Đại Chúng số 85 - phát hành ngày 1/11/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐÔI LỜI NÓI THÊM VỀ VẤN ĐỀ:

“TẠI SAO PHẢI GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO
PHẠM QUỲNH?”

Đặng Văn Nhâm

 ĐỖ QÚY SÁNG VỚI  “GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ”

 Sau khi vừa trao cho tôi bài “Những vấn đề then chốt nhận định chính trị trong thời điểm Phạm Quỳnh” của Đỗ Qúy Sáng, bạn Hồ Công Tâm còn nói thêm: “Nếu anh thấy cần nói thêm điều gì trên báo, tác giả rất hoan nghênh!”. [bài này đã đăng trên  Hải Ngoại Nhân Văn, số 31, tháng 10.2001, trang 49-68 và trên Đại Chúng, số 82].

“Được lời như cởi tấm lòng”, nên tôi không ngần ngại gì khi thấy cần phải đóng góp thêm vài ba ý kiến thô thiển. Lần này lại vẫn mong được hải nội chư quân tử chỉ giáo cho những  điều sai sót, nếu có.

Thiết tưởng, nếu ai đã đọc qua tác phẩm “Giải Oan Lập Một Đàn Tràng”, đều nhận thấy, đây là một tuyển tập gồm nhiều bài của một số tác giả đã từng quan tâm đặc biệt đến trường hợp Phạm Quỳnh, và với nền văn học nước nhà buổi phôi thai. Như thế, hiển nhiên mỗi tác giả đã tự do trình bày vấn đề Phạm Quỳnh theo sở kiến cá nhân. Nội dung và quan điểm chính trị trong toàn bộ tác phẩm không có tính cách khuôn thước, một chiều. Tính cách “đại đồng tiểu dị” chính là ưu điểm  đáng kể của tác phẩm này.

Vì thế, khi phê bình, muốn cho xác đáng, người đọc sẽ không khỏi mất khá nhiều thì giờ để phân tách và tổng hợp những ý kiến tản mạn của từng tác giả và của từng bài trong quyển sách. Cây viết Đỗ Qúy Sáng đã tỏ ra chịu khó hoàn thành công việc nhiêu khê đó, để dõng dạc nói lên tiếng nói của riêng mình, một cách đáng quan tâm.

Trong phạm vi bài này, tôi không có ý nghĩ tranh luận hay biện giải về những điều đã đi sâu vào từng bài và từng tác giả. Cái đúng / sai, hay/ dở, xin được nhường lại cho các bậc thức giả và  mỗi tác giả có bài được tuyển chọn trong “Giải Oan Lập Một Đàn Tràng” [từ đây viết tắt là: GOLMĐT]. Nơi đây, tôi chỉ xin mạn phép được đóng góp thêm chút  ý kiến  nhỏ mọn về  vấn đề chính yếu, độc nhất,bao trùm toàn bộ tác phẩm GOLMĐT là: GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO PHẠM QUỲNH.

Ngay phần đầu bài, tác giả Đỗ Qúy Sáng đã viết:

-  “...Tôi thật không khi nào nghĩ Phạm Quỳnh vĩ đại của tôi lại có thể mất danh dự cách nào để nay phải phục hồi...(bỏ 5 hàng không cần thiết) Vấn đề tôi đặt ra để tự suy nghĩ là ai đã làm mất danh dự cho Phạm Quỳnh, chứ danh dự ông không thể do ông có những hành vi bại hoại nào làm thương tổn. Hệ quả của vấn nạn này là ai có trách nhiệm phục hồi danh dự Phạm Quỳnh cũng như ai có tư cách để làm công tác quan trọng đó...(bỏ 6 hàng không cần thiết) Phạm Quỳnh đâu có hành động nào hạ thấp phẩm giá đến nỗi ông phải xấu hổ về con người của ông, những ai đã hạ nhục ông, đã bôi nhọ danh dự của ông? Những ai đã giết chết ông lén lút? Nếu vậy họ có trách nhiệm gì và họ có xứng đáng đứng ra giải oan cho ông không. Nếu không, thì chính chúng ta, chúng ta, tập thể những người đang cầm bút viết lối chữ quốc ngữ này mới đúng là những người có bổn phận vinh danh xứng đáng công đức của Phạm Quỳnh với nền học thuật nước nhà, bằng những phương cách, biện pháp nào thì nên cùng nhau thẩm định...” (trích nguyên văn).

Với nhận định chắc nịch” Phạm Quỳnh không có một hành vi bại hoại nào làm thương tổn đến danh dự của chính ông”, nên tác giả Đỗ Qúy Sáng đã khẳng khái đặt thẳng vấn đề: “Những kẻ đã hạ nhục, đã bôi nhọ danh dự và đã lén lút giết chết Phạm Quỳnh không có trách nhiệm gì và không xứng đáng đứng ra giải oan và phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh”.

Với một nhận định như thế, dẫn đến chủ trương như thế, dĩ nhiên tác giả Đỗ Qúy Sáng sẽ phải đi đến một thái độ mà ông đã viết ra như sau:

 - “Trên quan niệm này tôi ngạc nhiên khi tác giả Đặng Văn Nhâm đòi phải đặt thẳng vấn đề  với nhà “đương quyền VN, gồm các nhân vật lãnh đạo cao nhất nước: Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, và Phan Văn Khải...” [ghi chú thêm của ĐVN: Bây giờ là: Nông Đức Mạnh, Trần Đức Lương và Phan Văn Khải].

Tôi càng ngạc nhiên hơn nưã khi tác giả Đặng Văn Nhâm thúc giục:” Chúng tôi mong sao các nhà chức trách đương quyền ở VN cùng với bộ Văn Hoá, và hội nhà văn VN nên cứu xét lại vụ án Phạm Quỳnh cùng với một vài vụ án oan khuất khác, trong đó có cả Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Hồ Văn Ngà, Dương Văn Giáo, Bùi Quang Chiêu, Huỳnh Phú Sổ v.v... để sớm phục hồi danh dự cho các vị ấy” (GOLMĐT, trg 24).

