầy...

Tiến trình tem thư Đức Mẹ có thể chia làm hai thời kỳ, căn cứ vào một biến cố có tính cách lịch sử của giáo hội Thiên Chúa giáo và sự phân chia này hoàn toàn do ý riêng của người viết chứ không hề có tính cách chính thức gì.

Thới kỳ thứ nhất từ từ năm 1951 đến 1954.

Năm 1951 là năm hình ảnh Đức Mẹ lần đầu tiên được in trên tem thư của xứ Malta. Năm 1954 là năm Vatican chọn làm năm Thánh Đức Mẹ ( The Marian Year) với tinh thần cầu nguyện hòa bình cho toàn thế giới. Một số quốc gia đã phát hình tem có in hình Đức Mẹ để ghi đấu biến cố trọng đại này. Trong thời gian từ 1951 đến 1954 đã có trên 30 xứ phát hành tem có chủ đề Đức Mẹ. Tuy nhiên số lượng tem thư Đức Mẹ tương đối vẫn còn là ít so với thời kỳ thứ hai kể từ năm 1954 cho đến hiện tại. Trong thời kỳ thứ nhất này có một chi tiết cảm động đáng chú ý. Hung Gia Lợi là quốc gia nằm trong vòng kiềm tỏa của Nga xô nhưng lại là quốc gia phát hành tem thư Đức Mẹ nhiều nhất. Lý do cũng dễ hiểu: khi hình ảnh, nghi thức tôn giáo bị cấm đoán, giới hạn thì người dân tìm đủ mọi cách để thỏa mãn khát vọng tinh thần chân chính của mình. Đức Mẹ vốn đã được nước này chọn làm Đấng hộ trì cho quốc gia (Patron of Hungary) nên bưu cục có lý do phát hành và có người còn giữ tem thư như một hình ảnh để tôn thờ. Tem có kích thước nhỏ nên dễ cất dấu, khó bị tịch thu!

Thời kỳ thứ hai, từ năm 1954 đến hiện tại.

Có lẽ do cảm hứng năm Thánh Đức Mẹ nên từ sau năm 1954 các quốc gia đua nhau phát hành tem thư Đức Mẹ trong các dịp lễ lớn như Phục Sinh và nhất là Giáng Sinh. Chủ đề tem lễ Phục Sinh thường là hình ảnh của Đức Mẹ chịu nạn nhưng, Đức Mẹ, như bất cứ bà mẹ nào khác, không thể nào lo cho con lúc còn trứng nước và trong các cơn tai biến nên thỉnh thoảng trên những con tem Chúa Sinh Thì, Liệm Xác Chúa... thường có sự hiện diện thầm lặng và đau buồn của Đức Mẹ. Đến tem Giáng Sinh thì vì là một lễ hoàn toàn vui mừng nên tuy Đức Mẹ không cười nhưng phong thái hiền dịu của tình mẫu tử siêu nhiên đã tạo cho bức tranh-Maria Hài Đồng Giê-su, một phương danh khác của Đức Mẹ-một ý nghĩa đầy hy vọng thanh thoát an vui khôn tả.

Sau năm 1954, đa số các quốc gia tự do (trong đó có cả quốc gia không theo Thiên Chúa giáo hoặc quốc gia Hồi giáo cùng các quốc gia Thiên Chúa Giáo nhưng bị Cộng sản cưỡng trị) phát hành tem thu Đức Mẹ thật nhiều đã đành. Đến như Nga sô, năm 1970 và một năm sau đó cũng phát hành tem thư có hình ảnh Đức Mẹ Chúa Hài Đồng thì cũng đáng ngạc nhiên. Nới rộng tự do chăng? Thay đổi chính sách chăng?-Chắc chắn là không. Sự thực, hiện trường này chỉ giản dị là trong thế giới tem thư sự lưu thông trao đổi quốc tế là ý nghĩa căn bản số một. Và việc phát hành tem thư Đức Mẹ trong dịp lễ Giáng Sinh đã thành một truyền thống hào hứng, tốt đẹp mà hầu như mọi quốc gia đều hân hoan hưởng ứng thì một bưu cục Nga sô làm sao cưỡng lại được với trào lưu của cả thế giới. Đàng khác trên thị trường tem thư quốc tế, tem in đẹp và có ý nghĩa thì dễ bán được nhiều. Ta đừng quên Nga sô là một trong những nước khai thác tem thư mạnh nhất. Người ta vẫn phê bình các nươc nhỏ là hay lạm phát tem quá nhu cầu thư tín với mục đích bán cho giới chơi tem để thủ lợi. Nhưng nước lớn Nga sô cũng vậy!

Sau đây là những con tem tiêu biểu tôi trình bày trong một giới hạn tương đối, mỗi nước chọn một vài con vì số trang báo chỉ có giới hạn.

