Đại Chúng số 83 - phát hành ngày 1/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Hà Vĩ Mô W.Kingsbridge Rd.Bron, NY 10468. (Qua Trương Chu Drexel Hill, PA.19026) Nghe nói ở Campochia có cái tết gọi là Tết "Chôn Năm Mây", vậy đó là cái tết gì? Bà cụ biết không?

Đáp: Tết này người dân Campochia gọi là Chol Chnam May. Đây là cái tết lớn nhất của xứ sở Chùa Tháp này. Hàng năm sau Tết Âm lịch của Việt Nam ta lối vài ba tháng thì đến Tết Chol Chnam May của Cao Miên. Lễ tết được tổ chức tôn nghiêm ngay trong các chùa chiền và luôn cả ở các đền thờ của Nhà Vua. Dân chúng cũng tổ chức hội hè đình đám, mở tiệc tùng, rượu chè khoản đãi nhau. Họ mở các sòng bạc ở dọc theo các bờ hè nếu là ở chốn phố phường đô hội. Các trò chơi cờ bạc thường là "bầu, cu, tôm, cá"gọi là "Khla Khlôt" hay "À Pun" còn gọi là "Xe Vu", họ cũng chơi các loại bài cào, xì phé... Tuy nhiên trò chơi mà các thanh niên nam nữ thích nhất vũ múa. Họ tập trung đến một nơi được ấn định sẵn để nhảy múa, ca hát vui chơi để chào mừng năm mới...

Bà Trọng Thủy Brookhurst Westminster: Trong Kiều có mấy câu:

1. "Lòng còn gởi áng mây vàng
Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay"

Mây vàng đó có phải lấy từ "từ" của một câu thơ nào đó của Trung Hoa không?

2. "Vẫn nghe thơm nức hương lân
Một nền Đồng tước, khóa xuân hai Kiều..."

Ý của hai câu này như thế nào? Xin bà cụ giải hộ cho.

Đáp: 1: Câu "Lòng còn gởi áng mây vàng / Họa vần xin hãy chịu chàng hôm nay": Mây vàng đó lấy từ "từ" "hoàng vân ảnh" ra. Nguyên câu đó như sau:

"Thiên thượng hoàng vân ảnh, du tử hà thời quy" Có nghĩa: Trên trời có áng mây vàng, con đi bao giờ trở về?

2: "Vẫn nghe thơm nức hương lân / Một nền Đồng tước, khóa xuân hai Kiều."

Trong thơ Đỗ Mục có câu:

"Đông phong bất dữ Chu lang tiện
Đồng tước xuân thâm tỏa nhị Kiều."

có nghĩa:

Nếu gió Đông không giúp cho Chu Du thì hai Kiều phải khóa xuân trong đền Đồng tước. Đời Tam Quốc có hai Kiều là Đại Kiều và Tiểu Kiều. Một là vợ Chu Du và một là vợ Tôn Sách.

Cụ Hoàng Trọng Khải Little Saigon: Tôi có nhớ về cách tôn kính của người xưa theo Tam Tự Kinh ví như cha hiền thì con hiếu, chồng hòa thì vợ thuận v.v... Bà cụ có nhớ nguyên bản chữ Hán này không và lối diễn dịch của họ như thế nào, xin nhắc nhở hộ. Vô cùng cảm tạ.

Đáp: Nguyên văn chữ Hán của mấy câu cụ quên đó như sau:

"...Thử Thập Nghĩa, Nhân Sở Đồng, Đương Thuận Tự, Hốt Vi Bối, Trảm Tề Suy, Đại Tiểu Công, Chí Ty Ma, Ngũ Phục Chung". Thập Nghĩa đó là: Cha hiền, con hiếu, Chồng hòa vợ thuận, em kính anh nhường, Bạn bè nghĩa tín, Quân kính thần trung.

Còn nghĩa của từng chữ: Đồng là đồng ý, Đương là cần phải, Thuận tự là tuân theo, Hốt là không được, không thể, Vi bối là làm trái ngược, Trảm suy là tang phục của con cái mặc cho cha mẹ chết, Tề suy là tang phục của cháu mặc khi ông bà nội qua đời. Đại công là tang phục của anh hoặc em mặc khi anh hoặc em chết. Tiểu công là tang phục của Cháu mặc khi chú bác ruột qua đời. Ty Ma là tang phục của cháu ngoại hoặc anh em họ mặc cho ông ngoại hoặc anh em họ chết.