 

NHỮNG ĐỀ NGHỊ CẦN ĐƯỢC SUY NGHĨ LẠI

Từ sự không đồng ý ấy  tác giả Đỗ Qúy Sáng đã đưa ra một số đề nghị, theo tôi, đáng để cho mọi người suy ngẫm, đóng góp thêm ý kiến,  nguyên văn như sau:

- “Không đem tinh thần cực đoan vào lãnh vực văn hoá, chúng tôi dẫu vậy cũng đề nghị đến lúc phải hỏi tội CSVN khi mà chúng đang tháo thân chạy tội trước lịch sử. Nhẹ nhất là chúng phải tạ tội với lịch sử và quốc dân, tự thú nhận đã vi phạm nhiều tội ác chiến tranh. Dầu như lúc nào chúng tôi cũng đặt cương vị tự chủ nước nhà lên trên hết, chúng tôi nghĩ chính là chính phủ và quốc hội Pháp nên ra một tuyên cáo tạ lỗi với học giả Phạm Quỳnh, bạch hoá rằng ông thực là một chiến sĩ cực lực vận động độc lập cho nước VN bằng đường lối hữu nghị. Sau đó chính phủ Pháp hoặc viện Hàn Lâm Pháp, mà ở đây Phạm Quỳnh đã từng diễn thuyết và nhận giải thưởng, hổ trợ cho các hội nhà văn VN cùng  bảo trợ tuyên dương Phạm Quỳnh trước cơ quan Giáo Dục Khoa Học và Văn Hoá UNESCO của Liên Hiệp Quốc... (bỏ 6 hàng không cần thiết) Còn như Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh, những đồng bọn sát nhân trong đảng CSVN này không có chức năng và thế giá nào trong việc phục hồi danh dự cho học giả Phạm Quỳnh, họ cũng không phải là đối tượng đáng để chúng ta, những người yêu chuộng tự do, cúi mình vận động ân huệ cho nạn nhân của chính tập thể tay nhuốm đầy máu đỏ”.

Dù vậy, đến đoạn cuối bài, sau gần 20 trang giấy,  tác giả Đỗ Qúy Sáng đã láy lại một lần nữa câu:

- “Như thế hà cớ gì danh dự của ông bị mất? Hà cớ gì cần ai phục hồi? Có chăng là bổn phận làm vinh danh một người chiến sĩ văn hoá mà chúng ta cần vận động tôn vinh đúng với công trạng của ông đã cống hiến trong lịch sử phát triển hình thành một nền quốc học của quốc gia VN trong tự do và nhân bản tiến bộ. Sau cùng đối với danh xưng Uỷ Ban Phục Hồi Danh Dự Phạm Quỳnh, tôi xin đề nghị thêm vào hai chữ “vận động”  để phản ảnh được đúng đắn chức năng và nghiã vụ của dự án này. Như thế uỷ ban không nên ngừng lại ở việc phát hành tuyển tập này, vì đây chỉ là bước khởi đầu phải có cho công cuộc vận động.” (trích nguyên văn).

Đến đây, tôi mạn phép được tóm gọn 4 ý chính của tác giả Đỗ Qúy Sáng như sau:

1.- Không cần phải giải oan cho Phạm Quỳnh.Vì ông không làm điều gì bại hoại, danh dự của ông không bị mất. Những người  cầm bút VN ở hải ngoại cùng nhau vinh danh công đức của Phạm Quỳnh là đủ!

2.- Những người VN yêu chuộng tự do  nên vận động chính phủ Pháp, quốc hội Pháp ra tuyên cáo “bạch hóa” (chữ của Đỗ Qúy Sáng) cho chiến sĩ Phạm Quỳnh. Sau đó, đề nghị thêm chính phủ Pháp hoặc Hàn Lâm Viện Pháp hỗ trợ cho các hội nhà văn VN  cùng bảo trợ tuyên dương Phạm Quỳnh, trước cơ quan UNESCO, của Liên Hiệp Quốc.

[Ghi chú riêng của ĐVN: Vấn đề này cực kỳ tế nhị, liên quan mật thiết đến tình tự dân tộc VN, và tự ái quốc gia của  mọi người VN, đến vị thế riêng và thanh danh của Phạm Quỳnh trước và sau khi đã chết, nên tôi không dám mạo muội lạm bàn. Chỉ xin  tác giả họ Đỗ và  các bậc cao minh chỉ giáo cho, bằng cách lý giải tường tận hơn, tại sao phải vận động với  quốc hội và chính phủ Pháp, trong khi bác khước vai trò như thế của  các giới cầm quyền XHCNVN? Nhất là làm cách nào để đạt hiệu quả tốt trong mục tiêu xoá bỏ “tội danh” oan nghiệt: “thân Tây”mà Phạm Quỳnh đã phải riêng mang từ khi còn sống cho đến sau khi chết?!]

3.- Những người CSVN đã bôi nhọ danh dự, đã hạ nhục, và lén lút giết chết Phạm Quỳnh, (kể cả Nông Đức Mạnh,  Trần Đức Lương, Phan Văn Khải...) hoàn toàn không  xứng đáng, không có trách nhiệm, và không có thế giá gì để phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh. Như thế, những người yêu chuộng tự do không cần cúi mình vận động ân huệ cho Phạm Quỳnh!

 

VÀI CHỨNG TÍCH LỊCH SỬ

Trước hết, nếu chúng ta nhìn vụ án Phạm Quỳnh đơn giản như  tác giả Đỗ Qúy Sáng đã viết: “Ông không làm điều gì bại hoại, danh dự của ông không bị mất, nên chẳng cần ai giải oan hay phục hồi danh dự cho ông làm gì. Nhà cầm quyền CSVN đã hạ nhục ông, đã bôi nhọ danh dự của ông và đã giết chết ông lén lút, không xứng đáng đứng ra phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh. Bây giờ những người cầm bút viết chữ quốc ngữ ở hải ngoại chỉ cần cùng nhau tôn vinh công đức của Phạm Quỳnh là đủ!...”, tất chẳng còn gì phải nói nữa!

Như thế, chẳng hoá ra từ  hàng nửa thế kỷ nay, bao nhiêu văn nhân, học giả đã bận tâm trăn trở về nghi án Phạm Quỳnh, và báo chí đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực để bàn về vấn đề Phạm Qùynh, đều chỉ là những việc tầm phào, vô tích sự?!

Nhưng, nếu chịu khó động não thêm một chút, chắc chắn chúng ta sẽ nhận ra ngay cái chết của Phạm Quỳnh vốn đã hàm chứa nhiều bí ẩn, và đã bị vùi dập phũ phàng, tàn nhẫn dưới nhiều tầng lớp oan khiên nghiệt ngã, thực khó khăn mà giải toả cho minh bạch. Đành rằng, thuở sinh thời,  học giả Phạm Quỳnh đã không làm gì nên tội. Điều này ai cũng biết. Nhưng trọng tâm của vấn đề không nằm ở chỗ đó. Trải qua bao biến thiên của thời cuộc, cho đến bây giờ, người đời nay vẫn chỉ nhắm vào chủ điểm độc nhất: Cái chết  mờ ám, và thanh danh của Phạm Quỳnh đã bị vùi dập bởi cả một chiến dịch tuyên truyền bôi nhọ qui mô của các nhà cầm quyền CSVN trước kia. Đáng kể nhất là thái độ và hành động qui chụp của các vị trí thức, học giả như: Ngô Đức Kế, Thiếu Sơn, và sau này đến lượt Nguyễn Văn Trung...Nếu ta đã biết được lập trường chính trị của nhà văn Thiếu Sơn và GS Nguyễn Văn Trung, tất phải hiểu ngay đó chỉ là sự biện bạch cho chủ trương của những người đã từng nhúng tay vào máu của Phạm Quỳnh, tại bià rừng Hắc Thú, năm 1945.

