Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐỌC “VIỆT NAM NHÂN CHỨNG” CỦA TRẦN VĂN ĐÔN

Phụng Hồng

(tiếp theo kỳ trước)

Ngoài những sai lầm trầm trọng về lập luận kể trên, tác giả còn phạm vào những lỗi lầm khác mà tôi nghĩ là ông đã thiếu thận trọng kiểm chứng trong lúc viết một cách vội vã. Điều này đã làm giảm giá trị cuốn sách không ít.

Trước hết người đọc đã bắt gặp lác đác đó đây những câu văn què (phrases boiteuses) sai văn phạm, thí dụ như:

“Năm 1947, tôi đang làm việc Sở Nghiên Cứu Lịch Sư û(Service des Études Historiques của Pháp.” (trang 52).

“Năm 1965 lúc chúng tôi bị bắt buộc phải ở Đà Lạt vì những vụ chỉnh lý, biểu dương lực lượng ở Sài Gòn.” (trang 390) ... chứng tỏ tác giả ít chú trọng đến cách hành văn cho đúng quy luật.

Vài lỗi chính tả thông thường, nhầm lẫn giữa hai danh từ “đảo chánh” với “cách mạng”, những lời chú thích sơ sài, không sát với thực tế ở những bức hình lịch sử mà tác giả từng là một nhân chứng quan trọng, làm cho người đọc thêm ngỡ ngàng. Nhiều tên họ viết sai như: Phan Hòa Hiệp chứ không phải “Phạm” (trang 235), đại tá Tôn Thất Khiên, chứ không phải “Khiêm” (trang 386) (ông này sau ngày Sài Gòn thất thủ, bị kẹt lại và bị Việt cộng bắt đi cải tạo tại làng Cô Nhi Long Thành (15 NV), 2 tháng sau đó bị giải đi một nơi bí mật khác và bị kết án tù 30-4-1975 năm khổ sai ...), đại tá Hoàng Trọng Trị chứ không phải “Trí” (trang 456).

Về vụ “chính biến Nhảy Dù” của đại tá Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh, ông Đôn đã có hai nhận định sai lầm: ông cho rằng, đại tá Trần Thiệm Khiêm đem quân về “dàn sau lưng quân Nhảy Dù. Thấy quân Nhảy Dù không còn hăng say, lưng chừng và mất tinh thần, đại tá Trần Thiện Khiêm liên lạc với Nguyễn Khánh, rồi ngã theo ông Diệm nổ súng vào quân đảo chánh.” (trang 154). Sự thật không đúng như vậy. Ngược dòng thời gian, ta nhớ lại rằng cuộc đảo chánh khởi sự lúc 3 giờ sáng ngày 11.11.60. Đến 10 giờ, TT Diệm kêu cứu trên đài đặc biệt của Phủ Tổng Thống qua tần số riêng cho các Tư Lệnh Quân Khu và nêu đích danh “đại tá Trần Thiện Khiêm đem quân về Phú Lâm chờ lệnh ...” (Đại tá Khiêm lúc này đang làm Tư Lệnh Quân Khu V Cần Thơ và được TT Diệm tin dùng). Trên đường tiến về thủ đô, khi đi ngang qua Cai Lậy để chờ qua phà Mỹ Thuận, đại tá Khiêm đã liên lạc với thiếu tá trung đoàn trưởng TR/Đ BB T.V.K., thuộc SĐ 2 BB (nguyên đồn trú tại Sơn Chà Đà Nẵng) đang hành quân tại đây. Do một sự tình cờ, máy truyền tin trung đoàn cũng bắt được mật lệnh này. Vì cũng là người Công Giáo, lại đảng viên Cần Lao, nên thiếu tá K. đã sẵn sàng. Do đó đã điều động ăn nhịp với cánh quân của Đ.tá Khiêm mà không gặp trở ngại nào. Lúc đó tôi là y sĩ trưởng của đơn vị nên đã theo sát cuộc hành quân chớp nhoáng này. Hơn nữa, Đ.tá Khiêm vốn ghét ông Thi nên thay vì “chờ lệnh ở Phú Lâm”, bèn đi thẳng lên Sài Gòn, phục tại vườn hoa Tao Đàn, sau lưng Dinh Độc Lập! Dọc đường lại “móc nối” thêm Chiến Đoàn Thiết Giáp của Thiếu Tá Lâm Quang Thơ ở Mỹ Tho. Oâng này lại quá hăng, tuyên bố một câu “xanh rờn” sẽ cho xe tăng mình nghiền nát “những thằng rằn ri” (ám chỉ quân phục Nhảy Dù). 6 giờ chiều hôm đó chúng tôi đã có mặt tại Sài Gòn, đóng rải rác dọc theo đường Hồng Thập Tự và Lê Thánh Tôn yểm trợ, cho Lữ Đoàn Liên Binh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ. Chính vì sự có mặt đông đảo và mau lẹ như thế mới làm cho quân Nhảy Dù “mất tinh thần”, vì trước đó họ đã được cho biết đem quân đi “cứu TT Diệm đang bị lâm nguy”. Sau này họ mới biết mình đã bị phỉnh gạt. Nói tóm lại mục đích chúng tôi về “cứu TT Diệm” đã được quyết định  ngay từ đầu, trước khi xuất quân.

