Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


NGUYỆT HẠ

Việt Dương Nhân

(Các nhân vật cũng như tình cảnh cốt truyện đều là “hư cấu”. Nếu có sự trùng hợp do sự ngẫu nhiên ngoài ý muốn. Tác giả hoàn toàn không chịu trách nhiệm)

Thanh Vinh, kỹ sư điện toán, khoảng ba mươi tuổi. Hơn hai năm nay được chi nhánh hãng IBM mướn và giao cho chức vụ phó giám đốc tại Quận-Cam Californie (Hoa Kỳ). Trong dịp nghỉ hè về Paris thăm cha mẹ. Thanh Vinh để ý và làm quen nữ chiêu đãi viên hàng không trên chuyến bay hãng Air-France từ Los-Angeles về Paris.

Nguyệt Thủy, cô gái mang hai dòng máu Việt-Mỹ, ba mươi hai tuổi.. Theo mẹ là Nguyệt Hạ hồi hương về Pháp cuối năm 1975. Nguyệt Thủy được mẹ lo cho ăn học và trở thành nữ chiêu đãi viên hàng không xinh đẹp và khả ái. Tuy đã trên ba mươi tuổi mà vẫn còn độc thân.Vì phải lo cho bà mẹ bị nghiện rượu mấy năm nay, tối ngày mẹ cô cứ say sưa, không ăn mà chỉ có uống rượu thôi. Thân xác suy mòn, tiều tụy, sắc hương chẳng còn chút gì tồn tại. Tuy Nguyệt Thủy rất khổ tâm, nhưng bổn phận làm con phải tròn chữ hiếu.

Từ khi lên ngồi trên máy bay, Thanh Vinh cứ ngắm nhìn và để ý Nguyệt Thủy, khi thấy cách cô đối đãi và chăm sóc hành khách. Cậu nghĩ: Cô đầm này dáng điệu dịu dàng, nhỏ nhẹ, chắc có máu Á-Châu? Vậy đợi cổ đi đến gần, mình hỏi tiếng Việt thử coi!

Nguyệt Thủy nãy giờ cũng để ý Thanh Vinh, cô đẩy chầm chậm xe nước đến gần Thanh Vinh. Không bỏ lỡ cơ hội, cậu đưa mắt nhìn lên hỏi:

_ Xin lỗi cô nói tiếng Việt được không?

Nguyệt Thủy mỉm cười trả lời:

_ Dạ được một chút!

_ Cô cho tôi xin ly nước cam!

_ ... Dạ mời ông!

_ Cám ơn cô!...Tôi tên Thanh Vinh! Xin cô cho biết quý danh?

_ Jeannine...!

_ Có tên Việt không ?

_ Nguyệt Thủy!

_ Nguyệt Thủy! Ô! Tên cô đẹp quá!... Mẹ tôi cũng Nguyệt...

Nguyệt Thủy lõ đôi mắt tròn xoe nhìn, và nghĩ: “Ông trẻ này lại nịnh đầm thật!”.

Thanh Vinh cảm thấy Nguyệt Thủy không mấy gì hài lòng khi cậu nói mẹ cậu trùng tên với cô, cậu liền đính chánh:

__ Mẹ tôi tên Nguyệt Thu!

Nguyệt Thủy mỉm cười :

_ Vậy à! Xin lỗi, Thủy đi làm... Chút nữa, tới lúc chiếu phim Thủy rảnh, anh qua quày bar bên kia uống nước!

_ Vâng!

Thanh Vinh được nói chuyện cùng Nguyệt Thủy vài lời xong. Cậu nghĩ: “Nếu mình không bạo dạn hỏi tiếng Việt, thì chắc cô cũng không nói đâu! Lạ thật! Lai mà giống y như đầm thiệt”. Thanh Vinh mỉm cười sung sướng. Sau đó, cô cậu gặp nhau cùng chuyện trò và thăm hỏi gia cảnh...

* * *

Máy bay đáp xuống phi trường Charles-De-Gaulle. Tất cả hành khách ra khỏi máy bay... Họ nối đuôi trình giấy thông hành và đi lấy hành lý. Thanh Vinh nán đứng đợi Nguyệt Thủy ra cùng phi hành đoàn. Vừa thấy Nguyệt Thủy, cậu vội vàn đưa tấm danh thiếp và nói:

_ Tôi về đây chỉ được có ba tuần, nếu hôm nào cô rảnh nhớ gọi đến số này, và mời cô đi dùng cơm với tôi một lần nhé!