Ta nên biết, cùng một cảnh ngộ oan khiên như Phạm Qùynh, nếu so sánh với những vụ án oan khuất đã bị vuì sâu trong  lớp bụi dày đặc của lịch sử loài người từ Đông sang Tây, từ cổ chí kim, không hiếm. Nhưng, nơi đây tôi chỉ mạn phép kể ra một số  chứng liệu điển hình, có thể dùng làm cơ sở lý luận mà phán xét nghiêm chỉnh trong vấn đề “tại sao phải giải oan và phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh?”.

 

VỤ ÁN “TRU DI TAM TỘC”!

Trước hết, ta hãy khởi sự từ lịch sử VN, rồi sau đó tiến bước xa hơn, đến các quốc gia khác trên thế giới, đồng thời lui cả vào lịch sử văn học của nhân loại từ thời cổ sử... Nếu nói đến những cái chết oan khiên, đau đớn đã ghi trong lịch sử dân tộc mà ta không nói đến đại họa thảm khốc “tru di tam tộc” đã giáng xuống định mệnh của Nguyễn Trãi (1830- 1442), một vị khai quốc công thần của nhà Lê, thì thực quả là một thiếu sót không thể tha thứ!

Mùa thu năm 1442, vua Lê Thái Tông vi hành đến Chí Linh. Trên đường, nghe đồn Nguyễn Trãi có người hầu thiếp trẻ đẹp, nhan sắc mặn mà, nhà vua trẻ động lòng hiếu sắc, nên tìm đến Nguyễn Trãi, để được thoả mãn nhục dục với Thị Lộ, trong vườn Lệ Chi, (chiếu một trong bát quyền là ĐOẠT, tức vua có quyền chiếm đoạt hết tài sản, kể cả vợ con của thần dân. Kẻ nào cưỡng lại, bị ghép tội khi quân, sẽ bị xử trảm lăng trì, hay tru di tam tộc). Nhưng chẳng may, vì tửu sắc quá độ, nên nhà vua  bị chết ngay trên mình ngựa (thượng mã phong). Lập tức Nguyễn Trãi bị khép vào tội “thí quân” và bị xử tội tru di tam tộc, hành quyết  ngày 16.8.1442.

Vụ án này xảy ra dưới thời phong kiến lạc hậu, quân chủ chuyên chế,  nhà vua là “con trời” với dầy đủ bát quyền tối thượng, gồm: tước, lộc, dữ, trí, sinh, đoạt, phế, tru... đã không một ai dám hó hé nửa lời. Mãi đến 20 năm sau, đến thời vua Lê Thánh Tông, vụ án trời sầu đất thảm này mới được xét lại, nỗi oan khiên, thiệt hại của gia tộc Nguyễn Trãi mới được giải tỏa và danh dự của Nguyễn Trãi mới được phục hồi...

 

VỤ THẢM SÁT GIA ĐÌNH SA HOÀNG VÀ MAXIM GORKI...

Gần đây hơn, dưới chế độ Cộng Sản, thời Lenin và Stalin cầm quyền, năm 1918, bọn Bolchevic đã nhân danh cách mạng vô sản, tàn sát hết cả gia đình hoàng gia Nga, gồm Sa Hoàng Nicolai  II, hoàng hậu Alexandria Féodorovna, hoàng tử Alexis, các công chúa: Tatiana, Olga, Maria và Anastasia, cùng với viên y sĩ riêng của hoàng gia là bác sĩ Evgueni Botkine, người đầu bếp Iva Kharitonov, chị bồi phòng Anna Danidova, viên tạp dịch Alois Trupp... Vụ thảm sát dã man này đã diễn ra trong căn hầm ngôi nhà của Ipatiev, ở Iekaterinbourg, nên về sau được gọi vắn tắt là “vụ án thảm sát Iekaterinbourg” cho mọi người dễ nhớ.

Vẫn dưới chế độ CS Nga, năm 1936, sau khi đã thất bại trong việc thuyết phục Maxim Gorki, nhà đại văn hào theo đường lối hiện thực xã hội, tham gia cộng tác với chính phủ Bolchevic, Stalin đã nhẫn tâm ra lịnh thủ tiêu một lượt cả hai cha con Maxim Gorki, để ngăn ngừa hậu hoạn.

Các vụ án giết người oan uổng kể trên của bọn Bolchevic đã bị vùi sâu trong lịch sử Nga Sô mãi đến 80 năm sau mới được các nhà cầm quyền kế tục, như Mikhail Gorbachev và Boris Yeltsin, ban hành sắc lịnh giải oan và phục hồi danh dự cho các nạn nhân thảm tử. Riêng gia đình hoàng gia Nicolai đệ nhị, đã được giới lãnh đạo tối cao Nga ra lịnh  tổ chức một cuộc cải táng long trọng vào ngày 17.7.1998. Thi hài các nạn nhân đã được mai táng vào hầm mộ trong thánh đường Saint Pierre và Paul ở Petersbourg,  đặt chung trong lăng tẩm của triều đại Romanov.

 

CHUYỆN CỔ SỬ HY LẠP: CÁI CHẾT OAN KHIÊN CỦA ANTIGONE!

Đến đây, nếu chúng ta chịu khó lui về quá khứ xa xăm của lịch sử nhân loại, ta còn có thể khám tìm ra rất nhiều  vụ án thảm tử oan khiên chập chùng, đau lòng không sao kể siết.  Nhưng đáng kể nhất, theo sự hiểu biết đơn sơ của tôi, là những vụ án sau đây:

- Nếu ai đã đọc cổ sử thần thoại Hy Lạp, chắc hẳn đã biết nỗi oan khiên và cái chết thảm của nàng Antigone, con gái của vua Oedipe và hoàng hậu Jocaste, em của Étéocle và Polynice.

Sau khi cha nàng đã bị chọc mù đôi mắt, và bị các anh nàng đuổi ra khỏi thành Thebes,  phải sống cuộc đời la lết, ăn xin, tủi nhục, nàng đã vẫn giữ một lòng hiếu thảo, thương cha, theo giúp đỡ và an ủi cha suốt cuộc đời.

Sau đó hai anh nàng tranh chấp quyền hành. Polynice đến cầu cứu với Adraste, vua xứ Argos, đem quân về đánh đuổi Étéocle, như đánh đuổi quân thù. Khi hai anh chết,  người cậu là Créon lên ngôi cầm quyền ở Thebes, kết tội Polynice đã “rước voi về dày mồ”, ra lịnh cấm làm lễ mai táng. Antigone thương anh, sót xa cho thân phận của anh, nên đã lén đến mộ của anh, ném lên  cái thi hài trần trụi ấy vài nắm đất tượng trưng, để tỏ lòng thương tiếc người quá cố, theo tục lệ của người Hy Lạp. Chẳng dè hành vi nhân ái này của Antigone đã lọt đến tai Créon. Ông ta hiểu lầm Antigone, cho rằng nàng  đã tỏ ý chống đối, liền nổi cơn thịnh nộ khép nàng vào tội tử hình, bằng cách bỏ đói cho đến chết trong hầm mộ của bọn Labdacides. Nhưng thay vì để bị chôn sống trong hầm mộ, vì đói khát, nàng đã chọn con đường giải thoát bằng cách tự treo cổ!

