Đại Chúng số 86 - phát hành ngày 16/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Gẫm Sự Đời

NỤ CƯỜI NGƯỜI XƯA

Ngu Giả Trần Liêm Khảo

Trong tập “Cái Cười Của Thánh Nhân” của Nguyễn Duy Cần đề cập đến cái “Ngôn Vô Ngôn” trong văn u mặc. Tác giả cho rằng lối văn u mặc khác nào như bóng mờ mờ ảo ảo, hư hư thực thực, nó vừa kín đáo, vừa thâm trầm... bàn không bao giờ cạn lời, nghĩ chẳng thể nào hết ý (*)

“Lâm Ngữ Đường đã nói: “U mặc là một phần rất quan trọng của nhân sinh, cho nên khi mà nền văn hóa của một quốc gia đã đến một trình độ khá cao rồi, ắt là có một phần rất quan trọng của nhân sinh, mới biết khi mà nền văn hóa của một quốc gia đã đến một trình độ khá cao rồi, ắt phải có một nền văn hóa u mặc xuất hiện” (trang 18 Cái cuời của Thánh Nhân). Và trang 19, có đoạn: “Tinh thần u mặc của nước Tàu ngày xưa cũng đã thấy bàng bạc ngay trong kho tàng ca dao của Trung Hoa. Trong Kinh Thi thiên Đường phong, một tác giả vô danh, vì thấy rõ cái “trống không” của cuộc đời hết sức vô thường của con người, đã trào lộng hát lên:

“Ngài có xe có ngựa, sao không cỡi, không tế...

Đợi lúc chết rồi, kẻ khác hưởng đi mất thôi!”

Có nghĩa là... nếu ông không chịu hưởng thụ thì đến khi ông chết rồi kẻ khác sẽ thay ông hưởng hộ những cái gì ông có... Ngựa ông người khác sẽ cưỡi, sẽ tế, tiền của ông họ sẽ ăn tiêu phè phỡn,  trong khi đó thì cái xác ông bị vùi sâu dưới lòng huyệt lạnh...

“Than ôi! xe ngựa của ông thì thiên hạ cưỡi, thiên hạ tế!

Đợi đến kiếp sau ông đầu thai sống lại thì ngựa ông sẽ què chân, tiền bạc sạch sành sanh, mà phải để cho mặc ủ màu chau... !”

Nụ cười người xưa thường bằng mọi hình thức để làm vui lòng người đọc, đẹp dạ người nghe. Nó hồn nhiên và mạnh mẽ. Nó có thể bứng cả cái kiêu ngạo của con người chỉ bằng một lời nói bóng gió. Nó có thể lấp cả cái bề tối tăm của một kẻ đắm chìm trong sân si chỉ bằng một hơi thở nhẹ nhàng khác thường trong lời nói hay bằng một giọng văn hài hước... Như câu chuyện “Thiền” nói về Tô Đông Pha - nhà thơ lừng danh có lắm giai thoại làm cho người đời thích thú.

Tô Đông Pha đời Tống mộ đạo Phật. Người bạn rất thắm thiết của ông là Phật Ấn - nhà thiền sư lỗi lạc đương thời. Tu viện Phật Ấn nằm về phía Tây sông Dương Tử còn Tô Đông Pha có ngôi nhà dựng lên tại phía Đông. Hôm nọ Tô Đông Pha lặn lội đến thăm Phật Ấn, chẳng may nhằm hôm nhà sư đi vắng. Ngồi đợi suốt mấy giờ liền mà nhà sư vẫn chẳng thấy về. Đâm chán hô Tô bèn lấy tờ giấy viết nguệch ngoạc mấy hàng trong đó có mấy giòng: “Tô Đông Pha - người Phật tử vĩ đại này dù có tám ngọn gió thổi cũng chẳng hề lay động được” đoạn để trên mặt bàn, nhưng cũng chưa rời thiền viện đi vội còn cố nấn ná ở đợi thêm trong chốc lát nữa, nhưng bóng cà sa kia vẫn vắng biệt tăm hao.

Thấm mệt, họ Tô đứng dậy bỏ ra về. Đến khi Phật Ấn trở về thiền viện nhìn thấy tấm giấy của Tô Đông Pha đặt trên bàn cầm lên đọc, bèn lấy bút viết thêm mấy  chữ: “Nhảm nhí! Nhảm nhí! Những gì ông bạn vừa nói chẳng hơn gì “cái rấm” (tức cái trung tiện) của ta. Xong xuôi, nhà sư bèn sai chú tiểu mang sang cho ông bạn nhà thơ khét tiếng họ Tô. Tô Đông Pha đọc xong lời lăng mạ của Phật Ấn bèn bước ngay xuống thuyền sang sông gặp nhà sư để hỏi cho ra lẽ.

Khi vào đến thiền viện họ Tô nắm ngay lấy tay Phật Ấn gầm lên như sư tử rống:

- Thầy lấy quyền hạn gì mà thóa mạ tôi bằng lời lẽ thô tục như vậy? Tôi há đã chẳng phải là một Phật tử mộ đạo chỉ chuyên chú tâm về việc tu hành đó sao? Ông vốn với tôi là chỗ thân tình mà còn viết lên các lời lẽ thóa mạ như vậy, huống hồ với kẻ khác ông còn viết lên những lời tục tiểu như thế nào nữa?

- À, ông anh bảo tôi viết như thế nào mà giận đến như thế?

 - Còn hỏi lại nữa à? Ông dám bảo chỉ mỗi một cái “đánh đùng” hôi hám cũng đủ làm cho họ Tô này bay mất tiêu... ông nghe rõ chưa?

Phật Ấn đưa mắt nhìn ông bạn thân của mình trong cơn thịnh nộ, đợi đến khi họ Tô dứt lời, nhà sư bèn cười lên một tiếng:

- “Ông bạn Tô Đông Pha ơi! Người Phật tử vĩ đại của tôi đã viết rõ rành rành là dù có tám ngọn gió cũng khó lòng lay chuyển nổi... Ôi! Lời văn vẻ nghe oai hùng lắm thay! Ấy mà giờ đây chỉ mới mỗi một cái “rấm” cũng đủ làm cho ông anh bay bổng đến tận thiền viện của bần tăng tận này sang sông rồi!”

Nói xong Phận Ấn cười nghiêng ngửa, khiến họ Tô cũng phải ngửa nghiêng cười.

Thế mới hay cái câu “bát phong suy bất động” của họ Tô tự cho mình cứng như đá, vững như đồng, đụng nhằm phải lời đáp lại “nhất thí đả quá giang”của nhà sư Phật Ấn để đo lường cái “ngộ” của ông bạn thấm thiết chí thân họ Tô có vĩ đại như lời lẽ ông ta viết đó trong mảnh giấy đó không?(*)

Liêm Khảo

* “Bát phong suy bất động, nhất thí đả quá giang”: Có nghĩa, tám ngọn gió thổi cũng không thể lay chuyển được nổi, (mà) chỉ một cái “Rấm” cũng đủ đẩy qua bên này sông rồi!”

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002