Nguyệt Thủy tươi cười đưa tay lấy tấm danh thiếp và nói nhanh:

_ Dạ, cám ơn anh! Thủy được nghỉ ba ngày. Sau đó sẽ bay lại đường bay này!

_ Vậy tối mai... Thủy gọi... nha!

_ Thủy không dám hứa!

_ Thôi... Chào Thủy nhé!

Thanh Vinh nghe trong lòng vui vui, và Nguyệt Thủy cũng không khác gì ! Cô nghĩ: Vinh là con trai Bắc, ăn nói dịu dàng, lại còn đẹp trai nữa! Cô nhìn tấm danh thiếp đề: Giám đốc kỹ sư điện tử. Tự thốt lên: Ghê quá! Mấy ông trai trẻ này!

Nguyệt Thủy theo đồng nghiệp đi thẳng ra ngoài, leo lên chiếc xe buýt Air-France để đưa họ tới Porte-de-Mallot thả xuống đó, rồi mạnh ai tùy tiện về nhà nấy.

Nguyệt Thủy về đến nhà gần bảy giờ tối, tự tiện lấy chìa khóa mở cửa vô nhà. Cô gọi mẹ. Nhưng bà Nguyệt Hạ đi đâu mất, trên bàn hai ba chai rượu vin Bordeaux cạn đáy nằm đó, Nguyệt Thủy gom bỏ vào thùng rác. Cô đi tắm. Tắm xong ra salon mở T.V. ngồi nghe tin tức. Khoảng nửa tiếng đồng sau, cô đứng lên nhìn ra cửa sổ, nghe khắc khoải tâm hồn, tự hỏi: Không biết mẹ mình đi đâu rồi? Cô nghe buồn buồn, trở vô, đến mở cái xách tay lấy tấm danh thiếp đọc số điện thoại Thanh Vinh ghi cạnh mấy số bên Mỹ. Cô ưởng ngực hít thật mạnh và thở ra một hơi dài để lấy tinh thần gọi cho Thanh Vinh.

Tiếng điện thoại reo vang trong căn appartement năm phòng, rộng cả trăm thước vuông nằm trong một khu vườn lớn (Résidence de Vaugirard) có nhiều cây cổ thụ che đầy bóng mát và đủ loại hoa kiểng trông thật là sang trọng. Bà Nguyệt Thu đang đặt bàn ăn, bà thò tay nhấc điện thoại:

_ A-lô! Tôi nghe đây!

_ A-lô! Dạ thưa bà có ông Thanh Vinh nhà không?

_ Vâng có ! Xin lỗi cô cho tôi được biết quí danh!

_ Dạ thưa bà, cháu tên Nguyệt Thủy!

_ Nguyệt Thủy?

Bà Nguyệt Thu hơi ngạc nhiên bởi cái tên quen quen, bà tiếp:

_ Vâng, xin cô chờ một tí nhé! Vinh ơi! Có điện thoại của con. Cha chả, mới về là có nàng gọi rồi!

Thanh Vinh tươi cười nhận điện thoại qua tay mẹ:

_ Dạ, con cám ơn mẹ!... A-lô tôi nghe!

_ Nguyệt Thủy đây! Xin lỗi, Thủy có phiền gì anh Vinh không?

_ Không. Rất hân hạnh nữa là khác.

_ Anh về với ba mẹ chắc vui lắm...hén?

_ Vâng, cám ơn Thủy. Tôi vui lắm! Còn cô?

Nguyệt Thủy nín thinh vài giây...:

_ Dạ... Thủy cũng thường thôi!

_ Sau nghe giọng nói của Thủy hơi gợn buồn vậy?

_ Dạ, đâu có!

_ Bác gái khỏe chứ?

_ Dạ, cám ơn anh. Má Thủy khỏe...À... tối nay anh làm gì?

_ Mẹ tôi bảo: ăn cơm xong đi ngủ sớm!

Nguyệt Thủy bỗng cười khúc khích, nói đùa đùa:

_ Anh Vinh được mẹ cưng như em bé bê-bê hén!

