Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TINH THẦN DÂN CHỦ VÀ NHÂN BẢN TRONG TRUYỀN THỐNG
VĂN HÓA VIỆT

Chu Thủy

Cách nay hơn hai thế kỷ, nhân dân Pháp quốc bị bọn vua chúa phong kiến và tăng lữ giáo quyền hè nhau thống trịbóp nghẹt cả hai lãnh vực vật chất lẫn tinh thần. Bên còng tay, phía còng đầu, áp lực bóc lột hết sức tàn bạo dã man, dìm đạp lên thân phận con người và coi dân như cỏ rác. Vì lẽ đó năm 1789, nhân dân Pháp đã vùng lên đập tan xích xiềng nô lệ bằng cuộc cách mạng "tư sản dân quyền" đưa dân tộc Pháp vào một vận hội mới.

Cuộc cách mạng năm 1789 đã làm rung chuyển Âu châu nói riêng và toàn thế giới nói chung, và từ đó mở đầu cho một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên đấu tranh cho dân quyền của cả nhân loại. Cuộc đấu tranh cho dân chủ tự do trên trái đất này đã được hơn hai trăm năm và đã tốn không biết bao nhiêu xương máu. Nhưng thử hỏi đã có mấy nơi kiến tạo được một nền dân chủ thực sự, hay nó vẫn còn là một thứ trái cấm đối với nhiều dân tộc ở hậu bán thế kỷ 20?

Cho đến hôm nay, nói đến dân chủ vẫn còn là nói đến khát vọng, nói đến ước mơ, nói đến hoài bảo của con người. Để được có "nó"nhân loại đã đổ xuống biết bao nhiêu mồ hôi, nước mắt và sinh mạng, nhưng rồi vẫn lẩn quẩn trong cái vòng "cút bắt", "ú tim" và hứa hẹn còn nhiều pha gay cấn, gian nan kế tiếp.

Trong quá trình đấu tranh cho dân chủ, dân quyền, ta đã thấy người nhiệt tâm, thiện chí thực chẳng có là bao, mà kẻ lợi dụng cho ý đồ riêng tư thì nhiều vô số kể. Chính vì sự lợi dụng bất chính đó đã biến cái thế giới ta bà này thành một hí trường để rồi "khóc hổ ngươi, cười ra nước mắt"!

Trước đây người ta hy vọng mô thức dân chủ Tây phương sẽ giải quyết được ước vọng của con người, kiến tạo được một thế giới hài hòa cho nhân loại sống yên vui trong thanh bình hạnh phúc. Nhưng tiếc thay, "ốc chưa mang nổi mình ốc thì làm sao mang cọc được cho rêu", vì chính các quốc gia gọi là dân chủ Tây phương nay cũng đang đi vào bế tắc. Bởi lẽ các thể chế dân chủ hiện thời đã dựa trên một nền triết học mất quân bình, thiếu sự dung hợp lý tính, quá thiên trọng vật chất. Quan niệm tương quan vật chất hơn tương quan liên hệ tinh thần tạo ra nhiều vấn đề phức tạp không thể giải quyết, nên chúng ta thường thấycác phong trào "đấu tranh nữ quyền", hoặc "đòi quyền sống" vẫn xảy ra ở các nước được coi là dân chủ tự do. Bởi vì thế, chúng ta có thể bạo dạn nói rằng: thể chế dân chủ hiện hữu của Tây phương chưa đáp ứng được khát vọng của con người, chưa đủ điều kiện cần và đủ để để tạo một thế điều hợp thích đáng. Nó vẫn là một thứ tạo Cực này để chống lại Cực kia, và như vậy xã hội loài người vẫn bất ổn thường trực.

