Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NGÀY XƯA

Kỹ sư Sagant Phan

Xưa rồi, lúc chúng tôi còn nhỏ thường nghe Bà Nội nói thời kỳ đất nước còn loạn lạc, xà phòng không làm sao có được mà giặt giụa. Quê tôi ở một vùng sát biên giới Miên, nếu chèo xuồng qua một khúc sông nhỏ thì đến chợ Miên, còn chợ Châu Đốc thì đi rất xa lắc xa lơ. Lính Pháp thì đóng những đồn lớn quanh chợ, còn nơi xa xa thì mạnh ai nấy làm hùm làm hổ một phương. Lính tráng của Ông Năm Lữa thì trấn tại những ngã ba đường nước giao nhau, vô sâu trong đồng không mông quạnh thì lính Việt Minh. Lâu lâu thì xóm chúng tôi kinh hồn hoãng vía vì nghe Thổ dậy. Thổ đây là dân Miên, họ nghe ai tuyên truyền mà xem người Việt là dân Duồng, và họ Cáp Duồng. Duồng tiếng đọc trại tiếng Vương thời Tổng trấn Lê văn Duyệt còn sanh tiền, vì đất của vua nhà Nguyễn thu thuế nên dân Miên gọi dân Việt là dân Duồng, Cáp Duồng là chặt đầu dân Việt. Dòng sông Điên Điển (vì có nhiều cây bông điên điển mọc đầy bờ, nấu canh hay xào ăn ngòn ngọt) lâu lâu có xác chết bị mất đầu trôi chầm chậm từ xa tới. Làm con nít không dám xuống sông đó tắm cả tháng.

Lúc đó thức ăn rất đắt đỏ, nhưng xóm của tôi không một ai đói hết, chỉ không có tiền mà thôi. Hàng hóa từ chợ lần lần không tới xóm nhỏ này nữa. Kẹt một điều tắm rữa giặt giũ thì không tìm ra đâu cục xà phòng. Bà Nội tôi dùng tro để giặt áo quần. Ngày xưa áo quần chĩ có hai màu là trắng hay là đen mà thôi, màu xanh đỏ thì chưa thấy ai dám mặc.

Tro thì ngâm nước để giặt chất mỡ, nhưng còn chất phèn thấm vào áo trắng thì không sao làm mất màu vàng đất được. Rửa mặt thì Nội tôi để dành nguyên một thau nước vo gạo, mùi thơm chua nhưng làm mát da mặt. Những chuyện nói trên đó là do sự nhớ lại của người đời xưa truyền lại.

Thời Tần thủy Hoàng bên Trung Hoa trong sách “Thiên Nội Tắc – Sách Lể Ký” có ghi như sau: “Mộc tắc nhỉ thủy hương”, nghĩa là: “Mộc là gội đầu, hủy là rửa mặt, lấy nước phàn trấp của tắc và lương mà dùng vậy”. Nước phàn trấp chính là nước vo gạo hay nước chắt từ cơm nấu ra. Ngày xưa Hoàng Hậu cũa Hán văn Đế, tên là Đậu Khương, khi thuở nhỏ nhà nghèo bị bán cho phú nông, trước khi chia tay cùng em gái, Đậu Khương Thi xin lối xóm nước vo gạo mà rửa gương mặt của người em gái ruột khóc nức nở trong cảnh biệt ly.

Còn nước tro là nước hòa tan chất tro của củi lửa trong bếp lò hay trong lò đun than. Theo sách Khảo công Ký người ta muốn tơ lụa được mịn màng sạch sẽ thì phải ngâm trong nước: “Thế Thủy”. Thế Thủy chính là nước tro vậy. Người xưa đời Tần còn nói: “Mũ, đai, quần áo bẩn hòa với nước tro để thật trong rồi giặt sạch”. Mũ, đai đó là vận phục dành trong cung đình vậy. Trong nước tro của cây củi có chứa Carbonat Kali (K2CO3) cho nên khử chất bẩn rất tốt. Nhưng trong cây Lê, nhất là về mùa Đông cây cối thu liểm về thân cây, nhựa không còn tươm ra như mùa hè, nên chất nhựa luyện đầy đủ trong cây Lê. Khi dùng củi đốt, thì tro cây lê có rất nhiều chất Kali này. Hiện nay tại những vùng thôn quê thật xa tận Bắc Cương, nhóm dân du mục vần dùng nước tro để giặt giụa.

Ngoài ra người Hoa đời xưa áo quần quý nhất là lụa, nếu chất Kali Carbonat quá mạnh thì lụa sẽ hỏng, màu sắc có lúc đậm lúc lạt thì không được, nên người ta dùng tro cây lau ngâm với nước vôi vỏ con sò. Vỏ tro con sò hay con nghêu có chứa hàm lượng vôi cao (đó là Ca (OH)2) mà học họ là: “Thục thạch khôi”. Chất vôi có calcium này tác dụng với nước tro sẽ tạo phản ứng Potat (KOH). CHính chất Pôtát này là sạch chất dầu mở bám trong luạ vậy. Điều này chứng tỏ người Trung Hoa thời cổ đại (-4 B.C) đã vượt bực người Âu Châu, lúc đó họ chưa biết dùng lụa là mà áo quần đa số là da thú vật quấn quanh người.

