Đại Chúng số 87 - phát hành ngày 1/12/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MÙA HÈ VÀ ÂM NHẠC

Phương Pháp Trị Liệu Bằng Âm Nhạc (Musicothérapie)

Trương Thị Quỳnh Hạnh

 Đàn Bầu ai gãy này nghe

Làm thân con gái cho nghe Đàn Bầu

Quỳnh Hạnh xin phép mượn hai câu ca dao Việt Nam để mở đầu cho bài viết về Musicothérapie.

Musicologie là một môn học đã có lâu đời, chương trình nghiên cứu các loại hình âm nhạc đã có của một dân tộc. Từ các thăng âm, điệu thức các làn điệu trong từng vùng văn hóa địa lý âm nhạc.

Musicothérapie hay phương pháp trị liệu bằng âm nhạc dùng âm nhạc để trị bệnh về tâm thần. Thực vậy ngày nay với sự tiến bộ của khoa hoc, nhiều thuốc men được bào chế ra do các hãng dược viên nổi tiếng trên thế giới nhằm xoa dịu phần nào hoặc là trị dứt những loại bệnh nào đó. Nhưng về những bệnh thuộc về trung tâm thần kinh não tủy, những bệnh thuộc về tâm bệnh, thần kinh các bộ phận trong cơ thể như thần kinh tiêu hóa v.v... chúng ta nhờ một phương pháp trị liệu khác, ít dùng thuốc mà là dùng âm thanh, điệu nhạc để giúp đỡ người bệnh trở lại trạng thái bình thường.

Về lịch sử thì musicothérapie (phương pháp trị liệu bằng âm nhac) có từ thời Hy Lạp. Nền văn minh Hy Lạp đã có nhiều phương pháp trị bệnh mà không cần dùng hay ít dùng đến thuốc men như thalasso-thérapie là một điển hình giúp con người trở về trạng thái thoải mái, hết bẹng hoạn, vui vẻ yêu đời.

Theo lịch sử âm nhạc thì nước Việt Nam chúng ta cũng có Musicothérapie. Theo huyền thoại trong truyền thuyết thì Ca Trù (một loại ca cổ truyền với kỹ thuật ca hát, phát âm hoàn toàn Việt Nam) thì vào thế kỷ 15 đời Lê, nước ta có mọt danh cầm, danh thu kỳ tài về đàn dân tộc. Chàng tên là Đinh Lê, nhờ có vị tiên Lý Thiết Hoài, và Lu Đại Tiên cho chàng miếng gỗ ngô đồng để làm đàn, nên tiếng đàn của chàng có thể trù ma, diệt quỷ, trị lành bệnh nan y và làm hết đau nhức. Chàng lạy tà hai vị tiên, cám ơn Trời Đất đã cho chàng một cây đàn cứu nhân độ thế. Với tài ba nghệ thuật đàn, chàng có thể làm cho cá trong hồ ngừng lội, chim đậu trên cành quên bay, người ta quên đường về nhà. Tiếng đàn của chàng Đinh Lê có thể làm cho người ta hết buồn, hết bệnh u uất.

Tại một làng kia có một trưởng giả tên là Bạch Đinh Sa giàu có vô song, tiền bạc, của cải nhiều vô hạn, nhung vì trưởng giả vẫn buồn vì cô con gái duy nhất, đẹp nhất bị câm từ thuở nhỏ. Nàng tên là Hoa, mặc dù đã tốn rất nhiều tiền, đã rước biết bao thầy hay thuốc giỏi, cuối cùng cô gái vẫn hoàn câm. Theo truyền thuyết, nàng rất đẹp, cặp mắt nàng là cả bầu trời thỏ, suối tóc nàng là trời mây, dáng đi của nàng thanh thản, nhẹ nhàng. Đẹp, rất đẹp, rất dịu dàng nhưng có điều không nói được, có lẽ nàng đã biết bằng lòng với số phận tật nguyền nên nàng bình thản. Suốt ngày nàng cùng thị nữ thơ thẩn vào ra vườn hoa, rất nhiều kỳ hoa dị thảo, mà vị trưởng giả đã tốn công sức vun trồng để làm vui cho cô con gái không nói được.

