Đại Chúng số 84 - phát hành ngày 15/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


Từ “được ăn, được nói, được gói đem về”
đến “GỌNG KÌM LỊCH SỬ"

Trần Nguyên Sơn

(tiếp theo kỳ trước)

VII - Lời bào chữa yếu ớt của nhà Ngoại Giao Bùi Diễm

Để giải thích cho tất cả những diễn biến trên ông Bùi Diểm viết,

“Cũng như Đại Sứ Taylor, Thủ Tướng Quát bị đặt vào một tình trạng khó xử. Trong hoàn cảnh lúc ấy, liệu ông có thể ngăn cản hoặc trì hoãn được việc Hoa Kỳ mang quân vào VN không?" Ông Diễm tự trả lời

"Trước hết chính phủ của ông mới thành lập chưa được hai tuần, chưa có căn bản vững chắc; ngoài ra chiến tranh càng ngày càng rộng càng leo thang nên không dễ gì gạt bỏ ý kiến của những quân nhân VN và Hoa Kỳ, lúc nào cũng chỉ chú trọng đến khía cạnh quân sự và tính cách cấp bách của vấn đề tăng quân, nhiều hơn là đến hậu qủa chính trị lâu dài. Hơn thế nữa, Đại sứ Taylor lại đến để trình bày với ông là sự có mặt của một số TQLC chỉ có tính cách hạn chế và tạm thời. Vì vậy mà giá ông có muốn đi ngược lại chủ trương tăng cường phòng thủ VN, thì điều đó chắc chắn không phải dễ dàng." (:226)

Ngày 18-2-1965 Chính Phủ Quát ra mắt giữa nhiều biến động Mỹ đỗ quân vào VN. Có thể cuộc đổ quân đầu tiên ông Quát cùng nội các chưa kịp chuẩn bị tư tưởng đối phó. Nhưng tới đầu tháng 3-1965, Taylor lại thông báo cho ông Quát biết việc Mỹ đổ quân cuộc thông báo kéo dài từ ngày 1/4-3-1965; nghĩa là nửa tháng sau. Nhưng tới ngày 8-3-1965 cuộc đổ quân Mỹ lên Đà Nẵng tiến hành. Thủ Tướng Quát có một khoảng thời gian ít nhất là 1/2 tháng để quyết định việc này. Hơn thế nữa vào ngày 2-3-1965 Hội Đồng An Ninh Quốc Gia VNCH họp với đầy đủ các khuôn mặt. Dĩ nhiên trong đó có cả ông Bùi Diễm giữ một trọng trách rất lớn cạnh Thủ Tướng Phan Huy Quát. Hồi Ký của nhà ngoại giao Bùi Diễm đã không đưa ra sự kiện ngày 2-3-1965. Cả hai nhân vật trọng trách Thủ Tuớng và Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng người thì cho là "Điều kiện thực tế," người thì cho "cần giữ kín!" Không một thành viên nào bàn đến, “Điều kiện cho quân đội Mỹ vào" mặc dù theo tài liệu của Hoa Kỳ Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Saigon đưa ra, muốn chính phủ VNCH “mời (invite) Hoa Kỳ gửi quân TQLC Mỹ.” Chính Phủ Quát đã không thực hiện lời yêu cầu này có vẻ mất thể diện qúa! Cho nên đành lặng yên; mặc dù mọi người đều biết sự hiện diện quân đội Mỹ ở miền Nam sẽ ảnh hưởng tới Chính nghĩa chống Cộng của VNCH. Ai cũng biết điều kiện và hoàn cảnh chính phủ Phan Huy Quát khó chống lại cuộc đổ quân; nhưng ít nhất buộc Mỹ phải tôn trọng một số nguyên tắc bằng thỏa hiệp tham chiến điều kiện ra vào vào VN. Thậm chí không một thành viên nào trong Chính phủ hoặc Hội Đồng An Ninh Quốc Gia xem xét lại “Văn bản ký kết An Ninh Hổ Tương Việt Mỹ ký kết dưới thời Đệ I Cộng Hòa.” Do không có thỏa hiệp; hậu qủa, Mỹ đã đơn phương rút quân sau khi thỏa hiệp với CSBV.

IIX - Sự yên lặng hay là đồng lõa?

Chính phủ Phan Huy Quát mặc dù được khai sinh trong giai đoạn khó khăn nhất của lịch sử VN. Nhưng không phải là không có vai trò của riêng nó. "Lịch sử VN vốn dĩ không phải là gọng kìm" như cách gọi của ông Bùi Diễm. Mà gồm tất cả ghi chép và đặt vấn đề cho hậu thế của những người đương thời, nằm trong số đông đảo vô danh; dân tộc VN. Ý kiến ghi chép này sẽ không phải là của Dinh Độc Lập hay Phủ Chủ Tịch CSBV Hà Nội.

Cuộc đổ quân Mỹ trùng trình mãi cho tới 08:00 ngày 8-3-1965 mới được thực hiện. Chính Phủ Quát đã hiện diện vào khoảng 20 ngày. Dĩ nhiên đây là thời gian quá ngắn để thi hành một chánh sách. Nhưng đủ tập trung đối phó với một vấn đề trọng đại. Đủ cho chính phủ Phan Huy Quát và ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm cũng Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thảo luận về vấn đề pháp lý căn bản trong cuộc đổ quân. Ông Dương Văn Minh chỉ cần 48 tiếng làm TT/VNCH cũng đủ để lịch sử kết tội đầu hàng, huống chi một Thủ Tướng và một chính phủ có thời gian 20 ngày chỉ để sắp xếp việc mang tính chất chiến lược thành bại của một quốc gia. Trong khi đó ông và những người đồng thời đều biết tai hại của nó, “Thủ Tướng Quát bị đặt trong hoàn cảnh khó xử, liệu ông có thể ngăn cản hoặc trì hoãn được việc Hoa Kỳ mang quân vào VN hay không?" (:226) Để rồi ông giải thích thái độ và việc đổ quân của Hoa Kỳ.

1.- "Trước hết, chính phủ của ông mới thành lập đuợc 2 tuần, chưa có căn bản vững chắc.” Đây không phải là một nguyên nhân để đến nỗi không soạn thảo được một văn bản ký kết.