Thanh Vinh đổi điện thoại không giây đi vào phòng, lên giường nằm nói chuyện cho thoải mái :

_ Cả năm mới về gặp mẹ vài ba tuần. Nên mẹ muốn ở nhà. Nhưng... còn Thủy có đi chơi đâu tối nay không?

_ Chưa biết! Tại Thủy thấy số điện thoại của anh cùng đường giây với nhà Thủy. Chắc anh Vinh ở gần đây quá?

_ Nhà ba mẹ tôi ở Paris mười lăm. Còn Thủy?

_ Quận mười bốn, gần Porte-d’Orléans!

_ Thế thì mình ở gần nhau rồi.

_ Nhà anh ở porte nào mà gần?

_ Porte-de-Versailles.

Bà Nguyệt Thu gõ cửa phòng và gọi:

_ Vinh à! Đói bụng chưa? Ra ăn cơm con ơi!

_ Dạ, con ra liền mẹ à !

_ Thủy phiền anh Vinh quá!

_ Không. Không có phiền đâu Thủy à! Thủy cho xin số điện thoại liền được không? Hồi chiều lo nói chuyện mà quên xin.

_ Anh ghi nha!

_ Rồi, chút nữa tôi gọi lại nhé!

_ Dạ.

Cơm đã dọn sẵn ba má Thanh Vinh ngồi chờ. Cậu bước ra phòng ăn đến bàn, ông Thanh Phong hỏi:

_ Mới về, mà con nói chuyện với ai lâu thế?

Bà Nguyệt Thu đỡ lời dùm con trai cưng của bà :

_ Thì bạn của nó chớ ai!

Ông Thanh Phong hỏi tiếp:

_ Bạn gái hả con?

_ Dạ.

_ Quen ở đâu vậy?

_ Dạ, con vừa quen trên đường bay về đây.

Bà Nguyệt Thu tiếp:

_ Ông sao hay để ý tới bạn bè của nó chi vậy. Thôi ăn cơm đi con. Rồi còn nghỉ ngơi nữa.

Dùng cơm xong, Thanh Vinh phụ mẹ dọn chén bát xuống bếp. Trong đầu nghĩ đến Nguyệt Thủy thật nhiều. Loay hoay với mẹ một hồi, cậu vô phòng điện thoại lại nhà Nguyệt Thủy, Nguyệt Thủy nghe điện thoại reo thấy mừng mừng trong lòng liền chạy nhanh đến bắt lên:

_ A-lô! ...

_ Thủy hả! Vinh đây, Thủy ăn cơm chưa?

_ Chưa!

_ Trời ơi! Giờ này mà chưa ăn cơm!

Nguyệt Thủy nín thinh, bên đầu giây tiếp:

_ A-lô! A-lô!

_ Thủy nghe mà, anh Vinh nói tiếp đi.

_ Thủy muốn đi ra ngoài ăn gì không? Cho địa chỉ, Vinh sẽ đến đưa Thủy đi ăn.

_ Anh Vinh ăn rồi mà!

_ Ăn nữa đâu có sao! Bác gái có nhà không?

Nguyệt Thủy ấm ớ...:

_ ...Ơ...ơ không!

_ Cho địa chỉ nhé!

_ Anh có viết chưa? Thủy đọc nè! Số...đường Général Leclerc quận mười bốn, số mật-mã...lầu năm, tay mặt.

_ Rồi, nửa tiếng nữa Vinh đến rước Thủy nhé!

Thanh Vinh vào phòng thay quần áo, cậu mặc quần Jean, áo T.sirt trắng, phía trước ngực in chữ California màu đen. Thanh Vinh vừa bước ra khỏi phòng gặp ba mẹ cậu đang ngồi xem truyền hình, hai ông bà cùng hỏi:

_ Giờ này con đi đâu vậy?

_ Dạ, con thả một vòng để ngắm cảnh Paris về đêm ba má à!

Bà Nguyệt Thu căn dặn con:

_ Đừng đi khuya quá nghe con!

 _ Dạ, thưa ba cho con mượn xe!

_ Chia khóa ba treo đàng kia, và giấy xe trong cặp-táp của ba kìa.

_ ... Con cám ơn ba! Thưa ba mẹ con đi!

