Đại Chúng số 83 - phát hành ngày 1/10/2001

Duramax

Giới Thiệu
Sách Mới


TỪ “ĐƯỢC ĂN ĐƯỢC NÓI, ĐƯỢC GÓI ĐEM VỀ”
ĐẾN “GỌNG KÌM LỊCH SỬ"

Trần Nguyên Sơn

Cổ nhân có câu người gìa sống với quá khứ, tuổi trẻ nhìn về tương lai thành ra nhiều nhân vật lãnh đạo ở tuổi cổ lai hy; nhìn lại qúa khứ vàng son không những bồi hồi xúc động còn cảm thấy tiếc nuối. Họ đều viết nhật ký, hồi ký hay tự sự ghi lại "một thời hiển hách." Có người khôi hài nói là, Hải ngoại được “được mùa hồi ký.” Ông Tướng Tôn Thất Đính cũng vội vàng hối tiếc việc làm; ông Đỗ Mậu muốn đi xa hơn thế nữa “sinh vi tướng tử vi thần.” Đến ông Tướng Lý Tòng Bá được ông Tướng Huỳnh Văn Cao khen là danh tướng! (Bá :19) của VNCH. Nhưng ngược "Danh Tuớng Bá" lại chê Tướng Nguyễn Bá Liên "Một con người như vậy mà cũng lên Tướng được!" (Bá :103) Nhờ vậy thiên hạ mới được chiêm ngưỡng "bí sử." Chưa từng thấy một người nào phác họa được chân dung "như thật" từ ngày cha sinh mẹ đẻ; hay còn là "bố cu mẹ đĩ." Ai cũng hào hùng, sáng chưng như mặt phải của tấm huy chương. Tuy nhiên dù nói thế nào đi chăng nữa, tất cả những hồi ký của các nhân vật lãnh đạo, tướng lãnh; mỗi người nhìn theo một lăng kính riêng; có những dị biệt ít nhiều đóng góp vào công việc chung. Phục hồi mục đích cao đẹp chiến đấu cho Tự Do Dân Chủ củả VNCH. Mặc dù một đôi lần bị bức hiếp làm mất cả ý nghĩa.

Vào cuối tháng 3-2001, một nhà ngoại giao của TT Thiệu; ông Đại Sứ Bùi Diễm đến Seattle WA ra mắt cuốn Hồi Ký Chính Trị với nhan đề “Gọng Kìm Lịch Sử.” Sách đẹp in trang nhã đề giá bán 25 Mỹ kim; do nhà xuất bản Phạm Quang Khai ở Paris phát hành năm 2000 dầy khoảng trên 500 trang.

Với tên tuổi của ông, người ủng hộ cũng như tò mò tới tham dự mua sách đông đảo. Cuộc ra mắt sách được coi thành công đối với một nhân vật chính trị VNCH, so với nhiều người khác. Đây là một niềm an ủi lớn cho những người “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay."

I - Khái Lược Gia Thế của ông Đại Sứ:

Về gia thế ông Bùi Diễm thuộc "con dòng cháu giống;" Thân phụ là cụ Bùi Kỷ; cháu của cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim. Xem qua thân thích liên quan toàn với những nhân vật lịch VN từ năm 1945 cho tới ngày tàn cuộc chiến năm 1975. Bản thân ông cũng giữ chức vụ quan trọng nhiều chính phủ từ Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ đến Nguyễn Văn Thiệu. Hơn thế nữa, ông còn đảng viên một đảng chính trị quan trọng Đại Việt, cùng phái với cựu Thủ Tướng Phan Huy Quát; mà những người đương thời thường gọi là "Đại Việt Quan Lại" Một khuynh hướng xuất hiện dưới thời Pháp thuộc ở BV. Còn tại Nam Kỳ một thành phần mới dưới xã hội Thuộc Địa tương đương, gọi là “Đốc Phủ Sứ.”

Trong nhiều đoạn ký, với kỹ sảo, ông kể thêm về gia thế; là cháu của một sứ giả triều đình VN sang Trung Hoa. Nhân vụ TT Johnson "thật thân thiết" ghé vào tai ông trong kỳ họp ở Guam Bùi Diễm có phải cháu của Bùi Viện hay không? Nhà nho Bùi Viện là Sứ giả đầu tiên của VN tới Mỹ. Mặc dù cùng họ Bùi nhưng dĩ nhiên không có liên quan gì tới Bùi Diễm. Trong sự kiện này, một dịp nữa ông Bùi Kỷ nói "Đại Gia họ Bùi" đã có 2 người cùng đỗ “Phó Bảng Đồng Khoa” vào năm 1865; và tiện dịp ông chép luôn câu đối ca tụng họ Bùi; "Bùi thị đồng khoa, song Phó Bảng; Châu Cầu nhất nhật lưỡng vinh quy." (:314). Và trong số "Bùi Thị" này cũng có người đi sứ; do đó, dù không phải là hậu duệ của Bùi Viện; nhưng họ hàng Bùi Diễm cũng vẫn thuộc dòng dõi "Sứ thần." Cho nên con cháu làm Đại sứ cũng không có gì trở ngại!

Nói về Bùi Viện: Vào 8-1873 (7-Qúi Dậu) Bùi Viện xuống thuyền ra cửa Thuận An, tiến về phía Bắc. Mang theo trọng mệnh của Triều đình Huế, tìm mối ngoại giao Tây Phương khác, hóa giải thế lực của Thực Dân Pháp đang gia tăng tại VN. Đến 10-1873 Bùi Viện tới Hương Cảng, sau 2 tháng lênh đênh trên biển cả. Hương Cảng là đất nhượng địa của Trung Hoa, cho người Anh Cát Lợi từ năm 1842. Bùi Viện dừng chân tại Hương Cảng nỗ lực tìm hiểu tình hình thế giới. Ông làm quen với nhiều hạng người; đặc biệt trong số đó có Lãnh sự Mỹ tại Hương Cảng. Vốn mẹ là người Trung Hoa, thông thạo Hán học, cho nên việc giao hảo giữa Bùi Viện và vị Lãnh sự nọ dễ dàng. Bùi Viện thực lòng trình bày tất cả uẩn khúc về VN cho vị Lãnh sự Mỹ và yêu cầu được giúp đỡ.

Viên Lãnh sự Mỹ thuận theo lời yêu cầu, viết một bức thư cho bạn đang làm việc bên cạnh TT Mỹ, cũng như giúp đỡ Bùi Viện sang Mỹ. Ông qua Hoàng Tân (Nhật), từ đó đổi tàu thủy đi San Francisco (Cựu Kim Sơn). Dừng chân tại đây, ông đổi xe lửa tới Washington DC. (Hoa Thịnh Đốn). Sau thời gian chờ đợi cả năm trời ông được TT Mỹ, Grant tiếp kiến. Bùi Viện trình bày tình hình VN và xin với TT Ulysses S. Grant (1822-1885), giúp đỡ chống Thực dân Pháp. (Một điều may mắn trong thời gian này giữa Mỹ và Pháp đang có tranh chấp tại Mexico. Mỹ đang muốn bành trướng thế lực của mình tại Á Châu; cạnh tranh cùng cường quốc Tây Phương khác. Nhiệm kỳ của TT Ulysses S. Grant trong khoảng thời gian 1869-1877. Một điều không may xẩy ra, Mỹ không thể ký kết gì với VN; lý do đơn giản là không có Quốc thư ủy nhiệm của Hoàng Đế Đại Việt. Cuối cùng, không thể làm gì hơn; Bùi Viện đành phải quay về VN lấy Quốc thư. Ông đi theo lộ trình cũ, nhờ tàu của Mỹ về Hoàng Tân, sang Hương Cảng, đổi thuyền buồm về tới Hải Phòng. Sau đó vội vã nhập Kinh theo đường bộ; trình bày với Vua Tự Đức về việc Quốc thư. Khi nhận được giấy ủy nhiệm, quốc thư của Triều đình Huế; ông vội vã quay sang Hoa Kỳ tiếp tục sứ mạng ngoại giao. Theo chúng tôi dự đoán ông tới Hoa Kỳ vào khoảng cuối năm 1873; khi trở về VN để lấy quốc thu vào khoảng tháng 8-1874. Mãi tới 1875 ông tới Hoa Kỳ, nhưng mọi việc quá trễ, tất cả đều đã thay đổi. Giữa Pháp và Mỹ đã bình thường hóa. TT Hoa Kỳ Grant từ chối ký Hiệp định như đã hứa hẹn trước đó. Cuộc liên lạc Ngoại giao Mỹ-Việt diễn ra lần đầu tiên như vậy.

