Đại Chúng số 84 - phát hành ngày 15/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


ĐÒI ĐOẠN XA GẦN

Lãng Nhân

(tiếp theo kỳ trước)

_ Thật là cười ra nước mắt. Tôi lại vừa nghe tòa án nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên xữ tử một người tên Trần Minh Châu vì tội cướp một chiếc thuyền đánh cá của cơ sở đóng thuyền huyện Phú Lộc, để chở 27 người vượt biên, đâm chết một trong hai lính cộng sản đứng canh thuyền, trói tên kia lại rồi mở máy chạy ra khơi, nhưng hôm sau thuyền bị chặn bắt. Lại nghe tòa án nhân dân tỉnh Đồng Nai xử tử Phạm Văn Môn, cán bộ ấp Ngọc Hà, xã Phú Mỹ, huyện Châu Thành (Đồng Nai) về tội lấy tiền của bà Huệ ở số 160/172 đường Phạm Văn Trị, quận 5, Sài Gòn, chở gia đình này ra bờ biển Cát Lô, xiết cổ người con và dùng búa đánh bà Huệ đến bất tỉnh, lại trấn nước đến chết, vứt xác hai mẹ con xuống biển. Phạm Văn Môn cùng đồng lõa đ?u là cán bộ xã ấp cộng sản. Sở dĩ hai vụ đem xử công khai là vì sau đó ít lâu, chia chác không đều, cán bộ tố cáo lẫn nhau, khiến dư luận xôn xao, cộng sản không ém nhẹm được nữa. Cộng sản chắc “khổ tâm” lắm vì lòi bộ mặt thật của chính mình.

_ Cộng sản còn khổ tâm hơn nữa khi thấy rằng chính sách kìm kẹp chính đảng viên của mình cũng không chịu nổi nên tìm mọi cách để trốn. Điển hình là vụ án nữa cũng ở Đồng Nai. Nguyễn Ngọc Tâm, cán bộ chi nhánh ngân hàng Xuân Lộc, đã dùng thuốc mê giết hết cán bộ trong chi và cướp sạch tiền nong, xuống thuyền dong tuốt, nhưng không thoát. Dĩ nhiên, lại một án tử hình.

_ Những vụ xử tử này, cộng sản đem ra công khai, chứ không giấu giếm như mọi vụ thủ tiêu, lại còn cho phổ biến sâu rộng bằng báo chí và truyền thanh truyền hình, có lẽ muốn chứng tỏ với quốc tế là họ không hề có chủ trương cướp của rồi đẩy dân ra biển một cách vô trách nhiệm.

_ Nhưng lừa được ai đâu. Những người đi thoát đã tố giác tùm lum với bằng chứng cụ thể, cái quốc sách nói láo đã đi đến cùng đường rồi. Những vụ án ấy đã đem lại một hậu quả tai hại cho họ, là cho mọi người thấy rõ những con giòi đục từ trong xương đảng ra: đồng chí nọ ghen ăn hoặc muốn tranh chỗ của đồng chí kia, cán bộ này tham nhũng, cán bộ khác gian giảo ... chung qui, đạo đức cách mạng không cách mạng nổi con người: con người còn ham của ngon vật lạ thì con vịt quay Bắc Kinh vẫn còn hấp dẫn hơn cái thẻ đảng tịch, cứ xem ông Hồ lúc gần thở hắt ra thì biết ...

_ Giòi đục xương như thế thì tồn tại sao được! Mà sao họ vẫn không bị lung lay và cũng không chịu thay đổi thái độ!

_ Họ sẽ phải đi đến diệt vong như những chế độ độc tài chuyên chế khác, vì họ không có lòng dân làm hậu thuẫn. Dưới gọng kìm của họ, những người già nua như chúng mình đành chịu kéo lê ngày tàn, còn kẻ có sức lực, ắt phải tìm sống. Vì thế nên bao nhiêu người chưa từng ra bờ biển mà nay dám cưỡi thuyền vượt sóng đại dương.