"Con không nói được, thì cha làm vườn hoa để con thưởng thức vẻ đẹp của trời đất, của thiên nhiên, của vườn hoa cây cảnh, để cha cũng bớt buồn vì cha thấy con vui”. Vị trưởng giả thường ưa nói thì thầm với cô con gái, cô gái quay lại nhìn cha, đôi mắt nàng mở to, cả bầu trời tự hiêu như muốn nói với cha rằng. “Thật là cảm ơn tấm lòng trời biển, cha mẹ thương con biết chừng nào"

Ngày kia Đinh Lê vì mãi mê bầu rượu túi thơ mà tới ngôi làng vào lúc trời tối. Không có quán trọ chàng đành tá túc vào nhà người nông dân trong xóm, nghỉ đêm, và sáng mai chàng sẽ tiếp tục đi.

Rạng ngày mai tiếng chim hót líu ló làm chàng thức giấc, ánh sáng xuyên qua khung cửa như báo hiệu của một ngày nắng ấm, chan hòa ánh sáng và tiếng chim hót, và mùi hương thơm của các loài hoa, các loài cây của miền đồng quê làm chàng cảm thấy vui vẻ yêu đời.

Chàng từ giã người chủ nhà, rồi ra đi, bước chân lần theo đường mòn, nhưng chàng bỗng sửng sốt vì nhà ai có khu vườn đẹp quá. Chàng xin phép vào hỏi thăm chủ nhân ngôi nhà để thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của trời đất bao la và vườn hoa cây cảnh. Tức cảnh sinh tình, chàng ngâm thơ, tiếng của chàng trầm ấm, thơ của chàng như vang dội vào vách đá, vườn hoa cây cảnh như bừng sống dậy với tiếng thơ của chàng.

Vị trưởng giả đã thức dậy từ lâu, sau vài tuần trà, ông đã thấy tâm hồn thư thái và rất hoan hỉ khi thấy có người thi nhân nhạc sĩ thăm viếng vườn nhà.

Sau vài đoạn hàn huyên tâm sự, thì người nhạc sĩ xin từ giã, cất bước ra đi theo tiếng gọi của tâm hồn thơ và nhạc, sau khi chúc vạn sự bình an cho chủ nhà. Vị trưởng giả nhận lời chúc bình an và chúc lại chàng thượng lộ bình an nhưng nét mặt vẫn có một sự u hoài, một nét buồn uẩn khúc. Người nhạc sĩ tìm hiểu nguyên nhân gia cảnh và vị trưởng giả kia có lòng mời người thi nhạc sĩ ở lại để có người nói chuyện, bàn chuyện thi phú.

Nhìn thấy nét khẩn khoản và tấm lòng tốt của vị trưởng giả, Đinh Lê nhận lời ở lại.

Ngày kia như thường lệ, vị tiểu thư đi ngoạn cảnh cùng vài thị nữ. Cảnh đẹp, không khí trong lành, yên tĩnh, màu sắc muôn vẻ của các kỳ hoa dị thảo, hoa lan hương thơm của các loài hoa làm nàng vui vẻ. Nàng mỉm cười khi ngắm nhìn dung nhan xinh đẹp của mình soi bóng trên mặt hồ. Khi ấy Đinh Lê và vị trưởng giả cùng đi dạo, tiểu thư thi lễ chào cha, chào khách và theo thị nữ bước đi. Tất cả là yên lặng, một sự yên lặng dịu dàng, khó nói. Ngày qua ngày, những sự gặp gỡ tình cờ như thế làm chàng ngây ngất. Nàng đẹp quá, đôi mắt nàng muốn nói, đôi môi mấp máy, náng cười qua đôi mắt dịu dàng, suối tóc mây chập chờn bay trong gió, hương gây mùi nhớ, dù chỉ là sự nhớ nhung ảo tưởng nào đó không có thật. Bởi vì nàng có nói gì đâu, có hứa hẹn gì đâu.

Qua những lần tâm sự với vị trưởng giả, Đinh Lê biết rằng nàng Hoa bị câm từ thuở nhỏ. Ngậm ngùi cho số phận an bài trong cảnh tật nguyền của người con gái đẹp, chàng ôm đàn gãy khúc nhạc Tương Tư.

“Những gì không thể nói được, không thể bày tỏ được trong kiếp số này, thì ta nguyện nhờ âm thanh tuyệt diệu của tiếng đàn mà nói dùm ta ”, chàng thì thầm với cây dàn thần tiên của chàng

Nàng Hoa lắng nghe tiếng đàn của Đinh Lê và lạ lùng thay nàng cất tiếng hát. Nàng dùng đôi đũa đang ăn cơm làm phách gõ nhịp vào chén cơm. Tiếng hát nàng vang lên làm ngạc nhiên mọi người trong nhà, và hạnh phúc nhất là người cha của nàng. Ông lẩm bẩm trong tiếng nghẹn ngào "Trời ơi, con tôi nói được", đôi giọt lệ từ từ lăn trên đôi má răn reo của ông, sự chờ đợi của gia đình tưởng chừng như tuyệt vọng, nhưng nhờ tiếng đàn âm thanh tuyệt hảo, âm vang vào tai và rung động được thần kinh não tủy, con gái ông nói được.