Sự khác biệt giữa hai Bùi Viện và Bùi Diễm rất xa về thời đại, con người và hoàn cảnh. Bùi Viện trong đất nước bi đát tìm một quốc gia ủng hộ. Trong khi đó Bùi Diễm vì những động cơ chính trị, liên minh trong nội bộ VNCH được chỉ định vào chức vụ Ngoại giao. Mãi mãi Bùi Viện là một danh nhân của VN mặc dù mục đích không thành. Tuy nhiên sự kiện Bùi Viện có hay không hiện vẫn chưa được nhiều người đồng ý.

Điều ngạc nhiên nhất giữa các Tiểu sử của miền Nam và miền Bắc là đối phương thường mạo nhận họ là con cái của những nông dân nghèo nàn, ít học, thậm chí còn thất học; nhưng rồi sau khi chết mới vỡ lẽ ra họ đều thuộc giai cấp Địa Chủ, Tiểu Tư Sản hay Quan lại chẳng hạn như Thủ Tướng CS Phạm Văn Đồng là "cậu ấm con quan Thượng thư thứ thiệt." Chẳng một chút gì liên quan tới Giai cấp vô sản. Rồi ông Bùi Tín cũng con quan Thượng Thư ...

(Sau khi đã hoàn tất bài này; vào trung tuần tháng 5-2001 chúng tôi có dịp thăm Huston TX, trong một dịp nói chuyện với ông Chánh Đạo về sự kiện Bùi Viện. Nhà nghiên cứu, Sử Gia Chánh đạo đã cho sự kiện này là không có thật. Ông dẫn chứng một cuốn sách tác gỉa Mỹ ghi chú sự kiện Bùi Viện. Tác giả đó viết mặc dù ông đã nỗ lực tìm kiếm trong nhiều thư khố Mỹ nhưng vẫn không thấy ghi lại sự kiện trên; chúng tôi đọc đoạn chú thích ngay trong nhà sách Văn Hóa của ông ở Huston. Riêng ý kiến của ông Chánh Đạo đồng ý với chú thích trên cho rằng "sự kiện Bùi Viện hoàn toàn là tượng tượng của..." Đây là một tiếng nói của phía các nhà nghiên cứu Mỹ. Còn riêng phía các học giả VN chúng tôi biết ít nhất 03 tác giả viết về sự kiện này. Thứ nhất là tác giả Phan Trần Mỹ (?) viết sớm nhất vào khoảng năm 1948 (?) Tác giả thứ ha là ông Thái Văn Kiểm; người cuối cùng mà chúng tôi được biết đó là ông Mai Lân mới đây, viết trong cuốn sách nói về Hà Nội sau ngày 30-4-1975 chúng tôi được đọc một lần trên tờ Thời Báo phát hành tại San José. Riêng thiển ý cho rằng; việc này tạm thời đặt vào trường hợp "tồn nghi" phải chờ thời gian để kiếm thêm các chứng cứ; mới có thể trả lời dứt khoát có hoặc không. Ngoài ra ông Vũ Ngự Chiêu có nói tới một văn kiện đã được Ngũ Giác Đài giải mật liên quan tới Đại Sứ Bùi Diễm; nhưng chúng tôi vì bận không thể trở lại Houston để lấy bản sao. Do đó những liên quan đó không được nêu ra trong bài này. Dù sao cũng xin cảm tạ thiện ý của ông Vũ Ngự Chiêu. TNS)

II - Lịch sử là một sinh vật ngo ngoe:

Tên tựa tập hồi ký của ông Bùi Diễm là "Gọng Kìm Lịch Sử," như con cua, con bọ cạp với cặp càng. Phải chăng ông Đại Sứ cho rằng Lịch sử có một đời sống? biết mưu mô hại người lương thiện hoặc kẻ gian nịnh. Cho nên mới có gọng kìm hả rộng nhai trọng con người.

Đối với nhiều người quan niệm lịch sử tự nó diễn tiến; như một chiếc đồng hồ mỗi một giây trôi qua là một giây lịch sử. Người ta không thể thay đổi được lịch sử; ngày đó giờ đó một hành động phản nghịch xẩy; ra hay ngày đó giờ đó ông Nguyễn Văn Thiệu bỏ VN sang Đài Loan chạy trốn. Ngày đó giờ đó ông Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vv...; các ông Đại sứ VNCH ở ngoại quốc rong chơi tiệc tùng ngoại giao; bỏ nhiệm sở. Hai Tướng Pham Văn Phú, và Ngô Quang Trưởng được lệnh Nguyễn Văn Thiệu bỏ Vùng I và IỊ Ông Đại Sứ dùng chữ "Gọng Kìm Lịch Sử" chỉ là lối nhìn theo một chiều hướng nhất định; mà chúng tôi tạm gọi là chính trị. Thực tế đó là biện chứng; thấp hơn gọi là cảm tính. Lịch sử tự nói lên sự thật. Nó sẽ bị thay đổi, nhuộm mầu xanh đỏ chỉ vì những cặp kiếng mầu. Thời đại chúng ta nhiều người nhìn lịch sử bằng biện chứng; nhất là đảng Cộng Sản VN, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù, ngay cả cái bóng của chính mình. “Chính khách, chính trị gia” VNCH; bằng con đường biện chứng dễ gây ra xung đột và chia rẽ. Sở kiến đứng về phương diện triết học chỉ là một anh mù rờ voi không hơn không kém. Nhưng đôi khi sở kiến giúp cho ích việc khám phá chân lý? Con đường chính danh của lịch sử VN là nhìn dưới ánh sáng lợi ích dân tộc. Cho nên tất cả những cái gì liên quan tới ngoại bang, lệ thuộc ngoại bang, phục vụ cho ngoại bang đều bị kết án.

III - Bắt đầu bằng năm 1945 - 09 Chương Đầu:

Với một lối văn ngoại giao trang nhã; sáng sủa trong vòng đầu chín chương; kể cả lời tựa (:1-118); Tác giả phục hoạt sinh hoạt chính trị của giai đoạn sôi động nhất năm 1945. Có chi tiết khá đặc biệt mà ông là nhân chứng như cảnh, Hồ Chí Minh bị SV sỏ ngọt trong cư xá SV Đại Học Hà Nội. Xuất hiện trước "Ngài chủ tịch HCM mình trần như nhộng." Và phản ứng nhanh nhẹn của một lãnh tụ Quốc Tế chữa nghịch cảnh thiếu nghiêm trang "Các chú thì lúc nào cũng đùa nghịch được." (:68). Tuy nhiên phần lớn là những nét khá đại cương; chỉ vì khoảng thời gian này Bùi Diệm mới 22 tuổi!