Nay thì cái Cực thuần ly, thiên trọng cộng sản đã cáo chung và cái Cực tư bản cũng ngất ngư không kém. Tất cả vẫn nằm trong bế tắc chưa ai tìm ra lối thoát tỏa đáng. Ước vọng của mọi người hôm nay là mong sao có được một giải pháp chu toàn, đưa nhân loại thoát vòng nguy biến. Để góp phần xây dựng, chúng tôi tạm nghĩ may ra cái tinh thần dân chủ nhân bản của nền văn hóa bao dung và trí tuệ Việt Nam có thể hóa giải được sự bế tắc hiện thời, và nếu được áp dụng triệt để chắc chắn sẽ có đủ điều kiện chủ đạo cho một cuộc kiến tạo một thế giới hài hòa trong thanh bình thịnh vương.

Dưới đây là mô thức dân chủ hoàn toàn Việt Nam, nó đã thể hiện trong xã hội Việt Nam qua các thời đại và đã thấm nhuần trong tiềm thức của mỗi người dân. Nhờ có truyền thống cao đẹp này mà dân tộc Việt Nam xây dựng một quốc gia đạo lý, một xã hội hài hòa, tôn ti trật tự, biết định thân, định phận, định vị vô cùng nhuần nhuyễn trong các mối tương quan. Vì thế mà hàng ngàn năm Bắc thuộc, hàng trăm năm Tây thuộc, dân tộc Việt Nam nhỏ bé không những không bị đồng hóa, diệt vong, mà còn tiến lên đánh đuổi kẻ thù giành lại chủ quyền.

Để giới thiệu cái tình lý dân chủ nhân bản trong truyền thống văn hóa Việt, chúng tôi xin mạo muội trình bày các mối quan hệ sau đây để góp thêm tài liệu cho những người đang tìm kiếm một lối thoát cho nhân loại và đồng thời cũng để cực lực cải chính những lập luận cho rằng, dân tộc Việt Nam chưa có khái niệm về dân chủ.

 

TƯƠNG QUAN LIÊN HỆ GIỮA NGƯỜI VỚI NGƯỜI

a/ Cá nhân đơn lẻ:

Nhờ hấp thuận được truyền thống văn hóa cao đẹp mà con người Việt Nam có cái nếp: Sống, Nghĩ, Cảm đặc thù không như bất cứ một giống dân nào trên thế giới. Cá nhân bao giờ cũng lấy việc khắc kỷ, tu thân để đạt dạo làm gốc. Đạo ở đây không phải là tôn giáo mà là mối quan hệ như "Đạo Làm Người", "Đạo Cha Con", Đạo Bằng Hữu...

là người thì gái cũng như trai đều bình đẳng, không thiên trọng bên nào, được chứng minh qua các câu tục ngữ:

"Một trăm con trai không bằng cái rái tai con gái,

Một trăm con gái không bằng hòn dái một con trai".

Câu tục ngữ này cho thấy dân tộc Việt Nam không quá thiên trọng về nam và khinh thường nữ theo quan niệm: nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô"như Trung Quốc để tạo nên mối bất hòa, mặc cảm, ẩn ức giữa trai gái, đưa đến sự đ kị, tương quan bất ổn.

b/ Cặp vợ chồng:

Nói đến tương quan liên hệ giữa người và người, trước nhất là phải nói đến tương quan trai gái mà tiêu biểu là cặp vợ chồng - đơn vị nòng cốt của gia đình, xã hội. Trong xã hội Việt Nam không có cái cảnh "chồng chúa, vợ tôi" không có cái luật "phu xướng phụ tùy" như Trung Quốc hay chỉ vụ vào tương quan tương quan vật chất giống Tây phương, mà vợ chồng Việt Nam lấy yêu thương chung thủy làm nền.

"Chồng em áo rách em thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người."

Nhờ tinh thần son sắt thủy chung đó mà người đàn bà Việt Nam đa phần vượt qua được mọi khó khắn trở ngại.

"Yêu nhau trăm sự chẳng nề
Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng".