Điểm thứ hai ông Đôn cho rằng đã bị hàm oan trong âm mưu đảo chánh này, vì sự có mặt của mình tại Sài Gòn thời gian đó là tình cờ về họp hàng tháng mà lại do Đại Tá Dương Ngọc Lắm, tư lệnh SĐ 2, thuộc quân đoàn I (nghĩa là thuộc quyền chỉ huy trực tiếp của ông) báo cáo với TT Diệm để lập công. Điều này cũng không đúng vì lúc đó Đại tá Lắm đang tham dự với Trung Đoàn 4 để chống đảo chánh và đã được TT Diệm trọng thưởng rồi thì hà tất ông Lắm còn cần chi phải lập công nữa? Vả chăng khi đã biết vậy, và khi đã được “giải oan” rồi, tại sao ông Đôn không dùng quyền hạn Tư Lệnh của mình mà cách chức ông Lắm? (3 năm sau ông này mới rời chức TL/SĐ 2 để về làm Tổng Giám Đốc ĐPQ&NQ). Đây là một nghi vấn (trang 156).

Trang 228, ông Đôn viết: “Lúc tối tôi có dặn thiếu tướng Lê văn Kim cho mời các Bộ trưởng Chánh Phủ đương kiêm vô trình diện tại bộ tổng tham mưu, nhưng gần sáng mà chưa thấy ông nào tới ...”. Thực ra lúc quá khuya hôm đó, đài phát thanh đã loan tin “đã có một số quý vị bộ truởng như Trần Đình Đệ, bộ trưởng hiện có mặt tại bộ TTM ... Bộ trưởng phụ tá quốc phòng và phủ TT Nguyễn Đình Thuần có mặt sớm nhất!

Cũng cần nói thêm là trong suốt chương trình này (Tôi và cuộc Cách mạng 1963), tác giả không hề ghi lại nguyên văn những bài kêu gọi và tuyên bố của Hội Đồng Tướng Lãnh ngỏ cùng đồng bào, bài kêu gọi TT Diệm từ chức ... và nhất là bài cùng đồng bào toàn quốc nói rõ lý do tại sao quân đội đứng lên đảo chánh ... (Nếu tôi không lầm thì bản tuyên cáo đó có đoạn: “... Hôm nay là ngày toàn thể quân đội thể theo nguyên vọng của toàn dân đứng lên lật đổ chế độ gia đình trị Ngô Đình Diệm, ngày mà đồng bào mong đợi đã đến ...”) Đó là một thiếu sót vô cùng quan trọng để lưu lại cho hậu thế tìm hiểu thực chất cuộc đảo chánh. Muốn làm một nhân chứng vọ tư tất phải biết điều căn bản tối thiểu đó.