Vì là đảng viên Đại Việt của Trương Tử Anh, một số chi tiết được ông Bùi Diễm ghi lại nằm trong khuynh hướng Đại Việt. Trước đây, qua một số tác phẩm nói về “Anh cả Phương” nhân vật nửa hiện thực nửa dường như huyền tho?i; ông Bùi Diễm tự đặt mình vào một vị trí thân cận hết sức mật thiết với Trương Tử Anh! Các đảng chính trị VN thích xây dựng nhân vật lãnh tụ thiếu hiện thực để đến nỗi xẩy ra tình trạng mà tôi cho đó là chân lý, "Tuy nhiên cũng như trong trường hợp nhiều đảng phái Quốc Gia khác ngoài mục đích tối hậu để tranh đấu dành lại độc lập, người ta không thấy trình bày rõ ràng những quan niệm xây dựng xã hội hoặc những chủ trương chính trị và kinh tế nhằm thực hiện công bằng xã hội và tự do dân chủ." Ngay lập tức ông Đại sứ đã chia sẻ sai lầm này cho các đoàn thể khác để làm nhẹ gánh "của nợ" thay vì chỉ ĐV gánh. Điều đó cũng chẳng sao, vì bánh xe lịch sử đã quay rồi; người chép sử cũng đã nhìn thấy cái hay cái dở của từng chính đảng. Nhưng hành động của ông một lãnh tụ ĐV dưới thời Nguyễn Khánh nắm ghế Bộ Trưởng Nội Vụ lập tức thả tù kiếm tiền, không biết ông Đại sứ sẽ chia xẻ cay đắng với ai? Một lãnh tụ già nua khác, đi không nổi vẫn còn bám ghế Chủ Tịch Đảng không rõ phải biện minh là sao nữa. Rồi nhiều người khác nữa lập trường lủng củng thả nổi theo quyền lợi, chức vụ cộng tác hết với chính phủ này tới chính phủ khác; không biết họ là ai nữa! Thời đại chúng ta lúng túng, mệt mỏi bào chữa nếu nhận họ vào hàng ngũ Quốc Gia. Trường hợp với Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu nhiều người công kích dùng đủ mọi danh từ khi nói về ông thậm chí mới đây một loại bài đăng tải tại Seattle nhân dịp nói về cuộc Di tản Vùng II có người còn gọi "TT Nguyễn Văn Thiệu là cán bộ CS." [?!] Người ta lại quên đi người thứ 2, là ông PTT Trần Văn Hương mà lại chỉ nhè ông Đại Tướng Trần Thiện Khiêm để công kích. Rõ ràng đã để cảm tính đi xa hơn suy nghĩ. Đây là một sự thiếu công bằng trông thấy. Tại sao có những trường hợp khác biệt đầy cảm tính như vậy? Thời đại hiện nay cần phải định nghĩa lại nhiều vấn đề; phân biệt rõ từng khuynh hướng, tránh đồng nghĩa danh từ Quốc gia trở thành mẫu số chung cho người "không cộng sản."

09 chương đầu, với cách nhìn tổng quát; tác giả đã đưa ra hình ảnh xác thực về "Phong trào Quốc gia hoạt động trong giai đoạn 1945-1946” khuynh hướng rõ ràng của "Người Không Cộng Sản." Sở dĩ chúng tôi phải dùng chữ Non-Communist với nỗ lực định nghĩa chữ Chủ Nghĩa Quốc Gia (Nationalism); vì từ xưa tới giờ đã gây rất nhiều ngộ nhận về chữ Quốc gia. Trên nửa thế kỷ ngộ nhận, gần như dẫn tới tình trạng nhố nhăng. Nhiều chính khách hoạt động tự do (Liberal), Hợp tác, Quân Chủ, Độc Tài cũng là người Quốc gia. Thành ra chữ Quốc gia mất hết cả ý nghiã cao đẹp vốn có của nó. Chúng tôi chờ đợi với tư cách một nhà hoạt động chính trị của 3 thời kỳ VNCH II; ông Đại Sứ Bùi Diễm sẽ đưa ra một định nghĩa chính xác về hai chữ Quốc gia; nhưng vẫn đối diện với bức tường. Chữ Quốc gia đã trở thành mẫu số chung của những người không CS. Chúng tôi thất vọng không thấy; ông đưa ra một định nghĩa nào trước vấn đề trọng đại; làm sáng tỏ ý nghĩa Phong trào Quốc Gia vốn có. Để lật ngửa cho bàn dân thiên hạ xem tấm mặt trái của tấm huy chương; "Ai là kẻ hợp tác, ai là người Quốc gia." Nền chính trị học Khổng Tử, mặc dù có một số người chê trách là bảo thủ chậm tiến; nhưng còn đưa ra được quan điểm chính danh. Môn đệ của Khổng Tử định nghĩa rất rõ về vấn đề này. Phong Trào Quốc Gia hiện diện trong dòng lịch sử; nhưng vẫn đứng ngoài lãnh đạo. Tại sao vậy?

Chính vì không thể đưa ra một ý nghĩa xác đáng về Chủ Nghĩa Quốc Gia cho nên tất cả những hoạt động của nhóm hợp tác, tay sai như ông Bùi Diễm nhận xét,

“Tôi đã từng sống trong vùng VM, họ biết tổ chức ra sao và hiểu rõ khả năng của những người như Hồ Chí Minh hay Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra tôi cũng thấy họ được sự ủng hộ của quần chúng vì họ chống ngoại xâm, trong khi đó thì những "thành phần Quốc Gia" lại có "nhược điểm vì bị nghi ngờ là hợp tác với Pháp." Trong hoàn cảnh đó, phần thắng của "phe Quốc gia sau Genève thật là mỏng manh, nếu không có một chính phủ đoàn kết, được sự ủng hộ của tất cả các thành phần không Cộng Sản." (:143)

Chỉ trong một đoạn ngắn, Bùi Diệm đã phần nào nhìn ra vấn đề, nhưng còn trong trạng thái phân vân. Mặc dù ông đã nỗ lực đưa ra các từ ngữ "thành phần Quốc gia," "phe Quốc gia," "hợp tác với Pháp," rồi "thành phần không Cộng sản." Đáng tiếc ông chỉ dừng lại tại chỗ; không đưa ra một lời kết luận định nghĩa rõ hơn nhóm từ ngữ này. Tuy nhiên, bằng ngôn ngữ ngoại giao ông đã bóng gió cho việc cộng tác với Pháp, hay nói chung với ngoại bang là một điều không được toàn dân chấp nhận; ngoài ra thành phần không Cộng Sản không có nghĩa là thành phần Quốc gia. Nếu chúng ta đã có danh từ Tay sai Chủ nghĩa Thực dân Pháp, con đẻ chủ nghĩa Cộng Sản Nga Hoa; tay sai của Cộng Sản Quốc Tế ngay từ thời chiến tranh 1945-1954; tại sao ông Đại Sứ ngần ngại không kiếm một danh từ chỉ những thành phần hợp tác với Mỹ sau Thế chiến IỊ Nước Pháp chả từng ca tụng Thống chế Pétain anh hùng nước Pháp Thế chiến I; những cũng từng đưa tên phản quốc Pétain ra tòa vì tội hợp tác với Quân Đội Đức; bất chấp lời biện minh tội danh để cứu nước Pháp khỏi sự tàn phá; Uông Tinh Vệ người Trung Hoa chỉ đứng ra lập Chính phủ hợp tác với Nhật trong cuộc chiến tranh Trung Nhật đã bị cả hai phe Quốc Cộng kết án là Phản Quốc. Chữ hợp tác được dùng trong trường hợp phản nghĩa phân biệt sáng tỏ thêm hai từ ngữ Quốc Gia; có nghĩa là không lệ thuộc. Điểm định nghiã dĩ nhiên đánh tan một số thiên kiến, suy luận trước đây của Tây Phương cho rằng "Hồ Chí Minh chủ trương Quốc Gia Cực Đoan giống như Tito, Mao Trạch Đông.” Chế độ CSBV ít nhất liên minh với hai Quốc gia CS Trung Hoa và Nga Sô thực hiện chủ nghĩa Quốc Tế vô sản; hợp tác với ngoại bang nên không thể, và không bao giờ Hồ Chí Minh là lãnh tụ của Phong trào Quốc Gia. Cũng như các lãnh tụ hợp tác trong cuộc chiến tranh Việt Nam chỉ là những nhà lãnh đạo liên minh, hợp tác với Tây Phương không thể là những lãnh tụ của Phong Trào Quốc Gia. Ông Phan Huy Quát, Bùi Diễm, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Văn Thiệu đều nằm trong truờng hợp này. Hồ Chí Minh và đảng Cộng Sản VN cũng chỉ là một khuynh hướng liên minh Quốc Tế Cộng Sản đối nghịch với khuynh hướng Liên Minh Tây Phương khác.