_ Là vì họ không nghèo như tôi, họ sắn tiền. Một anh bạn nói đùa:

"Tử sinh liều giữa trận tiền."

_ Đánh được cái trận tiền cũng vẫn phải đi vào chỗ chết mới tìm ra cái sống. Mà chết là phần nhiều.

_ Chả thế mà đại dương đã trở thành bãi tha ma ....

_ Một người bạn vừa chép cho tôi bức thư của người vượt biên, anh nghe đây:

"Tôi là Vu Duy Thái, sinh năm 1936 tại Hòa Lộc, Tuyên Sơn, Ninh Bình, di cư vào nam năm 1954, lập gia đình năm 1958 tại xứ An Lạc, Gia Định, cùng vợ là Đinh Thị Bằng, sinh năm 1940 tại Phú Nhai, Nam Định. Chúng tôi sinh hạ được 7 con: 1/ Guise Vũ Duy Thành, 2/ Vixente Vũ Duy Trung, 3/ Phéro Vũ Duy Tuấn, 4/ Maria Vũ Thị Thanh Thủy, 5/ Maria Vũ Thị Thùy Trang, 6/ Martin Vũ Duy Tài, 7/ Phéro Vũ Duy Trí.

Là một gia đình công giaó, chúng tôi không thể sống nổi duớ ách độc tài đán áp của cộng sản, nên chúng tôi quyết định bỏ nước ra đi.

Chuyến vượt biên thứ nhất, chở 3 cháu trai lớn (Thành, Trung và Tuấn) đi trước. Tàu khởi hành từ bến Bạch Đằng Sài Gòn ngày 1.10.78 chở theo 130 người. Đi được 4 ngày thì chết máy, sóng đánh lạc vào một đảo san hô thuộc đảo Bành Hồ, Đài Loan. Sống ở đây 50 ngày, lương thực cạn, số người chết đói tăng dần, những người sống sót đành cắt thịt người chết mà ăn. Hai cháu Thành và Trung lâm vào trường hợp này, hai cháu chết đói đã bị người đồng hành ăn thịt.

Mãi tới 7 giờ sáng ngày 51, mới có tàu Đài Loan đến cứu. 130 người còn sống có 60, nhưng trên đường từ San Hô vào Đài Loan, thêm một số người chết nữa vì kiệt sức. Khi đến Đài Loan còn sống được 34 người, trong đó có cháu Tuấn và đứa con đỡ đầu của tôi là Trịnh Vĩnh Thụy. Hiện nay, cháu Tuấn ở Đài Bắc, cháu Thụy có thân nhân bảo lãnh đã được định cư ở California. Trước thảm kịch hai anh chết thảm, Tuấn sợ bố mẹ khổ tâm nên giấu biệt tin tức. Mãi tới 20.12.79, ông Đỗ Minh Ngữ, bạn tôi, viết thư từ Mỹ về, chúng tôi mới hay sự thực giữa lúc chúng tôi đang chuẩn bị vượt biên chuyến thứ hai. Chúng tôi càng cương quyết ra đi.