Và như vậy mới có cái cảnh "thuận vợ, thuận chồng, tát bể Đông cũng cạn". Cái cảnh thuận thảo này mà người Việt Nam ta hãnh diện có mái gia đình thuận thảo tràn đầy ấm êm hạnh phúc:

"Đầu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon".

Trong đạo vợ chồng chỉ có mối tương quan là quan trọng, chứ không phải chồng quan trọng, hay vợ quan trọng. Mối tương quan ấy hoàn toàn bình đẳng, hợp với lý tình trong tinh thần tương kính. Qua cách xưng hô "ông xã", "bà xã" và câu tục ngữ "lệnh ông không bằng cồng bà" đã đủ để chứng minh.

Đạo vợ chồng Việt Nam, ngoài cái tinh thần "tương kính như tân", còn có cái truyền thống là "tôn thờ như thánh"mới thực là siêu việt mà tuyệt tác phẩm "Chi Phụ Ngâm" đã thể hiện trọn vẹn cái truyền thốn đó, và đã làm cho tác phẩm trứ danh: "Chức Cẩm Hồi Văn" của Trung Hoa cũng không sánh kịp. Vì một bên ca tụng cái hào khí anh hùng, trung dũng của người chồng trong lúc ra biên cương để giữ nhà, giữ nước. Còn một đàng thì làm thơ than thân trách phận, kêu van rồi dệt gấm dâng vua để được thương tình cho chồng về sum họp. Hai hình ảnh, hai cuộc đờ đã cho ta thấy một trời một vực.

Các thi nhân nam nữ Việt Nam tuyệt đại đa số đều có làm thơ ca tụng vọ hoặc chồng. Ta hãy nghe Ngọc Hân Công Chúa khóc Quan Trung Đại Đế:

"..........

Mà nay áo vải cờ đào

Giúp dân dựng nước biết bao công trình.

Công nhường ấy, mà nhân nhừng ấy

Cõi thọ sao hẹp bấp Hóa Công

Rộng cho chuộc được tuổi rồng

Đổi thân ắt hẳn bõ lòng tôi ngươi

......................"

Và bài thơ của thi bá Chu Thần cao Bá Quát khóc vợ:

"Lệ đọng thành băng, lệ chửa tan

Áo tơ lại đẫm lệ tuôn tràn

Mới vừa tóc bạc nguyền chung sống

Sao nở đầu xanh vội cách ngăn

Hồn mộng riêng soi vầng nguyệt sáng

Đèn lòa nào chiếu cánh hoa tàn

Thương người không dám hờ ra tiếng

Vì sợ lòng người chẳng được an."

Và lời của Liệt nữ Nguyễn Thị Giang ta thán:

"Sống nhục sao bằng được chết vinh

Nước non mong vẹn nghĩa chung tình

Nhát đao xử tử chàng không ngại

Phát đạn quyên sinh thiếp cũng đành

Một tấm cang tràng, thiên địa bạch

Trăm năm thương tiếc quỷ thần kinh

Cuộc đời sá kể chi thành bại

Trai đã trung, thì gái phải trung".

Nhà thơ Trúc Nam tính đến ngày nay (2001) ngót 36 năm trường, mỗi lần nhằm ngày úy nhật của vợ, ông đều làm một bài thơ để tưởng nhớ người vợ hiền đã ra người thiên cổ khi ông vừa chấm tuổi ngũ tuần.

"Âm dương cách biệt muôn trùng

Vô phương hội ngộ tao phùng như xưa.

Tư mùa dải nắng dầm mưa

Mồ em hiu quạnh sớm trưa quê nhà.

Chồng con lưu lạc phương xa

Tị nạn Cộng sản cửa nhà tiêu tan!

Trải qua lắm nỗi gian nan

Đến nay ổn định khang trang mọi bề!

Chờ ngày thuận tiện về quê

Thăm miền núi Ấn hả hê tấm lòng.

Non cao, biển rộng, Trà trong!

(Nghĩa Trọng Tình Thâm)

(còn tiếp)

Chu Thủy

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002