Trang 230: “Vào lối 7giờ rưỡi trong lúc tôi gắn cấp bậc thiếu tướng cho đại tá Nguyễn Văn Thiệu ...” người đọc cần đánh dấu hỏi ở chỗ này, vì năm 1967, ông Tôn Thất Đính, chủ nhiệm nhật báo Công Luận đã viết một bài nhan đề “một bản án dành cho những người làm cách mạng” đã in một tấm hình chụp rõ ông đang gắn cấp bực thiếu tướng cho Nguyễn Văn Thiệu (lúc đó đang làm chủ tịch UBLĐQG, hình như ông Đính muốn trưng tấm hình này ra là để trêu tức ông Thiệu, tại dinh Gia Long sáng ngày 2.11.63 (vì lúc đó ông này đang chỉ huy 1 cánh quân của SĐ 5 tiến chiếm Dinh Gia Long), với lkờ chú thích dưới tấm ảnh đề cao ông Đính xem ông Thiệu như đàn em!

Về vụ “Biến Động Phật Giáo Miền Trung” năm 1966, trang 372, có nhiều chi tiết quan trọng mà tác giả không đề cập tới. Phải thành thật mà công nhận rằng lúc đó ảnh hưởng của Phật Giáo Ấn Quang đang lên cao, mà trung tướng Nguyễn Chánh Thi đương kiêm tư lệnh QĐ1?VICT lại là người có uy tín của phe Phật Giáo. Đó là cái gai của CIA cần phải nhổ đi (vì nghề của chàng là không bao giờ chịu có một cái gì uy tín quá mạnh ở một nước chư hầu cả, vì thế sẽ khó thao túng, khó bảo ...) vì thế đã bật đèn xanh cho Nguyễn Cao Kỳ làm. CIA lại biết rõ trước việc hạ bệ tướng Thi gây ra bất mãn trong đại đa số quân nhân Phật tử tại Huế  và Đà Nẵng. Vì thế đó cũng là một cái cớ để đàn áp phong trào Phật Giáo luôn. Ông Kỳ đã tuyên bố một câu rất thất nhân tâm: “Chúng tôi coi như Đà Nẵng đã bị cộng sản chiếm và chúng tôi cần phải giải phóng!” trước một số đông ký giả trong và ngoài nước. Trong lúc đó Viện Hóa Đạo lại tổ chức biểu tình làm tình hình thêm căng thẳng. Binh sĩ không còn lo gì đến việc chống cộng nữa mà “vác súng vô chùa” tử thủ, oái oăm tuân lệnh “mấy thầy”! Câu nói của ông Kỳ như  “lửa cháy thêm dầu”, rút cục chỉ có thằng cộng sản là trục lợi thôi. Vì một người dù ngu dốt đến đâu cũng không thể hiểu rằng vùng ICT đang có hai sư đoàn B (1&2), một liên đoàn BĐQ, cộng thêm những tiểu đoàn cơ động biệt lập khác trấn giữ lại bị cộng sản chiếm được. Đó là một điều hết sức vô lý là một ông chủ tịch UBHPTU thông minh không bao giờ nói.

Khi thiếu tướng Huỳnh Văn Cao ra thế tướng Tôn Thất Đính làm tư lệnh trong một cuộc thị sát tại Mang Cá Huế (Bản doanh bộ TL/SĐ1), ông Cao đã suýt bị Th/U Nguyễn Đại Thức liều lĩnh bắn chết, nếu không có viên phi công trực thăng Mỹ cạnh đó bắn chết Th/U Thức trước (vì thế sau này SĐ1 đã lập “chiến đoàn Nguyễn Đại Thức gồm những quân nhân Phật tử ly khai). Kết quả là tiềm năng chống cộng không còn, một số đơn vị trưởng không phải là công giáo bị thuyên chuyển ra khỏi vùng. (chỉ có quân nhân công giáo là được ở lại mà thôi). Tướng Thi bị cách chức vĩnh viễn. Chuẩn tướng Phan Xuân Nhuận, TL/SĐ1 Huế bị giáng cách xuống Đại Tá. Một điều đau lòng nhất là sau đó trên đường ra hành quân diệt cộng tại Mỹ Chánh, thiếu tướng Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng TĐ4 TQLC là đơn vị đã hăng say đàn áp ở Đà Nẵng, đã bị một quân nhân Phật tử thuộc SĐ1 bắn chết (ông này đã có công trong cuộc tấn công dinh Gia Long ngày đảo chánh).