2.- "Ngoài ra chiến tranh càng ngày càng lan rộng và leo thang, nên không dễ gì gạt bỏ được ý kiến của giới quân nhân VN và Hoa Kỳ, lúc nào cũng chỉ chú trọng đến khía cạnh quân sự vả tính cách cấp bách của vấn đề tăng quân, nhiều hơn đến hậu qủa chính trị lâu dài ... muốn đi ngược lại chủ trương ... chắc chắn không phải dễ dàng." (:226).

Điều quan trọng không phải là ngăn cản, mà Chính phủ Quát đã thiếu chuẩn bị đối phó, việc đổ quân kế tiếp của Hoa Kỳ vào Miền Nam. Ra vào của Quân đội Mỹ tự tung tự tác. Chính phủ Quát và ông Bùi Diệm, Nguyễn Văn Thiệu đã không thiết lập được một văn kiện căn bản xác định điều kiện giữa hai chính phủ; thời hạn và trách nhiệm. Chính sách bất túc, kéo dài mãi cho tới hai thời kỳ cuối cùng Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu; cũng chẳng ai thèm nhắc tới. Sự sai lầm của Thủ Tướng Phan Huy Quát tạo ra khúc quanh lịch sử Chiến tranh VN. Quyết định sự thành bại chiến trường quân sự và chính trị VN. Quân đội Mỹ ào ạt tràn vào VN như nước vỡ bờ. VNCH như cái chợ chiến tranh. Gây ra biết bao nhiêu tai họa, phương hại chính nghĩa mong manh của VNCH. Quân đội Mỹ ra đi cũng tự do, khi vào không một điều kiện. Cũng chỉ vì thiếu thỏa hiệp, văn kiện căn bản mà ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng đã "cố ý không nói tới."

Thủ Tướng Quát và Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm có thể làm được; bất chấp thế lực hay "ý kiến của giới quân nhân VN và Hoa Kỳ, lúc nào cũng chỉ chú trọng đến khía cạnh quân sự vả tính cách cấp bách của vấn đề tăng quân, nhiều hơn đến hậu qủa chính trị lâu dài ... muốn đi ngược lại chủ trương ... chắc chắn không phải dễ dàng.” (:226). Điều mà ông Quát có thể làm được, như ông đã làm khi giữa Quốc Trưởng Sửu và Thủ Tướng Quát mâu thuẫn không giải quyết được. Ông từ chức chống lại Phan Khắc Sửu, chính quyền lọt vào tay giới quân nhân VN trên bước đường mộng du của các tướng lãnh. Nếu không ngăn cản được quân đội Mỹ tham chiến tại VN, “cuộc từ chức của Phan Huy Quát diễn ra vào giai đoạn đổ quân biết đâu sẽ làm thay đổi lịch sử VN!?” Và có thể chỉ trong tháng 3-1965 ông Phan Huy Quát đã trở thành nhân vật khác và ông Bùi Diễm đã không cần phải đợi ông Đỗ Văn viết trong lời giới thiệu cho “Đi vào lịch sử VN."

IX - Ông Đại Sứ và Tướng Nguyễn Cao Kỳ

Sau khi ông Chính phủ Phan Huy Quát sụp đổ; đường danh vọng của Đại Sứ Bùi Diễm lên cao hơn nữa. Ông được Tướng Kỳ tín nhiệm trở thành Ủy Viên Ngoại Giao trong Nội Các chiến tranh; ngoài ra còn giữ thêm 2 chức nữa là Phụ Tá Đặc Nhiệm của Tổng Ủy Viên Ngoại Giao; cũng như là một chức Phó Bộ Trưởng Ngoại Giao. Trong giai đoạn này qua những trang bút ký; người ta nhận rõ khôn ngoan của Ông Đại Sứ trong mọi trường hợp. Tuy nhiên cũng không thể dấu diếm được sự tự đề cao mình qua vai trò Đại sứ bằng những tiểu tiết như, "Tờ Washington Post ... New York Times ... bài đăng ở trang nhất nói về việc tôi tới nhậm chức ... người đã từng có một vai trò quan trọng trong việc hoạch định đường lối đối nội và đối ngoại của VN.” “Đài truyền hình mời tôi lên," (:297); "TT Johnson đón tiếp tôi thận niềm nở rồi đưa tôi ra giới thiệu ... báo chí Hoa Kỳ và Quốc Tế tại tòa Bạch ốc." (:297). Rồi chuyện phó hội Honolulu chuyến trở về Mỹ đi trên chuyến Air Force One của Johnson ông trân trọng một vinh dự ghi vào lịch sử "... ngày hôm sau Tòa Bạch ốc cho đưa tới tòa Đại Sứ một tấm bằng, ghi rằng ngày 21 tháng 3 1967 Đại sứ Bùi Diễm đã bay qua Thái Bình Dương trên chiếc máy bay Air Force One của TT Hoa Kỳ Lyndon B. Johnson." (:318).

Để cái huyền thoại này lớn hơn nữa. Trong bút ký ông ghi lại hồi ức của nhiều năm trước “Trong khoảng khắc tôi nhớ lại hình ảnh xa xưa, ngày tôi đứng chờ gặp mặt Thiếu Tá Patti (Trưởng Toán Dear) và Thiếu Tuớng Gallagher ở Hà Nội hai mươi năm trước tại Hội Thân Hữu Việt Mỹ." Rất nhiều hình ảnh, huyền thoại khác được ông vẽ lên. Sự thực trong buổi tiếp xúc với báo chí mà "ông gọi là Quốc Tế" đó ông lại không trình bày nội dung các câu vấn đáp có ích lợi gì cho dân tộc; mà chỉ chú trọng tới các hình thức bên ngoài "đón tiếp, tiếp tân, lễ nghi." Thực chất và Huyền Thoại luôn luôn mâu thuẫn nếu không có chức vụ Đại Sứ được nhị vị Thiệu Kỳ phong; liệu ông có thể hưởng những nghi lễ đón rước như huyền thoại kia không? Hay cũng như hình ảnh 20 năm về trước chờ đón Patti và Gallagher! Bản lai diện mục và sự chân thật yêu nước vượt ranh giới huyền thoại; khiến người ta thực tế hơn khi phải đối diện với lịch sử và trách nhiệm.