Một thực tế dễ nhận trong số những thành phần "Không Cộng Sản" hoạt động hết sức tự do. Điển hình như ông Phan Huy Quát, mà Đại Sứ Bùi Diễm phải dành rất nhiều trang bàn tới thái độ chính trị, tinh thần yêu nước của Vị Thủ Tướng này. Nhưng ngược lại xét lại quá trình hoạt động của ông Quát; người ta thấy tương tự như những chính khách, chính trị gia đuơng thời; và ngay cả ông Đại Sứ Bùi Diễm là người có mặt tại nhiều nơi, nhiều chỗ và nhiều thời kỳ. Khiến không ai có thể xác định được lập trường chính xác nhất của những nhà lãnh đạo "không Cộng Sản" hay "chống Cộng Sản."

Riêng ông Bùi Diễm phục vụ trong Chính Phủ Bảo Đại, Phan Huy Quát, Nguyễn Cao Kỳ, tiếp đến là Chính phủ Nguyễn Văn Thiệu . Trong các chính phủ ông đều là nhân vật quan trọng. Cuối cùng ông Bùi Diễm đóng vai Đại Sứ Hoa Kỳ, một quốc gia quan trọng đối với VNCH. Cả 3 chính phủ sau mầu sắc chính trị nhiều khi chống đối lẫn nhau?! Trong cuốn sách của ông Bùi Diệm không hề thấy giải thích tại sao. Bản thân ông hợp tác với cả 3 chính phủ; tuy nhiên vẫn không hơn được ông Quát tới 6 lần hợp tác lớn nhỏ. Trong đó có một lần hợp tác với Chính Phủ Nguyễn Văn Tâm. Riêng thành tích của ông Nguyễn Văn Tâm đã bị châm biếm “Đại Điểm Quần Thần;” Thành ra nếu có cộng tác với Nguyễn Văn Tâm cũng chẳng lấy gì làm vinh dự lắm. Nếu như ngồi chung với ông Lê Văn Hoạch; cũng tương tự hợp tác với BS Nguyễn Văn Thinh trong Chính Phủ Nam Kỳ Tự trị mà thôi. Thời đại chúng ta sau nhiều thất bại đau đớn; các thế lực, Quốc Tế cả Tự do và CS đều không dành cho Phong trào Quốc gia VN chỗ đứng. Một lãnh tụ lớn của Hoa kỳ đã cho rằng học thuyết Quốc Gia (Nationalism) không khác chủ nghĩa CS về mục tiêu đấu tranh đều là Độc lập Dân Tộc; chỉ khác nhau khi xây dựng hệ thống chính trị, kinh tế; biện pháp thực hiện đôi khi giống nhau về cực đoan chẳng hạn như xử dụng biện pháp quốc hữu hóa các tài sản của ngoại quốc. Cho nên để chọn người liên minh, Hoa Kỳ khó có thể cộng tác những nhà hoạt động Phong trào Quốc gia!

IV - Một nhà chính trị Quốc Gia hay là một chánh khách thời đại

Từ chương thứ 10 trở đi, chính khách Bùi Diễm mở ra một số vấn đề. Bằng ngôn ngữ ngoại giao ông đã né tránh tất cả quan điểm có thể cho người đọc xác nhận được lập trường của ông rõ nét nhất. Chẳng hạn như; để nhận xét về TT Ngô Đình Diệm ông Bùi Diệm dẫn chứng bằng lời của Cựu Hoàng Bảo Đại, "... và về phương diện này thì ông (Bảo Đại) cho là ông Diệm được Hoa Kỳ tin cậy hơn ông Quát. Theo ông (Bảo Đại) thì ông Diệm đúng là người của giai đoạn hậu Genève.” (:146); người ta chờ đợi ông Bùi Diễm, thì lại là ý kiến của Quốc Trưởng Bảo Đại. Nhưng vô tình ông đã xác nhận ông Phan Huy Quát cũng chỉ là người theo đuổi chủ trương hợp tác; nhưng chưa được Hoa Kỳ tín nhiệm.

Ai cũng biết ông Bùi Diễm đã nhận là đảng viên Đại Việt với Phan Huy Quát. Việc này thể hiện qua Thủ Tướng Quát bổ nhiệm Bùi Diễm vào chức vụ quan trọng nhất trong chính phủ, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng. Dưới sự phân tích của ông Bùi Diễm

"Bác sĩ Quát là một chính khách có nhiều kinh nghiệm và óc tổ chức, với một nhân phẩm ngay thẳng trong sạch không ai phủ nhận ... ông vốn có hoài bảo và nhiệt tâm kiến thiết một quốc gia tân tiến."

Về thành tích "Đổng Lý văn Phòng của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, 04 lần giữ chức Tổng Trưởng (Giáo Dục, Quốc Phòng hai lần, và sau chót là Ngoại giao)" (:211); như vậy việc chọn lựa một nhân vật thân cận như ông Bùi Diểm chắc hẳn ông Quát không còn lầm lẫn gì cả. Điều mà ông Bùi Diểm không nói tới ông Phan Huy Quát 04 lần Tổng Trưởng trong hoàn cảnh nào. "Dĩ nhiên ai cũng thấy đó là Chính phủ nằm trong kiểm soát của Thực Dân Pháp." Riêng việc Ông Quát làm Đổng Lý Văn Phòng chính phủ Trần Trọng Kim chính ông Bùi Diễm cũng đã tinh tế nhận ra. Sau khi nhà sử gia Trần Trọng Kim chết đưa về Hà Nội, "Đám táng của cụ được cử hành trọng thể tại Hà Nội với một đặc điểm là những bài điếu văn đều nói tới cụ như một học giả, một sử gia, một người yêu nước nhiều hơn là một người làm chính trị, và sách vở của cụ được nhắc nhở đến nhiều hơn thời gian ngắn ngủi cụ làm Thủ Tướng.” (:136-137); điều này ông Bùi Diễm đã tự trả lời tiêu chuẩn Tổng Trưởng Bộ Trưởng và ngay cả Thủ Tướng, Nguyên Thủ chưa đủ để tránh lời đàm tiếu việc làm lúc sinh thời. "Một vài sử gia sau này có viết là khi làm Thủ Tướng, cụ đã bỏ lỡ nhiều cơ hội." Do đó qua nhận xét của chính ông Bùi Diễm, chức vụ Thủ Tướng của cụ Trần Trọng Kim chỉ là một điểm đen; thành ra chức Đổng lý Văn Phòng của ông Quát cũng vì thế chẳng thêm giá trị gì mấy. 4 lần tham chánh dưới thời Thực Dân:

1.-Ngày 1-7-1949 Làm Bộ trưởng Giáo Dục Bảo Đại.