Ở Đà Nẵng những ngày sau đó còn có tin đồn sẽ có những ban cảm tử hăm dọa giết trung tá TQLC Nguyễn Thành Yên, tư lệnh chiến đoàn B/TQLC kiêm quân trấn trưởng Đà Nẵng, người đã cho lệnh bắn nát các chùa tỉnh hội Đà Nẵng.

Như vậy, đàn áp Phật Giáo trong vụ này có lợi gì? Người ta đã thắc mắc quá nhiều với câu hỏi: TT Diệm chỉ mới động đến lá cờ Phật Giáo mà phải trả 1 giá quá đắt. Ngược lại, tập đoàn Thiệu-Kỳ tấn công chùa là nơi thờ tự tôn nghiêm của đạo giáo, lại còn huênh hoang tuyên bố sẽ ‘cho xe tăng cày nát Viện Hóa Đạo, nếu mấy thầy cứ tiếp tục nhịn ăn” (! ) thì lại vẫn cứ phây phây tại chức, thế là nghĩa làm sao? Người đọc rất lấy làm buồn mà không thấy nhân chứng Trần Văn Đôn lên tiếng. Phải chăng đã có một bàn tay “lông lá” che chở?

Trang 392: Cần bổ khuyết thêm: Tướng Thi thả Phạm Văn Huyên  (Thú y sĩ) và Tôn Thất Dương Kỵ (nguyên giáo sư dạy quốc văn , Sử Địa tại trường trung học Khải Định Huế. Sau ngày 30-4-1975 ông này xuất hiện tại Sài Gòn với chức vụ Tổng Thư Ký Mặt Trận Liên Minh Dân Chủ Hòa Bình của tên Trịnh Đình Thảo) qua cầu Hiền Lương vì tội thân cộng.

Trang 394: cần phải nói rõ Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội đã không đem lại kết quả khả quan cho đời sống binh sĩ, mặc dù họ phải đóng mỗi tháng 100 đồng khấu trừ vào tiền lương. Tham nhũng lem nhem, giấy tờ không phân minh, lại bị mất mát một số tiền khá lớn, đến nỗi Nguyễn Văn Thiệu phải ngưng chức đương kim tổng trưởng quốc phòng là Nguyễn Văn Vỹ (chủ tịch) để giao cho tướng Nguyễn Văn Hiếu đang làm tư lệnh phó QĐIII/V3CT điều tra. Ông này đã bị tướng Nguyễn Văn Toàn toa rập hạ sát tại văn phòng vì toan tố cáo đích danh tập đoàn tham nhũng này (chi tiết này do chính cụ Nguyễn Văn D, thân sinh tướng Hiếu tiết lộ với người viết khi vào trại cải tạo Long Thành).

Trang 455: Người đọc đã không tài nào hiểu nỗi thái độ của ông Đôn lúc bấy giờ. Tình thế đã vô cùng khẩn trương, mấy sư đoàn thiện chiến đã tan rã, quân nhân các cấp lạc ngũ. Vùng 1 và 2 đã mất, với cương vị ông Đôn lúc bấy giờ, nếu ông là người ái quốc chân chính, người ta đang chờ đợi ở ông những hành động thiết thực hơn. Tại sao ông không xách đầu mấy thằng tư lệnh vùng như Ngô Quang Trưởng, sư đoàn trưởng như Nguyễn Đức Khánh, Nguyễn Duy Hinh, tham mưu trưởng như Hoàng Mạnh Đáng ... ra pháp trường mà xử tử có hơn không? Thay vì làm như vậy, ông lại giao cho tên tướng bất tài, bợ đỡ là Lê Nguyên Khang “điều tra tại sao vùng I thất thủ???!!” Chao ôi giặc cộng đã tràn vào Ngã Ba Chú Ía rồi, mà còn điều tra nỗi gì? Ông Đôn đâu có làm nhân chứng cho vụ thương bệnh binh nổi loạn ngày 29.3.75 tại Tổng Y Viện Duy Tân, khi Ngô Quang Trưởng tối hôm trước còn hứa hẹn đủ điều với chỉ huy trưởng, nhưng khuya lại đã chuồn lẹ ra tàu Hải Quân rồi! Còn thằng tham mưu trưởng QĐI là Hoàng Mạnh Đáng thì bỏ máy điện thoại ra ngoài để khỏi bị quấy rầy. Đánh đá kiểu gì kỳ vậy? Chúng nó bây giờ còn đủ can đảm để ngắm chân dung đức Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ không? Than ôi! Tiền nhân xưa đã dạy: “Giặc đến nhà đàn bà phải đánh!” Nhưng ngày nay giặc đến nhà thì tướng tá lo “điều tra” rồi tà tà ra tàu .... Hancock!!! Dĩ đào di thượng sách mà! Con cháu bà Trưng, bà Triệu như thế ư?