Trước đây khá lâu khoảng trên 30 năm một Giáo sư Triết, ông Nguyễn Văn Trung viết cuốn “Thực Chất và Huyền Thoại" và một loạt Nhận Định, can đảm phá tan ảo tưởng mà người ta thường dùng nó để xây dựng huyền thoại cho mỗi cá nhân. Thói quen đó, đã đẩy đất nước VN lùi lại nhiều thế kỷ ngụp lặn trong biển huyền thoại. Thời đại của chúng ta chiến đấu cho lý tưởng Tự do Dân chủ; ai cũng có một cơ hội để tiến thân trong Xã hội Dân chủ. Tất cả đều chỉ làm nhiệm vụ với tinh thần cao nhất. Những thói quen tâng bốc; tự tô điểm huyền thoại đã phạm một lỗi nặng. Nhiều người VN sau năm 1975, đã biết về Hoa Kỳ, từng sinh hoạt Xã hội Dân chủ Mỹ. Có lẽ lối xây dựng huyền thoại cũ kỹ không còn hữu dụng nữa. Nó chỉ là một thứ trang sức rẻ tiền, thời thượng của xã hội chậm tiến. Chúng ta chống CS vì những lý do đó. Một ông Đại sứ thư lại cũng có thể làm những việc muôn thủa như; tiếp xúc, quen biết chính giới, tham dự lễ nghi; thông báo kịp thời cho Chính phủ những quyết định của nước bạn vv ... Huyền thoại hóa con người chỉ được xử dụng nhiều ở các quốc gia chậm tiến, ấu trĩ v? tư tưởng chính trị. VNCH bất hạnh có qúa nhiều người tiến thân bằng quen biết, thế lực; thay vì dùng tài năng, lòng yêu nước. Một ông Đại sứ với lòng yêu nước sẽ làm việc nhiều hơn một ông Đại sứ thư lại. Qua cách thức trình bày người ta thấy ông Bùi Diễm dường như đứng ngoài cuộc một con thoi giữa chính phủ Mỹ và TT Nguyễn Văn Thiệu.

Những hình ảnh ngộ nghĩnh đó, khiến người ta nhớ lại thời Quân Chủ chung quanh Vua với đầy huyền thoại. Một sĩ phu thời đại, ông Phan Khôi đã ví hình ảnh của ông Hồ Chí Minh là "bình vôi càng ngày càng bé miệng." Người ta tưởng rằng, hình ảnh ông bình vôi sẽ biến lần đi. Trở thành một "thời thượng" khi cọ sát với tư tưởng Dân chủ. Nào ngờ thảm hại hơn ông Bình vôi càng ngày càng nhiều, để cho người Mỹ mặc tình thao túng VNCH.

Vai trò Đại Sứ VNCH tại Mỹ khác hẳn với những vị Đại Sứ ở các quốc gia khác... Phần lớn sự tồn tại của miền Nam VN, từ một viên đạn tới những thứ lớn hơn đều lệ thuộc vào người Mỹ. Điều dễ hiểu; ông Bùi Diễm nhận định “Tuy người Mỹ không hống hách như người Pháp thời VN còn là thuộc địa, nhưng họ vẫn tự hỏi làm thế nào để giữ được chủ quyền, nếu người Mỹ lúc nào cũng đứng đằng sau nắm giữ mọi việc từ cách soạn thảo các chương trình phát triển kinh tế đến việc điều động chiến tranh.” Sự thực dưới thời ông Thiệu đã diễn ra như vậy, với nhiều sai lầm của các nhà hợp tác.

X - Tòa Đại Sứ VN tại Hoa Kỳ đã làm được những gì cho dân tộc lầm than?

Đến 12-1966 sau Giáng Sinh 1966 Bùi Diễm nhậm chức Đại Sứ. Thay thế cho Cựu Đại Sứ Kỹ sư Vũ Văn Thái. Chính thức ông đã nhận chức từ 1967-1972 Đại Sứ VNCH tại Hoa Kỳ dưới thời Chính Phủ Nguyễn Văn Thiệu. Đến 1968 Quan sát viên đặc biệt của Chính Phủ VNCH tại Hòa Đàm Paris. Sau cùng 1973-1975 Đại Sứ lưu động VNCH.

Qua trang bút ký của Đại Sứ Bùi Diệm, nhiều kinh nghiệm lão luyện, đã lường trước được câu hỏi của độc giả tập bút ký ông giải thích tình hình Hoa Kỳ,

"Vào hồi đó, nói chuyện hay thuyết trình tại các trường Đại Học không phải là việc dễ dàng. Tôi còn nhớ vào một ngày cuối thu năm ấy (?) tôi được mời nói chuyện tại một trường Đại Học nhỏ ở Worcester, phía Tây thành phố Boston ... Tình trạng này không trở lại với tôi nữa, vì những năm về sau phong trào Phản Chiến lên cao, không còn cho ai một cơ hội để lý luận phải trái." (:345-1946)

Đây là lần duy nhất trong tập bút ký của Bùi Diễm có thể ghi ra được. Đặc tính của buổi nói chuyện là Toà Đại Sứ VN được mời. Hoàn toàn không phải chủ động thực hiện các buổi nói chuyện. Suốt trong 05 năm trời với tình hình dầu sôi lửa bỏng; lập trường của VNCH không được trình bày trước dư luận Hoa Kỳ. Trách nhiệm đó về ai? Dĩ nhiên không về ông Đại Sứ, vì ông Đại sứ còn mãi miết thu thập tin tức để chuyển về cho Tướng Thiệu và Bộ Tham Mưu của ông theo dõi thái độ của Mỹ để chuyển đổi kế hoạch VNCH thích hợp với ý của người Mỹ; như ông đã từng trình bày rõ nhiệm vụ của Đại Sứ VNCH tại Mỹ.

Dưới trang bút ký, ông Đại sứ dường như đã cố lẫn trốn hoặc bằng cách này hay cách khác; qua ngòi bút dùng nhiều sự kiện tiếp xúc với những ông TNS này bà Dân biểu kia tránh trường hợp phải trình bày đối diện với thực tế nước Mỹ. Bằng cách nêu lên dư luận phản chiến, chống đối cuộc chiến tranh của các ký giả Mỹ Pete, Browne, Halbertam vv ... rồi thái độ của báo chí quay lưng lại cuộc Chiến tranh VN làm môt khối áp lực đến nỗi ông Đại Sứ không làm gì được dù chỉ nói chuyện giải thích lập trường của Chính Phủ VNCH. Những người VN hiện nay chỉ còn biết một dư luận cho rằng "chính phủ Mỹ đã không cho phép TĐS Việt Nam làm những công việc này."