2.-Tháng 1-1950 Làm Tổng Trưởng Quốc Phòng Chính Phủ Nguyễn Phan Long. (3 tháng)

3.-Ngày 1-6-1953 Làm Tổng Trưởng Quốc Phòng Chính phủ Nguyễn Văn Tâm.

4.-11-1-1954 Tổng Trưởng Quốc Phòng Chính Phủ Bửu Lộc.

V - Ai là người trách nhiệm việc quân đội Mỹ vào miền Nam VN.

Ông Bùi Diệm là người trợ thủ đắc lực của Thủ Tướng. Việc ông nỗ lực biện minh sự kiện đưa “Quân Đội Mỹ vào miền Nam bằng cách nào và trách nhiệm vấn đề này của ai?" Nhiều người trước đây chỉ trích sự hiện diện quân đội Mỹ đã làm hại cuộc chiến đấu cho tự do dân chủ Miền Nam; ngay cả sử gia người Mỹ. Theo cách viết của ông nhà ngoại giao Bùi Diễm dường như người ta thấy rằng chẳng ai có trách nhiệm; do người Mỹ cả?!

Ngay thời gian khủng hoảng chính trị Thượng Hội Đồng dưới thời Tướng Nguyễn Khánh ông Bùi Diệm lý luận, "vì nhà vô chủ, vì nội bộ lủng củng, thì hoàn cảnh đặc biệt này càng khiến Hoa Kỳ tự ý quyết định hoặc chỉ hỏi lấy lệ vào giờ phút chót vài tướng lãnh." (:220) Cho nên Hoa Kỳ có quyết định đơn phương. Riêng Chính Phủ Phan Huy Quát mà ông Bùi Diễm là một thành viên quan trọng ghi nhận, "Mặc dầu tin tức về cuộc dội bom BV được đăng tải ... không hề được nêu lên trong các hội đồng nội các... hay trong những buổi họp cao cấp Việt Mỹ.” Trách nhiệm về ai ông Diễm đặt ra rồi tự trả lời “tôi nghĩ rằng lúc đó Tướng Khánh không nói lại cho chính phủ mới (Quát).” Thành ra không có trách nhiệm; điểm thứ 2 để bào chữa Chính Phủ Quát không có trách nhiệm, "Chính phủ VN còn đang ngụp lặn và cố ngoi đầu khỏi mặt nước, thế là các giới chức Quân sự Mỹ và Việt đương nhiên tự do hành động.” (:221) Từ chỗ không quy kết được ai, Chính phủ Quát hoàn toàn vô trách nhiệm; do Mỹ tự ý quyết định đến cho các giới chức quân sự Mỹ và Việt tự do hành động. Nhưng ông vẫn không nói rõ được "giới quân sự Việt là ai Nguyễn Cao Kỳ hay Nguyễn Văn Thiệu?” Một lập luận khá đơn giản và khôi hài được ông Bùi Diễm đưa ra, chỉ vì không được nêu trong phiên họp Hội đồng Nội các thành ra không ai bàn tới! Còn ai là giới chức cao nhất để đưa ra, ngoài ông Bùi Diễm Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng và TT Phán Huy Quát, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Quốc Phòng Tướng Thiệu. Vậy thì trách nhiệm buộc phải quy kết cho Thủ Tướng Quát, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm của Bộ Quốc Phòng Nguyễn Văn Thiệu và vv ... Không ai khác bộ ba gồm các ông Phan Huy Quát - Nguyễn Văn Thiệu - Bùi Diễm rộng hơn nữa Trần Văn Đỗ - Trần Văn Tuyên và toàn Chính phủ Phan Huy Quát, Hội Đồng Tướng Lãnh.

Đến ngày 8-3-1965, 02 Tiểu đoàn TQLC Mỹ đổ bộ lên Đà Nẵng; sau khi chính phủ Quát đã thành lập được 22 ngày. Về ý nghĩa sự kiện nhà ngoại giao Bùi Diễm đưa ra hoàn toàn phù hợp với nhiều ý kiến:

1.-Một quyết định ném lao mà ông gọi là "point of no return."

2.-Đối với dân chúng miền Nam “tái hiện của quân ngoại quốc trên mảnh đất quê hương. (:221)

Ngay buổi sáng của ngày 8-3-1965 ông Bùi Diễm trình bày, được Thủ Tướng Quát gọi đến tư gia để nhấn mạnh đến vi?c "Chính phủ Quát không hay biết gì về việc TQLC đổ bộ.” Sứ thần Manfull đang có mặt và ông yêu cầu ông Đổng Lý Văn Phòng Bùi Diễm soạn thông cáo chung về việc này, "Cố làm sao càng ngắn càng hay, trình bày sự kiện như đã xẩy ra và xác nhận sự đồng ý của chính phủ VN.” Sự thân thiết của ông Diễm đến độ “Tôi kéo BS Quát sang phòng khác và hỏi ông "có gì đặc biệt về quân sự mà chúng ta không được biết, đến độ họ phải hành động một cách vội vàng như vậy?õ" BS Quát cố giữ bình tĩnh ... hơi gắt gỏng, "Lúc này họ đang đổ bộ lên Đà Nẵng, anh sẽ làm xong bản thông cáo chung rồi chúng ta sẽ bàn sau." (:222-223)

Điều mà mọi người chỉ có thể đồng ý với ông Bùi Diễm “đây chính là một sự kiện chính thức thay đổi bộ mặt Chiến tranh VN.”

Nhưng qua đoạn văn “hồi ký" của ông Bùi Diễm người thấy rõ ràng rõ ràng ông Quát ra lệnh cho Bùi Diểm xác nhận "Việc quân dội Mỹ đổ xuống Đà Nẵng” có sự đồng ý của Chính Phủ VNCH. Tuy nhiên đoạn văn với cách diễn giải ngoại giao của ông Bùi Diễm vẫn thấy rằng ông Quát không hay biết. Đang bị đẩy vào tình thế đã rồi để bảo vệ cho Chính Phủ Quát và ngay cả Văn Phòng Thủ Tướng Chính Phủ do chính ông Bùi Diễm đứng đầu. Để ủng hộ cho quan điểm của tác giả, ông đưa ra một câu nói của Thủ Tướng Quát sau khi Manfull rời tư gia của Thủ Tướng Chính Phủ, "Tôi nghĩ rằng chính ông Taylor cũng ngạc nhiên về quyết định mau lẹ của Hoa Thịnh Đốn ...” (:223) Đến ông Taylor còn không biết huống gì ông Quát và Bộ Trưởng Bùi Diễm?! Trong trang 233 ông Diễm đưa ra một ý kiến tổng quát; ông viết, "Bác sĩ Quát chỉ thấy là qua áp lực này đến áp lực khác, Hoa Kỳ gửi thêm quân sang VN." Dường như với ngôn ngữ ngoại giao ông Bùi Diểm muốn nói tới "không còn có cách nào khác là chấp thuận."(?!)