Về sau, người ta đã biết đến lòng nhân ái, tình thương yêu bao la, và tâm hồn trong sáng của nàng Antigone, và cái tên của nàng đã trở thành bất tử đều nhờ sự minh oan của các bậc trí giả đời sau, xuyên qua Antigone (Sophocle), hoặc “L’Antigone ou la pitié” của Robert Garnier (1580), của Ballanche (1814), rồi tới những văn bản của Cocteau (1942), của Anouilh (1944),  của  Brecht (1947) v.v...

 

HOẢ THIÊU NHÀ BÁC HỌC GIORDANO BRUNO!

Đọc lịch sử Thiên Chuá giáo La Mã, thời Trung Cổ, ta càng không khỏi rùng mình khủng khiếp và thương thay cho số phận oan khiên nghiệt ngã của nhà toán học đại tài  Filippo Bruno, sau cải danh là Giordano Bruno, đã bị toà án dị giáo (Inquisition) của các giáo hoàng  thời Trung Cổ  kết tội hoả thiêu vào tối ngày 16 rạng 17. 2. 1600, tại thành Rome, thủ đô La Mã. Sinh trưởng trong một gia đình quí tộc, sung túc, thuở thiếu thời, năm 17 tuổi, cậu bé Filippo đã vào tu viện San Domenico Maggiore, ở Naples, đến ngày 15.6.1565, đã được khoác áo thầy tu  và đổi tên là Giovanno. Đến năm 1573, Giovanno Bruno được thụ phong linh mục. Năm 1575, Giovanno đậu bằng cử nhân thần học. Nhưng chỉ một năm sau, Giovanno đã rời khỏi tu viện trốn đi  Rome.

Đến muà Hè năm 1581, tới Paris, Bruno mới 33 tuổi, nhưng đã nổi tiếng lẫy lừng khắp vùng cựu lục điạ Âu Châu là một thiên tài bác học thông minh xuất chúng. Người ta kể, Bruno đã có một trí nhớ siêu quần, cổ kim không ai sánh kịp. Ông đã thuộc lòng 26 ngàn đoạn văn trong bộ giáo luật và hình luật, 7 ngàn đoạn trích dẫn từ thánh kinh, và cả ngàn bài thơ của Ovide. Nhờ bản chất thông minh và trí nhớ phi thường đó, Bruno đã trở nên một thiên tài của nhân loại về triết lý, thiên văn và toán học. Ngoài ra, ông còn  có biệt tài hùng biện, không một ai sánh bằng. Ông cực lực bênh vực cho các ý kiến tân kỳ và khám phá mới mẻ của Copernic. Ông chế nhạo mọi thứ luận thuyết giáo điều, và châm biếm  các đấng thần tượng là “sainte ignorance”, và “sainte bêtise”. Ông cũng gọi các nhà thông thái đương thời là bọn  “tristes pédants” và bọn trí thức khoa bảng là bọn “imbéciles diplômés” v.v...

Trong thời gian lưu trú tại Paris, Bruno đã được bổ nhiệm làm giáo sư và đã có rất nhiều môn sinh thụ giáo, và đã được hoàng đế Henri III, một vị vua thông thái của Pháp quốc, rất trọng vọng.

Đến tháng 3, 1583, Bruno dời sang Anh quốc, cư ngụ ở  Londre, giao du rất mật thiết với Michel de Castelnau, sứ thần đặc mệnh của hoàng đế Pháp quốc, túc trực cạnh hoàng hậu Anh quốc. Trong thời gian này, Bruno đã viết mấy quyển sách quan trọng như: La Cena de le Ceneri, De la Causa, Principio e Uno,... Nhưng quan trọng nhất là tác phẩm “Sự bất tận của vũ trụ và quả đất” (De l’infinito, universo et mondi / De l’infini de l’univers et des mondes). Với tác phẩm này, vị tu sĩ dòng Dominicain hoàn tục, đã coi thường quyền lực và sự hiểu biết  “cận thị” của giáo hội Thiên Chuá La Mã, can đảm nêu lên thuyết  vũ trụ bao la và bất tận (univers immense et infini), và quả đất phải xoay quanh mặt trời... Hơn nữa, Bruno còn nêu giả thuyết có nhiều hành tinh khác ngoài quả điạ cầu...

Những khám phá thông thái về khoa học của Bruno đã khiến cho toà thánh La Mã kinh hoảng, vội vã qui kết ông vào hạng tà ma ngoại đạo, phá rối niềm tin Thiên Chúa.

Năm 1590, Bruno dời qua Đức, đến Frankfurt, là một nơi có thị trường sách báo lớn nhất ở Âu Châu thời bấy giờ. Nơi đây Bruno đã ấn hành thêm một số tác phẩm triết lý quan trọng khác. Dịp này, ông đã được một nhà quí tộc trẻ tuổi, ở thành Venise, Ý Đại Lợi, tên  Giovanni Mocenigo, 33 tuổi, có tham vọng trở nên nhà thông thái nổi danh, đã cung thỉnh ông đến Ý để giảng dạy cho hắn. Bruno đến Venise vào tháng 8.1591, và lưu trú trong nhà của Mocenigo, thuộc San Samuele kể từ tháng 3.1592.

Nhưng chẳng bao lâu sau, Mocenigo đã trở mặt, cho rằng Bruno đã không tận tình truyền thụ tất cả những  hiểu biết tâm đắc của ông cho hắn, nên hắn đã lập tâm hãm hại Bruno. Khi Bruno nhận ra vẻ khác thường, liền ngỏ ý muốn trở lại Frankfurt, để có cơ hội ấn hành thêm  một số tác phẩm mới, lập tức nưả đêm ngày 22.5.1592, lúc Bruno đang  nằm trên giường, thì Mocenigo đã cùng một tên gia nhân hiệp lực cùng 5 tên trạo phu chèo thuyền  (gondoliers) tóm cổ ông, lôi ông vào một vưạ lúa mì, rồi nhốt lại. Lúc bấy giờ tên quí phái dổm Mocenigo mới doạ sẽ truy tố ông ra trước toà án dị giáo, nếu ông vẫn duy trì ý định đi Frankfurt. Nhưng không dè Bruno nổi giận, nhất định không chịu khuất phục trước sự doạ nạt  của Mocenigo. Trước phản ứng  cứng cỏi bất ngờ của Bruno, ngoài sự tiên liệu của Mocenigo, khiến hắn trở nên lo ngại. Vì thế  sáng hôm sau, một buổi sáng thứ bảy, hắn vội vàng triệu dụng đến công tố viên toà án dị giáo, hiệp lực cùng với lũ gia nhân thân thuộc, áp giải Bruno đến khám đường của  giáo đoàn Thánh Tín Saint-Office.