Tóm lại các từ trong "Ngũ Phục", đó là Trảm Suy, Tề Suy, Đại Công, Ty Ma, áp dụng cho việc tang chế.

Có chuyện kể rằng:"Trong truyện Tam Quốc, khi Từ Thức từ biệt Lưu Bị, có tiến cử hai người cho Lưu Bị: Một là Phượng Sồ, hai là Gia Cát Khổng Minh. Từ Thức nói rằng nếu được một trong hai người thì Lưu Bị cũng lập được Nghiệp Bá.

Trong khi Lưu Bị chuẩn bị lễ vật để lên đường tìm đến chỗ của Khổng Minh.Trương Phi nổi nóng nói: "Huynh không cần phải đi cho vất vả, để đệ cho người đi mời ông ấy tới là xong." Lưu Bị bèn trách mắng: "Đệ không được lỗ mảng. Gia Cát Lượng là một hiền tài mà ta đang cần, tự ta phải thân hành để mời ông ta ra giúp mình mới phải. Các đệ không được vô lễ." Nói xong cả ba người lên đường tìm đến gò Ngọa Long. Khi tới đầu làng gần nhà, Lưu Bị xuống ngựa mà đi bộ tới cổng. Gõ cửa hồi lâu, một thư đồng ra Lưu Bị nói rõ ý đồ và xin được vào gặp Khổng Minh. Nhưng thư đồng trả lời là Thầy mình đi chơi chưa về.

Một tháng sau ba anh em Lưu Bị lại tới lần nữa, nhưng vẫn không được gặp. Trương Phi nổi nóng nói với Lưu Bị rằng: "Để đệ vào xách cổ nó ra cho". Lưu Bị quát mắng Trương Phi rồi ba người lại ra về. Một tháng sau Lưu Bị tắm rửa sạch sẽ, chuẩn bị lễ lộc rồi lên đường. Khi gần tới nhà ở của Khổng Minh Lưu Bị bảo với Quan Vân Trường và Trương Phi là: "Hai em ở đây chờ để Huynh tới xem sao", rồi tự thân hành

đến gõ cửa, liền thấy thư đồng ra nói là"Tiên sinh" vừa về tới nhà và đang còn say ngủ". Lưu Bị bèn nói:"Vậy để tôi chờ ở ngoài, hãy để yên cho Tiên Sinh an giấc". Khoảng một giờ sau (tức hai tiếng đồng hồ bây giờ), thư đồng mới ra mời Lưu Bị vào nhà.

Vì cảm phục lòng thành của Lưu Bị, Gia cát Lượng khứng lời giúp cho Lưu Bị và đã dựng lên được nước Thục để kình chống với Ngụy và Đông Ngô lập thành thế chân vạc/ Đó là thời đại Tam Quốc.

Sau khi Quan Công bị chết, Lưu Bị không nghe lời khuyên của Gia cát Lượng, cứ xuất quân đánh Đông Ngô để trả thù cho Quan Công, kết quả Lưu Bị thua, lui binh về Bạch Đế Thành vì quá phẩn uất nên bị ốm nặng. Trước khi chết Lưu Bị cho gọi Khổng Minh vào bảo: "A Đẩu" còn nhỏ không thể trông coi việc nước được Trẩm giao hết quyền hành cho Khanh. Lượng vội quì xuống tâu:"Thần không dám. Ấu Chúa tuy nhỏ nhưng Thần vẫn hết lòng phò trì một lòng một dạ quyết không ở hai lòng. Thần cam kết sẽ làm tròn nhiệm vụ của kẻ bề tôi." Về sau, vì Gia Cát Lượng làm việc quá sức ngả bệnh qua đời ở Ngũ Trượng Nguyên. Trước khi chết Khổng Minh còn bày mưu kế cho

Lục Tốn để đưa toàn bộ quân lính cùng Ấu Chúa trở về được an toàn.

Xét từ câu chuyện trên ta thấy Lưu Bị là vua của một nước mà biết tôn kính những người tài giỏi. Như vậy những người như Khổng Minh làm sao mà không trung thành với vua để hoàn thành sứ mệnh.