VI - Đâu là sự thực việc Mỹ đổ quân vào VN

Một thành viên quan trọng Chính Phủ Quát; ông Bùi Diễm trình bày sự kiện Mỹ đổ quân vào VN có phần đơn giản đến độ không ai có thể tưởng tượng nổi. Việc quốc gia đại sự có tính chất quyết định lịch sử lại diễn ra khôi hài đến độ như ông Bùi Diễm viết trong cuốn Hồi Ký. Tuy nhiên sự thực vụ đổ quân Mỹ vào VN ra sao? Dĩ nhiên còn nhiều bí ẩn; nhưng một cách tương đối đã được phơi bầy trước đó hàng tháng trời. Đủ thời gian giúp cho ông Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng Bùi Diễm suy nghĩ chín chắn,cân nhắc lợi hại về quân Mỹ đổ vão VN:

* Vào ngày 22-2-1965, Tướng Westmoreland điện về Washington yêu cầu tăng cường 2 Tiểu đoàn TQLC tới bảo vệ phi trường Đà Nẵng. Đại sứ Taylor đã biết trước kế hoạch của Westy điện về Washington phản đối và cảnh cáo TT Johnson rằng, thực hiện kế hoạch này có nghĩa là VNCH "trút đi được một số trách nhiệm lớn.” Bộ Tham Mưu Liên Quân Mỷ ủng hộ quyết định của Tướng Westy yêu cầu; Từ năm 1963 đến năm 1965 vai trò quân sự trong chính phủ Mỹ mạnh so với ngoại giao và chính trị. Giới quân sự đóng vai trò quyết định chiến trường VN mà người ta hay gọi bằng Diều Hâu.

* Thực sự đây là một sự kiện đáng để ý; Vào ngày 22-2-1965 một toán thanh tra Quân đội Mỹ do Trung Tướng John L. Throckmorton, phụ tá Tướng Tư Lệnh MAVC hướng dẫn tới xem xét tình hình căn cứ không quân Đà Nẵng. Sau khi trở về Saigon với một số đề nghị trình lên Westmoreland. Ngay lập tức Tướng Tư Lệnh Lực lượng Hoa Kỳ tại VN yêu cầu cơ quan CINCPAC tăng 3 tiểu đoàn TQLC/HK quân viện, bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Một căn cứ quan trọng của quân đội HK nhằm tung ra những đợt oanh tạc miền Bắc VN. Theo bản phúc trình điều tra của Trung Tướng John L. Throckmorton lấy lý do,

“Quân Đoàn I QLVNCH dưới quyền chỉ huy của Tướng Nguyễn Chánh Thi đã bị phân tán mỏng bảo vệ lãnh thổ quá lớn; không đủ sức bảo vệ an ninh cho căn cứ Đà Nẵng. Điều này phù hợp với Westy nghi ngờ khả năng của QĐI/QLVNCH; ngay lập tức 2 TĐ/TQLC/HK được gửi tới ngay, còn tiểu đoàn thứ 3 sẽ tới sau. Đô Đốc Sharp đồng ý cho rằng phải gửi ngay TQLC/HK tới Đà Nẵng trước khi xẩy ra thảm họa."

* Đại Sứ Taylor tại Saigon “từ trước tới giờ vẫn là một nhân vật chủ trương chống lại Bộ Binh Mỹ tham chiến trên chiến trường VN." Trong giờ phút này cũng phải miễn cưỡng chấp nhận việc gửi TQLC tới bảo vệ căn cứ Đà Nẵng. Tuy nhiên ông dự đoán, Chính phủ VNCH sẽ phản ứng về sự hiện diện quân đội HK, vì lý do họ phải nhường quyền quản trị lãnh thổ cho Mỹ. Đối với Đại Sứ Taylor việc tăng quân đồng nghĩa với “leo thang” chiến tranh. Ngoài ra, đối với ông “lính da trắng, với trang bị quân trang quân dụng như vậy sẽ không phù hợp với cuộc chiến tranh du kích tại VN" chiến đấu trong rừng rú. Người Pháp trước đây đã nỗ lực cải thiện lực lượng quân đội viễn chinh; cho phù hợp với điều kiện chiến trường nhưng họ đã thất bại. Tuy nhiên ông vẫn hy vọng quân lực Mỹ sẽ thực hiện tốt hơn. Điều lo lắng của Taylor bằng thừa. Chính phủ Phan Huy Quát và B.TTM/QLVNCH, các Tướng lãnh QLVNCH, chẳng những không phản đối mà ông Đại sứ Bùi Diễm được chỉ thị soạn thảo văn bản hợp thức hóa việc Mỹ đổ quân.

* Đại Sứ Taylor nhận đuợc chỉ thị của Chính phủ Mỹ thuyết phục Chính phủ VNCH chấp thuận việc "leo thang" mới. Việc này dĩ nhiên không khó khăn với Đại Sứ Taylor. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Trung Tướng Trần Văn Minh (Minh nhỏ) tỏ vẻ lo ngại xẩy ra bạo loạn tại Đà Nẵng. Cho nên đã yêu cầu TQLC Mỹ đổ bộ, “brought ashore in the most inconspicuous way possible.” Với cách giải quyết của những nhân vật trọng trách đối với quốc gia VN như vậy (!); đã tiết lộ vai trò người Mỹ quan trọng ở miền Nam tới bực nào. (!) Họ chẳng những không chống đối quân đội Mỹ tham chiến tại VN. Mà còn ủng hộ, mở cửa lớn đón rước linh đinh. Sự hiện diện của quân đội Mỹ càng khiến chiến thắng CS trở thành xa vời, thiếu thực tế. Mỹ đã rơi vào bánh xe đổ của Thực Dân Pháp tại Đông Dương. Trái với những điều ông Bùi Diễm viết.

* Để đón chào TQLC Mỹ đổ bộ Đà Nẵng bảo vệ căn cứ; Chính phủ VNCH và BTM/QLVNCH ngay lập tức hạ lệnh tổ chức đón rất long trọng; (dĩ nhiên việc này do Phó Thủ Tướng Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu mau mắn, tránh chống đối bạo loạn của dân chúng; có lẽ đề phòng Phật Giáo chống leo thang chiến tranh.)

* Thiếu Tướng Frederick J. Karch, một cựu chiến binh Thế Chiến II tại hai mặt trận nổi tiếng Saipan và Iwo Jima chịu trách nhiệm cuộc đổ bộ; chỉ huy Lữ Đoàn này. Vào cuối tháng 2-1965 sau nhiều cuộc họp bàn thảo quyết định về việc quân Mỹ đổ bộ tại Đà Nẵng với rất nhiều ý kiến lãnh đạo của quân đội Việt Mỹ. Tướng Karch tường thuật lại cuộc họp, trong đó một ý kiến do một Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng BĐQ/QLVCNH đưa ra, khiến Karch không khỏi sững sờ. Vị Thiếu Tá này đề nghị, bằng trực thăng tiểu đoàn của ông ta sẽ quét sạch một làng VN gần khu vực đổ bộ ...?! Sau đó Tướng Karch đi thăm bãi biển Nam Ô chuẩn bị cho cuộc đổ bộ vào ngày 7-3-1965.