Tuy nhiên, ông Đại Sứ Bùi Diễm không bao giờ nhắc tới, dù chỉ một dòng chữ trên 596 trang giấy việc khối dân chúng Hoa Kỳ biểu tình ủng hộ VNCH. Đây thật là điều đáng tiếc, một khuyết điểm lớn lao trong toàn bộ tác phẩm. Nó chứng tỏ tính cách phiến diện sao chép sự kiện. Nhận xét theo quan điểm của Chính phủ Hoa Kỳ đương thời; hơn là bàn thảo, vai trò chính sách được chính phủ VNCH giao phó trách nhiệm Đại diện cho VNCH tại ngay quốc gia quan trọng. Ông tự biến mình thành người ngoại cuộc, "Tôi như một nhân chứng được dịp tận mắt chứng kiến những gì xẩy ra." (:239) Dĩ nhiên ông Bùi Diễm không bao giờ là một "nhân chứng thông thường" như người khác, các sử gia. Là người trong cuộc thực hiện nhiệm vụ; nhưng ông ngược lại muốn đóng vai trò sử gia biết chọn lựa, rồi lại muốn đóng vai trò nhân chứng; là người ngoại cuộc vô trách nhiệm. Lòng tham trong mỗi con người không biết đâu để đo lường “Muốn được ăn, được nói, được gói đem về.” Biết sung sướng tuyệt đỉnh với những “vinh dự hàm” khi được nhân vật Lãnh tụ Đệ Nhất Siêu cường ban cho vinh dự đại loại như đi máy bay Air Force One, yến tiệc trong Tòa Bạch ốc, nhận chỉ thị từ các nhà lãnh đạo Mỹ chuyển cho các nhà lãnh đạo VNCH. Nhiều vinh dự khác mà người dân bình thường VN không thấy được “như được Tổng Thống Mỹ mời ông và gia đình dự lễ." Như câu chuyện tiếu lâm, tấm áo mới cần phải cho người ta biết. Người dân Việt nhỏ nhoi chỉ biết đặt câu hỏi, “nếu không là Đại sứ liệu ông Bùi Diễm có được họ mời hay không?” Dĩ nhiên không! Hãy bỏ những huyền thoại để trở về với con người thực Việt Nam trong cuộc chiến tranh thảm hại và đau khổ; nếu muốn trở thành một nhà hoạt động Quốc gia. Hãy xác định lại vai trò Phong Trào Quốc Gia thực sự hiện diện trong lịch sử VN; nhưng đều bị khuynh hướng hợp tác Quốc Tế Tư Bản Cộng Sản, những "Liên minh Ma quỷ" đè bẹp. Họ không có chỗ vươn ra ánh sáng chính trị. Cũng một nhà hợp tác khác, ông HVL, được nhiều người thán phục, kính trọng sự thành thật hiếm có; ông ví thân phận kẻ hợp tác "có cái gì quan trọng đâu;" chỉ là một con ruồi bay từ miệng người này qua lỗ tai người khác.

XI - Tòa Đại Sứ VN và Phong trào Ủng hộ & Phản Chiến tại Hoa Kỳ:

Cuộc Chiến tranh Việt Nam, sau cuộc Tổng Công Kích Mậu Thân 1968 đã đẩy CSBV & VC vào thế thụ động trên khắp các mặt trận. QLVNCH trưởng thành trên chiến trường với sự hổ trợ của Đồng Minh. Nhưng ngay sau đó, do sự sai lầm của giới quân sự Mỹ Việt không ngừng gia tăng quân số Mỹ tăng viện trên chiến trường miền Nam. Tạo ra một không khí hoảng hốt trong giới thanh niên Mỹ đến tuổi nhập ngũ. Hơn thế nữa sự phí phạm cố ý, tài nguyên chiến tranh của giới quân sự Mỹ dưới sự thúc đẩy của nhiều tài phiệt Mỹ qua Đại diện McNamara; càng tiêu thụ giới tài phiệt càng có lợi. Cán cân kinh tế của Mỹ mất quân bình. Thuế má gia tăng để đáp ứng nhu cầu quân sự phí phạm chiến trường Đông Dương. Đồng Đô La tiếp tục mất giá trên thị trường quốc tế. Đây chính là những nguyên nhân tạo ra phong trào phản đối chiến tranh VN; là khúc quanh lịch sử. Để đền đáp lại việc làm, ngay sau khi McNamara từ chức Bộ Trưởng QP Mỹ được giới tư bản Mỹ mời ngay vào chức vụ Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới. Từ một Chủ tịch chi nhánh hãng Ford qua chiếc cầu Bộ Trưởng QP, thiết kế chiến lược Chiến tranh VN; McNamara trở thành một nhân vật trong giới tài phiệt Quốc Tế.

Một cuộc biểu tình chống chiến tranh lần đầu tiên tại Hoa kỳ đã được các chiến binh tổ chức và lãnh đạo diễn ra vào khoảng 11-10-1968. Gồm 7.000 người trong đó có 200 quân nhân, 700 cựu chiến binh và 100 người trong hạng trừ bị quân sự đã diễn hành qua trung tâm thành phố San Francisco. Sau đó tiếp tục diễn ra các biểu tình trên nhiều tiểu bang.

Phong trào chống chiến tranh càng ngày càng cao; tới ngày 6-5-1970 Hơn 100 trường Colleges và Đại Học trên khắp nước Mỹ bãi khóa, hàng ngàn sinh viên tham gia vào phong trào chống đối mang tính chất quốc gia. Thống Đốc Ronald Reagan (Sau này trở thành TT Hoa Kỳ, cũng là một người chống lại CS quyết liệt, tiếp tục duy trì chiến lược chạy đua võ trang, "Chiến tranh Vũ Trụ." Chiến lược của ông đóng góp một phần làm xụp đổ chế độ CS Nga Sô) đã đóng cửa toàn bộ hệ thống trường Đại Học và Colleges tại Tiểu bang Cali cho tới ngày 11-5-1970 vì có khoảng 280.000 sinh viên của 28 viện đại học tham gia vào chống đối. Tại Tiểu Bang Pennsylvania 18 trường Đại học chống đối cũng phải đóng cửa trong giai đoạn này. Một phát ngôn viên của Hiệp hội Sinh viên Quốc gia cho biết, cuộc đấu tranh của họ gồm 300 Viện Đại Học trên toàn quốc. Điều trớ trêu nhất là dư luận VNCH không hay biết; biết rất ít, hoặc chủ quan đánh giá thấp sự kiện nội bộ Hoa Kỳ liên quan tới chiến trường VN. Nhưng, ngược lại phía CSBV lại nhìn rất rõ sự kiện, coi như hậu thuẫn chính trị cho cuộc chiến đấu của họ. Chính Phủ Nixon đối phó với Phong trào hoàn toàn bất ngờ của Sinh Viên trong nội bộ Hoa Kỳ

Đến ngày 8-5-1970 công nhân kiến trúc ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ tại VN đã đụng độ với một toán SV biểu tình chống chiến tranh tại Wall Street; New York. Hai lực lượng đã hỗn chiến, kết qủa 70 người bị thương. Nội bộ Hoa Kỳ đã xẩy ra nhiều sáo trộn ngay khi TT Nixon đưa ra quyết định đưa lực lượng Hoa kỳ tham chiến tại Campuchia.