Còn những lễ nghi trong tang chế, ta cần phải tuân theo những việc hiếu thảo đối với cha mẹ lại là việc cần thiết phải làm khi cha mẹ còn sống. Tăng Tử là học trò của Khổng Tử có nói rằng: "Lúc người thân mất đi, ta giết trâu bò để cúng tế để tỏ lòng hiếu thảo, thì tại làm sao khi người thân còn sống ta lại không đem dâng cao lương mỹ vị để kẻ trưởng thượng của mình được hưởng, làm như vậy há không tốt hơn sao!" Ý của Đức Khổng Tử muốn bảo rằng:"Sống chẳng cho ăn, đợi chết để làm văn tế ruồi."

Ông La Thoại Khanh Towsend St. Worcester MA. 01609 (qua Chu Lee Philadelphia): Thành ngữ Trung Hoa có câu:"Thố Tử cẩu Hanh", ý nghĩa của ông ấy như thế nào? Xin bà cụ giải hộ.

Đáp: “Tố tử cẩu hanh" có nghĩa săn được thỏ thì giết chó. Ta cũng có câu: "Được chim bẻ ná, được cá quên nơm". Câu thành ngữ này lấy ra từ sự tích: Triệu Vương Câu Tiển và Đại phu Phạm Lãi từng bức xúc nước Việt nhiều lần. Khi hai nước Ngô Việt phát sinh chiến tranh, kết quả Việt thua. Phạm Lãi khuyên Câu Tiển nên tạm thời đầu hàng Ngô Phù Sai, đợi thời cơ sẽ ra sức hưng binh tấn công trả thù. Câu Tiển nghe lời và quả nhiên thắng trận. Sau khi chiến thắng, lẽ ra Câu Tiển lưu Phạm Lãi để tiếp tục giúp việc nước, lại để cho ông ta ra về hưởng thú với gia đình. Phạm Lãi biết lòng dạ của câu Tiển như thế nào bèn gửi thư cho người đồng sự tên là Đại Phu Văn Chủng khuyên nên từ bỏ danh lợi hầu tránh tai họa về sau. Trong thư gửi đó có câu: "Phi điểu tận, lương cung tàn, Giao thố tử, Tẩu cẩu hanh". Có nghĩa: "Chim hết rồi, cung có hay đó cũng dẹp bỏ đi, con giao con thỏ chết hết rồi, chó săn cũng bị thịt luôn". Ý nghĩa của câu thành ngữ trên là vậy.

Ông Tấn Dũng N Hancock St. Phila. 19120. (qua Võ Thu Tịnh): Trong Định Chế của Kinh Dịch có đề cập đến "Trạch Địa Túy", bà cụ có biết giải hộ cho. Kính cẩn cám ơn bà cụ.

Đáp: Trạch Địa Túy, theo hình vạch ra thì: Quẻ ĐOÀI (bùn, đầm) và quẻ KHÔN (đất) nhập chung lại gọi là quẻ TỤY. TỤY có nghĩa là hợp, có cuộc gặp gỡ tụ hợp quây quần. Đại ý nói muốn họ hưởng ứng thì phải tụ họp họ, cũng có nghĩa là tụ họp nhau lại để bàn tán, nếu cuộc họp đó tất cả thật lòng với nhau trong một mục đích chung phụng sự cho xã hội thì thường thành công; nhưng tụ hội mà mỗi người mỗi ý chỉ muốn thủ lợi về mình thì ắt phải là chưa họp đã tan. Đại để là như thế.

Cư sĩ Sơn Hải Brookhurst Westminster (CA. Bà cụ có nhớ ba câu đầu Thần Chú Phật Đình Thủ Lăng Nghiêm không? Xin nhắc hộ cho. Cám ơn bà cụ vô cùng.

Đáp: Theo thứ tự như sau:

1. Na mô tát đát tha tô già đa gia a la ha để tam điểu tam bồ đà tả.

2. Tát Đát tha Phật đà câu chi sắt ni sam.

3. Na mô tát bà bột đà bột địa tát đá bệ tệ,

Cháu Hồ Hải San Jose: Bà cụ có nhớ bài thơ của Nguyễn Hữu Chỉnh không? Nếu có xin nhắc hộ cho. Cám ơn bà cụ!

Đáp: Bài cháu hỏi đó như sau:

"Ai có hay chăng là chẳng hay?
Lòng này vốn đã dạy thân này.
Kẻo lầm kẻo lỡ người yêu ghét
Đà tỏ đà tường kẻ thảo ngay.
Xem nỗi thế thời, xem đã nhạt
Bén mùi đạo lý, bén càng say.
Phải cơ, mới biết cơ trời nhiệm,
Có rủi, bằng dường lại có may."

Mộng Tuyền

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002