Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐI LÊN HAY ĐI XUỐNG CANBERRA

Nguyên Nguyên

LTG: Bài này thoạt tiên viết cho một hai đặc san xuất bản tại Úc, được đọc lại trên 1 đài phát thanh tiếng Việt, đề cập đến vấn đề “đi lên hay đi xuống”. Từ Sydney đi Canberra, hoặc từ New York đi Washington D.C. Sydney trong bài có thể được thay thế bằng New York và Canberra bằng Washington.

Chắc nhiều người cư ngụ tại Sydney có bạn bè quyến thuộc ở Canberra thường hay thắc mắc mỗi khi chúng ta nói đi Canberra chúng ta thường theo thói quen nói là “đi xuống Canberra chơi”. Nhưng ngược lại khi ta đã đến thủ đô Canberra rồi, hàn huyên trò chuyện với bạn bè thân hữu ở đó thì thường chỉ nghe người “địa phương” nói: “Sao lâu quá bồ không lên Canberra chơi với tụi này”, hoặc giả “tụi này dạo này bận quá nên không có dịp xuống Sydney chơi”. Như vậy có nghĩa là như thế nào? Phải chăng giữa tình bà con bạn bè vẫn còn có cái trò ai cũng muốn mình ở phía trên hay chăng? Ở đâu lên đâu và từ đâu xuống đâu, nói làm sao cho đúng ngữ pháp và cho khỏi “mất lòng nhau”? Bài này do đó thử phân tích và khảo sát vấn đề tuy giản đơn này nhưng có thể trở nên phức tạp và gây hiểu lầm cho những cư dân nói tiếng Việt của hai thành phố.

Trong ngôn ngữ của nhiều dân tộc trên thế giới, hễ đi về phiá Bắc thì người ta dùng từ “lên” như “lên mạn Bắc”, hoặc đi về phía Nam thì “xuống miền Nam”. Go up North hoặc go down South của Anh ngữ cũng mang những ý niệm tương tự. Có lẽ ngôn ngữ bắt đầu như thế này. Khi loài người bắt đầu có tiếng nói họ cũng bắt đầu phân biệt được ý niệm “trên” và ý niệm “dưới”. Nằm trên, nằm dưới. Thảy cục đá lên trên không để chọi chim hay nhìn thấy nước chảy xuống dưới đồi. Có lẽ người tiền sử khi đi lên núi cao thấy lạnh, và khi đi về miền Bắc thuộc hướng Bắc Cực cũng thấy lạnh nên họ ghép từ “lên” (up) với chuyện trèo núi hay là đi về hướng Bắc. Ngược lại khi đi xuống núi và đi xuống miền Nam thuộc khu xích đạo họ thấy ấm hơn nên cả hai hướng đó, tức chân núi và miền Nam, họ cho là “xuống” (down). Thành ra theo "quy ước" thông thường Sydney là thành phố nằm về phía Bắc của Canberra, nên từ Sydney đi Canberra phải là "đi xuống Canberra".

Thế nhưng cái rắc rối giữa Canberra và Sydney không phải đơn thuần ở chuyện Nam-Bắc xuống lên, mà còn hàm chứa ý niệm chính trị của Thủ Đô Liên Bang là Canberra và thủ đô của chỉ một Bang New South Wales là Sydney. Như vậy người Canberra khi họ nói người Sydney đi lên Canberra tức là họ ám chỉ người Sydney đi lên “Kinh Đô” Canberra. Ý niệm này bắt nguồn sâu xa ở cụm từ "từ quê lên tỉnh". Tức là từ miền quê hay thị xã nhỏ "đi lên" thành phố lớn, như ở miền quê họ thường nói "tôi đi lên Sàigòn, tôi xuống miền Hậu Giang". Ý niệm này có hai thành tố. Thành tố thứ nhất là thành tố chỉ sự di chuyển từ một thị xã nhỏ đến một thành phố lớn, và thành tố thứ hai là thành tố chỉ thủ đô là tụ điểm của mọi sinh hoạt quan trọng nhất của quốc gia - đi về thủ đô tức là đi lên. Đối với một số quốc gia trên thế giới ý niệm này hiện nay vẫn có thể tạm chấp nhận được, nhưng thật sự ý niệm có vẻ không hoàn toàn chính xác trong tính cách phổ quát của nó, nhất là nếu áp dụng cho nước Úc. Bởi ở lý do giản đơn tại Úc, Canberra không phải là thành phố lớn nhất và Canberra cũng không phải là nơi xuất phát tất cả những sinh hoạt quan trọng hay những quyết định quan trọng mang tầm vóc quốc gia.