Không bút mực nào tả xiết được sự mừng rỡ của gia đình và làng xóm, và sau đó không nói thì các bạn cũng rõ kết thúc một truyện tình có hậu.

Đinh Lê và nàng Hoa được coi như tổ của ngành Ca Trù. Nàng Hoa được dân chúng truyền tụng dưới tên là Man Đào Hoa Công Chúa. Vì so thế sau này trong các dạng từ chữ Hoa được đổi thành chữ Huê vì sợ kỵ húy.

Ví dụ như chữ hoa lài (hoa nhài) được đổi thành huê nhài "bứt ngọn cái bông huê nhài", trích trong bài dân ca quan họ "Ngồi tựa song dao". Cây đàn mà Đinh Lê đàn là Đàn Dây, có thùng đàn hình thang, cần đàn rất dài so với đàn nguyệt, và đàn dây là một nhạc cụ chỉ dùng trong Ca Trù mà thôi.

Qua truyền thuyết dân gian ta thấy rằng phương pháp trị liệu bằng âm nhạc (musicothérapie) có từ thời nhà Lê.

Những yếu tố chính cho sự thành công trong phương pháp trị liệu ấy chính là nhờ âm thanh rung động, màu sắc hài hòa làm dịu mát bệnh nhân, khung cảnh thanh bình, cách đối xử nhân đạo, hay là cách khêu lên câu chuyện để bệnh nhân nói, hay là người trị bệnh nói để khơi lại môt ký ức nào đó bị lãng quên trong tiềm thức.

Hệ thống dây thần kinh não tủy là một hệ thống kỳ diệu của con người, chỉ bị một sự lưu thông tắt nghẽn là con người bị hư hại một bộ phận nào đó của cơ thể và ngược lại nếu triển khai được sự lưu thông là các bộ phận kia được cứu sống ngay.

Khi chúng ta sống trong trạng thái thần kinh căng thẳng (stress), lo âu, thì tự nhiên một bộ phận trong cơ thể bị đau, không hoạt động bình thường.

Ví dụ có bạn bị thần kinh tiêu hóa, hễ khi nào có sự lo lắng thái quá của một vấn đề nào đó thì tự nhiên bệnh đau bụng xuất hiện, khi nào sự lo âu kia được giải quyết xong, là bệnh tự nhiên khỏi.

Thần kinh thính giác con người cũng vậy, tai ta chỉ được phép nghe trong một phạm vi âm thanh nào đó thôi, nếu vượt qua bức tường âm thanh cho phép thì tai bị khó chịu, nhiều khi tưởng chừng như bị điếc. Khi nào thần kinh thính giác bình thường trở lại thì chúng ta cảm thấy dễ chịu.

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ mà cuộc sống vội vã, tất cả mọi công việc đều phải làm nhanh cho kịp với thời gian, ngay cả kỷ nghỉ hè cũng vội vã và trái tim chúng ta nhiều khi cũng khong chịu nổi với sức ép của thời gian, nhiều bệnh tim mạch xuất hiện và may mắn thay ngay cảnh đó cũng có những phương pháp trị liệu.

Thưởng thức và học âm nhạc là cách thư giãn thần kinh hữu hiệu và được nhiều người chọn, không những cho các bạn lớn tuổi hay tuổi về hưu, mà ngay cả giới trẻ cũng chọn môn âm nhạc là môn giải trí làm bớt căng thẳng thần kinh sau những giờ học mệt mỏi ở học đường.

Ngoài ra, cách nghe và chọn âm nhạc cũng được áp dụng trong lãnh vực công nghiệp. Trong các cơ sở nuôi bò sữa, người ta nhận thấy rằng bò nghe âm nhạc êm dịu, âm nhạc cổ điển sẽ cho nhiều sữa hơn, hay là trong kỹ nghệ trồng hoa, người ta nhận thấy rằng để hoa gần loa phóng thanh đàn guitar điện là hoa mau bị héo tàn, trái lại để gần loa phát ra âm nhạc êm dịu thì màu hoa sẽ giữ được lâu hơn.