* Đến ngày 26-2-1965 Washington điện cho Westmoreland và Taylor báo, TT Johnson chấp thuận theo yêu cầu của Westy, 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ sẽ được vận chuyển tới Đà Nẵng. Nhiệm vụ của Taylor là phải bảo đảm việc Chính phủ VNCH chấp thuận. (Hiện tại, Hoa Kỳ vẫn còn e ngại phía VNCH không chấp thuận sự hiện diện của Quân đội Mỹ trên chiến trường. Điều này chỉ là điều lo ngại xa. Thực tế Thủ Tướng Phan Huy Quát, Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã yên lặng, chấp thuận mọi yêu cầu của Mỹ. Họ không thấy được tai họa cho phép quân đội Ngoại quốc có mặt trên VN. (Những gương Lê Chiêu Thống, Nguyễn Gia Long trong lịch sử há họ không thấy?)

* Ngay cả Tướng Westmoreland sau này cũng chối trách nhiệm giải thích, không cho việc yêu cầu tăng viện của ông như là "bước đầu tiên phát triển những cam kết của Hoa Kỳ tại VN." Dù rằng Taylor tiên đoán khả năng này; nhưng ông không đặt thành vấn đề trước công luận.

* Đến khoảng thời gian 1/4-3-1965 Đại sứ Taylor thông báo cho Thủ Tướng Phan Huy Quát; Hoa Kỳ đang chuẩn bị gửi 3.500 TQLC tới VN. Trong thời gian 3 ngày sau, một yêu cầu chính thức (formal request) khác được Tòa Đại sứ Hoa Kỳ Saigon đưa ra, muốn chính phủ VNCH “mời (invite) Hoa Kỳ gửi quân TQLC Mỹ.” Đây là chỉ là những thủ đoạn chính trị người Mỹ đang áp dụng của Miền Nam dưới các hình thức thường được áp dụng, “Mời, áp lực bằng viện trợ." Một quốc gia chỉ thoát khỏi bàn tay chi phối của Hoa Kỳ khi thẳng thắng khước từ những hình thức này.

* Bỗng dưng ngày 1-3-1965 sau lời yêu cầu của Taylor phía VNCH, Thủ Tướng Phan Huy Quát tuyên bố, chiến tranh VN "rõ rệt là một trường hợp tự vệ." Không thể có hòa bình cho tới khi, "CS chấm dứt chiến tranh họ gây ra và chấm dứt xâm nhập." Điều này phải có một căn nguyên Chính phủ VNCH Phan Huy Quát đang chuẩn bị dư luận cho Quân đội Mỹ vào chiến trường VN.

* Sau đó đến ngày 2-3-1965 Chính phủ VNCH Phan Huy Quát khẩn cấp họp Hội Đồng An Ninh Quốc gia (Thực sự tới tháng 6-1965 Nguyễn Cao Kỳ mới ký Sắc lệnh thành lập HĐANQG) với sự tham dự của nhiều thành viên cao cấp trong chính phủ đương thời; Thủ Tướng Phan Huy Quát, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực. Cuối cùng Thủ Tướng Quát chấp thuận vì "cho là điều kiện thực tế." Tướng Thiệu cũng chấp thuận nhưng thêm chi tiết yêu cầu các đơn vị TQLC Mỹ, "brought ashore in the most inconspicuous way feasible." ("The Vietnam War: Analmanac." Johns. Bowman. New York, A Scripps-Howard Co. 1985 :107) "Hoàn toàn giữ kín đáo như có thể được, khi dổ bộ.” Sự thực chứng minh không thể nào giữ “bí mật” như Tướng Thiệu đề nghị. Một đạo binh không phải một món hàng để có thể cất trong kho kín đáo.

Đây là sự kiện trọng đại quốc gia, dù trong hoàn cảnh lệ thuộc ít nhiều vào người Mỹ. Các nhà lãnh đạo chính trị và quân sự VNCH đã nhượng bộ hoàn toàn, khiến không ai có thể hiểu nổi. Họ "buông trắng tay". Đến nỗi không có một văn bản, dù là sơ bộ được ký kết giữa VNCH và Hoa Kỳ. Quy định việc quân đội Mỹ vào VNCH và rút ra khỏi như thế nào. Họ hoàn toàn tự do, không trách nhiệm. Lịch sử phán xét sự kiện, quy trách cho hai nhân vật Thủ Tướng Phan Huy Quát và Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu, đã đưa quân đội Mỹ vào miền Nam vô điều kiện; Chính phủ VNCH hoàn toàn không cân nhắc, hậu qủa. Quân đội Mỹ có mặt trên chiến trường trực tiếp tham chiến đã biến mất chính nghĩa cuộc chiến đấu bảo vệ tự do chống lại chủ nghĩa CS. Do đó việc ông Diễm trình bày là sai với thực tế lịch sử. Hoàn toàn không có vấn đề chính phủ Quát không hay biết việc đổ quân.

* Chính vì sự kiện này cho nên có dư luận cho rằng, sau chính biến năm 1963 Mỹ cố tình dùng Nguyễn Khánh tạo ra khủng hoảng lãnh đạo. Đưa lên những người ủng hộ chính sách quân đội Mỹ vào VN, chẳng hạn như Tướng Nguyễn Cao Kỳ và sau là Thiệu. Tướng Thiệu, "cao kiến" né trách nhiệm, tuyên bố chiếu lệ "Hoàn toàn giữ kín đáo như có thể được, khi dổ bộ.” Chính vì vậy, chỉ một hai năm sau Mỹ mau chóng ủng hộ Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu tay Nguyễn Cao Kỳ. Làm sao có thể giữ bí mật trước một sự kiện trọng đại như vậy? Việc đưa quân đội Mỹ vào VN, "Chính Phủ, TT Quát, Tướng Thiệu" phải chịu trách nhiệm trước lịch sử. Ngay trong cuốn Hồi ký của ông Bùi Diễm, ít nhất cũng tìm được nhiều đoạn Đại Sứ Mỹ Taylor cũng biết vin vào phản ứng bất lợi của chính phủ VNCH để chống việc gửi quân sang, “ngoài ra không dễ gì thuyết phục và có được sự thỏa thuận của chính phủ Việt Nam ..." (:223). Nhưng Chính phủ Quát không liên minh với Taylor, chống lại quyết định của Washington. Bên cạnh đó với vai trò Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng, ông Bùi Diễm dĩ nhiên cũng nhận lãnh "trách nhiệm đồng lõa." Không khuyến cáo tai họa việc đưa quân đội Mỹ vào VN mặc dù ông biết. Tệ hại hơn nữa, Bộ Trưởng Phủ Thủ Tướng không soạn thảo văn kiện ký kết nào về việc này. Từ một VNCH có chủ quyền, biến thành một VNCH vô chủ chỉ xẩy ra dưới thời hai ông Quát-Thiệu.

* Sau yêu cầu của Tòa Đại sứ Mỹ và quyết định của Thủ Tướng Phan Huy Quát, Tướng Nguyễn Văn Thiệu nhiều tin đổ quân Mỹ lan nhanh tại Saigon. Nhưng cả hai giới chức Việt-Mỹ đã không đưa ra một lời tuyên bố nào hết về sự kiện này.

Cuộc đổ quân trì hoãn mãi cho tới 08:00 ngày 8-3-1965 mới được thực hiện.