Nên biết Mocenigo vốn là hậu duệ của một gia đình vọng tộc quyền thế rất lớn ở Venise, có ảnh hưởng mạnh mẽ đối với toà án dị giáo. Bây giờ đã “trót đâm lao, thì phải theo lao”, nên hắn bắt buộc phải  biạ ra thêm đủ thứ chuyện không tưởng để vu oan cho Bruno. Thí dụ hắn làm bản tường trình báo cáo, vu khống Bruno, trong thời gian lưu ngụ trong nhà hắn đã viết ra những quyển sách chống lại đức tin của giáo hội Thiên Chuá La Mã, cho rằng vũ trụ là bao la và vô cùng tận. Ngoài ra, Bruno còn hết lời thoá mạ chuá Giê Su là một kẻ hiểm độc (sinistre individu) và những phép mầu nhiệm của Chúa chẳng qua chỉ là những trò bịp bợm hạ cấp, dành để lưà gạt bọn người ngu daị, cả tin. Chúa cũng chẳng bao giờ tự nguyện chịu đóng đinh trên thánh giá,  Chúa đã  cố chạy trốn  cái chết đến kỳ cùng, mãi tới khi khí mòn lực tận, mới chịu nạp mình. Mocenigo còn  vu cho Bruno đã phản bác  các tội tổ tông, cho rằng đứa trẻ sơ sinh đâu đã biết gì, mà phải gánh tội tổ tông. Hắn còn cáo buộc Bruno đã nhiều phen lý giải  cho mọi người nghe chuyện hoang đường đức Mẹ Maria Đồng Trinh đã đẻ ra chúa Giê Su và chế nhạo chuyện gái đồng trinh đẻ con như một loại chuyện tiếu lâm tục tĩu v.v...

Kể từ đó, cuộc đời của Bruno bắt đầu đi vào thảm hoạ hãi hùng. Hậu quả dành cho Bruno,  như đã nói trước, là bị thiêu sống trên dàn hoả vào tảng sáng ngày 17.2.1600, tại Rome. Nhưng đau đớn nhất cho Bruno là khi đã bị trói chặt trên dàn hoả để thiêu sống, người ta còn nhẫn tâm đóng đinh vào lưỡi của Bruno để cho ông hết nói được.Vì đến lúc đó giáo đoànThánh Tín vẫn còn sợ Bruno, trước khi chết sẽ cố gào to cho mọi người nghe là: vũ trụ bao la và bất tận!

 

KHOA HỌC GIA GALILÉE TRƯỚC TOÀ ÁN DỊ GIÁO

Tuy nhiên, lịch sử vẫn tái diễn, 33 năm sau, đến lượt  Galilée (1564-1642). Ngày 22.6.1633, trong phòng thẩm cung của tu viện ở Santa Maria sopra Minerva, một  nhà bác học già nua, tên Galilée, đang phải ngoan ngoãn qùi gối, phủ phục trước một số Hồng Y kiêu căng thuộc toà án dị giáo của giáo đoàn thánh tín (Saint –Office). Lúc bấy giờ hình hài của Galilée chỉ còn là một bộ xương, một xác chết chưa chôn, vì ông đã bị giam cầm  lâu ngày và đã chịu đủ mọi cực hình tra tấn đau đớn  man rợ. Lúc đó Galilée đã 70 tuổi rồi.

Khác hẳn với Giordano Bruno, lần này Galilée đã chịu khuất phục trước áp lực và hành động độc ác của bọn  thẩm vấn viên toà thánh, Galilée đã cúi đầu nhận tội trước các vị Hồng Y của toà án dị giáo, chấp nhận những  khám phá khoa học của mình về vũ trụ, và không gian đều là những tà thuyết, hoàn toàn phản lại với những lời răn dạy đã ghi trong thánh kinh (contraire à la Sainte Écriture).

Hơn thế, Galilée lại còn bị bắt buộc phải quay trở lại luận thuyết: “Quả đất di động và mặt trời bất động giữa vũ trụ” (la Terre est mobile et le Soleil immobile au milieu de l’univers”) của Nicolas Coprenic, đã ấn hành trong tập “De revolutionibus orbium celestium”(traité sur les révolutions des mondes célestes). [ Nên biết: Sau Copernic, còn có 2 nhà thiên văn học đại tài là Tycho Brahe (1546-1601), Johannes Kepler (1571- 1630) và cuối cùng mới đến lượt Galileo Galilei, sanh năm 1564, tại Pise, thuộc Ý, đã khám phá ra hiện tượng thiên nhiên này].

Như vậy, rõ ràng Galilée đã chỉ vì say mê trước sự khám phá tiên khởi về vũ trụ và thiên văn của Copernic, rồi từ đó ông cất  công sưu tầm và nghiên cứu thêm, nhắm mục đích làm cho vấn đề được trở nên sáng tỏ và cụ thể hơn.  Năm 1609,  nhân cơ hội được trông thấy một dụng cụ mới về quang học (instrument optique), có khả năng phóng đại một vật thể nhỏ từ đằng xa, do một người Hoà Lan sáng chế, nên ông đã bắt chước theo đó mà chế ra chiếc viễn vọng thiên văn kính (lunette astronomique) để khám phá các  vì tinh tú trên bầu trời  rộng bao la. Galilée đã lập một phòng nghiên cứu nhỏ, nằm sát bên nhà của ông, ở Padoue.

Thoạt tiên, Galilée đã được nhiều nhà thông thái kính phục, được giáo hoàng Paul V (đệ ngũ) ngưỡng mộ. Đến năm 1611, Galilée được bầu vào viện hàn lâm  Lincei, do  ông hoàng Federico Cesi, một bạn thân của Galilée, sáng lập. Đến năm 1613, Galilée  ấn hành quyển sách quan trọng, nhan đề “Lettere sulle macchie solari” (Lettres sur les taches solaires). Ngay sau đó, một  linh mục dòng Dominicain, tên Niccolo Lorini, lập tức lên tiếng công khai phê bình  thuyết của Copernic, và nhân dịp tấn công luôn cả Galilée.

Sau đó không bao lâu, vào khoảng tháng 12, 1613, Galilée  lại nhận được thơ của linh mục Castelli, một trong số môn sinh của ông, cùng một lượt với thơ của một nữ tu sĩ tên Christine de Lorianne. Cả hai người đều cho rằng dường như những luận thuyết mà Galilée đã nêu ra trong quyển “Lettere sulle macchie solari” có vẻ  chống lại những điều đã xác quyết  của giáo đoàn thánh tín Saint –Office.