Đến đời Đường người ta mới biết công dụng của cây gọi là Bồ Kết. Đây thuộc loại họ Đậu, cây này có khắp nơi trên toàn quốc mà người ta chưa để ý đến, nhưng trong sách Thuốc Thần Nông bản Thảo thì xếp cây Bồ kết trong loại phục dược. Trong trái bồ kết có nhiều chất Glucocid, mà nước của nó hòa trong nước lã thì ra bọt như xà phòng vậy, có tính chất khử sạch phèn đất sình. Trong quyển sách nổi tiếng nhất trung Hoa là Hồng lâu Mộng có nói đến cung nhân thường ra người vườn hoang, mồ mã mà hái trái bồ kết đem về nấu mà giặt giụa vậy.

Cho đến thời Hưng thịnh đời Đường, nhiều hiệu buôn người ta biết dùng bồ kết giã nát rồi trộn chung với bột mà làm thành những viên nhỏ bằng viên bồ kết lớn bằng nắm tay đứa con nít. Trong sách dạy làm xà phòng ngày xưa người ta có ghi: “tháng mười hái trái Bồ kết đem về phơi khô, giã nát rồi đun chín, hòa với bột mì trắng và hương liệu nước hoa rồi cô đọng lại, vò viên rồi quấn vãi mà bán. Nước này dùng để tắm, rửa mặt, sạch ghét mà da lại tươi nhuận đó là do công dụng của Bồ Kết vậy.”

Nhưng vào thời Ngụy gần đây, các quý tộc người ta dùng một chất ẩy rửa rất tốt gọi là “Tảo đậu”. Đó là mnhững viên nhỏ dùng để tắm. Tảo đậu người ta lấy từ Tụy tạng con heo, sau khi tách hết mở bao Tụy tạng, rửa sạch máu bầm, rồi người ta nghiền như cháo, rồi trộn với bột đậu và hương liệu, vò viên nhỏ sau đó phơi khô. Loại xà phòng này rất đắt tiền và vô cùng tốt hơn mọi loại xà phòng ngày nay.

Người xưa đồn rằng tể tướng Vương an Thạch da rất đen như Trương Phi vậy, vợ thường sai cung nhân đi tìm “tảo đậu” mà cho chồng xài. Vương an Thạch rất khó xử vì ông chủ trương tiết kiệm công quỹ quốc gia. Trước khi Tây Phương tràn vào, thì Tảo đậu vần còn dùng rộng rãi đến triều vua Càn Long nhà Thanh.

Ngoài ra những chất tẩy rửa người đời xưa biết dùng đến chất vôi hòa với vài chất mà dùng tẩy sạch những chất bẩn từ hãng sãn xuất hàng vải trước khi tung ra thị trường.

Vào thế kỷ 19, năm 70 thời Khang Hy, triều Thanh nguời ta lập xưởng chuyên chế tạo xà phòng dùng cho chính phủ và hoàng gia, người thường dân rất khó mà mua được. Năm kỷ niệm Khánh hạ vua Khang Hy, nhà vua cho người đem xà phòng loại này mà đến ban cho các nhà văn nghèo mà có lòng hiếu hạnh.

Vào năm 1920-1930 tại Chợ Lớn có hãng xà phòng của kỹ sư Trương van Bền, xà phòng có in hình Cô Ba danh trấn giang hồ. Xà phòng bán tận Đông Dương (Việt Miên Lào…).

Riêng Trương văn Bền, chủ hãng xà bông Cô Ba bị bệnh mất ngủ, ông không tài nào ngủ trên giường được. Mỗi buổi tối, khi mặt trời xập tối, thì tài xế của ông lái xe “De LaGere” chở ông, chạy chầm chậm từ Saigon đến Mỹ Tho rồi chầm chầm chạy về thì ông mới ngủ được an giấc.

Riêng Cô Ba là một hoa khôi đẹp nhất miền nam thời bấy giờ, hình được in trên cục xà bông (người Bắc gọi là xà phòng) vẫn còn cho đến năm 1975. Nay hãng này thành hãng Quốc Doanh rồi, và chất lượng thì kém xa ngày xưa rất nhiều.

Cô Ba Xà Bông, tuy đẹp nhưng cuộc đồi vô cùng bất hạnh. Gương mặt đẹp dịu hiền mà mang nhiều tình duyên oan trái. Mà kỳ sau tiện dịp chúng tôi sẽ giở lại trang sách cũ của người đời xưa.

Sagant Phan

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002