Trang 468: Cần thêm một chi tiết khá hấp dẫn về chuyện quân cảnh TQLC Mỹ đã hộ tống Thiệu và Khiêm lên Tân Sơn Nhất để đáp phi cơ đặc biệt qua Đài Loan có mang theo 16 tấn vàng (bản tin đài BBC tối 25.4.75). Ba ngày trước đó vợ Thiệu và vợ Khiêm đã qua trước.

Trang 474: có nhiều chi tiết ông Đôn thuật lại không đúng và không rõ về vụ “có ba ohi cơ của Không Quân Việt Nam Cộng Hòa làm phản ... sau mới biết máy bay đó của Không Quân Việt Nam  Cộng Hòa còn lại ở Đà Nẵng ...” Thực ra có đến 6 chiếc Skyraider A37 của ta bỏ lại ở phi trường Phan Rang, do Nguyễn Thành Trung (phi công phản loạn dội bom Dinh Độc Lập sáng 9/4 rồi bay về Phan Rang lúc đó đã thất thủ. Trung được Việt cộng thăng đại úy nhưng sau này vẫn bị ra rìa) hướng dẫn bay vào dội bom phi trường TSN. Trung lái một chiếc đi đầu, còn những chiếc kia do phi công Bắc Việt đã từng lái Mig 17 điều khiển. Trong lúc đó, ông Minh đang nhận bàn giao từ ông Hương (4 giờ 15 chiều 28/4). Tại phi trường Phan Rang, ta đã bỏ lại hầu như nguyên vẹn không cụ, vũ khí, đạn dược và phi cơ phản lực chiến đấu ... Việt cộng đã triệt để khai thác nguồn tiếp liệu này. Chúng đã xử dụng nơi đây như là bàn đạp để tấn công Sài Gòn, chứ không phải Đà Nẵng, vì Phan Rang chỉ cách Sài Gòn 20 phút bay. Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, tư lệnh SĐ6 KQ cũng bị bắt tại đây cùng với Tr/tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (không thấy ông Đôn nhắc đến tên ông Sang. Hai ông này liền sau đó bị Việt cộng giải ra Hà Nội trình diện trong một cuộc họp báo quốc tế).

Trang 484: người ta được biết tối 29.4, trung tướng Vĩnh Lộc với tư cách là tân tổng tham mưu trường QLVNCH đã lên đài truyền hình đọc một bài nhật lệnh rất dài, chửi Thiệu và Cao Văn Viên cùng các tướng tá khác mà ông cho là nhát gan, hèn yếu đã bỏ chạy và kêu gọi quân nhân các cấp còn lại giữ vững tinh thần chiến đấu đến hơi thở cuối cùng (!?). Nhiều người bỗng dưng lên lại tinh thần cao độ, kể cả người viết bài này. Không dè một sĩ quan thân cận hôm sau đã cho tôi hay là nửa đêm hôm đó, ông Lộc cho lệnh khóa chặt cổng chính bộ TMM, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Thế rồi ông chuồn mất! Mãi 9 giờ sáng 30-4, ông Minh mới được báo cáo, liền đề cử chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh (vô danh tiểu tốt) lên thay thế. 9 giờ 30, ông này lên đaì Sài Gòn kêu gọi các đơn vị QLVNCH trên toàn lãnh thổ miền Nam “hãy giữ nguyên vị trí cũ và không được nổ súng”.