Nhà bác học Galilée  quyết định phải viết thơ hồi âm và giảng giải thêm cho 2 người này. Thơ cho Castelli vào năm 1613, thơ cho bà Christine de Lorraine, vào năm 1615. Với tấm lòng thành thực cộng thêm sự tin tưởng trong sạch vào sự thực và trước những hiện tượng thiên nhiên trong vũ trụ, Galilée đã  tận tâm bênh vực cho những khám phá mới của Copernic và của riêng mình gần đây. Nhưng ông đã không ngờ chính những lời lẽ giải bày chân thành của ông trong 2 lá  thơ đó đã trở thành những sợi dây oan nghiệt, đã trói  chặt tay chân ông, và trở thành chiếc thòng lọng buộc cổ ông, để lôi ông ra trước toà án dị giáo. Ngày 7.2.1615, linh mục dòng Dominicain Nicolo Lorini đã gửi một lá thơ cho   Hồng Y Paolo Emilio Sfondati,  lúc đó giữ chức thái thú của giáo đoàn ở Index và giáo đoàn Thánh Tín Saint-Office, kèm theo lá thư của Galilée đã gửi cho Castelli. Hành động tố giác này của Lorini  vào thời kỳ đó quả là một  nhát gươm oan nghiệt  đâm thẳng vào tử huyệt của Galilée.

Tuy đã bị  Lorini  giáng cho những  cú trọng thương, nhưng nhờ  giao du rộng rãi trong giới quyền lực tối cao của toà thánh La Mã, cộng thêm sự giúp đỡ, che chở tận tình của một số đông bằng hữu có thế lực, nên Galilée vẫn chỉ bị thẩm cung sơ sài, và còn được tự do, để có thì giờ tiếp tục nghiên cưáu và xuất bản thêm một số tác phẩm quan trọng khác nữa. Đáng kể là những tuyệt phẩm như: Il sagiatore (l’Essayeur), ấn hành năm 1623. Năm này giáo hoàng Urbain VIII (đệ Bát) lên ngôi, và hồng y Maffeo Barberini vẫn còn luôn luôn tỏ ra ủng hộ và ngưỡng mộ Galilée.

Từ cuối năm 1624 đến 1629, Galilée cho ra đời thêm các tác phẩm nghiên cứu khác, như: I dialoghi sopra i due massimi sistemi del mondo, ptolemaico e coperniciano (Dialogue sur les deux plus grands systèmes du monde, ptolemaique et copernicien) (phát hành tháng 7, 1631).

Nên biết trong thời gian này, giáo hoàng vẫn cho phép  sách của Galilée lưu hành, với điều kiện luận thuyết của Copernic  chỉ được coi như một giả thuyết.

Đến đầu năm 1632, Galilée lại cho ra đời thêm một tác phẩm nặng nề khác, dưới tựa đề là “Đối Thoại” (Dialogue / Dialogo dei massimi sistemi). Trong sách, Galilée tạo ra 3 nhân vật tượng trưng là: Salviati, Simplicio, và Sagredo, đã cùng nhau thảo luận ròng rã suốt 4 ngày về 2 hệ thống lớn trong lãnh vực vũ trụ luận (cosmologie). Trong đó nhân vật Salviati đóng vai đại diện cho giới trí thức bênh vực giả thuyết của Copernic, nhân vật Simplicio  bảo vệ cho thuyết Aristotélique quả đất là trung tâm (hypothèse géocentrique aristotélicienne), trong khi đó  Sagredo đóng vai là một “honnête homme” có tâm hồn phóng khoáng, làm gạch nối, tạo đầu mối cho 2 bên đối thoại. Ngay sau khi tác phẩm này vừa tung ra thị trường lập tức được sự nhất trí liên ứng ngay trong nước Ý và khắp cả lục điạ Âu Châu. Nhưng ngược lại, mặt khác, Galilée cũng bị phe chống đối chỉa mũi dùi xung kích nhắm thẳng vào ông ta. Đồng thời, Bọn này còn  xuyên tạc trắng trợn sự thật, phao tin loan truyền, cho rằng Galilée đã dùng nhân vật Simplicio trong “Dialogo” để ngầm nhạo báng, diễu cợt đức giáo hoàng đương nhiệm.

Đến tháng 7.1632,  viên quan toà dị giáo (inquisiteur)  thành Florence ra lịnh cấm lưu hành “Dialogo” của Galilée. Lúc bấy giờ giáo hoàng Urbain VIII lại đang lâm vào tình thế cực kỳ khó khăn: Âu Châu đang  bị đắm chìm trong biển máu, vì cuộc chiến “Trente Ans”, và đang đứng trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh tôn giáo giưã Thiên Chuá giáo và Tin Lành Giáo (protestantisme). Vì thế chính cá nhân đức giáo hoàng cũng cảm thấy bị tổn thương, và uy tín bị xúc phạm phần nào, khi dư luận cố tình gán ghép ông với nhân vật  Simplicio trong truyện. Huống chi, trong điạ vị giáo hoàng, ông lại còn có bổn phận phải bảo vệ đức tin của tin đồ TC giáo, chống lại mọi hình thức nguỵ thuyết, tà giáo bất cứ trong lãnh vực nào. Từ đó, ông  nhận ra chân dung của Galilée đã có phần nào khác xưa, theo khuynh hướng tà giáo, chống lại những giáo điều đã ghi trong thanh kinh.Như vậy, tất cần phải triệt hạ Galilée mới được!

Ngày 23.9.1632,  quan toà dị giáo thành Florence được lịnh xuất trát đòi Galilée phải trình diện  tại Rome trước  tổng ủy viên toà án dị giáo Saint-Office. Mặc dù lúc bấy giờ Galilée đang  lâm bịnh trầm trọng, đã xuất trình giấy y chứng của bác sĩ, nhưng vẫn không được gia hạn. Toà án dị giáo ở Rome ra lịnh cho Galilée phải  trình diện cấp tốc hoặc sẽ bị áp giải bằng biện pháp nhục hình, xiềng xích tay chân, (carceratus et ligatus cum ferris). Lúc này, Galilée nhận  thấy hoàn cảnh của mình đã không còn như xưa nữa.

Ngày 20.1.1632, mặc dù bịnh tật, yếu đuối  cộng thêm đường xá xa xôi lầy lội, không có phương tiện di chuyển, ông vẫn phải cố lết tấm thân tàn đến Rome. Lúc bấy giờ lại là lúc toàn thể nước Ý đang bị bịnh dịch hạch hoành hành dữ dội, dân chúng chết la liệt, xác người không kịp chôn, nằm vương vãi ngổn ngang khắp nơi. Nhiều làng đã vắng hẳn bóng người, nhiều nơi mùi tử khí đang xông lên nồng nực, dọc đường ông không thể nào tìm được  chỗ nghĩ chân, khiến cho cuộc hành trình của ông hoá thành một cơn ác mộng hãi hùng. Dù sao ông cũng cố lết được đến Rome vào ngày 13.2.1633. Nơi đây, ông nhận thấy quang cảnh của thủ đô cũng hoang tàn thê lương khủng khiếp.