Trước hết như ai cũng rõ về diện tích và dân số, thành phố Sydney là thành phố lớn nhất nước Úc và lớn bằng cả chục lần thủ đô liên bang Canberra. Ở thành tố thứ hai, ý niệm cho rằng thủ đô là nhất, là “Trung Ương” là một ý niệm thuộc về mô hình của tổ chức chính trị quốc gia. Ý niệm “trung ương” bao gồm ý nghĩa và sự kiện rằng mọi sinh hoạt, quyết định về thương mại kinh tế, học vấn, quân sự, văn hoá và khoa học, luật pháp và hành chánh, v.v. đều tập trung ở thủ đô. Quyết định ở thủ đô là quyết định tối hậu và chỉ có thủ đô mới có quyền quyết định như thế thôi.

Theo tổ chức quốc gia bắt nguồn từ cuộc cách mạng công nghệ và kinh tế tư bản ở vài thế kỷ trước, rất nhiều nước lớn đều hình thành một hay hai trung tâm tài chánh và thương mại tách rời khỏi thủ đô. Ở Mỹ có New York, Los Angeles xa rời khỏi thủ đô là Washington D.C., ở Trung Quốc có Thượng Hải xa cách Bắc Kinh hàng ngàn cây số. Ở Úc ban đầu Melbourne là thủ đô tài chánh nhưng đến thập kỷ 80 các dịch vụ tài chánh thương mại dần dà tập trung về Sydney và đến nay Sydney chính thức là thủ đô mậu dịch của Úc.

Canberra cũng không phải là thủ đô của giới khoa bảng hay học vấn mà thật sự giới khoa bảng và các trường đại học, trung học nổi tiếng đều nằm ở thủ phủ của các Bang, nhất là các Bang lớn như New South Wales, Victoria, Queensland và Western Australia. Canberra lại càng không phải là thủ đô của văn hoá và nghệ thuật của "Ôx-trây-lia". Ở đó chỉ có quốc hội Liên Bang là đáng kể. Nhưng chỉ đáng kể ở mặt soạn ra luật và phê chuẩn ngân sách và thuế má do chính phủ đệ trình hàng năm. Dinh toàn quyền ở Yarralumla chỉ còn có lệ thôi và vài năm thì Toàn quyền lại giải nhiệm quốc hội để toàn dân bầu lại một quốc hội mới. Dinh Thủ Tướng The Lodge hiện nay bỏ trống vì đương kim thủ tướng John Howard đã xin chọn Sydney làm quê hương, làm nơi cư trú và làm việc. Thậm chí đến cơ quan tối cao nhất của pháp lý là High Court (Tối Cao Pháp Viện) mặc dù có cơ sở chính đặt tại Canberra, nhưng mấy ông bà Thẩm Phán của pháp viện này luân phiên xử các vụ án lớn tại các thủ đô của các Bang như Sydney, Melbourne, v.v... Các luật lệ về hình sự hoàn toàn thuộc lãnh vực riêng của các Bang. Rất ít khi hình sự được khiếu nại đến High Court của liên bang.

Nói tóm lại cụm từ "đi lên Canberra và đi từ Sydney" có vẻ mang nặng tính cách "nhập khẩu" (từ Á Châu nói chung và từ tiếng Việt nói riêng) và không hoàn toàn thích hợp với hoàn cảnh sinh hoạt quốc gia của nước Úc. Bắt đầu từ đây là điểm dị đồng giữa tiếng Anh và tiếng Việt. Ở Anh ngữ hình như không bao giờ người Úc họ nói với nhau là: "(We live in Sydney,) the next time we have a long weekend we will go up to Canberra to see you." Thông thường họ chỉ nói "go to Canberra" và không có up (lên) hay down (xuống) gì hết trọi. Bởi vì thật sự trong đầu óc của họ hoàn toàn không có cái ý niệm "thủ đô" là nhất, mà chỉ có cảm tưởng mơ hồ rằng Canberra là một thành phố đầy dẫy những chính trị gia và công chức, có nhịp sống chậm chạp và rất là nhàm chán (boring!). Chỉ thế thôi. Thỉnh thoảng họ vẫn nói go down to Canberra và đặc biệt là go down to Melbourne (!!) theo ý niệm xuống Nam lên Bắc, và cũng bởi từ ngày xưa có một tí truyền thống ganh đua tị hiềm giữa hai thành phố Sydney và Melbourne. Đó là lúc thành lập Liên Bang cả hai thành phố đều muốn dành mình làm "thủ đô", làm "trung ương". Sau cùng để giải quyết tranh chấp và bế tắc hai bên đồng ý chọn một ngọn đồi ở khoảng chính giữa hai thành phố và xây dựng lên thủ đô Canberra.