Trang 485: Cần nhấn mạnh một điểm ở đây là ở chương này “Những điều nghe biết sau 30-4-1975”, ông Đôn chỉ nghe kể lại một chiều nên đã thiếu sót và sai lạc. (Ông Hạnh được miễn cải tạo và về đạp xe lam bán rau cải chợ Cầu Ông Lãnh.

10 giờ 30 sáng 30-4 trở đi, ông Minn lên đài đọc đi đọc lại nhiều lần lời kêu gọi “bên kia” về “nhận bàn giao chính quyền” (!) Tiếp theo người ta còn nghe những lời kêu gọi của những tên chính khách xu thời yêu cầu mọi người ra trình diện, kể cả tên Hoàng Châu, chủ nhiệm Nhật Báo Độc Lập, đại diện nghiệp đoàn ký giả.

11 giờ đoàn xe tăng Nga PT76 (loại chiến xa chúng đã xử dụng trong chiến dịch Hạ Lào Nam Sơn 719 (1972) và trong trận đánh Ban Mê Thuộc) do đại úy VC Bùi Quang Thận (tên này là em Đ/U VC Bùi Quang Tùng trong trận Điện Biên Phủ) húc đổ cổng sắt chính Dinh Độc Lập, tiến sâu vào sân cỏ húc đổ luôn cả cột cờ đang  phất phới lá cờ vàng 3 sọc đỏ. Tôi và anh phóng viên hãng AP G. Esper không nén được xúc động, cầm được nước mắt. Lúc này tại phòng khánh tiết, ông Minh và các thuộc hạ trong “tân chính phủ” đã tề tựu đông đủ để “bàn giao chính quyền” như Lý Quý Chung (bộ trưởng Thông Tin), Lý Chánh Trung, Ngô Công Đức, Hồ Ngọc Nhuận, LM Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan (tu xuất), DB Lê Bình Duyên, nhiều dân biểu  TNS thuộc phe Ấn Quang cùng những bộ mặt quen thuộc cũ muốn ở lại “hòa hợp hòa giải” để kiếm chút “cơm thừa canh cặn”. Không khí vô cùng buồn tẻ và hiu hắt như trong một nghĩa địa lúc hoàng hôn!

Tên Đại Đội Trưởng Thận, với thái độ hung hăng của giặc cuớ rừng rú chưa từng thấy, một tay cầm khẩu AK47, xông ra trước bao lơn treo lá cờ MTGP, bắn chỉ thiên một tràng đạn rồi quay vào xấc xược hỏi:

_ Dương Văn Minh đâu?

Ông Minh tiến lên:

_ Chính tôi đây. Các ông đừng vội vã. Chúng tôi đã mở sẵn cổng để đón các ông vào bàn giao chính quyền thì cần gì phải phá gãy cửa sắt. Chúng tôi đang chờ các ông ...

Tên chính trị viên tiểu đoàn cướp lời:

_ Các anh còn gì nữa mà bàn giao? Các anh phải đầu hàng. Chúng tôi đã tiến 2000 cs rồi. bây giờ từ Lộc Ninh về đây chỉ còn 300 cs nữa thôi thì không có lý do gì chúng tôi dừng lại để thương thuyết!

Mọi người hiện diện đều tái xanh mặt.

Lúc đó là 11g 30 đúng trên chiếc đồng hồ của tôi.

4 giờ chiều, ông Minh đọc bản tuyên bố đầu hàng “quân đội giải phóng” “vô điều kiện”. Giọng ông run run, thê lương như ai điếu. Tiếp theo là thủ tướng Vũ Văn Mẫu đọc lời kêu gọi mọi người hãy “hân hoan đón chào quân đội cách mạng...!”

Đến đây tôi thấy cần phải cực lực bác bỏ hai quan niệm sai lầm của ông Đôn p trang 486 và 487. Oâng Đôn đã viết:

“Ai cứu dân chúng Sài Gòn khỏi đổ máu? Không phải Kissinger. Không phải đại sứ Mỹ. Không phải đại sứ Pháp.

“Sài Gòn không đổ máu là nhờ Dương Văn Minh” (trang 486).

 (còn tiếp)

Phụng Hồng

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002