Đại Chúng số 88 - phát hành ngày 16/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


BÍ ẨN CỦA CÁI CHẾT

Thinh Quang

ANH BẢO TÔI KỂ VỀ CÁI CHẾT CỦA TÔI Ư ? Nó chỉ là kết quả sau cùng của một cơn bạo bệnh. Hay nói một cách khác hơn nó là những cố gắng bất thành của một cái vỏ đã đến hồi mục nát. Tôi cũng đã từng chứng kiến những màn hài kịch diễn ra quanh cái thi hài nằm bất động. Họ là các diễn viên đang cố gắng lôi kéo tôi trở lại với sự sống bằng ống dây dẫn thuốc. Sinh mệnh tôi tùy thuộc vào trò nối liền giữa cái sống với cái chết. Như vậy có nghĩa tôi sẽ có thể chết bằng cái nhún vai thật nhẹ nhàng tuyệt vọng của một hay nhiều diễn viên đứng cạnh giường tôi.

Hình ảnh của sự chết không phải ai cũng như ai. Có người nhìn thấy những vầng hào quang sáng chói bao phủ quanh mình. Có người thấy đang là đà bay lượn trên một cánh đồng xanh bát ngát và bên tai tựa hồ như có muôn ngàn tiếng nhạc gom lại thành một âm điệu tuyệt vời. Nhưng cũng chẳng ít người nhìn thấy cái chết chỉ là một khoảng không mênh mông dẫy đầy những hình ảnh của ma vương, ác quỷ. . .

Các lý thuyết gia cũng như các nhà tư tưởng đều có cùng một quan niệm như nhau : cái gì đã rứt bỏ thì không thể nào hàn gắn lại được. Cái phần hồn đã thoát ra chẳng bao giờ trở lại với cái xác thân mục nát kia nữa. Có điều linh hồn rồi sẽ đi về đâu, nó phù hay trầm đều tùy thuộc vào cái nghiệp chướng tạo ra của mình từ thuở sinh thời!

Đừng tưởng những người sắp chết họ thành thật. Chính họ nói dối còn hay hơn cuội. Chẳng có gì khó hiểu cả. Bởi họ sợ phải nói lên những điều mình giữ kín trong suốt cuộc đời. Họ không muốn đối diện với sự thật. . .

Thật là sai trái khi tìm kiếm một dấu hiệu của định mệnh mình trong sự tự tạo thành một thần tượng để dối gạt kẻ khác. Con người gây nhiều tội ác bao nhiêu càng đam mê về tuổi thọ bấy nhiêu. Tấm bia đá "Từ Phúc Đăng Ngạn" trên một hòn đảo nhỏ ở đất nước Phù Tang còn sờ sờ ra đó, đủ chứng minh Tần Thủy Hoàng muốn mình được trường sinh bất tử. Tội lỗi càng nhiều càng lắm mưu toan xa rời cái chết.

Không có hình ảnh của cái chết. Chẳng ai muốn ra trước tòa phán xét cũng chẳng ai muốn nhìn lại cái nghiệp chướng xấu xa của mình.

Bạn muốn tôi kể lại cái chết của tôi ư?! Chẳng có gì cả. Nó là một chuổi dài bất tận khởi đầu từ lúc mới tượng hình trong lòng mẹ. Trong mỗi người vốn cưu mang cái chết khác nhau. Chẳng ai giống ai cả. Vì vậy mà chẳng có mẫu số chung của cái chết. Bạn muốn biết sự thật về "Cái Chết"?! Có hay không bên kia thế giới? Ai cũng muốn biết. Trong suốt cuộc đời, ít nhất cũng một lần nghi ngờ "có một cái gì đó" ngoài sự hiểu biết của mình ! Thỉnh thoảng ta cũng nhìn thấy hình ảnh của cái chết nhưng lại quên ngay đi như ánh chớp vừa lóe lên đã lịm tắt ngay sau đó. Thật khó lòng mà xác minh được rằng là có cõi chết hay không? Nó hoàn toàn bí ẩn. Nếu tôi bảo rằng có, liệu bạn tin được lời minh xác của tôi không? Tôi có cảm tưởng "Cõi Chết" thật ích kỷ. Nó không muốn mình bị phát giác, nhưng lại muốn xác nhận quả có sự hiện hữu của cõi vô hình! Có lắm người chuẩn bị đến cõi chết bằng tự sơn phết cho mình những nét vàng son chói lọi, nhưng không phải để họ mang theo mà là muốn được người đời mang chưng bày ở một nơi nào được xem là trang trọng nhất !

Chết rồi sẽ đi về đâu? Thật mơ hồ. Chẳng có ai nói rõ được điều này một cách trung thực cả.

Theo quan niệm của Đức Khổng: "tử giả biệt luận". Ngài bảo chết là hết, là biệt luận. Chẳng còn gì cả. Tuy nhiên chúng ta chẳng thấy thánh nhân chứng minh cho cái thuyết biệt luận của mình.

Cái xác thân chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài, nơi trú ngụ của một linh hồn bất diệt. Rồi đến một giai đoạn nào đó đủ hạn kỳ cái vỏ kia cũng sẽ phải mục nát, tan rã theo thời gian mà trở về với cát bụi.

Cái chết với cái sống bên nhau. Chẳng ai muốn chết mà chỉ muốn mình được sống vĩnh viễn trên cõi đời này. Tất nhiên là chẳng có ai được cả. Mọi người đều phải tuân theo qui luật như nhau. Nhỏ rồi lớn. Lớn rồi già. Già rồi chết. Nó tuần tự đi theo con đường của Tạo hóa vạch sẵn.

Khi con người buông tay nhắm mắt chính là lúc họ đang đi trong cái chết của chính mình chứ không phải ở những bộ đồ tang phục của người sống mang trong người để tiễn đưa kẻ ra đi đến chốn an nghỉ cuối cùng! Điều đáng sợ nhất của người chết là sự ghẽ lạnh và sự an ủi khách sáo của những người sống. Đành rằng họ đang mũi lòng và nước mắt đau buồn đang chảy dài trên đôi má họ!

Bạn hỏi tôi:"Vậy cái chết của bạn ở đâu?" Chắc chắn là không phải trên dường đi đến nghĩa trang hay lễ cầu hồn! Họ đang cầu xin cho vong linh được siêu thoát. Họ không cần biết cái hành trang trên lưng của bạn trên chặng đường đời mà bạn đã đi qua nặng nhẹ thế nào! Chính cái xác chết của bạn bị quấy rầy bởi mọi cái phức tạp của những con người nặng về phần trình diễn. Chính những lúc ấy cái vong linh của bạn nhìn thể xác bạn đang nằm yên bất động. Bạn đừng tưởng rằng vong linh của bạn nó sẽ bịn rịn khóc than cho cái vỏ mục nát rửa ráy mà ngày nào đó đã "cưu mang" nó! Chẳng bao giờ! Đối với vong linh chỉ xem là cái áo cũ kỷ mục nát đã đến lúc cần phải được thay đổi bằng một chiếc áo mới khác, đúng theo kích thước và hợp với trọng lượng của mớ hành trang đó.

Còn gì ngây thơ bằng là tự hỏi tại sao có cái chết trong ta?! Chẳng có gì khó hiểu cả ! Chính sự chết của chính mình là một sức sống mới khác vươn lên. Nó chẳng khác nào Thái dương hệ này tàn rụi đi thì một Thái dương hệ khác nẩy nở. Và. . . cứ như thế mà liên tục tiếp nối nhau đời đời kiếp kiếp. . .

(còn nữa)

Thimh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002