Ngay lập tức 9-5-1970 vào khoảng từ 75.000 tới 100.000 thanh niên Hoa Kỳ, từ các trường Đại Học và Colleges đã biểu tình trong yên lặng tại Washington DC., bên ngoài hàng rào bảo vệ Toà Bạch ốc. Họ đòi hỏi triệt thoái quân đội Mỹ ra khỏi VN và các quốc gia khác tại Đông Nam Á. Sau đó hàng trăm người “cuồng loạn” tung ra khắp các ngã đường chung quanh đập phá. Cảnh sát đã phải xử dụng hơi cay để giải tán đoàn biểu tình. Sở dĩ phong trào phản chiến tại đây cao vì họ được sự ủng hộ của Thị Trưởng John Lindsay. Đây là kết qủa của việc đàn áp biểu tình tại Kent State làm chết một số SV.

Vào 20-5-1970 khoảng 100.000 công nhân xây dựng, công trường, quản trị hành chánh đã tổ chức một cuộc tuần hành rầm rộ ủng hộ chính sách của TT Nixon; tấn công Thị Trưởng John Lindsay và những lực lượng phản chiến khác trong cuộc chiến tranh VN.

Rồi đến ngày 26-9-1970 PTT Nguyễn Cao Kỳ quyết định không tham dự vào cuộc tập trung ủng hộ chiến tranh được dự trù tổ chức vào ngày 3-10-1970 tại Washington DC. Trước đó khi được thông báo; PTT Kỳ đã tuyên bố ông sẽ tham dự vào cuộc biểu tình. Tuy nhiên trong cuộc sắp xếp gặp gỡ giữa Tướng Kỳ và Henry Kisssinger; chính phủ Hoa Kỳ đã thuyết phục được PTT Nguyễn Cao Kỳ không tham dự vào tổ chức ủng hộ chiến tranh được tổ chức tại Washington DC dự trù vào ngày 3-10-1970. Đây là cuộc biểu tình do một thanh niên Việt Nam tên là Trần Khoa Học cùng 20.000 người Hoa Kỳ tập trung tại Đài Tưởng niệm cầu cho chiến thắng tại Việt Nam. Họ đọc lời kêu gọi Chính phủ Hoa kỳ và thế giới tiếp tục ủng hộ Chính phủ miền Nam Việt Nam chiến đấu chống Cộng Sản. Trong buổi Meeting một bức thư được chuyển giao cho Phó Tổng Thống VNCH, Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Khoảng thời gian này ông Đại Sứ Bùi Diễm tại chức. Tuy nhiên trong Hồi Ký không thấy ghi chi tiết; do đó tạm thời kết luận hai điều; một là ông Đại sứ quá bận không tham dự; Hai nữa là không hay biết.

Chúng ta hãy tạm thời cho rằng vì lý do "an ninh bản thân" (?!) nên ông Đại sứ không đến các vụ biểu tình chống phản chiến. Nhưng nếu đó là cuộc biểu tình ủng hộ VNCH, vì lẽ gì cũng không xuất hiện tham dự. Hay ông chỉ muốn đóng vai sử gia, nhân chứng trong cuộc chiến vì những lời đe dọa của Hoa Kỳ mà không dấn thân?

XII - Chức vụ Đại sứ việc tư hay việc riêng:

Ngạn ngữ VN còn truyền tụng "Việc nhà ra việc nước" nhưng không có câu ngược lại; mà chỉ câu "Việc nước trước việc nhà." Điều khó khăn của các nhà lãnh đạo xưa nay phân biệt được thế nào là việc nhà và thế nào là việc nước. Trong hồi ký dĩ nhiên cá nhân Đại Sứ Bùi Diễm có quyền trình bày những việc riêng. Không nêu là Hồi Ký chính trị và chức vụ cũng chẳng ai bắt lỗi bắt phải gì. Nếu đã nhân danh chức vụ Chính phủ cuốn hồi ký lập tức trở thành một tài liệu công, phải chịu búa rìu dư luận. Vì hành xử của ông, những điều ông viết có ảnh hưởng nhiều hơn một người. Đây là câu trả lời của chúng tôi đối với các thân hữu khi cho rằng hồi ký cá nhân; cho nên người ta “có quyền tô bóng cái tôi đáng chán” lộng lẫy hơn. Bình phẩm không có nghĩa là đập phá mà chỉ có nghĩa khám phá ý nghĩa chân thực lịch sử. Lột bỏ hoa hòe hoa xói nhìn rõ hơn sự thành bại; quy trách nhiệm vụ lịch sử.

1.-Dân Chủ Hay Cộng Hòa? Ông Đại sứ Bùi Diễm viết,

"Ông Hamphrey và những nhân vật trong đảng Dân Chủ khiến tôi thất vọng, vì chính những người này trước đây ủng hộ chính sách can thiệp vào VN bao nhiêu, thì nay lại tìm cách lảng ra bấy nhiêu. Bởi thể mà một phản ứng tự nhiên của tôi là bắt đầu ngả về phía đảng Cộng Hòa, rồi từ đó cũng gặp nhiều hơn những bạn trong đảng Cộng Hòa. Lúc này bà bạn Anna Chennault với tư cách là người đứng đầu Ủy Ban gây qũy cho Đảng Cộng Hòa, thường tổ chức những buổi tiếp tân trên căn lầu sang trọng của bà tại cao ốc Watergate, tôi chỉ cần tới đó là gặp đủ các khuôn mặt Cộng Hòa tại Hoa Thịnh Đốn ..." (:389)

Qua sự kiện người ta thấy rằng với cá tính riêng, ông Bùi Diễm đã đặt vận mệnh VNCH vào tay Đảng Cộng Hòa. Ai cũng biết thế lực chính trị Hoa Kỳ gồm hai đảng Dân Chủ và Cộng Hòa. Hành xử của ông Đại sứ VNCH đã mất đi một nửa thế mạnh, chỉ vì cảm nghĩ của ông Đại sứ và sở kiến cá nhân. Điều này ông Nguyễn Cao Kỳ đã một lần vi phạm vào lỗi ngoại giao không thể tha thứ; khi nói về một ứng cử viên bồ Câu McGovern với những lời lẽ khiếm nhã; đã bị chính ngay Chính Phủ Mỹ, dư luận báo chí Mỹ phản đối. Có lẽ một phần ông Kỳ bị mất ảnh hưởng cũng bắt nguồn từ đây. Mặc dù Ứng cử viên bồ câu đó thất cử.