Ngày 12.4.1632, cuộc thẩm cung đầu tiên  khởi sự, và  các quan toà dị giáo buộc Galilée  phải thành khẩn khai báo và thành khẩn nhận hết tội lỗi, nếu không sẽ bị tra tấn nhục hình. Tìm tòi trong hồ sơ lưu trữ, người ta không thấy có dấu vết nào chứng tỏ Galilée đã bị tra tấn cực hình. Nhưng đến ngày 22.6.1633, Galilée đã đành phải viết giấy thú nhận mọi tội lỗi trước mặt giáo đoàn  thánh tín thuộc toà án dị giáo thành Rome.

Cuối cùng, nhờ xin hối cải và phủ nhận  tuốt mọi  khám phá,  Galilée đã được toà án dị giáo cho sống nốt quãng đời còn lại ở Arcetri,  kề cận một tu viện, nơi có người con gái của ông tên  là Maria Celeste  đang  ở ẩn. Galilée mất năm 1642. Nhưng vụ án Galilé vẫn không bị đóng lại theo cái chết của nhà thông thái. Vụ án này còn tồn tại mãi trong lòng nhân loại,  luôn luôn mở rộng trước mắt giới thức giả khắp thế giới, và đã khiến cho Galilée trở thành một nhân vật điển hình của bao nỗi oan khiên cần phải được  các đời sau nhắc nhở đến...

 

GIÁO HOÀNG JOHN PAUL II  CÔNG KHAI NHÌN NHẬN SAI LẦM...

Sau đó thời gian cứ lặng lẽ trôi qua, thản nhiên như chẳng có gì đã xảy ra dưới bầu trời này.    Trong cuộc sống hằng ngày của nhân loại chẳng còn ai buồn nhắc đến Giordano Bruno và Galilée nưã. Những cái tên ấy, với bộ óc siêu quần và cuộc đời tài ba của những người ấy, trải qua bao nỗi oan khiên đau đớn ngất trời xanh mà họ phải riêng mang, đã bị vùi sâu dưới lớp bụi thời gian, và nằm im lìm trên những trang cổ sử. Hoạ hoằn lắm mới có bàn tay của một người nào đó sờ đến!

Tuy nhiên  nỗi  oan khiên của  Giordano Bruno và Galilée vẫn không  bị chết hẳn  và đã không bị tiêu tan, rồi hoá thành cát bụi trở về với hư vô như muôn ngàn vạn ức những nỗi oan khiên chập chùng khác của người đời. Những cái tên  vĩ đại ấy đã cộng thêm với biết bao nhiêu những sai lầm nghiêm trọng, tàn ác, đẫm máu, của toà án dị giáo (inquisition) do  giáo đoàn  Thánh Tín Saint-Office chủ trương, dưới các chế độ Thiên Chuá giáo La Mã thời Trung Cổ, đã khiến  mấy năm trước đây một vị giáo hoàng đã phải chính thức công khai  lên tiếng xác nhận  những sai lầm của giáo hội trong quá khứ, để phục hồi danh dự cho những nạn nhân đã bị oan khiên vùi dập.

Ngày có tính cách lịch sử đó là ngày 30.10.1992. Trong một buổi lễ long trọng tại đền thánh Phêrô, La Mã, giáo hoàng John Paul đệ nhị đã công khai thừa nhận việc toà án dị giáo của giáo đoàn Thánh Tín Saint-Office đã kết tội Galileo (Galilée) năm 1642 là một điều sai lầm, chỉ  vì Galilée đã có công khai triển và chứng minh thuyết “trái đất xoay quanh mặt trời”  của Copernic và của Giordano Bruno!...

 

AI CÓ QUYỀN GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ CHO CÁC NẠN NHÂN?

Căn cứ vào các chứng liệu lịch sử đã nêu trên, chắc hẳn bạn đọc đã tự tìm ra được câu trả lời thực xác đáng cho câu hỏi: “Ai có trách nhiệm và có thẩm quyền giải oan và phục hồi danh dự cho các nạn nhân?”

Dù vậy, để cho chủ đề “GIẢI OAN VÀ PHỤC HỒI DANH DỰ” của Phạm Quỳnh không bị “lái” vào các tình tiết lặt vặt, khiến độc giả dễ dàng bị lạc lối trong rừng biện luận mâu thuẫn lung tung, thiết tưởng tôi cũng cần phải nhấn mạnh thêm cho thật rõ nét những điểm đồng nhất từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây như sau:

1.- Sau một thời gian, dài ngắn tuỳ từng trường hợp,  nỗi oan khiên của các nạn nhân đều được minh giải và danh dự của họ đều được phục hồi. Dĩ nhiên trong số các nạn nhân của oan khiên ấy, theo tôi, vẫn còn nhiều số phận hẩm hiu hơn, không được đời nhắc đến, và đã chẳng được ai giải oan và phục hồi danh dự cho. Như thế, họ đành âm thầm mang mối oan khiên ấy mãi mãi, dưới chốn tuyền đài, không bao giờ tan!

2. - Công việc giải oan và phục hồi danh dự cho các nạn nhân đều do những nhân vật kế nhiệm hay do một triều đại kế tiếp. Thí dụ như: Vụ án  Nguyễn Trãi ở nước ta, 20 năm sau, đã được vua Lê Thánh Tông, hậu duệ của vua Lê Thái Tông, chính thức giải oan và phục hồi danh dự.

Tại Nga, vụ thảm sát  gia đình  Tsar hoàng, vụ thủ tiêu các văn nhân, thi sĩ, các danh tài nghệ thuật...do  Lenin và Stalin chủ trương, đến kỳ đại hội đảng lần thứ  20, ngày 14.2.56, tại thủ đô Moskva, đảng CS Sô Viết đã đề ra chiến dịch “giải trừ Stalin” để rồi từ đó phục hồi danh dự cho các nạn nhân đã bị giết oan  trong thời Lenin và Stalin  cầm quyền. Đến ngày 18.6.87, nhân đại hội thứ 70 kỷ niệm “cách mạng tháng 10”, M. Gorbachev đã ban hành sắc lịnh giải oan và phục hồi danh dự cho các nạn nhân của chế độ CS sô Viết...

Cuối cùng là ngày 30.10.1992, giáo hoàng John Paul II đã chính thức công khai giải oan và phục hồi danh dự cho các nạn nhân đã từng chịu chết oan uổng trong ngọn lửa thiêu sống của các toà án dị giáo từ 362 năm trở về trước! 

Tóm lại, khi chúng tôi nêu lên chủ trương “giải oan và phục hồi danh dự” cho Phạm Quỳnh, xuyên qua tác phẩm “Giải oan lập một đàn tràng”, có tính cách chính trị và văn hoá này, chúng tôi quan niệm “minh oan” là một việc ai cũng có thể đóng góp được. Càng nhiều dữ kiện, càng nhiều biện thuyết để minh oan cho Phạm Quỳnh càng tốt, tiếng nói càng to, tiếng vang càng lớn rộng càng được nhiều người lắng nghe hơn. Nhưng còn  việc “giải oan và phục hồi danh dự” cho Phạm Quỳnh, dưạ trên sử liệu, căn cứ vào các dẫn chứng đã nêu trên, cùng với tư cách pháp nhân trên căn bản luật pháp quốc gia và công pháp quốc tế của người chủ xướng cho cuộc “giải oan và phục hồi danh dự cho  Phạm Quỳnh”, chúng tôi thiển nghĩ: Hơn ai hết, chỉ có đảng CSVN, và các nhà cầm quyền  XHCNVN  hiện nay có trách nhiệm và bổn phận phải thực hiện điều đó.