Thế người Úc có khi nào họ nói "go up to Canberra" chăng? Cũng có thể có. Thí dụ như qua câu chuyện giữa hai nhân viên làm việc ở Bộ Di Trú. Một bà làm tại Văn Phòng Bộ Di Trú ở Bankstown và một ông làm tại Canberra trực thuộc Tổng trưởng Di Trú. Hai người nói chuyện điện thoại - và có một vấn đề nào đó mà bà ở Sydney cần quyết định của "trung ương". Thế ông ở Canberra mới nói với bà ở Sydney là "Vậy xin nhờ chị gửi toàn bộ hồ sơ lên đây hoặc chị kêu đương sự đích thân bay lên Canberra đây để trình thẳng với Tổng trưởng Di Trú". (Chuyện này cũng rất hiếm khi xảy ra bởi tổng trưởng cũng là đại biểu quốc hội. Ngoài các phiên nhóm quốc hội, tổng trưởng với tư cách đại biểu thường có mặt ở phòng làm việc tại khu vực cử tri của mình, tức là ở tại một đơn vị cử tri khác nằm ở một Bang khác, xa lắc xa lơ với Canberra!). Hoặc giả có một số người lập dị họ cho rằng quan niệm xuống Nam-lên Bắc áp dụng cho nước Úc là sai, bởi nước Úc ở Nam Bán Cầu. Càng đi lên núi càng lạnh. Càng đi lên phiá Nam cũng càng lạnh. Do đó họ có thể tự nhiên dùng "go up to Canberra".

Tóm lại nói đi Canberra hay đi Sydney cho chính xác có lẽ ta tập nói như người Úc. Nói "đi về Canberra" hay "đi về Sydney" hay đơn thuần "đi Canberra" hoặc "đi Sydney" mà không có "lên" hay "xuống" gì hết. Thử khảo sát thêm về từ "về". Thông thường từ "về" ưa đi đôi với "trở về", tức là đi về một nơi nào đó thường là chốn quen thuộc, chốn cư ngụ: "Trở về nhà" hay "về nhà", về Hànội, về Huế, về quê, v.v... "Về" cũng thường dùng để chỉ sự di động đến một nơi an cư lập nghiệp mới: Về miền Nam, về miền thượng du. Do đó thay vì dùng giới từ "lên" hay "xuống" theo thói quen hay thói nhập khẩu - dùng giới từ "về" có vẻ hay ho hơn.

Về Canberra, về Sydney, về Melbourne, về New York, về Washington, về Paris, v.v. giống như một bài hát ngày xưa: "Anh về thủ đô chúng em chờ mong, với vạn niềm thương với bao tình chung..." Nếu muốn theo chiến lược xã giao ta cứ tùy tiện theo thói quen đã có, tức  người Canberra cứ việc nói "Anh mới từ Sydney lên đây phải không?" và người Sydney vẫn tiếp tục nói "Chị từ Canberra vừa mới lên tới à?". Ai muốn lên thì lên và ai muốn xuống thì xuống. Nhưng nên để ý nếu người đối thoại hay bà con bạn bè cứ khăng khăng tiếp tục dùng từ "lên" để chỉ mình lên trên ấy, thì theo lịch sự xã giao ta nên tiếp tục cho họ lên luôn. Nhưng nếu muốn giữ thể diện cho thành phố nhà, dù là Canberra hay Sydney, ta nên bắt đầu yên lặng từ từ thay thế từ "lên" bằng từ "về": "Ừ chị nói đúng, lâu quá tụi này không có về Sydney (!)". (Lúc phát âm từ VỀ nên nói lớn lớn  một chút). Thế là xong, không phải mất lòng đôi bên.