Không rõ hậu quả việc ông Đại sứ Bùi Diệm công khai ủng hộ Nixon, thân cận với đảng Cộng Hòa ra sao. Tuy nhiên với chủ quan, ông cho rằng, "do việc này mà Nixon đắc cử." (?!) Sự việc ông Bùi Diễm làm chắc chắn phải công khai! Vì căn cứ vào đoạn văn ông Bùi Diễm viết, "Về những gì đã xẩy ra trong giai đoạn này, cho đến nay đã có gần 10 cuốn sách viết về vai trò của Bà Chennault và cá nhân Tôi trong việc tạo ra điều kiện cho ông Nixon đắc cử ...” (:386) Lợi hại cho đất nước ra sao không cần biết, những thỏa mãn được cái “Tôi ngạo nghễ.” Để có những bức hình chụp chung với TT một nhiệm kỳ George Bush vv ... Tuy nhiên bất chấp Nixon đắc cử. Chính quyền Mỹ trong tay đảng Cộng Hòa, phe Dân Chủ lại là người nắm ngân sách. Thành ra chính Dân chủ là người bắt bí đảng Cộng Hòa phải thực hiện chủ trương của họ; như rút quân, trao đổi tù binh, ký thỏa hiệp. Rồi cuối cùng cắt viện trợ, dẫn đến VNCH xụp đổ. Nếu VNCH được cả hai đảng Cộng Hòa & Dân Chủ ủng hộ sự việc sẽ ra sao? Qua cách trình bày, độc giả cũng có thể hiểu; nếu không giữ chức vụ Đại Sứ và có quốc tịch Mỹ; thành công của Nixon, sẽ đưa ông Bùi Diễm một chức vụ cao khác trong chính phủ Hoa Kỳ. Vì là nhân vật đóng góp rất lớn trong sự thành công của Đảng Cộng Hòa và riêng TT Nixon! Ai cũng biết thực tế cuộc bầu cử TT Mỹ ảnh hưởng lớn tới cục diện thế giới; hiếm có quốc gia nào dại dột đến độ công khai ủng hộ một phía. Nếu có, cũng chỉ thực hiện hoàn toàn bí mật qua các nhân vật trung gian hợp lý. Họ không dại gì mua thù chuốc oán với vị Tân Tổng Thống Mỹ vì thái độ ủng hộ hay chống đối. Chỉ riêng Đại sứ Bùi Diễm đủ can đảm làm chuyện đó trên cương vị một nhà ngoại giao!

2. - Làm thân hay không làm thân với McNamara thái độ nào đúng?

Ông Đại sứ Bùi Diễm viết, “Đối với riêng tôi, thì giữa ông (McNamara) và Tôi chỉ có quan hệ thông thường, giữa một Đại sứ và một Bộ Trưởng trong chính phủ Hoa Kỳ. Tôi vẫn biết ông giữ một vai trò quan trọng nhất trong việc điều khiển chiến cuộc ở VN, vì vậy mà nếu cần, tôi vẫn đến gặp ông. Nhưng ngay từ lúc là cộng sự viên của ông Kỳ, tôi đã được dịp dự những buổi họp giữa hai chính phủ. Khi ông sang thăm VN hồi tháng 7-1965, tôi đã có ấn tượng ông là người lạnh lùng nên ý tưởng làm thân không bao giờ đến với tôi. Để tìm hiểu những gì xẩy ra ở Ngũ Giác Đài, tôi thường tìm cách gần gũi với một vài người làm việc với ông (như ông Cyrus Vance về sau này làm Ngoại Trưởng dưới thời Tổng Thống Carter) và một số tướng lãnh phụ trách những khu vực đặc biệt. Tôi có cảm tưởng là ông không muốn tìm hiểu quan điểm của người VN, và trong bài toán VN của ông, con người không đáng kể, tất cả chỉ là thống kê" và "điều hành." Rồi lại nhớ tới mẩu chuyện mà tướng Lê Văn Kim kể lại. Ông McNamara tới gặp một số tướng lãnh Việt Nam ngay sau vụ đảo chánh lật đổ ông Diệm. Vừa tới nơi, chưa ai kịp nói gì, với cặp mắt lạnh lùng ông hỏi ngay, "Ai là người cầm đầu ở đây?” (Who is the boss here?”). Tự ái dân tộc không cho phép tôi làm thân với con người vô tình, cao ngạo ấy. (:351).

Điều mà ông Bùi Diễm muốn nói tới người mà ông thường xuyên liên lạc là Cyrus Vance đã lên nắm chính sách Mỹ trong chính phủ Carter; nhưng thưa ông, VNCH đã xụp đổ trước đó.

Qua đoạn văn trình bày của ông Đại sứ Bùi Diễm; dường như đã sẵn thành kiến McNamara cao ngạo; rồi lại thêm câu chuyện Tướng Lê Văn Kim kể; ông đã đi đến một kết luận. “Tự ái dân tộc không cho phép tôi làm thân với con người vô tình, cao ngạo ấy." ông Đại sứ đã kết luận quá vội vàng nếu không muốn nói là thiếu suy xét, thiển cận. Mặc dù ông đã dùng chức vụ Đại sứ biết nhiều chính giới đảng Cộng Hòa như tường thuật.