Trong bài “Tại sao phải phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh?” (trong tác phẩm GOLMĐT, trg  8), ý thức được vị thế éo le của mình trước con mắt của cả hai phe CS cực đoan và Quốc Gia quá khích, tôi đã mong nhà cầm quyền CSVN hiện nay ở trong nước, vì tinh thần “pokoyaniyé” và “soglassiyé” (chuộc tội và hoà giải)  nên noi gương đàn anh, các nhà lãnh đạo Sô Viết đã làm, mà xin  cứu xét lại nỗi oan khiên của Phạm Quỳnh  hầu phục hồi lại danh dự cho người đã quá cố.

Giả thuyết, nếu giới cầm quyền XHCHVN hiện nay biết noi gương Nga Sô, chấp nhận lời thỉnh cầu của “uỷ ban phục hồi danh dự” cho Phạm Quỳnh, theo tôi, chẳng những đã chứng tỏ tinh thần tiến bộ của chế độ, lại còn hợp tình, hợp lý, đúng theo lòng dân, và thuận theo  diễn trình của quá khứ lịch sử nhân loại. Vinh dự đó thuộc về vong linh của Phạm Quỳnh và thuộc về gia đình, hâu duệ của nhà học giả họ Phạm. Đồng thời cũng là một vết son trong lịch sử của dân tộc, sau hàng mấy chục năm trời  nồi da sáo thịt!

Riêng tôi, là một người có bài đóng góp  trong tuyển tập này, sở dĩ  lên tiếng với tư cách cá nhân, chẳng qua chỉ vì lo sợ cho nỗi oan khiên của Phạm Quỳnh sẽ bị vùi sâu trong quên lãng.

 

CẢM THƯƠNG NỖI CÔ ĐƠN CỦA PHẠM QUỲNH!

Đến đây, chắc sẽ có người còn cắc cớ hỏi tôi:”Tại sao lại phải lo  cho nỗi oan khiên của Phạm Quỳnh sẽ bị vùi sâu trong quên lãng?”

Xin thưa: Rất giản dị! Chỉ bởi khi nghiên cứu  nỗi oan khiên của Phạm Quỳnh, tôi đã nhận ra nỗi cô đơn của người chiến sĩ văn hoá, khi nằm xuống. Thân nhân gia tộc, ai cũng sợ  bị vạ lây, không dám biện bạch, nhắc nhở đến nưả lời trước công luận. Kế đến những người tự mệnh danh “Quốc Gia” chống CS om sòm, nhưng suốt bao nhiêu năm qua, họ vẫn dửng dưng trước cái chết oan khiên tức tưởi của Phạm Quỳnh, nạn nhân của CS, tức đương nhiên  phải kể là một “đồng chí” của phe quốc gia. Thậm chí đến  gia đình nhà Ngô, lúc đương quyền, khi đã khám phá ra mồ chôn  tập thể, có xác của Ngô Đình Khôi, Ngô Đình Huân và Phạm Quỳnh, thì nhà Ngô vẫn tỏ ra hẹp hòi, không có đức tính độ lượng, không đủ kiến thức nhìn xa thấy rộng trên bình diện văn học, để tổ chức một buổi lễ cầu hồn, giải oan và phục hồi danh dự cho Phạm Quỳnh!

Trước hoàn cảnh cô đơn đau đớn như thế của Phạm Quỳnh, tuy không liên hệ huyết thống, nhưng xuyên qua sự kiện lịch sử giữa nhà thám hiểm Amerigo Vespucci  với Christophe Colomb, người đã được đời gán cho cái công khám phá ra châu Mỹ La Tinh, tôi cảm thấy thấm thía vô cùng.

Sự thực, chiếu theo tài liệu trong các văn khố, Christophe Colomb chỉ mới đặt chân  đến  bờ biển Cuba, Saint-Domingue và lẩn quẩn trên vài tiểu đảo khác trong vùng vịnh Caraibes mà thôi. Ông chưa từng đặt chân lên phiá Bắc bao giờ. Mỗi lần như thế, khi trở lại Tây Ban Nha với mấy con két Ara sặc sỡ, những thùng cà chua, bắp và sô cô la..., nữ hoàng Tây Ban Nha không thấy  ông  nói gì đến  bọn  thổ dân “indiens” (Da Đỏ) mà bà vốn đặc biệt quan tâm. Cuối cùng,  vì chán  với những lời hứa hão của Christophe Colomb, bà  đã phải cắt hết tài trợ cho chương trình thám hiểm của ông ta. Trong khi đó, ngược lại, một nhà thám hiểm khác, tên Amerigo Vespucci, mới chính là người đầu tiên đã khám phá ra cả một vùng châu Mỹ La Tinh lớn rộng bao la, với giống thổ dân Indiens.

Nhưng tại sao công lao ấy của Amerigo Vespucci lại bị Christophe Colomb đoạt mất? Chỉ bởi Christophe Colomb đã có người con trai, về sau đã trở thành  cái loa tuyên truyền, và đã viết sách nói về cuộc đời thám hiểm của cha mình cho đời sau tham khảo và dùng làm tài liệu giáo khoa lưu truyền hậu thế. Trong khi đó, Amerigo Vespucci lại hoàn toàn cô đơn, con cái không có. Ở đời, chẳng ai chịu đoái hoài đến công trình của một cái thây ma đã tan rữa vào cát bụi làm gì!

Nhưng dù vậy, công lao thám hiểm của Amerigo Vespucci cũng không đến nỗi bị người đời phủi tuột. Họ đã gọi lục điạ Mỹ Châu là “America ”, để nhắc đến Amerigo Vespucci.

Nếu có ai muốn tranh cãi với tôi điều này, thì xin cho phép tôi được hỏi nhỏ mà chơi: “Nếu cho rằng Christophe Colomb là người đã khám phá ra châu Mỹ La Tinh, vậy tại sao thiên hạ lại không gọi lục điạ này là: Colombie?”

Từ đó, tôi lẩm cẩm nghĩ ngợi miên man, và tự đặt ra cho mình những câu hỏi sau đây:

- “Ở đời có mấy ai biết đến Socrate mà không nhờ đọc Platon? Chúa Jésus đã làm cách nào để được đời tôn thờ, nếu không nhờ có các thánh tông đồ đi truyền đạo? Và nàng gái quê Jeanne d’Arc đã làm cách nào để được nổi danh “nữ anh hùng của dân tộc Pháp”, nếu không nhờ có Michelet?...”

Đặng Văn Nhâm

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002