Về phương diên kỹ thuật tem thư, đa số tem thư hiện nay được in thẳng từ hình chụp. Giá trị mỹ thuật tem thư do đấy hoàn toàn tùy thuộc ở nghệ thuật nhiếp ảnh và kỹ thuật ấn loát. Tuy nhiên, đa số các quốc gia chưa có phương tiện ấn loát tinh vi thường đặt in ở vài ba hãng thầu chuyên in tem đã nổi tiếng từ lâu. Sự chênh lệch phẩm chất ở loại in hình này xê xích không bao nhiêu và nếu kỹ thuật in kém là lộ liểu ngay tỉ như hai bức ảnh chụp và in ở hai loại máy và hai loại giấy một thật tinh vi và một rẻ tiền.

Một số ít tem khác-rất ít-được in theo bản điêu khắc, Đậy là lối thực hiện tem công phu, nhất là khi điêu khắc lại nguyên cả một bức tranh-Ví dụ như Josef Herick đã mất sáu tháng trời để chuyển lại họa phẩm Guernica của Picasso thành một bức tranh điêu khắc rồi in con tem từ bức tranh điêu khắc này. Như vậy người chơi tem sẽ được thưởng ngoạn hai giá trị: Bố cục và nội dung họa phẩm của Picasso và nghệ thuật điêu khắc của Herick.

Bưu thiếp đặc biệt do Bưu cục Pháp phát hành năm 1966 dẫn giải ba giai đoạn thực hiện tem thư theo lối in bản điêu khắc.

Đặc điểm của bức tranh "Mới Ra Đời" (in trên con tem Pháp này, và cũng được in trên một con tem khác nữa là tem của Cộng Hòa Dahomey 1972 với kỹ thuật hình chụp) là George de la Tour đã vẽ Chúa Hài Đồng được quấn trong tã và Đức Mẹ trong y phục của đàn bà Âu Châu thời Trung Cổ với những chi tiết hiện thực cao độ vốn là sở trường của ông. Tưởng cũng nên nhắc đây là một tác phẩm nổi tiếng của mỹ nghệ Pháp và trước năm 1915 vẫn bị gán lầm cho Louis le Nain vì tranh của hai họa sĩ này có khá nhiều tương đồng.

Hoạ phẩm "Đức Mẹ của Thị trưởng Meyer" (The Madonna of the Burgomaster Meyer) của Hans Hobein là một bức tranh đặc biệt được thực hiện để tạ ơn Đức Mẹ. Bức tranh kể sự tích Jacob Meyer, Thị trưởng thánh phố Bestile có đứa con trai út bị bệnh nặng. Thầy thuốc chê, chỉ còn chờ chết. Quá thương con và trong cơn tuyệt vọng, ông và cả gia đình sốt sắng cầu xin Đức Mẹ. Em bé qua được cơn bệnh và bình phục sau đó.

Trong tranh là chân dung cả nhà Meyer đang quí tạ ơn dưới chân Đức Mẹ. Bên phía phải Đức Mẹ là ông Meyer đang chắp tay với nét mặt hân hoan thành khẩn ngước nhìn Đức Mẹ một cách biết ơn. Đằng trước ông là cậu con trai lớn đang đỡ em trai bé đã khoẻ mạnh trong tay. Phía trái Đức Mẹ, theo thứ tự từ trong ra ngoài là bà vợ trước của ông Meyer-đã qua đời nên chỉ có mũi và một phần mắt ló ra khỏi lớp băng vải có vẻ là vải liệm, rồi đến bà Meyer hiện tại và cô con gái quì ngoài cùng. Một chi tiết quan trọng: Vẻ ốm, mệt của Chúa Hài Đồng trong tay Đức Mẹ nhân từ có nghĩa tượng trưng Đức Mẹ bế Chúa mà như bế em bé hoạn nạn trong tay.

Một trong những hình ảnh Đức Mẹ và Chúa Hài Đồng ý nghĩa lỗi lạc nhất là hoạ phẩm "IA ORANA MARIA" của Paul Gauguin thực hiện năm 1891-hiện tàng trữ tại viện Bảo tàng Nghệ thuật Thủ đô (The Metropolitan Museum of Art)-Bức tranh này ngót trăm năm trước đã bị các đầu óc hẹp hòi coi như một sự "xúc phạm" bởi Gauguin đã vẽ một Đức Mẹ da màu, tóc đen, mặc áo thổ dân Tahiti, vác Chúa Hài Đồng trên vai ( xem hình con tem củ đảo Cook). Bối cảnh của bức tranh cũng là một bối cảnh hoàn toàn bản xứ với hai thiếu nữ khoẻ mạnh, quấn sà-rông sơ sài để hở ngực đang cung kính chắp tay dưới tàn của một cây ngọc lan đầy hoa. Trước mắt là những lể vật thổ sản: Dưa hấu, chuối, xoài... Phía sau hai thiếu nữ cũng có bóng dáng thiên thần nhưng mờ nhạt và lẫn vào với hoa, lá, biển, trời chóa lộng rực rở của toàn cảnh "hải đảo thần tiên"