Với trường hợp của McNamara, ông Bùi Diễm thứ nhất đã để cảm tính chi phối hành động chính trị và ngoại giao; thứ hai lẫn lộn giữa tự ái dân tộc và cá nhân; Điểm thứ 3 Tướng Kim đã nói sai ông McNamara không phải sang ngay sau khi đảo chánh, mà tới 19/20-11-1963 Bộ Trưởng QP/HK McNamara dẫn dầu một phái đoàn sang tìm hiểu tình hình VN sau đảo chánh 1963; với nhiều mặc cảm trước việc các Tướng Lãnh VNCH sát hại TT Ngô Đình Diệm làm mất sự ổn định mà chính giới Mỹ đang cần; sau khi hàng loạt báo cáo chiến sự do nhân viên Hoa Kỳ tại VN báo về Washington DC cho rằng "Cơ hội để chiến thắng CS với điều kiện Tân Chính phủ VNCH tạo ra điều kiện chiến đấu hữu hiệu.” Trở về Mỹ McNamara báo cáo, “Trong giai đoạn khủng hoảng chính trị vừa qua VC đã tạo được nhiều thành công.” Chính phủ Mỹ đã hủy bỏ kế hoạch trước đây cho rằng họ sẽ triệt thoát tất cả những nhân viên vào cuối năm 1965; có nghĩa là rút ra khỏi VN. Trên thực tế người Mỹ đã triệt thoái 220 quân nhân ngày 3-12-1963; đây là một phần trong số 1.000 quân nhân dự trù triệt thoái hoàn tất ngày 25-12-1963 theo kế hoạch rút quân của Mỹ ra khỏi VN. Trong cuộc thuyết trình, Bộ Trưởng QP/HK McNamara công bố một thực trạng, "Sau khi lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm VC đã tràn ngập chiếm nhiều Ấp Chiến Lược.” Chính phủ Dương Văn Minh và các Tướng lãnh lật đổ TT Ngô Đình Diệm đã không hoàn tất được vai trò lịch sử. Dưới con mắt của người Mỹ nhìn việc làm của Tướng Dương Văn Minh trong giai đoạn tháng 11-1963; căn cứ vào báo cáo của McNamara cho TT Johnson vào tháng 12-1963 như sau, "there is no organized government in South Vietnam." ("The Real War: The Classic Reporting On The Vietnam War With New Essay." Jonathan Schell. New York; Pantheon Book; 1987 :15). Họ đã đánh giá rất thấp về chính phủ Dương Văn Minh và Hội Đồng Tướng Lãnh.

Sự yêu ghét chỉ là dấu hiệu mặc cảm tự tôn thái qúa, biến thành tự ty để che lấp nhược điểm không thể có được so với đối tượng. Đây là một thái độ của ông thanh niên Hoàng Đức Nhã dựa vào thế của TT Thiệu; sau khi du học về được bổ nhậm vào chức vụ lớn bên cạnh Thiệu; đã có những hành động trịch thượng đối với nhiều người. Xét qúa trình hoạt động của ông Bùi Diễm xuất thân trong giai tầng thượng lưu xã hội thuộc địa; ngay từ thời còn trẻ do ảnh hưởng gia đình đã đạt được một số quen biết giai cấp lãnh đạo trong Chính phủ Trần Trọng Kim; tiếp nối làm Phó Đổng Lý cho Tổng Trưởng Phan Huy Quát vào năm 1953; Rồi đưa vợ qua Pháp chữa bệnh. Sự tiếp xúc hoặc quen biết với McNamara của ông Bùi Diễm năm 1965, dĩ nhiên không ảnh hưởng gì tới cá nhân McNamara. Cuộc Chiến tranh VN vẫn cứ thế diễn tiến kiểu MacNamara, nhưng thực sự bất lợi đối với QLVNCH. Ông Bùi Diễm đã quên câu "Qua sông phải lụy đò." Người phụ nữ VN còn có cầu "Vì chồng thiếp phải qua cầu đắng cay.” Sự khác biệt về văn hóa, dẫn đến suy nghĩ khác nhau; trong cuộc hành quân LS-719 đã diễn ra bao nhiêu sai lầm tai hại về ngộ nhận ngôn ngữ, đến thái độ giữa hai lực lượng Việt Mỹ đã ghi trong cuốn "Into Laos: The Story of Dewey Canyon II/Lam Sơn 719 Vietnam 1971." (Keith William Nolan. New York; Dell Publishing Co.; 1986) Đến nỗi một vị Đại Tá Lữ Đoàn Trưởng LĐ1/ Thiết Kÿ QLVNCH Nguyễn Trọng Luật mang tai họa, bị ngay Tướng Mỹ Sutherland Tư Lệnh Quân Đoàn 24 Mỹ tham dự cuộc hành quân LS-719 trù ếm cũng do mặc cảm.

3. - Tiếng Việt hay Tiếng Mỹ: Trước ông Bùi Diễm, Tướng Nguyễn Cao Kỳ cũng viết sách bằng tiếng Mỹ "Twenty Years And Twenty Days." (Nguyễn Cao Kỳ. New York; Stein And Day; 1976); chúng tôi không rõ có bản dịch hay không. Dường như né tránh dư luận người Việt. Tuy nhiên Tướng Kỳ cũng tự hào với câu khen của TT Johnson về tài ăn nói tiếng Anh giỏi của ông. Cuốn sách của ông Kỳ có khả năng là một trong cuốn sách sớm nhất viết bằng tiếng Mỹ sau ngày 30-4-1975 của cựu Lãnh đạo VNCH.

Mãi năm 1987; ông Bùi Diễm viết một cuốn sách khác bằng tiếng Anh “In The Jaw of History.” Sau đó rồi ông Đỗ Văn lược dịch sang tiếng Việt; tiếp theo ông Phan Lê Dũng và những người khác; cuốn hồi ký trở thành cuốn Trong Gọng Kìm Lịch sử (:IV); hay sau này xuất bản vào năm 2000, gọi là Gọng Kìm Lịch sử. Sự sai biệt thời gian 13 năm. Hai cuốn có dị biệt, vì không có bản tiếng Mỹ nên cũng chẳng hiểu khác ra sao. Người ta "thấy ngay một lối hành xử nhất bên trọng nhất bên khinh." Những lời lẽ tán dương của ông Đỗ Văn đài BBC cho rằng; ngay năm 1988 đài BBC đã liên tiếp lược dịch phát thanh 40 tuần lễ cuốn Hồi Ký của ông Bùi Diễm. Vô tình đã chứng tỏ khối độc giả nào quan trọng Mỹ hay Việt đối với cuốn hồi ký chính trị của ông. Cuốn sách ít nhất phải được xuất bản hai thứ tiếng cùng lúc để chứng tỏ lòng tôn trọng tiếng mẹ đẻ; tránh tiếng vọng ngoại.