Đàng này, Nguyệt Thủy cảm thấy trong lòng xôn xao, rộn ràng. Cô trang điểm chút son phấn đơn sơ, chải mái tóc cắt úp chấm vai và kẹp vén qua bên mép tai trái, cô mặc chiếc rốp lửng màu tím tay ngắn sát nách, dài khỏi đầu gối, gương mặt hơi trái xoan, đôi mắt to đượm nét buồn, nước da trắng hồng mịn màn, vóc dáng cao ráo, mảnh mai...

Thanh Vinh tướng diện đạo mạo, trẻ trung, cao gần một thước tám, gương mặt chữ điền, ánh mắt trong sáng và thông minh, cộng thêm nụ cười rất tế nhị. Hai cô cậu trông thật xứng đôi vừa lứa!

Thanh Vinh lái xe đến rước Nguyệt Thủy. Hai người đưa nhau ra miệt Champs-Élysée..

Tìm chỗ đậu xe xong, vào nhà hàng... Vì đã gần mười một giờ khuya rồi nên họ chỉ vào nhà hàng ăn đêm thôi. Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, hai người đều lựa món sà-lách Nioise, trộn đủ thứ, như cà-tô-mát, cá thu hộp, ô-liu đen, phó-mát, jambon v.v... và cùng gọi hai ly bia express.

Đầu tháng tám, mùa hè ban đêm vẫn nóng cỡ hai mươi bảy, hai mươi tám độ. Hai bên lề đường người ta vẫn còn đi dạo đông đảo. Ăn uống xong, Thanh Vinh đưa Nguyệt Thủy về, và họ cùng hẹn nhau hôm sau.

Nguyệt Thủy vừa vô nhà, thấy mẹ đang nằm ngả nghiêng trên salon, miệng thì ngâm thơ lảm nhảm...:

Hoa tươi ong bướm lượn quanh

Hoa tàn ong bướm bay nhanh cái...vèo!

Bây giờ hết cảnh đói nghèo

Mà sao tình bạn chán phèo quá đi...!

Ngâm mấy câu thơ xong, là bà cười khặc khặc như người mất trí. Nguyệt Thủy biết mẹ mình đang say sướt mướt rồi. Cô nhè nhẹ đến gần hỏi:

_ Má à! Má ăn gì chưa?

Bà Nguyệt Hạ giựt mình, ngồi dậy, đôi mắt nặng oằn, nhướng nhướng, nhìn nhìn con và nói một giọng nhè nhè, nhừa nhựa...:

_ ...Ăn gì, ăn ...cái gì bây giờ? ... Ư...ư... con về hồi nào đó ?

_ Dạ, con về hồi chiều này! Má ăn gì chưa? Con đi nấu chút súp cho má ăn nghe!

_ Thôi. Ăn cái gì? Nè... nè con khui dùm má chai rượu, má mới mua đó.

_ Má say quá rồi, uống chi nữa!

_ Say đâu mà say chứ! Hổng khui thì... thì tao khui.

Bà Nguyệt Hạ vừa đứng lên là ngả xuống liền, từ trong miệng bay ra mùi rượu nực nồng làm Nguyệt Thủy muốn nghẹt thở. Nhưng cô cũng ráng chìu ý mẹ đi khui rượu. Cô xách chai rượu xuống bếp khui xong đem lên, trên này bà Nguyệt Hạ đã ngái khò khò tại salon. Nguyệt Thủy lấy mền đắp lên cho mẹ, cô vào phòng thay đồ ngủ, nằm trằn trọc suy nghĩ đến Thanh Vinh, người con trai mà cô vừa quen nhưng sao trong lòng lại nghe vấn vương tình cảm đậm. Biết rằng, việc làm, ngành của cô, cô giao thiệp rất nhiều đàn ông, con trai, mà chưa dám để ý đến một ai, chỉ xem họ như bạn đồng nghiệp. Mặc dầu có vài ba cậu muốn thân thiện. Nhưng cô vẫn từ chối. Bởi cô thường mang cái mặc cảm là có bà mẹ bệnh hoạn như thế, cô khổ tâm lắm. Hơn nữa, cô chỉ giao thiệp với người Âu-Mỹ ít khi được quen với Việt Nam. Bởi bận đi làm rồi về lo cho mẹ. Có đôi khi cô muốn tự nguyện không lấy chồng. Nhưng bây giờ cô gặp được Thanh Vinh, làm tâm hồn cô đang thay đổi...