Người ta đã khó chịu vì cách ăn vận đơn giản của nếp sống thiên nhiên đó chăng?-không phải, sự thực chỉ vì người ta vẫn còn nặng đầu óc kỳ thị, chưa đủ trí thức như chúng ta ngày nay để có thể chấp nhận một hình ảnh Đức Mẹ qua hình ảnh người đàn bà da đen. Ngày nay quan niệm mỗi dân tộc có toàn quyền tự do trình bày hình ảnh Đức Mẹ qua hình ảnh một người đàn bà "mẫu nghi" của dân tộc mình cũng là quan điểm của Tòa Thánh. Bởi Thiên Chúa không phân biệt con cái qua màu da hay phong tục, tập quán. Tất cả đều bình đẳng như nhau. Và bức họa của Gauguin đã là điểm son của nghệ thuật hội họa tôn giáo nói chung.

Họa phẩm "Đức Mẹ San Sisto" trên tờ kỷ niệm bưu hoa chủ đề Giáng Sinh do Mông Cổ phát hành (Hình bìa của số báo này). Raphael vẽ bức tranh này cho tu viện San Sisto, là một trong mười hai bức họa nổi tiếng nhất thế giới. Hiện được trưng bày trong một phòng riêng tại National Gallery, Dresden, Đức Quốc. Cuộc đời Raphael cũng chói sáng như một ngôi sao băng. Chàng họạ sĩ trẻ Raphael nổi tiếng khắp nước Ý ngay giữa thời đại Leonardo da Vinci và Michelagelo đang ở tột đỉnh vinh quang. " Hoàng tử của hội họạ". "bậc họa thánh"... là những phương danh đời đã trao tặng cho Raphael. Nhiều người cho rằng ông là họạ sĩ vĩ đại nhất của đề tài tranh tôn giáo. Đức Giáo Hoàng Julius Đệ nhị uỷ thác việc trang trí những đại sảnh Vatican. Công việc còn đang dở dang thì ông lâm bệnh và mất ở tuổi 37.

Cái hình ảnh Đức Mẹ của Raphael cũng nằm chung trong truyền thống tranh tôn giáo Ý Đại Lợi, nghĩa là Đức Mẹ, Đức Chúa... thường xuất hiện trong một bối cảnh là cảnh trời mây huy hoàng, rực rỡ vối tất cả thiên thần lớn hoặc nhỏ. Bối cảnh như vậy có tác dụng chứng tỏ tức khắc nội dung bức tranh là trình bày chân dung của một vị Thánh. vị Chúa của kinh thánh, của thiên đường. Sở đoản của ước lệ này là tạo ra các hình ảnh tôn giáo thuần lý tưởng, quá cao xa không liên lạc mấy đến đời. Tuy nhiên, dưới những nét thần tình của Raphael-cũng như một số thiên tài khác như Botticelli, Leonard da Vinci, Michelangelo...hình ảnh Đức Mẹ bế Đức Chúa Giê-su tự nhiên đến độ đứng giữa trời, mây mà như đang sống động linh hoạt ngay trong thế giới thực tại của người đứng xem. Đến cả cặp thiên thần nhỏ phía dưới cũng gợi cảm đặc biệt bởi Raphael đã vẽ theo hình ảnh hai em bé hàng xóm vẫn thường tì tay vào thành cửa sổ chăm chú xem ông vẽ mỗi ngày. Bìa hình là nguyên tác bức tranh.

Trái lại các họa sĩ Ý, các họa sĩ khác như Gerard David người xứ Flandre chú trọng triệt để đến phần sự tích của tôn giáo nên bối cảnh tranh về Đức Mẹ và gia đình Chúa Christ nói chung là một bối cảnh trần thế hoàn toàn.

Trong bức "Ngồi nghỉ trên đường trốn sang Ai Cập" của ông, người xem được thấy cảnh Đức Mẹ đang bế Chúa Hài Đồng ngồi nghỉ trên một tảng đá bên vệ đường và đang cho con ăn một chùm nho để giải khát. Con lừa cũng đang đứng nghỉ gần với một cụm cỏ trước mặt trong khi Thánh Giu-se đang dùng sào đập cho rơi những trái hạt dẻ hoang phía sau để lo bữa ăn tối cho cả nhà. Bức tranh thật đơn sơ, bình lặng nhưng nói lên một cách mãnh liệt trọn vẹn thân phận của một con người, của "điều kiện làm người" nơi cõi trần gian. Hiển nhiên một ông vua sẽ nhìn bức tranh với cảm giác khác xa của những người còn phải lo ăn, lo nghĩ, lo chạy trốn và chừng nào trên mặt đất còn có những người phải lo ăn, lo nghỉ, lo chạy trốn mỗi ngày thì lửa yêu thương của Thiên Chúa giáo, lửa từ bi của Phật giáo và lửa của mọi tôn giáo khác còn phải được đốt lên sưởi ấm soi sáng lòng dạ tối tăm, giá lạnh của trần gian...

Viễn Huynh

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002