Tiện dịp thử đặt câu hỏi ngôn ngữ Việt Nam có phải đơn thuần  xuống Nam-lên Bắc hay không? Cũng không phải (!). Ta thường nói: Vào Nam, Đi ra Bắc, vô Sàigòn (Thành phố), ra Hà-Nội. Thỉnh thoảng chúng ta vẫn nói "xuống miền Nam" hay "lên miền Bắc" nhưng thường hơn ta nói "vào Nam" hay "về Nam" hoặc "ra Bắc" hay "về Bắc". "Vào Nam ra Bắc" mang xuất xứ từ việc phân biệt Đàng Trong với Đàng Ngoài, manh nha bắt đầu vào năm 1558 khi Chúa Trịnh là Trịnh Kiểm xin với vua nhà Lê cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá và Quảng Trị. Tiếp theo đó, Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài khoảng 45 năm (1627-1672). Đi vào Nam tức  đi vào trong Nam, đi vào Đàng Trong, và đi ra Bắc có nghĩa đi ra ngoài, ngoài ấy, ra Đàng Ngoài. Thế tại sao lại TRONG. Từ "trong" mang một lượt hai ý niệm tương phản nhau.

Một ý niệm là bị giam cầm, bị tù túng, không được có cái không gian khoảng khoát ở chung quanh, không được "thoáng", như "ở trong tù", "ở trong trường", "trong Đồng Tháp Mười", "ở trong bưng", v.v... Ý niệm thứ hai là ý niệm ấm cúng, như "ở trong nhà" so với "lang thang ở ngoài đường", và ngay cả đến quyền bính và quyền quý, như "ở trong thành nội", “trong cung điện nhà vua", "trong cấm thành", "trong nội các", "trong sở làm", v.v...

Nói chung, "trong" mang ý nghĩa của confinement - tức trong một khoảng không gian được che chở - theo với cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Bởi vậy khi nói đến nhà thủy tạ như trong cụm từ "tránh mưa hay núp mưa dưới nhà thủy tạ" ta không dùng "trong nhà thủy tạ" mà lại dùng "dưới nhà thủy tạ" bởi vì nhà thủy tạ thường không có 4 tấm vách che lại. "Trong" trong cụm từ "Đàng Trong" cũng vừa mang một lúc hai ý niệm kể trên.

Thứ nhất Đàng Trong không được mấy "thoáng", tài nguyên rất hạn hẹp và không có liên lạc nhiều với "quốc tế". Chính danh không bằng Chúa Trịnh ở ngoài Bắc, với quyền hành như một thủ tướng chính thức trong chế độ quân chủ của nhà Lê. Kể từ đời chúa Nguyễn Phúc Nguyên ở đàng trong mới bắt đầu tự ý phong chức phong quan cho các tay bộ hạ tham mưu.

Theo ý nghĩa thứ hai, đất đàng trong được phòng thủ rất vững chắc, rất an toàn với lũy Thầy của Đào Duy Từ. Đàng trong cũng là một vùng đất mới có biên giới ở phiá Nam luôn luôn được nới rộng qua những cuộc chiến tranh với Chiêm Thành. Thành ra "trong" trong ý nghĩa ban đầu là không "thoáng" sau hai ba thế kỷ trở thành "cực kỳ thoáng" khi lãnh thổ Việt Nam được kéo dài đến Hà Tiên và Phú Quốc.

"Vào Nam" theo nguyên thủy dùng để chỉ sự di chuyển từ bên ngoài ở một vùng "thoáng" đến một vùng chật hẹp, "không được thoáng", hay ngược lại "ra Bắc", đã không còn chính xác nữa sau khi triều đại nhà Nguyễn kéo dài lãnh thổ đến mũi Cà Mau. Dù vậy việc duy trì lối mô tả "Vào Nam" hay "ra Bắc" vô hình chung đã lưu lại và đánh dấu một giai đoạn lịch sử cực kỳ khó khăn nhưng cũng là mầm mống cho sự mở mang bờ cõi nước Nam.

Nguyên Nguyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002