Căn appartement ba phòng do tiền của Nguyệt Thủy dành dụm và gom góp một số nữ trang của mẹ bán nhập vô để đủ mua góp. Đã có chỗ cho hai mẹ con, mỗi người một phòng ngủ mà dường như salon là giường ngủ thường niên của bà Nguyệt Hạ. Nguyệt Thủy đoán mẹ mình có một nỗi buồn đau, u uất gì đó. Dù vậy, mẹ cô cũng ráng lo cho cô ăn học đến nơi, đến chốn. Từ ngày Nguyệt Thủy học ra trường và đi làm đến nay đã gần mười năm. Rồi bỗng nhiên vài năm nay mẹ cô lại uống rượu say sưa. Những năm Nguyệt Thủy còn đi học, bà đi làm từ hai giờ chiều đến ba bốn giờ sáng. Nhưng gần mười năm nay bà không còn đi làm như thế nữa. Chẳng biết bà buồn chuyện chi mà sanh ra như vậy. Phải chăng bà quá cô đơn, hay lý do gì đó? Nhưng tại sao bà không nghĩ đến đứa con gái mà bà hết mực thương yêu lo lắng khi bà còn trẻ? Thật cũng lạ!

* * *

Cuộc gặp gỡ giữa Nguyệt Thủy và Thanh Vinh, đem đến cả hai một tình cảm càng ngày càng thiết tha và sâu đậm. Sau khi Thanh Vinh hết ba tuần lễ nghỉ hè. Cậu trở lại Cali. làm việc. Nguyệt Thủy vẫn tiếp tục nghề của cô. Mỗi lần bay đi và về, cô nghỉ ở nhà được ba ngày. Từ dạo đó Thanh Vinh và Nguyệt Thủy thường xuyên viết thư cho nhau. Và thỉnh thoảng họ hẹn gặp nhau ở Los-Angeles. Kết cuộc mối tình giữa hai người rất thắm thiết.

Một năm sau, cũng vào mùa hè. Thanh Vinh trở về Paris và xin cha mẹ cưới Nguyệt Thủy cho cậu. Một hôm Thanh Vinh mời mẹ cha đi ăn cơm chung với hai mẹ con Nguyệt Thủy, sẵn dịp giới thiệu cho cha mẹ đôi bên biết mặt. Họ hẹn nhau đến một nhà hàng Tàu ở quận mười ba.

Trước mấy ngày, Nguyệt Thủy năn nỉ mẹ bớt uống rượu. Bà Nguyệt Hạ nghe lời con, nhưng bà phải uống thuốc an thần cho tỉnh táo tâm thần.

Đến ngày hẹn đi ăn. Ông bà Thanh Phong và con trai đến nhà hàng trước. Mười phút sau Nguyệt Thủy dẫn mẹ vào. Bà Nguyệt Thu vừa thấy Nguyệt Hạ, bà sửng sốt, làm mặt nghiêm xem như chưa từng quen biết nhau, bà nghĩ: Trời ơi! Sao mà ông trời sắp đặt chi quái ác như vầy? Nguyệt Hạ cũng ngạc nhiên không ít.

Thanh Vinh đứng lên giới thiệu:

_ Dạ, thưa ba má, đây là bác Nguyệt Hạ mẹ của Nguyệt Thủy đấy ba má!

Hai ông bà Thanh Phong đều đứng lên chào. Nét mặt Nguyệt Thu thay đổi không tự nhiên chút nào. Mọi người ngồi bàn... Cậu bồi bàn đem mấy tờ thực đơn đưa mỗi người... Bà Nguyệt Thu lựa lựa... Sau đó, mọi người đều chọn menu năm phần... Người ta vừa bưng đồ ăn ra... Bàn phía bên trong. Thật ngẫu nhiên! Bà Lệ Huyền cũng đi ăn với bạn bè.

Vào thập niên sáu mươi khi xưa Lệ Huyền là bạn của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu. Hai bà vừa thấy Lệ Huyền cả hai đều hết hồn. Lệ Huyền nhìn ra thấy hai người bạn cũ, bà đứng lên õng a, õng ẹo đi qua bàn chào hỏi, cười nói sang sảng:

_ Nguyệt Thu! Nguyệt Hạ!... Thiệt là trái đất tròn! Sao mà tụi bây gặp lại nhau được vậy?

Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn đứng tim, bốn mắt nhìn nhau. Còn ông Thanh Phong, Thanh Vinh và Nguyệt Thủy không hiểu gì hết, nên chỉ gật đầu chào. Bà Nguyệt Thu lúng túng chẳng biết phải làm sao, bà liền nói:

_ Ờ, ờ cũng ngẩu nhiên thôi! Mai mốt mình gặp sau nhé Lệ Huyền! Vì bữa nay con trai tao mời... ăn cơm.

Nguyệt Thu bối rối, lật đật bảo con cho số điện thoại mà không cần suy nghĩ:

_ Vinh, con ghi số điện thoại nhà mình cho dì Huyền đi con!

Thanh Vinh cũng làm theo lời mẹ. Lệ Huyền lấy số điện thoại và chúc cả bàn ăn ngon, bà õng ẹo đi trở về bàn.

Bữa cơm Tàu thịnh soạn, ông Thanh Phong, Thanh Vinh cùng Nguyệt Thủy ăn rất tự nhiên. Chỉ có bà Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu là nuốt hết nỗi. Ăn xong tính tiền, mọi người ra về. Hai bà, Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu muốn nghẹt thở...

* * *

Vào khoảng năm 1964, Nguyệt Hạ là cô vũ nữ hai mươi tuổi làm tại phòng trà... giữa thủ đô Sài-gòn. Lúc đó, cô mướn một căn phòng nhỏ. Chung quanh có các cô, cậu sinh viên học đủ ngành. Phòng của Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu cạnh bên. Dạo ấy, Nguyệt Thu nữ sinh viên trường luật, năm thứ hai. Cô sanh trưởng trong một gia đình người Bắc di cư vào Nam năm 1954, cư ngụ trên Hố Nai (Biên Hòa), gia cảnh không mấy gì khá giả cho lắm, hôm nào rảnh là Nguyệt Thu qua phòng Nguyệt Hạ để tâm sự, than thở, nói là gia đình cô nghèo mà cô tiếp tục học hành thì không giúp được gì cho mẹ cha ở nhà. Nguyệt Hạ nghe động lòng. Mặc dù cô mang thân làm vũ nữ, nhưng tấm lòng của cô hay thương người, nhứt là các sinh viên nghèo mà chăm học nên cô hay tặng chút ít tiền bạc để mua sách vỡ... Nguyệt Hạ nghe những lời than thở của Nguyệt Thu, thấy vậy, cô mới rủ Nguyệt Thu nên đi làm vũ nữ với cô, chớ đi dạy kèm tiền đâu có bao nhiêu. Vì nào là tiền phòng, tiền học, tiền sách... còn không đủ, thì làm sao có tiền mà giúp gia đình. Nguyệt Thu nghe những gì Nguyệt Hạ cắt nghĩa trong việc làm ấy. Nên cô không ngần ngại đi làm ngay vài ngày sau đó. Bởi nơi vũ trường có nhiều khách ngoại quốc. Vì Nguyệt Thu nói rất khá sinh ngữ Anh và Pháp. Cách nói chuyện của cô thật hoạt bát và duyên dáng.

Sau đó, ngày ngày Nguyệt Thu đi vào trường đại học. Đêm đêm xách giỏ đi làm vũ nữ. Từ nhà ra đi, cô vẫn mặc áo dài trắng, quần đen, xách cặp-táp theo giống như đi dạy kèm cho học sinh. Nhưng khi đến nơi vũ trường, cô thay đổi xiêm-y theo phòng trà. Cô trang điểm phấn son rất đơn sơ, và luôn giữ tư cách lịch sự, đàng hoàng, trên gương mặt có vẻ ngây thơ, vì cô mới va chạm đời, cô rất ăn khách là nhờ những điểm ấy, không bao giờ cô đi khách. Nếu kẹt quá thì đẩy qua cho Nguyệt Hạ giải quyết vấn đề ấy thay thế! Cô chỉ tiếp khách, khách mời uống nước trà Sàigòn, cô được chia đôi với chủ và có một chút tiền lương cố định hàng tháng. Chủ biết cô có trình độ học vấn khá cao nên rất quý cô và chủ thường nhờ cô coi sổ sách. Tuy Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu đồng tuổi, nhưng Nguyệt Hạ ra đời sớm nên sành sõi và rất vững nghề, cô rất thích làm anh hùng che chở, bênh vực Nguyệt Thu khi bị những tay anh chị... đụng đến, Nguyệt Hạ xem Nguyệt Thu như cánh hoa yếu đuối. Hai người bạn gái thân thương nhau lắm. Trong khi đó lại có thêm một cô bạn đồng nghiệp là Lệ Huyền. Thỉnh thoảng cả ba đi ăn sáng trong chợ Sài-gòn hoặc thả bộ vào các Thương-Xá đại lộ Lê-Lợi, Nguyễn Huệ, Tự Do để mua sắm son phấn, áo quần v.v... Nhưng Nguyệt Thu không mấy gì hạp với Lệ Huyền. Bởi Lệ Huyền hay móc lò, kê tủ đứng, nói Nguyệt Thu là: Nữ sinh viên còn trinh, biết đâu xe nhà binh chung vô cũng lọt... Lệ Huyền nói xong, cô cười khặc khặc, khà khà. Bởi sự thiếu tư cách và hơi thô lỗ của Lệ Huyền nên khi nào có cô đi chung thì Nguyệt Thu nét mặt không mấy gì được vui.