Rời Sài Gòn ngày 23.11.1979 lúc 4 giờ sáng để xuống Rạch Giá, đến 4 giờ sáng hôm sau, chúng tôi xuống ghe ra khơi. Ghe mang số VNKG 0980, dài 13 mét, ngang 2m5, chở 120 người. 7 giờ chiều ngày 30.11 thì gặp hải tặc Thái Lan xáp lại cướp. Cướp xong chúng bỏ đi. Quá 8 giờ sáng ngày 31.11, lại một tàu cướp khác, lần này cướp xong chúng phá máy tàu. Tám chín tiếng nổ phát ra từ hầm máy làm chiếc ghe chao đi rồi 5 phút sau chìm dần. Mọi người đều la khóc. Tôi chỉ còn kịp nhìn thấy vợ tôi vẻ mặt kinh hoàng thảng thốt. Tôi cúi xuống hôn hai cháu Tài và Trí. Bỗng nghe cháu Thủy la: Cha ơi, chú Tuynh kìa! Và tiếng Trang: Cha ơi, chết rồi ... Rồi ghe chìm nghỉm. Lúc đó nhà tôi vẫn ở bên cạnh tôi nhưng không hề níu kéo tôi, ý không muốn tôi bận bịu để may ra còn cứu được các con. Khốn thay, một cơn sóng lớn ùa tới, nhận chìm tất cả. Sóng nước ngập đầu tôi không còn nhìn thấy ai nữa. Ngay lúc đó một người cháu là Phương níu tay tôi và cho tôi víu vào một can nước. Tôi ôm can, mở được mắt vẫn thấy nhà tôi nổi vật vờ ngay trước mặt. Sau đó tôi ngất đi, khi tỉnh dậy, thấy mình nằm trên tàu hải tặc, bên tôi là hai em Hùng và Châu đang làm hô hấp nhân tạo cho nhà tôi (chắc vừa được hai em vớt lên). Tôi cố gượng dậy để ra phụ giúp, nhưng bọn hải tặc ra dấu bắt phải hất nhà tôi xuống biển. Không có gì tan nát hơn lòng tôi lúc đó. Tôi nhào lại ôm nhà tôi vào lòng, nhìn thấy hai mắt vẫn mở, bọt mép sùi ra. Tôi vuốt cho mắt khép lại rồi khiêng đằng đầu, hai em Hùng và Châu đỡ đằng chân, hạ nhà tôi xuống biển, rồi vĩnh viễn chia lìa. Kiểm điểm lại, không phải chỉ một nhà tôi gửi thân biển cả, mà 4 đứa con cũng đều đắm chìm: Thanh Thúy, Thùy Trang, Tài, Trí. Cùng số phận với vợ con tôi còn có 65 người nữa đi cùng ghe đã thiệt mạng duới bàn tay bạo tàn của hải tặc đưa vào đảo Kra, trong vịnh Thái Lan. Đảo này bây giờ trở thành địa ngục cho dân tị nạn bằng thuyền: đàn ông bị tra tấn để khảo của và chỉ chỗ trốn của phụ nữ, phụ nữ thì lẩn lút trong hóc núi, trong rừng sâu, hay dưới vách đá ngầm ngoài bãi biển, nếu bị phát giác, sẽ bị hãm hiếp tập thể. Trên đảo còn nhiều di tích thảm thương: những hàng chữ hằn học viết trên vách đá, những mớ tóc rải rác mọi nơi, những xác thuyền và những ngôi mộ của người bỏ xác lại đó.

Tôi được đưa lên đảo ngày 31.12.79. Thân xác rã rời. Các em tôi đi kiếm cỏ khô trải cho tôi nằm, tìm thức ăn và thuốc uống, bất cứ thuốc gì, có viên đã rửa nát, có viên mòn vẹt còn phần tư, tôi cũng cố nuốt, vì sức tôi đã vô cùng suy sụp.

Sáu ngày trên đảo đói lạnh, nhớ thương, đau đớn. Đến ngày 6.1.80 tôi được cao ủy LHQ đón nhận vào quận Pakphanang, ở đó 18 ngày thì được đưa về nhập trại ở Songkla ngày 23.11.80 ...

***

_ Anh cho tôi hút điều thuốc đã. Chưa bao giờ nghe câu chuyện vượt biển rùng rợn như trường hợp ông này. Thật sởn gai ốc. Như thế này thì tôi không tiền để đi, không khéo lại là may đấy nhỉ.

_ Đi chết, ở lại cũng chết, biết sao bây giờ. Anh hãy nghe thêm một chuyện tính toán vượt biên không rùng rợn nhưng cũng mòn mỏi rã rời.

Tôi biết một gia đình có đủ tiền để lo mà hai lần đều phải quay về. Lần đầu, xuống thuyền hẳn hoi đi một đêm yên ổn, đến sáng thuyền đáp vào gần bãi, chủ thuyền hô lên: Đến nơi rồi, thuyền không đáp vào gần hơn được, bà con lội một chút mà lên. Mọi người mừng rỡ kéo nhau bì bõm, trong khi thuyền quay mũi đi luôn. Qua được nửa phần bãi cát thì nghe có tiếng rao bánh mì. Ai nấy sững sốt: đây là đâu mà lại có tiếng Việt Nam. Đi quá lên chút nữa, mới ngã ngửa người. Thì đây là bãi sau Vũng Tàu.