Gần đây nhất trong những báo cáo khoa học về sự trẻ trung của con người, sự tái sinh ra những tế bào mới thay thế những tế bào bị lão hóa, thì chính là yếu tố âm nhạc đấy các bạn ạ. Câu hỏi được đưa ra "Tại sao các nghệ sĩ cứ trẻ hoài ?", thì sự giải đáp sẽ là vì nghệ sĩ lúc nào cũng gắn liền với nghệ thuật, họ say sưa tập luyện trong các bộ môn nghệ thuật như âm nhạc, múa, trượt băng v.v. với tất cả tấm lòng thì hệ não tủy của họ sẽ sinh ra một loại tế bào đặc biệt chống lại sự lão hóa.

Musicothérapie hay phương pháp trị liệu bằng âm nhạc giúp chúng ta tìm lại sự quân bình cho thần kinh. Một bản nhạc hay một điệu nhạc nào đó trong khoảnh khắc mua xuan của con người sẽ giúp chúng ta chống lại bien lo âu, phiền muộn trong lòng.

Musicologie (Musikwissenschaft) là âm nhạc học, nghiên cứu văn hóa phân chia trong các vùng địa lý âm nhạc. Danh từ Musicologie hay Musikwissenschaft xuất hiện đầu tiên vào năm 1827 trong một cuốn sách về sư phạm bằng tiếng Đức. Âm nhạc học và sự nghiên cứu các thang âm, điệu thức (echelles, modes) trong các ngành văn hóa âm nhạc đã giúp ích rất nhiều cho phương pháp trị liệu bằng âm nhạc. Thực vậy làn điệu dân ca, cau hò, điệu hát quê hương xứ sở là điều quan trọng không thể thiếu vắng trong các sinh hoạt văn hóa trong các dân tộc, con người từ thuở sơ sinh cho đến khi tuổi già đều luôn luôn gắn liền với văn hóa của dân tộc đó.

Có những người lớn tuổi,đau yếu, bệnh hoạn nếu họ nghe được điệu nhạc xa xưa nào đó của thế hệ của họ thì làm như họ sống lại trong thời kỳ đó, và bệnh tim mạch giảm đi. Chúng ta thường ưa nghe những câu như "nhạc này làm tôi trẻ lại vài chục tuổi", những câu ca dao mộc mạc, giản dị như hơi thở sẽ làm chúng ta sống lại khi cảm thấy bị căng thẳng (stress), vì nó chính là oxy nuôi dưỡng tinh thần và tình thương, ví dụ như "Công cha như núi Thái Sơn. Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra", khi tuổi già đau ốm, co quanh, hay tủi thân khi nghe các trẻ trong nhà học câu ca dao đó ở trường dạy tiếng Việt Nam, thì chúng ta thấy ấm lòng, phiền não biến mất.

Nếu cuộc đời có những biến động nào đó làm thần kinh rối loạn thì cũng nhờ âm nhạc giúp họ trở lại cuộc sống bình thường. Ví dụ tôi có đi thăm bệnh viện tâm thần, thăm bệnh nhân bị bệnh mất trí, thì lạ thay, khi tôi hát bài chào cờ thì họ đứng dậy nghiêm chỉnh, khi tôi hát những câu ca dao, hát ru em, ầu ơ ví dầu thì họ im lặng thưởng thức như có lúc lời mời trong trí óc ra một khoảng thời gian nào đó họ được sống trong cảnh êm đềm, ấm cúng của gia đình.

Khi bệnh nhân bị cơn "sốc" nặng ngã quị, thì trong hệ thần kinh não tủy của họ còn một "hộp đen" của bộ nhớ, chỉ cần biết cách khai thông "hộp đen" này là bệnh nhân sẽ được trở lại bình thường và sau đó tiếp tục điều trị bằng các phương pháp liên ngành khác.

Âm nhạc học phối họp với dân tộc học (ethnologie) thành ra môn dân tôc-âm nhạc học (ethnomusicologie) cùng với các ngành nghiên cứu khác khảo cổ học, sử học giúp chúng ta khơi lại thời gian và tìm thấy lại những gì tưởng chừng như đã mất nhưng rất còn trong hiện tại bàng bạc qua văn hóa dân tộc. Qua phương pháp trị liệu bằng âm nhạc (musicothérapie) thì văn hóa của một dân tộc nói chung và ngành âm nhạc nói riêng là điều không thể thiếu được khi nghiên cứu về một số bệnh về trung tâm thần kinh bên cạnh các phương pháp trị liệu khác. Những dân tộc cùng một nền văn hóa thì dễ hiểu nhau hơn và cảm thông nhau hon qua cách tìm lại những nền văn hóa đã mất.

Quỳnh Hạnh

 

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002