4. - Một sai lầm dễ nhận ra: Ông cho rằng vụ Herbert Marcovich hay là Operation Pensylvania được coi là tối mật cho tới năm 1983. Điềù này sai; nó không mật gì cả vì trong cuốn sách xuất bản năm 1968. Ngay thời gian chiến tranh VN, khi ông Bùi Diễm nhận chức Đại sứ. Vụ Herbert Marcovich hay Operation Pensylvania đã được hai tác giả Harry S. Ashmore, William C. Baggs and Elaine H. Burnell phổ biến công khai trong cuốn “Mission To Hanoi.” New-York; G.P. Putnamõs Sons; 1968. Có điều tại ta không đọc tới mà thôi.

Nội vụ diễn ra như sau; vào ngày 16/18-6-1967, chiến trường miền Nam đang diễn ra khốc liệt chưa phân thắng bại, nhưng người Mỹ vẫn bí mật liên lạc với giới cầm quyền CSBV, không cho bạn đồng minh VNCH biết. Kissinger trong bóng tối đã nhờ những tổ chức, cá nhân quen biết Pháp, Mỹ, Canada, Ba Lan thiết lập đường dây liên lạc bí mật với Hồ Chí Minh tiến hành đàm phán. Một tổ chức trên danh nghĩa chống Chiến tranh gọi là Pugwash. Tổ chức này hoạt động được qũy do một nhà công nghiệp người Mỹ tài trợ. Hội viên bao gồm khoa học gia, trí thức tên tuổi trên thế giới. Mục tiêu "tổ chức chống chiến tranh hạch nhân," Pugwash đã chọn lựa một nhân vật quen biết với Hồ Chí Minh trước kia khi còn sống tại Paris, ông DõAstier de la Vigerie để bắt mối liên lạc với Hồ Chí Minh. Nhưng cuối cùng sức khỏe của de la Vigerie không cho phép thực hiện sứ mạng. Kissinger đành phải chọn lựa người khác. Kissinger nhờ cậy Raymond Aubrac; quen biết với Hồ Chí Minh trong thời gian tham dự hội nghị Fontainebleau, đã trú ngụ tại nhà Aubrac. Ngoài ra, con gái Aubrac là con đỡ đầu của Hồ Chí Minh. Với tình thân đó, trở thành sợi dây liên lạc để Kissinger nối nhịp cầu. Nhân vật thứ hai, ông Herbert Marcovich, người Pháp, Giáo sư của Viện Pasteur Paris, Tổng Thư Ký hội Pugwash. Kể ra thì Kissinger cũng rất tâm lý. Người Pháp đô hộ nước ta gần 100 năm, cho nên thường ít nhiều nhìn và nể phục Pháp; nước Việt ảnh hưởng văn minh Pháp khá nhiều. Mặc dù trong giai đoạn này nước Pháp về sức mạnh chỉ là một trong những quốc gia loại 2; tài nguyên không lớn hơn Tiểu bang Cali, một Tiểu bang của Hoa Kỳ. Tuy nhiên CS dùng hình ảnh Pháp tuyên truyền dân chúng là một cường quốc có ảnh hưởng quốc tế. Nhiều người không rõ vai trò Pháp sau Thế chiến II đã khác nhiều, so với đầu Thế kỷ 20. Ngay cả đảng CSVN cũng sai lầm về việc này. Mặc dù vậy, trong cuộc chiến tranh VN De Gaulle đã bắt bí được Mỹ nhiều lần.

Theo kế hoạch của Kissinger, muốn cuộc tiếp xúc của sứ giả Hoa Kỳ nằm trong bí mật. Họ tạo ra hai lý do, hổ trợ hai nhân vật Raymond Aubrac và Herbert Marcovich có thể đến Hà nội công khai dưới danh nghĩa một chuyên viên, giáo sư viện Pasteur Paris; tham dự hội nghị y tế phòng bịnh tại viện Pasteur Nam Vang; do viện Pasteur Paris bảo trợ. Rồi từ đó đến Hà Nội qua danh nghĩa hợp tác với Cơ quan Vệ sinh Phòng bịnh & Vi trùng của Hà Nội. Nghĩa là gián tiếp đến Hà Nội để tránh dư luận. Tuy nhiên cũng phải hiểu rằng cuộc tiếp xúc này diễn ra sau khi có những cuộc tiếp xúc khác diễn ra từ 6-1965 qua các nhân vật như Harry S. Ashmore và William C. Baggs. Những chi tiết này được ghi trong cuốn "Mission To Hanoi." Harry S. Ashmore, William C. Baggs and Elaine H. Burnell. New-York; G.P. Putnamõs Sons; 1968.

XII - Kết luận

Biên tập viên Việt Ngữ đài phát Thanh BBC, trong lời dẫn ông Đỗ Văn cho “là một cuốn sách rất có giá trị vì đề cập tới một số chi tiết liên quan tới một thời gian có một không hai." (Giới thiệu :II) Rồi ông Đỗ Văn kết luận “tên tuổi ông sẽ vĩnh viễn đi vào lịch sử” (Ibid. :V). Lời của ông Đỗ Văn cũng không có gì quá đáng vì giữa ông Đỗ Văn và ông Đại Sứ Bùi Diễm là bạn, "Tới nay, trong hơn 30 năm kể từ khi quen biết nhau...” Ông Đỗ Văn đã không tiếc lời, nhưng có phần cường điệu thí dụ như cho rằng đây là “ngôn ngữ đầu đời;” có nghĩa là chân thật (?). Chính xác phải nói là ngôn ngữ của những nhà ngoại giao biết chọn lựa những điều cần nói; và chỉ nói những điều đã suy nghĩ.

Tuy nhiên cuốn "Gọng kìm lịch sử" do vô tình đã giúp ích cho các nhà nghiên cứu sau này thấy được sự vô trách nhiệm của hàng loạt nhân vật lãnh đạo. Tình trạng "thủ khẩu như bình;" họ là biểu tượng của ông bình vôi trước mọi diễn biến thời cuộc. Họ chuộng huyền thoại hơn là thực chất. Gần như đứng bên lề của cuộc tranh đấu sống còn của dân tộc của lý tưởng tự do dân chủ đã được đề ra trong suốt cuộc đấu tranh của dân tộc từ 1954-1975.

Trần Nguyên Sơn

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002