Lần sau lại thu xếp lên. Mua bến ở cửa Cần Giờ. Vừa xuống thuyền thì công an đến, mà không phải công an quen. Biết lỡ rồi, đành lùi ra sau thuyền, nhờ lúc ấy trời chưa sáng, công an còn mãi xét giấy tờ, len lén lội ra xa rồi lặng lẽ lên bãi, kéo nhau về. Cũng may mà trước khi đi đã nhờ người thân tín canh chừng nhà cửa, đèn thắp sáng đêm, nên phường khóm không ai phát giác, lại về được nhà yên ổn. Thật là "sau mỗi đường hầm hi vọng, lại có một thất vọng chờ sẵn!"

_ Thế còn có can đảm đi nữa hay không?

_ Đi chui thì hàng rồi. Đành tìm cách đi chính thức. Chạy được cái giấy bảo lãnh của người quen ở Pháp gửi cho, có đủ 3 dấu, bèn đính kèm đơn xin xuất ngoại đến nộp ở phòng "việc người nước ngoài". Bấy giờ mới hay giấy bảo lĩnh kia chỉ là giấy tư, vì một dấu là dấu quận cảnh sát chứng thực chữ ký của người bảo lãnh, một dấu của tỉnh chứng thực chữ ký của cảnh sát, một dấu nữa là của bộ ngoại giao chứng thực chữ ký của tỉnh, toàn là chứng thực chữ ký chứ không phải giấy của Pháp cho nhập cảnh. Công an liếc mắt qua, nói là "Giấy này vô giá trị, nhưng chúng tôi cũng nhận đơn cho, bây giờ hãy chờ giấy gọi." Chờ cả tháng cũng không thấy gì, lại đến hỏi thì được trả lời là nhà nước chưa có chủ trương. Tháng sau lại bảo là chưa có máy bay. Tháng nữa, còn bị mắng là vọng ngoại, không góp phần xây dựng đất nước. Mòn mỏi mãi mới có tin ông HCR can thiệp cho “đoàn tụ gia đình". Mừng lắm, nhưng làm sao gặp được ông ấy, văn phòng ở mãi tận Hà Nội. Đành lại phải qua tay công an để "hỏi cho rõ". Thì họ nói "Hỏi chi rứa, ham của rẻ phải không? Hết chỗ rồi, đợi chuyến khác". Xin họ hẹn cho rành, họ không đáp. Sau tìm đến nhà riêng, thì họ nói ngay: "Hãy chi ra" Năn nỉ mãi: "Thật hết cả rồi!" Thì họ lạnh lùng, mắt lim dim nhìn ra xa. Họ cười ruồi. Tôi bảo anh bạn: " Sao không hiến cho rảnh?" thì ảnh nói "Khổ quá, còn tiếc gì nữa đâu mà không thì cho hủi. Nhưng thật tình đói quá, hết cỡ rồi, héo cả ruột, hở cả rốn, đành lủi thủi về nằm dài, nghĩ bụng: Mình ở miền Nam dùng cầu tiêu máy, giá có muốn hiến họ một "miếng ngon Bác Hồ" cũng còn khó kiếm thay, huống hồ là bao nhiêu cây!

_ Tái ông mất ngựa, biết đâu không phải là cái may. Ở đây khổ sở, chưa chắc ra ngoài đã sung sướng...