Suốt mấy năm, Nguyệt Thu vừa đi làm vừa đi học đại học. Sau đó, cô thi đậu bằng cử nhân luật, cô bắt đầu đi làm tập sự, có được chút tiền thù lao. Từ đó cô dứt khoát bỏ nghề vũ nữ bất đắc dĩ! Nhưng cô vẫn còn ở chỗ cũ. Cũng vừa lúc đó, Nguyệt Hạ có chửa hoang với người khách Mỹ, bụng càng ngày càng bự, cô phải nghỉ làm để chờ ngày sinh nở. Cái nghề tiền rừng bạc biển. Nhưng khi hết đi làm chỉ một thời gian ngắn là tiền cạn khô. Nguyệt Hạ ngày đêm suy nghĩ, cô qua phòng Nguyệt Thu than thở:

_ Nguyệt Thu à! Chắc tao phải đi tìm nơi khác, chứ ở đây tao thấy mắc cỡ với mấy anh, chị sinh viên quá hà Nguyệt Thu ơi! Kiếm chỗ nào phòng rộng hơn một chút. Tao với mầy mướn chung nha!

_ Tìm đâu ra bây giờ?

_ Thiếu gì!

_ Mầy biết hả Nguyệt Hạ ?

_ Ừa, tao nghe bên hẻm đường Trần Quí Cáp có chỗ cho mướn, phòng sạch sẽ hơn ở đây và giá cũng phải chăng.

_ Đừng có đắc tiền lắm là được rồi.

_ Tùy theo mình muốn lấy phòng nhỏ hay lớn thôi.

Nguyệt Thu và Nguyệt Hạ dắt nhau đi xem phòng. Cuối cùng hai cô đồng ý mướn và hì hụt dọn đến hẻm Trần Quý Cáp.

Gần đến ngày sanh nở, Nguyệt Hạ túng thiếu nên muốn vào nhà thương Từ-Dũ sanh cho đỡ tốn tiền. Nhưng Nguyệt Thu không bằng lòng, vì cô đã đi làm luật sư có khá tiền, cô sẵn sàng lo giúp Nguyệt Hạ hết mình. Cô đưa Nguyệt Hạ đi sanh trong một nhà bảo sanh tư... Tình nghĩa chi giao cao như núi, rộng như biển trời. Hai cô thề thốt, kết tình bạn keo sơn chẳng bao giờ nhạt phai.

Nguyệt Hạ sanh con gái, cô và Nguyệt Thu, đều bằng lòng đặt tên cho bé là Nguyệt Thủy. Khi bé Nguyệt Thủy được vài tháng, Nguyệt Hạ mướn vú nuôi, cô trở lại nghề cũ, còn Nguyệt Thu thì gia đình gọi về lấy chồng. Từ đó Nguyệt Hạ và Nguyệt Thu phải chia tay. Nguyệt Thu lấy ông dược sĩ vừa ra trường, tên Nguyễn Thanh Phong ba mươi tuổi. Cưới xong vài tháng sau thì ông dẫn vợ sang Pháp cùng tu nghiệp và sống luôn bên ấy. Vài năm sau hai ông bà có đứa con trai đặt tên là Thanh Vinh.

(còn tiếp)

Việt Dương Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002