Các chiến hạm USS Henrico, Union, và Vancouver vận chuyển Lữ đoàn 9 TQLC. Chuẩn Tướng Frederick J Karch đang lênh đênh trên chiến hạm USS Mount McKinley treo lá cờ của đơn vị “Naval Amphibious Task Force 76” điều khiển cuộc đổ quân. Từ ngoài khơi bãi biển Nam Ô (khu vực người Mỹ gọi là “Red Beach”) khoảng 1,3km (4.000 yards) phía Bắc tỉnh Đà Nẵng quân đội Mỹ sẵn sàng. Tuy nhiên tình hình thời tiết, biển động mạnh không thuận lợi cuộc đổ bộ. Cuộc hành quân trì hoãn cho tới 09G00. Đến 09G03 người đầu tiên nhẩy xuống Thủy Xa (Amphibian tractor) đổ bộ là Trung Sĩ Gary Powers

Đơn vị đổ bộ đầu tiên thuộc Tiểu Đoàn 3/9 (Battalion Landing Team 3/9); Tiểu Đoàn 2/9 trừ bị trên tàu. Tiểu đoàn 3/9 tới bờ vào hồi 09:18 giờ địa phương. Với quân phục tác chiến vũ khí M-16. Đơn vị TQLC Mỹ đổ bộ gặp gỡ người đi xem, các viên chức và sĩ quan QLVNCH, những cô gái cằm vòng hoa vàng, đỏ (yellow dahlias and red gladioli); đúng ra là hoa "Lay Ơn" (Leis), cùng với 4 quân nhân Hoa Kỳ giăng một biểu ngữ lớn "Welcome to the Gallant Marines." (trong trường hợp này chữ gallant có nghĩa là dũng cảm thành ra biểu ngữ có nghiã, "Hân hoan chào đón các chiến sĩ TQLC dũng cảm.”). Tướng Frederick J Karch rời chiến hạm USS Mount McKinley, chỉ huy cuộc đổ quân bằng trực thăng. Phía VN, Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi và Thị Trưởng Đà Nẵng có mặt đón tiếp đoàn quân Hoa Kỳ. Trong khi đó trực thăng võ trang bay vần vũ kiểm soát an ninh các nơi. Hai nhân vật cao cấp, một quân sự một hành chánh chính trị đại diện VNCH đã trả lời ông Đại sứ Bùi Diễm biện hộ việc chính phủ Quát "không hay biết."

Trong lúc này đã có một báo cáo Tướng Westmoreland bị "xúc động." Chỉ trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau, khoảng 13G00, lực lượng thuộc Tiểu Đoàn 1/3 TQLC Mỹ không vận từ Okinawa tới phi trường Đà Nẵng. Tiểu đoàn 1/3 (Battalion Landing Team 1/3) đổ bộ xuống căn cứ Không quân Đà Nẵng.

Cuộc đón tiếp 2 tiểu đoàn TQLC Mỹ tại bãi Nam Ô mau chóng qua đi. TQLC/HK được các GMC chuyển vận về căn cứ Đà Nẵng. Trên đường đi Chính phủ VNCH cho treo biểu ngữ nhấn mạnh tới VN là "Free World Outpost;" (Tiền đồn chống Cộng) Trong khi đó một Đại Đội thuộc lực lượng đổ bổ xuống những loại vũ khí nặng như Đại Bác 105mm Howitzers; chiến xa M48 cỡ trung lần đầu tiên xuất hiện trên chiến trường, tăng cường sức mạnh bộ binh tác chiến thuộc ĐĐA/3d Tank/9MEB (Marine Expeditionary Brigade); Đại bác không giật 106mm. Lực lượng tác chiến của Mỹ đương nhiên biến thành lực lượng canh gác phòng thủ phi trường Đà Nẵng. Trong tập ghi chép của Trung Tá Philip Capto than phiền, "I scanned the countryside with my binoculars ... but the only sighs of war were our own Phantoms, roaring northward with their bomb racks full." (Tôi nhìn nông thôn qua ống nhòm ... chỉ thấy hình ảnh chiến tranh là máy bay Phantoms của chúng tôi chất đầy bom đạn, gầm thét bay về hướng bắc)

Công cuộc tổ chức phòng thủ căn cứ được thực hiện ngay sau đó. Một ĐĐ/TQLC lên trấn giữ đồi 327 “Hungry I” là tên của Night Club nổi tiếng tại San Francisco. Nhiệm vụ của họ là bảo vệ an ninh khu vực về phía Tây của phi trường; đỉnh Đồi 327 là nơi thiết trí hỏa tiển Hawk. Nhiệm vụ tuần tiễn chống lại sự xâm nhập phá hoại của du kích & đặc công, bảo vệ phi trường Đà Nẵng. Toàn bộ lực lượng Mỹ được đỗ bộ vào khoảng 3.500 người.

Quân đội tác chiến Mỹ thực sự đã có mặt tại VN. Lời yêu cầu giữ bí mật của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 2-3-1965 trong phiên họp Hội đồng An Ninh Quốc Gia "brought ashore in the most inconspicuous way feasible." "Hoàn toàn giữ kín đáo như có thể được, khi đổ bộ,” bỗng nhiên thành câu nói bi hài.

Thực ra đây không phải là những chiến binh Mỹ đầu tiên có mặt trên chiến trường VN; họ đã có mặt tại chiến trường Đông Dương từ chiến tranh Đông Dương I (1945-1954), việc đổ những đơn vị này chỉ là tiếp nổi sự hiện diện của Mỹ từ trước năm 1954. Vào năm 1962 đơn vị trực thăng “Shu-Fly” của SĐ/TQLC/HK đã tham dự vào cuộc hành quân của QLVNCH. Song song với hoạt động Không Quân Mỹ, BTL Quân sự Mỹ đã bí mật phái đến lực lượng người Nhái (SEALs) điều tra tình hình bờ biển VN gồm các tỉnh Quảng Trị, Đà Nẵng, Nha Trang, Quy Nhơn, Vịnh Cam Ranh, Vũng Tàu. Các hoạt động này khởi sự ngày 4-1-1962 do BTL Hạm Đội Thái Bình Dương chỉ huy (CINPAC). Tầu Cook được phái tới thực hiện cùng với toán người Nhái của Mỹ. Điều tra thủy triều, độ dốc bải biển những địa hình địa vật dưới mặt biển vv ... những dữ kiện tối cần thiết chuẩn bị cho hoạt động Hải Quân. Kể hoạch này chấm dứt vào ngày 27-1-1962. Hiện thời Quân Đội Mỹ chưa chính thức tham chiến tại VN; do đó mọi hoạt động còn trong bí mật. Ngay sau đó Mỹ tiến hành huấn luyện lực lượng SEAL/VNCH sau này trở thành Biệt Hải xử dụng cho kế hoạch OPLAN mở rộng chiến tranh VN.

Sự kiện ngày 26-2-1965 chỉ là một dấu mốc lịch sử chứng minh cho chính sách can thiệp quân sự của Mỹ tại Đông Nam Á rõ ràng hơn. Theo tài liệu của Mỹ trước ngày 7-4-1965, Đại Sứ Taylor thảo luận với Thủ Tướng Phan Huy Quát về việc tăng thêm TQLC và đơn vị tiếp vận sang VN. Thủ Tướng Quát đã ủng hộ việc này. Trong khi đó Taylor cũng đặt vấn đề phản ứng nguy hiểm của những nhân vật quốc gia hiện tại; mà ông không nói rõ là ai.

* 7-5-1965 Hội Đồng Quân Lực chính phủ VNCH giải tán ngày 5-5-1965; tới 7-5-1965 do có nhiều lời đồn đại, nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Quân Lực Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố, “sự kiện đã chứng tỏ Chính phủ Dân sự do Thủ Tướng Phan Huy Quát thành lập đã có khả năng điều hành được đất nước; không cần sự hổ trợ của cơ cấu Lập pháp 20 người (HĐQL); ngoài các, nhà lãnh đạo quân sự HĐQL chứng minh không có tham vọng chính trị.”

(còn tiếp)

Trần Nguyên Sơn

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002