_ Vâng, những người thoát được ra tuy vẫn phải tay làm hàm nhai tay quai miệng trễ, nhưng còn được tự do. Thanh thiếu niên dễ hòa theo đà ồ ạt của đời sống mới, người đứng tuổi thì khó khăn về ngôn ngữ và về những khác biệt với lề thói quen thuộc của mình, song phần đông không quên được quê cha đất tổ và căm thù bọn cộng nô. Chỉ có cái bọn cầm quyền khi trước là vô liêm sỉ, khiến nhà thơ Đỗ Văn đã lên tiếng:

Các ông lớn đã làm gì cho quê mẹ?
Ba mươi năm từng hò hét chiến chinh
Từng hô hào với muôn ngàn lý lẽ
Rồi bây giờ sao câm miệng, lặng thinh
Hỡi các ông từng trải mật phơi thây
Bắt họ hi sinh, bọn ông ngơi hưởng
Kẻ lang thang, người gánh lấy tù đày
Lúc đất nước đang ngập tràn khói lửa
Với quyền uy, ông vơ vét thẳng tay
Kêu chống cộng, nhưng chính ông là cộng
Chuyện ông làm gây thảm cảnh hôm nay
Oâng bỏ chạy đến xứ người lập nghiệp
Cũng nhà lầu, cũng dinh thự, xe hơi
Tối nhảy đầm, sáng trưa chiều yến tiệc
Khi bao người đang gào thét biển khơi
Gây thảm cảnh rồi kéo nhau trốn chạy
Giờ ở đây biến thành Mỹ da vàng
Sống đoàn tụ bên vạn người ly tán
Chết mặc ai, miễn ông hưởng giàu sang

_ Chán quá nhỉ, tiến thoaí lưỡng nan như thế này, tôi lại phải lập lại câu hỏi: Rồi đây họ đưa chúng ta đến đâu?

_ Tôi xin mượn cụ Đặng Trần Hồ trả lời anh. Cụ này là một nhân sĩ quốc gia ở Thanh Hóa, bị cộng sản giam cầm từ 1957, đến 1975 mới thả sau 18 năm lao tù, cụ xin vào Nam thăm gia đình, thì mãi vừa rồi mới được giấy; vậy mà ở đây công an bắt phải mỗi tuần phải đến trình diện. Cụ nói: Tôi ngoài 80 tuổi rồi, xê dịch khó khăn, không thể đi tới trụ sở được , đi xe thì không có tiền. Vả chăng, tôi đã bao năm trong một nhà tù nhỏ, nay được ra nơi nhà tù lớn, có gì thay đổi đâu mà còn đòi hỏi ...

_ Cụ ấy có tư thế nói như vậy, bọn mình thì còn khuya. Họa chăng chỉ còn cách nói lái với nhau để qua mặt chúng nó thôi. Khi anh em nói vấn đề “đầu tiên", mình hiểu ngay là "tiền đâu”. nói “đấu tranh” là ngầm bảo “Tránh đâu cho khỏi”, hỏi “thi đua” là mặt chay sị, tức là "thua đi cho rồi"; hất hàm hỏi nhau khi gặp ở vỉa hè: Con đường “Bác đi”? là “bi đát”, thỉnh thoảng lại kháo nhau: thằng Năm đeo “bảng đỏ” đi tìm "sao zàng", ai cũng biết ngay là nó "bỏ đảng” để đi tìm "sang zàu" ...

_ Dù sao ta cũng đừng nên bi quan quá. Từ xưa đến nay, có bạo quyền nào sống được muôn năm đâu. Mà bạo quyền nào sụp đổ cũng bắt đầu từ nội bộ mà ra. Vả lại, cứ theo lý thuyết Mác thì bánh xe lịch sử lăn từ cộng sản nguyên thủy, qua phong kiến, đến tư bản rồi kết cục là cộng sản kiểu này. Nếu câu nói : Lịch sử chỉ là một sự tái diễn thì thử hỏi sau cộng sản sẽ đi đến cái gì nhỉ? Phong kiến ư? Chúng ta chẳng thèm nhạt gì cái hương vị ấy mà chỉ muốn con cháu chúng ta sau này được sống theo xã hội thứ thiệt, trong đó tự do hạnh phúc không còn có nhà nước quản lý, đảng lãnh đạo ...

(còn tiếp)

Lãng Nhân

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002